SỐ 48 - THÁNG 10 NĂM 2010

 

Mùa thu Paris và Quán Trúc

Thi Vũ

Sáng lấy một mảng trời xanh lau mặt, rồi bước đi với chòm mây trắng trên đầu. Thu chớm, không với lá mà bằng nắng. Nắng nhẹ như môi phai, nhưng sáng như đôi mắt, lóng trong và lạnh cắn. Khi bước chân hè đem nỗi nóng nực đi xa, ngày bỗng âm u, mưa rắc xuống và không gian sắt lại. Mưa không gội bụi, nhưng làm thớ lá vữa ra, vàng bệch để sau đó nổ giòn một thứ màu hỗ hoàng đeo đẳng trên các đầu ngọn cây.

Paris đẹp như một Người Yêu.
Chỉ nơi Paris ta mới có quyền sống với nỗi mong manh. Những gì mong manh không bao giờ tan vỡ. Các nơi khác, thiên hạ bắt ta sống với ý nghĩa, với lý tưởng, với chủ nghĩa, với đủ thứ lý trí loạn xạ tả-pín-lù. Mà lòng ta thì chỉ mong một bát canh rau thật xanh, thật mát, thật ngọt, thật trong... như đôi mắt, như chòm mây trắng chuyện trò trên đọt cau một làng mạc thuở thái hòa.

Đẹp như độc bình cổ, chắc như chiếc vại thời Tần, chững chạc như chiếc xe Huê kỳ đồ sộ.. những thức này rồi cũng tan vỡ vì tai nạn hay theo thời gian. Còn nỗi mong manh kia, như bóng nước, ánh trăng, không khí, mong manh như một cuộc tình, mong manh như niềm nhớ nước... sẽ còn hoài, đeo đuổi ta thành chiếc bóng thâu canh.

Từ đại lộ Champs Élysées thênh thang rộng nắng bước xuống Công trường Concorde Tháp Bút giữa hai hàng hàng hóa, tiếp tàng cây lá mơ vàng, rẽ tay phải lên cầu Alexandre đệ Tam nhìn sông và sương. dạo cảnh Paris nên đi thật sớm hay thật khuya. Lúc đó, cái thiên hạ ồn ào chưa có mặt. Lúc đó mới là vườn địa đàng, và Paris như người tình thủ thỉ bên ta.

Sương bây giờ đã biếc. Từ lá phả ra, từ con Sông Seine thở nhẹ, hay từ trí nhớ ta cuộn về. Ai bảo sương rơi xuống từ trời ? Không đâu. Sương là hơi thở của những người tình nhiều kiếp, thở vào thời điểm ngậm ngùi suy tưởng  của năm : Thu. Thu của Nguyệt, và Nguyệt là Trăng, một cánh cửa mở vào miền đất lạ Tâm Thư.

Cầu Alexandre đệ Tam là chiếc cầu kiều lệ giữ trọn hồn quá khứ. Và sông Seine kia không trong biếc như sông Hương, không cuồn cuộn như Cửu Long, hẹp giữa hai hàng đá xây, song nó là tấm gương soi về những dòng sông xưa. Từ đó quyện lên cả khói sương Hà nội, với những dãy bàng vàng vào giờ này ngoài đó, với những chiếc lá la cà rụng khô khắp phố.

Paris là thành phố biết đi. dẫn ta về những phố cũ hè xưa trong vùng góc ân tình quê cũ. Paris là thành phố biết nói. Rất dài dòng tâm sự, nói huyên thuyên với lòng ta những chi kín mật, có lúc Paris cũng biết thở dài để bi kịch hóa với lòng ta những chuyện đời thảm não. Paris là thành phố biết yêu, những cuộc tình đẹp nhất là cuộc tình tại Paris. Bao cặp vợ chồng mới cưới đã không tìm tới Paris đón trăng và tìm mật đó ư ? Không được yêu nhau tại Paris, cuộc tình như chưa trọn, khác nào những chiếc hôn không môi ! Hỡi người xa tứ xứ, hãy đến đây hái vội một nụ tình, dù có mong manh hay vội vã, vẫn là trái cấm nghìn đời chợt tặng trao !

