Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

                            
Mùa Xuân Trong Trái Tim

Nguyễn Thế Hoàng

CungChucTanXuan                                                                       
Chiều ba mươi Tết dì Thắm đi làm về. Dì cho xe vào garage rồi hì hục xách vào nhà những giỏ xách nylon nặng chĩu. Tôi đang lúi húi trong bếp coi nồi thịt heo kho tàu đang sôi ùng ục. Dì Thắm hỏi vọng vào :

- Hôm nay con không đi làm ha Thủy ?
- Con có đi làm, nhưng về sớm lúc ba giờ, ghé chợ mua vài món. Tết nhất rồi, có làm thêm vài giờ cũng vậy. Về sớm chút sắm sửa ăn Tết chứ dì.

Dì Thắm soạn mọi thứ ra bàn. Dì thở dài :

- Tết nhất ở Mỹ chán phèo. Ngày Tết phải đi làm. Xin nghỉ họ chẳng cho. Lấy vacation cũng không được. Trong nhà thì thấy Tết, mà ngoài đường không thấy dấu hiệu gì là Tết cả. Ở cái cứ này là như vậy, chỉ có lễ Giáng sinh là nhộn nhịp nhất gần cả tháng cho đến đầu năm sau, Tết tây cũng không bằng.

Tôi bước đến bàn trầm trồ :

- Dì mua nhiều thứ quá. Đủ loại mứt, rồi bánh tét, bánh chưng, củ cải, củ kiệu, hạt dưa, dưa hấu, trái cây....nhiều ghê đi. Hồi chiều con lại mua nhiều thứ nữa. Năm nay hai dì cháu mình ăn Tết mệt nghỉ hả dì ?

Dì Thắm cười :

- Có gì là nhiều đâu con. Mình ăn Tết vẫn bị thu hẹp, chật vật lắm đó. Vừa ăn Tết vừa đi làm chẳng có gì thích thú đâu bằng ở Việt Nam mình chuẩn bị ăn Tết trước cả tháng. Họ thong thả nghỉ ngơi nhiều ngày đầu Xuân, dựng nêu, đốt pháo, cúng kính, ăn uống, bài bạc, du Xuân vui thích lắm con ạ !
- Tháng giêng là tháng ăn chơi mà lị ! Dì thường nói thế. Năm nào có dịp dì cháu mình về Việt Nam ăn Tết nhen dì.

Dì Thắm thoáng nét buồn :

- Ừ nhỉ ! Nhưng dì cháu mình đâu còn ai, nhà cửa thân nhân không còn, ăn đâu ở đâu mà về.
- Mình ở phòng ngủ, rồi ăn Tết như mọi người cũng vui lắm đó dì. Dì thấy sao ?
- Thôi được rồi. Chuyện dành lại cho năm khác. Dì đi thay quần áo tắm rửa, còn phải nấu nướng cúng kính.

Năm nào cũng vậy cứ chiều ba mươi Tết hai dì cháu đi chợ mua sắm cúng kính ăn uống, chờ đợi đón giao thừa. Ngôi nhà nhỏ chỉ có hai phòng ngủ, một phòng khách. Bếp núc, ăn uống dồn chung một phòng. Nhưng khi cúng kính lại chẳng có bàn thờ. Mỗi lần như vậy dì Thắm di chuyển bàn ăn để giữa phòng khách. Trên đó dì trải chiếc khăn bàn trắng, bày biện bình hoa, đĩa trái cây, một cặp đèn sáp màu đỏ tươi cắm trên hai chân đèn nhỏ bằng đồng đen, cái lư hương bằng đất nung sơn son thếp vàng mua ở chợ tàu, lọn nhang thơm, chai rượu, gói thuốc lá, cặp ly nhỏ, hai bộ tách cúng nước. Dì trịnh trọng đặt khung ảnh của chồng giữa bàn. Người trong ảnh còn rất trẻ, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, đôi mắt sáng, mặc quân phục. Dì Thắm bảo chồng của dì ngày trước là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam, chế độ Saigon không còn nữa, chồng dì bị bắt vào tù. Bốn năm sau chồng dì vượt ngục, không may bị Việt cộng bắn chết ngay trong đêm giao thừa. Những điều dì Thắm nói tôi nghe loáng thoáng mơ màng, không hình dung và nhận thức rõ được vấn đề. Vì ngay khi miền Nam sụp đổ năm 1975  tôi chỉ mới hai tuổi có biết gì là chiến tranh, là việt cộng, là quốc gia, là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nhớ khi tôi lên sáu tuổi thì ba mẹ tôi bỏ nhà cửa, ba dẫn mẹ và tôi đi vào một đêm tối trời, rồi lại xuống tàu đi trên biển rất nhiều ngày. Tôi bị ói mửa ngầy ngật mê man không còn biết được gì xảy ra. Và sau đó, tôi lại được dì Thắm cưu mang nuôi dưỡng tôi.

