SỐ 47 - THÁNG 7 NĂM 2010

 

ĐOẠN TRƯỜNG HÁT Ô

Phạm Hồng Ân

Sau sáu năm tù phờ phạc ở trại Xuyên Mộc, tôi thất thểu trở về làm phó thường dân nơi một xã hẻo lánh vùng Bến Tre - chỗ chôn nhau cắt rốn của mụ vợ thân yêu. Nói phó thường dân cho oai, chứ thật sự chỉ là thằng tù giam lỏng, đi đâu cũng có kẻ rình người rập bất kể ngày hay đêm. Mỗi tuần, theo chỉ thị, tôi còn phải cuốc bộ gần 5 cây số đường vườn để tới công an xã, khệ nệ trình cuốn sổ tay dày cộm có ghi rõ từng chi tiết sinh hoạt hàng giờ, để báo cáo với tên công an trưởng (dường như chưa một lần cắp sách tới trường).

Ở ấp, tôi vâng lệnh chi bộ ấp như vâng lệnh ông vua, lao động xã hội chủ nghĩa mút mùa, vì sợ phải trở lại trại tù nhai tới nhai lui nắm mì lát chua như bã rượu. Làm nhiều ăn ít, riết rồi tôi co lại như một con tép riu, lom khom như tên tiều phu già nua trước tuổi. Vì vậy, khi có chương trình Hát Ô ban ra, tôi vội vã lên tỉnh, hồi họp dò la ở những nơi chốn có bạn tù. Hồi họp, dò la là điều tất nhiên ở một xã hội theo chế độ cộng sản. Họ thường nói một đàng, nhưng làm một nẻo. Họ bảo các thành phần chế độ cũ trình diện học tập cải tạo một tháng, thì sau khi "gom bi", các thành phần đó ở tù mút chỉ cà tha. Họ bảo lao động là vinh quang, xây dựng xã hội ấm no - thì sau một thời gian cuốc đất trồng khoai, nhân dân chỉ còn trơ lại cái quần tà lỏn.

Khi HO một chuẩn bị lên đường, chúng tôi mới tin đây là một chính sách đúng đắn, do áp lực từ Mỹ. Lúc đó, sở công an tỉnh Bến Tre , ngày nào như ngày nấy, đầy nhóc những người chế độ cũ chen chân nhau để mua hồ sơ xuất cảnh. Hồ sơ xuất cảnh được các tay công an "kinh doanh" một cách tận tình. Giá của một bộ hồ sơ quá đắt, so với túi tiền còm cõi của một tên tù lưu đày vừa mãn hạn. Vậy mà, chúng tôi cố chạy chọt khắp nơi, vay mượn đầu này đầu kia để mong sao sớm thoát khỏi cái chế độ "thầy chạy" này.

Điền đơn, viết hồ sơ...đó là nghề của tôi, dễ ợt như ăn cơm bữa. Nhưng chứng thực hồ sơ mới là chuyện khó. Khó đến nỗi tôi luôn nhớ suốt đời, như  vết thương để lại trên thịt da một vết sẹo hằn sâu. Hồ sơ được luân chuyển đến tay các "đại ca" từ : ấp, đến huyện, rồi qua tỉnh, về thành phố, ngược xuôi ra Bắc..lao đao trôi nổi, lận đận  trăm chiều. Hồ sơ đi tới đâu, tôi phải thiết tha khẩn cầu, ỉ ôi năn nỉ. Nhưng rốt cuộc rồi cũng chẳng qua " đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".

Tôi muốn bắt đầu câu chuyện từ ấp, ấp Phú Ninh, nơi tôi dung thân sau những năm tháng mãn tù. Sau 1975, ấp này có nhiều tay cách mạng ba mươi ra nắm chính quyền. Cách mạng ba mươi là thành phần làm ăn sinh sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ba mươi tháng tư, lúc cộng sản cưỡng chiếm miền nam, thành phần này bỗng trở cờ, ra thờ ma, làm việc cho cộng sản. Trưởng ấp Phú Ninh thuộc thành phần này. Lúc trước, hắn chỉ là một cậu học sinh tầm thường, nương cậy vào nhà chùa để trốn quân dịch. Sau này, vì bọn việt cộng quá dốt nát, một chữ lận lưng cũng không có, nên mới đề cử tên này ra đảm nhận chức ấp trưởng. Vừa thấy tôi cầm xấp hồ sơ lấp ló trước cửa, hắn thao thao lên lớp ngay.

