SỐ 47 - THÁNG 7 NĂM 2010

 

Huyền Trân

          “ Rừng hoang vu – Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
            Ngàn gió ru – Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù
Qua: “  Người xưa đâu? Mà tháp nghiêng cao đứng như buồn rầu
            Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu

Đó là đoạn mở đầu ca khúc “ Hận Đồ Bàn “ của nhạc sỹ Xuân Tiên. Bài hát này đã vẽ cho ta hình ảnh, dấu tích của thành Đồ Bàn ngày nay trong bóng chiều tàn tạ. Từng ngôi tháp Chăm cổ điêu tàn, hiu quạnh theo dòng thời gian. Rồi cũng cùng một nhịp điệu, đoạn thứ hai của bài hát gợi lại sự rực rỡ, sống động của dân tộc Chăm, của thành Đồ Bàn thời hoàng kim trong ký ức:

          “ Về kinh đô – Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù
             Triền sóng xô – Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ
Đến:  “ Tiệc liên hoan – Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
             Dạ yến ban – Cung nữ dâng lên khúc ca về Chàm “

Để rồi thì: “ Tháng năm buồn ngân, âm thầm bài hận vong quốc ca “ và “ Mộng kia dẫu tan, cuốn theo thời gian, nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non “ - Số phận dân Chăm: Chỉ còn hai cộng đồng nhân chủng, khoảng trên bốn trăm ngàn người xuất thân từ dân tộc Champa thời trước, bên cạnh di tích của những tháp Chăm còn sót lại, rải rác từ Quảng Nam tới Phan Rang, Phan Thiết, trong nhiều thế kỷ là nơi để những thế hệ người Chăm tìm về bái vọng tổ tiên, không khỏi khơi trong lòng ta những ngậm ngùi.

Những nỗi niềm ngậm ngùi, cảm xúc, u hoài về sự vong quốc của nước Chăm, qua hình ảnh những tháp Chăm cô độc, câm nín, đặc biệt trong thi ca Việt Nam, được thể hiện qua tập thơ “ Điêu tàn “ của thi sỹ Chế Lan Viên, sáng tác lúc tác giả mười sáu tuổi, một người Việt trăm phần trăm, nhưng lớn lên giữa cảnh điêu tàn, tang thương của những phế tích ở Bình Định, mà tâm hồn nhạy cảm của ông đã xúc động, cất lên thành vần điệu:

Quả đất chuyển đây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi hư vô
Tháng ngày qua gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ - (Những sợi tơ lòng)

Khi đề cập đến tháp Chăm, chúng ta sẽ có rất nhiều điều để đề cập như: Địa điểm, nguồn gốc lịch sử, kỹ thuật xây dựng ... rất nhiều chi tiết, nên trong giới hạn bài này, chỉ xin tóm lược mà thôi. Di tích những tháp còn lưu lại hôm nay, đã bị thời gian tàn phá, phần nhiều được xây dựng theo lối kiến trúc Ấn Độ (ngoại trừ tháp Đôi) gồm một tháp chính (kalan) và nhiều ngôi tháp nhỏ. Tháp thường chỉ có một cửa ra vào ở hướng Đông, còn ba mặt kia là giả, tạc hình tượng thần hay vũ nữ. Trong lòng tháp cũng có những tượng thần, tượng vua, phù điêu và các bộ Linga-Yoni, tượng trưng cho âm dương, nam nữ.

Người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Tháp Chăm được xây dựng bằng những viên gạch sấy khô, chạm khắc rồi nung đỏ, còn giữ nguyên màu qua thời gian, chồng lên nhau, xếp khít vào nhau, mà không có dấu tích gì của vôi vữa, hay vật liệu nào tương tự để kết dính vào nhau như kỹ thuật xây cất ngày nay.

Hoàng hôn tím
Tháp Chàm lặng lẽ
Gạch đá âm thầm
Trầm mặc kiếp đa đoan
Bao tâm sự
Xói mòn theo mưa nắng
Bao ưu tư
Phai nhạt với thời gian
Bóng chiều nghiêng
Loang lổ muộn phiền – Mai Thanh Hải

Ta có thể kể từ tháp Đôi / tháp Hưng Thạnh, tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít / tháp Bạc / tháp Tri Thiện / tháp Thiện Mẫu/ tháp Thổ sơn thuộc quận Trung Phước; Qua tháp Thủ Thiện / tháp Đất, tháp Dương Long / tháp Ngà / tháp Vân Thường / tháp An Chánh / tháp Ba Chia thuộc quận Bình Khê; Đến tháp Phúc Lộc / tháp Phốc Lốc / tháp Vàng và tháp Cánh Tiên / tháp Đồng thuộc quận An Nhơn.

Tháp Cánh Tiên, cao gần 20m, được xây vào đầu thế kỷ XII, còn gọi là tháp Ô Tiên hay Tiên Dực, vì ở bốn góc là hình của những đôi cánh tiên, là một ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn của một khu vực gồm nhiều tháp cổ, thuộc khu kinh thành cũ Vijaya, nay thuộc địa phận hai thôn Nam Tân và Bắc Thuận, xã Nhơn Hậu và thôn Bả Canh, thị trấn Đập Đá, quận An Nhơn, gần sát quốc lộ 1, cách thành phố Quy Nhơn chừng 27 km về phía Tây Bắc.

Ta lại về thăm tháp Cánh Tiên
Long lanh nắng xuống, bóng sương chìm
Cánh chim nào động trời hoang dã
Mà chiều Bình Định gió như im – Thanh Trắc Nguyễn Văn

THÀNH ĐỒ BÀN

Kinh đô Vijaya, còn tên là Phật Thệ, Đại Châu, hay được phiên âm thành Chà Bàn, Trà Bàn hay Đồ Bàn, dân gian quen gọi là thành Lồi. Thành được xây từ cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI, và tồn tại đến thế kỷ XV. Ở thời kỳ vàng son, kinh thành Vijaya nguy nga, tráng lệ, là đế đô của vương quốc Champa, phát triển và phồn thịnh mãi đến năm 1471.   Theo sử cũ:
“ Thành xưa vuông, xây bằng gạch, mỗi bề dài một dặm. Có bốn cửa, trong có điện, có tháp. Điện đã đổ, tháp còn một, hai tòa, còn gọi là tháp Con Gái “- (Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư), mà dấu xưa của nó ẩn dưới lớp thành Hoàng Đế, nơi mà năm 1776, Nguyễn Nhạc đã “ Nhân đất cũ của Chiêm Thành, sửa đắp thành Đồ Bàn, đào lấy đá xây dựng thành lũy, mở rộng cung điện “ - (Lê Quý Đôn Dật Sử)”

Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành – Chế Lan Viên

Bao thăng trầm của lịch sử đã diễn ra trên vùng đất này – Công cuộc Nam tiến không ngừng của người Việt mà đất đai Chăm bị thôn tính, quốc gia Chăm bị xóa bỏ, nền văn hóa Chăm bị mai một.

Bắt đầu từ năm 1069, nhà Lý từ thời vua Lý thánh Tôn, với tướng Lý Thường Kiệt, đánh thắng Chiêm Thành, vượt Hoành sơn, mở mang bờ cõi đến Quảng Bình, gồm ba châu:  Bố Chánh (Hà Tĩnh- Bắc Quảng Bình), Địa Lý (Trung và Nam Quảng Bình), Ma Linh (Bắc Quảng Trị).