Lời dì Thắm kể,  lúc đó dì vượt biên đi cùng tàu với ba mẹ tôi. Tàu vượt biển bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp. Mẹ tôi bị mấy tên hải tặc thay phiên hãm, mẹ phản kháng kịch liệt  bị chúng giết chết rồi ném thây xuống biển. Trước tình huống ấy ba tôi nhảy vào cứu mẹ tôi cũng bị chúng hạ sát ném thây xuống nước. Dì Thắm cũng không thoát khỏi những tên hải tặc luân phiên làm chuyện đồi bại, dì ngất xỉu chết giấc. Hai ba ngày sau đó được tàu lớn đến tiếp cứu đưa về đảo Pulau Bidong rồi tôi được dì Thắm cưu mang nuôi dưỡng tôi từ đó đến nay.

Mất cha, mất mẹ tôi bơ vơ giữa cảnh đời xa lạ. Những gì sau lưng tôi, dòng họ, gia đình, quê hương đất nước, chiến tranh...tôi hoàn toàn không biết một mảy may nào cả. Tôi cũng không thể kể, không thể diễn tả được một điều gì về nguồn gốc gia tộc, quê hương sinh quán hoặc gì đi nữa của đất nước tôi sinh ra cho một ai muốn hỏi. Nhưng trong tôi cảm nhận mình cũng có một Tổ Quốc, một Dân Tộc, và một cội nguồn dòng họ. Đó là Việt Nam của tôi ở tận nơi nào đó trên quả địa cầu này mà tôi chưa được một lần nhìn ngắm.

Nhờ giấy tờ hình ảnh của chồng dì Thắm là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nên dì được xét đi định cư sau hơn sáu tháng ở đảo. Dì Thắm cố gắng hòa nhập vào cuộc sống mới. Tôi được cắp sách đến trường. Mấy năm sau dì Thắm mua được ngôi nhà này. Sau khi tốt nghiệp high school tôi nghỉ học tìm việc làm để giúp thêm cho dì trong cuộc sống của chúng tôi.

Trong ngôi nhà nhỏ này là một tổ ấm của dì Thắm và tôi. Hằng ngày dì Thắm đi làm, tôi đi học sau này lại đi làm nên hai dì cháu ít khi có nhà. Chỉ gặp nhau vào buổi tối, hoặc ngày nghỉ, ăn uống, chuyện trò, làm công việc nhà...Tôi quý dì Thắm là mẹ, không sinh có dưỡng. Dì Thắm yêu thương tôi như con ruột. Nhà ít khi có khách. Nếu có chỉ là bạn gái của dì, nên ít bị ai phá rầy giờ giấc. Tôi không muốn dì Thắm của tôi có những người đàn ông đến nhà thăm viếng. Họ có thể quấy rầy tình cảm gia đình chúng tôi, và còn làm phiền đến dì, ngay cả phiền tôi nữa. Dì là mẹ tôi, là nguồn sống hạnh phúc của tôi. Tôi không muốn phải xa cách dì Thắm để theo chồng, ra sống riêng. Vậy mà thỉnh thoảng dì Thắm thường nhắc chừng tôi :

- Ngoài ba mươi rồi, con chẳng ''rục rịch'' gì sao, cứ nhỏng nha nhỏng nhảnh suốt đời thế hả Thủy ?

Tôi cười khúc khích :

- Dì nhắc con, con OK rồi đó. Phần dì còn trẻ mà cứ ở vậy buồn chết đó dì.

Dì Thắm lắc đầu :

- Dì đâu có thích. Chỉ có dượng con ngày trước mới đáng nói. Ở xứ này có đủ vợ đủ chồng mới sống hạnh phúc, bằng không thì ở một mình vẫn hơn. Dì mà có bước thêm bước nữa cũng khổ đó con, chỉ làm tôi cho họ đủ việc, chán lắm. Dì đâu có muốn.

