SỐ 48 - THÁNG 10 NĂM 2010

 

HÀNH-TRÌNH HUẾ-ĐÀNẴNG

Tâm-Phương-Đăng

Với tôi, hiểu nôm na đời sống con người bình thường trên trần gian gồm ba giai đoạn đáng nhớ :

Tuổi ăn học - Tuổi xây dựng công danh sự nghiệp và tuổi vui hưởng cuộc sống cuối đời.

Nhưng hầu hết người Việt của thế hệ tôi, hai giai đoạn ăn học và xây dựng công danh bị ảnh hưởng lớn theo dòng lịch sử thăng trầm của đất nước vì chiến tranh bom đạn và ý thức hệ Quốc Cộng của các siêu cường Nga Mỹ. Do đó, tuổi ăn học và dựng xây công danh sự nghiệp của tôi không tránh khỏi cơn lốc xoáy vào quỹ đạo đau buồn trong suốt thời gian sinh sống ở cố đô miền Trung với biết bao mơ ước tương lai nhưng không đạt thành ý nguyện.

Bây giờ Tôi đang ở vào giai đoạn cuối đời, đôi khi nghĩ về thời gian cũ, tự nhiên có cảm giác phẫn uất, buồn giận than trách rồi buông lên tiếng thở dài, nhất là khi nghĩ tới Huế hoặc nghe ai đó nói về Huế của tôi.

Huế - Chỉ một tiếng đơn-thuần nhưng bất cứ lúc nào khi nghe ai nhắc đến là tâm trí tôi hiện ra một khung trời rực lửa đấu-tranh của tuổi thơ tôi sống và một lần chạy bán sống bán chết mới kịp thoát thân. Huế cũng là vùng đất yêu thương tôi có nhiều kỷ-niệm cùng bạn bè, ghi dấu bước chân đi qua các Lăng-tẩm Cung-điện của Vua Chúa thời xa xưa từ Gia-Long, Minh-Mạng đến Khải-Định, Bảo-Đại.

Có lúc mơ tưởng và chỉ là mơ thôi, được nhìn ngắm được chuyện trò với những Công-tằng Tôn-Nữ cao sang đài-các với gót son, tóc kẹp trâm cài . Rồi tiếc thương kiếp hồng nhan bạc phận bị vùi dập theo vận nước nổi trôi của hơn bốn ngàn năm Văn-vật mà hầu hết là triều cống giặc Tàu.

Người dân Huế thuộc nằm lòng những tình khúc nam-ai trên dòng Hương-giang xanh ngát. Họ quen thuộc nơi chốn, danh lam thắng cảnh lịch-sử như Đền Nam-giao,nơi các Triều Vua tế lễ, cùng những nét đặc-thù núi Ngự-Bình trước tròn sau méo, hoặc sông An-cựu nắng đục mưa trong.

Thấp thoáng những con đò ngược xuôi trên dòng Hương-giang theo câu hò mái-đẩy của các o chèo đò với áo ngắn trắng, quần lãnh đen, gió thổi nghiêng vành nón lá. Xuôi mái chèo xuống cầu Trường-tiền sáu vài mười hai nhịp, lên cầu Bạch-Hổ nhìn tháp-đài Chùa Thiên-mụ rồi tấp bến Phú Vân-Lâu. Ghé chợ Đông-Ba thăm đò-vạn hoặc vào Đại-Nội ngắm sen hồ Tịnh-Tâm thơm hương mùa hoa nở.

Tôi vẫn mãi mãi không quên được hình ảnh các O trong áo dài ướt đẫm mồ hôi và quang gánh nặng vai với nồi chè, nồi bún bò huế, hay những rổ bánh nậm, bánh ú bán rong khắp hang cùng ngõ cụt của phố phường.

Với bốn mùa dịu, mát, nắng, mưa, cảnh tình thơ mộng, sông nước hiền hòa nhưng người dân trải qua thời thế chiến cuộc nào cũng đứng lên bất khuất như những cuộc chiến chống Pháp chống Tàu.

Nói chung thì dân tộc Việt nam rất oai-hùng, có kinh nghiệm chiến đấu lâu bền nhất mà không một dân tộc nào trên thế giới có thể so sánh được. Từ một ngàn năm nô-lệ giặc Tàu, người Việt chỉ ảnh hưởng sâu đậm một nền Văn hóa Phong-kiến, chứ tiếng Việt vẫn không mất. Cho đến một trăm năm nô lệ giặc Tây, tiếng Việt vẫn còn.

Là một dân tộc bị-trị lâu đời, nếu có ai hỏi Tôi chọn sự cai trị của nước nào, chắc chắn Tôi sẽ chọn Tây, vì mặc dù đô hộ, nhưng Tây đã mang đến dân Việt sự Văn minh tiến bộ của Thế-giới, cùng lúc với sự kiến thiết hệ-thống đường sá, cầu cống trên toàn cõi Việt nam. Khác với thằng Tàu chỉ tuyển chọn Gái đẹp và vơ vét vàng bạc châu báu mang về Tàu.

Hết giặcTàu, giặc Tây, bây giờ đến giặc Cộng sản tiếp tục tàn phá quê hương, không biết đến lúc nào thanh bình mới trở về trên đất Việt ?

Quê hương đất nước Việt Nam quá đẹp, nếu không có chiến tranh triền miên thì dân chúng chắc không đói nghèo như bây giờ, và mọi người có cơ-hội đi lại bất cứ nơi nào trên quê-hương như Trầm-tử-Thiêng viết :

” Hôm qua Sài-gòn... bây giờ có mặt tại Kontum ... Chiều nay khăn gói ra Trung
Sớm mai này ta về Hải-phòng...Hòa bình ơi...!  ".

Tiếng kêu than vì khát vọng Hòa bình từ lâu mà chưa bao giờ có, nên cơ hội đi thăm làng cũ quê xưa, vẫn chưa thực hiện được trong lúc này. Chỉ có đoạn đường ngắn Huế - Đà nẵng mà còn lo sợ bom đạn mìn bẫy huống hồ ra tới Hãi-phòng ?.

