SỐ 46 - THÁNG 4 NĂM 2010

 

TẢN ĐÀ
Người thi sĩ của sự lên đường

Buổi diễn thuyết đêm qua tại thánh đường thành phố Sion kéo dài tới 1 giờ rưỡi khuya. Chỉ còn non lưng ngày để thăm Rilke, nên sáng nay tôi từ biệt sớm các bạn hữu trong ban tổ chức lấy xe đi Rarogne. Đường xa 40 cây số. Rarogne là một đoàn thôn nhỏ, nghèo, bốn bề núi cao, nằm trong thung lũng vùng Valais Đức ngữ ở Thụy sĩ. Người đánh xe đưa tôi không biết Rilke là ai, nhưng ở Raron ai cũng biết nấm mồ tường vi thương mến đó. Khi tôi hỏi một mẹ già dưới chân núi, mẹ có biết mộ địa Rilke nằm đâu không ? Mắt bà sáng lên với nụ cười kéo mời vô hạn: Ông phải xuống xe, đi bộ lên ngọn đồi kia. Mộ Rilke nằm ở mặt Nam nhà thờ.

Dốc cheo leo. Con đường nhỏ. Tuyết giăng bốn bề. Núi pha màu biếc, điệp sau cơn mù dựng nên động phủ mang mang vùng quanh thung lũng. Lên tới đỉnh tôi chồn chân nhìn tấm bảng yết : Die Burgkirche wird gegenwärtig reatauriert. Der Besuch der Kirche und des Rilkegrabes ist nicht erwünscht (Nhà thờ làng đang trùng tu. Xin chớ vào thăm giáo đường và phần mộ Rilke). Dù vậy tôi vẫn xăm xăm bước tới. Sau lưng nhà thờ là một nghĩa trang nhỏ chừng hai mươi ngôi mộ. Nhìn khắp không thấy tên Rilke, tôi đi vòng ra mặt Nam. Một thớt đá ong nằm trơ trọi, đầu gác vào tường giáo đường, dưới chân là thung lũng thâm u, bên kia rặng núi vút. Thớt đá ghi RMR – 4 Dez 1875 – 29 Dez 1926, ngày sinh và ngày mất của Rainer Maria Rilke. Trên mộ một vòng hoa æuillet trắng và đỏ đã lợt phai với dòng chữ Hội Những Người Bạn của Rilke. Tôi chào Rilke : một người làm thơ từ phương Nam tới, thăm và ca ngợi Rilke… anh nằm đây ngủ yên không ?... có lạnh lắm không ?... Phương Nam ấm áp nhưng nay còn ngập máu, máu của hàng triệu hoa hồng ! Tôi chợt nhận thấy không có một đóa hồng nào trên mộ Rilke, người thi sĩ của hoa hồng, kể cả câu thơ bất hủ làm bia ký. Bàn tay trái tôi ấp sờ lên đầu mộ gửi lại hơi ấm của một bông hường. Tôi cũng ngứt xin ba chiếc lá bìm bìm trên dây leo quấn nơi đầu mộ, màu lục và sức xuân độc nhất giữa những ngày tuyết băng bên cạnh đá, gạch, bụi ngổn ngang hoang phế.

Sau đấy tôi tiến thẳng vào lòng giáo đường tìm người cai thầu. Xin lỗi ông, tôi từ xa tới, sao mộ Rilke tiêu điều quá ? Ông cai thầu dửng dưng bảo một người thợ dẫn tôi đi. Người thợ đưa tôi ra dãy nhà tôn mới dựng làm kho chứa trên khoảnh đất ở triền đồi, mở khóa mời tôi vào xem bia. Cạnh những chiếc ghế bọc nhung đỏ và đồ từ khí của nhà thờ, một tấm bia màu trứng gà lấm tấm cát thời gian, nét chữ khắc mỏng mịn theo tư thái kiểu Diotima tô sắc vàng Đông phương :

ROSE, OH REINER WIDERSPRUCH
          LUST
       NIEMANDES SCHLAF ZU SEIN
   UNTER SOVIEL
      LIDERN
Trinh nguyên mâu thuẫn
Tường vi
 Dưới mi hoan lạc không hầu giấc ai

Cánh hồng như mi mắt. Hai, ba, bốn, trùng trùng mi mắt nhung khép nên đóa hồng uyên mặc. Những mi ôm niềm Vui của con ngươi không còn nhìn. Vì không còn nhìn nên thôi ngủ, không còn dậy, không còn thức, cũng chẳng còn mê. Và như vậy thì còn ai đây mà ngủ nữa. Niềm Vui vừa giải thoát, hết là cái buồn-vui-thương-nhớ-giận huyên thường, thôi làm sự đóng khép cho giấc ngủ  - chẳng còn ai để ngủ. Sự mâu thuẫn thường nhật đã biến ra niềm mâu thuẫn trinh nguyên của đóa hồng  - Rose, oh reiner Widerspruch. Đóa hồng tự nó đã là niềm bằng an phiếu diễu, thế mà đối chọi với ngày đi tháng lại qua sự giả vờ phù du của cánh. Đóa hồng tự nó đã là thơm anh trinh liệt, thế mà phải đối chọi với thế tục trầm luân qua cái chập chờn huyền ảo của hương bay. Nhưng khi con mắt của thế tục đã khép lại, không nhìn nữa, Niềm Hoan lạc đâu đó nơi vô biên, là đóa Hồng kia, sẽ khép hay mở dười trăm mi mà vẫn không làm giấc ngủ cho ai cả.

