Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

Về quê ăn Tết

Năm nay có lẽ mùa xuân đến sớm bởi những ngày Giáng sinh vừa qua bên bờ Tây chẳng có miếng tuyết nào, cũng giống như năm ngoái mới đầu tháng mười hai đã lất phất rơi cả ngày trắng trời, trắng đất. Bầy con nít thấy tuyết mừng như cá gặp nước, người lớn vội lo chuẩn bị thay lại mấy cái bánh xe đi tuyết, ra tiệm vác về mấy bao muối bởi dự báo thời tiết cho biết sẽ có tuyết rơi nặng nề vì năm nay đúng chu kỳ năm mươi năm gì gì đó và phía Bắc tuyết đang rơi dầy đặc. Những tiên đoán của thiên hạ thỉnh thoảng bị mắc lỡm ông trời, có những năm ông buồn tình bất chợt thả hàng tỷ tỷ bông tuyết trắng xóa xuống trần gian, ông thần gió về hùa thổi bay đến đầy nhóc thành phố được mệnh danh ấm nhất bờ Tây báo hại bà con đổ xô vét sạch tìm đỏ mắt chẳng còn hạt muối làm thuốc, nhà nước trở tay không kịp đường sá đầy xe cộ ngắc ngoải trong đống tuyết. Ai cũng than van nhưng nếu không có tuyết lại thấy buồn buồn, nhất là vào đêm Giáng sinh nhìn ngoài trời không thấy hoa tuyết rơi xuống lòng bỗng cảm thấy thiếu thốn một thứ gì đó khiến không khí bớt vui, dù thừa biết ở đời chẳng có gì toàn vẹn.

Mỗi năm cứ đến mùa đông ngồi khoanh tay bên cửa sổ nhìn trời lòng tôi lại cồn cào rạo rực nhớ quê, bên ấy giờ đang tháng mười một, tháng chạp rồi đến Tết. Ngày lễ giáng sinh vừa xong người Saigon bắt đầu chuẩn bị đón Tết, không khí ngày này làm bầy học trò chúng tôi náo nức bởi vừa thi xong đệ nhất lục cá nguyệt, đầu óc được xả hơi, mỗi ngày tan học thế nào cũng rủ nhau đi một vòng bốn phía đông, tây, nam, bắc của chợ Saigon, Này là những gian hàng bánh mứt hấp dẫn, những đống dưa hấu chất cao, gian hàng trái cây nhập cảng như bôm, nho, xá lỵ tỏa mùi thơm ngào ngạt.Năm nào cũng vậy đi ngang gian hàng này chúng tôi đều nghe vang dội lời quảng cáo ồn ào “...lai rai với khô cá thiều...mùi thơm hấp dẫn từ đàng sau ra tới trước nhà, bên nây đường qua tới bên kia à..”. Ở góc đường gian hàng kem đánh răng Hynos với tấm quảng cáo hình anh da đen cười nhe hàm răng trắng ởn, nhưng hấp dẫn không phải là anh chàng này mà là các cô gái xinh đẹp với những tà áo dài đủ màu sắc đứng thành hàng dài sau quầy đang nở nụ cười với khách. Đi chợ Tết Saigon với tôi là một thói quen bởi từ lúc biết đi chập chững ba má đã dẫn chị em tôi đi chợ tết rồi, năm nào cũng thế hai chị em tôi cũng đòi má mua cho mỗi đứa một cái nơ bằng vải kim tuyến long lánh để sáng mồng một cài lên đầu, xúng xính trong bộ đầm mới đi chúc Tết ông bà. Năm tháng dần trôi đòi hỏi thay đổi dần theo tuổi tác nhưng thói quen dạo chợ tết Saigon vẫn không hề thay đổi. Người ta nói có xa rồi mới biết nhớ, vậy mà thuở còn cắp sách đến trường tôi lại thích đi xa, tôi nói đi xa mới thấy vui bởi dù có đi xa ngày Tết vẫn về thăm nhà, lúc ấy lễ mễ tay xách nách mang những món quà địa phương, trong lòng cảm thấy ấm áp với yêu thương trìu mến dành cho đứa con xa nhà trở về. Hồi ấy tôi đâu ngờ mình có ngày biệt xứ nên chưa hình dung và chưa từng nếm trải nỗi buồn nhớ nhung của kẻ sống lìa quê hương xứ sở.

