SỐ 48 - THÁNG 10 NĂM 2010

 

Chuyện ANH và TÔI

Phần Thứ Nhất

Chương   1
Tình  Đời và Tự Do

Da Lat mot goc cau v hoXH.jpg

Đà Lạt. Thành phố mệnh danh là quê hương tình ái, nơi trai tài gái sắc lý tưởng hẹn hò. Thành phố ấy thơ mộng không kém phần thi vị, lãng mạn cho bao cặp tình đắm đuối yêu nhau. Họ thích che chung một cái dù, dìu nhau đi thật chậm trên những con đường vòng vèo vắng ngắt quanh co uốn khúc, cao thấp nhấp nhô như những lượn sóng. Đà Lạt muôn thuở trầm lắng nghe tiếng thơ trữ tình thì thầm thở khúc nhạc du dương trong suối mộng hồ mơ. Bên thác nước đổ muôn trùng diệu vợi trôi lờ lững về nơi xa xăm. Bao gốc thông tuy già vẫn xanh ngắt ngút ngàn bốn mùa nhã nhạc vi vu, nhiều cành lá xôn xao gọi mời. Nơi có những luống hoa muôn màu rực rỡ, nhiều hoa dại và bụi sim rừng tim tím, cùng bầy sơn ca lả lướt, tự do hòa ái uyển chuyển tấu khúc nghê thường. Đà Lạt tĩnh mịch quyến rũ đầy vinh sang, xe nhà bóng loáng lả lướt lượn trên lưng đèo, có nhiều ngôi biệt thự xinh xinh thấp thoáng ẩn hiện dưới đồi thông giao nhánh reo vui trong gió rì rào.

Thành phố ấy chìm trong giếng mắt u hoài, vẫy gọi tôi muốn quay về cùng với giấc mộng quan hoài. Nơi mẹ từng à ơi ru con từ chiếc nôi đời hồng hoang trinh nguyên, đong đưa muôn sợi nhớ, nghìn luyến thương gợn sóng lăn tăn dồn dập canh cánh bên lòng, dập dìu ríu rít níu con tìm về chốn cũ. Nơi ấp ủ một đời thúc giục đôi chân hải hồ tôi dừng bước bên thềm hoang sơ. Thế mà, tất cả những tiếng nhạc du dương từ tình yêu năm xưa..., giờ chỉ rớt lại cái quá khứ còn nóng bỏng nghẹn ngào, ngậm ngùi chua xót.

oOo

Ngày thứ Bảy, từ 26-10-1963 đến thứ Hai, người dân các thị thành và ở Thủ Đô trong nước hân hoan vui mừng, nô nức khánh thành Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc Đà Lạt. Rất đông đủ quan khách hiện diện. Đặc biệt nhất là có Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Bửu Hội. Đại Sứ Henry Cabot Lodge và các hàng Tổng Bộ Trưởng về Đà Lạt tưng bừng khai hội.

Ấy thế mà chỉ cùng giao thời nầy tình hình chính trị sục sôi kỳ lạ. Nhiều vụ xuống đường rầm rộ đó đây. Những người cầm đầu cuộc cách mạng kêu gọi người khác vùng dậy đứng lên đập tan cuộc sống cũ. Họ dũng cảm muốn dành lại tự do no ấm cho con người thôi! Khoảng mùa mưa, thượng tọa Thích Quảng Đức lên giàn tự thiêu giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê văn Duyệt, đòi hỏi tự do tôn giáo. Thật tuyệt vời! Rồi, bao nhiêu bàn thờ tiên sinh ông bà, cha mẹ, do con cháu rầm rộ dọn ra ngoài đường. Sinh viên học sinh và một số dân cư xông xáo xuống đường biểu tình, đòi tự do tín ngưỡng. Tự do báo chí. Tự do ngôn luận. Tự do đi lại suốt... Họ đã và đang làm một cuộc cách mạng như Littré nói:

