Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

13.  

Anh Tiệp trở lên phố núi. Nghe nói anh và Cao Nguyên đã ngó lại nhau. Chùng lén thôi. Mùa lụt năm sau anh không về thăm Phố. Lũ về không cao như năm trước nhưng cũng đủ để cô giáo, học trò quây quần đổ bánh xèo trên gác lửng sắp đầy lồng đèn bâng khuâng nhớ lại mùa qua. Khung cửa mở ra khoảng đường phố ngập nước vắng không một bóng người. Mây xám bay là đà trên dãy mái rêu làm phố tưởng vần vũ chao theo.

- Phải chi chú Tiệp còn ở nhà thì mình có xôi đậu  ăn rồi phải không cô.

Xuyến háy mắt chanh chua.

- Xí, mấy trò nuốt bánh xèo chưa xuống hết bao tử đã bắt đầu đi kiếm ăn rồi.
- Tụi tui chỉ là nhớ người ra đi... rồi nhân tiện nhớ luôn tới gói xôi đậu phụng thôi chớ bộ.

Đám học trò con trai cười hì hì phân bua rồi xin cô giáo chống xuồng đi coi lụt, trả yên lặng lại cho Nữ ngồi đăm chiêu bên cô bé học trò. Xuyến thích thú săm soi tập ảnh sắp nhiều hình mới từ Mỹ gởi về. Nỗi xúc động buồn vui quen thuộc lại trở về với Nữ mỗi khi nhìn hình các cháu mau lớn xinh tươi. Bao giờ nàng mới có được hạnh phúc ôm vào lòng mình những khuôn mặt thân yêu mà vợi vời xa cách, dù thật xa bên kia biển rộng hay ngay trong vòng tay lòng phố nhỏ thân thương. Thằng Bờm cao lớn  trong bộ đồng phục chơi dã cầu nhìn lạ lùng quá, Nữ chưa hề thấy bao giờ. Bé Phương non nã như một nàng tiên bé nhỏ, tóc búp bê đen tuyền bên bầy bạn mắt xanh tóc vàng óng như tơ.  Bé Huy vừa vào mẫu giáo. Ông thầy Anh văn “khó tính” của mẹ Nương đó. Chị ngồi bên con, mắt phảng phất nét buồn. Bên này cháu Huân lên bảy. Chị Quế có khi dắt con ngang qua hợp tác xã, dừng lại hồi lâu ra vẽ thờ ơ nhìn những chiếc đèn lồng để Nữ được thoáng nhìn mặt cháu. Bé Hà lúc nào cũng u buồn ngơ ngác ngồi trước hiên nhà, mếu máo khóc không thành tiếng trong tiếng quát mắng của mẹ.

Thương quá bầy con của anh Niên. Đứa nghìn trùng xa, đứa sống ngay trong lòng phố nhỏ, trong vườn nhà xưa chưa một lần gặp mặt nhau. Tủi cho những đứa con chẳng hề biết mặt cha. Tội cho Nữ phải ôm choàng bưng bít sự thật oan trái chẳng thể san sẻ cùng ai. Nỗi khổ đau phải nín câm của một người chứng bất lực khiến Nữ chỉ còn biết khóc ròng những lần thức giấc giữa khuya, hay sớm trên đồi còn váng vất cay cơn trằn trọc đêm dài.

Con Xuyến ngạc nhiên cầm lên tấm hình chụp nó đang bán quà lưu niệm cho một bà du khách người Âu trước Chùa Cầu.

- Cô rửa nhiều hình màu ghê! Có cả hình em nữa. Cô chụp khi mô rứa? 

Nữ nhìn đôi mắt mở to trên khuôn mặt thanh gầy. Ánh mắt ngước lên nài nỉ đợi chờ nhìn mà xúc động nao lòng.

- Cho em đó. Đem về cho mẹ xem. Hôm đó em có bán được hàng không?

Xuyến lắc đầu.

- Bà khách người Liên-Xô. Tiếng Anh cũng không rành. Em với bà ta bặp bẹ qua về với nhau một hồi. Bả kẹo quá, trả treo một hồi rồi bỏ đi không mua.

Con bé thoăn thoắt trải xấp hình màu lên sàn gác.  Nữ thú vị nhớ lại những cuộn phim chị Nhi gởi theo máy hình lần nhận quà sau Tết. Theo dặn dò kín đáo qua thư, Nữ tìm được tiền anh Dõng khéo léo giấu kín bên trong nhiều cuộn phim rỗng ruột.