Năm 1306, nhà Trần đời vua Trần Anh Tôn, gã em gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân, đổi về hai châu Ô (Nam Quảng Trị- Bắc Thừa Thiên, là Thuận châu), Rí (Nam Thừa Thiên- Bắc Quảng Nam, là Hóa châu).
Năm 1470, nhà Lê đời vua Lê Thánh Tôn, thân chinh đánh chiếm thành Đồ Bàn, mở rộng đất đai đến Quy Nhơn. Xứ Chiêm Thành sau đó suy yếu hẳn đi. Dần dần, những phần đất còn lại của họ lần lượt rơi vào tay Việt Nam.

Năm 1693, lấy cớ vua Chiêm là Bà Tranh không chịu tiến cống, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu cho đánh lấy Chiêm Thành, bắt dân chúng thay đổi tập tục và y phục như người Nam - Vương quốc Champa vĩnh viễn biến mất từ đấy!

Giọt nắng Chiêm Thành
Ướt mưa Ô Lý
Sóng Bồng Nga ngân cát lệ Huyền Trân
Đồ Bàn hưng phế bao lần
Gái ngoan xứ Bắc cung tần những ai
Rượu Bàu Đá linh loang đầm Thị Nại
Voi chéo ngà ngây dại bước vu quy
Chung một chén cũng vì non nước ấy – Trương Thị Kim Dung

Bài thơ trên nhắc đến hai nhân vật nổi tiếng lịch sử trong quan hệ Chiêm Việt thời nhà Trần là Chế Bồng Nga và Huyền Trân công chúa.

* Chế Bồng Nga (Che Bonguar/ Po Binasor hay Po Bhinethour), là niên hiệu của vị vua thuộc vương triều thứ 12 nước Champa (Sau năm 877, nhà Đường Trung Hoa gọi xứ Champa là Chiêm Thành quốc). Trong thời kỳ này, vương quốc Champa rất là hùng mạnh. Trong vòng ba mươi năm (1360 -1390), Chế Bồng Nga đã thu hồi lại được những vùng đất bị mất, quân Chăm đã ba lần đánh vào Thăng Long. Đến năm 1390, lúc đang tiến vào Thăng Long lần thứ tư, bị nội phản, Chế Bồng Nga tử trận, chấm dứt trang hùng sử của đất nước Champa: Nhà Trần lấy lại những vùng đất đã mất, vương quốc Champa xuống dốc để từ đó lãnh thổ ngày càng bị thu hẹp.

Châu Vijaya
Chế Bồng Nga
tan hợp
thần Sarasvati
mềm …
muốn khóc – Mai Thìn

* Huyền Trân công chúa đã khiến hậu thế, bao đời sau, bao người sau giành nhiều giấy mực, chữ nghĩa cho nàng vì xót thương cảnh ngộ:
” Rằng bảy trăm trước, có một con gái xứ Bắc đã chịu “ đắng cay muôn phần “, vì nước quên thân, để đưa về cho Đại Việt “ hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm “, khi cất bước xuất giá về Chiêm quốc. Huyền Trân công chúa đã đi vào lịch sử, vào lòng người đất Huế. Suốt bảy trăm năm qua, người dân của vùng đất này chưa bao giờ quên nàng. Sau nàng, bao lớp người Việt đã tiếp bước nhau trên con đường Nam tiến ấy, lấy Thuận Hóa làm căn cứ, đưa văn hóa Việt về phương Nam “- (Cuộc hành trình bảy trăm năm / Netcodo)

Bảy trăm năm những mùa trăng ly tán
Sông nước Chàm miền châu Rí, châu Ô
...Ngày Chiêm quốc, đêm mơ về bến Việt
Mắt Huyền Trân còn đẫm lệ Khắc Chung
Điệu ca Hời đòi đoạn nao lòng
Sên phách gõ nhịp Nam Bình kể lể à-
Trần Kiêm Đoàn
(Hời là cách đọc trại đi từ chữ H'Roi, tên một bộ lạc sống trên vùng núi phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, họ là người Champa, di cư lên Tây nguyên tránh loạn, rồi định cư luôn ở đó)

Tại Huế, thủ phủ của đất Thuận Hóa xưa, đến nay còn lưu truyền hai khúc Ca Huế, điệu Nam nhớ về nàng công chúa của thời Trần Đông A. Một bài Nam Ai: Huyền Trân  công chúa của tác giả Hàn Phương, một bài Nam Bình: Nước non ngàn dặm ra đi ???
(Ca Huế là những điệu hát hình thành từ thời đầu nhà Lý, trên căn bản âm nhạc Việt, tiếp thu một số làn điệu Chăm và Trung Hoa mà phát triển nên. Nam Ai, Nam Bình, Nam Xuân, Tứ Đại Cảnh, Đảo Ngũ Cung … là các bài điệu Nam, còn gọi điệu Ai trong Ca Huế, mang tính chất sầu thảm, bi thương, chịu ảnh hưởng của làn điệu Chăm sâu thẳm)

Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô Ly
Đắng cay vì độ xuân thì
Độ xuân thì
Số lao đao
Hay là nợ duyên gì ?

Từ nhiều thế kỷ, Thuận Hóa là vùng đất tranh chấp của hai dân tộc Việt Chăm. Sau đám cưới của Huyền Trân công chúa năm 1306, người Việt tiến sâu vào lãnh thổ và văn hóa Chăm, đẩy người Chăm ra khỏi đất gốc của họ.

Những thế hệ di dân đầu tiên vào chiếm lĩnh châu Hóa xuất phát từ Nghệ An và Hà Tĩnh, và đợt sau với chúa Nguyễn Hoàng là từ Thanh Hóa. Từ cội rễ Thanh- Nghệ- Tĩnh, trong quá trình khai phá đất mới, cũng đồng thời với quá trình xây dựng một bản sắc văn hóa nghệ thuật mới: Xuất hiện một hệ thống các quan niệm nhân văn biểu hiện qua các khát vọng, tinh thần, tập quán … tạo thành tính cách Huế - Người ta gọi vùng đất Thuận Hóa xưa là xứ Huế, nay bao gồm Quảng Trị và Thừa Thiên, để phân biệt với xứ Nghệ ở phía Bắc đèo Ngang, và xứ Quảng ở phía Nam đèo Hải Vân.
“ Sứ mạng của Huyền Trân công chúa ở đây đặc biệt cao cả, nhất là trong việc giải quyết một “ nút thắt “ cho sinh lộ độc đạo của người Việt “ Nam tiến “, để giải quyết vấn đề nhân mãn từ cái nôi châu thổ Bắc bộ. Quá trình đó diễn ra đồng thời với quá trình suy yếu của các tiểu quốc Champa trên dải đất miền Trung, theo chiều từ Bắc vào Nam “-
(Món quà sính lễ của cuộc hôn nhân lịch sử 1306 / Netcodo)

Bởi Huế có mưa dầm rét bấc
Ngọn gió Lào quất mặt đến rát da
Dòng Hương xanh biếc hiền hòa
Quyện mãi Huế bài ca thời mở đất
Quên sao được mối tình Huyền Trân công chúa đánh mất
Đổi lấy hai châu!
Ngày nay con cháu mới thấy nét nhiệm mầu
” Mỹ nhân hơn binh hùng tướng mạnh “ - Dzạ Lữ Kiều

“ Có lẽ người Huế đã biết hoài niệm từ khi cơn mưa đầu tiên đổ xuống vùng đất Huyền Trân mịt mù cổ tích này. Cơn mưa nhỏ trong ngày chia ly, đưa gót cô gái mười sáu tuổi đi lanh đanh giữa đời. Mười sáu tuổi, liệu nàng công chúa bé bỏng có khóc như cơn mưa ngày nọ đã tiễn mình không ? Chỉ biết rằng mấy trăm năm sau, khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống đất Huế, tôi và bạn bè vẫn còn nhớ đến nàng. Nhớ như một sự thông cảm, một niềm tri ân Đại Việt, khi mà sứ mệnh giao phó cho nàng mở mang bờ cõi “ – Nguyễn Xuân Hoàng

