Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

Bên kia một ngôi làng

Trần Hoài Thư

Tiếng súng lẻ tẻ của địch quân ở phía bên kia cầu gỗ, đã làm cản bước tiến quân của đại đội. Hai người lính của trung đội II bị trúng đạn được tải về bãi đất trống, nơi trái khói vàng vừa bốc khói, để đánh dấu cho trực thăng tải thương đáp xuống. Đạn trái phá bắt đầu từ căn cứ câu về ngôi làng như mưa bấc. Những đốm lửa lớn, lóe lên san sát và sức nổ làm những người lính cúi đầu, ép tay vào hai tai. Toàn thân họ bị rung chuyển theo sức nổ. Cả thân như bị xốc lên khỏi mặt đất. Địch vẫn bắn cầm chừng ở trong làng. Quân bạn, ở bên chiếc cầu gỗ, vẫn nằm dưới con mương đất, chờ đợi. Chờ đợi gì. Ai cũng hiểu là sau trận mưa trái phá dọn đường này, họ sẽ rời bỏ vị trí cũ, để băng qua cầu và sẽ tiếp tục chiếm ngôi làng.

Đó là một ngôi làng như trăm ngàn ngôi làng khác mà họ đã đi qua. Không phải là cái vẻ trầm mặc cô tịch, sau những hàng dừa rặng tre, hay những cánh cò trắng đang tìm mồi trên cánh đồng bao bọc, mà thật sự chứa bao nhiêu tai vạ, cạm bẫy... Có nơi, người lính phải chạm trán với những hố hầm địa đạo và những đám người cuồng tín, bám đất, bám ruộng. Có nơi họ gặp một bãi tha ma, nhà không vườn trống, nhưng có thể trên đường đi là mìn chông hay trong ngôi nhà tranh hiền lành kia là quả lựu đạn gài. Cũng có nơi, họ chỉ thấy một đám dân bất hạnh, dám thách đố cùng bom đạn, chấp nhận ở lại làng mình.

Và ở đâu cũng vậy, người lính đều phải nghĩ trong đầu, tất cả là kẻ thù. Ông già bà lão. Những người đàn bà có bầu hay đám con nít bé dại. Không thể tin họ. Nhất là chính trong làng này, súng đã bắn ra, và hai đứa con của trung đội hai đã nằm xuống.

Giờ chỉ là sự trả thù, hả hê trả thù. Giờ chỉ là mong cho bom đạn yểm trợ cày nát để họ có thể an toàn hơn khi chiếm làng. Không cần nghĩ gì đến một VN da vàng máu đỏ, đến mạng sống của con người. Giờ chỉ là làm sao thanh toán chiến trường càng sớm càng tốt, hay mong cho tất cả được bình an vô sự.

Ông đại đội trưởng đã cho lệnh xung phong. Trung đội của thiếu úy Tân được lệnh thay thế trung đội của thiếu úy Mậu, qua cầu đầu tiên. Ông trung sĩ nhất Tướng một tay cầm M16, khom lưng chạy đến người trung đội trưởng, thắc mắc: Hôm nay trung đội của thiếu úy Mậu trực, sao mình lại đi đầu thiếu úy? Thiếu úy Tân chỉ biết an ủi: Để sau hành quân, tôi đưa chuyện này lên khiếu nại cùng đại úy. Bây giờ mình phải tuân lệnh, ông Tướng à.

Ông trung đội phó nhíu mày tỏ vẻ không bằng lòng. Thiếu úy Tân nói thêm: Ông xem chừng thằng Mễ. Tôi thấy hắn run lập cập. Ông Tướng trả lời Dạ rồi bò lại chỗ cũ. Trong máy, thằng truyền tin của đại đội cứ thúc hối. Lệnh và lệnh. Thi hành trước khiếu nại sau. Nhưng làm sao để đánh tan những ý nghĩ bất mãn ngấm ngầm trong lòng người lính thuộc quyền? Họ là những người lính gốc Thượng, Nùng, rất kỷ luật, và có kinh nghiệm chiến trường. Họ là những người lính giỏi. Tuy nhiên, họ chỉ kỷ luật khi có sự công bằng. Đã trực thì phải thi hành những nhiệm vụ trực, có nghĩa là ứng chiến, đi đầu, hay được giao những công tác khó khăn, nguy hiểm...

