SỐ 47 - THÁNG 7 NĂM 2010

 

Quê mù – Bão lộng – Đời xa
và những bông hoa bên bờ sóng dữ

Một

Sau hơn tháng trời bị vây hãm giữa những núi băng và những trận bão tuyết kinh khốc cực nam châu Mỹ, cuối cùng rồi Ferdinand Magellan cũng thoát ra khỏi eo biển hiểm nghèo nhất trong cuộc đời thám hiểm của ông. Trước mắt ông là một vùng biển tĩnh lặng hiền hòa. Nghĩ là mình vừa phát hiện ra một đại dương “mới”, ông chọn cho nó một cái tên. Có lẽ lúc đó ông chưa tưởng tượng nổi mức vĩ đại của vùng nước mênh mông phía Tây và chưa lường hết được sự đỏng đảnh của mặt sóng bao la mà ông vừa đặt tên là biển Thái Bình.

Chết trong khi xung đột  với thổ dân, Magellan nằm lại trên quần đảo Phi Luật Tân, cách xa quê hương ông nửa vòng trái đất. Những thủy thủ sống sót vội giông buồm chếch về nam rồi tìm đường trở lại Tây Ban Nha, hoàn thành chuyến đi lịch sử. Nếu không có sự kiện trên, biết đâu chiến thuyền Victoria nhỏ bé đã tơi tả cánh buồm lúc vượt qua nhóm đảo san hô bão lộng Trường Sa mà tôi đã đọc được cái tên Storm Islands trên một hải đồ ? Hay biết đâu Magellan Vĩ Đại đã có dịp đứng trên một ghềnh đá cheo leo nào đó giữa bán đảo hình cong chữ S để ngậm ngùi cho tên biển? Cái sóng lưng gầy guộc chữ S này hồi nhỏ tôi đã lập đi lập lại không biết bao lần trong bài địa lý vỡ lòng là “như một bao lơn trông ra Thái Bình Dương”. Phải, biết đâu ?

Hai

Miền Trung. Đã dứt những cơn gió Lào nóng nghiệt. Mùa gió Đông Bắc mang theo những cơn bão nhiệt đới khốc liệt thường kỳ. Cái sóng lưng khổ oằn của thân thể còm cõi quê hương tôi lại gánh chịu những trận đòn chí tử của thiên nhiên.
Từ một điểm bất định xa khơi, mắt bão tượng hình. Tuân theo những quy luật vật lý bí hiểm, nó tích tụ một nguồn năng lượng khiếp hồn, vòng vèo một hải trình lắt léo rồi bất ngờ đổ bộ vào đất liền, ra tay hủy diệt. Bão nhấn chìm thuyền chài cho mùa cá thất thu. Bão lật tung gốc mạ để mùa khoai lưng bát. Bão thốc một ngày cha biệt tích. Bão dậy một ngày mẹ thiếu ăn. Bão thổi một thời em bỏ học. Để chống chọi sống còn với thiên tai, con người vùng ấy chỉ biết cậy vào đôi tay ốm đói và khối óc đã cạn liệt bởi chiến tranh.

Bên ngoài hành lang bão, chúng tôi chịu đựng những ngày biển động nhớ đời. Đường chân trời tồi tụt, gãy khúc. Mây đen thấp tè, phóng sét. Mặt biển tối sầm, sôi bọt. Gió xé màng tai. Sóng chẳng nương một chiều, va đập nhau hỗn loạn. Từng núi sóng khổng lồ hung hãn phủ chụp mũi tàu, tràn vào phòng lái, trêu cợt nhân viên phòng tai. Mất tăm bầy sứa sáng nào còn rải hồng một vùng nước bao la. Biệt tích lũ cá chuồn chiều nào còn bay lượn trên đầu sóng như những cánh én. Những lão cá nhà táng đã tìm sự yên tĩnh dưới tầng sâu. cả những cánh rong bé cỏn con cũng tìm nơi phiêu bạt. Thế mà có con tàu vẫn lầm lì giăng tuyến. Thế mà có những con người vẫn ngất ngư săn tìm. Hải đảo thì xa. Bình nguyên phương Nam còn xa hơn. Mù mịt.