 Hôm nay là xuân, mai còn xuân
Phất phới mưa sa nhớ cố nhân
Phận gái ví theo lề ép uổng
Đã về Chiêm quốc như Huyền Trân – Nguyễn Bính

Để tưởng nhớ, để ghi nhận và để tôn vinh công ơn của Huyền Trân công chúa, ngày nay ở Huế đã xây dựng một đền thờ để thờ nàng tại núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (thuộc khu vực Chín Hầm, sau vùng nghĩa trang thành phố Huế), khu vực này được gọi là trung tâm văn hóa Huyền Trân. Những người Huế, những người yêu Huế còn đề xướng lên phong trào xây dựng tượng đài kỷ niệm nàng hoặc ở bên bờ sông Hương, hoặc trên đồi Vọng Cảnh.

Nhiều làng, chùa thờ nàng ở miền Bắc như Yên Tử / Hoàng Bồ / Quảng Ninh; Gia Viễn / Ninh Bình / Nam ĐinhàMột miếu thờ công chúa tại Quảng Trị ở xóm Chùa, thôn Kim Đâu, xã Cam An, Cam Lộ, đoạn quốc lộ 1 giao với quốc lộ 9 ở cây số 12, chạy vào chợ phiên Cam Lộ, qua ngã ba cầu Duồi. Còn có một đảo nhỏ mang tên Huyền Trân, ở ngoài khơi cửa Tư Hiền, ven biển Thừa Thiên / Huế, được nhắc đến qua bài thơ “ Tích vũ Huyền Trân “ của Ngô Thời Nhiệm:

Huyền Trân sái tận u sầu lệ
Hóa tác xuân mai dạ vũ thanh
Tòng quốc quả thành cừu phấn đại
Di phu vô phận mỗi cư hành
Nhị châu sính vật công thiên cổ
Vạn lý giai nhân ngộ nhất sinh
Oán hận ưng tùy triều thủy trướng
Giang thôn tích lịch tố hoàn canh

( Công chúa Huyền Trân tuôn lệ hận
Đêm xuân hóa những trận mưa sầu
Nước nhà tình nhạt thù son phấn
Chồng vợ duyên hèn tuổi ngọc châu
Sính lễ hai châu ngàn thuở hưởng
Giai nhân muôn dặm một đời đau
Oán hờn theo với cơn trào dậy
Xóm bến đêm đêm lã chã rào – Nguyễn Văn Bách)

Trước đây, ngoài con đường mang tên Huyền Trân ở thành phố Huế, các thành phố khác như Saigon, Đà Nẵng, Quảng Trị à đã  lấy tên công chúa đặt cho những con đường. Lúc đó, đường Huyền Trân công chúa ở Huế, từ ga Huế, hay đúng hơn là từ Cầu Lòn chạy dọc theo sông Hương theo hướng Tây, cách bờ hữu ngạn chừng 100 m, chia làm hai phần: Từ Cầu Lòn đến Cống Trắng, từ Cống Trắng đến chợ Long Thọ, kế đó là Phường Đúc (nơi sản xuất đồ đồng), có bến đò ngang Kim Long cho khách qua sông Hương.

Theo địa lý hành chánh bây giờ, đường Huyền Trân công chúa nằm ở Phường Đúc, bắt đầu từ đường Bùi Thị Xuân, vắt qua Thành Lồi, đi giữa đồi núi nhấp nhô Tây Nam, và kết thúc ở đường Lê Ngô Cát, đi thêm chút nữa đến đồi Vọng Cảnh. Con đường này nối khu du lịch lăng Tự Đức với đồi Vọng Cảnh.
Ngày nay, con đường mang tên công chúa ở Hanoi bị xóa bỏ, ở Saigon cũng còn là con đường ở phía Tây Nam, mặt sau dinh Độc Lập (hội trường Thống Nhất).

Như vệt nắng chiều nghiêng cổ miếu
Áo Huyền Trân nhòa khuất hiên đời
Mưa có nhớ đôi bờ Thương Bạc
Dòng Hương giang mờ mịt cuốn trôi – Thái Tú Hạp

Sử lại chép rằng một năm sau khi sanh xong hoàng tử Chế Da Đa, tháng 6/1307, vua Chế Mân băng hà, hoàng hậu phải hỏa thiêu chết theo. Được tin ấy, vua Trần Anh Tôn cho tướng Trần Khắc Chung và An Phủ Sứ Đặng Vân Thành sang Chiêm, tìm cách cứu công chúa về. Tháng 8/1308, công chúa về tới Thăng Long sau mấy tháng lênh đênh trên biển, bị dư luận gièm pha, làm nên tình sử Huyền Trân và Khắc Chung.

Sau khi gặp lại vua cha Trần Nhân Tôn, lúc này đã là Trúc Lâm Đại Sỹ, thì ít lâu sau, ngài thị tịch, công chúa xuất gia ở chùa Trâu sơn, núi Vũ Ninh, huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc, pháp danh là Hương Tràng. Cuối năm 1309, ni sư được phái về trụ trì tại chùa  Non, bà viên tịch lúc ngoài năm mươi.

Dân làng Thái Đường, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), nơi có mộ ba vua đầu tiên nhà Trần, lập điện thờ bà ở bên sông Thái Sư, tôn bà là Mẫu Huyền Trân. Sau này, bà được sắc phong làm Thành Hoàng, là Phúc Thần, bậc Trung Đẳng Thần, được thờ phụng tại đình làng Hổ sơn, xã Hổ sơn, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
(Thành Hoàng được phong theo ba bậc, tùy theo sự tích, công trạng của họ đối với dân, với nước, là: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần và Hạ Đẳng Thần).

Một gái Huyền Trân đổi mấy châu
Người xưa cảnh cũ biết tìm đâu
Ngai vàng chỉ cốt ngôi vua vững
Phận bạc ai lo mảnh má đào – Hà Thượng Nhân

Từ sau năm 1306, những đoàn di dân Đàng Ngoài, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, đã theo lối mở đường của Huyền Trân công chúa, mở rộng bờ cõi về phương Nam. Những bước chân của công chúa và đoàn tùy tùng bảy trăm năm về trước, trên con đường thiên lý thăm thẳm Bắc-Nam, con đường “ nước non ngàn dặm ra đi “ này chủ yếu là men theo bờ  biển, có lúc đi đường bộ, có lúc dùng thuyền. Ta thử đi lại những mốc địa danh đã lưu dấu công chúa, khởi đầu từ thành Thăng Long, dừng ở cửa Ô Long, vượt đèo Hải Vân vào địa phận Chiêm quốc, để đến thành Đồ Bàn; Rồi trở về Yên Tử và cuối cùng là chùa Non. Thành Đồ Bàn đã đề cập ở phần trên, ta sẽ lần lượt nói về cửa Tư Dung, đèo Hải Vân, núi Yên Tử, chùa Non và thành Thăng Long.