Ở đầu làng, những đám cháy bắt đầu bốc lên. Theo gió Nam, khói thổi về hướng đại đội. Mắt người lính trở nên cay sè. Hơi nóng theo gió đốt nung thịt da như chảy mỡ. Lửa. Lửa tứ bề. Lửa reo mừng hoan lạc. Lửa bốc ngọn từ nhà này sang nhà khác. Đạn trái phá đã dứt. Súng địch từ trong làng cũng im bặt luôn. Tuy nhiên tiếng súng của quân ta vẫn tiếp tục dội vang giữa đồng không mông quạnh. Những khẩu súng nhắm vào bìa làng, vào những nơi khả nghi. Tiếng nổ của đạn M16 lẫn với tiếng nổ của loại M79 xen kẽ tạo nên một bản hợp tấu rầm trời đến đinh tai nhức óc.

Lệnh lại giục qua cầu. Thiếu úy Tân nháy mắt ra lệnh cho ông Tướng. Ông Tướng bò lum cum đến hạ sĩ nhất Nay Lat, chỉ chỏ phía bên kia cầu. Hạ sĩ nhất Nay Lat gật đầu. Sau đó ông Tướng nhìn thiếu úy Tân rồi gật đầu cho biết mọi sự đã sẵn sàng. Thiếu úy Tân khoát tay xung phong. Tổ tiền sát nhào qua cầu. Vô sự. Từng thước một. Từng đoạn đường một. Khi thân hình kia nhỏm dậy, khi cái đầu, gương mặt kia chường ra, khi hai chân kia chạy, thì đất dưới chân, trời trên đầu và giữa là những đường đạn. Có thể là AK, CKC hay đại liên. Những viên đạn được du nhập từ bên ngoài. Thắc mắc làm gì. Một trò chơi của thanh niên khá thú vị. Vì trò chơi đi tìm ma quỉ âm hồn. Một trò đùa với sinh tử. Một trò chơi kỳ cục. Vì khi mới nói đó, cười đó, giỡn đó, chưởi thề đó thì tự nhiên ngã lăn, nhào lộn chưa kịp trối trăn, để tiếp sau là nỗi ngậm ngùi kèn kẹt qua hàm răng rít chặt, qua đôi mắt đỏ hoe. Xung phong. Chưa phải lúc. Tổ tiền sát vẫn ẩn dưới bờ ruộng để nằm đường cho các đứa con còn lại tiếp tục qua cầu. Thằng Mễ không chịu qua. Đôi mắt ánh lên vẻ khiếp đảm. Hãy nhìn thân hình của hắn. Đầy lựu đạn. Đầy dây đạn đồng. Như thể hắn nương cậy vào những thứ chiến tranh đó để mà tự tin. Ông Tướng đã ra hiệu hắn chạy qua. Hắn vẫn bám trụ. Thiếu úy Tân nhào tới, đưa súng vào đầu, gằn: Mày không qua hả, tao bắn. Tao bắn nát óc. Phải, tôi là một sĩ quan mù chỉ huy một trung đội điếc. Thằng lính này điếc thật. Nó điếc vì nó sợ. Thanh niên gì mà hèn. Chắc có kẻ lên mặt mà dạy luân lý ái quốc như thế. Thưa các ngài, về đây để mà dạy hắn. Chúng tôi cần những người như quí ngài, chứ đánh giặc quá lâu, quá mệt lắm rồi.

Máy lại giục. Xung phong vào làng. Cánh đồng trải rộng. Mùa hạ đất nứt nẻ. Từ đây tới đó là tử địa. Là nơi mà cái chết cầm như đã treo sẵn vòng dây thòng lọng trên cổ mỗi đứa con của chiến trường. Bởi vì, nó là một xạ trường tốt, mà địch đang chiêu dụ, chực sẵn những nòng súng, đợi sẵn ngón tay vào lảy cò, dọn sẵn mâm chiếu. Khi xung phong, một là gục xuống, chẳng có ai tải hay cứu. Hai là bằng mọi cách phải đạt đến mục tiêu. Phải hò hét cho địch khiếp đảm. Phải nhắm mắt nhắm mũi nã đạn như mưa. Phải là hùm beo sư tử. Không thể chần chừ. Chần chừ thì chết cả lũ. Bởi vậy, trung đội phó cánh trái, trung đội trưởng đằng sau, súng M16 quét ria dưới chân, thằng nào sợ, teo, không chạy thì gãy giò ráng chịu. Xung phong. Tự nhiên giữa đồng không mông quạnh vang dội tiếng la gào rú âm vang Thượng Nùng Kinh Bắc Trung Nam để tạo thành một opera đủ thứ âm thanh hỗn tạp nhất.

