SỐ 48 - THÁNG 10 NĂM 2010

 

TÌNH BỔNG NHƯ KHÔNG

  
Mùa hè năm nay đến với tôi hết sức thú vị vì đây là lần đầu tiên tôi được đi xa nhà một mình bởi bao giờ đi đâu xa tôi cũng chỉ đi với gia đình. Lần này ba má tôi bất đắc dĩ lắm mới cho tôi đi như vậy dù chỉ đi về nhà bà nội, hình như trong ý nghĩ của ba má tôi lúc nào ông bà cũng thấy con mình vẫn là một đứa con nít khờ dại mặc dù năm nay tôi đã mười sáu rồi, cái tuổi xinh đẹp của thời thiếu nữ mới lớn mà bất cứ đứa con gái nào cũng háo hức với đôi mắt ngây thơ nhìn đời toàn một màu hồng tươi đẹp.
Ban trưa tôi cùng mấy nhỏ bạn kéo nhau đi vòng vòng trong sân trường chụp mấy tấm ảnh làm kỷ niệm trước khi về nghỉ hè, trong khi tôi nheo mắt cầm chiếc máy ảnh làm “ phó nhòm “, cả bọn bá vai, bá cổ đứng giữa con đường nhựa thẳng tắp chạy dài từ cổng vào, chia ngôi trường ra làm hai, một bên là vườn hoa bên kia là bãi cỏ có cột cờ đứng chính giữa, chúng tôi thường gọi đây là “ Đại lộ Bonard “, nhìn xuyên ống kính những tà áo dài trắng như đàn bướm chập chờn bay trong nắng sớm, nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt vô ưu thánh thiện với nét nhìn trong veo, sau lưng là bầu trời màu xanh nhẹ nhàng, hình ảnh ấy ghi đậm trong lòng tôi niềm hạnh phúc vô biên khiến tôi bỗng thấy đồng cảm với câu “ Trời nắng ngọt ngào tôi ở lại đây, “ của nhà thơ Nguyên Sa. Khác với mùa hè của những năm trước năm nay chúng tôi phải chia Ban, hầu hết đều chọn A và B, chỉ một vài đứa làng nhàng giữa ngã ba đường như tôi mới vào ban C, những nỗi buồn man mác khi chia tay xuất hiện đầu tiên trong quãng đời học trò khi mùa hè đến trong thơ nhạc được thi nhau sáng tác khởi điểm từ đây có phải ?.

oOo

1.
Đối với nhiều người quê nội tôi chỉ là một quận lỵ nhỏ chẳng có gì vui giống như một nhà thơ đã từng than vãn về phố núi mù sương của mình “ đi dăm phút đã về chốn cũ “ Tuy không lớn lên chốn này nhưng lại là nơi tôi được sinh ra ; cũng giống như bao đơn vị hành chánh cấp quận khác, quê tôi có dinh quận trưởng, nhà thương, trường trung học dù chỉ có các lớp đệ nhất cấp, tất cả được đặt trong những kiến trúc kiên cố cũ kỹ xây từ thời pháp thuộc, đi qua chiếc cầu sắt xem như đã ở ngay trung tâm quận lỵ, vì nằm cạnh con đường liên tỉnh lộ và không phải là con đường huyết mạch trong giao thông nên toàn cảnh không có vẻ sầm uất như bao phố thị khác. Mỗi ngày thị trấn có vài chuyến xe đò vòng qua thả khách xuống rồi đón khách đi, bến xe địa phương ồn ào một lúc với các chuyến xe lam, xe ba gác giành nhau rước khách tỏa về nẻo đường các thôn xã xa xa.

Những kỷ niệm còn lờ mờ in trong tâm trí tôi hồi tôi lên bốn năm tuổi mỗi lần về quê là hình ảnh lúc vừa xuống xe đò đã được chễm chệ ngồi trên băng ngang của chiếc xe ngựa có mái che với những tua lọng nhảy nhót lúc lắc, tiếng vó sắt đập lóc cóc trên nền đường cùng lúc với tiếng lục lạc kêu leng keng trên cổ theo nhịp chân ngựa chạy trong khi anh đánh xe ngồi phía trước cầm roi điều khiển quất trót trót vào càng xe, cổ họng thỉnh thoảng kêu “ họ, họ '. Chiếc xe ngựa có hình dáng giống như những chiếc xe kéo tay khác hẳn với những chiếc xe ngựa ở Hốc môn, Bà Điểm khách phải leo lên ngồi bó gối chen chúc đối diện với nhau trong lòng sàn xe được trải tấm chiếu mỏng. Độ vài năm sau mỗi lần về quê bỗng nhiên tôi không còn được nhìn thấy loại xe này nữa, sau đó mới biết có lẽ vì không chở được quá ba người mỗi cuốc xe, kiếm ăn không đủ nên người ta thay bằng những chiếc xe ba gác đạp, hàng hóa được chất giữa xe, người lớn ngồi lên trên hai bên khung xe, còn trẻ con như tôi nếu ngồi sợ té ngã ngửa xuống đường nên bị bắt ngồi bẹp xuống sàn xe. Đầu năm về quê thăm viếng ông bà, diện bộ áo đầm tôi khổ sở nửa ngồi, nửa đứng giữa lòng xe vì sợ dơ chiếc áo mới ! lúc đó tôi đâm ra chẳng còn thấy hứng thú mỗi khi theo ba má về nơi đây, chẳng bù với bây giờ bến xe chỉ toàn xe lam và xe ba bánh gắn máy. .

