SỐ 47 - THÁNG 7 NĂM 2010

 

Thằng Nèm

(tiếp theo)

Từ xa nhác thấy bóng ông Chủ Ruộng đúng trước cổng,thằng Nèm tay đang  dắt Út Lép vụt buông ra, chân thì chạy, miệng thì la lớn :

- Ông Nội ! Út Lép ! Ông nội xuống rồi kìa.

Út Lép cũng bén gót theo sau thằng anh, miệng tía lia :

- Ủa bà nội đâu ?
- Bà nội tụi bây coi chừng nhà cho tao đi.

Thằng Nèm giọng ngạc nhiên :

- Bà nội hổng có sao hết hả ông nội  ?
- Ông chủ Ruộng dang hai tay kéo hai đứa vào lòng
- Ông nội có chút chuyện bàn với má tụi bây nên bả phải ở nhà coi chừng nhà.

     Hai đứa yên lòng nắm tay ông chủ Ruộng rồi cùng bước vào nhà. Út Lép chạy tuốt ra sau bếp :

- Thưa má thưa dì Ba út Lép đi học mới dìa.

Thằng Nèm cũng theo con em ra nhà sau  kiếm má nó. Ông chủ Ruộng kéo ghế ngồi, đưa tay nhấc bình trà rồi rót vô tách. Lần tay vào túi áo, móc gói Basto ông kéo ra một điếu rồi mơ tưởng đến một ngày nào đó lá rụng về cội, thằng đích tôn của ông sẽ trở về chung sống cùng ông trong một mái nhà.

- Ông nội coi chừng tàn thuốc rớt cháy áo ông nội đó.

Út Lép từ trong tay cầm cái bánh lá dừa, miệng vừa nhai vừa nói. Đưa tay xoa đầu con nhỏ:

- Mèn ơi ! Út Lép không nhắc chừng thì chừng vài phút nữa tiêu cái áo rồi. Sáng mai ông nội ngồi đò ra chợ, kiếm gì mua để thưởng công cho Út lép nha.
- Ông nội đừng đi chi cho mắc công. Con chỉ sợ cháy lủng lỗ áo của ông nội mà thôi. Ông nội đem đồ ăn xuống quá trời, con đâu có muốn cái gì nữa  đâu.
- Nè Út Lép. Con có muốn về Cái Dầu ở gần ông bà nội không ?
- Thôi ! con ở đây với má với anh Hai hà.

 Thằng Nèm từ nhà sau bước ra, nghe Út Lép trả lời nó cũng phụ theo :

- Ông nội với má đang tính toán gì mà má cũng hỏi con như vậy.
- Thủng thẳng rồi ông nội nói, nhưng mà bây trả lời với má bây như thế nào.
- Thì hễ má ở đâu thì con ở đó. Ông nội có bà nội, còn thì má chỉ có con với Út Lép.Ở Mỹ An nầy đâu có sao đâu.

 Đến nước nầy thì ông chủ Ruộng  đành phải nói rõ.

- Ra sau nhà nói với má bây lên đây để tao nói thêm cho rõ ràng để bây hiểu.

 Út lép lót tót vô trong, một lúc sau Thiếm Tư cùng bước ra nhà trước.Chi chiếc ghế biểu Thiếm Tư ngồi rồi ông quay sang thàng Nèm.

- Chuyện là như vầy. Thằng anh của bây, giáo Hoạch được cho dìa Châu Đốc ngồi ghế hiệu trưởng trường trung học. Nó thấy bây bị trễ hết một năm nên cậy tao xuống cùng bàn với hai má con tụi bây để cho bây lên Châu Đốc ở với nó mùa hè tới. Nhân thể nó sẽ dạy kèm cho. Hễ kịp thì năm tới vô học đúng lớp ở trường nhà nước, còn như thể chưa theo kịp nó sẽ để bây học trường bán công ở kế bên. Hễ khi nào theo kịp thì nó đem  qua trường của nó.
- Má không muốn xa bây nhưng mà vì chuyện học hành má không muốn vong linh của tía bây tủi hổ. Thôi thì tùy ý của bây, lớn rồi má để cho bây chọn lựa. Má cũng tùy theo đó mà tính toán.
- Má cứ theo ý má đi. Hồi nẳm tới giờ má có thấy tui cãi lời má không ?

 Thấy ầu ơ ví dầu cũng chẳng thể gấp gáp quyết định. Ông chù Ruộng ứng lời :

- Chuyện đâu cũng còn có đó. Từ từ rồi mình tính. Miễn sao được cả đôi đường. Xế xế rồi. Mẩn bây coi biểu xấp nhỏ lo cơm nước sớm.