Nhớ lại mùa hè cuối cùng của Trung-học ở miền sông Hương núi Ngự sao buồn chi lạ. Cũng có hoa Phượng vĩ, nắng hồng tươi cùng những tà áo trắng và nón lá bài thơ của nữ sinh Đồng-Khánh, Bồ-Đề, Thiên-Hữu...thướt tha bay bay qua cầu Gia-hội, Đập-đá, Trường-tiền . Cũng thấp thoáng những con đò ngược xuôi lên cầu Bạch-Hổ, rẽ về sông An-Cựu hoặc ghé bến chợ Đông-ba.

Tôi cố thu hết hình ảnh Huế thương yêu vào trí óc tôi lần cuối trước khi giã từ. Tôi rủ người bạn cùng lớp, đạp xe lên Đền Nam-giao ngắm cảnh, đi vào Đại-Nội chụp hình, rồi thả bộ ra nhà Thủy-Tạ hồ Tịnh Tâm ngồi thưởng thức hương thơm sen nỡ. Nó ngạc nhiên hỏi :

- Răng bữa ni trong đầu nghĩ chi mà bắt tôi đạp xe theo đến những nơi có vẻ lãng mạn như rứa ?.

Tôi cười trả lời :

- Lòng tôi bây giờ, vui buồn lẫn lộn, vui vì sắp về quê thăm Mẹ và báo tin vui các anh thi đậu Tú-tài. Còn buồn vì sắp lìa xa những thân-thương của Huế, nên muốn đi một vòng lần cuối.

Ròng rã mấy năm trời với bao kỷ niệm dấu yêu, kể cả những chuyện tình nho nhỏ nhưng thật buồn và đáng nhớ à . Nhiều lúc chợt thoáng qua hồn, tôi muốn đến thăm lần cuối và nói lời chào từ giã nhưng sợ lòng vấn vương thêm. Đến trưa đi ăn Cơm-Hến, tối đến ăn Cơm Âm-Hồn.

Trong lòng tôi lúc nào cũng có Huế đẹp-Huế thơ-Huế mơ-Huế mộng.......
Huế muôn thuở ở trong tim, trong tâm hồn. Nghĩ đến Huế là nghĩ đến những gì thân thương nhất, quen thuộc nhất, như hình bóng thương yêu của Mẹ, hình ảnh làm công khó nhọc, cần cù của anh Ba, và quang gánh nặng vai của chị Sáu.

Bầy giờ anh Cả, anh Ba đã đem vợ con vào sống ở Đà-nẵng, chị Sáu theo chồng sống ở Diên-trường, chỉ còn lại Mẹ cố bám víu nơi chôn nhau cắt rốn để giữ gìn mồ mả tổ tiên. Những ngày tháng sắp tới, tôi lại đi xa hơn, cơ hội về thăm chắc là rất hiếm.

Đường sá bầy giờ thường xuyên bị Cộng quân phá hủy, nhất là các cây Cầu gần đèo Hãi-Vân đi vào Đà-nẵng, cầu An-lỗ, cầu Mỹ-chánh đi ra Quảng-trị. Mỗi lần cầu cống, đường sá bị phá hủy, Quân đội miền Nam phải mất vài tuần mới sửa chữa xong, khai thông trở lại được ít lâu, lại bị phá hủy nữa. Cứ thế mà tiếp tục mãi, năm này qua tháng nọ.
Bao nhiêu tài nguyên Quốc-gia và tiền Ngoại viện đều đổ ra sông ra biển. Dân chúng cứ đói nghèo, chiến tranh càng lan rộng.

Rồi thời gian trôi đi hơn mười năm trời...
Tôi trở lại Huế vào mùa xuân năm 1968, đúng lúc Quân Đội Bắc-Việt mở Tổng-công-kích vào hơn bốn mươi Tỉnh-Thành Quận-lỵ của miền Nam Việt Nam trong dịp Tết Mậu-Thân. Rất nhiều lời lập-luận,bình phẩm của các nhà phân tích Chính-trị về việc tấn-công Đại-qui-mô này như :

- Hà-nội cố tình gây áp-lực, chiếm thêm đất đai để sau này ký lại Hiệp-đinh chia cắt Đất-nước vào tới Vi-tuyến 16, từ Đèo Hãi-Vân ra Bắc.
- Hoặc Hà-nội tính toán gian-manh, lừa bịp, giả vờ yêu cầu Chính-quyền Miền Nam Hưu-chiến ba ngày ăn Tết rồi bất thần tấn công dành chiến thắng.
- Có những Chính-trị-gia cho rằng đó là do Mỹ ép buộc Quân Đội miền Nam bỏ ngõ cho Cộng quân vào để đánh giá Tiềm Năng Chìến Đấu của Quân Cộng Sản Bắc Việt. Nếu Quân Dân Nam Việt Nam cầm cự được, thì Mỹ và Việt Nam Cọng Hòa có được Thế Thượng-Phong ở Hòa-Đàm Ba-Lê.

Ôi thôi, không biết bao nhiêu lời bình phẩm bàn ra tán vào.
Cùng một đất nước Việt nam, cùng một dòng giống Lạc-hồng nhưng người theo Cộng sản thì hoan nghênh, kẻ theo Quốc-gia thì căm thù uất hận. Chỉ có gần sáu ngàn người dân Huế lương thiện thì bị vùi xác trong các mồ chôn tập thể, và thân nhân khóc thương căm hận ngút ngàn. Sau gần một tháng chiến đấu, Quân Đội miền Nam đã chiếm lại tất cả các Tỉnh Thành, Quận-Lỵ bị mất, vãn hồi cuộc sống an-bình cho Dân.