Năm tê trong lúc sang xuân
Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường
Đường máu xương đã lắm oán thương
Đổi sắc hương lấy cõi giang sơn – Phạm Duy

CỬA TƯ DUNG

Cửa Ô Long được vua Trần Anh Tôn cho đổi tên thành Tư Dung, để kỷ niệm người em gái đã vì đại cuộc mà hy sinh thân mình. Tư: Tưởng nhớ, Dung: Nét mặt, dáng người; Tư dung: Nhìn cảnh sắc mà tưởng nhớ con người. Vào đời nhà Mạc, vì kiêng húy Mạc Đăng Dung, cửa Tư Dung được đổi tên là Tư Khách. Qua thời Lê trung hưng, lấy lại tên cũ. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn cho đổi tên cửa Tư Dung thành Tư Hiền.

Thời xưa, cửa Tư Dung là một căn cứ quân sự quan trọng. Cửa biển này núi non cao ngất, gió cả sóng to, nước sâu; Các đạo quân Việt Nam đi chinh phạt Chiêm Thành ở các đời Lý, Trần đều đóng ở đây. Vua Lê Thánh Tôn có viết câu: ” Nhị bách quan hà thử yếu xung “ (Đây là chỗ hiểm yếu, hai người địch nổi trăm người). Cửa này có dòng nước khuất khúc như hình chữ Ất đổ vào biển, lại có núi non bao bọc chung quanh, gồm núi Lọng, núi Ngựa, núi Rùa, núi Voi... trong đó núi Hải Vân hiểm yếu nhất. Ngô Thời Nhiệm có bài “ Phụng ứng chế Tư Dung tức cảnh “ khi tác giả tòng giá vua Quang Trung đến cửa Tư Dung thị sát trận địa Bắc Hải Vân:

Qui xuất giáp văn trình thánh phụng
Mã loan ất tự hổ nhung dung
Sơn hà khâm đái tăng thiên hiểm
Châu chử quan lan tráng hải xung...
(Rùa hé vân mai mừng thánh phụng
Ngựa vòng chữ ất tỏ quân phong
Núi sông bọc kín vùng thiên hiểm
Bến bãi phòng sâu biển yếu xung – Ngô Linh Ngọc)

Trải qua hàng mấy trăm năm, do sự bồi đắp, xâm thực, khối lượng nước lưu thông gia tăng à Cửa Tư Dung ngày xưa lần lần trở nên cạn hẹp, và cát bồi mở ra một cửa biển mới: Cửa Tư Hiền bây giờ cách vị trí cũ 3 km về phía Bắc, hai cửa mới và cũ được đóng và mở luân phiên theo chu kỳ nước trong mùa khô hay mùa mưa.

Cửa Tư Hiền ngày nay, tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, là cửa biển thông đầm Cầu Hai với biển Đông. Cửa Tư Hiền và cửa Thuận An là hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Không chỉ là di tích lịch sử, cửa Tư Hiền giờ là một bãi tắm giành cho khách du lịch, với thắng cảnh thiên nhiên đẹp, bên trái là núi Túy Vân (Quy sơn), bên phải là mũi Chân Mây (Cái sơn), sau lưng là dãy núi Bạch Mã trùng điệp, phía trước đối diện biển cả, nằm cách Huế 60 km về phía Nam. Muốn vào bãi tắm Tư Hiền người ta rẽ trái ở chân đèo Phước Tượng, đi thêm chừng 10 km nữa.
Đào Duy Từ có bài “ Tư Dung Vãn “, là một áng thơ Nôm quan trọng của thế kỷ XVII, ca ngợi cảnh trí hùng tráng của cửa biển này:

Khéo ưa thay cảnh Tư Dung
Cửa thâu bốn bể, nước thông trăm ngòi
Trên trời tinh tú phân ngôi
Đêm trao thỏ bạc, ngày soi ác vàng
Dưới thời sơn thủy khác thường
Động Đình ấy nước, Thái Hàng kia non

Cửa Tư Hiền ngày nay một bên là núi non sừng sững, liên kết vững chãi như một dãy trường thành; Một bên là đại dương mênh mông với những ngọn sóng bạc đầu bất tận vỗ vào gành đá, bãi biển cát mịn với những hàng dương uốn cong, những ngọn khói lam chiều lơ lửng bay lên từ các mái nhà tranh của các ngư thôn, nằm trên doi cát.
Nếu đứng từ trên đỉnh cao vời vợi của Hải Vân quan nhìn xuống, cửa Tư Hiền mờ mờ trong sương mù, chìm trong màu xanh của biển và mây. Vào những ngày trời trong, ta có thể thấy toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, cù lao Chàm …

Biển xanh xanh
Sóng dạt dào
Xanh hàng dương liễu thì thào chuyện xưa
Cát trắng phau
Lả bóng dừa
Đâu là thuyền chiến đưa dâu triều Trần ?
Đâu Chế Mân cùng quần thần
Trên đầu voi trận rần rần đón dâu à- BK

ĐÈO HẢI VÂN

 Hải Vân là một mạch núi cuối cùng của rặng Trường Sơn, đâm ra tận biển Đông, chắn ngang, làm nên một trường thành thiên nhiên giữa miền Nam và miền Bắc. Nói về khí hậu thì bức bình phong Hải Vân trước tạo thành một lằn phân cách khí hậu: Vào những ngày mùa đông, lên đèo mạn Nam còn nắng nóng, qua khỏi đỉnh đèo vào Thừa Thiên là trời mây mù; Sau chận các trận mưa mây lạnh, làm cho các đợt gió mùa Đông Bắc hầu như không còn đủ sức vượt qua, nên các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng mang tính cách một khí hậu giữa hai chí tuyến, hầu như quanh năm ấm áp.

Hải Vân đèo lớn vừa qua
Mưa xuân ai bổng đổi ra nắng hè – Tản Đà

Nói về địa lý thì núi Hải Vân là ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Nửa đèo phía Bắc thuộc địa phận huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; Nửa đèo phía Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; Phía Tây là núi Bà sơn; Phía Bắc là Hải sơn. Ngọn núi cao nhất của Hải Vân sơn là Cao An Lĩnh (1192 m).

Trên đèo núi Hải Vân, phía trước, phía sau đều có xây cửa: Cửa phía Nam là phía trước đề ba chữ “ Hải Vân Quan “, cửa phía Bắc là phía sau đề sáu chữ “ Thiên hạ đệ nhất hùng quan “ (Cửa ải hùng vỹ nhất thiên hạ). Đường đèo Hải Vân dài khoảng 20 km, chia làm ba đèo (trước gọi là ba ải, có phòng thủ nghiêm cấm, không dễ thông hành), đó là: Đèo Chính Thượng Đạo, đèo Thượng Đạo và đèo Trung Đạo.

Ngày xưa, ngoài vượt đèo Hải Vân bằng đường bộ, có thể đi bằng thuyền vào Nam, nhưng phải qua bãi Chuối, tục gọi là hang Dơi, do sóng biển đánh qua nhiều thiên niên kỷ, vỗ vào chân núi Hải Vân bên phía Thừa Thiên, khoét vào vách đá tạo thành, quãng biển này thường có sóng to, nhiều ghe thuyền bị đắm khi đi ngang qua, nên có câu:

Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì sợ sóng thần hang Dơi
(Bộ hành khả úy hề Hải Vân
Thủy hành khả úy hề Bức Cốc ba thần)

Do địa hình hiểm yếu mà ngày xưa đèo Hải Vân được coi là yết hầu của miền Thuận Quảng, là trường thành thiên hiểm, quan trọng trong việc phòng thủ quân sự. Đèo Hải Vân lọt vào tay Đại Việt bảy trăm năm trước, là sính lễ cầu hôn Huyền Trân công chúa của vua Chế Mân. Sau khi có con đèo chiến lược này, nhà Trần mưu sự mở mang bờ cõi về phương Nam. Đèo Hải Vân tạo thành bức tường ngăn cách giữa hai nền văn hóa Chàm cổ và văn minh thừa kế của Việt tộc tại vùng châu thổ sông Hồng.