 Thiếm Tư lặng lẽ quay vào trong chuẩn bị, thằng Nèm rủ con em qua nhà  bé Hai chơi chờ bữa cơm. Ông chủ Ruộng ngồi lặng yên, vừa nhấp từng ngụm trà vừa phì pha điếu thuốc.

oOo

Sáng sớm ông Chủ Ruộng đả ra ngồi trước hàng ba nhìn ra ngoài sông, từng đám lục bình trôi bềnh bồng theo sóng nước. Ông chợt nhớ hồi nào đó, có lần ông dắt vợ con về thăm bên vợ ở cù lao Ông Chường, ông cũng từng ngồi ngắm  lục bình trôi như bây giờ. Chép miệng thở dài, ông lẩm bẩm ;

- Mới thoáng đó mà đã mấy chục năm. Ai có  ngờ cuộc đời …

Ông choàng tỉnh với giọng  Út Lép.

- Bộ ông nội thích ăn bắp trét lắm hay sao ? Anh Hai biểu mấy người già thích ăn  bắp trét cho dễ tiêu.

Bật cười ông trả lời tỉnh queo:

- Mà Út Lép có tin như vậy không ?
- Anh Hai nói thì con tin. Mà nè ông nội, bộ nghỉ hè nầy cả nhà sẽ dìa Cái Dầu thăm ông bà nội hả?
- Ai nói mà bây biết vậy ?
- Nghe má với dì Ba tính, chỉ còn chờ bà ngọai xuống mới chắc được.

 Nghe Út Lép nói trong lòng ông Chủ Ruộng sướng rơn lên, cuối cùng ông cũng mang được thằng cháu đích tôn về để khoe làng khoe  xóm. Giá gì mẹ con nó về ở chung một nhà thì lại càng làm ông sung sướng hơn. Có tiếng dép lẹp xẹp, Thiếm Tư tay cầm bình trà ra tới.

- Sáng nay chệt Lường nhắn đò vô cho hay là bà ngọai con Út sẽ xuống tới ngày mai. Trốt ngang qua Xẻo Ngang làm nhà bà ngọai Út Lép bị dở nguyên  mái trước, phải chờ lợp lại mới đi được  nên trễ tràng như vậy.
- Làm sao chệt Lường biết ?
- Cậu Hai con Út nhờ người quen qua chợ Sa Đéc  nhắn.
- Cũng may là chỉ bị dở mái, có nơi bị  nó hốt hết cả nhà luôn cả người rồi quăng xa cả trăm thước.

 Rồi như chợt nhớ ra Thiếm Tư ngó Út Lép quở :

- Sao bây không lo sửa soạn đi học mà nhiều chuyện ở đây. Anh hai bây nó đi từ sớm vì hôm nay nó lo thi lên lớp.

 Út Lép tiu nghỉu bỏ vô nhà  trong. Thiếm Tư nói vói :

- Đi một mình được thì đi, còn không  má dắt cho đi.
- Con đi một mình  được, má khỏi đưa.

 Ông Chủ Ruộng ngồi yên, chờ khi Út Lép bước ra tay thò vào túi áo bà ba miệng thì nói

- Ông nội cho đồng bạc nè, đem theo coi có muốn ăn gì thì có tiền.
- Dạ má cho con  rồi.

Út Lép nói xong, te te bước ra cửa đi học.

- Hồi thằng Nèm cỡ cỡ tuổi con Út, nó đâu biết xài tiền xài bạc gì. Mà thật ra chạy gạo từng bửa có tiền dư đâu mà cho, chỉ lo có cái bỏ bụng cho no mà thôi.
- Ở nhà bây có cần món gì không hả Mẩn ? Không có chuyện gì làm nên tao định ngồi đò thả ra ngoai chợ sẵn ghé chệt Lường nói dóc. Đừng chờ cơm trưa nha, chệt Lường thể nào cũng rủ rê không hủ tiếu thì cũng mì gõ hà.

 Nói xong ông ông sửa lại quần áo cho  ngay thẳng rồi bước ra trước chờ đò, Thiếm Tư xoay lưng bước vào trong :

- Dì Ba,ông nội sắp nhỏ ra chợ chơi với chệt Lường. Trưa nay tui với dì Ba làm hết  ba cái đồ  thừa hôm qua cho hết. Chiều mình hãy nấu cái khác chớ  đồ ăn cứ ấp lẫm rồi ngày nào cũng xào đi nấu lại ba cái đồ cũ riết mấy đứa nhỏ nó không dám nói chứ tụi nó cũng nuốt không trôi.