Tuy nhiên, đã phải trả một giá quá đắt. Hầu hết Cán-bộ Công-Chức từ Hạ-tầng đến Trung-tầng Cơ-quan Chính-quyền Xã Quận Tỉnh đều bị Cộng quân giết chết hoặc chôn sống thủ-tiêu. Tàn ác nhất là Chín Hầm chôn sống tập-thể gần sáu ngàn người tại Huế. Nên nhớ rằng khi Hiệp-Định Genève ký kết tháng 7 năm 1954, trên lý thuyết ai theo Cộng thì tập-kết ra Bắc. Nhưng Hà-nội đã gian manh gài rất nhiều Cán-bộ ở lại miền Nam. Cuộc Tổng Tấn Công này cũng là dịp để Cọng Sản thanh lọc thành phần được gài lại năm xưa, ai còn hoạt đông, ai không.

Lẽ dĩ nhiên, những người không hoạt-động thì cùng chung số phận chôn sống thủ tiêu trong dịp này.
Quê tôi cũng có một mồ chôn sống tập thể mấy trăm người trên đồi cát Thôn Niêm. Trong đó, bà con tôi là cán bộ Cộng sản được gài lại như dượng Thọ, dượng Thợ De chồng Dì Liễu, và anh Quyết con rể của Dì Phức bị họ treo cổ trong ngôi Đền Thờ của Làng Trạch-Phổ.

Ôi ! Có dân tộc nào trên thế-giới mang nhiều thú-tánh và dã-tâm tàn ác đối với người cùng máu huyết, đồng chủng-tộc bằng Cộng-Sản Việt-Nam không nhỉ ?.

Trải qua cái Tết Mậu-Thân, tôi có thêm được bài học niềm-tin cuộc đời. Đó là sự Phúc-Đức Gia-đinh và Dòng-họ. Mẹ lúc nào cũng hãnh-diện nói cho các Con rằng đời Ông Cố Ông Tổ của mình ngày xưa đã nổi tiếng nhân đức, ăn hiền ở lành, nên chắc chắn các con của Mẹ sẽ hưởng được những ân-đức sau này. Mẹ nói với tấm lòng tin-tưởng tuyệt đối.

Trường hợp ba anh em chúng tôi bị kẹt trong vùng Cộng quân chiếm đóng tại nội thành Huế ròng rã gần cả tháng trời. Thằng em út chạy trước về vùng an-toàn theo gia-đình người bạn. Anh Tư ban ngày lên nằm trên máng-xối nhà người quen, ban đêm mới dám leo xuống xin cái gì ăn lót bụng và vệ sinh cá nhân. Xong trèo lên máng-xối trở lại, nằm dầm sương dãi nắng suốt mấy tuần liền, trong thời gian quân đội Bắc-việt kiểm soát toàn vùng phía Tây nội thành và mỗi buổi tối bắt dân chúng đi học tập Riêng Tôi, sáng sớm mồng hai Tết, về thăm và ở lại nhà bà Dì trong khu Gia-Binh thành nội Huế, sáng sớm hôm nay chuẩn bị từ-giã lên đường vào Sài-gòn

Trời mù sương và rất lạnh, đặc biệt là rất im vắng, không nghe tiếng súng nổ đạn bay như ở làng quê tôi. Khuya mồng một, Cộng quân lợi dụng sự an tâm đón xuân của dân chúng, họ tràn vào chiếm trọn thành phố.Phần đông dân chúng, sáng sớm mồng hai mới hay biết giống như tôi. Ăn sáng xong Tôi mặc áo quần gọn gàng, với com-lê giao mùa của Hải-quân, giày trắng, nón casket trắng, quần áo trắng, khoác bên ngoài áo veston màu xanh đậm nước biển . Xách Vali đi bộ ra đầu đường định gọi Taxi xuống Phi-trường Phú-Bài để vào Sài-gòn, sau một tuần phép về thăm Lăng-Mộ Mẹ trong khuôn-viên Chùa Tây-Thiên Huế. Ra khỏi nhà Dì khoảng vài trăm thước, thình lình trong những lùm cây hai bên đường nhảy ra năm sáu cô Bộ-đội, đồng phục đen, chân mang dép-râu, đầu đội nón cối với súng AK-47, tay ghìm sẵn cò, chĩa vào Tôi, một cô lên tiếng ra lệnh :

- Đứng lại !. Giơ cao tay lên.

Rồi cô lên giọng tiếp :

- Thành phố Huế đã được giải-phóng rồi, sao ông còn đi đâu ?

Tôi vừa bàng hoàng vừa sợ hãi, chiếc Vali cầm trên tay rớt xuống đất, Tôi làm theo lệnh, giơ hai tay lên cao và nói :

- Cho phép Tôi đến nhà bà Cô gần đây thay áo quần.

Không hiểu cô ta nghĩ gì, thoáng nhìn quanh rồi nạt nộ :

- Nhà gần đây không ?
- Nhà có cổng sắt đàng kia kìa. Cô ta nhìn theo tay Tôi chỉ rồi bảo :
- Đi nhanh lên.

Thật là hú hồn, không hiểu tại sao họ cho Tôi đi một cách dễ dàng như vậy. Có thể họ nghĩ rằng Tôi đã là con cá trong lưới của họ, muốn bắt muốn giết bất cứ lúc nào nên tạm thời cho đi. Hay đúng hơn là họ chưa có lệnh bắt giết .
Chân bước đi mà lòng còn run sợ họ gọi trở lại. Tay phải ôm Vali, nách bên trái kẹp chiếc nón Casket vì không dám đội lên đầu. Đoạn đường ngắn mà sao Tôi thấy rất xa. Thời tiết mùa Xuân ở Huế khá lạnh nhưng quần áo Tôi đã thấm ướt mồ hôi. Tôi vừa đi vừa chạy nên mệt không kịp thở. Mặc dầu mệt lả người nhưng cố ráng sức. Không biết giờ này O Hạnh hay Tâm có nhà hay không ?