Tôi bước xuống đường St. Germain des Prés, vào ngồi quán Aux Deux Magots, đối diện Nhà Thờ St. Germain. Thứ bánh thánh trăng khuyết (croissant) dành cho người ngoại đạo ở đây tuyệt hảo, xốp và béo. Cà phê rất ngon, chút thôn dã trong hơi ươm, ta quên bẵng thứ máy móc tối tân xả hơi phì khói. Nắng phất nghiêng trên mặt đá nhà thờ. Nếu tôi đi đạo thì sẽ vào chịu phép bí tích ở loại nhà thờ trangnha4, dựng lên từ hồn đá gạch này, chứ không thích những Vương cung thánh đường đồ sộ nguy nga vua chúa kia. Giữa trung tâm Paris, gần xóm La tinh, nhà thờ St. Germain dung dị như sắc đẹp mặn mà một cô gái núi, kéo ta về những vùng thiên nhiên xanh, vắng bóng người ô tạp. Cảnh yên lặng buổi sáng, bỗng vỡ ra một hồi chuông lễ nhất, rồi lễ chính. Từ gác chuông, tuôn xòa bầy bồ câu âm thanh, chao liệng vào ánh nắng. Vô hình bỗng tượng hình. Âm thanh và ánh sáng tạc thành vóc dáng di động. Ai bảo đó không nhiệm mầu ? Và ta chờ gì phép lạ không bao giờ có, ngoài những phép lạ hằng nhật kia ? Cà phê ngấm vào người mọc lên cơn tỉnh táo, toàn người rộn rã sức quyện chảy của máu, lòng chồm lên nỗi yêu đời và thèm khát nói năng chia xẻ.

Buổi sáng. Thiên hạ áo quần tươm tất, ấm áp, gõ gót giày trên nến đá ong, vang lên âm thanh rất hòa bình. Mỗi bận nhìn vào đám đông ở Paris, lòng tôi cứ đánh lên một điệp khúc ngỡ ngàng : “Hòa bình là thế ư ? Hạnh phúc giản dị thế à ?” Nhưng Việt Nam cứ đánh lừa tôi mãi, Việt Nam cứ đày tôi đi xa. Chả lẽ mình lại bẩn tay làm cái chuyện của anh bạn họ Tần : đốt hết tất cả thư viện chủ nghĩa của thế giới ? chôn sống tất cả tượng thạch chỗm chệ trên đầu dân ? Chết, chết ! mình lại lẩn thẩn vào trong miếng mồi chính trị mất rồi !

Buổi sáng, ngồi đây nhớ Phạm Công Thiện và Nh. Tay Ngàn thuở hai người ấy còn thờ tụng nhau. Năm nào tôi lảng vảng mòn gót giày đi tìm hai gã ở mấy quán cà phê nằm trên đường Apollinaire gần đây mà không gặp. Và vì không gặp, chúng tôi phải xa nhau hàng chục năm. Nay Nh. Tay Ngàn đã chết. Nằm trống lạnh trong một căn phòng ở Paris, và xác nó đã thiêu tại Nghĩa địa Père Lachaise. Đời như một áng mây. Nh. Tay Ngàn đã sáng tác tại Paris những bài thơ đẹp nhất, trong khung cảnh Paris với những cuộc tình trong sáng, mặn mà. Bọn lãnh đạo chính trị Việt Nam đã giết những tài thơ như thế, và một tiệm ăn con buôn Việt Nam ở Paris đã hành hạ một tài thơ như thế. Nh. Tay Ngàn đã chết dưới sức nặng ngàn cân kia. Tuy bình yên như một lối phát ngôn : Để tao sang bên kia xem có gì lạ ! Và thế là nó ra đi. Ngựa cũ chạy xa rồi !

