NGƯỜI ĐÀN ÔNG BÊN CẠNH
Tôi đã mường tượng ra đám cưới của tôi. Một đám cưới giản dị, đầm ấm và thân mật. Cô dâu sẽ mặc áo dài Việt Nam may bằng thứ gấm Thượng Hải mềm mại mát rượi. Tôi thích màu bồ quân, cái màu ấm áp và đằm thắm dễ sợ. Tôi cứ nghĩ rằng đó là màu báo hiệu của một khởi đầu cuộc sống lứa đôi êm đềm dịu dàng. Chiếc khăn vành dây cùng màu cộng thêm chiếc áo khoác mệnh phụ bằng ren trắng sẽ bảo đảm một cô dâu rất...cô dâu. Còn nữa chứ! Đôi bông tai và chiếc mề đay bằng đá Đại Hàn màu khói sẽ làm nổi khuôn mặt đều đặn thanh thoát của tôi. Khuôn mặt mà Nguyễn vẫn khen là nhẹ nhàng như... bông gòn. Nguyễn vẫn có cái lối ví von lãng xẹt như vậy. Anh tự hào là có tài làm mới ngôn ngữ và làm giàu cho tiếng Việt bằng một kiểu nói đầy...sáng tạo. Tôi không tin là cái "sáng tạo" của Nguyễn có thể làm tự hào cho tiếng nói của cha ông nhưng phải công nhận là có cái gì duyên dáng và bất ngờ trong lối nói chuyện hấp dẫn của anh. Tôi mỉm cười trong bụng khi nghĩ là thử đề nghị Nguyễn đóng bộ áo dài khăn lam xem anh chàng sẽ phản ứng ra sao. Vóc dáng cao gọn của anh mặc áo dài chắc cũng... tới lắm chứ! Nhưng tôi sẽ không thích Nguyễn mặc áo dài. Chẳng phải vì bộ quốc phục không nghiêm trang đẹp đẽ nhưng tôi đã lỡ coi mấy cuốn video ca nhạc có mấy ông ca sĩ, mấy ông...hề sĩ mặc áo dài trên sân khấu. Trông nó kệch cỡm và lố bịch làm sao! Cái lối ăn mặc cẩu thả áo dài với quần tây và những chiếc khăn đống méo mó vênh lên sụp xuống cho ra vẻ khôi hài đã giết chết trong tôi hình ảnh chiếc áo dài cổ truyền. Nếu Nguyễn mặc áo dài thì chắc cái hình ảnh nhếch nhác dễ giận đó sẽ lảng vảng trong đầu khiến tôi khó chịu lắm.
Tiệc cưới của tôi sẽ được tổ chức tại một nhà hàng Việt Nam thanh lịch với những món ăn đậm đà hương vị quê hương. Tôi đã nhắm được một nhà hàng rất vừa ý. Những bộ bàn ghế màu nâu đỏ lịch sự nằm dưới ánh đèn vừa đủ nồng nàn ấm cúng. Trên tường là những bức tranh lụa và tranh sơn dầu của những họa sĩ Việt Nam nổi tiếng. Mỗi bức tranh là một trân trọng với hai ngọn đèn chiếu thẳng vào nền tranh như trong một phòng
triển lãm nghệ thuật thuần túy. Tôi mừng đến ngộp thở với khung cảnh vừa ý này. Chỉ cần thêm một bình hoa hồng màu huyết dụ trên mỗi bàn và những bản tình ca nhẹ nhàng làm nền cho bữa ăn là tôi đã có một tiệc cưới mơ ước.