Tôi ngoe nguẩy :

- Thế tại sao dì thúc hối con.
- Không lẽ con cứ ở vậy suốt đời. Dì muốn có cháu cho vui cửa vui nhà.

Nói là nói chơi cho vui trong những lúc hai dì cháu ở bên nhau tâm tình thân mật. Tôi cũng chưa muốn nghĩ đến chuyện lập gia đình dù tuổi đã lớn. Tôi chỉ thích cuộc sống hiện tại với dì Thắm trong ngôi nhà nhỏ thân thương này mà thôi. Một cuộc sống hạnh phúc an bình . Xin ai đừng cướp mất dì Thắm của tôi. Tôi chỉ là đứa trẻ mồ côi được vực ra từ cõi chết trên biển sâu và được dưỡng nuôi trong vòng tay nhân ái đầy tình người của dì Thắm. Những người ve vãn, tỏ tình ong bướm với dì Thắm khiến tôi cảm thấy bực mình và ghê sợ họ. Tôi tin ở ý chí kiên quyết của dì Thắm và rất lo sợ những giây phút yếu lòng của dì. Dì Thắm đã năm lăm rồi, mà vẫn trẻ trung. Khuôn mặt đầy đặn bóng mướt. Tay chân tròn trịa mịn mát. Da thịt săn cứng. Tóc vẫn đen bóng. Dáng vẻ đài các, dịu dàng. Dì Thắm là người đàn bà có học. Ngày trước dì bảo là đã có bằng tú tài 2. Dì làm nghề giáo. Sau tháng tư bảy lăm, dì Thắm không còn đi dạy. Dì ở nhà buôn bán hàng ngoài chợ kiếm tiền sinh sống và nuôi chồng trong tù. Lập gia đình nhiều năm nhưng dì Thắm chưa được đứa con nào. Dì Thắm bảo rằng dì đã sống những năm tháng hạnh phúc vàng son bên chồng. Trong hạnh phúc tuyệt vời ấy thường có những giờ phút dì hồi hộp lo lắng và trông chừng chồng trở về sau những cuộc hành quân đánh nhau với Việt cộng. Có những đêm dì không ngủ được khi tiếng súng hai bên giáp chiến từ xa vọng về trong đó có chồng của dì. Dì chỉ biết cầu xin đất trời sự bình an cho chồng. Đánh giặc bắn giết như thế lại không sao, khi sa cơ thất thế bị Việt cộng nhốt vào tù thì bị chúng giết lúc chồng dì vượt qua hàng rào kẽm gai để đào thoát khỏi trại giam đúng vào đêm giao thừa.

Thật chuyện xảy ra không bao giờ dì Thắm tin là sự thật. Ngày mùng một Tết năm đó dì Thắm nhận được giấy báo đi nhận xác chồng. Dì ngất xỉu hằng giờ. Nhìn thi thể đầy máu me khô cứng của chồng, dì điếng người rũ liệt. Cả bầu trời ảm đạm chụp xuống người dì. Nguồn hạnh phúc tan biến. Dì ôm xác chồng khóc than tủi nhục. Thù hận - Oán hờn - Căm tức - Khốn khổ chất ngất dâng cao, kêu trời không thấu. Dì đau đớn vật vã cho tủi hận mất mát trước cái lý mạnh của kẻ gọi là chiến thắng. Dì tìm đường vượt biên, lập lại cuộc đời đã đổ nát trên quê hương thứ hai sau những năm tháng đất nước thay người đổi chủ. Dì Thắm oán hận cái chế độ độc tài bạo ngược, một lũ người vong bản đã cướp nguồn hạnh phúc thân thương mà dì nâng niu yêu quí. Dì quyết khép kín lòng giữa tuổi thanh xuân. Lòng dì chỉ dành riêng hình bóng thân thương của chồng, người lính chiến oai hùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày đó.

Dì vẫn ấp ủ và tâm sự một ngày nào đó dì sẽ trở lại quê hương nhìn rõ mặt kẻ thù đang rảy chết để thực hiện những suy tính dì hằng thao thức.