Gia đình tôi sống ở Saigon, quê nội ngoại cũng ở rất gần, chỉ cần một chuyến xe đò khoảng một giờ là về tới quê. Sáng mồng một ba má dẫn chị em tôi về thăm bà nội đến buổi chiều đã trở về nhà, chẳng bù với chú thím Chín nhà bên cạnh ngày hai mươi ba đưa ông Táo về trời là khóa cửa nhà về ở hẳn dưới quê đến mồng năm, mồng sáu mới lên. Tôi thắc mắc hỏi ba :

- Ba nè, tại sao nhà mình không về quê ăn Tết giống nhà chú thím Chín vậy ba ?

Ba tôi trả lời :

- Tại quê mình gần lúc nào về cũng được, còn quê chú thím ở xa lắm.

Lúc ấy tôi ngẫm nghĩ :

- Vậy ở xa quê sướng hơn ở gần hén, càng xa càng sướng vì mình được về quê ăn Tết. Hèn gì cứ gần Tết là mấy bến xe đầy nhóc người ta chen chúc nhau lên xe về quê.

Bây giờ cách xa quê hương đến nửa vòng trái đất, đã hai mươi năm xứ người mà chưa lần nào tôi về quê ăn Tết.Nỗi vui mừng chắc không kể xiết khi tôi về, nhưng bao giờ mới được ăn cái Tết ở quê nhà, tất cả vẫn còn là câu hỏi.

oOo

 Mồng một Tết ở đây nếu không rơi vào thứ bảy hay chủ nhật mọi việc vẫn bình thường, vẫn dậy từ năm giờ sáng xách túi cơm đi làm, tuy nhiên thay vì cơm như thường lệ lại đổi sang bánh chưng, giờ nghỉ giải lao không ăn donut nữa mà mang mấy miếng mứt mời nhau nhấm nháp. Hôm qua nhỏ Hà hỏi tôi :

- Chị Kim Thu năm nay có lấy vacation về Việt Nam không ?
- Không, về làm gì ?
- Về ăn Tết chứ chi, bà Lương với Công “ hấp “ về rồi đó,
- Hèn gì mấy hôm nay không thấy họ ra ăn cơm.
- Trong công ty này hai người đó là “ vua “ về VN ăn Tết, năm nào cũng đi sướng thật.

A Dếnh chen vào:

- Bà Lương về thăm má còn ông Công già má đâu mà thăm,
-  Không có má thì thăm các em..

Quốc Đàm nói xong cười ha hả ; đám đàn bà con gái ngồi chung bàn xỉa xói :

-  Đàn ông mấy người ham hố cho cố, dính “ ết “ rồi lết về hại vợ, báo con.
-  Ráng hưởng thụ đi để rồi chết,
-  Trời, mấy chị chưa nghe có người nói họ hưởng xong có chết cũng mãn nguyện mà.
-  Phải chi chết liền được thì may mắn biết mấy, đàng này mang đầu mọc sừng với cái quần xà lỏn mà về mới có chuyện nói chứ.

Hưng ngố vớt vát ;

- Mấy chị nói quá đáng, bộ ai về VN cũng như vậy hết sao.
- Ừa, cỡ em mà về coi như dính vô màng lưới của bầy yêu tinh nhền nhện, em chưa bị sạch account là chưa biết đổ lệ đâu.

Nhỏ Thảo nãy giờ ngồi im, giờ lên tiếng :

- Mấy anh chị chắc chưa nghe câu thơ Tết thời hiện đại ở VN đâu, để em đọc cho nghe
“ Thịt mỡ, bia mồi, đôi môi đỏ,
Vuốt ve, mời gọi, móc đô xanh."