O Hạnh tuổi ngoài năm mươi, người Làng Hòa-Viện, kế cận Làng tôi. O đang ở với đứa con trai duy nhất khoảng mười tuổi tên Bính, cùng hai đứa cháu ruột là Tâm nhỏ hơn tôi một tuổi và Lan khoảng chừng mười sáu. Chồng đã đi Tập kết từ năm 1954. Tôi quen O Hạnh qua Tâm vào thời còn ở trung học, thấy O là người nghiêm trang, đứng đắn nên Tôi rất kính phục. Điểm đặc biệt là lúc nào gặp tôi, O cũng tươi cười và cởi mở bao dung.  

Mặt trời bắt đầu ló dạng, Tôi liếc mắt lên Kỳ-Đai Huế thấy lá cờ khác lạ, nửa xanh nửa đỏ và ngôi sao vàng ở giữa. Tôi nói thầm, đúng là cờ Mặt Trận Giải-phóng miền Nam rồi.

Khi đến trước cửa, Cổng sắt đã được mở toang, Tôi dựng tóc gáy khi nhìn thấy hàng chục Bộ-đội tay ghìm súng ngồi trên hàng hiên nhà. Hàng chục cặp mắt đằng đằng sát khí chăm chú nhìn Tôi bước vào mà chẳng ai lên tiếng hỏi han gì O Hạnh vội vã bước ra cửa và kêu lớn cố tình cho tất cả Bộ-đội nghe :

- Nè ! Nhân, vào đây thay áo quần lẹ đi Con, thành phố Huế được giải-phóng hoàn toàn, con chưa biết hay sao ?

Rồi O kéo tay Tôi vào phòng ngủ của Tâm và bảo nó :

- Hãy tìm cho Nhân bộ đồ để thay.

O đi ra ngoài nói chuyện gì với anh Trưởng toán chỉ huy. Khi bước vào phòng, thấy Tâm vẫn bình thản đọc sách, ngước đầu lên nhìn Tôi nó nói :

- Số-mạng Mày còn quá lớn, ăn mặc như vậy mà không bị bắn chết là may phước lắm,

Tôi hết sức ngạc nhiên, tình cảnh này mà nó còn tâm trí đọc sách được. Lạ thật ?. Thay vội vàng bộ áo quần dân sự của nó xong Tôi hỏi nhỏ :

- Bây giờ ta đi đâu ? Làm gì ?. Tâm vẫn tiếp tục đọc sách và trả lời :
- Phải đợi lệnh, Họ bảo làm gì thì làm, kể cả dân chúng cũng thế.

Tôi kéo ghế ngồi gần, hỏi nhỏ nó với vẻ lo lắng bởi chưa hết run sợ :

- Nè Tâm, Mày chuẩn bị tốt nghiệp Cao-học Quốc-Gia-Hành-Chánh, sau này sẽ là Phó Tỉnh Trưởng, Tao là Sĩ-quan Quân-Đội VNCH, nếu Họ bắt đi, chắc Mày sẽ bị banh thây nát xác hơn Tao, tại sao Mày không một chút lo lắng gì cả vậy ? Ta có nên tính chuyện chạy đi đâu không ? Nó thong thả nói úp-mở :
- Còn nơi nào để chạy đâu. Đây là nơi an-toàn nhất, chạy ra ngoài nếu không bị bắt thì cũng bị lạc đạn chết.

Thấy Tôi đứng ngồi không yên, sau cùng nó mới nói nhỏ cho hay :

-  Mày có biết Ba Mẹ tao và chồng O Hạnh tập kết ra Bắc năm 54 không ?. Hồi hôm O Hạnh đã gặp lại Dượng, và Tao cũng đã đoàn tụ với Mẹ tao. Chồng O Hạnh và Ba tao, cả hai mang cấp bậc Đại-tá, nhưng Ba tao bị chết vì phi cơ Mỹ giội bom trên đường mòn Hồ Chí Minh mấy năm trước. Còn Mẹ tao là Thượng-tá đang hành quân vào đây...

Ngừng một lát, nó hỏi tôi :

- Bây giờ mày hết lo sợ chưa ?

Nghe nó nói xong tôi càng run sợ hơn, thì ra, tôi đã lọt vào ổ kiến-lửa. Phải ngồi yên, nếu nhúc-nhích động-đậy, sẽ bị cắn nát thây.

Căn nhà O Hạnh là chi-nhánh Bộ-Chỉ-Huy hành-quân của Bộ-đội Bắc-Việt, Tôi nghĩ nếu Quân-đội VNCH đánh chiếm lại thành phố Huế thì nhà này là mục tiêu tấn-công và cũng là mục-tiêu cho phi cơ oanh tạc. Trong trường hợp Cộng quân không giữ được Huế, trên đường rút lui chắc chắn Họ sẽ đem Tôi và Tâm đi theo. Số phận tôi sẽ như thế nào ?
Tôi đang suy nghĩ một phương kế thoát thân, bỗng dưng nghe tiếng máy bay gầm thét vang trời, tiếp theo hàng loạt bom nỗ cùng với tiếng súng giao tranh của hai bên Ta và Địch. Súng phòng-không Cộng quân bắn lên như pháo nổ.Tôi nói thầm trong bụng :” Cuộc chiến thực sự xảy ra rồi.”.
O Hạnh chạy vào mở cửa phòng hét lớn :

- Hai đứa mau xuống Hầm trú ẩn .

Nói xong O đi ra ngoài. Tôi đưa mắt hỏi Tâm, hầm ở đâu ?. Nó kéo tấm gỗ dưới gầm giường, đường đi xuống hầm tối thui. Nó lao mình xuống trước, Tôi phải nắm áo nó lần mò theo sau. Nó mò mẫm thắp sáng đèn cầy. Tôi liếc nhanh căn hầm thấy cũng khá rộng, có thể chứa được năm bảy người. Tôi thầm nghĩ có lẽ đây là căn nhà duy nhất tại Huế có hầm trú kiên cố, nghĩa là đã được chuẩn bị chu đáo từ lâu.