- Giờ này mà anh chưa chịu từ bỏ, dứt khoát với tư tưởng cũ. Anh vẫn tin vào bọn đế quốc Mỹ. Tôi cho anh biết, anh qua bên đó chỉ làm cu-li cho bọn chúng mà thôi. Sức mấy mà cái lon sĩ quan của anh được chúng phục hồi?

Tôi nhẹ nhàng giúi vào tay hắn cây thuốc ba số 5 mà tôi phải vác mía mướn đến “bá thở” mới mua được.

- Luyến tiếc gì nữa ba cái lon lá cà chớn ngày trước làm chi anh. Tôi muốn qua Mỹ vì tương lai thằng con. Qua bển, học hành thành tài, nó trở về phục vụ cho đất nước. Quê hương mình, làm sao bỏ được anh?

Hắn lấy tay xoa xoa hộp thuốc, đổi giọng, cười khì khì:

- Anh nói nghe chí lí, tôi phục đó nha! Thôi, đưa hồ sơ tôi chứng cho. Nhưng nhớ, trước khi lên máy bay, cho anh em chúng tôi một chầu rượu nhe!
- Chuyện nhỏ. Anh giúp tôi, làm sao quên ơn anh được?

Cái cửa đầu tiên trót lọt, tôi vừa mừng thầm, vừa chưởi thề nho nhỏ. Ngày mai, đem hồ sơ lên huyện, tôi phải đạp xe gần 20 cây số tiểu lộ. Nói tiểu lộ để phân biệt với các con lộ có đá, tráng nhựa. Nó chỉ là một con đường đất gập ghềnh. Trời nắng, gặp chiếc  honda nào rồ máy chạy ngang, tôi đành tấp vào lề để hít ba cái bụi bặm đang bay loạn xà ngầu trước mặt. Còn trời mưa, xe đạp không còn cõng mình, mà mình phải cõng xe đạp, lò dò từng bước chân trên con đường sình lầy trơn trợt như thoa mỡ bò. Nhưng dù gian nan cách mấy, sáng sớm, tôi phải quyết định đi. Người ta nói, nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng bỏ nước ra đi, trong thời gian này kia mà! Tôi sắm sẵn một sợi dây lòng thòng, phòng hờ trời mưa, tôi sẽ quàng xe đạp lên vai, an toàn trở về.

Huyện Châu Thành nằm trên con lộ độc đạo, dẫn vô thị xã Bến Tre. Huyện đang xây dựng dở dang. Gạch đá ngổn ngang. Công trình dường như qui mô, lớn rộng. Bên cạnh đó, một dãy nhà dân lụp xụp nghèo nàn, tương phản nhau một cách kỳ cục. Căn nhà lá khang trang  dựng lên, kế bên công trình, tạm thời làm ban trị sự của huyện. Tôi chuẩn bị sẵn thuốc lá, gói ghém cẩn thận để khi cần, lót tay một cách nhẹ nhàng. Nhưng tôi đã vỡ mộng, người tiếp tôi hôm đó là một thiếu nữ tuổi độ tròn trăng. Cô bé có vóc dáng của cô học trò thùy mị. Vóc dáng này, hình ảnh này, trong quá khứ, đối với tôi - rất dễ thuyết phục. Nhưng, tôi lại vỡ mộng thêm lần nữa, khi nghe giọng nói sành đời của cô cứng rắn thốt lên:

- Ông về đi. Cứ để hồ sơ ở đây. Tháng sau tới...sẽ biết tin.

Tôi luống cuống, mân mê hộp thuốc lá cứu tinh, giờ đây đã trở thành vô dụng.

- Xin cô vui lòng chứng sớm giùm. Tháng sau...lâu quá!

Cô bé bỏ viết xuống, nhìn tôi đăm đăm, dường như có hận thù với tôi từ kiếp nào. Xong, cô lạnh lùng nói:

- Lâu hả? Nhiều người còn lâu hơn ông kìa. Có khi họ phải đợi một năm, hai năm...vẫn chưa xong đấy!