Buổi tiệc cưới mà tôi mường tượng trong đầu sẽ mãi mãi chỉ là một mơ ước. Vì tôi đã từ hôn với Nguyễn. Tôi không thể chịu nổi Nguyễn nữa. Nguyễn là một mẫu người rất hợp với sở thích của tôi trừ cái tật của anh. Cái tật làm sống lại trong tôi hình ảnh bầy gà trong vườn bà ngoại tôi ngày xưa. Bà tôi nuôi một bầy gà hơn chục con trong đó chỉ có một con gà trống còn toàn là gà mái tơ. Cứ mỗi sáng khi bà tôi mở cửa chuồng cho gà ra vườn thì cả bầy gà mái đứng rỉa lông làm đẹp trong khi chú gà trống xõa một bên cánh chạy vòng vòng như chiếc máy bay đảo quanh từng chị gà mái buông ra những tiếng gù gù tán tỉnh rất khó thương. Nguyễn có đức hơn chú gà trống một chút. Anh không lộ liễu quá đáng nhưng tôi luôn luôn bắt gặp ánh mắt của anh dán chặt vào những bóng hình thướt tha chung quanh. Tôi biết đó là tật của nhiều đàn ông chứ không riêng gì Nguyễn. Và tôi cũng chẳng khắt khe gì lắm. Chỉ những lúc Nguyễn mải mê quá đáng tôi mới nhẹ nhàng cảnh cáo anh. Anh cười gượng thì thầm bên tai tôi: "Anh phải nhìn những cô gái khác để biết mình có diễm phúc được đi bên cạnh một cô gái đẹp nhất thiên hạ chứ!" Câu nịnh nọt tuy quá đáng nhưng vẫn có hiệu quả tức thì. Con gái ai chẳng thích được khen dù biết rằng lời khen có phần thiếu thành thật. Miệng của Nguyễn là cái miệng khéo ăn khéo nói. Anh cứ tỉ tê những lời dịu ngọt để cho đôi mắt lợi dụng nương theo là đà qua những bến bờ quyến rũ. Có lần đôi mắt lãng du quay về bắt gặp đôi mắt khắc nghiệt của tôi và anh lại giả lả: "Cái áo cô kia mặc đẹp quá, em có thích không?" Tôi tỉnh táo trả lời: "Anh đừng làm bộ nữa! Em tưởng đàn ông các anh ưa nhìn những chỗ không có áo chứ!" Câu nói chắc nịch của tôi làm Nguyễn nghệch ra như một chú gà tồ ngu ngơ.
Cái tật cũng giống như một thứ bệnh, nếu không dứt thì sẽ sinh ra biến chứng. Biến chứng nơi Nguyễn là một trái chứng xô ngã tình yêu nơi tôi tới bờ vực cuối cùng. Anh lén lút hẹn hò với người này người kia. Mạng lưới tình báo không chuyên nghiệp nhưng rất hữu hiệu là lũ bạn đông đảo của tôi đã cho tôi biết rất nhiều hành vi bất chính của Nguyễn. Anh ăn vụng đã khéo mà chùi miệng còn khéo hơn. Dù vậy những chống đỡ yếu ớt, những biện bạch vụng về của anh đã làm hình ảnh anh càng ngày càng nhỏ dần trong tim tôi. Tôi tự dằn vặt tôi khi nghĩ rằng mình có là gì hơn một người tình "thâm niên", một người đang đứng chờ đò ở bên này sông mà cái bến vợ chồng lại nằm chênh vênh ở tận bờ bên kia. Có gì bảo đảm là dòng sông không có những trái chứng muộn phiền. Nhưng tôi đâu có thể bảo tôi an lòng làm một con gà mái được sủng ái hơn những con gà mái khác trong một đàn gà lao xao giành giật một con gà trống. Tôi muốn tôi phải như một con gà mái rực rỡ kiêu kỳ đứng vắt vẻo trên cành cây cao cho con gà trống nhất mực tôn vinh.
Một buổi chiều cuối tuần chính mắt tôi đã tình cờ thay Nguyễn dắt một con nhỏ thuộc loại chịu chơi đi vào một rạp chiếu bóng. Tự ái của tôi bị một cái tát mạnh đến quay cuồng chóng mặt. Tôi tưởng tôi sẽ lồng lộn giận dữ như một ngọn núi lửa tới kỳ nổi dậy thổi tung những phún xuất thạch nóng bỏng tàn phá không nương tay. Nhưng không, tim
tôi lạnh băng như một tảng đá ở trên chót vót quả địa cầu. Sợi dây đàn quá căng không còn búng ra những tiếng chát chúa nhọn hoắt được nữa mà đã bật đứt rã rời co quắp. Buổi tối hôm đó Nguyễn điện thoại cho tôi như thường lệ. Tôi thản nhiên bảo là chiều nay tôi có thấy anh trước rạp chiếu bóng. Tôi kể từng chi tiết với một giọng lạnh tanh như đang nói chuyện của người khác. Nguyễn ấp úng định giãi bày gì đó nhưng tôi đã gạt đi và cúp điện thoại. Trái tim tôi yên tĩnh lạ thường. Như vừa chấm dứt một cuộc chơi. Thế thôi!