Những điều dì Thắm nói tôi chỉ được hiểu trong trạng thái xen lẫn mơ màng chưa cho tôi ý niệm chính xác nào vì tôi vẫn còn đứng ngoài lề cuộc sống khốn cùng trên đất nước tôi. Trong tuổi lớn khôn, dì Thắm thường giảng giải cho tôi biết về bản sắc dân tộc và lịch sử đất nước Việt Nam mà tôi đã không có cơ may để được sống cho tôi có một ý niệm tình yêu quê hương. Dì Thắm giúp cho tôi hiểu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển, phận làm con, làm người phải hiếu thảo. Và dì Thắm ví rằng công cha như núi Thái sơn, còn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra thật cao dày bao la không thể nào cân đo đong đếm được. Phận làm con phải hiếu thảo với cha mẹ khi còn sống và phải nhớ ơn cha mẹ lúc qua đời.

Dì Thắm nhắc nhở tôi luôn nhớ đến ngày ba mẹ tôi qua đời trên chiếc tàu vượt biển tìm tự do bị hải tặc sát hại năm đó. Dì nói rằng tại sao dì, ba mẹ tôi và mọi người phải bỏ nước ra đi để tìm đất dung thân nơi xứ người cũng vì cái chế độ độc tài tàn bạo khát máu của lũ Việt cộng đem chủ nghĩa cộng sản ngoại lai về phá tan đất nước và kềm kẹp giết hại người dân trong hơn nửa thế kỷ. Ai có cơ may thì ra đi lánh nạn, còn bất hạnh thì ở lại chết dần chết mòn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc giữa một đất nước trụt hậu nhiều thế kỷ.

Dì Thắm nhắc nhở tôi ngày giỗ, ngày Tết phải nhớ ơn cha mẹ sinh thành, không được quên lãng. Từ đó tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với ba mẹ tôi khi đến ngày giỗ, ngày Tết tôi phải làm gì để ghi nhớ công ơn ba mẹ.

Mỗi lần Tết đến tôi và dì Thắm đặt hai chiếc bàn song song giữa phòng khách để cúng Tết. Tôi cúng nhớ ba mẹ tôi. Dì Thắm cúng nhớ chồng của dì. Tôi xúc động khi khấn : '' Con cung thỉnh hương linh ba mẹ về ăn Tết với con trong ngày Xuân này. Xin ba mẹ phù hộ cho con được bình yên trên cõi dương trần. Hôm nay con đã lớn khôn và con đã hiểu đạo làm con phải nhớ ơn ba mẹ.'' Chỉ là những lần như thế, miệng tôi mới được thốt lên hai tiếng ba mẹ mà tôi thèm khát nghe thật xa vắng trong nước mắt ướt đẫm vành mi. Trước đó, rồi sau đó, trôi theo thời gian hai tiếng''ba mẹ'' thật xa xôi vắng bóng trên đôi môi tôi. Thảng khi ngồi trầm tư một mình tôi nghe thèm khát nhớ thương hai tiếng ‘’ba mẹ’’ có lúc thật thiếu thốn, khi chơi vơi đang bên cạnh mình. Sự khiếm khuyết hãn hữu gây chao đảo mất mát trong kiếp sống lạc loài vô phước của đứa trẻ mồ côi lên sáu giữa biển khơi mênh mông cuồng nộ ngày đó. Tết đã không hiện hữu ký ức ngày Xuân tuổi thơ khi Xuân về sum họp gia đình, vui đùa dựng nêu đốt pháo, rong chơi và được lì xì tiền mới được xếp kỷ để dành hoặc đặt bầu cua cá cọp ở đầu thôn xóm. Dì Thắm đã kể, bạn bè mách lại hoặc đọc trong văn chương chữ nghĩa những vui chơi ăn Tết quê nhà. Bây giờ năm tháng của tuổi lớn khôn tôi đang tập tành hội nhập mua sắm ngày Tết, cúng kính nhớ ơn ông bà cha mẹ, học hỏi phong tục truyền thống xứ sở của tôi, nấu nướng những món ăn đậm đà hương vị Tết cùng dì Thắm, với bạn bè đồng hương mà tôi được mời đến chung vui, lòng rằng không phải để bị lai căng mất gốc. Tôi lo sợ điều này vì tôi vẫn còn là con người Việt Nam chính thống từ lúc mới sinh còn nguyên xi không bị lọ lem nhem nhuốc.