- “Cách mạng là gạch nối giữa trật tự cũ tan rã, và trật tự mới được dựng lên bằng những vết máu, thay vết son”.
Cuộc cách mạng đảo chánh “gia đình trị” đưa quan niệm tự do hạnh phúc đi sâu vào lòng người dân. Chính nghĩa vong yểu như xứ sở thân yêu từng mang dấu tích hùng sử ca, đã bị lên án gắt gao và bị tiêu diệt, diễn ra ác liệt tại thủ đô Sài Gòn, đã bị xóa nhòa dấu vết cũ dưới rừng cờ hoa phất phới tung bay trong nền trời xanh bao la, để chào mừng ngày đại thắng. Trước cửa ngỏ cuộc chiến mới, người ta say sưa hoan ca men chiến thắng túy lúy với nhau. Họ háo hức kể cho nhau nhiều tin thổi phồng rất giựt gân. Đồng thời đồn đại những tin huyễn hoặc thất thiệt. Dù chỉ hàng tít nhỏ chạy trên nhật báo, cũng khiến người dân giật nẩy mình, hoang mang, kích động tính, hăng say nổi máu anh hùng lên. Người ta nức lòng mong chờ từng giây phút hòa bình tự do đến, nơi mà các vị tiền bối cha ông chúng ta đã dày công dựng xây, đã làm, vẫn được thực thi. Dẫu rằng ảnh hưởng sâu sắc ít nhiều đến cư dân thị thành, cùng tất cả dân quê trên toàn lãnh thổ Việt Nam thăng trầm qua bao thế kỷ. Đúng là Ý Trời!

Nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam hoàn toàn sụp đổ rồi đó! Giấc mộng cũ, chế độ cũ cùng chiến tranh tàn khốc đã từng "theo đóm ăn tàn" mang bạn bè, người thân ông bà chú bác, anh em ra đi biền biệt, gieo đau thương tang tóc khổ sầu cho hàng ngàn gia đình vừa cáo chung. Tôi chua xót nghĩ thầm:

“Dù các ông có đi đêm với ai thành công. Đi với Tàu. Với Tây. Với Mỹ hay với Ta. Thì có lẽ đất nước nầy cũng thất bại. Vì hàng rào Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) đắc sách kiên cố kia thừa nước đục thả câu, bị nhổ phăng đi, nay bị sụp. Không thể sàng lọc trắng đen ra môn ra khoai - Thì tiêu tùng cả đời nhà họ “Mạc” ấy chứ chả chơi! Thiện tai!”

“Ông” đắc thắng nào (lên thay thế “ông” chiến bại), cũng vỗ ngực tự hào ta là nhất. Rồi căn cứ vào điều luật cũ, tái lập điều chỉnh nên dự luật mới. Có khi sáng tạo, thêm bớt, sửa đổi, vá víu lại cho hợp tình hợp lý với thời cuộc. Như người cỡi con lừa, tay cầm cây roi, có bó cỏ khô, với củ cà rốt móc lủng lẳng ở trước càng xe. Họ đang quay lưng về phía trước, một tay túm lấy đuôi lừa. Họ ung dung thích nhìn lại nơi đã toàn thắng mỹ mãn vừa đi qua. Chả cần chung vai đấu cật, góp sức an hòa, đoàn kết vạch định tương lai cam go, cùng nhìn về một hướng phải đưa dân tộc đến. Nếu họ chịu khó nhìn về dĩ vãng để cùng nhau hướng tới tương lai xây dựng một quốc gia hùng mạnh, thì quá tốt. Họ sẽ cai trị muôn dân như Đường Minh Hoàng vương quốc đời Tần. Hay sẽ như Thiers lãnh tụ Cộng Hòa Pháp đàn áp đẫm máu Công Xã Paris? Nào ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Còn con lừa già thì cứ gồng mình lên, ra sức cố lôi chiếc xe thổ mộ cọc cạch, nó cứ mở to đôi mắt bò trợn trừng mà lết tới trước, nó mong ước và hy vọng “tợp” được bó cỏ hay củ cà rốt ăn đỡ lòng.