- Cô tập chụp cái máy hình của người chị gởi về từ mấy tháng ngay.  Hai tiệm Huỳnh Sau ở Hội An và Đà Nẵng đều chưa rửa được hình màu. May nhờ có người quen mang giùm vô rửa trong Sài Gòn. Màu không đẹp bằng hình Mỹ gởi về, nhưng rứa là tốt lắm rồi.

Xuyến chỉ vào tấm hình bé Huân cầm bong bóng đứng bên mẹ, Nữ lén chụp lúc họ đứng trước hợp tác xã.

- Thằng bé ni nhìn quen quá cô ơi!? Hình như là cháu ngoại ông Chủ Tịch Huyện. Chắc cô có quen với người mẹ? 

Nữ ngập ngừng xúc động.

- Chỉ biết sơ thôi. Người mẹ học cùng lớp với anh cô ngày trước ở trung học. Thấy cháu cầm bong bóng dễ thương nên cô đứng chụp từ bên trong hợp tác xã lúc họ đứng lại ngắm lồng đèn trước tiệm.

Xuyến cầm lên tấm hình bé Hà xinh xắn trong áo đầm ngồi một mình trước hiên nhà. Chiếc áo và vài món quà khác cho cháu từ Mỹ gởi về khiến bà vợ người bác họ đon đả thân mật với Nữ một thời gian ngắn.

- Con bé hiền quá mà bà mẹ thì dữ như chằng. Mỗi lần em dừng ngang trước cửa hàng quốc doanh chưa kịp đi thì bã đã chạy ra hoạnh họe đuổi như đuổi tà.
- Cô gọi bà “chủ nhiệm cửa hàng” là bác đó. Không được nói xấu cán bộ nhà nước nghe!

Con Xuyến ngờ ngợ nhìn Nữ rồi chợt hiểu ra cười xòa theo câu đùa của cô giáo.
Hai người chụm đầu nhìn ngắm xuýt xoa từng tấm hình mà màu sắc đã làm cho sông nước, mặt người tươi tắn hơn. Cả những ngôi mộ chí cũng bớt hoang sầu.
Những tấm hình như từng trang nhật kí đầy màu sắc của tháng ngày bận bịu, thương nhớ chẳng rời.

Không hẹn mà giấy báo lãnh quà của Nữ và dì Nơi về cùng lần với bác Chức. Dì Nơi theo ghe từ ngoài Lao về nhà Nữ cả mấy ngày trước hôm đi Đà Nẵng.

- Dì mừng quá mà ở ngoài đảo đi ra đi vô không dám khoe với ai. Thôi vô trong Cửa nói chuyện với cháu cho bớt quýnh quáng.

Quen với thủ tục lãnh quà và thói đòi ăn của cán bộ kiểm hàng, ba người mau chóng nhận hàng rồi ì ạch theo xe đò về lại Hội An.

Dì Nơi ngồi nghe Nữ đọc thư chị Nương mà mắt chẳng rời mấy tấm hình chụp con gái nuôi và bé Huy. Ngón tay chai cứng một đời dì đan võng ngô đồng run run trên mặt cháu ngoại như muốn ôm choàng vuốt ve hình ảnh nhỏ nhoi ngày cháu ra đi, để lại âu sầu mãi ngập tràn trong lòng bà thương cháu như biển triều dâng. Dì Nơi nhìn món tiền moi ra từ trong ống kem đánh răng. Dì không thể tính toán hay hình dung ra giá trị nhiều tới mức nào nhưng thế nào rồi dì cũng sẽ gói ghém làm hết những việc Nương muốn lo cho người chết và người còn sống. Tội nghiệp con gái, một mình, một mẹ một con vất vả quê người mà vẫn luôn nhớ về đùm bọc người thân. Nữ vịn vai dì Nơi, nàng đứng lặng nhìn hồi lâu dòng lệ vui đọng trên đôi má gầy nhăn tuổi đời rồi sẹ bước ra trước sân nhà.

Trời nở sâu vào đêm sáng màu trăng. Đầm sông trải lụa ngà, chập chờn bờ lau phía cù lao Thuận Tình chìm ngút vào ánh vàng mông lung bất tận. Gió thoảng mùi bông trang từ phía phần mộ gia đình lằng lặng hương đêm. Nữ nghĩ tới nỗi lòng tâm sự chị Nương trang trải trên trang thư mà bâng khuâng không biết lòng mình đang buồn hay vui. 

