SỐ 48 - THÁNG 10 NĂM 2010

 

Ràn rụa lệ mềm

Trần Hoài Thư

Bài văn này được viết khi tác giả là trung đội trưởng thám kích thuộc sư đoàn 22 BB tại chiến trường Bình Định. Được sưu tầm từ tuần báo Khởi Hành, cơ quan của Hội Văn Nghệ sĩ quân đội trước 1975.

Một thằng. Hai thằng. Hai thằng nhô khỏi mặt nước. Hai cánh tay giơ lên. Gương mặt tái mét. Hai chiếc đầu tóc ướt rũ rượi. Đôi mắt như hai hố thẩm phản ánh nỗi khiếp đảm tột cùng. Một vệt nắng chiếu qua kẽ lá của cây mù u, bên bờ kinh hẹp, nhảy múa trên tấm áo đen. Hai thằng lòm còm bò lên bờ. Thằng già bỗng té rớt xuống nước một lần nữa. Hắn lại tiếp tục nhoi lên nước, tiếp tục bò lên bờ, rồi hai tay để lên đầu. Thằng trẻ mang chiếc áo lính màu xanh dầm dề nước và chiếc quần đùi đen lộ hai ống chân như hai ống tre già khẳng khiu đen đúa. Khi thằng trẻ vừa bước tới trước mặt đám lính, thì  một tên lính đã  nhảy đến, đá bốt đờ sô vào hạ bộ thằng trẻ. Thằng trẻ kêu hự rồi lảo đảo té. Miệng hắn rên rỉ. Viên chỉ huy toán quân thì hối tên lính đang chĩa nòng súng vào ngực thằng già: "Tìm dây trói mau lên. Trói hai tên này lại." Tên lính vội chạy vào nhà tranh, xuống nhà bếp, rồi chuồng bò. Người lính chỉ huy hét lớn: "Mau lên. Đồ chậm như rùa” Tên lính hớt hải: “Không có sợi dây nào chắc cả thiếu úy. Toàn là thứ nhợ bá láp..." Viên thiếu úy hét lớn hơn: "Lấy dây súng trói chúng lại !" Rồi anh ta quay lại truyền lệnh cùng người lính truyền tin: " Mày báo về nhà nói mình bắt sống được hai đứa. Hiện đang lục soát tìm súng..."

Hai thằng bị bắt cúi đầu đưa hai tay ra chịu trói. Một thằng lính, một tay núm tóc thằng già kéo mạnh, một tay chĩa mũi dao găm vào cổ. Lưỡi thép chiếu sáng dưới ánh nắng, rực rỡ, sáng lóa.

"Còn mấy thằng nữa đâu ?"
"Dạ em không biết "

Nước mắt lăn trên gò má nám đen và khô như trái táo của thằng già.

"Thiệt mày không biết ? Tao thấy rõ ràng bọn mày chạy cả lũ..."
"Dạ em không biết... Em không biết..."
"Súng mày dấu đâu ?"
"Dạ em không có súng."

Tên lính đáng tuổi con thằng già, đấm mạnh vào ngực tên bị bắt:

"Láo. Thế thì bọn mày lấy gì để bắn bọn tao, để bạn tao bị chết... Hở."

Rồi nó tiếp tục thoi vào khắp người thằng già. Nó vừa thoi vừa hét:

"Mày có biết thằng bạn tao có một đứa con mới ba tháng không?. Mày hãy trả lại mạng nó rồi tao tha cho mày."

Thằng già lấy hai tay che mặt và rên rỉ. Trong khi đó thằng trẻ thì vừa quì vừa lau nước mắt vừa mếu máo:

"Thưa các anh, em vô tội mà"

Bỗng nhiên có tiếng la hốt hoảng của một thằng lính đang đứng cạnh chòi tranh cửa khóa:

"Có tiếng động trong chòi, thiếu úy !"

Rồi hắn cố nạy cái khóa. Viên thiếu úy hét lớn:

"Coi chừng đấy, Nha ! Ăn lựu đạn bây giờ !"

Bây giờ một mụ đàn bà từ căn nhà tranh lờn chạy ùa ra. Mụ cầm sợi dây dừa trao cho viên chỉ huy, giọng mếu máo:

"Dây đây quan. Bảo đảm dây này chắc lắm, quan."

Viên thiếu úy hỏi:

"Mụ nè, trong chòi tranh có người không ? Sao cửa lại khóa ở ngoài ?”

Gương mặt mụ trở nên tái mét. Giọng mụ trở nên lắp bắp:

"Dạ không có đâu. Nó đi làm ruộng rồi ."
"Nó là ai ?"
"Dạ thằng con tôi ."
“Mụ hãy mở khóa cho tôi xem.”
"Bẩm quan, tôi không có chìa khóa làm sao mở được?"
"Mụ không mở thì chúng tôi mở."