Sáng nay lá vàng vời vợi cả ruột gan. Tim tôi rớm thứ máu ngậm ngùi, lênh xuống dòng nắng trải tới vô biên im lặng. Một thanh niên Việt ăn mặc dơ dáy, đi chiếc giầy quá rộng, tạc như gã clochard đứng tần ngần trước dãy bàn bên hiên quán cà phê. Anh mang nụ cười không dứt như đứa trẻ nít. Nó là cái “rictus” buồn tênh hay nụ cười thơ mộng chào ngày ? Anh nhìn hết bàn này tới bàn kia, bà đầm này tới ông tây nọ, hai tay đút túi, bước tới bước lui. Anh nhìn như một thượng đế nhìn loài người, hay như một đôi mắt cầu xin thân mật. Tâm thức mang mang trong anh cũng như trong tôi. Anh muốn gì và tôi muốn gì ? Tôi do dự mời anh vào bàn hay không mời anh vào bàn ? Hai chúng tôi như hai con thú lạ đứng trước miếng mồi là thế giới loài người một buổi sáng. Chợt nhớ Bùi  Giáng. Giáng cũng có lối ăn mặc kỳ quái như thế, hay hơn thế, cộng thêm nỗi điên cuồng sóng dữ. Ngày Cộng sản vào Saigon, Bùi Giáng vẫn như nhiên như trời đất, khi tiếng nổ, xích xe tăng nghiến đá, thiên hạ xôn xao cướp phá hay hốt hoảng thu dọn tiền và vàng chạy ra ngoại quốc, bỏ lại cha mẹ, đất nước để cứu cái thân phì nộn nhiệt tình heo chó, khi bọn bộ đội rừng rú như loài khỉ về sở thú, thì Bùi Giáng lếch thếch một đống áo quần trên người như một cuộc di dân khai hoang, tay dẫn ba con chó (một con trắng, một con mực, một con lốm đốm trắng đen) bước đi giữa tiếng còi rinh rang và xe cộ điên khùng. Thi sĩ là tiên tri. Bùi Giáng thấy trước sự sụp đổ của trò hòa giải dối trá ? Chính trị như con chó cần có chủ dẫn đi. Than ôi, những người chủ dẫn đi nay vẫn còn đầy tham vọng, vị kỷ và sát nhân.

Thế nào là điên, thế nào là tỉnh ? Những sự sống khác nhau vì cường độ, và danh từ dựng lên để ám chỉ những kỳ bí mà ta không thể nào thấu hiểu. Ngôn ngữ là dấu hỏi đánh lên để bật lộ sự thật cho đời. Nhưng con người ba hoa đến quên dấu hỏi tìm tòi, quên mình là dấu hỏi, để toa rập vào lời chữ như một khuôn sống ngục tù. Như một công chức đi làm để kiếm sống, đến bặt quên cả sự sống, suốt đời làm anh công chức đam mê và chết đi như một người công chức quèn. Như anh cán bộ cộng sản đòi tranh đấu giải phóng nhân dân đau khổ, nhưng đã quên nhân dân và chỉ nhớ tới động tác đấu tranh như sinh hoạt thường trực một guồng máy giết người.

Cơn điên của Bùi Giáng có lẽ chỉ là sự trườn mình ra khỏi nỗi ngộp thở mà bàn tay thế tục đang bóp siết đời người ? Anh chửi rủa sự sa đọa của bọn triết gia rởm, bọn văn học cô đầu, bọn tôn giáo cầu danh trước đây qua sách vở bài viết, thì nay anh nguyền rủa thể chế miền Bắc qua cơn điên trầm thống. Anh còn làm được thơ chăng ? Hai câu thơ của anh mà nhân dân Saigon đọc lên năm 1977 chỉ có bấy nhiêu :