...Ta ở trùng khơi mùa gió chướng
Biển gào thê thiết những đêm hoang
mắt nhỏ ươm xanh vườn vọng tưởng
Nhớ bình nguyên – nhớ mảnh trăng vàng...
(Nguyệt - 1973)

Ba

Đà Nẵng tháng giêng rét lóng cóng. Mưa phùn xóa mờ bán đảo Sơn Trà. Nằm bến mà chiếc khu trục hạm cứ đong đưa như con lắc. Mấy bánh xe ở đầu thấp hạm kiều cứ lăn lầm rầm không ngớt.

Hắn ngồi trong hội quán bến cảng nghe gió giật, thỉnh thoảng đặt cuốn truyện võ hiệp sang một bên, tán thưởng mẩu chuyện tiếu lâm vô duyên nào đó của các cô chiêu đãi hết thời. Nghĩa là đã qua rồi cái thời lính Mỹ và thủy thủ ngoại quốc tràn ngập bến cảng. Lâu lâu hắn lại nhồi thuốc đầy tẩu. cái tẩu thuốc to bè chắc là dị hợm lắm so với bản mặt non choẹt của hắn. hắn vẫn thường thích thú ngầm mỗi khi nhận thấy sự bực mình ra mặt của những vị chỉ huy khả kính lúc họ nhìn chiếc tẩu thuốc của hắn. Hắn ngồi chờ người bưu tín viên và những cánh thư phương Nam. Có lẽ hắn là người nhận được thư nhiều nhất chiến hạm.

Trưa, ngớt gió. trời đã có chút nắng. Hắn thong thả đánh một vòng dưới chân núi. Chiếc dĩa khổng lồ của dàn ra đa trên đỉnh đã chịu ló mặt ra sau màn mây mỏng. Bao năm rồi nó vẫn kiên nhẫn nghe ngóng những tín hiệu nhỏ nhặt nhất của một cuộc không tập từ miền Bắc theo sự ước đoán (và cả ước mơ, có lẽ) của các chiến lược gia tầm cỡ ở bàn giấy Bộ Quốc Phòng. Bỗng hắn dừng lại ở một hẻm đá. Trang !
Trang! Một khóm hoa đỏ thắm giữa lổn ngổn đá chồng. Khóm hoa đang ngạo nghễ thách thức ngọn cuồng phong từ vạn niên bào mòn vườn đá tảng. Trang! Không có vết tích nào của trận bão hôm qua. Những bông hoa như những bó tên kiêu hãnh. Bông hoa như xòe ra ngàn mũi tên nhọn hoắc chực tung hê bốn hướng tám phương đời. Trang!

Mà nào phải đâu chỉ có một khóm hoa! Một vạt? Không, một rừng hoa như thế!

Bốn

Tôi biết bạn yêu biển những trưa nồng, dưới tán dù sặc sỡ, bên chai bia ướp đá, nhìn ngắm thỏa thuê những thân hình săn rám lồ lộ dưới làn nước mặn. Tôi cũng biết bạn thích ra khơi. Chiếc tàu khách ấy được quảng cáo là tiện nghi và sang trọng bậc nhất. Chuyến đi đã được cập nhật những tin khí tượng mới nhất, tốt đẹp đến đỗi có thể bảo đảm ly rượu chiều không sóng sánh và bước nhảy đêm không chao đảo. Tôi, lẽ nào không thế ?