Mụ nói, đôi mắt mụ như ánh lên tia hy vọng cuối cùng:

"Dây này quan. Tôi cam đoan dây này trói chắc lắm."
"Tôi không cần."

Viên thiếu úy ra lệnh cùng đám lính xung quanh:

"Phá cửa mà vào cho tao."

Trong khi ấy, giọng nói của thằng trẻ van lơn:

"Bà Hai, bà không nhận ra tôi sao? Bà lại đưa dây để trói tôi, hở bà Hai ?"

Mụ đàn bà không trả lời. Mụ chạy hối hả đến phía chòi tranh. Một thằng lính chụp vai mụ lại, rồi lắc mạnh:

"Tôi nói lần cuối. Có ai ở trong chòi không?"

Rồi y đưa trái lựu đạn, đôi mắt đổ lửa:

"Mụ biết cái này là cái gì không?"

Mụ trả lời khổ sở:

"Dạ biết."
"Nè tôi liệng."
"Bẩm ông, để tôi mở. Hai thằng con tôi, tôi xin thề cùng Trời Phật, hai thằng con tôi..."

Rồi mụ khóc ngất:

"Tôi xin thề với các ông chúng là con tôi. Chúng không làm gì hết ráo."

Tên lính hét:

"Mở cửa mau lên !"

Bàn tay ốm yếu của mụ run rẩy tìm chìa khóa. Mụ vừa mở vừa kêu:

"Thằng Ba, thằng Tư... Hai đứa mày ra đi. Có các ông lính quốc gia đến khám nhà..."

Cánh cửa mở. Hai bóng thiếu niên gầy yếu bước ra. Hai chiếc đầu cúi xuống. Viên thiếu úy nói với người lính truyền tin:

"Báo cáo là ta bắt thêm hai thằng nữa. Bắt cả mụ đàn bà kia luôn."

oOo

Đó là một buổi trưa mùa hạ. Gió Nam phủ đầy trời bằng những cơn bụi lốc, xoáy trong một thinh không chói lòa nhức nhối. Toán quân đến ngôi ấp  ven con đường đất đỏ, rồi chia thành từng toán nhỏ, đột nhập vào ấp. Hành quân Quang Trung thứ mấy trăm... Vua Quang Trung cỡi voi cỡi ngựa. Vua Quang Trung áo bào, cờ rợp, quân Bắc tiến hét hò, chiếm thành Thăng Long, đuổi Tôn Sĩ Nghị chạy có cờ. Bây giờ cũng từ Bình Khê, Phú Phong, như điểm khởi đầu trên quê nhà của vua Quang Trung, nhưng Bắc quân biết ở nơi nào cho đơn vị đuổi chạy có cờ về  Bắc. Không thấy gì trừ qua những xóm làng tan hoang vì bom đạn, mà đám quân thì lêu bêu giữa vùng cõi dữ. Hành quân Quang Trung tiếp tục theo lộ trình từ Tây xuống Đông. Bình Khê Bình Thạnh Gò Bồi, Nho Lâm xuôi về Vạn Lý. Chưa đầy 80 người không  pháo binh dọn đường, không trực thăng hay phản lực yểm trợ. Cứ đi, cứ đến, nhà trống vườn không, hay nếu có dân, thì ngác ngơ không biết trong đầu họ nghĩ gì.  Toán quân khi thì hàng dọc, khi thì hàng ngang, khi thì bò khi thì chạy... Ngày thứ nhất vô sự. Sang ngày thứ hai mới thật sự giáp trận. Một phát súng nổ cắc bùm, tự nhiên nổi lên, trong buổi trưa khô đồng khô rạch, và sau đó là một người lính tự nhiên la lên ối, sau đó gục xuống, không một lời trăn trối, rồi tiếp theo là những tiếng hét la, báo cáo dồn dập. Nằm xuống, bố trí. Lập tức cả bọn nhào tới những bờ đất bờ mô súng chĩa vào phía trong làng. Họ chờ đợi. Chờ đợi gì. Không nghe gì hết. Một nỗi yên tĩnh kỳ cục. Sau đó đám quân được lệnh xung phong vào làng. Họ vừa hô xung phong vừa chạy. Rồi những tiếng la từ tổ tiền sát, coi chừng, nó chạy kia kìa...Mấy bóng áo đen chạy kia kìa. Và những tràng súng nổ dồn dập đuổi theo. Và sau đó, chỉ còn là những bóng ma vô hình vô ảnh.