Các nhà tâm lý là những người hay bày vẽ. Họ bỏ ra rất nhiều thời giờ để luồn lách vào những ngõ ngách của con tim, ngắm nghía chán chê, ôm từng đống buồn phiền ra săm soi xét nét và phán ra những điều mà họ coi như những định luật chi phối cuộc sống tình cảm của con người. Tôi thì nghĩ rằng mỗi con người là một vũ trụ nhỏ chẳng có một thứ định luật cứng ngắc nào có thể dây dưa vào được. Ít nhất là trong trường hợp của tôi.Tôi nhởn nhơ nói cười giữa lúc mà mọi người trong gia đình cũng như bạn bè của tôi sẵn sàng mủi lòng ban phát đến tôi những ủi an vỗ về cho một tình huống bất như ý. Tôi phơi phới bỏ lại sau lưng một cuộc tình tưởng như sẽ trăm năm gắn bó. Tôi như vậy đó. Kiêu kỳ như một con công óng ánh chói chang.
Tiệm ăn khá ồn ào hỗn độn như bất cứ một tiệm ăn tàu nào khác. Tiếng nói chuyện thoải mái của thực khách, tiếng bát đũa đụng nhau kêu lẻng kẻng, tiếng nhạc mở khá lớn. Người ra kẻ vào, phổ ky chạy đi chạy lại gọi nhau ơi ới. Tôi thấy mệt với không khí bát nháo chung quanh. Và thấy mệt luôn với cái lăng xăng cuống quít hỏi han chiều chuộng tôi của Yan. Yan là bạn học cũ của tôi ở McGill. Công tử Hong Kong, học giỏi, con nhà giàu, đẹp trai trên trung bình, có dáng trí thức với cặp kính dày cộm trên mặt. Anh theo tôi từ hồi còn ở Đại Học nhưng bị Nguyễn loại ra khỏi vòng chung kết. Yan là một kẻ bại trận dũng cảm. Suốt trong thoi gian tôi cặp với Nguyễn, anh như một khán giả kiên nhẫn và trung thành. Ra đời kiếm được job thơm anh cũng chẳng rời mắt khỏi bến cũ. Nói như các cụ ngày xưa thì có lẽ anh mắc nợ tôi từ kiếp nào đó nên bây giờ bị loại ra khỏi cuộc chơi mà vẫn cứ đứng rình cơ hội để nhập cuộc lại. Cơ hội đã tới với anh khi Nguyễn như một thủ thành hớ hênh để lộ ra một góc trống cho trung phong Yan sút banh. Tôi nằm gọn trong lưới như một con cá mắc nạn. Yan tấn công tới tấp bằng những hẹn hò tuần một. Tôi thì sẵn đang rảnh rỗi nên cũng chẳng hẹp hòi gì mà không nay ăn chỗ này mai chơi chỗ khác. Yan chiều tôi như chiều vong. Anh đón trước mọi ước muốn của tôi và tất bật lòng vòng quanh tôi như một con lật đật mẫn cán. Mấy năm chờ đợi đã luyện cho anh được tính kiên nhẫn khác thường. Nhiều lúc tôi làm bộ giở chứng mà anh vẫn cứ tươi cười săn đón như một lão bộc trung thành chiều chuộng cô chủ khó tánh.
Có một điều tôi đọc thấy rõ trong mắt Yan là anh sợ phải xa tôi lần nữa. Anh nghĩ rằng lòng tôi chắc vẫn chưa coi Nguyễn như một đứt đoạn vô phương chắp nối. Bất cứ lúc nào Nguyễn cũng có thể trở lại quì dưới chân tôi và con tim tôi đâu có phải là một con tim không có lúc...liễu yếu đào tơ. Thế cho nên Yan tới tấp bao vây tôi như một hiệp sĩ chính hiệu đan những đường kiếm loang loáng đến một chiếc lá cũng không lọt vào nổi. Những đường kiếm huê dạng đó càng ngày càng muốn khép chặt tôi vào tình huống không cựa quậy được. Hiệp sĩ Yan đi một đường kiếm chót vào đúng lúc tôi không ngờ nhat. Tôi đang loay hoay với chén chè tráng miệng sau một bữa ăn khá nặng bụng thì Yan khẽ gọi tên tôi với một giọng bất ổn khác thường. Tôi ngước mắt lên và bắt gặp cặp mắt Yan đang trùng xuống như một tài tử màn ảnh sắp diễn tả một cảnh mùi mẫn có thể treo đứng con tim của khán giả. Anh ngồi bất động như vậy một lúc rồi mới khó khăn ngỏ lời cầu hôn tôi. Chung quanh tôi tiếng ồn ào của tiệm ăn trở thành một thứ nhạc nền lạc lõng vô duyên. Tôi lặng người ngồi im ngoan ngoãn như một con chiên lạc mẹ. Tôi thật tình bối rối. Đầu óc tôi bảng lảng xa vắng. Tôi đâu có ngờ Yan tiến nhanh đến thế. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới cảnh này nên chưa sẵn sàng cho một câu trả lời. Tôi đành phải nhỏ nhẹ bảo Yan cho tôi một thời gian suy nghĩ. Yan buồn rầu ra mặt nhưng không dám nói gì thêm. Suốt trên đoạn đường đưa tôi về nhà, Yan và tôi ngồi im thin thít như hai pho tượng. Pho tượng Yan bắt buộc phải nhúc nhích đôi tay trên bánh lái và đôi khi nhúc nhích cái đầu chắc đang mang nặng rất nhiều bối rối bâng khuâng.