Tôi bỗng thương Rilke vô hạn. Thương như thương giấc ngủ êm đềm một em bé ngây thơ hồn hậu. Càng thương càng tự thấy xót xa cho những nhà thơ Việt Nam. Sực nhớ Tản Đà, người dám sống cả cuộc đời cho thơ, bằng thơ, và làm nên thi ca cho suốt 71 năm lâm lụy vừa qua.

Rilke đã nhìn thấy một Thánh đường mọc lên nơi Phương Đông (eine Kirche wo im Osten steht), đã tìm gặp được tâm của mọi điểm tâm quy, cội của tất cả cội nguồn (Mitter aller Mitten, Kern der Kerne) (1), khiến hạnh phúc rụng rơi vào niềm trời chon von hoan lạc. Mộ phần Rilke hôm nay dù điêu tàn theo sự đổ nát của giáo đường thôn Raron, thì nấm mộ đó vẫn là một đóa Hồng tinh tú rung ren chớp ánh trên nỗi ồn buồn âm u của thế tục.

Còn Tản Đà ?
Vị trích tiên sinh thành nơi Thánh đường Phương Đông kia ? Tản Đà chỉ kịp cứu Rilke, nhưng không kịp cứu mình. Tản Đà lo dọn đường cho kẻ khác, giống Bồ Tát Trì Địa trong Saddharmapundarikasūtra, và đã hóa đi trên con đường gồ ghề đó.

Rilke càng trầm đắm uyên tư bao nhiêu thì Tản Đà xông xáo bấy nhiêu. Rilke đi về mái nhà phương Đông, trong khi Tản Đà bỏ Nhà lên đường. Lên đường để dẫn dắc những khách lạc đường trở về.

Suốt cả thi nghiệp và thi sử của Tản Đà biểu lộ qua ý chí nung nấu tìm lại cái tâm đã mất(2).  Trời cũng từng dặn Tản Đà nhớ lo cái tâm đó cho hạ giới  - cái thiên lương. Thế rồi trọn đời người, Tản Đà quyết thanh cao phô trắng một cành mai(3). Vì việc thiên lương, vì một cành mai, vì cái tâm đó mà Tản Đà mắc nạn  - vì cái tâm nên lụy cái hình.

Lên đường bao hàm tìm lại cái tâm đã mất. Tìm lại là khiến mọi sự phải giật mình tỉnh giấc. Tỉnh giấc là sống giữa quê hương. Quê hương là không nơi chốn (vô sở trú), bởi vì quê hương là sự tỉnh giấc (kiến tính). Tất cả chúng ta là những kẻ lưu đày, những kẻ mất quê hương mà không hay biết. Mất quê hương vào giờ nầy lại kinh khiếp hơn bao giờ, vì nó mang trọn nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.

Ý thức mất quê hương, mất cái tâm của mọi điểm tâm quy, mất cái cội của mọi cội nguồn. Ý thức vong tính nầy đã đeo đuổi Tản Đà khiến ông thao thức, ăn ngủ không yên, bồn chồn hỏi bóng, khiến ông thở bằng thơ, nói bằng chèo, đi bằng hồn, chạy bằng khí, gọi bằng tuổi thọ… cốt sao kêu lớn cho cả nước cùng nghe. Ông tìm người đồng chí, chạy quay quắt trên cát băng năm tháng. Song hỡi ôi, đêm tối (4) vẫn dày đặc, đốt đuốc đố ai tìm khắp nước / tìm đâu cho thấy mặt anh hùng(5).  Thời buổi mà trước việc thì họ chỉ ngồi ngó thành bại, sau việc thì họ lựa sóng theo chiều(6); thời buổi mà non xanh nước biếc sang người trắng da(7), khi cảnh cũ đòi phen thay chủ mới / đường xa thêm nỗi suốt đêm thâu(8).

Tình cảnh vong tính truyền kiếp triền miên không còn đâu bi thiết hơn. Cho tới lúc làm thơ trên thiên đình mà người họa điệu không ai khác ngoài Chiêu Quân đánh Tỳ bà, Dương Qúy Phi say rượu múa, và Tây Thi hát(9).  Một thi sĩ và ba giai nhân; một thời đại và ba thời gian chung cùng nơi không gian thế phận của sự vong quốc và vong tính. Buồn nào sâu hơn ? Cảnh nào xót bằng ?

Thế sự được chuyển bằng con mắt trí (prajñā) song đại sự là nghiệp cộng của đông người. Ai là người tri kỷ, ai là người đồng chí của Tản Đà ? Người đồng chí có kích thước của hào khí uyên nguyên hành động và thi ca, chứ không phải là người đồng sự quèn, ngườới đồng khái niệm, đồng nịnh bợ, đồng đảng, hay đồng chịu nhẫn suy tôn. Một con người tri kỷ như vậy, thực chứng mới tạo nỗi ra hình, chứ lý luận kinh viện không cách gì nặn được. Tản Đà đi tìm người tri kỷ như núi Tản và Hắc giang đêm ngày ngóng, chảy : non nước gọi nước non hãy đời đời non nước.