Trưa mùa hạ. Đất đai khô nẻ, và lòng người cũng vậy, cũng khô nẻ từng mảnh hận thù. Trai thời loạn. Phải chi được trở thành một quân tốt của Nguyễn Huệ ngậm thẻ ra Bắc đuổi giặc Thanh thì hạnh phúc biết bao. Ngày nay, không thấy quân Thanh, mà chỉ thấy những bóng ma rình rập. Một thằng con đã gục xuống, một viên đạn CKC, bắn vào chỉ một lỗ nhỏ, nhưng khi ra khỏi ngực thì toác loác tua tủa sợi gân và da còn bám thịt và xương.  Có ai thấy không, tốt quân nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt. Đàn chim mía vụt bay lên không, xạc xào lá mía cứa đau. Những viên đạn đồng du nhập từ đâu để hồn lìa xác, mà xác cũng tội tình. Trả thù. Bắn. Bắn thả giàn. Quạt từng tràng. Nỗi căm hờn nghẹn uất vỡ thành từng tràng nổ. Và bong bóng nước sủi lên, hai thằng trẻ già không chịu nổi sức ép của những trái mãng cầu nghi ngờ liệng xuống cuối cùng cũng ngoi đầu lên, đầu hàng. Nỗi tức giận hả hê.  Dộng nó. Máu đổi máu. Định bất lực nhìn hai thằng già trẻ. Định quay mặt khi ông trung úy xuất hiện, uy quyền tỏa ra hào quang. Ông không nói không rằng, đưa tay thoi vào ngực tên trẻ. Định cũng muốn đau lây. Trời ơi. Tại sao tôi khổ như thế này. Nẫu về thì sợ nẫu chặt đầu cắt cổ. Còn quốc gia về thì quốc gia đánh đập. Thằng già mếu máo kể lể. Ông trung úy quay sang cầm cổ áo thằng già như xách bổng lên:

- Mày nói gì. Tại sao mày lại trốn dưới ao. Nếu mày là dân lương thiện thì tại sao mày lại chạy trốn ?

Định đã bất lực. Chàng cảm thấy bất nhẫn. Nỗi thù hận như phún thạch trước đây giờ đã tan biến. Chàng nhớ lại lúc còn nhỏ, chàng đã chứng kiến cảnh anh Chạc tròng cổ  trấn nước con chó vàng mà anh nuôi từ khi nó mới lọt lòng mẹ. Lý do nó đã táp chân một đứa bé hàng xóm.  Con chó vừa rên tuyệt vọng, vừa nhìn chủ bằng đôi mắt đẫm nước mắt. Cái nhìn như cái nhìn của thằng trẻ bây giờ. Nó nhìn chàng khẩn cầu van lơn. Nó không còn là con người nữa, mà là con vật ở cuối đường cùng...

Bây giờ tiếng khóc của mụ đàn bà trở nên thảm thiết hơn bao giờ. Trời ơi, khóc, ở đâu cũng là tiếng khóc. Chàng mở mắt mỏi mệt nhìn sân nắng. Lại ông già, thằng trẻ, hai đứa con trai của mụ già kia nữa. Chàng cố tìm một chút gì hình ảnh để có thể  chứng tỏ chúng là tên địch. Nhưng chàng không thể tìm ra. Hình như tất cả những nét thương tâm đau đớn in hằn trên trên gương mặt, trên tấm thân da vàng. Nhất là thằng trẻ. Nó ôm mặt, vừa khóc vừa rên rỉ:

"Tôi đâu có làm nên tội mà bắt tôi tội nghiệp."

Một tên lính hét:

"Im không. Sao mày lại trốn dưới nước hả ?"

Thằng trẻ ngước đôi mắt đẫm lệ:

"Các ông không biết mấy hôm nay đêm nào nẫu cũng về, nẫu hâm giết bọn chúng tôi. Chúng tôi ngỡ các ông là nẫu giả dạng...”
"Láo. Mày không thấy bọn tao mặc quần áo như thế này à ?"
"Bẩm các ông, nẫu cũng mang quần áo như các ông. Có huy hiệu Sư đoàn như của các ông.  Mấy tháng trước nẫu về, nẫu đánh ấp, nẫu cũng giả trang như các ông... Cả trung đội nghĩa quân bị giết gần hết... Chỉ còn mấy đứa tôi sống sót"

oOo

Phải rồi.Đúng rồi. Như vậy hai tên này là hai tên sống sót.
Có phải vậy không ?

Viên trung úy thẫn thờ. Viên thiếu úy quay mặt  cúi đầu. Một con cưởng vụt nhảy trên sân, rồi đậu trên cành ổi, hót ríu rít.Cánh đồng khô nứt nẻ nhìn đến nhức mắt. ..

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010