 Ngoài bờ sông ông Chủ Ruộng  vừa bước xuống đò, xa xa tiếng gà gáy vọng lại át hẳn tiếng máy xì xịt. Từ nhà sau, Thiếm Tư tay cầm dĩa bắp nấu lên tiếng hối :

- Chỉ có tui với chị, nhơi mấy trái bắp trét nầy đây cũng đủ no tới trưa. Lên đây chị Ba, sẵn không có ông nội sấp nhỏ tui muốn bàn với chị chuyện nầy.

  Dì Ba vừa bước ra vừa cười:

- Tui đi guốc trong bụng mợ. Chuyện dìa  Châu Đốc chớ gì !
- Chị hay thiệt. Thêm  chuyện kia nữa kìa.
- Chuyện gì mà mợ úp úp mở mở vậy ?
- Trước tui bàn với chị chuyện ăn học của thằng Nèm với con Út. Tui chờ coi bà Ngoại con Út với con Đẹp. Hễ  mọi người đồng ý thì cùng lên Châu Đốc ; chị Ba với con Sen ở lại đây tiếp tục bỏ bánh như mọi ngày. Căn nhà chị coi như của chị, giữ gìn giùm tui vì đây là kỷ niệm của ba thằng Nèm.. Chị cũng nên làm chủ cái thân của mình chớ.Nay mai con Sen lại dọn ra với chệt Lường, có con cháu gì có thể hụ hợ được thì chị kêu xuống đây phụ. Dì Ba ơi ! lớn tuổi rồi mình phải lo mai hậu chớ.
- Mợ thương mợ tính như vậy nhưng tình thiệt mà nói tui không chắc dạ chút nào. Hồi nẩm  tới giờ tui  có tự thân tự lập đâu. Lớn lớn  một chút là tía má tui đả đem đợ tui rồi.

 Thiếm Tư ngắt ngang :

- Bởi vậy tui tính có con Sen ở lại với chị cho tới khi nó lấy chệt Lường. Thiệt ông trời cũng hay, cái con tay bằng miệng, miệng bằng tay mới xứng với chệt Lường. Còn con Đẹp thì ngược lại, bởi vậy nó mới có giáo Hoạch. Nếu ráp con Sen cho giáo Hoạch còn con Đẹp cho chệt Lường thì thiệt là trớ trêu tréo cẳng, dở cười dở khóc.
- Coi vậy chớ tuy chành chạch chành chạch, theo tui con Sen không khôn  bằng con Đẹp. Tuy  chậm chạp ít nói nhưng con Đẹp tính đâu ra đấy, chững chạc.
- Thì bởi, nên  mới ráp vô với giáo Hoạch được.
- Phần mợ thì mợ tính làm sao ? Tui không nghỉ là mợ dìa Cái Dầu cho dù ngồi xe lôi gắn máy chỉ có nửa giờ đồng hồ là tới  chợ Châu Đốc.
- Thiệt tình với chị, tui không tính về Cái Dầu đâu. Tui nghỉ ông nội thằng Nèm cũng biết tánh tui.

Đợi cậu giáo dìa Châu Đốc xong xuôi, tui với bà ngọai con Út mới lên đó để coi thế mình có làm ăn buôn bán gì được không. Tui không bao giờ ngửa tay nhận ông bà nội thằng Nèm giúp đâu. Tay chân còn lành lặn là tui còn bươi quậy được, không dễ gì chết đói đâu dì Ba.


- Mợ có tính chắc là ngoại Út Lép chịu lên Châu Đốc với mợ ?
- Dì nghĩ coi. Một là thương con nhỏ côi cút, hai là vì chuyện con Đẹp. Làm sao ở Ô Môn đào đâu ra một người như giáo Hoạch. Nói cứng như vậy chớ tui cũng lo lo, xứ lạ quê người mình đâu có chắc được chuyện gì  nhưng dù sao có mấy mẹ con bà cháu đùm bọc nhau thì  cũng không đến đổi.
- Mợ tuy không ăn học nhiều nhưng tính đâu ra đó thiệt tui phục lăn.
- Tui mà học hành gì đó dì Ba,chữ nghĩa đếm không đầy mấy ngón tay; nhưng mà  ông bà mình nói “ cái khó nó ló cái khôn “. Chị nghĩ coi cuộc đời tui từ nhỏ đả khổ cực rồi. Đến khi có thằng Nèm thì cha nó chết rồi kế tiếp ngoại nó chết. Tui trơ trọi có một mình, bươn chải để nuôi con. Dì biết không lúc đó tui mới có mười sáu  tuổi thôi. Đôi lúc nhớ lại nước mắt lại trào ra.
- Bởi vậy trời phật mới đài ngộ mợ. Giả sử tui thế vai cho mợ tui thiệt là không biết tính làm sao, chỉ có nước cắn răng tự vận.
- Nói vậy chớ chừng đó không như chị nghĩ đâu.
- Nghe ông chủ nói ; cái nhà cấp cho ông giáo lớn lắm. Hai từng lầu, lại có nhà cho người làm ở phía sau. Mợ ở đó tạm một thời gian cũng tiện.