Người sương phụ chưa tàn xuân một mình bươn chải nuôi con. Cuộc sống bận bịu mà lòng thì chẳng lúc nào nguôi thương nhớ mối tình đầu với người chồng đã khuất. Dòng suối tình yêu trên hải đảo quê nhà vẫn thì thầm lời tình tự chiêm bao qua những đêm dài. Nương chỉ mong được hôm sớm nuôi con và ở yên với hình ảnh Niên sâu sắc trong lòng. Thế mà gần đây lần tìm thăm của người sĩ quan Hải Quân lái chuyến tàu vượt biên hãi hùng mấy năm trước đã khiến nàng phân vân khó nghĩ. 

Sau ngày rời trại tị nạn đi định cư, anh Việt vẫn giữ liên lạc với mẹ con Nương như một người bạn lớn. Việt là bạn cùng khóa với anh Dõng nên sự thân tình càng gắn bó. Năm đầu định cư, đôi lần qua điện thoại anh buồn buồn kể chút chuyện nhà không vui nhưng lúc nào cũng tránh không trả lời chi tiết.  Sau đó anh Dõng cho hay Việt và vợ đã li dị. Người vợ quen sống phóng túng ngay từ thời gian anh còn bị giam cầm trong trại cải tạo ở Việt Nam. Gia đình đoàn tụ, anh kiên tâm chờ đợi nhưng cách sống hai người đã quá cách biệt không thể gàn gắn nên phải đành đường ai nấy đi. Dịp Tết vừa qua anh bay lên Song Thành thăm bạn cũ. Anh Dõng gặp lại bạn hơn mười năm xa cách, tay bắt mặt mừng vui đến mấy ngày. Câu nói đùa bác Việt đi chuyến này là để gặp bé Huy đánh gỡ huề trận cờ tướng thua ở trại tị nạn khiến cả nhà cười giòn giã. Nương và con mừng rỡ gặp lại bác Việt sau ba năm chia tay ở trại Bataan . Trước ngày về lại nhà, anh Việt mời mẹ con Nương đi ăn ngoài. Họ qua buổi tối vui vầy nhắc nhớ kỷ niệm thời gian sống ở trại tị nạn. Trước lúc chia tay anh ngỏ ý muốn được với Nương vui buồn trắc trở có nhau làm lại cuộc đời.  Quá bất ngờ và xúc động, Nương chỉ còn biết ấp úng cần thêm thời gian suy nghĩ và xin ý kiến chị Nhi cùng gia đình người thân bên nhà. Anh cười nhỏ nhẹ, chờ bao lâu anh cũng sẵn lòng, chỉ mong Nương cho anh gọi thăm thường xuyên hơn. Mẹ con Nương đứng dưới hiên nhà nhìn theo bóng anh khuất theo dòng người xe cuối phố.  Nhìn con vui vì sắp được bác Việt dẫn đi tắm suối như những ngày còn ở trại tị nạn, lòng Nương dâng trào niềm vui bâng khuâng khó tả.

Mùi hoa thơm nức tỏa ra từ  bụi trang trắng chập chờn dưới bóng trăng giúp Nữ nhận ra vừa dừng chân trước mộ anh Niên. Hình ảnh lần cuối cùng ngồi với anh dưới mái hiên nhà trở về trong trí nhớ rõ ràng như màu nắng đẹp buổi chiều hôm đó. Anh là người phá vỡ vùng thinh lặng mong manh mà tưởng triền miên của thời gian tàn lụi chia tay. Anh thiết tha kể chuyện tình mình với cô gái trên hải đảo. Về lòng anh hối tiếc vô ngần đã bóp chết non hạnh phúc ước thề làm rã tan giấc mơ đẹp đời người con gái trong ly biệt không ngờ. Nữ bồi hồi nhắm mắt... Hình ảnh anh Niên chèo đò qua đầm sông nhạt nhòa sương sớm lần cuối trong đời ràn rụa trôi.

Lúc Nữ trở lại sân nhà, dì Nơi đang đứng trước cửa thấp thỏm chờ. Tin chị Nương có người cầu hôn làm bà mẹ mừng rơn. Dì Nơi vui mà đứng khóc ròng giữa đêm.