Tôi rất ghét và thù chuyện chiến tranh hay “chính chị chính em”, xin cúi đầu an phận làm phó thường dân nam bộ thấp hèn. Tôi cũng không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ là một người đẹp nổi tiếng viết văn, làm thơ. Càng không bao giờ tôi dám tự hào mình sẽ cầm cây bút chiến để viết văn nghị luận hùng biện hay ho, chữ đẹp tốt, văn thơ giỏi mà làm chi!? (mặc dù chữ viết của tôi khá đẹp). Tôi chỉ muốn thực tế ghi lại những điều quá thật, càng không vì thù giận ai, không chỉ trích, không bon chen, lừa dối ai. Chỉ vì cuộc sống ấy, có phần gián tiếp ảnh hưởng sâu sắc đến số phận riêng mình, vì những sự kiện quá thật, khiến tôi đau lòng khổ sở không ít.

Phạm trù cách mạng riêng đối với tôi, nào có ích gì! Phe chế độ cũ có sụm bà chè. Hay phe cách mạng mới có “phừng phưng” đứng lên - Có quật khởi, trường tồn. Có tiêu vong; thật chả là gì! Khi đa số dân chúng vẫn chạy ăn từng bữa một. Mồ hôi và nước mắt chan hòa trên bát cơm, biết bao khuôn mặt hãi hùng âu lo thời cuộc tao loạn. -Chiến tranh, chết chóc, đau khổ và cơm áo- Những thứ nầy cứ quyện chặt vào nhau, thì lấy đâu ra có ngày giờ nghĩ đến việc hó hé chống đối ai kia chớ!

Chiếc cầu vồng bảy sắc sinh động nối mạch tình quyến luyến giữa con người và con người, mà tôi thân thiết gọi là “lòng nhân ái đùm bọc chí tình yêu thương nhau xiết đỗi” – đã nhạt phai trong tôi ít nhiều. Không còn đậm đà như những năm tôi sống trong vùng khói lửa chiến tranh liên miên từ: Mộ Đức. Minh Long. A Sao. A Lưới. Sa Huỳnh. Tà Biên, nữa rồi. Do đã từng chứng kiến cảnh chiến tranh đau thương vô vàn để lại trong đời. Cảnh người dân chất phác nghèo khó và người lính vô tội vì quê hương và dân tộc, họ phải chết bờ chết bụi thảm thiết vùi nông một nấm mộ vội vã bên đường. Cảnh con người ốm đau bệnh tật lê lết không thang thuốc đầy nhóc ở xó xỉnh mấy thôn làng hẻo lánh, họ cố kéo lết cuộc đời thấp hèn, đớn nghèo luôn bám riết sau lũy tre xanh quê hương. Tôi đã biết thế nào là lễ độ, khi mặt trời ở phương đông vẫn hào phóng tỏa những vầng hào quang tuôn chảy xuống vạn vật, lóng lánh trên những tàng cây xanh um bóng mát, tạo thành những dòng sáng lung linh rực rỡ trường tồn miên viễn rạng ngời.
Chiếc cầu vồng bảy sắc sinh động nối mạch tình quyến luyến giữa con người và con người, mà tôi thân thiết gọi là “lòng nhân ái đùm bọc chí tình yêu thương nhau xiết đỗi” – đã nhạt phai trong tôi ít nhiều. Không còn đậm đà như những năm tôi sống trong vùng sôi bỏng chiến tranh từ: Mộ Đức. Minh Long. A Sao. A Lưới. Sa Huỳnh. Tà Biên, nữa rồi. Trái lại, trong tôi bùng lên cuộc tình buồn, còn kèm theo nỗi hận căm cuộc chiến đấu mưu cầu cho tự do! Dù rằng đối với tôi tự do vẫn tuyệt vời thoải mái hơn tù tội, gò bó, o ép... Hòa bình vẫn sung sướng trân quý hơn chiến tranh. Chiến tranh đem lại giết hại, thù hận huynh đệ tương tàn điên cuồng, tàn ác thẳng tay chém giết lẫn nhau. Vết xe cũ đã lăn và đang lăn trên con đường gian khó. Khiến lòng ta thêm đau đớn xót xa hơn.