Tôi nghĩ chẳng có cố vấn nào tốt hơn là mẹ tôi trong giờ phút khó nghĩ này. Nhưng tôi loay hoay chẳng biết bắt đầu từ đâu. Những lúc sau này ba mẹ tôi tránh đề cập tới chuyện tình cảm của tôi. Các ngài nghĩ rằng đụng vào một vết thương đang mưng mủ chỉ làm đau lòng thêm cô con gái cưng đang gậm nhắm một đống buồn phiền trong lòng. Tôi đợi tới một ngày cuối tuần vô bếp giúp mẹ làm cơm mới lân la hỏi:
- Mẹ à! Ngày xưa ba...xin bàn tay mẹ vào lúc nào vậy mẹ?
Mẹ tôi đang chăm chú loay hoay lật qua lật lại một miếng thịt để xắt cho đúng sớ vội giật mình ngẩng đầu lên làm bộ la yêu tôi:
- Mẹ mày! Lại nổi cơn tò mò lên rồi!
Mẹ tôi la mà mặt mày tươi rói, đôi má ửng hồng làm như từ khi "cho bàn tay" tới nay không hề có hai mươi lăm năm nằm chình ình ở giữa. Tôi biết thế nào mẹ tôi cũng kể lại câu chuyện thú vị này. Chỉ nửa phút sau mẹ kể thật:
- Bữa đó ba đưa mẹ vào một quán cà phê thơ mộng nhất Đà Lạt. Ba chọn một bàn khuất giữa những chậu cây cảnh thật đẹp, ngọn đèn gắn trên tường hắt ra một luồng ánh sáng dịu dàng, nhạc tình Trịnh Công Sơn vời vợi thoát ra từ một chiếc loa nằm chìm khuất trên trần nhà. Ly cà phê đen của ba và ly café Liegeois của mẹ vừa được đặt xuống bàn. Mẹ cần chiếc muỗng định khuấy ly thì ba cầm lấy tay mẹ. Mẹ cảm thấy bàn tay mẹ thiệt ấm. Không hiểu vì nằm trong tay ba hay vì khói thơm của ly cà phê đen bốc lên. Và ba ngỏ lời cầu hôn. Giọng ba nhỏ nhẹ. Mẹ thấy chơi vơi như vừa nhấm một hớp rượu.
- Rồi mẹ bằng lòng liền à?
- Mẹ mày! Không bằng lòng sao có mày!
Tôi thấy tim mình như thiếu một nhịp đập. Tại sao nơi quê hương tôi lại có những khung cảnh thơ mộng cho những giờ khắc tình tứ nhất đời như vậy? Tôi nghĩ tới cái không khí ồn ào chộn rộn trong tiệm ăn tàu và những lời lắp bắp của Yan. Như trong tôi dấy lên một tiếc nuối khôn tả. Mẹ tôi sao mà hạnh phúc! Cái miệng cười luôn luôn tươi tắn của bà mách bảo tôi như vậy. Tôi nói giọng không được vui:
- Yan mới ngỏ lời cầu hôn với con.
Tay mẹ tôi lúng túng gạt miếng thịt ra, mắt mẹ thảng thốt bất thần, bà chăm chăm nhìn tôi, khẽ cúi đầu xuống và xoay miếng thịt lia lịa như có điều bối rối trong tận đáy tâm hồn. Đôi môi bà giật giật may cái rồi mới thốt thành lời:
- Chuyện vợ chồng là chuyện quan trọng, con nên nghĩ cho kỹ trước khi trả lời người ta. Để mẹ nói lại với ba. Nhưng mẹ nghĩ là con đã lớn khôn, con định thế nào thì ba mẹ cũng chiều ý.
Tôi linh cảm thấy sự ngại ngần trong giọng nói của mẹ tôi. Như có điều gì không ưng ý nhưng không muốn nói ra. Từ sau ngày đổ vỡ với Nguyễn, ba mẹ coi tôi như một chiếc bình pha lê mỏng manh cần hết sức nhẹ tay nâng niu. Ba tôi tỏ ra bình tĩnh hơn khi ông gọi tôi vào trong phòng buổi tối hôm đó.Ông mở đầu bằng một câu dò hỏi:
- Ba nghe mẹ nói là cái cậu Yan đó xin cưới con phải không?