Hầm được lót chiếu, có chăn gối để nằm ngủ, tuy hơi có mùi đất ẩm ướt, nhưng dầu sao, cũng rất an-toàn. Tôi kéo chiếc gối nằm dựa lưng, suy nghĩ phải làm gì và hơi thắc mắc một điều là tại sao O Hạnh lo-lắng cho Tôi giống như Tâm. Tâm là Cháu ruột, còn Tôi với O là người dưng nước lã.

Quen biết O qua Tâm là bạn học cùng lớp với thằng em, nhưng chơi rất thân thiết với tôi hơn. Sáng nay từ nhà Dì Liễu trong khu Gia-binh đi ra, may là có nhà O Hạnh để tá-túc chứ nếu không thì biết đi về đâu ? Tôi nghĩ trong lúc này, nếu O giải-giao Tôi cho Cộng quân để lập công thì Tôi cũng đanh chịu thôi. Nhớ lại chuyện xảy ra sáng nay, bây giờ vẫn còn rởn tóc gáy.

Căn hầm rất kiên-cố, nên nghe rất nhỏ súng nổ đạn bay bên ngoài, thỉnh thoảng có trái bom nào nỗ gần lắm mới nghe vang dội. Nhưng mỗi lần bò lên đi tiểu thì nghe chát chúa, điếc tai. Tôi tò mò liếc mắt ra ngoài, không thấy bóng dáng Bộ-đội.Tôi hoàn toàn mù tịt tin tức bên ngoài, không biết có nên bỏ liều cho số-phận hay không ? Suy nghĩ nhiều làm tâm trí mệt mỏi, tôi thiếp ngủ lúc nào không hay...

Hôm nay đã là ngày thứ mười ẩn núp dưới hầm này, mỗi ngày O Hạnh đưa xuống hai lát bánh chưng và ít mứt bánh. Chỉ có vấn đề tiểu-tiện thì phải bò lên mà thôi. Tôi cố-gắng nghe ngóng tin tức nhưng chẳng biết hỏi ai. O Hạnh thì không bao giờ nói. Những ngày sau này thấy sắc mặt O có vẻ ưu-tư và lo-lắng.

Tối nay O đích thân mang mứt bánh xuống hầm, lại còn xách thêm hai bịch nylon mứt bánh nữa. Với nét mặt nghiêm trang O bảo hai đứa xích lại gần để O nói chuyện, O cho hay :

- Tình thế không thuận buồm xuôi gió như ta nghĩ, do đó, khi ăn xong, hai đứa ra khỏi nhà, đi theo Dân chúng đang chạy loạn về hướng Cầu-kho lánh nạn. Sáng mai hoặc những ngày tới O sẽ xuống đó.

Nghe O nói xong Tôi mừng thầm trong bụng, vì nghĩ rằng chỉ cần thoát ra ngoài, chắc chắn tôi sẽ về được vùng Quốc-Gia.

Tôi theo O bò lên khỏi hầm, lục-lọi túi quần lấy hết tiền bạc, giấy đi phép, chứng-chỉ Tại-ngũ và Căn-Cước quân nhân, nhét tất cả vào đôi giày mà lát nữa Tôi sẽ mang đi. Chắc chắn đây là Bửu-Bối khi đến vùng quốc-gia.Nếu không có, sẽ rất phiền-hà vì nói thật chưa chắc ai tin. Đúng lúc Tâm xong xuôi bò lên khỏi Hầm, hai đứa thu xếp thêm áo thun, quần lót bỏ vào hai bịch Nylon rồi từ giã O Hạnh chạy ra đường.

Trời chưa tối hẳn, vẫn còn thấy rõ từng đoàn người, trẻ già lớn bé gồng gánh, bồng bế nhau chạy trong con hốt hoảng. Bom đạn vẫn thi nhau nỗ tứ bề điếc cả hai tai. Tôi và Tâm chạy chầm chậm sát nhau, bất chợt tôi thấy một Bà trạc tuổi gần sáu mươi, tay kéo hai thằng bé khoảng bốn tuổi và sáu tuổi, lại gánh trên vai một gánh nặng đồ đoàn. Chân bước đi không muốn nổi, hai thằng bé thì khóc la Ba ơi, Mẹ ơi ........
Tôi chạy đến gần nói với bà :

- Chúng tôi đi về phía Cầu-kho, bà có đi về đó không, tôi giúp một tay ?

Bà bỏ nhanh gánh nặng xuống đường,rồi vừa khóc vừa nói :

- Cám ơn hai anh, cám ơn hai anh. Các anh về nơi mô an-toàn thì cho bà cháu tôi theo với.

Tôi khiêng gánh nặng, Tâm cõng thằng lớn, Bà ta cõng thằng nhỏ. Vừa chạy Bà vừa kể rằng gia-đinh có năm người gồm vợ chồng thằng con trai lớn, bà và hai đứa cháu này.Bắt đầu chạy từ Tây-lộc, khi đến gần cửa Chánh-tây để vào Thành-nội thì Cộng quân trên bờ thành bắn thẳng vào dân chúng chạy loạn Ôi thôi !. Chết và bị thương không biết bao nhiêu mà kể. Thằng con trai đang khiêng gánh nặng này chưa kịp nằm xuống núp thì bị thương cả hai chân. Hiện giờ đang nằm ngoài bờ ruộng, vợ nó phải ở lại trông coi, không biết số phận nó đêm nay như thế nào ? Nói xong, Bà ta òa lên khóc. Tôi và Tâm đều đã thấm mệt muốn hụt hơi, nên im lặng tiếp tục chạy, chứ không còn sức để nói với bà một lời an-ủi.

Súng lớn súng nhỏ vẫn tiếp tục bắn, bom đạn vẫn nổ rền trời, dân chúng vẫn ào ạt chạy trong nỗi lo sợ khiếp đảm.
Chạy đến chợ Cầu kho đã gần nửa đêm. Hàng trăm hàng ngàn người chen chúc nhau tìm gốc cây hoặc những chỗ có vẻ an-toàn để trải mền chiếu cho con cái nằm nghỉ tạm qua đêm.