Con Xuyến nhón chân bước qua nền nhà lắp xắp nước hé mắt nhìn ra ngoài qua khe cửa khép. Tiếng người hớt hải lẫn trong tiếng xuồng khua chống trên lòng đường đánh thức khoảng phố nằm im lìm ngái ngủ trong buổi chiều lũ rút. Con bé chưa kịp trả lời Nữ thì hai cậu học trò đã mở toang cánh cửa, vội vã kéo chiếc xuồng nhôm vào tận chân gác.

- Cô xuống xuồng lẹ lên, tụi em chống ra bờ sông! Nghe nói người bà con của cô bị chết trôi.

Lũ bắt đầu rút từ đêm qua, tuy thế đường dọc bờ sông vẫn còn lai láng nước. Ngoài xa nước sông Thu Bồn cuồng nộ chảy làm ngã nghiêng hàng tre phía bờ xa chới với cố vươn mình qua làn nước cuộn.  Công an, lính huyện đội đứng ngồi chỉ trỏ trên nhiều ghe xuồng chèo chống ngổn ngang trên vùng nước gần bến đò.  Người hiếu kì kéo tới mỗi lúc càng đông như chợ nổi, mỗi người mỗi ý bàn tán xôn xao.

- Chiều nào ổng cũng ngồi nơi cái quán bán bia hơi dưới nớ tề.  Nghe nói ổng mất tích đã ba ngày rồi, từ bửa nước lũ về. Huyện đội thì tưởng ông ở nhà. Bà vợ thì nghĩ  là ông ở lại cơ quan. Tới trưa nay nước lụt rút xuống, người chủ quán thấy chiếc xe đạp của ông huyện đội phó nằm kẹt giữa hai cây cột bên vách quán mới tri hô báo cáo công an.
- Của đó mà không thấy người, chắc xác trôi tấp đâu đó ngoài cù lao Thuận Tình rồi.
- Hai ba năm trước, hồi bà vợ sinh được đứa con gái, cha già con muộn rứa mà ngồi ở đám nhậu nào ổng cũng nói cười vui vẻ. Gần đây thì chỉ ngồi một mình, im lìm, chẳng nói chẳng rằng. Nghe nói là ổng sắp bị đẩy về vườn.
- Thì có chi lạ mô hè !? Sau bảy lăm, mấy ông tập kết về đẩy mấy ông nằm vùng, ba lẻ bốn ra rìa, bây giờ thì cán bộ ngoài Bắc vô lấn văng mấy ông gốc miền Nam cho về vườn.

Đám đông chợt im bặt, bầy xuồng đò giạt tóe ra hai bên nhường chỗ cho người du kích huyện đội chống chiếc xuồng nhôm sơn màu lính chậm chạp đi vào giữa đám ghe xuồng của nhóm người đang chuẩn bị việc tìm cứu.  Người đàn bà hai tay vin chặt be xuồng, lớn tiếng thúc hối tìm chồng. Bà tru tréo mắng mỏ hồi lâu rồi ôm mặt khóc rưng rức. Nữ lo lắng thấy bé Hà ngồi ôm cứng lưng mẹ, ánh mắt bé đầy sợ hãi nhìn nước vây quanh. Nàng vẫy tay cho bé Hà yên lòng rồi chống xuồng về phía cháu. Nữ tìm lời khuyên giải bà vợ người bác họ vài câu rồi ngỏ ý săn sóc giúp bé Hà trong lúc bà bận chuyện kiếm tìm. Người đàn bà nín khóc nhìn Nữ lúc nàng bồng bé Hà qua xuồng, đặt cháu ngồi an toàn giữa ba cô cậu học trò.

Trên căn gác khô ráo ấm áp, bé Hà yên ổn bên Nữ và các anh chị vui tính hay đùa. Nữ sung sướng nhìn nụ cười tươi nở trên môi bé. Con Xuyến săm soi nhìn chiếc nơ nhung đỏ vừa cài lên tóc bé Hà rồi chợt quay nhìn Nữ chăm chú.

- Cô với bé Hà chỉ là bà con xa mà răng giống nhau quá. Đi ngoài đường chắc ai cũng tưởng là mẹ con.

Nữ ôm siết cháu vào lòng, nhắm mắt lặng yên. Nàng ôm choàng niềm hạnh phúc côi cút vừa ập tới. Nữ muốn ở yên với nỗi xúc động của tình ruột thịt và  hình ảnh anh Niên  mãi đằm thắm trong lòng.