oOo

Tự do! Hai tiếng nầy vang lên nghe dạt dào quyến rũ, thân thương, truyền cảm, trìu mến, ngọt ngào, thú vị, hay hay, lý tưởng, hoài bão, dấn thân tha thiết mời gọi thế nào ấy! Vai trò “Cách mạng, đảo chánh” hay đĩnh đạc hơn: “Dành lại quyền tự do thống trị” không hàm hậu ý chế nhạo ai, nghĩa là chung vai góp sức làm sao cho tốt, ngõ hầu nâng cao đời sống con người cùng khổ lên cao, họ sẽ có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, mong cho đất nước mau thoát ra cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn, vì chiến tranh luôn đè nặng lên lương dân vô tội. Tự do rất trân quý và đầy kính trọng. Chuyện tình đời và hai chữ tự do ấy đã quá xưa, cũ rích như trái đất rồi. Tôi và có thể hầu như mọi người thân thương đều thiết tha bao dung và độ lượng khi định nghĩa tổng quát về danh ngữ hay tính ngữ “Tự Do”: Đó là phạm trù triết học, biểu hiện một quy luật nhịp nhàng, có tự do trong quy định trật tự ôn nhu tiết độ vững bền của một quốc gia. Sự phát sinh tự do qua ý chí của con người và xã hội, nhân quần. Tôn trọng các quyền phát huy tự do rất căn bản (nghĩa là không quá độc tài, bị cấm đoán, cưỡng ép, hay bị ràng buộc khắt khe bởi: những quy chế: hiến pháp, lập pháp, luật pháp, tư pháp, hành pháp gắt gao; nói chung chung). Tự do -nhưng trong căn bản trật tự, đạo đức ôn nhu, hành sử chính xác và hợp lý. Không được thoát ra ngoài cương lĩnh và cương vị của một quốc gia.
Thế thôi.


Chương   2
Tình Cờ  Biết Anh Là Lính

haiEM anh tren cau.jpg

Dĩ vãng đằm thắm thuở vàng son trước kia của tôi đã xao động, và cướp đi những mộng mơ lãng mạn mất rồi! Điền vào đó là bao nỗi sầu đắng của con người trước cuộc cách mạng xô bồ; nhưng vô cùng thực tế, như chiếc lá úa thay mùa vùn vụt bay đi theo những cơn gió chớm đông ùa về gờn gợn sống lưng và gây gây lạnh.

Tôi biết anh ấy vào một buổi chiều tháng Mười Một nhạt nắng, khi cách mạng đảo chánh thành công. Cảnh là một sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tên trường oai hùng, lừng danh, nổi tiếng ngang hàng như trường Võ Bị West Point ở Mỹ. Hoặc giống Saint Cyr ở Pháp vậy! Qua bộ quân phục đẹp với hàng nút đồng lóng lánh nhũ kim trong buổi hoàng hôn. Mấy cánh Alpha chói mắt trên cổ áo hồ cứng thẳng nếp. Gù vai lủng lẳng hàng dây chiến thắng đỏ rực hào quang, anh ấy càng tăng thêm vẻ kiêu hùng, đĩnh đạc, oai phong làm sao ấy!

Thật ra khi đi chợ Đà Lạt, tôi lo chen chân với hàng hàng lớp lớp người người ồn ào lo mua sắm. Hầu ăn mừng ngày lễ các thánh đã ở trên trời. Và các vị thánh mới toanh, (do cuộc đảo chánh vinh quang ở miền Nam Việt Nam vừa đưa họ lên chầu trời). Tôi không hề để ý đến hai chàng sinh viên sĩ quan đã theo sau lưng mấy dì cháu tôi từ lâu lắm. Tôi nói các cháu: Bảo, Quốc, Toàn, Thịnh, Tí, đứng chờ tôi ngoài hàng hoa. Tôi len vào trong lòng chợ mua thịt, cá, vân vân... Mua xong những thứ cần thiết. Xách hai tay hai giỏ nặng, tôi quay lại chỗ hẹn cũ, nơi các cháu đã đứng xớ rớ tại góc của một quầy hàng bán hoa. Tôi thấy các cháu đang trò chuyện với hai anh sinh viên sĩ quan Võ Bị. Tôi đứng trên thềm chợ nơi xa xa, lớn tiếng gọi các cháu lên xe lam về nhà.