Gần Tết nhắc đến câu ca dao “ Thịt mỡ, dưa hành à “ lại khiến tôi nhớ biết bao những ngày còn ở VN sau bảy mươi lăm, kể từ khi nhà nước bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, gạo nếp, thịt thà, cá mú được phép mua bán, Tết năm ấy hai mươi tám tháng chạp nhiều nhà trong xóm lại chung nhau gói bánh. Người miền Nam gói bánh Tét, người Bắc gói bánh chưng ; nhà tôi xưa nay chỉ gói bánh tét, bánh ít. Năm ấy nhỏ em gái lấy chồng người Bắc dẫn nhau về ăn Tết, hai vợ chồng nó xui má tôi gói bánh chưng và cả nhà xúm nhau phụ giúp hai đứa. Ba mươi tuổi đầu tôi mới biết được cách người ta gói bánh chưng, từ việc ngâm nếp, đồ đậu xanh, ướp thịt mỡ. Lá dong phải xếp trong khuôn gỗ thế nào sao cho ra hình thoi trên mặt và bốn góc phải vuông. Lạt buộc phải chẻ từ cật tre thật mỏng và ngâm nước cho mềm, nấu bánh phải canh lửa liên tục và lâu hơn bánh tét. Chị em tôi công nhận bánh chưng nhờ có miếng nhân thịt mỡ nên có chất lượng lại do mình gói nên ăn ngon và bùi hơn. Bánh tét nhà tôi gói trước kia gồm hai loại mặn và chay chỉ khác nhau ở chỗ, bánh mặn má tôi thêm cọng mỡ dài to bằng ngón tay giữa đậu xanh mà thôi. Hôm đó khi gói bánh cả nhà bận rộn không để ý con Miu trong nhà, hắn ta mon men đến thau thịt và đớp một miếng, nhỏ em Út nắm cổ con mèo vẫn không giựt lại được miếng thịt, cuối cùng phải cho luôn con mèo miếng thịt mỡ. Má tôi cười nói ai biểu mấy đứa đem “ mỡ treo trước miệng mèo “ làm chi. Tôi chống chế :

- Mỡ tụi con để trong thau, con Miu nó rình rình ăn cắp chứ có đem trước miệng nó đâu.

Nhắc đến chuyện mèo không dưng tôi nhớ đến những từ ngữ luôn đi theo sau nó, ẩn chứa ý nghĩa xấu xa, vụng trộm là “ mèo, mỡ “ rồi lan man nghĩ đến việc báo chí đề cập chuyện bồ bịch, mèo mỡ của không ít những người đàn ông hải ngoại về thăm lại VN, thanh niên trai trẻ là chuyện đương nhiên khỏi cần phải đề cập ! Ngay cả mấy ông nội, ông ngoại gần đất xa trời trong người đầy thuốc tiểu đường, cholesterol, máu cao máu thấp vẫn “ khoái “ ăn mỡ như thường, bởi miếng mỡ hấp dẫn quá, sex quá vì còn tươi roi rói, ngọt mềm trắng mướt chả bù với mấy miếng mỡ của nái sề, dai nhách, bèo nhèo ở nhà, nhìn quá lâu đã phát ngán, chuyện xảy ra đến nỗi thành phong trào “ mèo Việt kiều “ về VN ít khi bỏ qua món mỡ bóng bẩy. Thật tình trong số cũng có nhiều vị đạo đức tư cách rất chỉnh tề, nhưng người ác miệng lại bảo chẳng qua ai biết được bên trong người vị ấy thuộc phái trường trai hay vô vi thanh tịnh bởi “ trên bảo dưới không nghe “ hoặc đồng hồ sắp hết pin nên cứ mãi chỉ “ sáu giờ rưỡi “ ở cột mốc này không vượt qua nổi.

  Buổi tối vào internet đọc được bài viết trong báo của một em gái bên Mỹ, em hỏi “ Có nên cho chồng về VN ăn Tết? ” được nhiều đọc giả tham gia, đa số đều khuyên chớ nên để chồng đi một mình, đừng để mỡ trước miệng mèo ; nhưng, có một vị cho rằng chuyện ấy đã xưa rồi, miếng mỡ ở VN bây giờ táo bạo lắm chủ động chui tọt vào miệng mèo ! các đấng mày râu chưa kịp nhận ra đã nuốt vào lúc nào không hay. Chẳng biết các vị ấy có bao giờ than thở giống như việc ăn miến của anh Cu Lặc mà nhà văn Tô Hoài viết trong O chuột “ cái gì ló tơn tơn, chưa luốt đã tụt vào củ tỉ “ !