Đi đến đâu, nhìn nơi đâu cũng chỉ thấy người và người. Tôi nghĩ chỉ cần một quả pháo kích của Cộng quân là giết chết không biết bao nhiêu dân vô tội. Khó khăn lắm mới kiếm được một chỗ dưới mái hiên trong chợ, vừa đủ cho bà già và hai đứa nhỏ nằm nghỉ. Tôi và Tâm nói lời giả biệt. Bà ta nói cám ơn hai anh trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Bất cứ cơn hoạn nạn nào cũng có lắm cảnh bi-thương, nhất là hoạn nạn chiến tranh, chắc chắn có nhiều thảm cảnh con mất cha, vợ mất chồng, gia-đinh ly-tán, anh em thất lạc nhau...

Tôi định chia tay Tâm để vào đồn Mang-Cá trình diện. Nơi đây bây giờ nghe nói là Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương của Quân Đoàn 1 VNCH.
Không biết Tâm nghĩ gì hay là lo lắng cho tôi bèn vội ngăn cản :

- Khoan đã, đợi sáng mai nghe ngóng rõ tình hình rồi trình diện cũng không muộn.

Tôi quá mỏi mệt đành phải nghe theo.
Không ai bảo ai, hai đứa cứ tiếp tục chen lấn đoàn người đi đến trường Kỹ-thuật Huế, tìm được một góc trong phòng học đông nghẹt người tị-nạn, Tôi cảm thấy yên tâm nghỉ đêm tại đây, vì dãy nhà này xây bằng xi-măng rất kiên cố.  
Mặc dù trên không phi-cơ vẫn gầm thét giội bom và bắn vào ven thành nội, dưới đất súng đạn thi nhau nổ vang trời, Tôi đã quá mệt mỏi, lấy bịch áo quần làm gối kê đầu và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Giật mình tỉnh dậy khi những tiếng nổ gần kề, mọi người la ó, nhốn nháo tìm chỗ ẩn núp. Tôi bảo Tâm ngồi yên tại chỗ, vì chẳng có nơi nào an toàn hơn.

Trời đã gần sáng, nhìn ra hành lang thấy mấy anh lính Dù tay ghìm súng đi lui đi tới, Tôi đứng dậy lách theo mé tường ra ngoài, tiến về cuối hành lang vì thấy hai anh lính đang ngồi nghỉ ở đó. Tôi lên tiếng hỏi nhỏ :

- Phe ta tiến lên tới đâu rồi ?

Cả hai người nhìn Tôi với vẻ dò xét, Tôi hiểu ý bèn nói :

- Tôi là lính Hải-quân đi phép kẹt lại đây, mai mốt sẽ vào trình diện đồn Mang-Cá.

Cả hai nhìn tôi có vẻ thân thiện hơn, rồi một anh trả lời :

- Đã năm ngày rồi, có tiến thêm được bước nào đâu. Con đường Mai Thúc-Loan phân chia Nam Bắc Nội-Thành bây giờ là ranh giới, phía Nam là quân Cộng, tụi nó đào nhiều hầm xuyên vào tường Thành đặt những ổ Thượng-liên, mỗi Ổ ba tên xiềng chân lại với nhau. Chỉ có chiến đấu và chết chứ không có chuyện đầu hàng hoặc rút lui. Máy bay không cách nào bắn hoặc giội bom được. Mấy ngày nay Quân Cảm-Tử-Dù và Thủy-quân Lục-Chiến phải bò sát chân bờ Thành, ném Lựu-đạn vào tiêu diệt được vài Ổ. Còn rất nhiêu Ổ Thượng-liên như vậy nên chúng tôi chưa lên được Kỳ-đài để hạ cờ nó xuống.
- Các anh thuộc Đơn-vị nào ?. Từ đâu về đây ?.
- Chúng tôi thuộc Tiểu-đoàn 2 Dù đóng ở An-lổ, tuần trước được lệnh vào Giải-tỏa Huế cùng với Tiểu-đoàn 7 nhưng không có phương -tiện di-chuyển, chúng tôi phải chạy bộ gần một ngày mới đến. Mệt và đói lả người. Mấy ngày nay chỉ cố gắng băng qua đường Mai-thúc-Loan mà băng không nổi. Bị tiêu hao quá nhiều. Cả nó lẫn mình, bị thương và chết vô số kể.
- Như vậy Thương-binh chuyển đi đâu ?
- Nghe nói chuyển về Bao-vinh rồi tàu Mỹ chở vô Đà-Nẵng.

Trong đầu Tôi chợt lóe lên tia hy-vọng, bằng mọi giá, phải về cho được Bao-vinh rồi quá giang tàu Mỹ vào Đà-nẵng.
Một loạt bom đạn nổ thật gần, hai anh lính chạy ra hố cá nhân, Tôi bò sát bờ tường về chỗ nằm trở lại.

Mặt trời bắt đầu hừng lên giữa đám sương mù buổi sáng trông rất ảm-đạm. Ngôi trường Kỹ-Thuật này, mười mấy năm trước, Tôi đã theo học. Ngày xưa trông rất đồ-sộ, hùng-vĩ, sao bây giờ thấy hoang-tàn, xơ-xác quá. Có lẽ mấy ngày nay bom đạn làm loang-lổ vách tường, hơn nữa, dân tỵ-nạn đã tháo gỡ tất cả cửa và lấy bàn-ghế chẻ nhỏ ra làm củi nấu cơm. Hai dãy nhà vệ-sinh không đủ cung-ứng cho hàng ngàn người trong mấy tuần qua nên mùi thối ghê tởm.

