Maine, Texas, Nắng Sót
Nguyên Nhi
(với PCL.
anh thường ngồi thật lâu
trước bản in bức tranh này
nghĩ lan man về thế giới của Em. của Anh. của Chúng ta.
của Christina. và của Con người)
Ngôi nhà nông trang này có đến hai trăm tuổi. Từ tầng ba, Wyeth có thể ngắm thỏa thê con sông St. George loáng ánh trời chiều. Xa nữa là bờ Maine, nơi những đợt sóng xô trông như những sợi chỉ bạc trên nền lụa xám.
Wyeth đã ghé thị xã Cushing heo hút này nhiều năm. Chỉ nhìn, không hiểu sao anh nghĩ rằng ngôi nhà và chủ nhân của nó, chị em Olson, chính là những gì tiêu biểu, không thể tách rời khỏi Maine. Khi chị em nhà Olson có nhã ý cho anh mượn một phòng trên tầng ba để nghỉ hè, Wyeth biết mình khó lòng xa ngôi nhà này nữa. Ngôi nhà là Maine. Là mùa hè. Là mùa hè của Maine. Ngôi nhà nằm trên dốc đồi cao, nhìn ra bao lơn Đại Tây Dương. Nhiều sớm mai tản bộ dọc theo bờ đá sù sì, Wyeth nghĩ rằng mình là người đầu tiên chiêm ngưỡng bình minh trên lục địa.
Wyeth biến căn phòng mùa hè thành xưởng vẽ. Chung quanh anh là tranh và tranh, những mảng xám sần sùi và nâu khô nẻ. Tranh của Wyeth thường vắng bóng người. Những ngôi nhà gỗ bỏ hoang tạo cảm giác rờn rợn, những căn nhà đơn sơ chống chọi với thời tiết bạo nghiệt. Những quãng đồng héo úa. Những cánh chim ó chấp chới. Một cảnh tuyết bay trên nền trời hoang đạm. Những vết bánh xe, lều tổ chức đám cưới, lưới đánh cá nằm phơi gió... Wyeth vẽ nhiều về ngôi nhà ở Cushing này. Nhiều khi, từ lưng chừng đồi, anh nhìn ra ngôi nhà như một bộ xương khô, vách vôi trắng lợt lạt đã bong tróc từ lâu, đứng cô đơn dưới bầu trời đục sệt.
Ngày hè dài hơn. Wyeth mở cửa sổ rồi dựng giá vẽ. Mùi tử đinh hương từ đồi cỏ hắt vào phòng. Anh chưa thấy tấm thân mỏng mảnh của Christina. Anh mở tất cả cửa sổ, những cánh cửa mà anh cho là đôi mắt của Christina. Mở ra thế giới Christina.
Nhiều khi anh chồm dậy giữa giấc muộn trưa hè. Em đâu?
Anh mở toang tất cả các rèm cửa. Đất trời hâm hấp. Tộc da đỏ đã dắt díu nhau về hướng núi. Bầy bò rừng tìm về những con sông cạn. Tĩnh lặng. Em phải đang ở đâu đó chứ! Em đang ngồi bệt trên những vạt bồ công anh? Anh chờ nghe một tiếng kêu thảng thốt khi con bọ cánh vàng đáp lên vạt áo. Yên ả. Em đâu? Em đang lúp xúp dưới những ruộng hướng dương chờ mùa gặt? Rồi về? Em đang bên vườn lựu rợp trời hoa đỏ? Rồi về?
Im vắng rợn người. Anh hốt hoảng. Không, em không thể đi xa. Mới hôm nào, mới hôm qua đây mà! Hình như sân sau nhà có tiếng võng nhẹ đưa. Những vạt cỏ thiêm thiếp chờ mưa. Một tiếng ve đâm ngọt vào chiều. Và bầy ve rộn ràng xung trận. Rầm rập. Rầm rập bầy ngựa trong cuộc săn người. Những chiếc thòng lọng chấp chới trên không. Những chiếc thòng lọng rơi thít cổ người. Lửa. Lửa thiêu rụi đất trời. Lửa cháy sém đầu lâu trên ngọn giáo.