 Vừa nghe nói, Thiếm Tư đã nhăn mặt lắc đầu :

- Đâu có đặng dì Ba. Có con Đẹp, mình phải tính cho ông  giáo chớ. Chưa cưới đả ở chung, tuy không có gì nhưng mai sau khi làm đám cưới mặt mũi ông giáo  để ở đâu. Tuy là tốn kém nhưng tui phải kiếm chỗ hoặc mướn hoặc tửng rồi sau đó hẳn tính.

Thoáng thấy bóng thằng Nèm ngoài cửa Thiếm Tư ngó dì Ba nháy nháy mắt rồi hỏi :

- Ủa ! sao bữa nay bây dìa sớm dử vậy ?
- Hôm nay thi một môn. Thầy cho nghĩ để dìa ôn bài, mai thi tiếp. Thi cả tuần lận má !
- Ông nội bây thả ra chợ thăm chệt Lường chiều mới dìa. Tính không lo cơm trưa, má với dì Ba lo cho xong ba cái đồ ăn củ nhưng bây giờ có bây má phải vô bếp. Thôi dì Ba mình vô trong lo cơm trưa đi

Nói dứt tiếng, cả hai lặng thinh bước vào bếp. Thằng Nèm kéo ghế ngồi rồi mở cặp lấy bài ra ôn cho ngày mai. Trong bếp Thiếm Tư chợt nhớ thằng con sáng nay đi sớm nên bây giờ chắc đói bụng  nên Thiếm hỏi vói ra:

- Có  đói bụng thì xách tô chạy ra ngoài đình mua bún hay bánh canh gì ăn cho đỡ đói. Vô đây má đưa tiền cho.

 Nghe má nó hỏi thằng Nèm chợt nghe bụng sôi lên òn ọt. Nó chạy ào vô bếp  xách tô, cầm tiền rồi chạy ù ra ngoài đình. Trong bếp tiếng nồi xoong khua thỉnh thoảng lẩn vào tiếng rù rì to nhỏ. Ngoài sông đò máy vẫn tưng hồi ngược xuôi như thường bữa.

                                                                        oOo

Sáng hôm sau, ăn sáng vừa xong. Bạn hàng kẻ vô người ra để đếm bánh mang về bán lẻ. Thằng Nèm, Út Lép cũng sửa soạn sách vở đi học,có  tiếng của dì Ba từ ngoài sân trước :

- Quỷ thần ơi ! làm sao bà ngọai với con Đẹp xuống sớm dử vậy ?
- Tao với con Đẹp đi từ hôm qua, xe hư không biết bao nhiêu lần ; cuối cùng nằm dài ở Lấp Vò. Chạng vạng tối đâu có xe dìa đây hai bà cháu phải xin ngủ qua đêm ngoài hang hiên nhà người ta, chờ tới năm giờ ngồi xe dìa chợ Sadec  vì vậy xuống tới đây mới sớm dử vậy chớ.
- Mấy hôm nay mợ Hai chờ bà ngọai muốn hụt hơi. Tưởng đâu chừng vài bữa nửa tháng  ngờ đâu ngóng dài  cổ cũng chẳng thấy tăm dạng đâu hết.

 Từ trong nhà Thiếm Tư, ông chủ Ruộng, thằng Nèm con Út từ nhà trong hối hả bước ra. Thiếm Tư vừa ra tới đã trách móc.