Thương Huyền Trân nẻo đường dài
Thân về Chiêm quốc, hồn hoài đế đô
Thuận Hóa ơi! Mộng cơ đồ
“ Hoành sơn nhất đái “ nối bờ Bắc Nam – Nguyễn Ngọc Danh

Cách đây bốn trăm năm, Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) đã chỉ cho chúa Tiên Nguyễn Hoàng rời đất Bắc, đến Thuận Hóa lập cơ đồ qua hai câu :” Hoành sơn nhất đái. Vạn đại dung thân “. Khi sắp mất, chúa Nguyễn Hoàng có để lại lời cho người con thứ sáu là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên:
” Đất Thuận Hóa phía Bắc có Hoành sơn và sông Gianh hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi vững bền. Núi sẵn vàng và sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với nhà Trịnh, thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời, còn nếu thế lực không địch nổi, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta “.
Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu khi đi tuần hành Quảng Nam, có ngự đề bài thơ Quá Hải Vân sơn (qua núi Hải Vân):

Việt Nam hiểm ải thử sơn điền
Hình thế hồn như Thục đạo thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lãnh
Bất tri nhân kỷ tại tràng thiên …

(Núi này quan ải nước Nam
Khác gì đường Thục sầm nham gập ghềnh
Mây che hai ngọn núi quanh
Biết đâu ngươi ở trời xanh mấy tầng – Thái Văn Kiểm)

Tên gọi Hải Vân ngày nay đã được dùng thống nhất. Thời trước, hai tên Ải Vân và Hải Vân được dùng xen lẫn trong sách vở cũng như đời sống hàng ngày. (Từ tên Ải Vân, người Pháp gọi là col des nuages, dịch lại là đèo Mây). Tên Hải Vân biểu hiện được đặc điểm, cũng là vẻ đẹp của ải này, là địa danh ghép, nên viết hoa cả hai chữ. Có giả thuyết cho là dựa vào câu “ Hải vân lập thùy “: Biển dựng lên, mây buông xuống để chỉ vùng núi non vừa sát biển, vừa cao tiếp mây này. Đèo Hải Vân là con đèo:

- Cao nhất Việt Nam, khoảng 500 m so với mực nước biển.
- Cheo leo hiểm trở nhất. Ngày xưa còn có nhiều thú dữ, lục lâm thảo khấu đe dọa khách bộ hành.
- Nguy hiểm, có nhiều tai nạn giao thông nhất, vì một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, nên có nhiều am, miếu thờ được lập ra hai bên đường đèo. Đặc biệt phía Bắc đèo, từ thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn có cho lập đền thờ thần núi Hải Vân .
- Đẹp nhất Việt Nam trên hành trình Bắc Nam. Đèo chạy xuyên qua nhiều hang động thạch nhũ; Núi và biển liền nhau nên sương mù quanh năm. Đường đèo chạy quanh co, gấp khúc, lúc thì lên cao, lúc thì xuống thấp, các dốc nối nhau liên tiếp, uốn lượn theo sườn núi, giống như một dải lụa quyện trong mây, như ẩn hiện giữa cây rừng và núi đá, là một kỳ quan của tạo hóa, như bản dịch bài “ Tam Thướng Hải Vân “ của Tam Nguyên Trần Bích San (thời vua Tự Đức nhà Nguyễn):

Ba năm vượt ải đã ba lần
Nhẹ cánh chim trời dạo Hải Vân
Ngắm rộng kiền khôn coi cũng bé
Lên cao nhật nguyệt tưởng đâu gần
Gió sương như búa tài thêm chuốt
Hồ bể làm nghiên bút mới thần
Đầu ngựa rừng hoa chen khói nở
Cười ai kêu hiểm lối sang Tần – Vũ Hoàng Chương

Sau khi đường hầm xuyên qua lòng núi hoàn tất, đèo Hải Vân nay trở thành một nơi ngoạn cảnh, một địa điểm du lịch trên con đường Xuyên Việt hơn là dùng để giao thông.Những khúc quanh gắt, nguy hiểm lại là chỗ đứng nhìn cảnh ngoạn mục nhất! ” Đèo cao thì mặc đèo cao. Ta lên đến đỉnh, ta cao hơn đèo “.Dừng lại trên đỉnh đèo lộng gió bốn phương, nhìn cảnh đồi núi chập chùng với mây trắng là đà ngang lưng đèo, lòng người không khỏi dâng lên bao cảm xúc, bao nỗi niềm khó tả, nghe như đâu đây vang vọng tấc lòng tiền nhân - Con người quả thật tài ba, chinh phục thiên nhiên từng bước, đẩy lùi hoang dã ra xa. Lợi thì đã rõ, nhưng hại cũng không phải ít!
Trải qua bao thăng trầm, dâu bể, qua bao thời kỳ khác nhau trong lịch sử dân tộc, ải cũ phong sương còn đó, dù giờ tiêu điều theo năm tháng, hoang phế theo thời gian. Cửa trông về phía Bắc vẫn còn nguyên vòm, cửa trông về phía Nam đã bị sụt lở, chỉ còn lại bậc thềm chân ải. Cho dù không được tạo dựng lại thì cũng phải bảo tồn, đâu thể bỏ phế cho đến khi sụp đổ, biến mất thì thôi!!!

Giật mình trận gió trườn qua
Lở loang nắng giọt giọt òa vỡ theo
Xe đi hồn vướng lại đèo
Con chim lạ hót tiếng khều rụng rơi - TTSH

CHÙA YÊN TỬ

Yên Tử là đất tổ, là nơi hình thành và phát triển phật giáo Việt Nam, là nơi tu hành đắc đạo của vua Trần Nhân Tôn (1258 -1308), pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà, được tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài lên ngôi vua năm 21 tuổi, trị vì 14 năm, rồi truyền ngôi cho con là vua Trần Anh Tôn, đi tu ở núi Yên Tử, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Việt Nam: Do ba nhánh thiền Việt Nam, Trung Hoa và Ấn Độ đã có ảnh hưởng từ trước là Vô Ngôn Thông, Ti Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường hợp thành một dòng (Ba ngọn núi: Yên Tử Việt Nam / vua Trần Nhân Tôn, núi Linh Thứu Ấn Độ / ngài Đại Ca Diếp và núi Tung sơn Trung Hoa / tổ Bồ Đề Đạt Ma là ba ngọn núi thiêng của Thiền tôn phật giáo). Ngài đi thuyết pháp khắp nơi, chỉ với vài đệ tử, đến tận Chiêm Thành, và hứa gả con gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân.

Trống chiêng võng lọng lên đường
Đưa nàng về nẻo dặm Trường sơn xa
Huyền Trân ơi! Đất Champa
Hiên chùa Yên Tử, hồn cha nghìn trùng – Nguyễn Ngọc Danh

Yên Tử là một thắng cảnh thiên nhiên, là một ngọn núi hiểm trở, cao nhất (1068m) trong rặng núi cánh cung trùng điệp Đông Triều, gần biên giới Trung Hoa, nằm giữa ba tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh và Quảng Ninh (Quảng Yên), cách Hanoi 125 km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Hạ Long 40 km, cách thị xã Uông Bí 15 km. Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Đỉnh núi thường có mây bao phủ, nên còn có tên là Bạch Vân sơn. Nhìn từ xa núi giống như một con voi nằm, nên tục gọi là Tượng sơn. Danh xưng Yên Tử do tên một đạo sỹ Trung Hoa, vào thế kỷ X, là Yên (An) Kỳ Sinh đến đây tu hành đắc đạo mà thành.

