Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

CHUYẾN XE LỬA CUỐI NĂM

Hà Bạch Trúc

Chỉ còn vài ngay nữa là đến Tết Nguyên Ðán. Năm nay mùa đông Âu châu thật khắc nghiệt. Bão tuyết kéo dài lê thê, hết đợt này đến đợt khác. Tuyết trắng bao trùm vạn vật; cỏ cây xơ xác tiêu điều. Ở đây Tết đồng nghĩa với mùa đông lạnh giá và sự khác biệt phong tục với người bản xứ. Còn đâu những cái Tết đầm ấm trong tình thương yêu của gia đình và tràn đầy niềm vui với bạn bè trong bầu không khí náo nức của những ngày trước Tết. Tuy nhiên mọi người Việt ở đây, ai cũng cố gắng chuẩn bị không ít thì nhiều để tạo không khí tết cho gia đình.

Ðứng co ro trên thềm ga chờ xe lửa, tôi bỗng nhớ đến không khí se se lạnh của Sài Gòn trong những ngày cận Tết. Tôi thấy tôi, con bé nhỏ xiú, chạy chơi quanh cột đèn trước sân trường vắng lặng, đợi nhà đến đón trễ vì hôm đó mẹ tôi phải đi chợ Tết.

Bước lên xe lửa, tôi tìm một chỗ vắng người để ngồi yên tĩnh, hoạch định những điều phải làm để chuẩn bị đón tết. Hình như xe lửa chiều nay vắng hơn mọi hôm, hay là người ta đã bắt đầu nghỉ làm để chuẩn bị tết? Nghĩ xong tôi mới biết mình lẩn thẩn, sắp đến tết ta chứ có phải tết tây đâu mà bảo tây nó nghỉ làm để chuẩn bị. Mình đang ở Hòa Lan chứ có phải ở VN đâu, tôi tự nhủ. Trên cả toa xe lửa 62 chỗ ngồi này, chắc gì có ai khác ngoài mình ra biết được sắp đến ngày Tết Nguyên Ðán Việt Nam?

Cởi áo choàng ra, tôi theo thói quen vừa ngồi xuống là nhắm mắt lại ngay, buổi sáng là để tiếp tục giấc ngủ đang ngon mà phải thức dậy đi làm, buổi chiều là để lấy lại sức chút đỉnh trước khi về đến nhà cơm nước cho chồng con. Hôm nay thì khác, nhắm mắt lại là để tính chuyện tết. Tôi nghe loáng thoáng tiếng mấy người khách Hòa Lan bước lên xe lửa, trò chuyện với nhau và lục đục ngồi xuống mấy băng ghế chung quanh. Chuyến xe lửa cuối ngày này thường chỉ toàn người đi làm hay đi học về. Phần lớn họ cũng như tôi đều làm việc trong thành phố Amsterdam nhưng nhà ở ngoại ô hay ở các tỉnh kế cận. Ðể tránh nạn kẹt xe trầm trọng trên khắp các nẻo đường dẫn đến Amsterdam vào buổi sáng và rời khỏi thành phố vào buổi chiều, phần đông chọn giải pháp xe lửa, đỡ bị stress và đến sở cũng như về đến nhà đúng giờ giấc. Cũng có những người chọn đi xe lửa vào mùa đông những hôm thời tiết quá xấu, tuyết rơi nhiều hay đường trơn trợt.

Ðang lơ mơ sắp xếp nào là thứ Tư đặt thịt, lỗ tai heo, lưỡi heo (chắc ông hàng thịt Hòa Lan lại tròn mắt nhìn tôi kinh dị, tự hỏi không biết cô này mua mấy thứ phế thải này để làm gì, cho ai ăn hay cho con gì ăn đây), thứ Sáu lấy thịt, thứ Bảy làm giò thủ, Chủ nhật  gói bánh tét, thứ Hai làm dưa món, dưa giá, thứ Ba đi tiệm Tàu ở Amsterdam mua mứt, mua hột dưa, thứ Tư kho thịt, hầm giò heo, xào miến, cúng ông bà ...

Bỗng nhiên tôi nghe có ai nói tiếng Việt Nam loáng thoáng bên tai. Tôi mở bừng mắt ra, vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm trong bụng. Tiếng Hòa Lan thì ngày nào tôi cũng nghe ra rả bên tai từ sáng tới chiều, chứ tiếng Việt Nam thì ngoại trừ ở nhà với ông xã và hai thằng con trai còn ra ngoài đường hầu như không bao giờ tôi được nghe hết.