Quần đã đỏ từ khi trăng là nguyệt
Kinh là kỳ với bao nỗi tân toan

Lá cờ phương Bắc kia, lẽ phải là sắc màu hồng hào phơi ý nguyện dân. Nhưng than ôi bọn lãnh đạo vong bản đã nhuộm bằng một thứ màu dơ của máu phế thải !
Hãy dẹp tất cả các sắc cờ vô nghĩa !

oOo

Chiều thứ bảy ghé về Quán Trúc.
Quán Trúc không là phòng trà, hộp đêm đầy dẫy nơi Paris. Nơi những kẻ giàu sang đến tìm gái, hay chích thuốc mê âm thanh dã dượi với đèn màu che giấu. Nơi những ca sĩ duyên dáng cười toe như cánh cửa Siêu thị, những “thương nữ (hay thương ái nam ái nữ) bất tri vong quốc hận” sà vào tìm miếng ăn và áo mặc, dù phải trả với bất cứ giá nào.
Quán Trúc nhỏ như mảnh đất Việt Nam còn được mường tượng trong lòng người lưu xứ. Ghế bàn lổn chổn. Những thanh niên thanh nữ thong dong như còn ở trong chính căn phòng nghèo khó của họ. Vài bộ mặt đăm chiêu chưa quên nỗi khó sinh kế, bên cạnh những tiếng nói cười hồn hậu. Đến đây không phải để nghe “tiếng vàng” chuyên nghiệp. Ngày xưa một thời Quán Trúc quy tụ những ca sĩ nổi danh. Thời mà họ còn ngơ ngác lúc mới bước chân lên xứ người., hình ảnh quê hương đầy bằng đồ đạc khi dọn nhà, lòng còn tha thiết với bao hứa hẹn cùng người ở lại. Thời mà họ còn bị khó vì sinh kế hay bị các nhóm bè làm chính trị salon ở Paris đánh đá. Không hiểu nay đã quên lời thề xưa với nước hay sao mà một số đã tua đi, và chìm vào màu hồng già cả, xuống dốc, của loại phòng trà bán buôn, đĩ thõa. Bây giờ thay lớp chuyên nghiệp kia, là một tập thể trẻ vui nhộn hồn nhiên. Họ hát như họ nói chuyện. Họ cười như dòng suối thảnh thơi. Đến Quán Trúc khác gì nửa đêm trong làng xách gàu ra giếng tắm, buổi sáng buổi chiều ra sông bơi, hoặc ngẩn ngơ đứng nhìn cơn mưa bay từ chỏm núi sập mù, ào xuống bình sa, lướt ngang đầu mình chạy về vùng biển ngát.

Đúng thế, Quán Trúc là nơi ta tạm rửa hồn ta sau một tuần phồn tạp phương Tây. Những giọng ca mới chớm, còn cất giữ rất nhiều tài năng, dù cần tập luyện. Rồi đây, nhà lầu, xe hơi, chả giò và chất bơ mạng vào những giọng ca chuyên nghiệp ngoài phố kia, thớ cổ những người đó sẽ tàn tạ, thì những giọng ca loại Quán Trúc vẫn còn ngậm cả nắng gió quê hương. Đố ai không cảm thấy là ca sĩ chuyên nghiệp này hay ca sĩ chuyên nghiệp kia hát sút hơn thời còn bên nhà. Trừ một đôi người rất hiếm. Nếu ta còn ưa họ là ưa cái tên, của dĩ vãng không còn, nơi thuở thời Saigon, Dalat, Huế. Ta ưa họ như ưa trùm mền ngủ lại, nối giấc mơ êm đềm mới biến. Chứ họ đã sút lắm rồi. Từ giọng tới tư cách. Từ tiếng ngân tới nhiệt tình. Con chim hót, đâu phải vì nó là chim. Nó hót nhờ chất mùa của Xuân gảy vào thớ cổ. Nay thớ mùa đã mất trên vùng tuyết lạnh. Nay xuân đã lánh xa, và quê hương thì biệt tích. Nay tiếng hát đã rời vùng nhớ nước, bay sà vào đậu trên chiếc tủ lạnh nơi cảnh đời an tạm.