- Dạ!
- Con thấy cậu ta thế nào?
Tôi chẳng biết trả lời sao cho đúng. Tôi chẳng có một ý niệm rõ rệt nào về Yan. Anh như một cái bóng bên tôi, mờ nhạt, thấp thoáng, có đó mà như chẳng hiện diện ở đó. Thành ra câu trả lời của tôi thật vu vơ:
- Người đàng hoàng, tử tế. Gia đình nề nếp. Con thấy cũng được được!
Tôi nhìn lên ba tôi để tìm phản ứng nơi ông. Khuôn mặt ông đăm chiêu nghĩ ngợi. Mái tóc xòa xuống trán có nhiều sợi bạc, những chân râu lố nhố quanh miệng cũng đã điểm những chấm trắng mệt mỏi. Tôi thấy thương ba tôi quá. Những mất mát trong đời đã hằn vết trên khuôn mặt khắc khoải ủ rũ. Chuyện của tôi có làm hằn thêm chút phiền muộn nào nơi ông không? Cặp mắt ông nhìn tôi như ánh ra nét thương yêu pha lẫn lo lắng. Giọng ông ngập ngừng thận trọng:
- Ba thấy...cậu ấy có thể là một người chồng tốt, biết thương yêu chiều chuộng con. Chỉ có điều là nếu con lấy cậu ta thì...hơi xa cách. Khác ngôn ngữ, khác phong tục, khác văn hóa, ba e rằng có điều bất tiện. Ba nghĩ con nên đắn đo, suy nghĩ kỹ về điểm này trước khi quyết định. Dù con quyết định như thế nào thì ba mẹ cũng sẽ chiều ý con. Ba tin rằng con đã đủ khôn ngoan để lựa chọn cuộc sống mai sau của chính con.
Ba tôi có vẻ như thoải mái sau khi đã nói ra được những điều rất khó nói. Trái banh bây giờ quay trở lại với tôi. Đầu óc tôi lộn xộn như một nồi tả pí lù. Bước chân của tôi có đi quá đà không? Tôi nhớ tới cái ý tưởng cũ kỹ của bà nội tôi mỗi khi bà căn dặn con cháu. Có lấy vợ lấy chồng thì lấy người cùng làng cùng xóm. Dù sao cũng biết rõ gốc gác, tính tình. Chứ đừng có lấy người...thiên hạ. Chỉ có khác làng khác xóm mà đã trở thành "thiên hạ" rồi thì bước đi của tôi phải nhân tới mấy trăm lần thiên hạ mới đúng. Tôi tưởng tượng được vẻ thất vọng của bà tôi ở Việt Nam đối với đứa cháu gái cưng của bà. Những giọt nước mắt chắc lại được dịp lăn ra khỏi đôi mắt đã mất đi vẻ tinh anh và thêm một nỗi buồn nằm thật sâu kín trong đáy tâm hồn bà. Tôi cảm thấy loạng choạng ngộp thở như phải vượt qua một đại dương trùng trùng mông mênh. Tôi đuối sức rã rời.
Tôi ôm mối băn khoăn suốt một tuần lễ mà vẫn chưa biết phải quyết định như thế nào. Yan không được ba mẹ tôi cho điểm cao, anh bị trừ khá nhiều điểm chỉ vì anh không phải là người Việt. Một cái lỗi có đó mà chẳng có cách nào xóa bỏ được. Trong ý nghĩ của mẹ tôi, trái cây, rau cỏ, thịt thà nơi quê hương bao giờ cũng thơm ngon, dịu dàng, đằm thắm hơn, huống chi là một chàng rể. Tôi tự săm soi lòng mình xem Yan nằm ở vị trí nào. Có lẽ tôi chỉ thương cái đức tính hiền lành, chịu khó chiều chuộng tôi của Yan. Hình như không có chỗ cho tình yêu. Như vậy tôi đã chỉ coi Yan như một cơ hội tới đúng lúc sao? Tôi thấy tôi tầm thương dễ sợ. Hai mươi ba tuổi mà đã lụn bại quẩn quanh như một bà già bần tiện.