Mênh mông mênh mông Phù Vân Yên Tử
Vi vu vi vu Trúc Lâm thiền tự
Vời vợi đất trời phiêu bạt tình si
Giữa chốn huyền không tìm người trong mộng …- Phó Đức Phương

Nói đến Yên Tử là nói đến một hệ thống gồm hai mươi chùa, am, tháp lớn nhỏ, xây từ nhiều đời khác nhau, và những đường tùng, thông, sứ đại, trúc, mai... trên con đường hành hương, dài gần chục cây số, từ chân núi lên tới đỉnh, bước trên hàng ngàn bậc thang đá cheo leo, qua chín khúc quanh co của suối Giải Oan mà nước chảy róc rách ngày đêm.

Yên Tử trắng mây ngàn
Phau phau cô đỉnh lặng
Người, những chuyến đò ngang
Yên Tử trắng mây ngàn- Vũ Hoàng Thư

- Đầu tiên, dưới chân núi có chùa Cẩm Thực (Linh Nhân Tự), chùa Lân (Long Động Tự), chùa Giải Oan. Đi “ Đường Tùng “ toàn những cây xích tùng cổ thụ trồng hai bên đường (tương truyền là tuổi đã hơn bảy trăm năm), lên đến vườn Tháp, có khoảng 40 ngôi cổ tháp (thường được dựng giữa hai gốc tùng), xếp bằng những khối đá mài vuông, không có chất kết dính. Trong mỗi tháp đều có khám thờ đặt bài vị hoặc tượng của các thiền sư tu hành tại đây. Chính giữa khu tháp này là lăng Quy Đức, bao quanh bằng các cây sứ đại lâu năm, với Tháp Tổ sáu tầng là nơi an tro cốt của vua Trần Nhân Tôn.
- Lưng chừng núi, ở độ cao 500m, là chùa Hoa Yên: Ngôi chùa to nhất, đẹp nhất, còn gọi là chùa Cả, xây từ cuối đời nhà Lý, nguyên tên là Phù Vân. Đời nhà Trần đổi tên là Vân Yên: Trung tâm phật giáo lúc bấy giờ. Đời Lê Thánh Tôn cho đổi tên là Hoa Yên, do cảnh hoa nở đầy sân chùa. Trong chùa có tượng vua Trần Nhân Tôn khoác áo cà sa hở nửa ngực vai phải, ngồi thiền trong thế “ Liên hoa tọa “.

Dù ai dốc chí tu hành
Có về Yên Tử mới đành lòng tu

- Từ chùa Hoa Yên lên nữa là rừng trúc: Sản phẩm vô tận của Yên Tử, tượng trưng cho sinh lực và vẻ đẹp của thiên nhiên chốn này, có lẽ vì vậy vua Trần Nhân Tôn đã lấy tên Trúc Lâm đặt cho thiền phái mà ngài sáng lập. Phía bên kia là chùa Phổ Đà, tháp Độ Nhân, am Ngọa Vân, am Dược (Hoa) và am Thung (giã thuốc). Đi tiếp đến chùa Một Mái (trong thờ tam tổ) nằm trong hang ngoài, đến chùa Bảo Xác (ngôi chùa xưa nhất), am Ngộ Ngữ, chùa Vân Tiêu, tháp Vọng Tiên Cung.
- Từ đèo Trúc Hoa lên độ cao 900m, có một khối đá trụ cao, khoảng 2m5, giống hình người, gọi là tượng đá Yên Kỳ Sinh, được dân chúng thờ phụng. Nằm cao trên đỉnh núi là chùa Đồng, ngôi chùa nhỏ nhất (một người chui không lọt), còn gọi là chùa Thiên Trúc, xây từ thời chúa Trịnh. Tất cả mọi thứ, từ đồ thờ đến mái nhà, cột kèo, dầm xà, rui … đều bằng đồng, nhưng nay không còn nữa. Phía sau chùa Đồng có một phiến đá rộng và bằng phẳng, gọi là bàn cờ tiên.

Trên non Yên Tử chòm cao nhất
Trời mới năm canh đã sang tinh
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả
Nói cười người ở giữa mây xanh
Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa
Bao dải tua châu đá rũ mành
Dấu cũ Nhân Tôn vần còn đấy
Mặt rồng thấy giữa ánh quang minh (Theo Ức Trai Thi Tập)

“ Về thăm Yên Tử không chỉ thưởng ngoạn núi rừng hùng vỹ và phong cảnh kỳ thú của thiên nhiên, vì nếu như thế, ngay ở trong nước, chưa nói chi các miền đất lạ trên thế giới, hẳn có nhiều nơi khác lôi cuốn hơn. Thăm Yên Tử lại càng không phải để chiêm ngưỡng kiến trúc chùa lăng am tháp ... Thế nhưng, trước mỗi mộ tháp và trên từng bực đá của Yên Tử, khách hành hương hay tha hương trở về có một niềm xúc động, một tình cảm thiêng liêng rất sâu lắng mà không nơi chốn nào khác đã đi qua có được... Yên Tử núi thiêng, không phải chỉ vì mạch nguồn phong thủy, mà chính là nơi hành trì và đắc đạo của tổ của tăng, nơi dấu tích hưng phế của triều đại và sự thăng trầm của thiền môn, đạo pháp, nơi mà những chuyện thị phi hồ đồ hàng trăm năm cũ cũng tựa như những điều đang chứng kiến hôm nay. “- Ninh Hạ

Đường lên Yên Tử nơi đâu
Chùa xưa cảnh cũ, nhuộm màu sắc không
Hồng hoang xưa, bỗng mênh mông
Về trong giây phút, muôn vòng tử sanh - Thibang

Hội chùa ngày Tết đã đông. Mùng mười tháng giêng hàng năm được coi là ngày khai hội chính thức cho cả ba tháng hội Xuân Yên Tử, lại càng tấp nập hơn. Ngày nay, có một hệ thống cáp treo từ chân núi lên đến chùa Hoa Yên cho người hành hương, rồi từ đó tiếp tục đi bộ lên đỉnh núi trong cùng ngày, lần lên mất sáu phút, lần xuống mất năm phút, đỡ được 1/3 quãng đường.

Tại vị trí chùa Đồng cũ, năm 1930 có một ngôi chùa tái thiết bằng xi măng bọc đồng bên ngoài. Đến năm 1993, phật tử hải ngoại đã công đức xây dựng một ngôi chùa nhỏ bằng đồng ở cạnh vị trí ngôi chùa cổ cũ. Mới đây, đầu năm 2007, có một ngôi chùa bằng đồng nguyên đã được đúc đưa lên đỉnh Yên Tử.