Mấy ngày sau dân đi vớt củi sớm ở cuối đầm sông đã phát hiện ra thi thể của người mất tích lều bều cùng gỗ mục trên nguồn theo nước lụt trôi về.  Trên đò dọc về Phố, Nữ đứng ngoái nhìn toán người đang lặn lội vớt thằng chổng lên bờ  lòng cứ mãi bâng khuâng về những kiếp người. Từ lâu, đối với nàng, bầy người như ông bác họ ví như lũ lụt từ rừng rú  kéo phăng về đồng bằng làm tàn hoại làng mạc ruộng vườn và đảo lộn biết bao giá trị nhân sinh đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ, để rồi chính họ bị gặm nhấm bào mòn thành củi mục rệu rã trôi sông. Phải chăng chủ nghĩa, giáo điều, thù hận, đói nghèo đã khiến người thanh niên cục mịch hiền lành ra đi từ bến đò Cà Tang trên ngọn sông Thu trở về thành kẻ táng tận lương tâm? Nữ rùng mình như còn nghe tiếng rít khô giòn làm rực sáng đóm lửa thuốc lào trong đêm tối hằn soi nhếch môi thâm dã thú vô luân. Nàng nhớ tới cha từ biển về, xác gói manh buồm.  Nhớ mẹ tâm bệnh héo mòn lúc lâm chung. Nhớ anh Niên nằm chết bên bờ nước.  Nhớ đời lận đận của mẹ con O Đà. Nhớ anh chị xa. Nhớ Tuân thất lạc phương trời. Nhớ mình bơ vơ côi cút. Nỗi nhớ tràn lan theo dòng nước mắt cuốn trôi đi phần nào oán hờn còn quá hằn sâu. Thôi thì cũng rồi một kiếp nhân sinh.

Đám tang ông huyện đội phó được tổ chức khá rình rang. Xe chở quan tài, vòng hoa, khẩu hiệu, cán bộ, du kích huyện đội lũ lượt một đoàn kéo nhau từ Hội An đến nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Ngọc. Đó là một ngày khô ráo giữa mùa mưa lụt. Chẳng hề nhắc tới nguyên do cái chết vì uống rượu say bị chết trôi, ông chủ tịch huyện chăm chỉ đọc báo cáo  thành tích của cố đồng chí huyện đội  trong kháng chiến, tinh thần đi đầu vượt khó giữ gìn an ninh cho huyện sau ngày cách mạng thành công và gần đây đã gặp tai nạn trong lúc tích cực lãnh đạo việc phòng chống lũ lụt.   
Nữ bồng bé Hà đứng lơ đãng nhìn trời trong lúc quanh nàng rềnh rập tiếng tung hô. Bỗng dưng màu trắng của mây khiến Nữ chợt nhớ ra chiếc áo tang vải thô mặc trên người đứa  cháu gái mồ côi.

Người đưa đám thông cảm nhìn những giọt nước mắt lăn trên má cô cháu gái của người quá cố lúc Nữ ôm bé Hà thiu thiu ngủ trên vai rời đám đông. Cõng cháu trên lưng Nữ sải bước lên dốc cát về phía mộ phần anh Niên trong hơi thở gấp vì vội vã đạp xe và nhanh tay chèo qua quảng đầm sông.

Bé Hà ngơ ngác nhìn tấm ảnh của người đàn ông trên bia mộ nhưng rồi cũng làm theo chỉ bảo của Nữ. Bé vụng về cầm nhang cúi lạy rồi lo sợ khóc theo khi thấy nước mắt chị Nữ ràn rụa rơi.

 

14.

Mới qua bốn giờ sáng mà bến xe Miền Tây đã người xe chộn rộn. O Đà gói ổ bánh mì thịt bỏ vào chiếc xách tay của Nữ.

- Rứa là cháu không muốn O đi theo phải không? O cười... Ời mà mi đi tìm trai, mụ O già ni đi theo làm chi cho mất duyên.

Nữ nhìn về phía đám đông đang giành lấn nhau trước ki-ốt bán vé xe giữa bến, nói đùa theo người O bà con vui tính.

- O ni thiệt! Có ai mà như O? Trốn nhà bỏ theo trai đi biệt cả phần tư thế kỷ  mới về.