Dung hạnh và thực chứng của một thi hào vượt ra ngoài mọi tầm với của ý thức chủ nghĩa và giai cấp theo lý luận hình thức. Thường ta vẫn muốn bó rọ con người vào tiếng nói, nơi sinh và tập quán họ ; làm vậy ta mong tìm ra những định đề trùng ngẫu cho giải thích phù hợp nào đó. Ta quên sự vượt thức mà bất cứ một người làm văn học nào cũng phải có khi thiên tài phát lộ. Vượt thức chính là sự bùng vỡ một nội tại trầm luân u ám chất chứa tự lâu xa. Một bùng vỡ liên hệ mật thiết tới cuộc chuyển hóa hùng tráng hơn cả cách mạng mà con người vượt thức đem lại cho nhân sinh. Chẳng hạn như con người vượt thức của Bồ tát Quảng Đức. Thật trẻ con nếu ta bắt đầu một thiên cảo luận về thân thế phù du và thế tục chẳng ăn nhập gì đến sự chuyển hóa không ngừng qua từng giây từng giây trên tâm thức người, tâm thức xã hội và thời đại. Chính tri giác sáng lòa khi vượt thức, tiếng sấm đó búng tung thiên tài tới chân trời bình đẳng. Ở đây chân lý và cuộc đời là một.

Để cho chân lý và cuộc đời là một, Tản Đà gọi kêu tri kỷ  - người đồng chí -  cùng bước lên chân trời bình đẳng. Ba lần kêu gọi rúng động núi non trong vòng tám năm trời, tiếng dài bằng gân máu, lời thiết như một kẻ tử tù sắp bị hành quyết : Thư gửi người tình nhân không quen biết ; Thư trách người tình nhân không quen biết ; Thư lại trách người tình nhân không quen biết. Tiếc thay Chu Kiều Oanh còn là tiếng oanh thỏ thẻ, đủ hót bên thềm chưa theo kịp cánh chim bằng chín dặm cao. Chu Kiều Oanh dễ yêu, đáng yêu, kiều nhị như bao người đẹp khác, song tầm thường như bao nhiêu thương, ghét, buồn, vui, đạo đức, lễ nghi, vết mòn… của bao nhiêu đóm hương quyện quanh ngọn đèn hiu hắt, chưa là gió bão tốc dậy mười phương, chưa là sự nung chảy của chín vạn mặt trời, hay cơn mát của ba vạn đóa trăng.

Mình ơi có biết ta đây nhớ mình(10)

Gọi lên bằng hơi gió núi rồi lên đường. Đã nhiều năm ngang dọc, thân vẫn trơ, đường vẫn quạnh. Chúng ta có nên cười cợt người thi sĩ quạnh hiu ? Đương nhiên, chúng ta có thể đưa ra những lời giải đáp sẵn, những phê phán học thuộc lòng, những lý thuyết in thành sách để phán định vì sao Tản Đà cô đơn, vì sao Tản Đà không thành tựu. Thành tựu cái gì ? Tản Đà không là phu sĩ quan đi mộ lính. Tản Đà kêu gọi người tri kỷ, kêu gọi tính trở về, kêu gọi tính hiện ra giữa xã hội vong tính. Tính có đó trong mỗi người, qua mọi vật như dòng điện vô hình lưu nhuận. Song con người đã khuất lấp, chôn vùi tính tự nghìn năm, khiến cho nay đối mặt chẳng sao nhìn thấy. Chung quanh những đá cùng cây / biết người tri kỷ đâu đây mà tìm?(11).  Sao đã mọc cao trên đỉnh hoàng hôn vong tính, không lời đồng vọng, Tản Đà lẽo đẽo nhưng tự tin bước đi, đường xa gánh nặng xế chiều / cơn dông biển lớn mái chèo thuyền nan(12)

Tản Đà trải qua những chặng đường thực chứng dị thường. Không đánh cái nhìn đúng chính vào các xó ngách xa xôi, ẩn bí đó, ta khó hiểu vì sao Tản Đà đã vượt thức, đã thăng hoa toàn bộ nhân sinh ông vào chân bờ trí giác thi ca và hành động.

Những chặng đường nầy bước từ nẻo hào hoa tiền sử vào Liêu Trai ra tịch cốc, thần bí, để rồi hiển mình vào hành thế. Từ buổi thiếu niên phong nhã yêu đương, Tản Đà cũng muốn thành nhân, thi đậu, hưởng an như mọi ông quan nhỏ trong cuộc đời. Thế nhưng Tản Đà quyết đứt với học đường u mê đang biến con người thành tên cảnh binh nô lệ, mặc những ân huệ hiếm hoi mà Vayrac, giám đốc Trường Hậu bổ bấy giờ, dành cho một tên da vàng Annam. Sau đó, vì buồn chán đẩy đưa như thường nhân nói, hay vì dòng sống chồm lên âm ĩ muôn đời, mà Tản Đà vào chùa Tiêu Sơn ở động Hương Tích sống với các nhân vật của Bồ Tùng Linh ? Rồi một đêm Trăng sáng, một đêm rất đỗi ngọc trên chuỗi đêm linh thiêng thông hóa, Tản Đà dựng đàn tế Chiêu Quân. Tế người bị vong quốc. Tế sự vong tính của nhân sinh. Đêm hùng tráng. Trăng mang mang. Gió tư bề lặng. Chòm hương đỏ rực như hỏa diệm, viết chữ khói vào xanh u của đêm những trát lệnh cho vô hình. Bỗng trong sự trầm mặc dị kỳ, trong niềm im lặng vô biên, giữa sự đợi chờ xao xuyến và kinh hãi của muôn cặp mắt thú vật lóe nhìn qua kẽ lá, Tiếng Nói xuất âm. Bài văn tế Chiêu Quân bi thiết, uy dũng cất lên như một tiếng kêu trầm thống, rung rinh sao, gào gọi quê hương chớ quên mất đường về, để gọi sự vong tính chớ tính vong. Con người phải làm lại giấy khai sinh, phải đổi đừng lấy tên Chiêu Quân.