Vô sự. Các đứa con của trung đội một đã chiếm được bìa làng. Truyền tin gọi máy báo cáo về đại bàng. Lệnh giục lục soát. Những tổ được phân tán, lục lạo dọ dẫm như những đàn chó sói tìm mồi. Bây giờ, đám lính la hét rầm trời. Có kẻ đuổi theo đám gia súc. Có tên không quên hái những chùm ớt đỏ thắm. Họ đạp tông những cánh cửa và bắn bừa lên những trần vách khả nghi. Họ ào ào trong hơi lửa, chạy băng băng trên những đống tro tàn. Thỉnh thoảng những cột gỗ, sườn nhà đổ xuống khi họ vụt qua, tạo nên những tiếng động khô khan. Nơi đây, bước chân của đoàn quân như bước chân của người chinh phục. Mùi thuốc súng đã làm họ say. Lửa, thù hận, đã làm họ cuồng nhiệt hơn bao giờ.

Một tổ đã tiến sâu vào làng. Những người lính khinh binh và tiền sát đã phải vất vả để tìm cách vượt qua một hàng tre rậm. Trung đội thiếu úy Mận báo cáo vừa tìm thấy trái lựu đạn gài ở dưới cành cây trên đường tiến quân. Viên sĩ quan trung đội trưởng luôn luôn giục các đứa con mình phải hết sức cẩn thận. Chàng hét luôn miệng. Coi chừng ăn lựu đạn bây giờ. Coi chừng hầm chông đó. Đôi khi chàng chửi thề vì thấy họ cứ nhởn nhơ khinh mạn, xem chuyện đánh giặc như chuyện rất bình thường. Ông hạ sĩ nhất Cày mang M79 thì luôn luôn cười lộ hàm răng vàng. Thằng Nha mang đại liên thì đang rượt một con gà mái. Con gà đập cánh vừa bay vừa kêu cục tác vang trời. Trong khi đó qua máy PRC 25, cấp trên luôn giục phải bắt hết đám dân VC này cho tôi.

Tổ tiền sát bắt đầu tiến vào một ngôi nhà đã cháy và nghe tiếng rên rỉ đâu đó vang lên. Họ báo cáo tìm thấy một con bé bị thương. Khi họ đến thì con bé sợ hãi tột cùng. Nó khóc lóc van lơn:

“Mẹ con chết nằm ngoài kia. Các ông tha cho con.”

Một người lính trả lời:

“Không, các anh không làm hại em đâu. Các anh cũng không giết mẹ em đâu. Lại đây để các anh băng vết thương cho em.”
“Con sợ.”
“Này máu chảy ra nhiều. Lại đây em bé.”
“Con sợ các ông giết con. Mẹ con chết rồi.”

Rồi con bé khóc ngất. Trong tiếng nức nở, nó vẫn kêu mẹ nó.
Đám lính lúc trước hung dữ bao nhiêu thì giờ đây như những con chiên buồn bã bấy nhiêu. Tiếng khóc như vết dao cứa xoáy trái tim sục sôi cuồng nộ. Hường, người lính truyền tin, đi hành quân luôn luôn không quên mang cuốn kinh Phật, gạt nước mắt. Hắn cúi đầu xuống, đôi vai bật run. Hắn quên lửng những lời đối thoại, báo cáo. Hắn nói với người trung đội trưởng:

“Coi con bé cũng bị thương nặng, vì máu ra nhiều quá. Chắc là bị trúng miểng đạn pháo binh...“

Tân bỏ khẩu súng xuống đất, gọi:

“Em bé lại đây để anh băng vết thương cầm máu cho em. Bọn anh đến cứu em mà. Lại đây, em bé.”

Nhưng con bé vẫn không lại. Nó bước từng bước khấp khểnh dễ chừng như muốn chạy. Nó đến bên người đàn bà đang nằm sấp ngay ở cửa hầm, sau nhà bếp. Rồi nó úp mặt vào thi thể mẹ nó mà kêu gào nức nở.