Vì thế, tôi quý Quán Trúc, và mỗi chiều thứ bảy tôi đến ngồi trong góc nhỏ, trả 10 quan cho ban tổ chức có phương tiện điều hành, nhận lấy cốc la de, hay tách cà phê, và một món ăn lót dạ. Ngồi đó, cô đơn nhìn nỗi vui của một đám người hát hò, trò chuyện, chơi đùa. Cô đơn là vì mình không biết hát, mình ngượng ngùng, tay chân thừa thãi, câu nói vụng về. Mình chỉ biết viết. Mà viết thì ai thấy, ai đọc ? Nhưng rồi nỗi cô đơn tôi như bong bóng, bay lên, bay lên ngập ngừng trước khi nổ tan vào không khí nhộn nhịp Quán Trúc. Ấy, cô đơn chỉ là ảo tượng. Ảo tượng vì mình cứ tì tì nghĩ là mình cô đơn. Thử sống với cô đơn, sống tận cùng với nó đi, ta sẽ thấy nó vỡ tan như chiếc bong bóng. Lúc đó cô đơn ta hòa nhập vào lớn rộng thinh không trên cõi xanh biếc trời cao. Ta cùng với vũ trụ làm thành vũ trụ. Ta cùng với người người là loài người. Hóa ra cô đơn là căn bản cho mọi cuộc vui vầy, mọi cuộc vầy duyên rất lạ.

Quán Trúc không là nơi tập họp chính trị, thuyết trình, tọa đàm công thức. Ở đây, mọi người nhởn nhơ kiểu “bắt trẻ đồng xanh”. Trong tôi im bặt hẳn thứ đòi hỏi kênh kiệu của bầy trí thức rởm. Bọn này, nói là ghét chính trị, nhưng đi đâu cũng bắt thiên hạ làm chính trị - nhưng làm thay cho bọn chúng ! Thảng hoặc có ai muốn dấn thân thì họ lại xoay ra phê phán, chửi bới, dè bĩu một cách trịch thượng. Thật lố bịch. Đây có phải tính lẩm cẩm sinh từ nỗi cô đơn giả tạo thành thị ? Họ giống như kẻ đi lính quen, thành nghề giết người; kẻ trí thức quen, thành nghề suy nghĩ bông lông và ăn nói bừa bãi. Những kẻ đó, sống mà đã chết. Chỉ còn lại sự thoi thóp của tế bào. Thần trí tan mỏng trên khói thuốc hai ba bao một ngày. Sống cho những dự phóng là tự tử giữa ban ngày. Tha thiết tới đâu, mà chỉ yêu người trong mộng, cuộc tình cũng tiêu vong.

Sân khấu Quán Trúc bằng chiếc khăn tay. Ánh đèn chiếu vào một vầng trăng mười sáu, lốm đốm những chấn hoa gọi mời. Màu xanh trên đó cứ loang đi như một vùng thanh thiên xanh tâm tưởng. Hai tay đàn guitare dập dồn không dứt. Say mê tiếng đàn vang xóm ngày xưa. Cuộc kháng chiến thần thánh quê hương không xây trên tổ chức sắt thép của cộng sản đâu, nó được dưỡng nuôi và khởi phát từ những tiếng đàn mandoline, banjo hay guitare trên toàn quốc. Những thanh niên hiền và lễ phép đến yểu điệu, lắng người vào chiếc móng đồi mồi khảy trên hàng dây sắt, rúm hồn theo âm thanh ấy, bỗng đứng lên như vừa nghe kêu số danh bộ, bỏ đàn xông vào trận tiền bắn ngã từng kẻ thù, trước khi mình ngã xuống. Người người lớp lớp, như sóng, như rừng, khởi đi từ tiếng nhạc buồn như hơi thu tan vỡ, nhưng rộng thinh ý chí và nguyện cầu.