Em đâu? Lửa thiêu cháy vạt cỏ em nằm. Vũ trụ hóa thân trong vòng tay lửa. Em đâu?
Christina bò lê trên đỉnh đồi ngợp gió. Từ xa, Wyeth chỉ có thể trông thấy phần thân trên của nàng. Cái dáng bò lê làm anh nghĩ tới những con cua trên bờ biển New England. Dĩ nhiên không bao giờ nàng biết rằng trong đầu anh có sự liên tưởng ấy.
Wyeth, và không ai về sau nữa, biết vì sao từ 3 tuổi Christina có dáng đi xiêu vẹo. Đại dịch 1916 hoành hành rồi qua, để lại bầy trẻ con có đôi chân khẳng khiu, cong queo, dễ khiến anh nghĩ đến căn bịnh sốt tê liệt. Nhưng không ai chắc. Chỉ có một lần Christina theo cha suốt 6 tiếng đồng hồ trên chiếc xe độc mã đến thăm một bác sĩ ở Rockland, nhưng vị này không kết luận được gì.
Wyeth đi nét cọ đầu tiên. Thần trí anh thâm nhập vào một thế giới mông lung. Thế giới của phẩm cách. Thì Christina cũng có những năm tháng đôi mươi hạnh phúc nhất đời người đấy. Những mùa hè rực rỡ trên bờ Maine. Những cánh thư qua lại từ Cushing đến trường đại học Havard. Nhưng rồi chàng sinh viên ấy quen và cưới một thiếu nữ khác. Cánh thư cuối cùng Christina nhận được từ vị luật sư trẻ: Cô ấy có thể chèo thuyền, leo cây, dóng yên cương, điều khiển xe ngựa. Cô ấy đã làm tôi tỏa sáng trong mọi chuyện ở Cushing này.
Từ những năm 20 tuổi, tình trạng Christina ngày một tồi tệ hơn. Cuối cùng, theo ý muốn cha mẹ, nàng theo họ đến bệnh viện Boston và chỉ nhận được lời khuyên của hội đồng bác sĩ là nên ở ngoài trời nhiều hơn và cứ làm những gì nàng thích. Dù sao, Christina hài lòng vì có một lần làm theo ý muốn song thân.
Nhưng nàng cấm mọi người liên hệ nàng với sự tật nguyền. Nàng chỉ nhận mình có dáng đi khập khiễng. Nàng có thể làm được hầu hết những gì mà người khác có thể làm. Alvaro, đứa em trai độc nhất, không thể là người nàng có thể nương dựa. Thật ra nàng gần như là mẹ của những đứa cháu gọi nàng là cô. Giặt giũ, nấu ăn, nàng không thể không ngã sau ba bước đi, nếu không bấu vào một đồ vật nào đó.
Đồi cỏ héo úa đã lên tranh. Nền trời hẹp té đã lên tranh. Rồi người xem sẽ nghĩ rằng đây là một chiều xám, nhưng không sao, Wyeth nghĩ, không sao, nếu có ai đó, nghĩ như anh, đây là một đêm trăng úa.
Có một chiều hè em khẽ hỏi bên hồ đá trắng, vì sao anh yêu em. Anh nợ em câu trả lời. Nợ lâu. Ôi, ước gì mọi câu trả lời đều có thể. Đôi vịt khuấy nhẹ mặt hồ. Bờ lau trắng lô xô chòm tóc mượt. Anh nợ em. Như em nợ anh lần trong rừng phong tím, vì sao em yêu anh.
Hình như có người thiếu nữ hích vai đẩy cánh cửa rồi giã từ, không cần anh mở giúp. Đó là lần đầu tiên anh đi vào một thế giới khác. Thế giới của con sông bế dòng tự tìm hướng chảy. Tự vượt lên số phận. Không mong mỏi và chờ đợi sự trợ giúp đến bất cứ từ đâu. Bất cứ từ ai. Không cầu xin ai và lúc nào cũng sẵn sàng cho đi không điều kiện.