Thì ra có ba cô gái Việt Nam vừa đến ngồi đối diện với tôi. Người nào cũng khệ nệ mấy cái túi xách đầy ắp đồ ăn mua ở mấy tiệm tàu Amsterdam. Không biết ba cô này ở đâu, chắc chắn không phải ở chỗ tôi rồi, vì trông ba cô lạ lắm. Hai cô dáng người đầy đặn, vẻ mặt nghiêm chỉnh và có vẻ lớn tuổi hơn. Còn lại một cô trông còn trẻ, dáng người thon thả xinh xắn, vẻ mặt sáng sủa và đặc biệt đôi mắt tinh nghịch vô cùng. Ba người ngồi phịch xuống ghế, mấy túi đồ ăn ngổn ngang chung quanh, chưa kịp cởi áo choàng ra thì xe lửa đã kéo còi rời ga và bắt đầu xình xịch chuyển bánh.

Trong bụng tôi tự nhiên thấy vui vui. Gần ngày cuối năm, chiều đi làm về mệt, trên một chuyến xe lửa toàn người bản xứ, gặp được người đồng hương, đồng ngôn ngữ, đồng phong tục, thử hỏi còn gì hơn? Tôi nhoẻn miệng cười làm quen, vừa định hỏi: “Mấy cô đi chợ mua đồ ăn Tết hả?” thì tôi nghe cô trẻ tuổi cất tiếng hỏi hai người bạn:

- Mấy bà có mệt không?

Một trong hai người kia chầm chậm trả lời:

- Mệt thấy mồ. Thấy cái gì cũng ham, mua nhiều quá xách mệt muốn chết!

Cô gái trẻ nhanh nhẩu đối đáp liền:

- Mệt thì lấy thạch dừa ra ăn cho đỡ mệt!

Nói xong không đợi ai trả lời, cô ta liền moi trong giỏ xách ra một keo thạch dừa và một cái muỗng nhỏ không biết đem theo từ lúc nào. Bằng một cử động gọn gàng thuần thục cô ta vặn nắp kéo bật mở một cách dễ dàng. Rồi một tay cầm keo thạch dừa, một tay cầm muỗng, cô ta múc thạch ăn một cách ngon lành, bất kể mấy người Hòa Lan ngồi gần đó nhìn cô một cách lạ lùng ngộ nghĩnh. Hai người bạn cũng theo gương cô gái trẻ mỗi người một keo thạch dừa, múc ăn ngon lành, vừa ăn vừa trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt Nam thật tự nhiên, không đếm xỉa gì đến mọi người chung quanh... Xe lửa đã qua mấy trạm rồi mà ba cô vẫn còn ăn uống và chuyện trò như pháo nổ.

Thấy mấy cô ăn uống say sưa thoải mái quá, tôi không muốn phá vỡ không khí riêng tư của các cô bằng cách chen vào câu chuyện, vả lại cũng không biết phải mở đầu như thế nào, cho nên tôi ngồi yên nhìn ra cửa sổ theo đuổi những ý nghĩ của mình. Bỗng tôi nghe cô gái trẻ cất giọng thật chua:

- Tôi đố mấy bà vậy chứ bà này người gì?

Không cần nhìn không cần suy nghĩ, tôi cũng biết cô ta đang nói về tôi. Trong toa xe lửa, ngoại trừ tôi và ba cô gái ra không có ai khác là người Á đông cả.
Không chờ hai người bạn phản ứng, cô gái trẻ trả lời tiếp luôn:

- Tôi dám cá bà này là người Nhật Bổn đó. Không đúng tôi cho mấy bà đánh tôi đó. Mấy bà nghĩ bả là người gì?.

Một trong hai cô thận trọng trả lời:

- Ai mà biết. Chắc là người Á Ðông thôi.

Lại giọng nhí nhảnh của cô gái trẻ:

- Tôi nói là người Nhật Bổn đó. Tướng của bả sang như vậy chắc chắn là người Nhật thôi.