Tôi mơ hồ nghe từ Quán Trúc tiếng đàn thôn xóm thuở nào. Từ thôn xóm nối dài vào các tiệm hớt tóc, vào các hẻm, vào những vòng tay chưa xốc nổi người yêu song đã kênh lên màu chí nguyện. Tối đó, tiếng đàn dìu dặt, nâng đỡ giọng một thiếu nữ đọc mẩu truyện “Con Bảy đưa đò” của Sơn Nam. sao còn có giọng ấm áp, nhưng tình như thế giữa Paris này nhỉ ? Nàng không đọc, nàng diễn xuất. Giọng Bắc ngọt và xanh như cốm buộc chỉ hồng, dìu dặt chao sông. Thỉnh thoảng nàng láy tiếng Nam qua mẩu đối thoại. Cả dân tộc hòa về trong tình tự. Quán Trúc im phắc. Chữ nghĩa từ đôi môi bay chim, đàn chim tuôn âm thanh, quyện lấy châu thân lớp người đang thắp bóng đêm ngồi thức. Bỗng nhiên, hình bóng những cuộc tọa đàm khách sáo, học giả thuyết giáo đổ nhào. đâu đó trong căn phòng nhỏ bé một niềm hội thoại dâng lên.

Muốn đối thoại phải có hai người. Nhưng mấy mươi năm nay, trên quê hương ta, hễ có hai người là có hai độc thoại chênh vênh giết mầm đối thoại. Tôi có cảm tưởng Quán Trúc đang cho tôi sự êm ả hội thoại : một cuộc hội thoại nội tâm. Mẩu truyện của Sơn Nam vừa đọc, tiếng hát ấm và trầm của một thanh niên có gương mặt quê mùa, tiếng cười khúc khích của một người con gái sáng như hoa, tiếng máy cà phê phun hơi nước lạch bạch, một chị nữ tóc vàng bồng bồng tây phương cầm micro hát nhạc Trịnh Công Sơn... nàng nói : anh chị em cùng tôi hát đoạn điệp khúc... hưm... hừm... hưm cho toàn thể nhé... Tất cả đó xoáy vào tim tôi, đánh nháy lên những ý nghĩ. Tất cả đó ngấm vào tôi, tiếp liệu như mạch nước vã vào mảnh đất khô, không chất vấn, không nói năng, nhưng thế liên giao giữa nhạc, lời, tiếng cười, bầu khí bỗng sôi nổi nội tâm mình. Sức bật diễm kỳ nào xốc dậy bộ xương rũ rượi, bắt mình đứng thẳng, chập chững tập đi và mở lời nhập cuộc. Phải lắm, lâu rồi, chúng ta thiếu trong ta một thứ hội thoại nội tâm. Chuyện của ta, nhưng ta không làm được. Bởi thiếu một bầu khí, một tha lực. Và Quán Trúc đang đem lại cho tôi bầu khí đó.

Tôi càng tin điều này là đúng, hôm nghe Nguyên đứng trên bục Quán Trúc tâm sự. Nguyên, người đã xen lấn vào thượng tầng xã hội hư thối miền Nam trước kia. Nguyên, con người ít nói, tư lự và đăm chiêu đến xa lạ với ngoại cảnh. Nguyên là một khối u sầu mặc cảm, nụ cười còn sáng, nhưng đang tàn tạ vào nỗi hoang sơ tư kỷ. Anh ta đến và đi không kẻ đồng hành, không kế thoát thân. Thế mà Nguyên ấy đã nói : “Tôi đến đây không phải để nghe nhạc. Chỉ mong tìm chút không khí giao lưu. Thú thật ngày xưa ở Saigon, lúc còn là sinh viên, suốt 5 năm ròng tôi sống như con bướm đêm. Lúc thành phố lên đèn, tôi la cà khắp mọi dancing cho tới hai, ba giờ sáng mới về quán trọ đọc sách. Ngày hôm sau ngủ muộn đến trưa, đến chiều, sau đó mới vào đại học lấy bài. Ngày tháng trôi đi cho tới khi ra làm việc, cũng chẳng để tâm chuyện gì, ngoài cảnh đớn đau trong tâm hồn trước một hoạt cảnh bi đát mà ở đó mình chẳng làm được gì để thay đổi. Từ ngày saigon mất, tôi sang Paris sống. Năm năm qua mới đi dancing có hai bận, và hai lần đó chở giúp bạn bè, đến nơi là về ngay, mặc sự lôi kéo mời mọc của bạn.