Thấy mọi người lũ lượt đi tìm vòi nước rửa mặt, Tôi và Tâm cũng chen lấn đi theo. Trên đường trở lại, đi ngang qua cổng trường, thình lình thấy O Hạnh khiêng gánh nặng đồ đoàn, theo sau là Bính, đứa con trai độc nhất của O, và Lan đứa cháu gái, cùng với hai đứa nhỏ lên năm, đứa lên ba, con của chị Dung, em ruột O Hạnh, đang hớt hơ hớt hải chạy vào. Tâm kêu lớn :

- O ! O !.

Mọi người gặp nhau mừng rỡ rồi kéo nhau vào góc phòng Tôi và Tâm tạm nghỉ O Hạnh kể rằng khi ra khỏi nhà chừng mười phút, gia nhập vào đoàn người chạy loạn, thình lình từng loạt Đại-liên không biết của bên nào, bắn xối xả vào đoàn người. Ôi thôi là chết và bị thương vô số kể.

Tôi định nói với O rằng Tôi bảo đảm Quân-đội Quốc-gia không bao giờ bắn vào đoàn dân chạy loạn, nhưng không biết nghĩ sao, Tôi lại giữ im lặng và buồn bã nhìn mông lung ra ngoài. Trong lòng Tôi biết rất rõ, Gia-đinh O Hạnh và Tôi ở hai Chiến-tuyến khác nhau. Chính O là Cán-bộ được gài lại, nhưng không hiểu sao bây giờ O và Tâm lại không đi theo Bộ-đội chiến đấu hoặc vào Bưng ?. Cũng có thể, Tết Mậu-Thân chưa phải là dứt-điểm cuộc chiến, nên O Hạnh và Tâm cần ở lại phía Quốc-gia để tiếp-tục hoạt động không chừng ?. Nhất là Tâm có Bằng-cấp, có kiến-thức, trong tương lai sẽ nắm giữ Chức-vụ cao của Xã-hội Miền Nam. Chắc chắn trong guồng máy điều-hành Quốc-gia miền Nam bây giờ còn có rất nhiều người Cộng-sản nắm giữ những chức vụ quan trọng mà những người Quốc-gia hoặc đã biết nhưng không làm gì được hoặc cố tình làm ngơ như trường hợp cá nhân tôi. Hoặc rất nhiều người cùng hoàn cảnh mang ơn người Cọng-sản như tôi hiện tại. Ngạc nhiên hơn nữa, O Hạnh không bao giờ lo sợ tôi sẽ đi tố cáo Chính-quyền. Vả lại, trong hoàn cảnh này, chính O đã trở thành Ân-nhân của tôi.

Nghe theo lời O Hạnh và Tâm, Tôi chưa vội đi trình diện, ráng ở lại hy vọng sẽ gặp được anh Tư, nhưng ngày nào như ngày nấy chỉ nghe thấy đồng bào chết và bị thương. Tôi cầu xin linh hồn Mẹ cứu giúp anh Tư.

Hôm nay là ngày thứ hai-mươi Cộng-quân xâm chiếm Huế, nhìn về cửa Đông-ba, Kỳ-đài Huế vẫn tung bay cờ Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam. Tôi nhất quyết từ giã Gia-đình O Hạnh và Tâm để vào đồn Mang-Cá trình diện, Hy vọng có phương tiện sớm về Sài-Gòn.

Khi ngồi nói chuyện với ông Trung tá Sĩ quan trực, Ông ta cũng khuyên nên về Bao-vinh đón tàu Mỹ vào Đà-nẵng trước khi về Sài-gòn thì dễ dàng hơn. Chứ ở lại đây, ban ngày phải theo Đại đội Dù hoặc Thủy quân Lục chiến ra mặt trận để tải-thương. Tất cả Quân nhân đi phép vào đây trình diên đều phải làm công-tác này. Ông còn dặn dò thêm nếu quyết định về Bao-vinh nên bò ra cửa thành Tây-Bắc hay còn được gọi là kiệt Cửa Trài Mang-Cá, và bò lúc trời tối thì tốt hơn, vì ra khỏi Cửa-Trài, bên kia bờ sông là làng Thế-Lại đang có Ổ Thượng-liên Cộng quân nhắm thẳng vào cửa, quân ta chưa tiêu diệt được. Nên cẩn thận tuyệt đối.

Nói xong Ông chỉ thị anh lính văn phòng làm cho Tôi giấy phép được di chuyển từ Bộ-Tư-Lệnh quân đoàn 1 đến Đà-nẵng bằng phương tiện tự túc. Khi tiễn tôi ra cửa Ông còn lặp lại lời dặn dò :

- Nhớ đợi trời thật tối mới bắt đầu bò ra cửa và nên thay quần áo xanh bộ binh để trời tối Cộng quân không nhìn thấy.

Ra khỏi phòng sĩ quan trực, nhìn đồng hồ mới bốn giờ chiều,trời còn sáng, tôi vào câu lạc bộ cố tình ăn một bụng thật no và mua ít thức ăn khô mang theo, bởi khuya nay chưa biết đi tới đâu, hơn nữa tôi cần xin vài bịch nylon để bỏ giấy tờ và quần áo vì phải bơi qua hồ sen rộng hơn hai trăm thước . Làn đầu tiên trong đời chuẩn bị cuộc vượt thoát có thể dưới lằn đạn kẻ thù .

Sau khi xin được bộ đồ trận cũ màu xanh bộ binh và chiếc nón sắt, tôi yên tâm đi bộ về hướng kiệt cửa trài Mang-cá. Vào trình diện Sĩ quan trực khu vực, trình giấy tờ và nói rõ ý định. Ông ta đề nghị đúng 08 giờ tối khởi hành, đồng thời cho gọi anh Tiểu đội trưởng có phiên trực gác từ 8 đến 10 giờ tối nay cho tôi gặp mặt. Anh Tiểu đội trưởng lo lắng nói với tôi :

- Thượng-liên của nó bất chừng, khoảng mười hay mười lăm phút bắn qua một tràng vào chính giữa cửa nên rất khó canh lúc nào an toàn để bò ra. Tuy nhiên khi bò ra khỏi thành rồi, anh phải lao mình xuống hồ lập tức. Tôi sẽ ra lệnh quét thật nhanh tia đèn pha và lặp lại mỗi năm phút cho anh thấy đường.