Dì Thắm trở lại công việc Tết nhất sau khi tắm rửa xong. Dì nhìn tôi đang loay hoay xả nước chậu măng khô đã ngâm mấy ngày qua. Dì nói :

- Con giỏi đó, Thủy.  Con đã lo xong xoang thịt heo kho tầu. Dì giao cho con nấu nồi măng thịt nhé. Con nhớ ninh cho nhừ để thịt thấm vào măng. Phần dì lo nồi canh măng móng giò, và mấy món chiên xào theo lệ Tết nhất.

Tôi sung sướng được dì Thắm giao việc. Tôi nói líu lo :

- Dì yên tâm. Con sẽ nấu ngon hơn Tết trước. Dì ạ, năm nay con lại mừng tuổi dì. Dì lì xì con nhé ! Lì xì nhiều hơn năm ngoái nhen dì.
- Ừ... Dì sẽ lì xì cho con. Nhưng dì cũng mừng tuổi con nữa đó.

Hai dì cháu nhìn nhau cười thú vị. Dì Thắm lại nói :

- Món măng thịt kho và canh măng móng giò ngày trước, tết nào dì lại không làm là món ăn rất ưa thích của dượng con trong những ngày đầu Xuân. Bây giờ dì không thể thiếu khi cúng dượng con, Thủy ạ !

Thì ra chồng dì Thắm ưa thích măng kho thịt, canh măng móng giò. Ba mẹ tôi có lẽ cũng thích vài món nào đó khi còn sinh tiền. Điều đó tôi lại không biết được, thật buồn cho tôi ! Không phải sự hiểu biết của tôi ngô nghê khờ khạo, không biết những gì mình phải biết, lại biết những gì mà mình thấy không thực tế. Sống giữa xứ sở người tôi thành thạo món ăn của người bản xứ, lại mờ mịt hương vị quê hương. Điều đó tôi nhận thấy có sự chênh lệch không xứng. Lòng ước mong chiếm lĩnh cân bằng không phải thua thiệt. Tôi học hỏi ở dì Thắm, những người khác cách gói bánh chưng, bánh tét, bánh nậm, bánh mật, bánh ít. Tôi học làm chả giò, giò lụa, giò thủ.Tôi tập tành rim các loại mứt, xào nấu các thức ăn Việt Nam. Tôi quyết nấu cho ngon các loại chè như chè hoa cau, chè thưng, chè cốm, chè trôi nước, chè kho...làm được các loại cốm, các loại bánh in...là những hương vị ngày tết phải có để cúng trên bàn thờ. Tôi phải hiểu thế nào là tục lệ tảo mộ, cúng đưa rước ông Táo, cúng giao thừa, đêm trừ tịch, tục lệ xông đất xông nhà đầu Xuân, ý nghĩa dựng nêu, đốt pháo, chúc tết, mừng tuổi, lì xì...và còn nhiều nữa những phong tục tốt đẹp của đất nước Việt Nam tôi. Tôi học hỏi để được làm người Việt Nam từ đứa trẻ mồ côi lên sáu chưa biết dòng họ thân nhân, để trang bị sự hiểu biết cho gia đình riêng tư. Nghĩ đến khi theo dì Thắm về Việt Nam nếu có nhu cầu cần đến để không mờ mịt mất mát với thiên hạ. Suy nghĩ trong đó có thể có những món ăn ba mẹ tôi thích như chồng dì Thắm đã ưa thích mà dì Thắm vẫn cố giữ để đẹp lòng người chồng kính yêu của dì. Tôi phải cần hiểu biết khi Tết đến và sẽ đạt ý chỉ của ba mẹ và chính sự ước ao trong lòng.

Tết này lại tết tôi mỗi dày kinh nghiệm, không dựa cột mà nghe, không vong ơn, không lạc lõng, lại đậm đà bản sắc. Dì Thắm đang xào nấu những món ăn thơm ngon đậm đà. Tôi bày bánh mứt ra dĩa lớn dĩa nhỏ cùng với những tô dĩa thức ăn lên hai bàn.
Dì Thắm dặn dò :

- Con nhớ ly tách cúng nước cúng rượu. Bình trà nóng, chén nước lã súc miệng. Bao thuốc lá. Trầu cau. Chai rượu. Bình hoa. Dĩa trái cây. Nhang thơm. Giấy tiền... Người sống thế nào, người chết cũng như vậy không được thiếu. Tội chết.