Đó là lần đầu tiên anh đi vào một thế giới khác với thế giới u uẩn của mình. Nhỏ bé nhưng không chật hẹp. Một thế giới đầy bão giông và một con người đi về hướng gió. Ngẩng cao đầu mà lê thân đi. Và dắt theo một kẻ rã rời. Sức mạnh của sự im lặng. Một điều đơn giản là những giới hạn về thể chất không ngăn trở sự phát triển tâm hồn.
Bây giờ thì anh đã có thể trả lời vì sao anh yêu em. Em đâu? Em còn nợ anh?. Vì sao yêu anh nào?
Có lẽ Christina vừa thăm mộ mẹ cha về. Cũng có thể... nàng vừa ghé thăm người bạn thiết. Quãng đồi 800 feet đến nhà bạn khiến nàng lê mất gần một tiếng đồng hồ. Đối với nàng đó là một thách thức lớn lao. Nhưng nàng chấp nhận mọi thách thức từ cuộc đời. Hơn thế nữa, nàng thách thức cuộc đời. Với những cố gắng ngoại hạng, nàng luôn luôn muốn chinh phục thế giới chung quanh.
Mùa hè Cushing mát dịu. Gió từ miệt biển lay động những vạt hoa anh túc. Gió như gió hai trăm năm trước, khi tổ tiên Christina xây dựng cơ ngơi này. Trong người Chrstina kế tục dòng máu đam mê chinh phục của viên thuyền trưởng là cố tổ nàng, một sớm ghé lại Cushing, nghĩ về một nông trang nhìn ra biển vắng khi mỏi gối giang hồ.
Christina lại bò lê. Ký ức về những năm tuổi nhỏ đau bệnh triền miên của Wyeth lại trở về. Những cơn ho không ngớt. Di chứng là nỗi sợ hãi mùa lạnh. Những ngày học hành dở dang, nằm nhà, và nỗi cô đơn theo đuổi anh suốt quãng đời còn lại. Anh thấy mình trong Christina. Christina là Maine. Ngôi nhà này là Maine. Đồi cỏ này là Maine. Thế giới nhỏ nhoi chung quanh đây chính là Maine.
Wyeth nghe tiếng một con chim lạc. Thỉnh thoảng vẫn có những con hải âu bỏ biển một chốc, nghỉ cánh hiên ngoài. Wyeth thoáng phân vân. Hãy còn một quãng đồng xa để Christina về đến nhà. Anh không biết nàng đủ sức để lết qua quãng đường vô tận ấy không. Đôi chân mỏng mảnh, cứng đơ, nhú ra khỏi chiếc áo choàng tím nhạt. Tấm thân trên của nàng lắc lư theo đôi tay gầy gộc. Không bao giờ Wyeth hiểu, và sẽ không bao giờ ai hiểu vì sao nàng không cần đến nạng gỗ, xe lăn. Chúng là trở ngại cho nàng trên đồi dốc? Nhưng anh biết nàng vững chãi, tự tin. Nàng đã lượng sức đến nơi, tất nàng đủ sức trở về. Mà đa số chúng ta cũng đều thế cả, phải không?
Ừ, thì nhiều khi anh đi quá xa em hả? Để không đủ sức trở về. Nếu chẳng có em.
Thuở ấy vũ tru hung bạo với bầy sao chổi quét xuống hành tinh. Không tiết không mùa. Con quái điểu xoải cánh về hướng ngôi sao tắt. Bầy khủng long và bông hoa ăn thịt. Biển cổ sơ. Thế giới của ảo ảnh và huyễn mộng. Linh thần vắng mặt. Thế giới những con tàu mắc cạn. Bầy ngựa điên cuồng đuổi theo ánh mặt trời khuất núi. Em đã dắt anh trở lại một thế giới có người.
Ôi, thế giới bỗng rạch ròi giữa sự bất lực với tật nguyền. Giữa phù phiếm và nhân ái. Giữa khoan hòa và nhu nhược. Giữa kiêu ngạo và tài năng. Giữa đức tin và sự yếu đuối. Mùa hè rúc rích tiếng chim vịt kêu đầu ngọn cỏ. Mùa hè, mở khoảng gió vườn sau, bầu trời anh bát ngát.