“Trái lại, tôi đã đi hầu khắp các nước, tham dự khắp mặt hội đoàn, tổ chức, cộng đồng... từ tả sang hữu. Bất cứ đâu tôi cũng chỉ lưu tâm tới người Việt. Bất cứ người Việt nào làm được gì ích lợi cho đồng bào tôi, tôi đều sung sướng và thán phục. Nhưng tất cả đã làm cho tôi thất vọng. Người ta quá xa lạ với dân, với những gì đất nước ta đang chịu đựng đau khổ.

“Nay đến Quán Trúc thấy anh chị em sinh hoạt, nhất là nghe tin Đại Học sắp thành hình, tôi rất mừng. Một vận hội mới như mở ra. Muốn hướng tới bất cứ đâu, phải có điểm xuất phát để ra đi về một kết tinh. Và sự kết tinh ý thức, dù chính trị hay văn hóa, phải gắn liền với một vận hội... Tinh thần sinh hoạt, tấm lòng của anh chị em ở Quán Trúc đang làm Niềm Tin mới. Tôi mường tượng như đang sờ mó một cái gì rất lớn. Và như anh chị em thấy đó, tôi không chỉ tới Quán Trúc một lần vào ngày cuối tuần, mà tới ba lần một tuần, ngay cà vào giờ các anh chị em sinh hoạt, tập dượt. Anh chị em hẳn thấy lòng lưu luyến và kỳ vọng của tôi như thế nào. Và đây là lần đầu tiên tôi phát hiện ra như vậy, và nói lớn ra như thế...”

Chẳng ai thúc ai, chẳng ai ép ai, mà cuộc tự phê nở ra, bật ra dưới vùng hội thoại nội tâm. Nhẹ nhàng như nắng góp giữa trời, ưu tư như một cánh chim nghiêng.

Nhiều độc giả thư riêng mong tôi viết Tạp ghi cho thường xuyên. Nhưng viết gì về bộ xương khô hải ngoại ? về những ông thần hoàng thoái vị, sống bằng bánh cuốn, chả giò, và phở ? về bọn người đem cái hưởng lạc thời chiến rong chơi ra nước ngoài ? hay về những sinh-viên-muôn-năm, những bác sĩ, kỹ sư... yêu nước và cách mạng, mà con đường trường chinh xa từ tư thất tới quán nước hay hộp đêm ? Bây giờ đang có những tên văn công nằm vùng chủ xúy làm “văn chương thuần túy” ! Chúng nói phải có một nền văn chương của người Việt hải ngoại. Và chúng sáng tác loại văn chương như nước hoa rẻ tiền, những cuộc tình tay ba, những hạnh-phúc-cho-tôi-thôi, rồi thêm chút gai vị ca dao sông rạch, khóm dừa, món ăn cho có vẻ “dân tộc”. Thứ “văn chương thuần túy” ấy, thứ văn nghệ xì bên hông ấy, đang ve vãn lắm người, lắm tòa báo. Cốt sao cho người Việt đừng nhớ nước nữa, đừng hướng tới con đường về bằng phong cách tự chủ. Cốt sao người Việt để yên cho Đảng nhuộm đỏ núi rửng Trường Sơn và sông biển. Con chim chớ trốn tuyết, vì “văn chương thuần túy” là “văn chương đông lạnh” giữ nguyên vẹn hình hài chim Hồng, chim Lạc... cho những tên đồ tể làm bếp ! Dễ sợ.