Hán cung nhất biệt
Hồ địa thiên niên
Một đi từ biệt cung vua
Còn về đâu nữa đất Hồ nghìn năm(13)

Tiếng trống của thi hào đã gióng. Người đánh bỗng trầm ngâm. Tản Đà rời Tiêu Sơn tự về ấp Cổ Đằng tịch cốc ba tháng. Ăn toàn rau, ngày một bữa, nhưng lại uống rượu vì hương đào sực nức chốn Dao Trì còn nhờn nhợ nơi tửu vị đâu đây ? Có lần Tản Đà nhịn ăn ba ngày, mong tìm nguồn mạch của hữu cơ và vô cơ. Những lúc đó ông cảm thấy trong bụng hư không, lại một phen say rượu mê ly, thành từ đấy về sau khác hẳn từ đấy về trước. Bụng không biết no, không biết đói, không biết vui, không biết buồn. Chỉ cứ một ngày một bữa rượu, hoặc uống xuông, hoặc ăn một đĩa rau rưa nhỏ con, xong rồi đem chõng ra nằm dưới gốc cây, hoặc là xem những đám mây đi trên giời, con chim bay trên không, xem kết cục đến đâu là hết(14).

Chứng được niềm vô thủy vô chung của trời đất, Tản Đà rời ấp Cổ Đằng, về quê sống những ngày thần bí. Lúc này ông ăn ngày một bữa, nhưng lại ăn toàn thịt hay cá. Đêm thắp 28 ngọn nến (nhị thập bát tú) hay bảy ngọn (thất tinh đàn) để tìm long mạch về Nguồn. Những gì giao cảm trong các đêm linh kia ? Ta chỉ có thể nhìn những ngọn nến nhỏ giọt xuống không gian xán lạn từng vùng đen im lặng mà thôi. Sự im lặng hóa hình và tương dự của sử linh. Những vùng đen to lớn mênh mông trùm quanh thi mệnh một thiên tài. Và trong cơn ngây ngất của dặn dò, nơi nhớ nhung và đợi chờ không phụ tình và đang dằn co níu kéo, một tiếng nổ của phân ly xé cháy tấm áo trăng:  Tản Đà hiện về nguyên vẹn nơi thế phận thường nhật. Ông từ giả quê sang Vĩnh Tường sống với anh là Nguyễn Tái Tích . Cũng từ đó Tản Đà tập ăn cơm(15).

Con đường hành thế mở ra. Tản Đà lấy vợ nơi vùng mà ngày xưa ông sống cõi Liêu Trai. Tản Đà lấy vợ cũng hồn nhiên như nhà tu phát nguyện trọn đời sống độc thân. Thi mệnh của thiên tài không cho đi vào nơi dễ dãi. Sử tính của thi ca là sự lên đường chấp nhận cõi đời như một chuyển hóa lặng câm, chứ không như niềm du ca ngôn ngữ, du ca tư tưởng.

Mang cái nhìn thâm uyên đúng chính về nỗi vong tính của đời người, nên Tản Đà biết rằng phải giải quyết sự vong quốc trước tiên cho thế phận Việt Nam, để từ đây bước lên thang nhìn rõ vào sự vong tính. Nói thế, chứ kỳ thật vong tính hay vong quốc đều biểu thị trạng thái mà chuyển hóa bị cô tịch trong nỗi chập chờn ma quái của du ca.
Tản Đà xuống đường khuấy động sự an bài của nền văn học nô dịch, xuống đường giật vứt những lá cờ xâm lược trên nẻo quê trù phú.

Trên con đường nghìn dặm, khi tới Thuận An, nơi mà ngày xưa hai nghìn quân đóng giữ nay một tên lính trấn hải(16), Tản Đà thốt lên lời thề non nước(17), lời gọi về Nguồn. Bên nầy bờ là sự vong quốc, bên kia bờ vong tính, nhưng con nước sẽ nối liền hai miền thương tổn, kéo dòng ly hương về nơi Nguồn Cội Quê Cao.

Tiếng thơ Tản Đà không gợi về hồn áo não, không kéo đắm vào giấy tờ, trang sách, tơ tưởng, không luồng qua tiếng khóc. Tiếng Thơ của Tản Đà mở thâm tâm vào tương dự với công trình vũ trụ, thở cùng hơi gió nước, nhịp theo điệu núi non, hòa trong hồn linh sinh hoạt. Tiếng Thơ của Tản Đả gọi ra, không gọi vào. Gọi lửa của sức. Gọi thơ của niềm. Gọi cánh cho ngài. Gọi gươm cho múa. Rộng mắt nhìn sơn hải, mà nặng lòng chủng tộc giang san. Trèo lên đỉnh núi Hoành Sơn mà trông quanh ngoài bể trong non, có hơn như phục dưới đèn xanh đọc một thiên luận thuyết tự tôn(18).