Đã qua bao mùa hè đôi lứa rồi em? Mùa hè qua và những xác ve rục rã. Thế giới chúng ta nhỏ bé. Và chúng ta sống với những điều bé nhỏ trong thế giới của mình. Lạy Chúa, chúng ta đã về đến nhà. Thấy chưa, em lại thắng ván này! Không, mình thắng chứ. Chúng ta sống và hạnh phúc như những con ve. Và chúng ta bằng lòng với thế giới ấy. Rồi, em lại cười! Em biết rằng anh sắp nói với phần nhân gian phù phiếm này rằng, ô, rồi quý vị sẽ được phong Thánh.
Anh lại đi xa. Để sợ không đủ sức trở về. Em đâu? Em đang ở đâu? Dù xa thế mấy rồi em cũng sẽ trở lại đêm này?
Cuộc chiến tranh thế giới lần hai chưa kết thúc bao lâu. Nhiều đống gạch vụn còn vương vãi trên hè phố lục địa cũ. Nơi này, giấc mơ điền dã đã tàn phai. Nhà kho trống. Chuồng ngựa trống. Ngôi nhà thờ vắng tiếng chuông. Những căn nhà hoang quạnh. Trong giấc ngủ Christina còn đọng lại tiếng mái chèo khua trên lạch, tiếng con cá ngậm câu quẫy nước, tiếng trẻ nô đùa trong những ngày lễ hội, tiếng vó ngựa lốc tốc của người bưu tín viên cách quãng đồi xa. Hai trăm năm đã qua trong căn nhà này. Thời gian quá dài để người thuyền trưởng ấy có thể tưởng tượng ra giấc mơ điền dã lụi tàn thời hậu duệ ông.
Wyeth đi khoan thai trên tranh. Thỉnh thoảng anh dừng tay một chốc. Tại sao Christia từ chối xe lăn? Tại sao nàng không cần đôi nạng? Chúng gây khó khăn cho nàng trên những dốc đồi? Anh không biết. Nàng trườn trên cỏ với đôi tay gầy guộc và thân trên lắc lư. Như con cua trên bờ biển New England. Con cua gầy lắc lư, ngần ngừ một chốc rồi lại lắc lư. Từ khoảng xa Wyeth không biết nàng nghỉ mệt hay bận mân mê đóa dại nào trong lòng tay chai sạn. Không bao giờ anh hiểu vì sao nàng không cần đến sự giúp đỡ của mọi người. Nhưng cũng từ đó, anh cảm nhận được sự bất lực và tàn bạo của thế giới quanh nàng.
Chỉ một lần em khóc. Nên anh nhớ. Đó là lần anh kể chút chuyện về anh. Lạ lùng là anh chưa hề thấy em buồn trong thế giới của em. Có lẽ em đã buồn cho anh, cho những nhân vật của em. Lạ lùng là anh chưa hề nghe em than khổ! Có lẽ vì vậy không ai có thể làm em khổ. Ai muốn làm khổ tôi phải bước qua xác tôi! Có lẽ vậy mà em, cũng như một nhân vật của em, ghé cõi nhân gian chỉ để để lại một nụ cười.
Sao lúc nào em cũng cười? Tôi nghĩ, thưa bác sĩ, phải còn một phương cách nào đó. Vẫn còn, phải không? Không, tôi không muốn dối ông! Hơn hai năm chữa trị cho bà, tôi hiểu tình yêu ông dành cho bà. Tuy nhiên, chúng ta nên thành thật với nhau: chúng tôi ở đây, và có lẽ cả nền y học này, không thể làm gì được nữa rồi. Nghe, sao em cười? Vậy mà em cười được à? Ôi, anh không hiểu.