Hồi đó với đôi mắt con nít tôi nhìn những con đường quanh phố dẫn ra bờ sông có nhà lồng chợ rất to, rất rộng nằm cạnh con sông rộng mênh mông không nhìn thấy được bờ bên kia, dần dần lớn lên tôi bỗng thấy các con đường hẹp lại, dọc theo ven sông những ngôi nhà gỗ nâu, mái ngói một thời là tiệm ăn, quán hàng, chành gạo giờ bỗng trở nên cũ kỹ tàn tạ dưới mắt tôi, có thể bởi tôi quen nhìn đường phố Saigon với nhà cao cửa rộng, phố xá sáng choang rực rỡ.

Mặc dù vật thể có thay đổi theo thời gian nhưng tính tình của những người dân quê một thời là hàng xóm của ba má tôi vẫn không thay đổi, vẫn xởi lởi, mộc mạc chân tình. Từ bến xe về nhà nội tôi không cần phải đi xe như trước bởi con đường bây giờ trở thành ngắn ngủi. Tay khoác túi xách tôi thong thả đi dọc con đường nhựa trước tòa nhà dùng làm dinh quận trưởng mới xây thay cho nơi cũ giờ trở thành nơi trú đóng của một đơn vị quân đội, sân banh bên kia đường giờ trở thành bãi đáp trực thăng, chiến tranh làm quê tôi trở nên rộn rịp, đông đúc dân số bất đắc dĩ là những người mặc áo rằn ri, súng trận khoác vai thay cho cày cuốc. Nhờ có họ vùng đồng ruộng chung quanh quận, gần xa người dân vẫn còn cày cấy, gặt hái thoải mái, dưới sông ghe chài, dân câu vẫn kiếm sống được. Rẽ vào con đường đất đỏ tôi lọt thỏm giữa hai bên ruộng đang cày dở chờ gieo cấy, mặt ruộng xăm xắp nước có những con còng nhỏ lăng xăng bỏ chạy khi thấy bóng người. Giàn hoa giấy trước cổng rào nhà nội bao năm vẫn còn đỏ au, không giống các loại hoa khác, hoa này chỉ sống được khi còn trên cành dù cho được ưa chuộng cách mấy vẫn héo rũ khi bị người ta cắm vào lọ. Dân vùng quê hay có thói quen giống nhau, từ trong nhà nhìn ra nếu thấy dáng ai rẽ vào con đường đất dẫn vào nhà là họ bước ra cửa lom khom lấy tay che mắt nghiêng đầu hỏi lớn cung cách giống nhau :

- Ai vậy bây ?

Rồi đoán tiếp :

- Ai in tuồng như con thằng Hai dìa kìa, phải con thằng Hai hông con ?

Tiếng nói giữa thinh không yên ắng loang ra khiến nhà bên cạnh cách một đám ruộng vẫn nghe được. Có tiếng ơi ới hỏi vọng qua ;

- Bên đó ai dìa vậy chị Ba ?
- Con thằng Hai ở Sè gòn dìa nghỉ hè chị Tám ơi..i..i.. !

 Niềm vui và nỗi nôn nóng được đi xa một mình qua ngày thứ ba chợt lắng xuống thay bằng nỗi buồn thiu. Ở nhà quê đi ra đi vô, ngoài việc phụ giúp cơm nước ra chẳng biết làm gì cho hết thì giờ, nếu biết như vầy thì tôi đã chẳng giơ tay tình nguyện và giành cho bằng được với chị tôi khi nghe ba tôi nói ;

- Hè này đứa nào muốn về chơi ở nhà bà nội giúp ba.

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Về chơi bao lâu vây ba ?
- Chừng nào chú Út hết khóa tu nghiệp hè trên này trở về.

Cuối cùng với lý do không phải là năm chuẩn bị thi cử tôi được đi dù với số tuổi nhỏ hơn và không được ở nhà tin tưởng cho lắm.
Má tôi trấn an ba tôi :

- Mình đừng lo, ở dưới còn vợ và con gái chú Út mà, vả lại má chỉ bị té nứt xương tay bó thuốc chừng một tháng là lành ngay thôi, ông thầy Tàu nói vậy mà.

Ba tôi nhiều lần rước nội tôi lên ở chung nhưng chỉ hơn tháng là bà đòi trở về với lý do ở thành phố ngột ngạt, nhiều xe cộ ồn ào khiến bà bị nhức đầu, nhưng ba tôi biết nguyên nhân chính là bà quen ở với chú tôi đứa con trai Út, đang làm hiệu trưởng trường trung học đệ nhất cấp duy nhất của quận, nội tôi quen với cảnh sống nhà quê ruộng rẫy với hàng xóm láng giếng từ thời còn trẻ giờ lớn tuổi chỉ còn ngày ngày ra nhổ cỏ, cắt cành quét lá trong vườn, riêng tôi lại hiểu nỗi buồn của nội khi phải ở Saigon đi ra đi vô trong khoảng mười mấy mét vuông với chiếc giường nằm, cơm dâng nước rót bà giống như con chim bị nhốt trong lồng son.