Nghĩa thâm hậu của Tống biệt trong vở kịch Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai(19) viết cho ban kịch Thắng Ý của Nguyễn Đình Cao, là Lưu Nguyễn không chịu SỐNG Thiên Thai mà chỉ dừng bước chuyển hóa để NHỚ Thiên Thai. Nhớ là xa. Xa là rời. Rời là chỉ tư tưởng. Tư tưởng mới chỉ là suy về, nhưng chưa về tới, chưa sống thực. Tản Đà xem thường những ai không biết sống, nghĩa là những ai cứ ngờ ngờ trong thực tại như một con đĩa trên dĩa máu. Các động vật trên mặt đất không cứ là con lợn, dẫu to như con voi, dữ như con cọp, đẹp như con công, bay bổng như con diều, cũng gọi là « con » mà không gọi là « thằng » ; duy con người gọi là « thằng ». Thế thì đã gọi là thằng người, phải có một cái hơn con vật. Hoặc là cái đức hay, hoặc là cái việc hay, hoặc câu nói hay. Nếu không có gì cả, mà chỉ từ lúc biết ăn cơm, mỗi năm mỗi lớn lên ; lấy một, hai vợ ; đẻ ba, bốn con ; sống năm, sáu, bảy mươi tuổi, rồi chết, thì nghĩ hơn con lợn kia bao nhiê(20).

Đây là lý do khiến thiên tài Tản Đà bỏ trọn một đời cơ cực, nghèo đói, chua chát, dùng thi ca và ngòi bút tuyên nói cái đức hay, phô cái việc hay và ca những câu nói hay.

Đức của Tản Đà không giản đơn như thứ đức của luân lý hủ nho, của thuyết pháp, của kinh viện. Đức là sự lật đảo thường trực mọi trạng thái nhân sinh đã bị hủ hóa vì thói quen, vì bạo ngược, vì bóc lột, cướp giựt, vì vong tính. Đức là phá vỡ lối nhìn mâu thuẫn của từng cặp tứ cú(21)tả-hữu, không-có, thiện-ác, vân vân. Đức là dấn thân với sự cộng nghiệp tương sinh, chứ không bằng cưỡng bức hay sách động. Đức là hành động. Hành động toàn diện trong cái nhìn, trong cái suy, trong hiện thực. Phong trào Âu hải tự trùng dương vạn lý ập tràn vào cửa bể Thuận An. Cái chánh thể cổ xưa đã pha màu văn minh mới mẻ, mà thân thể của sĩ phu Việt Nam cũng từ trong các khuôn khổ kinh Thánh truyện Hiền mở cạnh góc rộng toang đường xử thế ! Đời có dùng ta hay không, chỗ đó không cần kể ; nếu thật quả mình có tài, có đức, thì tự ta kiếm lấy phương cách mà kinh luân công việc trong thiên hạ. Can chi mà « độc hành » ? Can chi mà “độc thiện” ? Can chi mà “ẩn” ? Can chi mà “tàng” ? Nếu mà “tàng” mà “ẩn chỉ là tự mình không có tài ; “độc thiện” “độc hành” cũng chỉ là không có đạo đức chi chi vậy(22).

Một câu nói lật ngược tất cả thống hệ chính trị và hành động của nền văn học Trung-quốc. Luận ngữ của Mạnh tử với ngữ phong Trung-hoa “thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn” (thiên hạ có đạo thì mình dấn thân, thiên hạ không đạo thì mình ẩn náu) sang tới Tản Đà biến ra thần trí linh hoạt và thực tiễn Việt Nam “Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc hiện” (Thiên hạ có đạo mình dấn thân, thiên hạ không đạo mình cũng liều mình hành động).

Tinh thần sáng tạo và tự cường cao, làm nứt vỡ những vỏ kín ù lì, mệt mỏi của nền văn hóa ngoại lai nô dịch. Tản Đà đã tiên liệu đà cao vút của tộc Việt, chúng ta phải đặt mình sống vào buổi tàn tạ, nguy khiếp của quê hương trong những ngày đầu thế kỷ XX, thì mới chân nhận sự hùng tráng của một thiên tài, trong khi biết bao kẻ khác chưa tới buổi dậy thì. Cứ ý tôi nghĩ ra thì nước An-nam ta sau này, có một ngày bước rộng bay cao, xem với các nước Thái Tây chưa biết sao, cứ như ở phương Á đông ta đây. Thì có lẽ không nhường nước Nhật vậy(23).

Ngày nay nước Nhật đứng vào hàng tiên tiến, ngang với Thái Tây rồi. Tuổi trẻ Việt Nam phải làm gì đây trước sự phá sản của một Tây phương hung bạo, và khỏi phụ lòng người đã khuất ?