Giữa lúc nồi tả pí lù trong đầu tôi còn đang sôi sùng sục thì Nguyễn điện thoại cho tôi. Anh ngỏ ý hối tiếc và muốn nối lại tình xưa nghĩa cũ với tôi. Tôi nổi sùng như một con gà đá say máu khi nghe lại giọng nói của Nguyễn. Tôi lớn tiếng la hét Nguyễn một chập cho thỏa tự ái rồi dằn mạnh chiếc điện thoại xuống thiếu điều muốn đập bể luôn. Và tôi gục mặt khóc nức nở như một đứa bé vừa đánh rớt một cây cà rem. Chiếc mặt nạ che dấu sự đau khổ nơi tôi vỡ tan thành những mảnh vụn ê chề. Chẳng hề có một cái tôi kiêu kỳ nhởn nhơ coi cuộc tình gãy đổ như một trò chơi tới hồi kết thúc mà chỉ có sự đau khổ bị đè nén nay đang trỗi dậy như một đợt sóng ngầm nhận chìm con tàu ngạo nghễ. Tôi ghét cay ghét đắng Nguyễn nhưng tôi cũng chưa gạt được qua một bên tình yêu tôi dành cho anh. Tôi quay cuồng điên đảo như một con vụ vừa cố đứng vững vừa ngả nghiêng muốn té ngã.
Cơn mộng du của đời tôi đã sai khiến tôi nhấc điện thoại gọi Yan hẹn anh tới một tiệm cà phê. Tôi ngỏ lời ưng thuận lời cầu hôn của anh. Ngày xưa ông Archimède cởi truồng nhông nhông chạy ra khỏi phòng tắm phùng mang trợn má hô lớn Eureka Eureka khi tìm ra luật trọng lực chắc cũng chỉ vui mừng bằng nỗi mừng vui của Yan trước mặt tôi lúc này mà thôi. Anh lụp chụp hôn lên má tôi trong khi tôi giàn giụa nước mắt.
Đám cưới của tôi quá bình thường, y khuôn như bất cứ một đám cưới người Hoa nào khác. Chẳng có một nét nào vừa ý tôi. Nó quá xa cách với cái đám cưới tôi mơ ước. Ngay những cái tưởng như không có gì quan trọng như chiếc áo cưới của tôi mà cũng ồn ào vô lối. Bà mẹ của Yan không bằng lòng cho con trai cưới một cô vợ “thiên hạ” như tôi. Yan đã phải vừa năn nỉ ỉ ôi vừa phải cứng rắn dọa nạt mới được gia đình miễn cưỡng chấp thuận. Bây giờ tới lượt Yan phải nhường nhịn gia đình. Mẹ Yan nhất định bắt cô dâu phải mặc áo cưới kiểu Trung Hoa. Sống trong một gia đình nề nếp mấy đời có chức phận trong triều đình, bà không thể quan niệm được đám cưới của con trai đầu lòng lại thiếu những nghi lễ cổ truyền. Chiếc áo của cô dâu là một chi tiết quan trọng. Thoạt đầu tôi nhất định không chịu. Tôi mê chiếc áo cưới Việt Nam quá đỗi. Tôi đã "nghiên cứu" kỹ lưỡng chiếc áo cô dâu qua nhiều đám cưới để vẽ ra trong đầu một chiếc áo cưới cho ngày vui của mình. Vậy mà Yan cố gắng thuyết phục tôi chiều ý mẹ anh. Tôi đâu có dễ dàng từ bỏ cái quyền của tôi! Yan khôn khéo nhờ mẹ tôi nói giùm. Mẹ tôi nhẹ nhàng khuyên tôi: "Con đã chấp nhận về làm dâu người ta thì nhập gia tùy tục con ạ. Nếu con khăng khăng không chịu mẹ e sẽ khó cho con sau này. Nghe mẹ đi! Các cụ đã bảo một sự nhịn là chín sự lành. Rồi con sẽ hiểu ý mẹ". Tôi đành phải vâng lời mẹ tôi. Ngày cưới tôi thấy tôi không còn là tôi trong chiếc áo xa lạ, mà mẹ tôi cũng nghẹn ngào nhìn đứa con yêu quí lột xác trong ngày rời xa gia đình. Tôi tê điếng người trước khuôn mặt sững sờ của mẹ tôi. Như có một làn khí lạnh lòng vòng trong đầu, trải dài theo sống lưng. Tôi bất giác rùng mình. Chiếc áo quá rộng đã che lấp cơn chấn động trong người tôi.