Hai vợ chồng chú Út đều ở trong ngành sư phạm, thím tôi ngoài việc đi dạy học còn mở thêm một quán sách báo, bút mực nằm trong dãy quán trước bến xe, cách trường trung học một con đường nhỏ có tên Bến đò chạy thẳng ra bờ sông. Con gái thím bằng tuổi và học cùng cấp lớp như tôi, nhỏ em họ nói sang năm đỡ phải về tỉnh hoặc lên Saigon học chương trình Trung học Đệ nhị cấp bởi chú tôi được Bộ giáo dục cho đi tu nghiệp để niên học mới mở thêm lớp Mười bắt đầu cho các lớp Đệ Nhị cấp ở đây. Thấy tôi ở nhà buồn thiu nó rủ :

- Chị Kim Âu muốn ra quán sách chơi và giúp em không ?

Tôi ngần ngại :

- Hai đứa mình đi hết để bà nội và thím ở nhà có ổn không ?
- Không sao đâu, ở nhà còn hai thằng “ giặc chòm “ kia, có chuyện gì tụi nó chạy u ra quán cho mình hay.

Tôi hoài nghi :

- Hai đứa đi một mình được không ?

Nhỏ em cười hăng hắc :

- Trời tụi nó mười hai mười ba tuổi chứ bộ con nít lên ba sao, đường sá ở đây chứ hỏng phải như ở Saigon của chị đâu.
- Ừ hén.

Tôi ngẫm nghĩ trong bụng, ra quán sách có lẽ tôi bớt buồn và có thể “ trụ “ lại được một thời gian, nếu không tôi sẽ cuốn gói về Saigon sớm và chắc chắn bị “ mất mặt bầu cua “ với ba má và chị tôi quá !

2.
Giống như các quán sách khác ngoài việc cho thuê truyện, bán bút mực giấy viết, tập vở và một ít sách học cho học sinh các lớp, quán chú tôi còn đảm nhận thêm việc phát hành và bán báo. Nhờ ở vị trí thuận lợi trước bến xe, mỗi sáng chuyến xe đò sớm nhất sẽ mang các nhật báo ở Saigon xuống cho quán phân phối và nhận lại báo cũ chưa bán hết. Công việc chỉ bận rộn vào buổi sáng, vì là mùa hè trường học đóng cửa nên chẳng có ai đến mua giấy, tập, buổi chiều hai đứa tôi chỉ ngồi ngáp vặt chờ có người đến thuê hoặc trả sách. Cũng may quán có một số truyện cho thuê khiến tôi ngấu nghiến đọc trong lúc vắng khách nên chẳng còn nghĩ đến thời gian. Mấy năm học tôi chỉ toàn đọc các tác phẩm văn chương của các tác giả trong Tự lực văn đoàn có trong thư viện của trường. Hết loại này tôi chuyển sang các tác giả ngoại quốc được dịch ra tiếng Việt. Lần đầu tiên tôi có cơ hội đọc sách của Quỳnh Dao một tác giả của Đài loan và say mê ngay. Truyện bà viết bắt đúng tâm lý các nữ sinh mới lớn đầy lãng mạn, mơ mộng như tôi bảo sao tôi không mê mẩn đọc cho được.

Buổi chiều nhỏ em họ đau bụng nên về nhà nằm bỏ lại mình tôi trông chừng quán sách, mải mê xem truyện có khách vào tôi cũng không hay, bỗng nhiên tôi có cảm giác ai đó đang nhìn mình, ngẩng đầu lên tôi bắt gặp một anh chàng đứng dựa tủ kính ngoài cửa nghiêng đầu ngắm tôi miệng mỉm cười. Chữa thẹn tôi hỏi một câu thừa thãi :

- Anh muốn mua gì ?

Không trả lời câu hỏi vội, anh cười cười, trong nụ cười thấp thoáng một nhịp cầu làm quen :

- Cô bé say mê xem sách quá, khách đứng chờ cả giờ đồng hồ mà không hay !

Tôi mím môi thẹn thùng không trả lời, anh nói tiếp :

- Khách hàng lấy trộm sách bỏ đi rồi.

Tôi hốt hoảng đảo mắt nhìn quanh, hai bên cửa một bên là giá cây dựng các bài nhạc, bên kia là nhật báo, bên trong sách học để trong tủ kiếng, sách truyện dựng dài trên kệ vẫn kín chỗ, chẳng có một khoảng trống nào, tôi thở phào. Nhìn thấy vẻ hốt hoảng của tôi anh trấn an :

- Anh đùa thôi cô bé, em là chủ mới của quán hả ?
- Không phải, em chỉ giúp trông quán cho nhỏ em họ.

Tôi lúng túng trả lời, anh gật gù nói tiếp :

- À ! thì ra là vậy.