Tôi thất vọng, nhưng ráng cố gắng trì hoãn, xuống nước:

- Cô làm ơn giúp giùm. Nhà tôi ở xa, đi lên đi xuống rất khó khăn.

Cô bé bực dọc, hầm hầm đẩy hồ sơ tôi sang một bên:

- Khó khăn quá thì ông cầm hồ sơ về đi. Tôi không có thì giờ.

Tôi tiu nghỉu trở về. Nằm chờ tháng sau, khăn gói lên huyện thêm lần nữa. Lần này, tôi chuẩn bị một phong thư tiền, cẩn thận gói ghém cho có vẻ kín đáo. Người ra tiếp tôi, hôm nay, cũng vẫn cô bé tròn trăng, vóc dáng quê mùa. Chưa kịp chào hỏi, cô bé đã gầm gầm:

- Hồ sơ ông chưa xong. Chủ tịch huyện bận công tác. Tháng sau tới gặp.

Tôi chán nản, định xổ một tràng cho bớt tức tối. Nhưng tôi kịp nén lại, nở nụ cười duyên gượng gạo với cô bé.

- Tôi có chút quà cáp tặng cô. Xin cô vui lòng nhận và giúp giùm.

Phong thư đặt nhẹ nhàng lên bàn, và nhẹ nhàng hơn nữa là ngăn tủ được kéo ra cho phong thư rớt xuống một cách êm đềm. Hành động này rất nhanh nhẹn và điêu luyện, chứng tỏ người nhận rất quen thuộc với trường hợp này.

- Được rồi. Ông ngồi chờ chút. Tôi lên gặp phó chủ tịch, xem hồ sơ của ông đã ký xong chưa?

Tôi đặt đít xuống ghế, nhấp nha nhấp nhổm gần cả tiếng đồng hồ, mới thấy cô bé yểu điệu bước ra.

- Ông hên lắm! Hồ sơ đã ký rồi. Lên tỉnh ngày hôm nay đi. Nộp luôn cho xong.

Thế là hồ sơ xuất cảnh của tôi được lên tỉnh. Và không biết nó chu du đến nơi nào mà cả một năm sau...vẫn bặt vô âm tín. Buồn tình, tôi đi tìm các bạn tù hỏi ý kiến. Thì ra các HO phải lên Sài Gòn mướn dịch vụ xuất cảnh, cũng do công an việt cộng quản lý và kinh doanh. Tôi chạy ngược chạy xuôi vay mượn thêm 2 chỉ vàng, vội vã lên Sài Gòn tìm kiếm dịch vụ. Dịch vụ nằm trong một ngôi nhà to lớn, thênh thang những hàng ghế lớn nhỏ dành cho khách ngồi đợi chờ. Tôi chen vào đám đông, định tiến tới phía trước tìm người hỏi thăm, thì có một bàn tay nắm vai tôi kéo ngược lại. Tôi ngó xuống bàn tay. Cánh tay liễu yếu đào tơ của một cô gái có chút nhan sắc.

- Anh ra ngoài này, em có chuyện muốn nói với anh.
- Chuyện gì? Tôi phải vào lo dịch vụ. Còn về Bến Tre nữa, kẻo trễ xe.

Cô gái nũng nịu:

- Ít phút thôi! Làm ơn giúp em!

Tôi ra ngoài với cô gái. Ánh nắng ban trưa nhấp nha làm đôi má cô gái hồng lên, một cách gợi cảm.

- Em muốn ghép hồ sơ với anh. Qua Mỹ, chúng mình sẽ thanh toán sòng phẳng.

Tôi ngắm cô gái từ đầu đến chân, rồi cuối cùng chối từ, nhưng trong lòng thật tình rất tiên tiếc.

- Xin lỗi, tôi còn vợ con. Vô phương giúp cô được.