Những người bạn bản xứ được mời tới dùng cơm ở nhà tôi chẳng bao giờ phân biệt được sự khác nhau giữa món ăn Việt Nam và món ăn Trung Hoa mà họ rất thích trừ một người. Marc. Marc có một cô vợ người Việt gốc Hoa và là một người sùng kính những gì thuộc về Đông phương từ cô vợ tới những món ăn. Anh bảo món ăn Trung Hoa nhiều gia vị nhưng cũng quá nhiều chất béo nên ăn thì thay ngon nhưng ăn tới lần thứ hai thì hơi ngán. Còn món ăn Việt Nam là một sự hài hòa tuyệt diệu giữa những mùi vị, cách nêm nếm nhất là thứ nước mắm chấm thì...không thể chê vào đâu được. Mà nước mắm ăn với các thứ cuốn, từ bì cuốn, tôm cuốn tới các thứ gỏi phải là nước mắm pha. Anh giơ bàn tay quá khổ ra đếm từng ngón tay mỗi khi kể ra những thứ phải thêm vào nước mắm: đường này, chanh này, tỏi này, ớt này. Các bạn cứ thử ăn đi thì biết. Ai mà không thích thứ nước mắm này thì thật...đáng thương. Trong những người suýt bị liệt vào loại “đáng thương” này lại có một anh da vàng mũi tẹt là Yan. Những ngày đầu chung sống những bữa ăn của chúng tôi là bữa ăn...hữu nghị. Cả hai đứa đều chui vào bếp. Yan nấu món Hoa còn tôi nấu món Việt. Các món Hoa của Yan nấu tôi đều ăn được hết nhưng Yan thì phải tập ăn nước mắm. Và anh tập một cách khá vất vả trước khi có thể ăn được thứ nước chấm mà lúc đầu anh cho là có mùi vừa nặng vừa nồng mà để vô lưỡi thì mặn mặn khó chịu. Nay thì anh đã thích nước mắm nhất là thứ nước mắm pha mà Marc vừa xưng tụng ầm ĩ.
Sự hòa đồng văn hóa giữa tôi và Yan chỉ tới được hình thái thấp kém nhất của văn hóa là món ăn. Lên cao hơn một chút nữa đã có những lệch lạc thảm thương.
Cái gia tài cồng kềnh nhất mà tôi phải khuân nhiều ngày từ nhà ba mẹ tôi về nhà riêng của tôi là những băng nhạc. Tôi thích nhạc Việt Nam lạ lùng. Phải nói là chết mê chết mệt mới đúng. Buổi sáng mở mắt ra là phải có tiếng nhạc. Đi thì thôi chứ ở nhà thì bất cứ làm việc gì từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa tới đọc sách, làm việc tai tôi phải có những âm điệu Việt Nam thì công việc mới mau chóng trôi chảy. Khi không nghe nhạc thì tôi hát. Như những lúc ở trong phòng tắm chẳng hạn. Tôi nghêu ngao hết bài nọ qua bài kia, nhiều khi tôi hát tùm lum mỗi bài vài câu chẳng ra làm sao cả. Cứ nghêu ngao được là tôi thấy sảng khoái rồi. Trên xe của tôi cũng ngổn ngang những băng nhạc mà tôi chẳng bao giờ quên mở nút vặn nhạc khi tiếng máy xe vừa hục hặc bắt đầu. Âm nhạc như những sợi dây huyền diệu trói chặt chân tôi vào cái gốc Việt Nam của tôi. Những ngày ở quê nhà trước khi cộng sản tràn vào Saigon tôi còn quá nhỏ để có thể thưởng thức được nhạc. Mười năm sống với cộng sản đúng vào lúc trí khôn đã biết tiếp nhận âm thanh thì cái thứ nhạc tôi phải nghe chẳng phải là những âm thanh quyến rũ được tâm hồn tôi. Vậy mà thoát được qua bên đây tôi đã mê ngay nhạc Việt. Kỳ diệu như nhạc đã nhập vào tần số âm thanh tiềm ẩn trong đầu tôi. Thoắt một cái nó đã trở thành gắn bó thân thuộc rung lên trong tôi những cảm xúc chơi vơi lồng lộng. Sao mà tha thiết những dân ca đất Việt, sao mà mềm dịu những tình ca quê hương. Mỗi nét nhạc, mỗi lời ca đều đưa tôi vào những vùng trời an nhiên tự tại.
Tôi chẳng thể bắt Yan có được những cảm xúc như tôi, chia xẻ được với tôi những rung động ngây ngất tuyệt vời với âm thanh Việt Nam. Anh nghe nhạc Việt như một du khách ghé thăm một nơi chốn xa lạ nào đó. Thấy nó ngồ ngộ vui vui. Ghé thăm một chút rồi ra đi thì được nhưng ở hẳn đó, sống cái đời sống lạ lùng đó thì hơi khó. Huống chi là còn phải trải tâm hồn ra để ôm ấp sự cách biệt đó ngày này qua ngày khác. Tôi cũng đủ tế nhị để tôn trọng cuộc sống nội tâm của Yan. Làm sao có thể bắt Yan chia sẻ được cái ý nhị của “ngực ngải môi trầm”, cái tình tứ “quỳnh thơm hay môi em thơm” hay cái thiết tha của “vẫn hỏi lòng mình là hương cốm, chẳng biết tay ai làm lá sen” như tôi đã thấm đến mềm con tim.