Nhìn quyển truyện anh đang cầm trên tay tôi nhanh chóng hiểu ngay ý định trước khi anh cất lời :

- Cô bé đổi cho anh quyển kế tiếp.

Thì ra anh chàng đang say mê tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, loại sách mà tôi chúa ghét, chỉ cần đọc sơ vài lần truyện đăng trên các nhật báo là tôi thấy đầu óc rối mù, truyện gì mà gặp nhau chỉ toàn là tung chưởng đánh nhau, rồi thì cả đám người giành nhau đi tìm cuốn sách “ à chân kinh “ chi chi đó để luyện võ mục đích giành nhau ngôi vị bá chủ võ lâm. Đối với tôi nó chán phèo ấy vậy mà truyện loại này được người ta thuê nhiều nhất. Bỗng nhiên tôi nảy ra một ý trong đầu nên chỉ vào quyển sách tôi đang đọc dở dang đang úp ngược và giới thiệu :

- Anh đọc tác giả này chưa, viết hấp dẫn lắm.

Anh nghiêng đầu nheo mắt nhìn :

- Cô bé đang đọc Song Ngoại của Quỳnh Dao.
- Anh xem quyển Cánh Hoa Chùm Gởi đi, bảo đảm hay lắm !

Anh cười lớn pha chút chế diễu :

- Anh xem hết lâu rồi em ơi.

Câu nói làm tôi cụt hứng và cảm thấy quê quá, không biết nét mặt tôi lúc ấy thế nào khiến anh thốt lên câu :

- Xin lỗi đã làm em “ country “

Anh đi rồi tôi vẫn còn ngẩn người vì chẳng hiểu anh nói gì, xin lỗi thì đã đành mà cái gì lại “ country “ ?

Mấy lần sau tôi vẫn gặp anh ta đến nhưng tôi giả vờ chưa từng biết và để mặc nhỏ em họ đổi sách cho anh ta, hôm kia nhỏ em dặn tôi :

- Hai tờ báo em để dưới gầm quầy hàng chị khoan gửi trả lại sáng mai nhé, chờ anh Trung tới đọc xong mình sẽ gửi lại trả sau.

Tôi nghiêng đầu hỏi vặn lại :

- Anh Trung ? là ai mới được chứ ?
- Là anh lính Hải quân, khách quen hay đến thuê truyện kiếm hiệp của mình đó.

Nhắc đến tôi mới nhận ra hai hôm nay không thấy anh ta ghé quán, tôi thắc mắc hỏi :

- Sao phải chờ anh ta đến rồi mới trả lại báo ?
- Anh ấy đang theo dõi truyện kiếm hiệp trong tờ báo và chỉ đọc duy nhất nó thôi nên em nói anh không cần phải mua cho tốn tiền,

Tôi gật gù cười :

- A ha, một màn câu khách của em đó hả,
- Không phải, ở đây mấy ông lính là khách thường xuyên của mình mà, vả lại lính nghèo lương có bao nhiêu, báo mình không bán hết cũng để đó chờ trả lại nhà phát hành thôi, cho người ta đọc cũng đâu có mất chữ nào.
- Con nhà mô phạm có khác, tốt tính và chu đáo thật.
- Hôm nọ anh Trung có hỏi thăm em về chị, em nói tên chị là Kim Âu, chị là cháu của ba về quê nghỉ hè.

Tôi trợn mắt :

- Ai quen biết đâu mà hỏi tên người ta,

Nhỏ em cải chính ;

- Anh ấy là người quen mà, ảnh cho tàu chở học sinh tụi em qua cồn cắm trại hôm đầu hè đó. Ba có mời ghé qua thăm nhà bữa ba nhờ đơn vị ảnh giúp đỡ phương tiện tổ chức trại hè dành cho học sinh, anh Trung tốt và vui tính lắm.

Tôi chợt nhớ chú tôi trước kia cũng là lính được biệt phái trở về ngành giáo dục, hóa ra là cùng tần số với nhau, nghe nhỏ nói thế trong tôi đã sẵn có cảm tình với lính nên thấy cõi lòng mình dịu xuống và cảm giác thân thiện với anh chàng bỗng chợt đến.

 Như lệ thường chủ nhật quán sách đóng cửa buổi chiều, tôi lại lang thang đến cuối con đường dẫn ra bờ sông có chiếc cầu tàu đúc bằng xi măng từ thời Pháp thuộc, một đồn binh cũng xây lên từ thời ấy nay trở thành bót cảnh sát nằm bên tay phải sâu vào phía trong bên hữu ngạn. Bên cạnh cầu tàu người Pháp cũng xây một gian nhà nghỉ mát nằm dọc theo kè đá có bậc tam cấp dẫn xuống sông. Ngồi ở đây nhìn nước chảy, trên sông những chiếc ghe câu lui tới dập dìu đặt vó, kéo lưới, nhiều người công chức trong quận ngày nghỉ cũng hay ra ngồi trên bờ kè buông câu, con sông này thuộc vùng nước lợ nên tụ hội nhiều tôm cá, nhìn cảnh sinh hoạt thanh bình, êm đềm tôi có cảm giác không có chiến tranh và nếu có thì ở xa lắm. Một chiếc tàu Hải quân chầm chậm ngược dòng sông bỗng kéo còi mấy tiếng “.. tu … tu..” trên đó có người giơ tay vẫy vẫy rồi rẽ ngoặt vào neo ở cầu tàu,

Ngồi bên kè đá tôi vẫn lơ đãng nhìn dòng nước chảy bỗng nhớ đến lời nhạc nên hát nhỏ : “Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu …. Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào ?”