Hồi ấy, tôi và ly rượu nặng trên tay, hay nằm dài dưới tán lá nâu của cây bàng cuối bãi, chỉ gật đầu chào đôi người quen những lúc chẳng đặng đừng. Mặt biển dát vàng nạm ngọc lóng lánh. Chiến hạm kiều diễm nằm neo ngoài khơi. Sóng Vũng Tàu xào xạc liếm bờ và ngựa Bãi Trước lóc tóc gõ nhịp. Nơi nào đó quanh đây là những biệt thự Nhà Trắng, Nhà Đỏ Bông Trang mà tôi thấy tên trên bản đồ bến cảng. Sao lại có tên Nhà Đỏ Bông Trang nhỉ? Căn nhà ấy ngói đỏ màu trang hay biệt thự kia đầy ắp những khóm trang đỏ thắm trong vườn? Thôi, cần gì phải rõ! Tôi nghĩ về những bông trang đang nở âm thầm bên vách đá.

...Nhưng để yêu biển dài hơi, đi biển dài ngày, có lẽ bạn cần thêm một chút lãng mạn cổ điển. Tôi đi biển với những truyền thuyết cổ xưa, những chuyện xảy ra từ thuở các vị thần linh còn ngự trên đỉnh trời Olympic. Tôi đi biển với người thương buôn Sinbad của Ngàn Lẻ Một Đêm. Có khi tôi mơ thấy hoang đảo của Robinson. Tôi vẫn hoài hoài không hiểu tại sao An Tiêm lại trở lại đất liền khi anh ta đã có cả hải đảo thần tiên với nàng công chúa hương trời sắc nước! Tôi ngủ dưới những cung hoàng đạo mà chỉ cần tên một chòm sao cũng gợi nên những cảm hứng tuyệt vời. Hình như có lần tôi nghe tiếng hát mỹ nhân ngư. Hình như có lần tôi thoáng thấy con K.(*) mà dịp nào tôi đã kể. Con K. vẫn đợi tôi từ trăm năm để trao tôi viên ngọc hạnh phúc cuộc đời...

Còn những bạn đồng hành của tôi? hãy nghĩ, có lẽ những lo toan thời thế, những bó cột đời thường đã tỏ rõ sức công phá mãnh liệt của chúng. Sự lãng mạn cũng phôi pha. Óc phiêu lưu đã phai nhạt. Nên biển cả, trong tâm khảm một ít bạn đồng ngũ của tôi, chỉ còn là một khối nước nhàm chán vô hồn. Và những cơn bão biển.

Năm

Bọn hắn hay thả dài từ trường Sĩ Quan Hải Quân xuống Chụt. Trời lành lạnh thế này mà ngồi trong Chez Francois nghe sóng thì tuyệt. Có thể gã Tây già là người lính cuối cùng còn sót lại của binh đoàn viễn chinh cũ. Có thể gã từng là thủy thủ trên một tàu chiến không chừng. Biết đâu mỏi gối chồn chân, gã muốn chọn nơi nầy để một ngày nằm xuống ngàn năm nghe sóng vỗ? Cứ để hắn nghĩ vậy, có sao?

Trên mặt tường trang trí những mắc lưới, những bộ xương cá, xác tôm. Hắn tự hỏi, gã tây già có tự xem mình là một bóng cá trong mắt lưới đời này không nhỉ? Gã âm thầm như một chiếc bóng, pha cà phê cho bọn hắn rồi lặng lẽ bỏ vào trong. Hắn ngắm những cánh hải âu bay lượn tài hoa và nghe tiếng sóng lách tách vỗ trong kè đá. Và, thật kỳ cục, mới hăm bốn tuổi đầu hắn đã thấy xót xa một ngày đầu bạc dừng chân.