Tôi hỏi :

- Bàn của dượng có đơm trầu cau không dì ?
- Có chứ ! Dù dượng con không ăn trầu cũng phải đủ lễ. Lại nữa phải có bao thuốc lá. Bàn của ba mẹ con cũng vậy.

Dượng con cũng như ba mẹ con còn có bạn bè cùng về vui Tết.

Không biết ba mẹ tôi có ăn trầu hay không ? Sáu tuổi đầu có biết gì thì ba mẹ không còn ở với con. Con ở với dì Thắm không phải trên quê hương Việt Nam mà ở trên xứ người. Họ hàng thân thuộc không có. Mịt mù xa vắng quá ! Tôi miên man nghĩ ngợi và tôi muốn tỏ rõ với dì Thắm. Nhưng dì Thắm vừa đi đâu đó. Có lẽ dì vừa bước ra ngoài. Tôi suy nghĩ lo cho ba mẹ tôi sẽ là những oan hồn mồ côi, vất vưởng trong lòng đại dương sâu thẳm và sẽ đói khát bơ vơ khi ngày giỗ ngày Tết đến nếu ba mẹ không có đứa con gái yêu khốn khổ bất hạnh này của ba mẹ còn được sống để lo nghĩ đến ba mẹ. Thỉnh thoảng có giấc mơ tôi nhìn được ba mẹ buồn thảm rét run nhìn chòng vào tôi như có gì giãi bày mà không nói ra lời. Hình ảnh đó, bóng dáng đó rất gần, ngay bên cạnh lại khó bề nắm bắt, lung linh như ngọn đèn chao gió, lại mờ mờ ảo ảo như khói sương chiều hôm. Tôi thường bắt gặp ba mẹ trong mơ tưởng đan kết ký ức đứa trẻ lên sáu non nớt đã vẫn không cho tôi một xác thực.

Đúng là dì Thắm vừa đi ra ngoài sân và dì mở cửa bước vào. Dì nói :

- Đã có pháo nổ lạch tạch ở xa. Có lẽ mấy nhà Việt Nam ở khu Village Woodland Lakes gần đây đang cúng tất niên.

Tôi nôn nao giục :

- Mình đem pháo ra đốt đi dì để nghe hương vị Tết.

Dì Thắm phác tay :

- Chưa. Cúng vái xong mới đốt con ạ để chào mừng đón rước ông bà về.
- Hai bàn con đã sắp đặt đầy đủ, dì xem lại.
- Con lên đèn, thắp hương đi. Giờ này là tối ba mươi Tết, ở Việt Nam là sáng mùng một đầu năm. Mọi người cả nước ngưng việc để đi chùa, nhà thờ, thánh thất, lăng miếu, xin xăm, hái lộc, hoặc xuất hành đầu năm, thăm viếng chúc tết... Nhộn nhịp, tươi vui, ai ai cũng trang trọng trong bộ quần áo mới để cầu hưởng phước lộc, những may mắn suốt năm. Có múa lân thì được rước về từng nhà múa chúc Xuân, hái lộc.

Tôi vòi vĩnh nhắc lại :

- Năm nào đó mình về Việt Nam ăn Tết một lần nhen dì. Lúc đó con có cơ hội nhìn ngắm nét đẹp mùa Xuân trong hương vị tết của quê hương mình mà con chưa có cơ may nào được nhìn thấy.

Dì Thắm khẳng định :

- Mình về chứ. Dì sẽ dẫn Thủy về khi quê hương không còn giặc Cộng, người dân sống an bình tự do. Chừng đó con có thích thì ở lại, và dì cũng có ý định như vậy. Chịu chưa Thủy ?
- Thích lắm còn gì ! Con nôn nao ghê đi. Con sẽ nhìn tận mắt quê hương gấm vóc của mình ở từng ngôi nhà, con đường, khu phố, vùng quê, chợ búa, sông biển, cây cối, núi non...mà con mơ ước.