- Chào Kim Âu !

Tiếng người cất lên sau lưng làm tôi giật bắn người, hết hồn quay lại nhận ra Trung, tay ôm ngực tôi vờ nhăn nhó :

- Trời anh làm hết hồn, chút xíu trái tim rớt ra ngoài.
- Không sao, nếu rớt có anh đỡ giùm.

Tôi đoán anh chàng rất lém lỉnh nên quẹo cua liền :

- Trái tim rớt xuống sông kìa.

Không ngờ anh ta lại nhanh trí hơn tôi :

- Nếu rớt xuống sông anh nhảy xuống vớt lên, anh cho tàu vòng quanh tìm cho bằng được mới thôi.

Tôi tròn mắt nhìn anh dò hỏi :

- Có phải người hồi nãy kéo còi, vẫy tay ngoài sông là anh ?
- Anh chào Kim Âu đó.
- Làm sao anh biết là Kim Âu ngồi đây mà chào ?
- Biết chứ, cái áo màu hồng tía điểm hoa anh đào lấm tấm có lần anh thấy Kim Âu mặc ngoài quán sách.
- Trời ạ, áo màu thì ai cũng giống nhau thôi.
- Anh chưa thấy có cái áo màu giống cái thứ hai.

Tôi bỗng nhớ ra vải áo là loại dùng để may kimono mà dì tôi trong chuyến đi thăm con đã ghé Nhật mua về làm quà cho má, bà thấy màu mè không hợp nên cho tôi. Nhìn bộ đồ xám đang mặc, chân đi đôi dép tôi hỏi anh ?

- Anh là lính Hải quân hả, sao ăn mặc kỳ vậy ? Hải quân phải mặc đồ trắng chứ.

Anh cười lúng túng giải thích :

- Đây là quần áo mặc lúc đi tàu, quần áo trắng chỉ dành cho các dịp lễ lạt hoặc trình diện đơn vị trưởng thôi.
- Còn đôi dép nữa ?
- Đi tàu phải mang dép mới dễ dàng bơi lội khi nhảy xuống sông, Kim Âu làm anh “ country “ quá, cứ tưởng em là quân cảnh ?

Đây là lần thứ hai tôi nghe từ này nên hỏi ngay :

- “ country “ là gì vậy,
- là nhà quê, là bị “ quê “ đó, bọn anh hay sử dụng danh từ này mỗi khi bị “ quê độ “ hay chọc quê ai.

Tôi quay sang nói :

- Nhỏ em có để dành cho anh mấy tờ báo, sao mấy hôm nay không thấy anh ghé quán.

Suýt chút là tôi thêm ba chữ “ xem cọp báo “ nhưng may mắn là tôi khép miệng kịp thời, nếu không chắc là hậu quả khó lường.

- Mấy hôm nay anh bận tham gia hành quân.

À ra thế, để đánh trống lảng chỉ tay vào chiếc cầu tàu tôi kể :

- Chiếc cầu này ba Kim Âu nói có từ lâu lắm, hồi ba còn nhỏ là đã thấy rồi, người ta gọi là cầu Dinh. Thanh niên trai tráng nào ở đây không phóng từ cầu này xuống sông bơi lội, tối về ngủ “ nóp “ cả đêm trên cầu không phải là đàn ông của thị trấn.

Chỉ tay vào vùng cây xanh ngắt bên kia sông chạy dài ngút mắt tôi nói tiếp :

- Ba nói hồi xưa bên đó quê nội còn nhiều ruộng lắm, bây giờ không ai dám về.
- Bên ấy là vùng tự do oanh kích, giang đoàn của anh có bổn phận bảo vệ thủy lộ ở đây ra đến cửa biển.
- Đi hết con sông này là ra tới biển, mùa nắng mực nước sông xuống thấp nên bị nước mặn xâm lấn, đất đai không màu mỡ, dân quê ở đây không giàu có là vì vậy, đa số lớn lên một chút là rời quê về thành phố làm ăn, chỉ còn lại những người già, nặng lòng với ông bà tổ tiên xưa thôi, giống như bà nội em vậy đó.

Anh hỏi tôi :

- Anh nghe người ta gọi tên cái nhà này là “ Trấn giang đình “,

Tôi nhìn ra mặt sông trả lời :

- Tên gọi nghe hay và thơ mộng quá phải không ? Người đặt ra chắc phải là một nhà nho hay chữ hồi xưa. Lúc em còn nhỏ xíu đã nghe người ta kêu như thế rồi.