Thời vong nô đầu thế kỷ, thời Tản Đà buồn gọi dân hai nhăm triệu ai người lớn / đất bốn nghìn năm vẫn trẻ con(24, thời mà một lũ quan lại, tướng tá cúi qùy thần tiền(25)và bọn da trắng ; thời của con quốc và con chẫu chuộc nơi phong cảnh không khác, tình khác xa(26). Thời đó đã chấm dứt chưa ? Và chúng ta còn ngâm hay đã quên hai câu Ôi Lý Trần Lê đâu mất cả / mà thấy hươu nai đủng đỉnh chơi(27).

TỘI ÁC NGÀY NAY KHÔNG GÌ LỚN HƠN LỢI DỤNG SỰ ÁI QUỐC(28), 71 năm trôi qua, mặt nạ có thay mà người không đổi. Câu “Tội ác ngày nay không gì lớn hơn lợi dụng sự ái quốc” là câu thứ 26 trong tập Nhàn tưởng. Nhàn tưởng không phải là tư tưởng lúc nhàn cư, mà là tưởng tới cái nhàn của con người bất khuất chỉ biết nhàn trong mưu Sự. Nếu thanh niên ngày nay chịu sống bằng máu, bằng não với câu nhàn tưởng thứ 26 nầy, tất tuổi trẻ Việt Nam sẽ dựng dậy sức mạnh kinh hồn bị phung phí xưa nay để lột hết mặt nạ của bọn lãnh tụ hoạt đầu, lột hết cấp hiệu của bọn anh hùng du thực, lột hết áo quần của bọn thầy tu giả hiệu đang mà-thư tuổi trẻ bằng lời dỗ dành ngon ngọt, bằng hoa hồng và gai độc.

Ai làm Nam Bắc phân kỳ
Xót xa hàng lệ đầm đìa tấm thương(29)

Tản Đà hỏi tuổi trẻ Việt Nam như vậy. Hẳn nhiên, chúng ta biết ai là bọn lợi dụng sự ái quốc. Bọn lợi dụng sự ái quốc đang gieo tội ác khắp non sông và thế giới, vì chúng không có quê hương, chúng bị vong tính toàn bộ, quê hương chúng được chúng đem đặt giữa lòng các thủ đô thần tiền và thần chủ nghĩa. Sự vạch mặt chỉ tên hùng tráng nhất là vạch mặt chỉ tên niềm vong tính đang hãm vây tâm thức Việt Nam giữa vòng tay bạch tuộc. Muốn sửa bóng phải chỉnh hình. Văn hóa tuy cần cơm ăn áo mặc. Nhưng áo cơm thôi không làm nên căn nguyên văn hóa.
Căn nguyên văn hóa Việt Nam là gì ?

Đây không là câu hỏi. Đây là sự sống còn. Con người Việt Nam phải được sống, phải sống thì mới làm căn nguyên cho văn hóa Việt Nam. Sống không mù lòa. Mọi lời giải đứng ngoài sự tồn sinh chỉ là lý luận ngoại nhập phá sản. Sống từ Việt mà ra khác với tranh đấu cho Việt Nam sống còn. Bởi mệnh đề thứ hai đẻ ra hàng loạt khái niệm về Việt, và đương nhiên những khái niệm nầy đánh giặc với nhau trước khi cứu viện hay giải nguy cho Việt Nam sống còn. Sống từ Việt Nam mà ra là cuộc trường kỳ chuyển hóa với công lao tương dự của một khối người đã lìa xa nỗi vong tính. Người có mặt trên quê hương không còn dò dẫm tìm hỏi ngưới khuất mặt. Vì kẻ ở xa đã chờ im nơi tâm khảm của mọi trung tâm. Vạn Hạnh, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Không Lộ, Hương Hải, Lãn Ông, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Quang Trung… đều tập hợp về làm lính trơn dưới Ngọn Cờ của Tuổi Trẻ Việt Nam Hôm Nay. Hôm nay đang ở đâu ? Bao giờ mới xuất hiện ? Chính là mối lo của Nguyễn Trãi.

Lúc Tản Đà gặp Nguyễn Trãi ở trang 118 nơi Giấc Mộng Con, ông thấy Nguyễn Trãi vẻ mặt thật là buồn rầu mà ý trầm tư lắm lắm, nên ông vụt miệng nhắc việc Thị Lộ(30).  Không ngờ Tản Đà cũng giẫm phải thói thường của kẻ thế gian sợ Dục(31) nên sinh lòng diệt Ái, luôn canh cánh việc tội lỗi nhị nguyên. Biết Tản Đà mắc nạn hoa đèn, Nguyễn Trãi bèn khai thị : Cái cảm giác của người đọc sử thế nào, thì tôi không biết ; còn như tôi mà buồn, không phải là buồn về sự dĩ vãng của tôi, mà chỉ buồn về vận hội sau này của nước nhà(32).
Ấy chỉ vì là bởi thế gian chưa có phép cân, đo, lường vô hình, cho nên chưa lấy gì chuẩn định cái phải để trỏ cho người ta cái cách ở đời vậy(33).