- Mèn ơi ! tui tưởng má quên mất mấy mẹ con tui rồi chớ !
- Oa  mấy mẹ con tụi nó trông đứng trông ngồi mấy hôm nay. Mọi người thiệt là mừng khi thấy bà chị, con Đẹp xuống tới.
- Tưởng đâu dìa chừng vài bữa, giao nhà cửa ruộng đất cho tụi nhỏ để rảnh tay có ngờ đâu tụi nó không chịu lãnh, biểu là hồi tía tụi nó còn có nói là để  phần cho con Thắm. Bây giờ nó đã theo ông theo bà rồi thì của đó để dành cho con Út Lép. Mai hậu nó có chút của  kỷ niệm mẹ nó để lại cho.
- ÚT Lép mếu máo. Út Lép nhớ bà ngọai Út Lép khóc, anh Hai chọc là mít ướt sút cùi không cho khóc.

Nghe con nhỏ nói, ai nấy cũng chạnh lòng. Đẹp kéo Út Lép vô lòng :

- Chuyến nầy bà ngọai, chị Đep xuống ở luôn với Út Lép. Chịu không ? ngoại không dìa Ô Môn nữa.
- Chị Đẹp nói thiệt không vậy ngoại ?
- Thiệt chớ ! nhưng Út Lép có cơm nuôi ngoại không  nè ?

Thiếm Tư vừa ngó con nhỏ vừa nói :

- Muốn có cơm cho ngoại ăn thì mỗi ngày đi học dìa Út Lép phải đội bánh đi bán. Có vậy mới đủ chạy gạo nuôi ngoai ; chịu không ?
- Dạ chịu.

 Thằng Nèm ngó ra ngoài rồi hối con em :

- Trễ giờ rồi kìa. Lẹ lẹ sửa soạn đi đi Út Lép.

Cả hai đứa liền chạy vào ôm sách vở ra  rồi thưa mọi người đi học.
Thiếm Tư biểu con Sen  chạy ra ngoài đình mua cháo lòng về cho mọi người lót dạ. Vói tay cầm bình nước, rót trà vô ly đưa cho ngoại Út Lép Thiếm Tư bắt đầu.

- Ông Nội thằng Nèm hối hả xuống đây vì ông giáo được đổi dìa Châu Đốc ngồi ghế hiệu trưởng, thấy thằng Nèm bị trễ hết một năm học nên ông giáo muốn nó theo ông giáo để ông dạy kèm cho nó. Tui đang không biết tính sao cho phải vì tui biết tánh ý của nó. Hễ tui không đi thì nó không đi ví dù vì thương nó tui để nó một mình theo ông giáo.
- Biết tánh con không ai bằng mẹ. Bây lo như vậy cũng phải, mình phải tính sao để nó theo học cho kịp với số tuổi của nó.

Nghe đến đâu ông Chủ Ruộng hớn hở đến đó. Trước sau gì thì thằng đích tôn của ông cũng sẽ về gần gũi bên ông ; lá phải rụng về cội cho đúng lẻ. Thiếm Tư xoay vào trong kêu  dì Ba :

- Dì Ba coi ngoài chợ đình có bán tôm cá gì tươi mua về làm cơm. Nhớ mua khá khá, đừng mua ba thằng bốn đứa nha ;nhà đông người tui không thích người ăn người nhịn đâu.
- Bà nội có kho nồi cá cháy. Út nói  mua thêm mớ dưa Bồn Bồn ăn cho đúng cách.
- Ở Cái Dầu tao có nghe cá Cháy chỉ có miệt Cần Thơ Phụng Hiệp mới có nhiều. Bữa nay lần đầu tiên được ăn đó.

Ngó bà ngọai Út Lép Thiếm Tư dọ ý :

- Nếu tui dọn dìa Châu Dốc, má với con Đẹp có theo không ?
- Tao bỏ nhà bỏ xứ theo bây để lo cho hai đứa nhỏ thì Mỹ An hay Châu Đốc gì thì cũng vậy thôi. Con Đẹp cũng vậy. Hễ tao đâu th ì nó ở đó.

 Ngó qua ông chủ Ruộng Thiếm Tư nói :

- Bây giờ thì còn quá sớm. Đợi khi ông giáo về ở Châu  Đốc thì mấy mẹ con bà cháu  sẽ lên Châu Đốc dòm ngó sự tình rồi mới tính. Gần gũi ông giáo, gần gũi thằng Nèm để lo cho nó ăn học tiện thể gần gũi để lo cơm nước cho ông giáo mà trả lễ cho phải đạo.

Trong lòng ông chủ Ruộng chợt có cái gì nghèn nghẹn. Vợ chồng ông có phước có được đứa đích tôn thật là đáng đồng tiền nhưng lại thiếu phước không có được đứa con dâu như Thiếm Tư.

(còn tiếp)

Trần Phú Mỹ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010