Chị Tư cùng tôi, và người làm lo chuẩn bị buổi ăn tối. Chị tôi nấu bún bò giò heo, tôi chiên chả giò. Thế rồi cả nhà ăn uống mừng lễ no nê và vui vẻ xong xuôi, tôi cùng các cháu lên phòng học. Các cháu học bài, làm bài tập. Riêng tôi ngồi dưới ánh đèn néon thoăn thoắt đan áo lạnh. Bỗng chó sủa vang. Người làm ra mở cổng và mấy dì cháu được một phen ngạc nhiên. Hai chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị lúc chiều đang hiện diện nơi phòng khách. À thì ra bây giờ tôi mới biết các cậu cháu nhỏ nhà mình đã bùi tai nhẹ dạ nghe lời “đường mật” của mấy “anh chàng dễ ghét” khôn khéo kia, nên cháu Bảo đã cho họ biết địa chỉ ấy mà.

Mấy cháu không ai chịu ra tiếp họ, mà chỉ rúc ở trong phòng học tắt hết điện đóm, rồi nhìn lén qua khe vách để dòm ngó hai chàng Võ Bị, các cháu trai của tôi rất “mê” những anh chàng Võ Bị thần tượng đây. Các cháu xô đẩy nhau chỉ chỏ dòm ngó qua khe hở, thì thầm nói cười rúc rích với nhau. Tôi cũng tò mò nhìn qua khe hở trong phòng học xuyên từ phòng khách, cho biết mặt hai chàng là ai! mà dám bạo gan bạo phổi ngang nhiên vào nhà người lạ? Họ không biết ở đây có “bà chằng Tư dữ như tinh” rồi. Chúng tôi nghe họ đã tự giới thiệu tên với chị Tư:

- Dạ, ... em là Cảnh. Bạn em là Châu.
- Mời các cậu ngồi chơi.

Hai chàng xin phép chị, tuần tự ngồi xuống sofa. Người làm bưng nước lên mời. Chị Tư nhìn hai chàng Võ Bị cười cười mở lời:

- Các cậu hỏi thăm ai hỉ?
- Dạ...
- Quen với ai ở nhà này nào?
- Hồi chiều em gặp Bảo, Quốc, ở ngoài chợ í chị.
- Vậy là mới biết, chớ chưa quen thân ha.
- Dạ vâng.

Họ ngồi nói chuyện trên trời dưới đất về chuyện cách mạng đảo chánh thành công nhạt nhẽo thêm mươi lăm phút gì đó. Thế rồi hai chàng trai “ngố ngáo” lúng ta lúng túng xin kiếu từ “bà chị khíu chọ”, chắc họ cũng muốn chuồn lẹ lẹ đi cho khuất mắt “cái bà già” mà ban đầu Châu đã lỡ gọi là “bác”, vì chàng ngỡ chị Tư là mẹ của tôi, thì phải.

Thời gian qua đi, tôi cũng quên mất một buổi tối hai chàng trai sinh viên sĩ quan chẳng hề chuyện trò, không quen biết ấy. Cho đến hai tuần lễ sau, tôi cùng các cháu đi xem lễ sáng chủ nhật ở nhà thờ “con Gà”. (dạo nầy, cứ sau một tuần đi học trên đại học và đi làm việc ngoài văn phòng của khu phố I, tôi ưa xuống nhà thăm anh chị Tư và các cháu, ở chơi suốt buổi. Mỗi khi đi đâu, tôi chỉ biết đi với các cháu). Khi tan lễ, tôi ra phòng đọc sách hội quán của nhà thờ chính tòa, nơi dì cháu chúng tôi ưa hẹn gặp nhau. Mỗi tuần chúng tôi đi ăn phở xong, sẽ lên Hotel Palace tắm nước nóng cho đã đời.