 Nhờ có anh mà những ngày hè tôi ở đây bỗng trở thành sinh động, anh rủ tôi ra Trấn giang đình ngồi câu cá vào những buổi chiều anh không đi trực, hai chúng tôi thân thiết lúc nào không hay. Tôi hỏi anh :

- Bộ anh thích câu cá lắm hả ?
- Đi câu cũng là một cách luyện tính kiên nhẫn, ngồi nhìn và chờ cá cắn câu là cả một nghệ thuật.
- Hôm bữa anh mang mấy con cá ngát cho thím em nấu canh chua cũng là do anh câu hở?
- A! mấy con cá đó là do lính ném lựu đạn xuống sông, cá bị tức nước nên chết và nổi lên, bọn anh chỉ vớt mấy con cá lớn, còn lại những con nhỏ thì cho ghe dân xúm vào vớt hết.
- Hồi nhỏ em đi chùa nghe sư ông giảng “ nếu mình sát sanh hại vật nhiều quá kiếp sau sẽ làm con vật đó theo luật nhân quả nhà Phật “. Có lần nhỏ bạn rủ cả đám đi xem bói tướng, cô thầy bói nhìn lòng bàn tay và mặt em rồi nói “ kiếp trước em là công chúa út con gái của Long vương “ em mà đi câu thì cá không bao giờ dám mon men đến ăn mồi đâu.

Anh quay sang nhìn em cười lớn :

- Hèn gì từ nãy giờ anh chẳng câu được con nào dưới sông, nhưng không sao anh chỉ cần câu được một con trên bờ là đủ.

Tôi tròn mắt nhìn anh hỏi ;

- Loài cá nào sống được trên cạn ? Cá mà không có nước là chết ngay.
- Có một con cá chúa đang ngồi cạnh anh nè.

Ngẩn người hiểu ra tôi đập vào cánh tay anh và phụng phịu :

- Anh dám chế diễu em là cá hả,

Nghiêng người, nắm bàn tay tôi anh chống chế ;

- Ơ hay, là em mới vừa kể anh nghe mà.

Bàn tay tôi nằm gọn trong tay anh, vai tôi dựa sát vào anh, tôi cảm thấy một luồng điện thân thiết có từ kiếp nào thân quen truyền sang, ánh mắt âu yếm anh nhìn khiến tôi thẹn thùng nhẹ nhàng rút tay lại, hai tay ôm lấy vai tôi so người rùng mình nói :

- Mình về thôi anh, em lạnh rồi.

Gió từ mặt sông lồng lộng thổi vào, tôi nghĩ chỉ cần gió mạnh thêm chút nữa là thân xác tôi sẽ bay bổng theo vì giờ đây tâm hồn tôi đang bay bổng, trái tim tôi không dưng lại bị chao đảo bởi những giai điệu hân hoan chợt đến “ tình là tình nhiều khi không mà có à..”
Hết hè tôi trở lại trường, với tôi những ngày kế tiếp là những ngày mới lạ, tươi vui, khiến mấy nhỏ bạn phải thắc mắc: “ Gớm, nhỏ này nghỉ hè về quê trông nó tươi như cá mới bắt dưới sông lên à” Tôi thấp thỏm trông chờ những lá thư khởi đầu bằng ba chữ KBC 3328., giờ trở nên quen thuộc với tôi. Nhận thư và trả lời là một niềm vui mặc dù hai chúng tôi chỉ là kể chuyện trời trăng mây nước :

“….KBC 3328 .., ngày, tháng, năm. Em biết không mấy hôm rày chiến sự bỗng trở nên sôi động, bọn anh bận túi bụi do tình hình căng thẳng gần Tết, cấm phép, cấm trại 100%, những hôm ngồi trên mui tàu gió lồng lộng giữa sông nhìn về hướng trấn giang đình mà... nhớ quay quắt những ngày gặp em nơi ấy à!”

“à Saigon ngày, tháng, năm. Nhận thư anh mừng quá trời, hôm ăn tiệc tất niên ở trường mấy đứa bạn rủ em đi Thảo cầm viên chụp hình, em thích nhất tấm ảnh ngồi trước bể cá tai tượng, mà hên lắm anh vì lúc ấy con cá khổng lồ bỗng dưng lừng lững bơi đến quạt vây dừng ngay sau lưng em, nó cứ ở đó chờ em chụp xong tấm hình rồi lại bơi đi. Đến hồ thủy tạ cũng vậy, không cần em ném bắp rang dỗ dành, bầy cá vàng kếch xù vẫn ùa nhau tung tăng bơi lội dưới cầu ngay chỗ em đứng, mấy nhỏ bạn ngạc nhiên quá cứ thắc mắc “…. Sao mấy con cá có vẽ ưa thích mi dữ thế ?..” Em cười bí mật không nói cho tụi nó biết chuyện em quen anh là “ lính của sông nước” đâu …..