Anh không hiểu, và sẽ không bao giờ tìm hiểu, vì sao em hay viết về những cái chết. Trong một tia chớp lóe mở lòng em nói về cái chết. Và phải chăng là một định mệnh khi anh hay nói về sự cô đơn? Nhưng anh hiểu tại sao em nói về cái chết của những người chung quanh, của những nhân vật của em, với lòng thương cảm thì em lại nói về thương tật, cái chết của chính mình, một cách dửng dưng. Mà chính vì em an nhiên sửa soạn cho cái chết chính mình, anh thấy điều khốc liệt của phận người. Và ước muốn thấy em cứ kiên trì trong một cuộc chiến đấu dai dẳng và vô vọng cũng là một điều tàn bạo.
Hè sắp hết rồi, em. Em đâu? Từ đầu mùa, có con chim lạ nào thả xuống vườn nhà mình một hạt hướng dương. Nhiều đêm, qua lớp kính đục, anh giật mình vì chiếc bóng dã quỳ. Em có về đêm nay?
Không, em không ở đâu xa. Mà dù có xa mấy cũng chỉ loanh quanh trong nỗi nhớ. Em có về được đêm nay?
Đêm phủ xuống Maine. Christina đã về đến nhà. Từ bên trên, Wyeth nghe tiếng một đồ vật nào đó vừa ngã. Christina không thể bước xiêu vẹo quá ba bước mà không phải bấu vào một đồ vật nào đó.
Wyeth dừng lại cuối cầu thang. Trên tay Christina là bó hoa dại. Hôm nay anh làm việc... được chứ? Vâng, thưa bà! Vẫn... đất trời hiu quạnh? Không, một thế giới có người. Christina cười nhẹ, im lặng. Nàng vẫn thường nghe nhiều hơn nói. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ rằng mọi người hiểu tôi. Tôi đưa rất nhiều điều riêng tư vào tác phẩm. Vậy số đông làm sao có thể nhận ra điều này? Họ không hiểu đâu! Tôi chỉ hy vọng họ có cảm xúc. Giá tôi đừng đưa thiếu nữ ấy vào tranh mà người xem vẫn nhận thấy cô ta hiện diện trong ấy. Giá mà tôi vẽ được sự mầu nhiệm của người vắng mặt.
Nhưng anh đã hoàn thành được điều gì đó trong ngày nay chứ? Chưa, Wyeth leo ngược lên phòng tranh. Anh ngồi tần ngần một đỗi trước bức tranh. Một người thiếu nữ áo choàng tím nhạt trên đồi cỏ xác xơ, ảm đạm nhưng gợi cảm, nhìn về căn nhà hoang quạnh xa tít chân trời và bò lê về phía ấy. Đôi bàn chân teo tóp nhú ra ngoài vạt áo dài. Búi tóc bung lềnh trong gió nhẹ. Từ phía sau lưng, không ai thấy được mặt nàng. Nàng già hay trẻ? Đang vui hay buồn? Nàng mệt mỏi hay hưng phấn? Đây chính là sự huyền bí của riêng nàng. Cạnh đấy là vựa lúa và chuồng ngựa, sự lụi tàn của giấc mơ điền dã. Wyeth hài lòng nhận ra một chiều sâu đẹp, lãng mạn, huyền bí và không gian bình an tỏa khắp bức tranh. Đồng thời giật mình vì mâu thuẫn, những xung đột khốc liệt, đầy bi kịch, nhục hình hung bạo trên những mảng màu.
Maine, mùa hạ sắp tàn. Mai, có thể mốt, không biết, Wyeth sẽ đáp tàu về lại Chadds Ford, Pennsylvania. Nhưng Wyeth biết mình sẽ trở lại ngôi nhà Cushing này nhiều mùa hè nữa.
Bây giờ thì Wyeth cảm thấy mệt mỏi. Anh đã cố gắng tột bực để mô tả một con người bị hạn chế về thể chất nhưng tâm hồn thì mênh mông. Một con người thất thế và ý chí vươn lên chinh phục đời sống. Sự tật nguyền không thể làm thui chột ước mơ, tước đi phẩm cách và niềm khát sống. Mỗi một họa tiết đã là một cá tính của Christina. Và toàn thể bức tranh chỉ có thể là thế giới của nàng. Anh viết nguệch ngoạc dưới bức tranh: Christina's World. Thế Giới Của Christina. Thế giới của nàng là... đỉnh đồi cao. Là... bầu trời tự do. Rồi anh ký tên: Andrew N. Wyeth.