Căn nhà của chúng tôi ngoài phòng ngủ lớn của hai vợ chồng còn hai phòng dành cho khách vãng lai. Một phòng Yan đã đặt dàn máy điện toán mà anh say mê đùa rỡn, học hỏi với nó. Còn một phòng tôi từ từ biến thành giang sơn của tôi với sách, với báo, với nhạc, với tranh Việt Nam. Tôi đắm mình trong thế giới của tôi. Cái thế giới chữ nghĩa thân thương dắt dìu tôi vào những cảm xúc Việt Nam. Cái thế giới âm thanh vời vợi đưa tôi về bến bờ của quê hương tôi. Nhiều khi tôi ngủ quên luôn tại căn phòng này mà Yan chẳng dám sang kêu tôi về. Yan rất ngại đột nhập vào cõi riêng của tôi vì đã một lần anh bị lúng túng tức cười. Bữa đó sao tôi thèm nói tiếng Việt quá nên cứ nhìn vào chiếc gương lớn nói chuyện một mình. Bất thần Yan mở cửa phòng vì có chuyện muốn nói với tôi. Anh thấy tôi đang độc thoại như một mụ điên bèn há hốc miệng đứng im không biết phản ứng ra sao. Tôi quá mắc cỡ nên nổi khùng nạt nộ Yan một cách hết sức vô lý. Sau đó tôi có xin lỗi Yan nhưng anh vẫn ngại ngùng mỗi khi cần bước vào phòng.
Đôi khi tôi lên cơn thèm nói tiếng Việt như người ghiền thèm thuốc. Bứt rứt khó chịu lạ lùng. Không được nói tiếng Việt ở sở, về nhà tôi cũng chẳng biết nói với ai, tôi như thấy thiếu thốn trong tận cùng thâm tâm. Tôi thèm có người nói chuyện để ba hoa cho đã cái miệng. Tôi điện thoại cho Yan và đi thẳng từ sở về nhà ba mẹ tôi. Yan cũng thừa dịp về gia đình anh. Tôi vô cùng thoải mái và có lẽ Yan cũng cảm thấy như vậy. Chúng tôi chẳng thể sống trong gia đình của nhau như một phần tử trong gia đình. Tôi hớn hở nói chuyện tía lia với gia đình tôi thì Yan ngồi như trời trồng với quyển sách trên tay và khi Yan đùa rỡn với mấy đứa em nhỏ thì tôi như một khán giả chẳng hiểu mô tê gì tấn tuồng trên sân khấu. Sự lệch lạc ngôn ngữ đã như một bức tường quái ác sừng sững không rời. Phiền cho tôi và cũng chẳng kém phiền cho Yan. Chúng tôi ngậm câm trước nghịch cảnh.
Bước chân vào tới nhà ba mẹ tôi là tôi nói như một con khướu nhiều lời.Tôi hỏi cái này, kể chuyện kia như sanh như sứa. Tôi rỡn với mấy đứa em và nhiều khi hứng chí còn châm chọc để có dịp cãi nhau với chúng cho hả cơn thèm nói tiếng Việt. Mẹ tôi là một người rất tinh ý. Bà hiểu nỗi sung sướng của tôi. Bà nhìn tôi cười ái ngại. Tôi thấy mình như một con chim nhỏ nằm dưới sự chở che của nụ cười hiền hậu đó. Tâm hồn tôi trùng xuống như một đám mây giăng thấp trên những bờ cây ngọn cỏ. Êm ả làm sao những giờ khắc trở về bên mẹ, nghe tiếng mẹ dịu dàng trong bầu không khí gia đình ấm cúng thân mật. Sao tôi thương tiếng "mình" của mẹ gọi ba đến thế! Nghe như tràn trề trìu mến thương yêu. Nghe như thịt da dính liền. Nghe như khít khao hai cõi lòng. Đã hai mươi lăm năm âu yếm gọi nhau mà sao tiếng "mình" của mẹ tôi vẫn còn tươi mát, reo vui, tha thiết đến như vậy. Tôi chẳng bao giờ được thốt ra tiếng "mình" huyền diệu đó. Cũng như chẳng bao giờ có được một người chồng hiểu theo nghĩa hòa hợp tới tận cùng tâm hồn như được gói ghém trong tiếng "mình" thân thương đó. Tôi chỉ có một người đàn ông
bên cạnh!
SONG THAO