Chúng ta thiếu một dòng Văn hùng vĩ. Chúng ta thiếu một bầu khí ân tình, dù đã có một Paris ân tình. Mẩu đất thó biết suy nghĩ, là ta, đang thiếu một hơi thở tình phà vào dựng dậy. Quán Trúc đang là bầu khí tôi đợi chờ chăng ? Để xem tác vóc họ có bền bỉ cùng thời gian, và ngang bằng lời tuyên bố.

Ngày nay tàu hầm métro đã kéo thẳng tới Gennevilliers, từ trạm cuối đi thong thả vào Quán không quá mươi phút. Chì cần nhìn hàng lá phong đỏ rực trên mặt tường vào quán, như một dáng chào thu vào giờ chạng vạng; chỉ cần nhìn tàu lá chuối đang phất phơ trong đêm cạnh ngọn trúc thưa qua khung cửa, rồi nghe nhạc uống trà là hàng thành quách đơn diệu trong ta đổ xuống. Thế không quá đủ ư ? ta chẳng còn tiếc thì giờ, đường sá, hay 10 quan vô nghĩa nữa ! Khác hẳn những phòng trà thương mại, những quán cà phê nơi ta đơn côi giữa trùng người ngoại quốc. Quán Trúc là mẩu đất xắn còn thơm lức quê hương, là hải đảo san hô bồng bềnh chưa xa bến, vì ta còn mường tượng đâu đây một tiếng gà gáy xóm, một tiếng chó sủa trăng, một tiếng học bài ê a chập chờn theo ngọn đèn dầu leo lét...

Ân tình đó thật mênh mang. Mênh mang như mùi dẻ nướng trên lò than hồng cuối mấy góc đường Paris. Mùi rừng thơm, như dẻ, như sim. Mua một gói bỏ vào túi, cảm cái ấm áp đơm mặt trời mới mọc cọ xát vào da. Rồi bâng quơ tách vỏ, cắn xuống màu vàng óng, bùi bùi thơm ngọt...
Thu Paris mà chua mua một gói hạt dẻ nướng, rồi bước đi dưới tàng lá hỗ hoàng, với nỗi bàng hoàng nhớ nước, thì coi như còn thiếu một cái gì không thể thiếu.

Thi Vũ
30-10-1980

(Trích từ “Gọi Thầm Giữa Paris”, Thi Vũ, Tạp Ghi, NXB Quê Mẹ, Paris, 1986)

Quán Trúc là sinh hoạt văn nghệ của Cơ sở Quê Mẹ. Có thể nói đây là Quán Văn nghệ đầu tiên của sự hội thoại nội tâm mở ra tại paris trên dòng sinh hoạt có ý nghĩa và có văn hóa. Quán nằm cạnh tòa saon5 Quê Mẹ, đã được các báo chí, truyền thanh, truyền hình Pháp và quốc tế nhắc nhở. Riêng đài truyền hình BBC đã làm một bộ phim 60 phút về những hoạt động Nhân quyền và Cứu sống Người Vượt Biển của Quê Mẹ, trong ấy có sinh hoạt của Quán Trúc. Bộ phim được xem như đại biểu cho Việt nam trong loạt phim 7 nước Á châu gọi là THẦN TRÍ Á CHÂU (Spirit of Asia) do Ký giả truyền hình và Nhà khảo cứu nổi danh Lord David Attenborough, và Nhà đạo diễn Michael Mac-Intyre thực hiện, và đã chiếu trong 27 nước trên thế giới.
Quán Trúc sinh hoạt từ 1977 đến năm 1982, năm cơ sở Quê Mẹ bị khủng hoảng tài chánh trầm trọng. Sau này, có vài nhóm con buôn và bọn hoạt đầu lợi dụng danh xưng Quán Trúc, tổ chức trong một khung cảnh và ý hướng khác tại Paris quận 5, rồi Paris quận 13. Nhưng loại quán phi văn hóa ấy, không sống quá vài tháng, khi người Việt biết rõ ý đồ vụ lợi và bất chính của chúng.      

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010