Người thanh niên cao gầy trong chiếc áo bộ đội vẻ mặt hớn hở rảo bước khỏi đám đông  về phía hai người.

- Có vé cho chị Nữ rồi. 

Thằng Lai trao cho Nữ tấm vé xe đi Cà Mau rồi nhìn mẹ.

- Còn có tiền cho hai má con mình mua vé xe về Bình Dương nữa. Sắp hàng sớm vậy mà mém chút nữa là hết. Tụi nó thuồn ra ngoài bán theo giá chợ đen cả nửa số ghế trên xe. Sợ bể mánh với đồng chí thương binh bộ đội này nên tụi nó bán cho con hai vé. Con bán lại một tấm kiếm lời.

O Đà lắc đầu cười nhìn con trai.

- Khỏi cần anh Hai à! Má con mình bữa nay giàu rồi. Chị Nữ mới cho má tiền, lao động cả năm cũng không bằng.
- Cháu cũng nghèo thấy mồ. Tiền là của chị Nhi gởi về biếu bà con mỗi người một ít. Cháu chỉ chuyển tới tay O thôi.

Ba người đi về phía chiếc xe đò dài cũ kỹ đậu cuối bến. Lai giành xách hành lí từ tay người chị họ, chen lấn mở đường cho tới lúc Nữ  ngồi vào được chỗ ghế sát cửa sổ sau lưng tài xế. Anh đặt chiếc xách tay lên chân chị, dặn dò thân mật.

- Vật bất li thân nghe chị Nữ. Ở đây chớ không phải Hội An đâu nha!

 Chuyến xe đò tài nhứt đi Minh Hải rời xa cảng Miền Tây lúc đèn đường còn sáng. Nữ thò đầu ngoái nhìn hai má con O Đà đứng vẫy tay giữa đám người nhốn nháo. Mấy ngày thăm gia đình O Đà ở vùng kinh tế mới trên Sông Bé giúp Nữ hiểu thêm cuộc sống vất vả nhọc nhằn của anh em Lai, Lụa. Thương O chi lạ! Hình ảnh O ngơ ngác trở về thăm quê sau nửa đời người lưu lạc rồi cùng cháu băng rừng vượt suối tìm anh Niên trên đất Nam Lào theo trí nhớ lồng lộng trở về như gió sớm thổi đùa tai tóc.  Hàng cây bên đường loáng thoáng chúi ngược về sau, nối vào hun hút xa dài sau đuôi mắt khép con đường đất vương bụi đỏ nằm im lìm vắt qua vùng kinh tế mới đìu hiu. Bóng dáng ba mẹ con O Đà nhỏ bé lạc loài trong xao xác cánh rừng lồ ô  thăm thẳm bạt ngàn.

Chiếc xe đò gầm gừ lăn bánh ra khỏi thành phố. Xe lúc chạy lúc dừng giành mối bên đường. Khách mới đa số là những người buôn hàng chui ngồi chật như nêm trên những chiếc ghế xúp đặt chen giữa hai hàng ghế. Tiếng người chen lấn, thúng mủng bao bì cất giấu va chạm gây nên cảnh hỗn độn trong lòng xe nhốn nháo. Nữ nhìn thế giới chộn rộn, tất tả quanh mình mà cảm thông với anh lơ xe mồ hôi mồ kê, mãi tất bật dàn xếp tiếng lời tranh tụng, đôi co của cánh bạn hàng kẻ sau người trước đứng ngồi lổm nhổm. Trong tiếng rì rì của cổ máy xe già nua cần mẫn phục tòng, người tài xế già vẫn ngồi bình thản đọc báo sau tay lái và tiếng cười con buôn vừa yên tâm ngồi xuống bên nhau sau khi hàng hóa được an toàn cất giấu. Nàng chợt thấy ra nét phô hiện tuyệt vời về sức cuốn hút mãnh liệt mà êm đềm của cuộc sống thôi thúc chẳng chịu ngừng nghỉ. Của một lần ra đi, một chuyến lên đường. Nữ cảm thấy yên lòng nghĩ tới đường xa đang ngắn lại lúc xe qua loáng thoáng những địa danh xa lạ Bến Lức, Gò Đen...