Chợt tôi thấy Cảnh đang chuyện trò vui vẻ với đám con gái, em gái, hay bạn gái gì gì đấy, họ đứng lố nhố bên quầy sách tíu ta tíu tít, ríu ra ríu rít bu lại bên Cảnh vui cười hớn hở ở trong phòng hội. Tôi thấy có mấy cô nhỏ nhảy tưng tưng bá vai vít cổ anh để vòi vĩnh điều gì đó. Cảnh nhìn ra cửa lớn anh khựng lại giây lát, hình như chàng khá ngỡ ngàng, ngẩn ngơ nhìn tôi đăm đăm. Hình như anh ta ngạc nhiên lắm thì phải! Thế rồi Cảnh vội vã rời xa đám tình hờ, bạn gái, em gái chi chi đó, mặc cho mấy ẻm hậm hực, bực bội, phụng phịu tức tối nhìn theo anh ta. Trong số bọn ấy tôi thấy có con Lộc lé ở bên đường Đa Lộc, con Xuân có biệt danh khùng mát, mặt mày nó đen đen, thân thể gầy nhom, tính tình nổi tiếng hung ác, bặm trợn, đanh đá, nhà nó ở gần khu Mã Thánh Tây, phía sau nhà thờ con gà.

Cảnh vội đến bên các cháu nói chuyện như lần trước. Các cháu lại không chịu đi tắm nữa, mà ngỏ ý với tôi trước mặt Cảnh, cháu muốn rũ Cảnh về nhà ăn bánh khọt, bánh bèo. Tôi hơi khựng lại hết bối rối nhìn Cảnh, rồi quay qua nhìn các cháu, lúng túng chưa biết trả lời ra sao cho phải phép xã giao. Vả lại tôi rất sợ chị Tư la mắng. Vì chủ nhà nầy là của anh chị Tư, không phải là nhà của tôi đang ở, mà tôi dám tự đắt có quyền muốn mời ai thì mời. Chưa kịp phản ứng thì Cảnh vui vẻ đồng ý ngay. Anh thân thiện đi bên các cháu nói chuyện hân hoan vui vẻ, thỉnh thoảng Cảnh lại hỏi tôi vài câu hỏm hỉnh, thật có duyên. Ơ! Làm như giữa anh và tôi đã thân quen nhau từ tiền kiếp nào kiếp não hay sao ấy. Bây giờ giữa trời đất bao la nầy mặc nhiên công nhận tình bạn đó, tình cảm đó là hữu lý! Anh không cần rào đón đong đưa làm quen. Hoặc yêu cầu người đối diện có nhận lời không -một cách hợp lý- Khiến tôi liếc nhìn anh mà phải ỏn ẻn bật cười thành tiếng. Hầu như “mấy cu cậu tí hon nhà ta” thì rất có cảm tình, kính trọng, nể vì, và ngưỡng phục các anh chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị bảnh bao hào hùng (chứ chả phải riêng Cảnh). Nên các cháu thật dễ dàng thân thiện và mến thích Cảnh tự buổi đầu tiên gặp nhau. Tình cảm đơn sơ chân thật đó rộ nở ra dưới ngôi nhà xinh xinh bên triền dốc đường Đào Duy Từ (mà cư dân địa phương ưa nói là Dốc Nhà Bò). Giữa Cảnh và các cháu hòa đồng với nhau, như muối hay đường hoà tan dễ dàng trong nước.

Hôm nay chị Tư có biểu tôi đến nhà chị để tổ chức đổ bánh xèo, bánh căn, cho các con của chị ăn uống vui vẻ tại nhà. Vì buổi trưa chị Tư bận đi lễ, sau đó chị sẽ đi họp hội Dòng Ba, đến tối mịt mới về. Chị muốn nhờ tôi “chăn” bọn trẻ xí. Nên “bọn trẻ chúng tôi” ở đây “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”, tha hồ quậy, mà không sợ có con mắt ốc nhồi giám sát của bà chị khó tính khó nết.