Tại sao anh không vẽ?
***
Anh biết có lần em học vẽ.
Bao lần em cười trước những phác thảo mà em cho là ngô nghê. Em sao vậy? Chẳng phải con người cảm xúc và bày tỏ cảm xúc trước khi biết đến kỹ thuật diễn tả chúng? Cảm xúc đi trước kỹ thuật nhiều ngàn năm lắm. Bầy bò rừng hung hãn trên vách đá. Những buổi tế thần kỳ bí . Cảm xúc cần phô bày. Kỹ thuật diễn tả lại che dấu. Cảm xúc trong sáng. Trần truồng. Kỹ thuật e ấp. Tối tăm. Trường phái xung đột. Chiến tranh. Ôi, yêu em!
Có lẽ anh chỉ cần giữ lại bức tranh duy nhất của em. Người thiếu nữ có gương mặt chẻ đôi. Hoặc khuôn mặt và cái bóng của khuôn mặt ấy. Đóa gai trên mặt bàn. Ngọn dừa gục. Bó dã quỳ rũ. Con chim nằm chết ngửa. Biển xanh. Sóng bạc. Em ơi, anh lại nhớ Andrew Wyeth: Tôi nghĩ rằng điểm yếu nhất trong phần lớn các tác phẩm của tôi là chủ đề. Có quá nhiều chủ đề trong đó. Một bức tranh em không tên. Anh đặt nhé? Thế Giới Của Em.
Tại sao anh không vẽ được?
Anh lần lên thang gác. Cổ kính. Tàn y. Còn đây khung xương chiếc giá vẽ. Còn đây mảng vải bụi mờ. Còn đây những chiếc cọ xơ xác lãng quên. Còn đây những tuýp màu quắt queo khánh kiệt. Nhưng bức tranh anh sẽ không cần màu sắc.
Anh nhặt màu đen. Những bệt màu tang tóc dọc ngang mặt vải. Màu đen chảy suốt tranh. Màu đen kinh hoàng tan loãng khắp cùng thế giới.
Còn nhớ không em, có lần anh kể chuyện lão Tom? Tom ơi, lão đúng là một nghệ sĩ! Thứ dữ! Tao từng học vẽ đấy! Nhưng, chịu phép, tao bất tài. Tao không vẽ được khoảng trống để lại khi chiếc lá rơi. Tao không vẽ được khoảng trống để lại khi cánh chim đã bay về phương ấm. Tao không vẽ được khoảng trống để lại khi người phụ nữ đã bỏ đi. Sao vậy, lão? Vẽ đi! Tôi đọc tranh. Không xem tranh. Tôi xem sách. Không đọc sách.
Em lại cười đó hả? Thánh nữ không trở lại Lộ Đức để ngâm mình trong dòng suối Người đã khơi nguồn. Không, suối ấy không dành cho tôi. Em tin vào phép lạ nhưng, không, phép lạ ấy dành cho người khác. Ôi, anh thấy mình ảm đạm trong nụ cười em. Ôi, phép lạ cũng không dành cho anh.
Mùa hè xô mảng nắng sót qua khung cửa hẹp, hắt lên tranh anh. Chút nắng cuối cùng cho buổi em xa. Một bệt đen chụp xuống mùa hè rực rỡ. Một bệt đen trùm lên nắng xưa. Một bệt đen chôn tiếng ve cũ. Một bệt đen phủ biển. Một bệt đen lấp sóng. Một bệt đen xóa chuyến khởi hành của con chim uyên ương huyền thoại.
Giờ anh ngồi đây trước bức tranh anh. Đen. Bức tranh phơi khoảng trống lão Tom bất lực. Một bức tranh đen tuyền. Chỉ còn việc đặt một cái tên. Thế Giới Của Anh. Ừ, đây, thế giới của anh. Của ngày em đi. Và, anh đây, em yêu...
Nguyên Nhi |