Với tôi chuyện đi một mình hay hai mình cũng chẳng có kết quả khác biệt mấy, lần về VN thăm ba tôi trước ngày ông mất hai tháng, hôm đó chúng tôi gồm ba cặp vợ chồng và hai đứa con nít đi viếng chợ đêm Saigon,Chồng của người bạn thấy mấy cái áo thun vẽ hình bản đồ VN, muốn ghé lại gian hàng nằm giữa đường Tạ thu Thâu để xem nên cả đám chúng tôi đứng lại chờ, lúc ấy người vợ đứng cách chồng chỉ có mấy bước chân, vậy mà người bán hàng không thèm đếm xỉa đến chị ấy, lại kêu một cô gái ở đâu đâu sang với lý do nhờ nói tiếng Anh, cô này lả lơi cười nói, đong đưa thân mình liếc mắt đưa tình một cách trắng trợn, chị bạn cố nén bực dọc nói nhỏ với tôi :

- Kim Thu xem con nhỏ đang giở trò với anh Peterson kìa.
- Ừ, mình trông thấy nó ẹo ẹo, chồm sát vào Peter thấy nóng máu thật, sao bồ không kéo him đi ?
- Thôi đi chị, hạng người ấy đã có chủ đích rồi, mình đôi co chẳng lại đâu chỉ thiệt thân vả lại nếu nói thật em sợ mất mặt với hắn vì có những người đồng chủng như họ.

Cuối cùng cô ta gạ được Peter mua hai cái áo mỗi cái giá gấp đôi, tiền thối lại cô ta lấy luôn. hèn gì người ta hay nói "tỉnh bơ như người Hà “ Lội “"

Đã vậy mấy hôm sau đi mua sắm ở khu thương mại góc Nguyễn Huệ, Lê Lợi ngày trước gọi là Thương xá Tax, từ đàng xa mấy người đàn ông trong nhóm đã nhận được những nụ cười “ tươi “ như hoa của các cô gái không quen biết đi ngược chiều ngoải đường, đã vậy khi ngang mặt các cô còn công khai “ tiếp thị “ bằng cách nghiêng đầu chào riêng các ông hết sức lịch sự còn bọn đàn bà chúng tôi thì họ phớt lờ xem như không có hiện diện bên cạnh, chẳng thèm liếc qua cho có gọi là !
Về đến nhà tôi nói mát mẻ :

- Hôm nay đi dạo chợ cánh đàn ông đi đâu cũng được các cô gái trẻ đẹp ưu ái hết cỡ, sướng nhé !

Em tôi chen vào :

- Sao họ chỉ tử tế với mỗi những người đàn ông thôi nhỉ !
- Em không biết câu “ kẻ thù của đàn bà là đàn bà sao ?”
- A! em hiểu rồi tại vì mình là “ nhân tố “ cản trở sự tiếp cận khiến họ bị mất dịp quăng lưới “ chài “ cá.
- Tiếc thật ! Con cá bị mất lúc nào cũng là con cá to.

 Sau chuyến về VN năm ấy, sáu tháng sau tôi nhận được phone của chị bạn có con gái học cùng trường với con tôi. Hôm tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp cả hội trường rộng lớn hình như chỉ có hai gia đình chúng tôi là người VN tham dự và ngồi gần nhau. Hỏi thăm sức khỏe mọi người thì chị kể :

- Cháu Hương và hai con dọn về ở chung với tôi cả tháng nay rồi !

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Sao thế ?
- Con tôi khám phá thằng chồng quen một đứa con gái ở VN,

Rồi chị buồn rầu thuật lại :