Cảnh ngồi bên các cháu ở dưới phòng ăn, anh xem người làm và tôi thoăn thoắt làm công việc nội trợ. Có khi Cảnh ra vườn cùng mấy cháu tìm bắt dế. Bảo thích nhất con dế lửa cánh màu nâu đỏ sậm, đá hăng, càng to. Quốc đem nhốt dế trong hộp diêm quẹt, hay hộp giấy cứng có đục sẵn mấy lỗ thông hơi. Bên trên nắp hộp, cháu đặt chú dế ấy một cái tên riêng. Cháu bỏ vào đấy mấy cọng cỏ tươi, vài hột cơm, hay chút bánh mì. Khi cháu muốn cho bầy dế đi làm “cách mạng, lâm chiến”, thì Bảo, Quốc, Toàn, bắt hai chú dế ở hai hộp khác nhau ra. Cháu nhổ vài sợi tóc dài trên đầu tôi, quấn qua cổ con dế, rồi quay con dế năm bảy vòng. Chú dế xiểng liểng, chóng mặt chóng mày, tối tăm mặt mũi. Sau đó cháu thả con dế xuống trên một cái hộp rộng. Hai con dế cứ thế giương hai càng, khật khừ khật khưỡng dạng cẳng ra tỉ thí với nhau, chúng cắm đầu húc bừa vào đối phương. Con dế lửa hăng tiết vịt say sưa “đấu đá” ; làm chú dế than “rét” quá chạy té re... chạy có cờ. Toàn bốc con dế than lên, cháu bụm dế vào hai lòng bàn tay, cháu chúm miệng thổi phù phù mấy hơi. Có lúc cháu lấy ngón tay trỏ thấm nước bọt, hay để con dế uống xí nước cho đỡ mệt. Rồi cháu lại thả dế vào nghinh chiến. Tự nhiên tôi lại nghĩ đến những câu thơ:

Vẹn

Có con nhỏ dế,
Tấu khúc bên tê.
Chiều tà ngả bóng.
Tình ca nhớ quê.

Rung rinh ngấn lệ.
Khóc đời dâu bể.
Đôi hàng lệ rơi.
Trên mi ai thế?

Bao năm xa quê.
Bọt sóng u mê.
Hương xưa thấm đẫm.
Kết nối duyên thề.

Khóc mừng anh về.
Giọng cười vui ghê.
Tíu ta tíu tít...
Trọn nghĩa phu thê.
  
Sương rơi cỏ mềm.
Ấp ủ tình em.
Bóng trăng tỏa sáng.
Lời xưa nhớ thêm.

Duyên mình đã vẹn.
Trên đỉnh bình yên.
Tình chung dạ khúc.
Mừng ngày đoàn viên. (*)

Anh tâm sự với dì cháu chúng tôi: gia đình cha mẹ Cảnh trước năm 1960 còn phong lưu khá giả. Sau đó, cha mẹ anh làm ăn thất bại. Ba Cảnh lo buồn và mắc chứng trầm cảm luôn, thành thử không giúp ích gì. Mẹ anh một mình ên buôn bán, lo cho đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Cảnh đi học về, phải phụ mẹ trông coi tiệm phở. Tuy tiệm không ế ẩm, không đắt khách, chỉ đủ nuôi sống gia đình đạm bạc qua ngày. Họ không nghèo, không bảnh bao, không vinh sang, nhưng vẫn ung dung hí hửng đi “dìa” thăm quê mỗi năm, để lì xì họ hàng nội ngoại đôi bên hậu hỉ.

Và tôi nữa... Dưới vòm trời Cao Nguyên Lâm Viên, cảm tình nầy có báo hiệu bình yên, an hòa, ấm áp? Hay bao phủ giông tố bão bùng nơi xứ lạnh sương mù quanh năm vây kín núi đồi? Nào ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Tôi lặng lẽ đón nhận tình bạn rất tình cờ biết anh là “Lính”… do Cảnh trao đến tôi êm ái, đằm thắm, từ từ... Tuần tự theo thời gian trôi đi, bước từng bước một lên từng bậc thang dài và cao vút. Chúng tôi bình dị, thẳng thắn đến với nhau không điều kiện, vô vụ lợi, lả lướt trong khoảng tơ trời xanh thẳm, cao ngất, ngút ngàn, mênh mông...

(còn tiếp)

tìnhhoàihương

--------------------------------------------------
(*)  thơ tìnhhoàihương

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010