 Cây phượng già cỗi ở góc sân thể thao cạnh đường Đoàn thị Điểm bắt đầu lấm tấm nở hoa, ngồi trong lớp thỉnh thoảng tôi nghe tiếng ve kêu râm ran trên hàng sao dọc đường Phan Thanh Giản trước trường vọng lại khi vắng xe cộ, thấm thoát gần hết năm học rồi, trong lá thư gần nhất anh lại nói “ có thể đầu hè anh sẽ về Bộ tư lệnh ở bến Bạch Đằng nhận sự vụ lệnh bởi lính Hải quân cứ mỗi hai năm là phải chuyển đơn vị, anh sẽ ghé trường đón em lúc tan học dẫn em đi ăn kem như lời anh đã hứa từ.. năm ngoái.”

Lòng tôi rộn rã với lời hẹn ấy, buổi tối khi nằm ngủ tôi có những giấc mơ thật đẹp trong đầu “... Em thích ăn kem ở Pole North, tiệm kem ngay góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ cạnh thương xá Tax, với tên hiệu kem em có cảm tưởng mình đang sống ở Bắc cực...” thế nào anh cũng cười chế giễu tôi là cô bé giàu tưởng tượng cho xem.

Anh ghé trường đón tôi với bộ đồ tiểu lễ trắng toát từ đầu đến chân, mũ kết trắng có sợi dây vàng dắt ngang sáng long lanh, tay đeo dây biểu chương màu đỏ, trước những cặp mắt mấy nhỏ bạn đang tròn xoe con ngươi nhìn tôi và anh, tôi nháy mắt như nói với chúng “ … cho tụi mi cứ giễu ta là “ bà cô nhà quê” mãi nhé, bi giờ thì thấy chưa ? Người của ta đẹp trai và oai phong hết ‘xảy’  bọn mi lé mắt chưa ?”
Anh chở tôi về tận cổng nhà, vừa xuống xe thì một chiếc gắn máy cũng vừa ngừng bên cạnh, quay lại tôi reo lên :

- A, anh Thạch mới về hả,

Cùng lúc anh cũng kêu :

- Thạch, Thạch.. lâu quá không gặp.

Hóa ra hai người biết nhau nên tôi chẳng cần giới thiệu anh, vui quá tôi liến thoắng nói và không để ý nét ngỡ ngàng của Thạch :

- Giới thiệu với Anh Trung đây là anh Thạch, hàng xóm thân thiết của em.

3.
Lâu quá không nhận được thư, không biết về đơn vị mới thế nào tôi đã viết hai ba lá thư hỏi thăm vẫn chưa được hồi âm của anh. Gần hết hè rồi, năm tới là năm thi có thể lâu lắm tôi không về thăm nội nên xin phép ba má về quê chơi vài hôm. Xế trưa vừa ra cổng tôi gặp người phát thư, đúng là nét chữ của anh, mừng quá nhét vội vào túi xách tôi đến bến xe đò. Chờ cho chiếc xe chuyển bánh mọi thứ trở lại yên ắng khi xe bon bon trên đường tôi mở lá thư ra đọc, anh viết nhiều nhưng nói lan man những đoạn tôi đọc mãi vẫn không hiểu :

“ …. Anh và Thạch được xếp ở chung phòng và cùng nhóm vì có chung vần T, ở xứ người mùa tuyết giăng trắng màn trời Thạch hay kể anh nghe mối tình của mình với cô bé hàng xóm có mái tóc cắt ngang xõa cong cớn xuống bờ vai, cô bé nhỏ hơn Thạch bốn năm tuổi mà vẫn hồn nhiên ngây thơ như con nít, một lần nghe mùi mắm kho từ nhà cô bé bay sang Thạch nói nhớ má dưới quê hay kho mắm, biết vậy cô bé nói với má mình rủ Thạch qua nhà ăn cơm khi có món mắm và rau. Thạch yêu tấm lòng nhân hậu của gia đình cô bé trong những ngày Thạch phải sống xa gia đình trọ học nhà bà cô … “

Đoạn cuối lá thư anh nói :

“ …. Những ngày tháng ở quân trường bọn anh hay gọi Thạch là “ Thạch Sanh “ anh ta cười nói “ ừ khi nào về nước Thạch Sanh sẽ đi chém đầu chằn tinh cứu công chúa út con của Long vương để được vua cho cưới nàng.” Nếu không biết thì thôi còn nếu đã biết anh không thể trở thành một Lý Thông à phản bạn. Chiến trường bây giờ càng ngày càng trở nên khốc liệt, Năm Căn là xứ nhiều sông rạch nhiệm vụ của bọn anh bỗng trở nên bận rộn hơn và những hiểm nguy rình rập không sao kể xiết. Anh nhớ có lần em đọc cho anh nghe mấy câu thơ mà anh chê thơ cũ xì khiến em giận dỗi :
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai..!”