Tôi nói cám ơn và chia tay, xong đi tìm lùm cây gần bờ thành để nằm nghỉ, cố tình nhắm mắt ngủ để có thêm sức khỏe cho tối nay...

Thức dậy đúng lúc, nhìn đồng vừa đúng 08 giờ kém mười phút. Tô cởi hết quần áo kể cả đồ lót, bỏ tất cả vào một bịch nylon cột chặt, xong mặc vội áo quần bộ binh, đội nón sắt lên đầu, tay cầm đèn bấm nhỏ chuẩn bị trả lời tín hiệu cho chòi canh gác trên thượng thành. Khi gần đến cửa thành, chăm chú nhìn lên chòi canh trên cao bất thần thấy hai tia chớp đèn pin thật nhanh, tôi trả lời ba chớp đèn pin như đã nhận lệnh chiều nay. Bỗng chốc, từng tràng thượng liên nghe chát chúa điếc tai từ bên kia sông bắn vào cửa thành. Đại liên của ta trên đồn canh thượng thành bắn trả lại, tôi nằm xuống sát đất, chưa dám bò ra. Vài phút sau, đợi tiếng súng hai bên vừa dứt, tôi hít một hơi dài và nín thở, rồi bắt đầu bò thật nhanh ra cửa.

Chiều ngang của thành chỉ hơn trăm thước nhưng tôi bò đã mệt nhừ, hai cùi chỏ bắt đầu trầy chợt rướm máu mà vẫn chưa ra khỏi được cửa. Tôi nhủ thầm nhất định phải ráng lên, giống như thời gian huấn nhục ở quân trường . Thời tiết khá lạnh nhưng mồ hôi vả ra ướt áo, lại thêm cái nón sắt lỏng lẻo và khá nặng, lúc nào cũng muốn rơi ra khỏi đầu.

Khi vừa ra khỏi cửa thành, lấy hết sức mình, tôi phóng ra khỏi thành gạch của cầu vồng bắc ngang hồ sen rồi lần mò xuống dưới gầm cầu ngồi nghỉ và dằn nén bớt hơi thở dồn dập. Chừng năm phút sau, thấy tia sáng đèn pha quét nhanh qua mặt hồ, tôi bắt đầu kiểm soát lại túi nylon rồi lưỡng lự không biết nên cởi hết quần áo để dành sang bên kia bờ mặc lại hay là để nguyên quần áo bơi qua hồ.

Nhớ lại những bài học cho người bị đắm tàu trên biển, những ai giữ nguyên quần áo thì sống lâu hơn những người cởi bỏ. Lý do là giữ được nhiệt độ cho cơ thể. Do đó tôi quyết định để nguyên quần áo và từ từ bước xuống hồ. Bịch nylon quần áo bây giờ trở thành chiếc phao nổi cho tôi vin nhẹ vào để bơi rất tiện lợi. Tôi bơi thật chậm, cố tình không gây tiếng xào xạc trong đêm vắng. Hơn nửa giờ sau tôi sang được bờ hồ, nhẹ nhàng bò lên nghe ngóng động tĩnh nhưng tất cả dân chúng trong vùng này đã di tản từ lâu, bỏ lại vườn không nhà trống. Thay áo quần khô, tôi len lỏi tìm căn nhà gạch có mái hiên nằm nghỉ qua đêm.

Đến chừng bốn giờ sáng thì nghe tiếng súng nổ đạn bay thật gần, rồi lại có cả máy bay giội bom oanh tạc bên kia sông. Tôi đoán chắc là Nhảy dù hay Thủy quân Lục chiến đang cố gắng tiêu diệt Ổ thượng-liên ở đầu làng Thế-lại.
Đúng như tôi đoán, gần tám giờ sáng thì tiếng súng im bặt, kể cả những tràng thượng-liên của Cộng quân cũng im luôn.

Tôi vẫn chưa dám đi ra đường, cho đến gần mười một giờ trưa, nghe có tiếng xe chạy, tôi nghĩ con đường Huỳnh thúc Kháng từ phố Huế về Bao-vinh đã được khai thông. Tôi cẩn thận nhìn trước nhìn sau, len lỏi ra lề đường. Khi nhìn thấy đoàn xe vừa nhà binh vừa dân sự chạy về hướng Bao-vinh, tôi an tâm ra đón xe đi.   Ròng rã gần hai ngày sau Tôi mới tiếp xúc được tàu Mỹ.

Tôi phải làm việc với toán tạp dịch, khiêng hoặc dìu Thương-bệnh-Binh từ bờ xuống tàu, nằm la liệt trên boong tàu, được biết thương binh trầm trọng hơn được chuyên chở bằng trực thăng.  Tất cả chừng hơn ba trăm thương binh, hầu hết là Binh Chủng Dù và Thủy-quân Lục-Chiến được chở đi chuyến này.

Cuối cùng Tôi cũng vào được Đà-Nẵng, một lần nữa khiêng và cõng thương binh lên bờ để xe đưa lên Bệnh Viện Duy-Tân chữa trị.

Tôi đón xe lên nhà Anh Chị Ba, vừa bước vô nhà Anh Ba la hoảng lên :

- Trời ơi ! Em có bị thương không mà máu me đầy mình vậy ?.

Sau khi kể Anh Ba nghe cuộc hành-trình từ Huế vào Đa-Nẵng, Anh Ba bảo Chị :

- Tối nay nấu mâm cơm cúng Mẹ và van-vái Mẹ phò trợ cho Chú Tư và Chú Út bình an.

Tôi thay áo quần đi tắm, sau đó ngủ một giấc ngon hơn bao giờ...

Tâm-Phương-Đăng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010