Dì Thắm đứng trước bàn khói hương nghi ngút, đèn hoa rực rỡ. Dì lâm râm khấn vái. Dì đang mời gọi chồng dì trở về vui vẻ trong ngày cuối năm để gợi nhớ những kỷ niệm hạnh phúc của thời xa xưa. Đôi mắt trong khung hình rộ nét tinh anh. Đôi mắt của khát vọng, đam mê, nuối tiếc. Dì Thắm nhìn sâu vào khung ảnh bán thân của chồng, gương mặt rạng rỡ tràn trề khí phách của người trai thời loạn năm xưa. Dì đã hẳn hướng lòng về khung trời hạnh phúc cùng chồng trong năm tháng xa xưa vang bóng một thời. Năm tháng ấy là những mùa Xuân thanh bình rực rỡ trong ánh nắng Xuân tụ do. Giờ thì quá khứ chìm sâu tận đáy tâm hồn, ghi khắc ẩn náu trong tim.

Tết này lại Tết, con được khấn vái ba mẹ. Trên bàn trước mặt tôi cũng đèn hoa trà quả, bánh trái rượu thịt. Con cầu nguyện vong linh  ba mẹ thương xót lòng thành của đứa con đang trôi giạt xứ người, xin ba mẹ dang tay đón nhận lòng nhớ ơn sinh thành của đứa con xấu số. Tôi nhìn lên bàn thờ đặt tạm trong phòng khách lòng rưng rưng như muốn khóc. Tôi cảm nhận giây phút ba mẹ tôi đang tươi cười trong sum họp gia đình và no say không còn là những oan hồn mồ côi đói rét ở cõi trời bên kia. Giây phút này đây tâm thức nối kết vô hình và hữu hình, lòng tôi cảm được sự xoa dịu những gút mắc thua thiệt để có thể tự hào mình vẫn còn tổ tiên dòng họ.

Cúng kính, đốt pháo, ăn uống xong, dì Thắm và tôi kê ghế ngoài hàng hiên chờ đợi giờ giao thừa. Đêm trừ tịch huyền diệu sâu thẳm giữa trời tối đen mênh mông. Nơi này chỉ là mùa Xuân trong tim trong lòng của tôi, của dì Thắm và thật cô đơn giữa cuộc sống bình thường người dân bản xứ. Trong sự im ắng bao trùm bóng đêm, tiếng nói của dì Thắm nghe cô đơn buồn buồn xa vắng :

- Con biết không, chiều ba mươi Tết mọi người tất bật lo nhoài người, công ăn việc làm, tiền bạc nợ nần thanh toán đâu vào đó mới an tâm ăn Tết trong sum họp người ở xa trở về với gia đình để dựng nêu, cúng kính, đốt pháo, vui chơi, trò chuyện, và canh thức suốt đêm bên lò bánh chưng bánh tét trong đêm trừ tịch.

Lời dì Thắm nói như lớp sóng cuộn trôi xa tấp. Lòng tôi chùng hẳn xuống. Hơn ba mươi tuổi đầu, tôi thiếu thốn mất mát cũng do vì đâu đưa tới. Tôi vẫn đang loay hoay giữa dòng đời bão cát phũ xuống thân thể mặt mày.
Dì Thắm ngừng nói, cắn hạt dưa lắc cắc, dì tiếp :

- Ở quê nhà ăn Tết năm bảy ngày có khi kéo dài cả tháng nghỉ ngơi thoải mái. Phần dì cháu mình chỉ có đêm nay là xong cái Tết đó con, ngày mai mùng một cần cữ kiêng hơn, lại phải đi làm, chẳng còn là Tết nữa.
- Đành vậy dì ạ. Như dì nói, con vẫn mong thời gian để mình còn được những cái Tết huy hoàng hơn như dì và ba mẹ con đã có trước kia.
- Dì vẫn mong như thế Thủy ơi ! có lẽ cũng không xa lắm.

Đêm trừ tịch mênh mông tĩnh mịch. Ngoài kia người dân bản xứ đang tất bật trong cuộc sống hằng ngày đâu có gì là Xuân là Tết. Nhưng ngay tại góc tối của ngôi nhà nhỏ đang có những người chờ đợi đón giao thừa, với những suy nghĩ trong tâm tư mỗi người ước vọng được những mùa Xuân thanh bình ở góc trời quê hương xa xôi trong đó tình người, tình dân tộc, nền dân chủ tự do, và nhân bản mãi rực rỡ trong nắng Xuân hồng..

Nguyễn Thế Hoàng
http://www.nguyenthehoang.blogspot.com    
                       

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011