Nhờ 2 chỉ vàng, hồ sơ xuất cảnh của tôi được hoàn tất một cách nhanh chóng. Gia đình tôi thuộc HO 20 và khoảng tháng sau sẽ có Hộ Chiếu. Tôi trở về căn chòi xiêu vẹo, nằm mơ tưởng đến tương lai diệu vợi. Rồi đây vợ tôi sẽ không còn cảnh lội ruộng, móc mương. Con tôi sẽ ung dung cắp sách đến trường, miệt mài cho đến khi thành đạt. Tôi sẽ an hưởng thanh nhàn, bù lại những năm tháng tuổi trẻ bất hạnh trong chiến tranh và lao tù. Nhưng khi cầm sổ hộ chiếu trên tay, tôi lại phải đối đầu với những gian nan gai góc khác.

Muốn định cư ở Mỹ, gia đình HO phải trải qua hai giai đoạn : sơ vấn và phỏng vấn. Giai đoạn sơ vấn là giai đoạn gặp công an việt cộng để khai báo quá khứ và thiết lập hồ sơ, xong rồi , đưa qua phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Khi gặp phái đoàn Mỹ, số phận HO mới được định đoạt.

Ngày sơ vấn, tôi đeo xe đò lên Sài Gòn trước một ngày, để hôm sau đi thẳng đến chỗ xuất cảnh sớm nhất. Như lần trước, tôi chuẩn bị một số phong thư. Thằng em út của tôi nhìn thấy, liền kề tai  nói nho nhỏ:

- Tụi công an ăn hối lộ nhiều quá, tai tiếng tùm lum. Nên lúc này, cấp trên tụi nó ra lệnh thi hành chính sách trong-sạch-hóa. Anh coi chừng việc đi Mỹ của anh có thể bị trở ngại, vì tụi nó đang thi hành chính sách này một cách nghiêm chỉnh.

Quả đúng như lời thằng em nói, chỗ xuất cảnh thênh thang, bốn bức tường chung quanh đều treo đỏ các khẩu hiệu bề thế, đại loại như: chống hối lộ, trong sạch hàng ngũ, đạo đức cách mạng, noi gương theo bác Hồ....Tôi xé vội các phong thư, rồi xếp hàng nghiêm chỉnh, đàng hoàng như các khẩu hiệu treo trên tường.

Ngồi từ sáng sớm đến gần xế chiều chờ đợi, tên tôi vẫn chưa nghe gọi lên. Ồ! Thật lạ quá! Tôi là người ghi danh đầu tiên kia mà. Sáng tờ mờ, tôi đã đến đây trước, lúc cánh cổng chỗ xuất cảnh chưa mở kia mà. Nóng lòng, tôi đi tới đi lui, đi xuôi đi ngược. Cuối cùng, tôi chạy vội đến tên công an ngồi ghi danh trước cổng:

- Anh ơi! Tôi là người đến đây đầu tiên, sao mãi tới bây giờ vẫn chưa được gọi tên?

Tên công an cộc lốc:

- Cứ ngồi chờ đi.

Có một người bạn tù thấy vậy, khều tôi ra ngoài hành lang:

- Anh có "lót tay" cho tụi nó chưa?
- Hả? Anh không thấy những khẩu hiệu to bề bề trên tường sao?

Người bạn tù lắc đầu:

- Anh ngây thơ quá! Nó nói vậy mà không phải vậy. Anh phải hiểu ngược lại chứ!

Tôi chạy vội vào nhà vệ sinh, sau khi xin người bạn tù tốt bụng vài mảnh phong bì. Rồi, tôi lại chạy vội về phía tên công an gác cổng. Vài phút sau, tên tôi được gọi lên ngay.

Cuộc sơ vấn cũng vậy, y chang như những lần gặp gỡ trước. Cũng phong bì đặt nhẹ nhàng trên bàn. Cũng ngăn tủ được kéo ra, phong bì thong dong rớt xuống. Cuộc phỏng vấn của phái đoàn Mỹ thì khỏi cần lo, vì gia đình tôi có đủ giấy tờ chứng minh một cách hợp lệ.