Ngày mai của người lính ai biết được ra sao, có thể bọn anh như Hưng đạo vương đắc thắng trở về, cũng có thể giống như vua Chế Mân đứng ở đầu mũi thuyền ngâm câu “à da ngựa bọc thây “ trước khi xác thân vùi đáy nước. Đừng buồn anh, hãy giúp anh ngẩng cao đầu xứng đáng sống trọn vẹn với lời thề của người OCS. Viết cho em trước giờ anh chuẩn bị cho tàu đi ủi bãi đổ bộ, chúc em lúc nào cũng hồn nhiên, dễ thương mang cho mọi người chung quanh nhiều niềm vui. Mãi mãi “ nhớ “ em. Anh Trung. “

Tôi bàng hoàng đọc hết lá thư Trung viết bằng giọng điệu buồn bã, Cuối lá thư nhìn thấy trước chữ “ nhớ “ có một chữ bị bôi đen, tò mò giơ lên ánh đèn tôi thấy nét hằn của bút trên trang giấy in lờ mờ chữ “ yêu “ trên đó ! Vì sao anh phải kìm nén lòng mình từ chối yêu tôi.! Khi đọc lại nhiều lần tôi lờ mờ hiểu được nguyên nhân, có phải do tôi là cô bé hàng xóm của Thạch ! Tôi đâu phải là kẻ bắt cá hai tay ! Sao anh vội vã không chịu tìm hiểu rằng tình của Thạch chỉ là đơn phương vì trước sau tôi vẫn xem Thạch như một người Anh, anh hàng xóm tốt bụng tình nguyện chở con bé về nhà mỗi lần ba cô bé bận việc không đón được, nó chỉ cần đứng trước cổng réo lớn : “ Anh Thạch trưa đạp xe qua trường chở giùm em về.” “ Anh Thạch ghé bên hông chùa Xá Lợi mình ăn gỏi khô bò với lại đậu đỏ bánh lọt nha “ Lòng tôi không có chút xíu nào rung động với Thạch mà. Tình tôi tưởng đã có bỗng như không, chẳng phải vì lời yêu cầu của anh mà vì tự ái của một đứa con gái tôi đành im lặng không viết thêm lá thư nào để biện bạch.


Trở lại Trấn giang đình lần này cũng là tôi năm ngoái nhưng năm nay lòng tôi mang nặng nỗi thê thiết, “ Nước vẫn trôi mau, mắt vẫn hoen sầu, đành để hồn theo nước trôi không màu. Dù tình khôn nguôi đôi ta xin cho hứa vui về sau …. ” Có phải ngay từ giây phút đầu tiên định mệnh đã sắp sẵn khiến tôi buột miệng hát bài hát Hẹn hò buồn thảm này của Phạm duy ! Ngồi mãi đến khi chiều buông màu sẩm tối, mặt nước lấm tấm ánh đèn bão treo đầu mũi thuyền câu, xa thật xa phía bên kia sông là đêm đen mịt mờ, ban trưa tình cờ gặp người lính cùng tàu, giả vờ không biết tôi hỏi thăm về Trung, anh ta xởi lởi trả lời :

- Trung Úy Trung hả, ổng bị thất tình nên xin đổi về giang đoàn xung phong tận Năm Căn rồi.

Buổi tối ngồi bên bàn học tôi ngồi cầm viết vẽ những nét ngang dọc vu vơ, đầu óc cứ nghĩ đến bài thơ của một tác giả không tên :

“… Vô tình ta gặp nhau
Vô tình ta thương nhớ
....
Vô tình ta.. xa nhau,
Không ai có lỗi cả
Chỉ tại vô tình thôi !!!

oOo

 Chẳng phải một mình tôi thường hay hỏi vì sao hai người thật sự yêu nhau lại không được gần nhau và người ta lý giải đó là do có duyên mà không nợ. Vì sao không lấy người quen biết sống cạnh nhà mình mà lại gặp người ở một nơi xa lắc xa lơ chưa từng biết hay chưa bao giờ nghĩ đến vậy mà ngay từ phút đầu gặp gỡ đã cảm thấy gắn bó.

Những năm tháng của tuổi thanh xuân qua lâu rồi, có nhiều điều không cần nhớ vẫn cứ như in trong óc, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa rõ được lời thề từ thuở ấy là có thực hay chỉ là lời biện minh trong phút giây thay đổi nào đó, thật ra từ đáy lòng tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt vào nhân cách của người ấy. Một ngày không hẹn tôi tình cờ gặp lại những người bạn thời trung học nhân dịp họ tụ về tham dự buổi họp của hiệu đoàn trường ở Cali, qua đó tôi được mời có mặt trong buổi ăn trưa BBQ tổ chức tại nhà anh của một người bạn, thấy tôi cứ chăm chú nhìn những hình ảnh treo trên tường nhà của gia chủ thời còn trẻ, cô bạn hân hoan giới thiệu anh mình trước kia là một Sĩ quan Hải quân OCS, tôi bạo dạn hỏi :

- Mình có nghe một người nói rằng truyền thống người OCS ngoài lời thề “ tang bồng hồ thỉ “ giống nhau của các quân trường, họ còn có lời thề khác, một quy định “ bất thành văn “ giữa bạn bè với nhau.

Cô bạn nhanh nhẩu giải thích :

- Đúng rồi, mình có nghe anh mình nhắc đến nhiều lần.

Và người bạn kể lại vanh vách nhưng tai tôi chỉ nghe được điều duy nhất “ Sĩ quan OCS tuyệt đối không ‘cua đào’ của bạn”

Cỏ Biển
Mùa thu 2010

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010