Chìa khóa mới rèn xong : phép cân, đo, lường VÔ HÌNH để trỏ cho người ta CÁI CÁCH Ở ĐỜI, CÁI CÁCH SỐNG.
Sau này Tản Đà có trước tác gì đi nữa, cũng chỉ nhắm trỏ đầy nắng vào tuyết băng làm tan đi cảnh giá rét tiêu sơ. Thần trí Tản Đà đã đặt cả vào CÁI CÁCH SỐNG ĐỜI ĐÓ. Không sống đời như vậy, còn chi là niềm tự hào dân tộc, còn chi là tính thể uyên nguyên triều lộng ? Không sống đời như vậy, nào khác chi đứa con thơ kia

Bồng bế con thơ bán khắp nơi
Năm hào một đứa trẻ lên sáu
Cha còn sống đó, con mồ côi(34)

Cha còn sống đó con mồ côi. Nỗi niềm bi thiết của sự vong tính. Làm liên tưởng tới muôn nghìn hình ảnh nhan nhản khác trong xã hội với bao thảm cảnh chia xé cuộc đời : Núi rừng đó, đất nước mất ; Chính quyền cùng giống, dân lầm than ; Tình trong kinh sách, duy người khổ ; Tư tưởng thâm sâu, đời sống cạn…
Niềm vong tính ở đâu, ở đó :

Sự chính trị tiến hóa bao nhiêu, sự tham nhũng cũng tiến hóa bấy nhiêu ; sự pháp luật tiến hóa bao nhiêu, sự trộm cướp cũng tiến hóa bấy nhiêu ; sự văn học tiến hóa bao nhiêu, sự xỏ xiên cũng tiến hóa bấy nhiêu ; sự vệ sinh tiến hóa bao nhiêu, sự giết người cũng tiến hóa bấy nhiêu ; sự lễ nghi tiến hóa bao nhiêu, sự tàn bội cũng tiến hóa bấy nhiêu ; sự công nghệ tiến hóa bao nhiêu, sự giả dối cũng tiến hóa bấy nhiêu ; sự thương mại tiến hóa bao nhiêu, sự lừa đảo cũng tiến hóa bấy nhiêu ; sự nông tang tiến hóa bao nhiêu, thì sự dâm đảng cũng tiến hóa bấy nhiêu(35).

Thật quá dễ để điểm chỉ và quy tội cho một chế độ, một giai cấp hầu mong lật nhào toàn diện, khi chưa giải quyết xong sự vong tính là mầm nụ rêu cỏ trong mỗi con người thời đại, trong mỗi lớp lang chủ nghĩa, trong mọi thành ý tôn giáo.

Lạ. Chúng ta nói nhiều tới dân tộc tính, tới tư tưởng Việt Nam. Nhưng mỗi bận như thế chúng ta đều phải cứu cầu vào một tựa điểm ngoại lai, như cáo ngồi đầu cọp. Chúng ta quên im những hồn linh tư tưởng như Tản Đà là một.

Những phát ngôn Tản Đà thể hiện qua Cõi Đời Mới mang uy lực của ngọn sóng thần, của ngọn giáo thọc vào mặt trống vô nhân và vong tính của xã hội ngày nay. Cõi Đời Mới trong Giấc Mộng Con của Tản Đà không chỉ là niềm ước mơ không tưởng của Thomas More nơi đảo Utopia, hay của Tommazo Campanella trên Civitas Solis. Cõi Đời Mới mang ngữ ngôn tố cáo và phê phán hiện trạng có thực, khuyến thỉnh từ khước và lập tâm xây dựng, mà chữ thời thượng gọi là làm cách mạng.  Thực ra, một số cảnh và dữ kiện trong Cõi Đời Mới là sinh hoạt hiện nay trong các Kiboutz ở Do Thái.

Tuy nhiên, chớ đòi hỏi quá nhiều ở một thi hào như Tản Đà. Người thi sĩ dùng trực giác bén nhạy thọc vào thực tại, đối mặt cùng thực tiễn và chuyển hóa linh động dòng sống thương đau của kiếp người. Trực giác khai thị và tiên tri, cần có sự tiếp tay của “người tình nhân không quen biết hay có quen biết”, của “người tri kỷ”, người “đồng chí”.
Bản thân hành động, việc nhỏ việc lớn Tản Đà đều trung thực với sinh phong chuyển hóa liễu đầy thi tính. Trên phương diện văn học mà nói, thì ba cây số người đưa linh cữu về nơi an nghỉ, với hàng tràng bài viết của bao nhiêu nhà văn thuộc mọi giai tầng, thế hệ, khuynh hướng, trường phái, đủ chứng thực cương vị đầu đàn văn học của Tản Đà.

Ảnh hưởng trong ý văn hay sáng tác, chúng ta chỉ cần đọc kỹ cảnh một cô gái 13 với cành tay trắng nõn hái hoa đào trong hai tròng mắt thơ ngây của Tản Đà thơ ấu, hay cảnh kiêu bạc của người lữ khách ra ga Hàng Cỏ mà Tản Đà viết trong tự truyện buổi đầu Thế chiến, chúng ta sẽ nhận ra uy lực kéo theo hàng loạt nhân vật mang cùng tình cảm, ý nhị, dáng vóc, khuôn thước trong gần như toàn bộ các tác phẩm của giới văn thi sĩ lớp sau như Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, vân vân. Nhận xét này khiến ta phải mở mắt nhìn lại khuôn mặt quắc thước, xán lạn đó.