Bây giờ Tân quay mặt. Chàng cũng không cầm được giọt lệ. Chiến tranh là cái giống gì mà tàn bạo như vậy. Chàng giận dữ vô cớ. Chàng muốn chụp khẩu súng để nã đạn lên trời cho hả giận. Làm sao để con bé hiểu tại sao bọn chàng lại có mặt, và lý do làm sao để cả mấy trăm trái đạn cà nông rót chụp vào làng. Chiến tranh. Chỉ những kẻ hả hê cùng máu, cùng xương, cùng nỗi thống khổ mới xem chiến tranh là lẽ sống. Hãy về đây mà xem con bé này. Một con bé khoảng 10 tuổi này, đang ôm xác mẹ mà kêu gào. Nó có tội tình gì. Hả Hả???
Chàng quay sang Hường nói với người lính truyền tin:

“Con bé này nó nhìn chúng ta như những kẻ sát nhân. Làm sao nó có thể hiểu lý do nào chúng ta đến đây. Tôi sẽ mang con bé này về, rồi liên lạc với cô nhi viện, nơi mà ngày xưa tôi đã sống, để người ta giúp đỡ săn sóc nó.”

“Nếu thiếu úy cho phép, tôi xin nhận nó làm con nuôi. Vợ chồng tôi không có con. Nhìn nó tội nghiệp quá.”

“Tôi cũng vậy. Ngày xưa tôi cũng đã từng khổ vì chiến tranh loạn lạc, bây giờ lại đến phiên con bé này... Chiến tranh gì mà dai dẳng như thế này. Thù hận gì mà cứ từ đời này sang đời khác, không dứt.”

Con bé được băng bó và được mang ra ngoài bãi đất trống. Nơi này, đám dân đang ngồi la liệt bên những gói bọc đồ. Lệnh trên phải buộc họ về vùng chánh phủ kiểm soát sau khi giao cho phía an ninh điều tra lý lịch. Họ là những ông già bà lão, những người đàn bà có bầu hay các em bé. Họ ngồi, đầu cúi xuống, vẻ thản nhiên chịu đựng. Có khoảng chừng 30 người. Ba chục người. Ba chục sinh mạng được may mắn. Bởi ít ra, họ vẫn còn được sống sót sau những trận mưa tập pháo cuồng loạn, mà có lẽ con kiến cũng không thể chạy thoát.

Quả thật Tân không thể hiểu tại sao họ lại gan lỳ như vậy. Họ khinh mạn đến cả cái chết như vậy sao. Họ thách thức với cả bom đạn như vậy sao. Họ là kẻ thù hay là bạn? Tại sao lại phải bắt họ?

Tân không hiểu nổi. Tân nhớ lại những câu nói lải nhải của những tay bụng phệ ngồi trong tháp ngà: Hãy mang cho họ niềm tin nếu muốn thắng cuộc chiến này. Cứ nói toàn là những lời sáo ngữ. Làm sao mang cho những kẻ này niềm tin khi nhà họ bị cháy, bà con họ bị phơi xác ngay bên cạnh. Có ai bưng mặt khóc khi nghe tiếng lửa bắt tranh cháy thành ngọn, như trăm ngàn ngọn giáo đâm xuyên. Là một trung đội trưởng, có nghĩa vừa là một tên lính và cũng vừa là một tên chỉ huy mười mấy thằng con, Tân đã đuối hơi, đã bất lực trước những gì mà chàng phải chạm cùng sự thật trên chiến trường. Những mái tranh bị lửa ngọn thiêu hủy, tàn rụi và những tiếng nổ long trời lở đất vang lên chứng tỏ ngôi nhà có cài hay trữ lựu đạn, hay chất nổ. Rồi những cảnh tượng ông già bà lão lạy chàng như mưa bấc. Trời ơi... Làm sao để tin đám dân bất trị này khi không dọa dẫm, không dí dao găm vào cổ, không kê nòng súng vào màng tang hù dọa thì làm sao biết được súng giấu ở đâu, hay những tên địch xâm mình trú ẩn xó nào.