Lệnh tử thủ Hoàng Sa vừa được giải tỏa mấy ngày. Cuộc tìm kiếm vô vọng trong những cơn bão biển không làm sáng sủa hơn số phận thủy thủ đoàn HQ 10. Bè cứu sinh trống trơn, phao cá nhân, nón nhựa trôi nổi đã nói rõ về tông tích những con người. Lệnh tử thủ, hắn tự hòi, có ý nghĩa gì ở đây nhỉ? Rằng giá trị của một người lính là phải chiến đấu và phải hy sinh bất kể ý đồ của người ra lệnh? Dù ý đồ đó là âm mưu chính trị có tầm vóc quốc tế hay chỉ đơn giản là ý muốn sưu tập thêm những bằng cớ thừa thãi cho một vụ chiếm đoạt trắng trợn? Nhưng thôi... Hắn muốn tận hưởng những ngày nghỉ quý giá hiếm hoi giữa mùa biển động.

Mưa lất phất lúc bọn hắn trở về, qua viện Hải Dương học. trước hắn, M. và L. sóng đôi. Bên hắn T. hát rất khẽ: “Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa...” Nàng túm hai vạt áo, ép cằm gần sát ngực. Gió thốc dữ lúc bọn hắn leo hết con dốc... “Áo em bùn lưa thưa...” hai bên vệ đường, giữa những tảng đá chồng lổn ngổn là mấy khóm hoa đỏ sậm.
Trang!

Sáu

Bão cắt quốc lộ Một ngang đèo hải Vân. Cặp Đà Nẵng mà hắn không thể đi Huế chơi vài ngày như dự định. Tứ bấy đến nay, Huế cổ kính vẫn chỉ nằm trong trí tưởng. Cung điện. Lăng tẩm. Chùa chiền. Đò sông Hương lờ lững. Vẫn chỉ là trí tưởng “áo ai trắng quá nhìn không ra” của Hàn Mặc Tử trên đường xa về Thôn Vỹ. Là trí tưởng cả những con đường và những gốc phượng già trong thành nội. Những con đường mà một tài năng Huế đã mô tả là “ Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau.” Thời hoa niên bão nổi ấy hắn đã ngưỡng mộ tác giả bài hát kia biết chừng nào! Bây giờ, đôi khi hắn tự an ủi, biết đâu khống đến được Huế, Hội An lại là một điều hay! Cũng như khi người ta không lấy được người tình. Có lẽ nhờ vậy mà hoàng thành, phố cổ đến hết đời hắn sẽ còn là niềm yêu thương ray rứt.

Đôi ngày nghỉ trên vùng nước nông Cù lao Chàm bao giờ cũng là một hồi ức tuyệt thú. Gió chướng căng dây xích neo mũi. Sóng leo sườn đảo xa như bày ngựa trắng điên cuồng. Tả mạn tàu là vòm sáng lờ mờ của Đại. Hắn chỉ biết Hội An qua những quyển địa dư chí. Bến Cảng một thời tấp nập thương thuyền Pháp, Nhật, Tây Ban Nha...

Bọn hắn hay cột du du trên bãi cát xóm chài. Xóm chài buổi chiều lố xố nào người, nào ghe, nào thúng. Âm ngữ địa phương nặng như đeo đá, phải cố gắng lắm người lạ mới không lạc chuyện. Hắn thường lặng lẽ tách đoàn, băng qua dãy nhà sàn cuối rừng dừa, leo lên con dốc có những bậc thang đá dẫn đến chiếc am của lão Nàm. Ở đó, hắn ngồi hàng giờ với chai rượu Bách Nhật, bên những khóm trang dưới chân đá, nghe lão Nàm tụng kinh cầu siêu cho vợ con lão bị mất tích một buổi hái rong biển.

“Một đời tui có đủ có đầy là nhờ biển. Mất hết cũng ở biển. Thiên nhiên cũng lạ, quan ạ! Như người! Cho tay này thì lấy lại ở tay kia.” Mặc dù nực cười vì lối xưng hô, hắn thấm thía ngay cái kinh nghiệm sống sơ đẳng đó ở lão Nàm. hắn cảm thấy thanh thản trước lẽ được, mất trong đời. Nhiều lúc, hắn nghĩ, có lẽ đây là một triết lý sống đáng giá nhất. Tuy nhiên, nếu sự khinh bạc đã giúp hắn khuây khỏa trước những phụ phàng mất mát thì cũng chính sự dửng dưng đã làm hắn hoài hoài hối tiếc vì đã lắm khi bỏ hụt những chân tình.