“Nhỏ này nhiều chuyện thật” tôi nghĩ, vừa bất ngờ trước sự bạo dạn quá lố của cô gái trẻ, vừa tức cười hết sức trước tình cảnh khôi hài và đột ngột mà tôi bị đặt vào. Bây giờ thì tôi không thể mở miệng được nữa rồi. Chẳng lẽ mở miệng nói “Không, tôi không phải là người Nhật. Tôi là người Việt Nam”, thấy nó vô duyên làm sao ấy. Tôi thấy tốt nhất là mình ngồi yên luôn, làm bộ như không hiểu không biết gì hết, thử coi cô bé này còn giở trò gì nữa đây.

Thế là tôi tỉnh bơ tiếp tục nhìn ra cửa sổ... Xe lửa chạy băng băng qua mấy cánh đồng vắng chỉ thấy bò và nông trại ở xa xa. Cho đến lúc người soát vé bước vô, cất tiếng chào và mời mọi người xuất trình vé, tôi đưa vé của tôi cho ông già soát vé xem, và khi ông ta nói “Cám ơn” thì tôi tự động phát ra câu trả lời “Alstublieft” (You’re welcome).  Tức thì bên kia hàng ghế tôi nghe giọng nói của cô gái trẻ cất lên, lại cái cô gái trẻ này:

- Ðó mấy bà thấy chưa. Tôi nói có sai đâu. Bả là người Nhật mà, nói tiếng Hòa lan hay dễ sợ.

Phải cố gắng hết sức tôi mới nín cười được. Thật tình cái cô gái xí xọn này làm tôi khó xử hết sức. Gặp người đồng hương, trong một buổi chiều cuối năm cận Tết, nhớ nhà, nhớ quê mà cứ mỗi lần muốn bắt chuyện lại bị chận miệng một cách vô duyên như thế này thì thật là trớ trêu hết sức. Thôi thì nhắm mắt lại, tập trung tinh thần lo chuyện Tết của mình đi là hơn, đừng thắc mắc xía vô chuyện của người khác nữa. Nghĩ là làm, tôi ngồi yên nhắm mắt được một lúc, cảm thấy hơi thở bắt đầu đều đặn và thoải mái.
Tôi giật mình khi nghe giọng nói của cô gái trẻ lại cất lên:

- Mặt bà này khó chịu thiệt.

Trời ơi nhỏ này xí xọn quá đi thôi. Tôi cứng họng không biết phải nói gì bây giờ. Nãy giờ mình không nói gì hết, bây giờ người ta nói mình như vậy mình mới mở miệng thì quê quá. Tôi loay hoay với những ý tưởng trong đầu, tự hỏi không biết phải phản ứng như thế nào đây, nói hay không nói và nói cái gì bây giờ. Thật chưa bao giờ tôi bị đặt trong một tình cảnh khôi hài như vậy. Ðể che dấu sự bối rối của mình và cũng để nín cười, tôi mở bóp lấy cai kẹo bỏ vô miệng nhai.
Tức thì bên kia hàng ghế lại cất lên giọng nói chua thật là chua của cô bé:

- Xấu thiệt, ăn một mình hổng mời ai hết.

Ðến nước này thì không thể nhịn được nữa rồi. Ðây chính là lúc mà tôi chờ đợi.
Tôi chìa phong kẹo ra trước mặt cô gái trẻ. Nheo mắt, nở nụ cười thật tươi, tôi cất tiếng mời cô một cách rất lịch sự: “Ăn hông?” bằng tiếng Việt Nam thật ngọt ngào và thật rõ ràng.

Cô bé mở to đôi mắt kinh hoàng, ôm mặt rú lên một tiếng “Ồ” thảng thốt. Rồi cứ thế cô ta ôm mặt trong hai bàn tay che kín, không thốt ra được một lời nào nữa mặc dù miệng mở tròn vo. Hai người bạn gái thì rú lên cười nắc nẻ, vừa cười vừa xiả xói cô gái trẻ:

-  Chết mày chưa, cho mày chết luôn, cái tật nhiều chuyện.

Vừa lúc đó xe lửa đỗ lại ở ga Purmerend. Ba cô gái Việt Nam vơ vội mấy cái túi đồ ăn rồi vừa cười vừa xô nhau chạy nhanh ra khỏi xe lửa. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy dáng cong cong của ba cô vừa chạy vừa cười trên thềm ga nhỏ.
Xe lửa xình xịch chuyển bánh. Còn hai trạm nữa là đến ga tôi xuống. Tôi nghĩ bụng:

- Tết này sẽ có chuyện vui để làm quà đầu năm cho chồng con và bạn hữu.

Hà Bạch Trúc

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011