Đôi khi chiến trường cần những thứ đó để giúp người lính chu toàn được nhiệm vụ. Chỉ bực mình mấy ngài phóng viên mặt trận, chỉ biết đưa ra những cảnh tượng trước mặt mà không bao giờ đưa ra những cảnh tượng phía sau. Để rồi khi hình hay những thước phim được đưa ra công chúng, người ta chỉ thấy một đám quân tàn bạo, ác ôn, dí nòng súng vào màng tang những người dân không có một vũ khí trong tay.

Công chúng làm sao biết được tại sao ba mươi người còn sống đang ngồi trên sân kia.
Công chúng làm sao hiểu được bọn chàng phải tốn bao nhiêu công sức để thuyết phục, để hù dọa, và đôi khi muốn nổi khùng vì đám dân bất trị này.
Và cách cuối cùng là liệng xuống hầm một trái lựu đạn khói.
Để cho họ được sống.
Họ phải cám ơn bọn chàng thay vì chửi rủa kết án.
Nhưng thôi. Chỉ cần tâm hồn mình được an ổn là được rồi.
Đó là điều mình giữ gìn khi nhớ lại một thời xưa cũ.
Phải không?

Những gương mặt người ló hiện ra giữa màn khói dày đặc, Những tràng ho sù sụ. Những đôi mắt dầm dề nước mắt. Những khối đá đau thương nhất lầm than nhất như mang trên vai từng người một đang di chuyển. Và cả tiếng khóc thét của những đứa con nít còn đang bú vú mẹ.

Nhưng tất cả rồi cũng qua, miễn là họ còn được sống, được thở.
Cho dù họ nhìn chàng bằng đôi mắt chất chứa thù căm. Mặc.
Tự nhiên lòng mình đâm thấy lớn rộng bao la bát ngát như tình yêu thương loài người của Chúa Phật.

oOo

Trung đội được lệnh nghỉ để dùng cơm trưa. Họ sẽ trở về hậu cứ vào buổi chiều. Tin thật vui cho đám lính. Dưới gốc cây xoài, thiếu úy Tân bàn với hạ sĩ nhất Cày:

“Bọn mình đào huyệt để chôn mẹ con bé. Ông kêu một số anh em đi làm việc này. Nghe nói ông giỏi địa lý lắm hả?”

“Giỏi thì không dám nói giỏi. Nhưng với cảnh này, dù là bậc thầy cũng chịu thua thiếu úy.”

Ông già phóng lựu bỏ đi. Hạ sĩ Sinh, y tá trung đội đã xé một đoạn băng trắng rồi nói với con bé:

“Em bé lại đây để anh quấn khăn tang cho em.”

Con bé đứng trơ như khúc gỗ. Nó không hiểu tại sao người ta lại làm như vậy. Đầu nó vẫn cúi xuống và khóc thút thít. Y tá Sinh nói:

“Em tên gì?”
“Dạ tên Mơ.”
“Mơ, tên đẹp quá. Em có pháp danh không?”
“Dạ có. Nhưng con quên rồi.”
“Này, em bé.”
“Dạ.”
“Em còn đau không?”
“Dạ còn.”
“Này em bé.”
“Dạ.”
“Em sửa soạn theo bọn anh đưa đám tang mẹ em nhé.”

Rồi người y tá vuốt tóc con bé:

“Em mang tạm cái khăn này nhé. Một người có cha hay mẹ chết đều phải quấn vành khăn tang trắng để tỏ lòng thương nhớ cha mẹ...“

Tiếng khóc của con bé lại bựt phát, như ngất đi.

“Chốc nữa em sẽ ở bên huyệt rồi em sẽ ném đất xuống huyệt chôn mẹ nhé.”

Hạ sĩ nhất Cày trở về. Toán lính bắt đầu dùng tấm chiếu vừa tìm thấy trong một ngôi nhà dân. Họ bó xác đàn bà vào trong chiếu. Sau đó họ dùng chiếc đòn tre để khiêng ra nghĩa địa. Con bé vùng dậy chạy. Nó níu lại bó chiếu và gào: Mẹ ơi. Mẹ ở lại với con...


Nguồn: Đăng trên tuần báo Khởi Hành, cơ quan của Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội QLVNCH vào năm 1969 dưới tựa đề “Bên kia cầu”. Được viết lại tại Hoa Kỳ vào năm 2002.

©2010 Trần Hoài Thư

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011