Suốt năm qua Nữ mãi bận rộn với những chuyến đi giữa hai lần Tết để làm tròn bổn phận như một trưởng nam trong gia đình. Mùa Xuân trôi qua theo những chuyến đò ra cù lao Chàm giúp dì Nơi trông coi việc xây sửa lại nhà và lăng mộ mẹ chị Nương nơi nghĩa trang bãi Làng.  Sau đó là chuyến đi vất vả, hai dì cháu ra tới quê chị Nương cải táng mộ người cha về nằm bên mẹ. Quê ruột mà quạnh quẽ không ai thì thôi triền đảo xa nơi mộ chí quây quần chồng vợ chính là nơi đất trích cho đời sau hương khói ấm lòng. Và cho cả đứa con xa.

Chuyến tàu lửa Thống Nhất thả Nữ và dì Nơi ngơ ngác xuống ga Mỹ Chánh. Sau gần nửa ngày hỏi han, đi bộ, đi xe đạp thồ, cuối cùng hai dì cháu tìm tới được làng quê chị Nương lúc trời đã chạng vạng tối. Trú tạm qua đêm với gia đình người bà con xa của chị Nương, sáng ra lúc hai dì cháu mướn được người đào mộ, đang sửa soạn cúng thì công an thôn tới làm khó dễ, đòi phải có giấy phép của ủy ban xã. Chẳng lạ lùng chi cái thói làm tiền của mấy ông hương kiểm đỏ, Nữ đành phải mở hầu bao, hối lộ để được việc mình. Không may là đang lúc trả treo thì gã thôn trưởng đánh hơi được nên đành phải tốn kém gấp đôi. Hai dì cháu hối hả cúng vái, hối hả ôm tro cốt người quá cố chứa trong hủ sành nhỏ đi xe đạp thồ  ra ngủ dật dờ qua đêm ở phòng trọ khu xóm ga Mỹ Chánh chờ tàu Nam vào lại Đà Nẵng.  Dì Nơi thở phào nghe tiếng còi tàu thét vang lúc đoàn tàu sình sịch chuyển bánh.

- Rứa là thoát rồi. Dì cứ sợ dại họ kéo ra thêm một đám người trên xã xuống nữa thì không biết lấy tiền mô mà trả.

Nữ nhắm mắt nghĩ tới cái thôn nghèo nằm thoi thóp trên bãi cát bên cánh đồng muối trắng nắng chang, xác xơ những lùm dứa dại. Dì Nơi chép miệng.

- Mình đã nghèo rồi mà họ thì càng rớt mồng tơi. Đúng là cái đất chó ăn đá gà ăn muối.

Dì Nơi mừng rớt nước mắt ngày cúng tạ tân gia. Hai dì cháu vui nhìn ba ngôi mộ mới xây nghi ngút khói hương. Dì Nơi tưới bát nước cúng lên cây ngô đồng mới trồng dưới chân ngôi mộ gió cạnh nơi yên nghỉ của chồng. 

- Dì còn trẻ măng mà lo xa quá là xa. Chưa chi mà đã lo sinh phần.
- Dì sống đủ rồi con. Nếu được chết vào lúc này thì dì cũng đã mãn nguyện lắm rồi.

Nữ ngồi xuống bên người đàn bà mắt đỏ hoe vì mừng vui xúc động.

- Rứa thì dì hứa với cháu đi! Hứa là mười mấy, hai mươi năm nữa nếu ngô đồng trên đảo không còn để đan võng nữa dì vẫn dứt khoát không đốn cây này nghe.

Dì Nơi ngó về phía cửa biển.

- Thôi cô ơi! Tính chuyện gần may ra tui còn làm được. Mấy tháng tới đây, khi mô xây nhà thì dì sẽ vô giúp cháu chuyện cơm nước dọn dẹp.
- Nhà xây lại trên nền cũ, chắc không có chỗ để dì dọn dẹp mô. Cậu Chấn trên Quế Sơn xuống trông coi việc xây cất có lẽ phải ở tạm bên hàng xóm... Cháu chỉ xin dì gầy cho mấy nhánh dây dưa tây và vài cây ngô đồng. Cháu đang mơ tới bông ngô đồng nở rực trước sân nhà vào mùa Xuân. Đẹp quá hả dì !? 