CHÙA NỘN SƠN

Chùa Nộn Sơn, còn gọi là chùa Non, là một ngôi chùa nhỏ, lập vào đầu thế kỷ XIV, nằm trên núi Hổ, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam. Sau khi ni sư Hương Tràng về trụ trì, đã tự nhún mình, cho đổi tên thành chùa Nộn Sơn. Nộn có nghĩa là mới được gầy dựng, còn non, nói lên tâm ý của bà: ” Cũng đồng thời là núi, nhưng ngọn núi này sao sánh được với ngọn Yên Tử “. Chùa trải qua hàng mấy trăm năm, bị hư hại nhiều, đã được dân địa phương xây dựng lại, để thờ Huyền Trân công chúa. Nay gọi là chùa Núi Hổ, thuộc xã Liêm Minh, tổng Hổ Sơn, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
“ Dưới bóng cây sanh xù xì cổ quái phủ kín mái chùa, hòa quyện với tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng thỉnh niệm của người dân Hổ Sơn, dâng lên vị thần công chúa Huyền Trân “- Dương Phước Thu

Hỏi trăm năm chùa cổ
Hưng phế màu thời gian
Thỉnh tiếng chuông vào gió
Sao lòng còn chưa an – Nguyễn Hoa

THÀNH THĂNG LONG

Năm 1010, sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Trước đó có tên là Long Đỗ rồi Tống Bình), cho đổi tên là Thăng Long (rồng bay lên cao). Năm 1226, nhà Trần thay nhà Lý, Thăng Long vẫn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Đại Việt thời bấy giờ, với tên gọi là “ Kẻ Chợ “ hay Thượng Kinh. Nhà Trần trị vì trên đất Thăng Long 175 năm với mười hai đời. Sau đó, Thăng Long lần lượt đổi tên thành Đông Đô, Đông Quan thời Bắc thuộc lần thứ tư, Đông kinh thời nhà Lê; Bắc Thành thời Tây Sơn, Hanoi thời Minh Mạng nhà Nguyễn. Ngoài ra, Thăng Long còn có những tên gọi dùng trong văn thơ, ca dao như: Tràng (Trường) An, Phụng (Phượng) Thành, Long Biên, Long Thành, Hà Thành, Hoàng Diệu.

Tới thành Đại La
Rồng vàng bay lên
Thế đất tựa sơn đạp thủy
Đồng ruộng phì nhiêu
Tiến, lui, công, thủ
Dân đông đúc
Khí tiết đủ bốn mùa
Chính là đất đế vương vẫy vùng dựng nghiệp
Lý Thái Tổ viết chiếu dời đô
Việt Nam từ đó kinh thành Thăng Long – Trần Đỗ Liêm

Thành Thăng Long được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần không thay đổi nhiều, gồm có ba vòng thành bao bọc lẫn nhau, gọi là tam trùng thành quách, kết cấu trong thành ngoài thị. Đó là:

- La thành: (Từ tên Đại La thành thời Cao Biền) Là vòng thành ngoài cùng , đắp bằng đất, dài khoảng 30 km, vừa là thành lũy, vừa là đê ngăn nước lũ sông Hồng, vừa là nơi sinh sống của dân chúng.
- Kinh thành: Vòng thành thứ hai, xây bằng gạch, là nơi ở và làm việc của quan lại trong triều, là doanh trại của quân lính, là nơi sản xuất, buôn bán, phố phường (phường thủ công nghiệp) của dân chúng.
- Hoàng thành: Nằm trong kinh thành, có bốn cửa thông ra bốn phía kinh thành: Cửa Bắc Diệu Đức, cửa Đông Tường Phù, cửa Nam Đại Hưng và cửa Tây Quảng Phúc. Trong hoàng thành có khu vực Cấm thành, là cung điện giành cho vua và hoàng tộc. Phần thành trong cùng này có nhiều tên gọi khác nhau qua các triều đại: Cung thành thời Lý, Long Phụng thành thời Trần và Cấm thành thời Lê. Cấm thành thông với hoàng thành bằng một cửa duy nhất là Đoan Môn.

Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép bài thơ lưu truyền

Thăng Long là một trung tâm chính trị đã phát triển thành một đô thị, với những đặc điểm cấu trúc chung của các thành thị phương Đông thời Trung đại. Thăng Long nổi tiếng về các kiến trúc phật giáo, tiêu biểu là chùa Diên Hựu, tháp Báo Thiên ... Thăng Long với sông Hồng, sông Nhuệ bao bọc, có sông Tô Lịch chảy qua, lại có nhiều hồ nước lớn như hồ Tây (hồ Dâm Đàm), hồ Hoàn Kiếm (hồ Lục Thủy) vừa giúp điều hòa khí hậu kinh thành, vừa tạo nhiều cảnh đẹp thiên nhiên.

Ai về đất Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long – Huỳnh Văn Nghệ

Năm 1802, sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long định đô ở Phú Xuân (Huế), bốn năm sau, cho phá thành Thăng Long cũ, xây lại thành mới nhỏ hơn rất nhiều. Chữ Long là rồng cũng bị viết lại thành chữ Long là thịnh (vượng). Đời vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hà Nội. Đến đời vua Tự Đức, lại còn cho tháo gỡ vật liệu kiến trúc, trang trí của thành Thăng Long cũ về xây dựng Khiêm lăng của mình. Thăng Long! Biểu tượng tinh thần, hơn 800 năm lịch sử đã không còn nữa! Ta có thể cảm nhận được nỗi xót xa của sỹ phu Bắc Hà qua bài thơ Thăng Long 1 của Nguyễn Du tiên sinh vào một buổi chiều cách đây 200 năm:

Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất kiến cô thành một cố cung

(Núi Tản sông Lô vẫn núi sông
Bạc đầu còn thấy được Thăng Long
Ngàn năm dinh thự thành đường cái
Một dải tân thành lấp cố cung)

Nhìn Thăng Long lúc bấy giờ, nhớ về Thăng Long lúc xưa, cũng là tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ “ Thăng Long hoài cổ “, được viết trong lúc làm nữ quan Cung Trung Giáo Tập tại Phú Xuân, đời vua Tự Đức - Bài thơ như một tiếng than, một tiếng thở dài, một cái nhìn sâu thẳm, như dồn nén bao niềm u buồn man mác, chất chứa trong lòng nữ sỹ. Còn đâu thời vàng son chói lọi của Thăng Long! Đường sá dọc ngang nơi trước kia từng suốt ngày đêm rộn rịp ngựa xe, dập dìu tài tử giai nhân, những ông hoàng bà chúa, những cung điện nguy nga, những lầu son gác tía ... Giờ chỉ còn lại dấu tích là những nền cũ đổ nát, hoang tàn với sắc cỏ thu vàng úa, ảm đạm lúc mặt trời sắp lặn. Cỏ cây còn mang nỗi buồn huống chi con người!

Tạo hóa gây  chi cuộc hý trường
Đến nay tấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường

 Mỗi triều đại mới lên ngôi thường cho phá hủy những kiến trúc kinh thành của triều đại trước, để làm lại từ đầu, thay bằng những công trình tiêu biểu riêng - Thành Thăng Long đã trải qua một thời đại lớn với những sự kiện lịch sử, những đổi thay đến đau lòng từ đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX: Từ cuối nhà Trần, qua nhà Hồ, thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ tư, nhà Hậu Trần, nhà Hậu Lê gồm thời Lê sơ, nhà Mạc, thời Lê Trung Hưng (Trịnh Nguyễn phân tranh) đến nhà Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn - Một thời đại đầy biến động, chịu ảnh hưởng của bao binh biến loạn lạc, bao mất mát hủy hoại, bao cuộc thay chủ đổi ngôi, bao lần xây rồi phá... Nên đến ngày nay, khu vực kinh thành xưa chỉ còn dấu tích của Ô Quan Chưởng, tên cũ là Đông Hà Môn. Giữa kinh thành và hoàng thành chỉ còn lại một cửa Bắc. Hoàng thành chính xác giờ ở đâu? Qui mô ra sao cũng chưa có câu trả lời cụ thể. Tất cả đang còn trong vòng tìm tòi, đào xới để khảo cứu và thảo luận.