- Chúng nó về VN một tháng ở chung với gia đình nhà chồng, nó bận bịu hai đứa con nên ít đi chơi đêm, cứ tưởng chồng đi nhậu, đi chơi cùng mấy đứa em trai dè đâu nó mướn khách sạn ở với một đứa con gái suốt thời gian về bên ấy.
- Chắc lại quen với các cô tiếp viên hay cave, người mẫu chứ gì.
- Không phải đâu, con nhỏ này bán thẻ điện thoại trong cửa hàng, thằng rễ tôi mới về nên ra cửa hàng mua simcard lắp vào điện thoại, con nhỏ biết số nên chủ động gọi dụ dỗ con rể tôi. Nó nói mới nhìn thấy con rể tôi là đã yêu thích rồi !
- Hừ, Vậy là cô ta tung chiêu toàn những lời có cánh,
- Vâng, cô ta bảo em là gái còn “ trinh “ em rất thích anh và sẵn sàng cho anh trinh tiết của em, em không cần tiền chỉ xin anh cho em một đứa con làm kỷ niệm.
- Cho nên rễ của chị sập bẫy, nghe chuyện giống như đùa vậy ?
- Nó đánh đúng tâm lý tham lam của đàn ông mà, chúng nó mướn khách sạn để gặp nhau mà con tôi chẳng hay. Chỉ đến khi về bên này mới mấy tháng hắn lại đòi về nữa vì nhận được phone từ VN gọi liên tục, con tôi cãi nhau với nó và hỏi mấy thằng em trai mới biết là chồng nó chỉ đi với họ có hai lần, giờ thì thằng này mê muội quá không chịu dứt khoát với cô kia chị ơi !
- Vậy thì kiểm soát, nắm chặt tiền bạc,
- Thằng ấy rút sạch tiền hết rồi, ba mẹ con nó không còn đồng xu phải về nương náu với tôi cả tháng nay.
- Bây giờ chỉ còn một cách con gái chị dứt khoát không ly dị, thằng kia hết tiền gửi về cũng không bảo lãnh nó sang bên này được, không sớm thì muộn cũng rời con rể chị ra thôi.
- Chẳng biết đợi đến khi nào, thôi thì mình thương con phải lê thân già trông nom hai đứa nhỏ cho mẹ chúng đi làm. Phận gái trong nhờ đục chịu, chỉ giận những đứa con gái bên ấy sinh ra đời chỉ chăm chăm phá gia cang người khác.
- Xã hội Việt Nam bây giờ vì tiền con người mất cả nhân tính chị ơi. Đám con gái lớn lên chỉ biết trau chuốt nhan sắc để quyến rũ mấy ông già đáng tuổi cha, ông của họ để có tiền nhởn nhơ, ăn diện mà không cần làm động móng tay. Hình như sự khinh bỉ của người khác đã bão hòa trong con người của họ, xem công việc bán thân là một nghề bình thường, làm tan nát gia đình người khác là niềm vui.
- Không biết có phải tại con người sống điên đảo khiến ngay cả thời tiết của đất trời cũng thay đổi đảo điên, chị xem có phải dạo này sóng thần, động đất xảy ra liên tục hết nơi này lại đến chỗ khác !

oOo

Quy luật thời tiết ở đây từ lâu nay đã vậy, mùa đông có tuyết hay không chưa biết chắc nhưng mưa thì chắc chắn trăm phần. Những hạt mưa li ti, lấm tấm bám trên đầu tóc, ướt ngọn cỏ cành cây khiến cho người nhập cư không bao lâu như tôi thêm buồn nhớ quê nhà hơn bao giờ hết, bởi sau những ngày mưa dứt đất sẽ bắt đầu ấm lại, chồi non được dịp cựa mình. Mới hôm qua hay hôm kia thôi chứ đâu, hàng cây bên đường cành còn trơ trụi hôm nay búp non se sẽ lách tách nhú mầm để rồi sau một đêm thức dậy đã thấy “ Cành lê điểm trắng một vài bông hoa..” Hôm sau nữa, chiều đi làm về chợt nhân ra hàng cây bên đường bỗng đơm đầy những đóa hoa xuân dầy đặc. Cuối tuần đứng trước nhà nhìn dọc theo bãi cỏ viền con đường vào nhà, vàng trong nắng những bông hoa thủy tiên đang khoe sắc lại nhắc tôi nhớ đến những chợ hoa Tết truyền thống của quê mình !

Cũng giống thói quen đi chợ Tết Saigon hàng năm gia đình tôi không quên kéo nhau đi chợ hoa Nguyễn Huệ ở gần nhà, đi là để chen vai thích cánh nhìn ngắm trầm trồ những chậu hoa đắt tiền mà thôi, thông thường sáng ba mươi chị em tôi mới chở nhau ra mua vớt vát mấy chậu quất, cúc, hoặc mẫu đơn, thược dược được bán đổ bán tháo rẻ như cho đem về bày đầy hiên nhà. Bây giờ đường Nguyễn Huệ còn đó nhưng chợ hoa đã thay đổi nơi chốn, chợ Saigon nghe nói cũng chẳng còn chuyện che chắn, dựng sạp bốn phía như xưa, hình ảnh và hương vị cũ chắc đã không còn, tôi chắc nhiều người giờ cùng đồng cảm với nhà thơ Vũ đình Liên ngậm ngùi khi tìm lại hình bóng  “ ... những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ! “.