Ngôi nhà khang trang nhất xóm chài hoàn tất vừa kịp mùa mưa bão. Hai cây ngô đồng cao tới vai người, dì Nơi khệ nệ mang vô từ đảo rồi cặm cụi trồng trước sân nhà cả tháng trước đó.  Mấy nhánh dưa tây ngo ngoe trổ cành, vòi vươn xanh mon men bám lên giàn bên hông nhà. Cậu Chấn sạm đen hẳn đi vì mấy tháng dang nắng chỉnh tề trong áo dài quốc phục quì lạy trước bàn thờ trang trọng nến đèn. Ảnh cha mẹ, anh Niên rọi lớn đặt trước bài vị như mỉm cười với Nữ. Nàng mừng rỡ đón dì Chanh, bà con từ Quế Sơn xuống và bạn bè thân thuộc trong Hội An ra thăm.  Bé Hà xinh tươi áo mới, đứng nép bên mẹ e ngại nhìn đám đông người lớn đang quây quần nói cười rộn rã.  Cử chỉ không mấy tự nhiên của người bác dâu và ánh mắt đăm chiêu thỉnh thoảng lén nhìn lên ảnh anh Niên khiến lòng Nữ thoáng xúc động. Nàng ngoắc bé Hà đến bên bàn thờ.

- Hà ơi! Đưa cho mẹ giùm chị bó nhang để chút nữa ra thăm mộ có mà thắp.

Dì Nơi vuốt tóc cô bé.

- Người ta vai chị đó nghe! Chị Hà ơi... mới đúng chớ!?

Mọi người cười vang sau câu đùa của dì Nơi.

- Thôi  các bác cho cháu xin. Bé chỉ mới tí tuổi đầu.

Người đàn bà nhìn Nữ tỏ vẻ biết ơn, dắt con bước ra ngoài sân nắng. Đoàn người theo cô bé tay ôm bó hoa phượng tây đi về phía nghĩa trang. Nữ bồi hồi đứng lặng dưới hiên nhà.

Trời hiền, mùa lũ qua lúc nào không hay. Nước nguồn về trào mấp mé bến đò mấy ngày rồi lặng lẽ trôi ra biển. Bầy học trò thất vọng không có dịp chống xuồng đi coi lụt rồi thòm thèm mùi thơm ngậy bánh xèo ăn từng cái từ lò ôm trên căn gác ấm. Gió bấc thổi về vàng lạnh những chậu cúc đại đóa trước chùa Tàu, báo hiệu trời đã sang mùa, và tết đang tới gần. Nữ náo nức chờ lãnh quà chị Nhi nhắn sẽ gởi về trước tết để được cầm trên tay bộ áo quần mới cho bé Hà và cháu Huân. Nàng phấn động với ý định tìm cách chụp hình chung hai cháu trước ngôi nhà mới để gởi qua Mỹ.
Đi Đà Nẵng lãnh quà về chưa hết vui thì Nữ nhận được bức thư lạ tận Cà Mau gởi ra. Trang thư ngắn nét chữ con gái kí tên Lục Hà viết nhắn về Tuân như cơn gió xoáy cuốn Nữ trốc khô qua mấy ngày tết.  Nỗi nhớ tưởng chìm lịm từ lâu chợt mở bung ra thế giới kì ảo chới với của cơn mộng du cũ còn sương đọng lưng trần.

Chiếc xe đò thắng gấp đưa Nữ trở về với hiện tại. Vét được nhóm bạn hàng ở Chợ Cai Lậy đông đúc người mua kẻ bán tấp nập dưới nắng mai, chiếc xe đò yên lòng rồ máy phóng nhanh.

- Gần tới Bắc Mỹ Thuận rồi nha bà con!

Tiếng người lơ xe oang oang cái địa danh xa lạ, hiếu kì làm trổi trong lòng Nữ một nỗi vui kì lạ. Tiền giang. Hậu giang. Lục Tỉnh. Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở. Ở trong cây trong lá ở bên sông. Dòng nước chậm chần chờ con sóng chở. Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng...  (Bùi Giáng).Gần như cùng lúc với trời lộ sáng chói chang, con sông hiện ra đột ngột, lớn lao và mê hoặc như một lừng lững chiêm bao. Nữ chăm bẩm nhìn rồi bềnh bồng trôi vào thiên nhiên đang quẫy mình trên sóng cơ man.Chiếc phà luống tuổi tròng trành chậm chạp qua sông. Nước tung tóe hai bên thành phà. Gió thổi phần phật qua xe, qua người,  qua tiếng hát buồn của người hát dạo. Thành phố buồn nhớ không em...

(còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011