Chỗ khác nhau giữa Tản Đà và một số lớn những người làm văn nghệ lớp sau là sự khác nhau giữa sự lãng mạn tràn đầy thi tính và sự lãng mạn yếu hèn vọng ngoại. Trong khi những thần trí ưu tú nhất của Tây phương, sau cơn chém giết kinh hoàng hàng trăm triệu người qua hai thế chiến, quay về phương Đông cầu cứu, thì một đoàn lớp văn nghệ sĩ Việt Nam lấp Nguồn, phá Mái Nhà Xưa, bán đứng Quê hương như bán đứng mỏ dầu hỏa, hoặc dang rộng vòng tay đón nền văn minh kỹ thuật tàn phá không hồn. Ai đây ra gánh đỡ một vai cho Tản Đà, nhà thi hào ưu tú, kỳ vĩ của tộc Việt, hiện đang chắc lưỡi tự thán

Sự nghiệp nghìn thu xa vút mắt
Tài tình một gánh nặng bên vai(36)

* * *

Bây giờ tôi hiểu vì sao khi đi thăm mộ Rilke tại một làng nhỏ bên Thụy sĩ tôi lại nhớ tới Tản Đà. Và khi tôi viết ở mặt sau tấm bưu thiệp của Rilke mấy chữ cảm hoài

Kinh hoàng
    Hoa nở
       Mắt thâu đêm

tôi lại đề gửi cho TÌNH YÊU và địa chỉ là Thế giới. Trạm bưu điện nhỏ hỏi tôi Thế giới ở đâu, tôi nói vội rồi đi nhanh ra cửa lấy xe : Một tỉnh nhỏ của Á châu.
Dường như khi đang viết mấy chữ cảm khái trên, tôi nghe tiếng Tản Đà ngâm nhỏ

Em về anh nắm lấy tay
Anh dặn câu này em chớ có quên
Con sông đã nặng lời nguyền
Đừng non tay lái cho thuyền lật ngang(37)

Viết để tặng anh Quách Tấn
Thi Vũ
Raron-Sierre-Paris
9-11.3.1971



1.Buddha in der Glorie, RM Rilke, Der Ausgewählten Gedicht, Anderer Teil, trang 72, Insel Verlag
2. Giấc mộng lớn, Tản Đà, Hà Nội 1932
3. Thơ tự vịnh, Tản Đà Vận Văn, Hương Sơn, Hà Nội 1939
4. Đêm tối, Tản Đà Vận Văn, Hương Sơn, Hà Nội 1939
5. Đêm tối, sách đã dẫn (sđd)
6. Ngục trung thư, Phan Bội Châu
7. Viếng Đinh Công Tráng, Tản Đà Vận Văn, Hương Sơn, Hà Nội 1939
8. Khách giang hồ, Tản Đà Vận Văn, Hương Sơn, Hà Nội 1939
9. Giấc mộng lớn, Tản Đà tự truyện, Hà Nội 1932, trang 137
10. Thư trách người tình nhân không quen biết, Tản Đà Vận Văn, Hương Sơn, Hà Nội 1939
11. Vô đề, Tản Đà Vận Văn, sđd
12. Thư lại trách người tình nhân không quen biết, Tản Đà Vận Văn, sđd
13. Bản dịch của Nguyễn Thiện Kế
14Giấc mộng lớn, sđd, trang 24
15. Giấc mộng lớn, sđd
16. Giấc mộng lớn, sđd
17. Thề Non nước, Tản Đà Vận Văn, sđd
18. Giấc mộng lớn, sđd, trang 26
19. Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Tản Đà Vận Văn, sđd
20. Tản Đà Vận Văn, trang 109, Hương Sơn, Hà Nội 1942
21. Xem Đại trí độ luận củaLong Thọ (Mahāprajñāpāramitāsastra, Nāgājuna), hoặc Prasannapadā Madyamakavriti của Kandrakirti
22. Các sĩ phu về bên Hán học trong nước ta buổi này nên như sao đối với thời cục – An-nam tạp chí, số 25
23. Tiền đồ của nước An-nam ta và những đức tính, tình cách của quốc dân ta đối với tiền đồ cần phải có trong thời kỳ hiện đại – An-nam tạp chí, số 1,1930
24. Gửi người tri âm, Tản Đà Vận Văn, sđd
25. Thần tiền, tiểu thuyết, Tản Đà, Hà Nội 1921
26. Con quốc và con chẫu chuộc, Tản Đà Vận Văn, sđd
27. Chơi trại hàng hoa, Tản Đà Vận Văn, sđd
28. Nhàn tưởng, câu thứ 26, Nghị luận, Hương Sơn, Hà Nội 1924
29. Phong thi, Tản Đà Vận Văn, sđd
30. Giấc mộng con, tiểu thuyết, trang 118, Hà Nội 1917
31. Tìm về Henry Miller để đọc Công án của thế kỷ XX, Tiếng Kêu Trầm Thống Trước Sự Tàn Phá Con Người, Võ Văn Ái, trang 481, Lá Bối, Saigon 1968
32. Giấc mộng con, sđd, trang 119
33. Tản Đà Vận Văn, sđd, trang 66-67
34. Khuyên người giúp dân lụt, Tản Đà Vận Văn, sđd
35. Cõi đời mới, Giấc mộng con, sđd, tr.66-67
36. Năm hết hữu cảm, Tản Đà Vận Văn, sđd
37. Tản Đà Vận Văn, sđd

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010