Trước khi hắn đi Mỹ một chút, một cơn bão đã tàn diệt cù lao Chàm. Buổi sáng êm ả, tàu đánh cá vẫn ra khơi như thường lệ. Thuyền trao đổi hải sản vẫn xuôi ngược Hội An. Mắt bão bất chợt tượng hình tại đây, trên vùng biển tĩnh lặng có lần hắn dừng chân trú bão. Cơn bão đột ngột, tuyệt nhiên không hề có dấu chỉ tiên báo. Con người hoàn toàn không có một phòng bị sơ đẳng nào.
Trên hình ảnh phóng sự hắn thấy sự hoang tàn khủng khiếp toàn cảnh đảo. bão nhổ cột nhà sàn. Bão cắt ngọt thân dừa. Thuyền bè vỡ đắm. Non ba trăm con người mất tích. Cái tỉ lệ hết hồn trên số dân cư thưa thớt của đảo Chàm. Từ đó, cơn bão đổ bộ đất liền, hoành hành suốt một vùng duyên hải miền Trung.
Thế nhưng thiên nhiên chỉ tàn phá cái ngoại hình thân thể quê hương. Chế độ hủy diệt nốt phần còn lại.

Bảy

Xưa,
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa tam Thanh

Nay, Đồng Đăng chỉ phố và chùa, nàng Tô Thị đã... vào lò nung vôi. Tôi không đùa! Tôi đã đọc phóng sự về cái chết của nàng trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật của Việt Cộng năm chín mươi chín gì đó. Nàng chết nhảm vì người ta khai thác đá để nung vôi.
Sự thật thì những mất mát đau thương của dân tộc đã bắt đầu từ ngày đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập. Từ thuở nào, hai chữ Việt Nam đã an bài một định mệnh. Vượt về Nam! Vượt về Nam! Bộ tộc Việt từ niên đại xa xưa đã vượt về Nam từ lưu vực sông Dương Tử. Họa xâm lược phong kiến đến từ phương Bắc. Một mặt chống chỏi, một mặt dân tộc mở rộng con đường Nam Tiến. Cho đến ngày đặt chân đến tận cùng đất mũi Cà Mau. Hướng Nam là sinh lộ. Họa xâm lược Cộng Sản cũng đến từ phương Bắc. Thế mà năm 1975, hướng Nam chỉ là trùng khơi. Và những cơn bão biển. Mặc, lại vượt về Nam, tìm sinh lộ mới! Những người may mắn sống sót trên những con thuyền thô sơ nhất, cho đến cuối đời, vẫn còn đeo nặng hồi ức kinh hoàng về những cơn bão biển.
...Nhưng đất nước không chỉ có một nàng Tô Thị ở Đồng Đăng. Từ ngoài khơi nhìn vào cột sống quê hương, có hằng hà người đá Vọng Phu. Tôi đã đọc được trên hải đồ năm bảy tên Hòn Vọng Phu như thế. Đâu đó ở Ba Làng An, Sa Huỳnh. Đâu đó ở Sa Kỳ, Ba Động. Không biết sao hồi đó tôi hay làm point với những hòn Vọng Phu.
Nếu bạn chưa có dịp biết, hãy cứ tin tôi. Đất nước thấm đẫm chất thơ Việt Nam mình có sa số người Vọng Phu. Nàng vẫn đó, ôm con dõi mắt trùng khơi. Mây quấn ngang đầu. Dưới chân sóng vỗ. Nàng chờ người mà “cuộc đời đâu có mấy khi, sẽ đem đến trả đúng kỳ...

Nguyên Nhi
Oklahoma City, 2000

-------------------------------------------------------
(*) Xem truyện ngắn “K.” cùng tác giả

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010