Được phái đoàn Mỹ chấp thuận, gia đình tôi rất mừng, mừng đến rưng rưng nước mắt. Nhưng công an việt cộng vẫn chưa chịu tha, họ bắt buộc chúng tôi xác nhận một số giấy tờ, và lại tiếp tục đi lòng vòng để xin chữ ký từng người. Trước khi rời Việt Nam, gia đình tôi phải hoàn tất cấp tốc các đơn từ  khôi hài như sau: Đơn xin xác nhận không thiếu nợ của nhân dân ở địa phương, chứng chỉ hợp lệ tình trạng thuế vụ, chứng nhận về nhà ở của người đi nước ngoài, giấy xác nhận không thiếu nợ ngân hàng thuộc chế độ cũ trong phạm vi tỉnh Bến Tre, giấy xác nhận đã trả thuế đất và thuế nhà năm 1973...

Năm 1982, khi thả ra từ trại tù Xuyên Mộc, tôi về quê vợ đốn cây sua đũa làm cột kèo, chẻ tre và cau làm nẹp, dựng tạm một căn chòi cho gia đình tôi dung thân. Buồn cười thay, lúc được phái đoàn Mỹ chấp thuận, căn chòi này đã xiêu vẹo mục nát, sắp sửa đổ lăn ra. Tôi có làm đơn xin dỡ chòi, nhưng chính quyền địa phương không cho phép, họ bảo phải định giá căn chòi để đóng thuế nhà. Và muốn hợp pháp, tôi phải làm đơn xin tặng căn chòi mục nát cho ông anh vợ, trước khi ra đi.

10 năm ở quê vợ, tôi đã miệt mài biến những mảnh đất hoang vu đầy lùm bụi thành những miếng vườn phì nhiêu, cây trái xum xuê. Cảm tạ công lao đó, ông anh vợ đã đền bồi cho gia đình tôi 3 cây vàng làm vốn về xứ người. Ngày ra đi, tôi trích 5 chỉ để trả tiền dịch vụ sắp xếp chuyến bay, và sắm một số hành lý cho vợ và con. Còn lại, tôi gói ghém tất cả cho vào túi xách tay, mang theo bên người. Từ Phú Ninh (quê vợ), gia đình tôi phải đi nhiều chặng đường, mới lên tới Sài Gòn. Bôn ba qua vài ải, từ tàu đò, đến xe khách, rồi xe lam...khi đặt chân tới Tân Định, mới hay túi xách tay bị kẻ gian rọc rách, và cuỗm mất toàn bộ tài sản của tôi. Đau quá, tôi định đi báo công an, nhưng nghĩ lại, sáng mai sẽ lên máy bay rồi. Đành nuốt lệ, tự an ủi: của mất thay người vậy.

Vào đến phi trường, ngồi ngay tận cổng để chờ giờ lên máy bay, gia đình tôi cũng vẫn chưa yên ổn. Tên công an lảng vảng phía sau, theo tôi bén gót. Hắn ngoắc tôi ra ngoài hành lang, lạnh lùng nói:

- Này, còn bao nhiêu tiền móc hết ra đi. Qua Mỹ rồi, tiền việt nam chỉ có nước vứt đi.

Tôi gom mớ tiền tống khứ cho hắn, như tống khứ tất cả vận xui ra khỏi cuộc đời mình. Cám ơn Thượng Đế. Cám ơn cuộc đời. Cám ơn tấm lòng nhân hậu của các vị hảo tâm. 17 năm qua, nơi xứ người, từ bàn tay trắng lao lung, gia đình tôi đã có nghề nghiệp vững chắc. Những đứa cháu nội xinh đẹp, khôn ngoan lần lượt ra đời. Những niềm vui tràn trề xuất hiện xua tan đi những nỗi đau thống thiết của quá khứ bất hạnh.

HO chỉ là danh sách, chỉ là ngôn từ do việt cộng đặt ra để nói đến diện tù nhân chính trị. Nhưng HO là một nhân chứng, một biến động lịch sử to lớn xảy ra năm 1975. Có HO, dùng danh từ HO, người ta mới phân biệt được tù nhân chính trị thuộc giai đoạn nào trong lịch sử. Từ đó, về sau, khi lật lại từng trang sử Việt, thế giới và hậu duệ chúng ta mới xác nhận được ngày 30 tháng tư năm 1975, chính là ngày quốc hận của Việt Nam Cộng Hòa.

PHẠM HỒNG ÂN
(Escondido, 15/05/2010)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010