Thăng Long văn hiến ngàn năm
Đinh, Trần, Lê, Lý … thăng trầm còn ai ?- Nguyễn Ngọc Danh

Vào thời điểm Phú Xuân là kinh đô huy hoàng thì Thăng Long chịu số phận đi vào dĩ vãng. Đến đầu thế kỷ XXI này, thì kinh đô Phú Xuân đã trở thành cố đô với lắm tang thương dâu bể: “ Thâm u một dải hoàng thành “ (Nguyễn Bính). Triều đình không còn, vua quan không còn, cung phi, mỹ nữ cũng không còn. Cung điện giờ là nơi hiu quạnh, vắng vẻ, rêu mốc lạnh lẽo đầy sân chầu, tiếng dế kêu ran vườn ngự uyển, ngai vàng cũ kỹ, treo đó đây vài thanh kiếm rỉ... Thuở vàng son đã quá vãng, phai tàn!

Cổ thành đứng rêu phong trầm mặc
Kinh đô xưa tắt bóng thiên hoàng
Ngai vàng trống quyền uy xã tắc
Bia đá buồn chết đứng giữa chiều hoang – Diệp Minh Tuyền

Khi một triều đại nào đi đến chỗ suy tàn thì một triều đại mới khác lên thay. Vì vậy Việt Nam mới có các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần … Nhưng nói chung, mỗi triều đại đều xúc tiến công cuộc Nam tiến bằng sức mạnh, thế lực và phương cách riêng của mình. Thành công của cuộc Nam tiến viết lại bằng máu và công sức của dân tộc Việt, song song với tiếng than ai oán, nỗi hờn vong quốc, cũng được ghi lại bằng nước mắt và số phận của dân tộc Chăm.

“ Lịch sử nhân loại là một biến chuyển liên tục, nằm trong quy luật tất yếu: Có sinh tồn và có biến đổi. Tuy nhiên, nếu một dân tộc đã có một lịch sử, cho dù quốc gia đó không còn nữa, lịch sử dân tộc đó vẫn còn hiện diện trong tiến trình của lịch sử nhân loại, và ít ra cũng trong ký ức của dân tộc đó, lưu truyền từ đời này sang đời khác và mãi mãi cho đến tận cùng của lịch sử nhân loại “ – (Đắc Văn Kiệt)

Rồi mấy nghìn sau đời kể lại
Cơ đồ Chiêm quốc một công nương
Một trang sử viết thời Chiêm Việt
Một cõi sơn hà cũng khói sương – Song Nhị

Những biến chuyển chính trị trong cuộc tranh chấp dài lâu Chăm Việt, đặc biệt dưới thời nhà Trần với sự kiện “ Hai châu Ô Rí một Huyền Trân “ được nhìn lại bằng những di tích lịch sử, là những biểu tượng không lời qua không gian và thời gian, ta thấy:
- Sự hiện hữu, tồn tại của chùa Yên Tử với vua Phật Trần Nhân Tôn, chùa Nộn sơn với Huyền Trân công chúa.

Lần theo dấu tích ngàn xưa
Bảy trăm năm ấy bây giờ còn lưu

- Kinh thành Đồ Bàn ngày nay không còn nguyên vẹn, chỉ là phế tích, còn sót lại những bức tường thành xây bằng đá ong lúc trước.
- Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn vật chỉ còn trong hồi tưởng.Bao công lao xây dựng của tiền nhân, cả một nền văn hóa lịch sử giờ còn nằm trong lòng đất, chỉ sót lai vài di tích hiếm hoi.
” Tôi đã thấy thành Thăng Long, biểu tượng của nền tự chủ Đại Việt xưa, trong sự chấm phá đứt đoạn, những nét vẽ rời rạc từ các di chỉ khảo cổ, sơ đồ của sử sách, dấu xưa trầm tích còn sót lại của quá khứ và qua hồn rêu cổ kính “- L B Âu Long

Ruộng dâu kia bao độ sóng dâng tràn
Hãy dừng lại, thời gian, trả lời ta có phải?
... Sóng hưng phế xô nghiêng từng triều đại
Mà chí lớn dọc ngang
Mà mộng lớn huy hoàng
Vẫn nghìn thu còn mãi – Vũ Hoàng Chương

 Bụi thời gian đã phủ dày lớp lớp trên lịch sử thăng trầm của bao triều đại qua. Tất cả rồi cũng trở thành cát bụi, tro tàn. Tất cả rồi cũng sẽ bị thời gian phá hủy!

“ Thời gian cứ trôi lừng lững xóa nhòa bao nhiêu vương triều hưng phế, những ngọn cỏ thấp hèn đã đắp lên bao mộ lính, trùm kín bao nhiêu lăng vua. Có người quyền uy ngất trời cũng chỉ như bạo chúa một thời. Cuộc sống xô đẩy bon chen nhưng cũng rất công bằng, không có đốm sáng nào không được nhìn thấy, không con người đúng nghĩa nào bị lãng quên “- (Lê Thiếu Nhơn)

Bao phen hưng phế bao nhiêu lụy
Bấy độ thăng trầm bấy đấu tranh – Trần Gia Thoại

Lịch sử cổ kim cho thấy không có triều đại nào hay chế độ chính trị nào hoàn hảo cả! Trời đất, dân tộc và lịch sử xét xử, và chắc đã xét xử không sai, dù xa xưa cỡ nào công tội cũng phân minh. Hàng ngàn năm qua, bao triều đại thịnh suy trị vì đất nước này, bao người đã ngất ngưởng trên ngôi cao, song mấy ai mà tên tuổi còn tồn tại bền vững với thời gian, được nhân dân bao đời, đời trước nối đời sau, thế hệ này qua thế hệ khác kính trọng, nhắc nhở, tôn thờ!? Chỉ có những con người thật sự vì dân, vì nước, vì chủng tộc, vì đồng loại họ thì không cần áp đặt, cưỡng bức, bắt buộc... Người dân sẽ thể hiện tấm lòng nhớ ơn qua hành động, cách thức của mình.

“ Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước. Đẩy thuyền qua sóng cả hay lật thuyền đều là dân “- Nguyễn Trãi
Trăm năm cứ nghĩ là rất dài, để rồi cuộc đời là nối tiếp: Hết nắng lại mưa, hết sáng rồi trưa, hết chiều thì tối, ngày đi đêm tới, đông qua xuân về... Thời gian trôi qua như một giấc chiêm bao, không có gì là cố định hay miên viễn cả. Rốt cuộc thì núi cũng mòn, sông cũng cạn, rừng hoài thay lá ... Trải qua bao buồn vui, vinh nhục, thay đổi từ cổ chí kim mới thấy thấm thía, mới suy ngẫm về lẽ thịnh suy, hưng phế qui luật của tự nhiên. Hết hưng đến phế, hết phế lại hưng, cứ thế mà tiếp diễn.

Xuân Phương


- Cuộc hành trình 700 năm - Nguyễn Thừa Kế / hue.vnn.vn
- Nhìn nhận món quà sính lễ trong cuộc hôn nhân lịch sử 1306 - Trần Đình Hưởng / hue.vnn.vn
- Yên Tử: Sử cũ người xưa - Ninh Hạ / vantuyen.net
- Vọng niệm về Huyền Trân công chúa - Dương Phước Thu / nhavanhue.org.vn
- Một vài nét về vương quốc Champa - Nguyễn Trọng / dunglac.org
- Ngàn xưa hoài mặc cổ thành - Lê Bảo Âu Long / vietbao.vn
- Người xưa có luận nơi thành bại ? - Lê Thiếu Nhơn trong cuốn Tản văn Sống chậm thời.
- Một ngày mưa đầu mùa - Nguyễn Xuân Hoàng trong bút ký Hồn Mai

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010