  Mỗi lần thấy những người quen biết chung quanh về quê vào dịp Tết lòng tôi lại nôn nao, khi ấy tôi giục nhà tôi : “ Mình về quê ăn Tết đi anh “ là anh ngần ngừ không sốt sắng, ngay cả ngày thường anh cũng không tích cực hưởng ứng. Anh chỉ nói về bên ấy chẳng làm gì ; đi ra rồi lại đi vào, về VN ở nhà thì về làm gì cho phí tiền vé máy bay, chả bù cho nhiều người khác có dịp là bay vù về VN hưởng thụ. Lý do chính để anh từ chối về ăn tết cũng không sai “ Mình xa nhà đã lâu, giờ ở bên đó nhà cửa tuy còn nhưng cảm giác cho thấy không gian chung quanh đâu giống như nhà của mình ! “. Lời anh nói cũng là cái “ lấn cấn “ trong tôi, dù ở đâu tôi cũng mang tập quán thiêng liêng của dân tộc đi theo. Hai mươi ba tháng chạp tiễn ông táo về trời, chiều ba mươi làm mâm cơm rước ông bà. Tối giao thừa thắp nhang trên bàn thờ cúng tổ tiên, tôi về VN ăn tết chắc chắn bàn thờ sẽ hương tàn, khói lạnh khiến tâm linh tôi cảm thấy không yên. Vì lẽ đó muốn hay không cũng đành “ Xin nhận nơi này làm quê hương “ Tây phương có câu “Home sweet home “ Không đâu bằng nhà của mình, ông bà xưa hay nói “ Một kiểng hai quê “ để ám chỉ những người đàn ông tham lam một lúc có hai vợ bởi có tính “ à tham đó bỏ đăng. Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn “. Người Việt ở hải ngoại không phải người bội bạc lại bỗng nhiên trở thành những người có hai quê. Nghĩ cũng lạ từ những năm cuối thập niên 70 người ta kéo nhau rùng rùng bỏ nước ra đi, những ai bất đắc dĩ còn lại cũng đều mong muốn được ra đi theo bất cứ diện nào nếu có cơ hội. Bây giờ người ta lại rủ nhau trở về, dù chỉ là ở chơi, thăm viếng người thân vài tuần lễ rồi lại ra đi chẳng một ai muốn ở lại. Nhỏ bạn người Huế hay nói với tôi :

- Mi nợ, răng chừ ta về bên nớ lại nhớ bên ni, về bên ni răng lại nhớ nớ.

Tôi nói với nó :

- Ừ, nhờ có nhiều người giống mi mà hãng máy bay không sợ ế khách.

Còn ba tuần lễ nữa là Tết, ở VN nhỏ em gái phone qua hỏi “ năm nay chị có về bên này ăn Tết không ? “ tôi trả lời “ không về “ mà nghe lòng buồn rười rượi. Nỗi buồn này chắc chỉ có ở thế hệ giống như tôi, những người có nửa cuộc đời lớn lên ở quê hương nên còn vướng víu, đời con cái nếu còn chỉ là chút ít nhơ nhớ những kỷ niệm đã trở thành cổ tích, đến đời cháu hình ảnh quê hương của ông bà nội ngoại sẽ phai nhòa, mất tăm như viên sỏi ném vào lòng biển cả.

Nhìn tờ lịch vơi dần, chung quanh tôi những ai chuẩn bị về quê ăn Tết đã về hết rồi, tôi cũng có nhiều người bạn họ về VN hàng năm nhưng tuyệt nhiên bảy, tám năm nay chẳng nghe thấy gia đình họ xảy ra bất cứ chuyện gì như tôi đã từng nghe, tôi thầm nghĩ đúng là “ Thiện căn ở tại lòng ta “ nên việc mèo mỡ vẫn có người dị ứng với nó ? Dù có về tôi chẳng phải lo lắng bất cứ trở ngại xảy ra vậy mà năm hết, tết đến tôi vẫn canh cánh nỗi nhớ ngậm ngùi bởi đến bây giờ chuyện tôi về lại quê hương ngày Tết vẫn còn xa xôi lắm./.

Cỏ Biển
Mùa xuân Tân Mão 2011

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011