SỐ 50 - THÁNG 04 NĂM 2011

 

Những Người Bị “Ma” Đuổi

Nguyên Nhung

Cả khu chung cư này ai cũng biết hắn là một thằng dở hơi, bởi suốt ngày hắn chỉ  ngửa mặt nhìn trời rồi cười một mình. Nụ cười ấy bí ẩn như nụ cười của nàng Mona Lisa , tuy không đẹp như vậy nhưng khó hiểu lắm, vì chả ai biết hắn nghĩ gì mà cứ nhìn trời cười mãi. Tuy vậy, bên cạnh nhà hắn lại có một người hàng xóm rất đặc biệt, đến nỗi hắn suốt ngày tưởng tượng về ông ta là một nhân vật chính trong câu chuyện “Những Người Bị Ma Đuổi”.

Ông là một nhân vật thật bận rộn, sự tất bật ấy hiện rõ ra ngoài nét mặt và tướng đi. Hai nhà ở gần nhau, buổi sáng khi bình minh thức dậy, hắn thong thả ra hiên ngồi nghe chim hót là ông bị ma đuổi cũng hối hả đi làm với dáng vẻ vội vã. Ông làm gì hắn không biết nhưng cách phục sức rất tề chỉnh, hôm nào nóng ông vẫn áo sơ mi tay dài, cà vạt thắt lủng lẳng như sợi dây treo cổ, khiến khuôn mặt ửng đỏ lên như bị ngạt thở. Khổ, cái gì chứ thân ông khổ là cái chắc giữa cái nóng của mùa hè hằng 100 độ.

Nhìn bề ngoài của ông hàng xóm hắn đã mệt bã người, nhất là hôm nào ông mặt trời lên phơi phới báo hiệu một ngày nắng to. Hắn thương ông quá, cả thân hình phì nộn bị giam hãm trong mớ áo quần, đôi giày da bóng loáng bó đôi chân. Đấy chỉ là nói về sự tù hãm của thân thể, chứ tâm hồn ông mà cũng bị tù hãm như thế không hiểu ông ta còn tội nghiệp tới đâu.

Ra khỏi nhà là ông ta vội vã. Lên xe. Đóng cửa. Lúc ấy mà phải nói chuyện với ai là ông không ngớt giơ tay nhìn đồng hồ. Ai chả biết thì giờ là vàng bạc, cung cách ấy cho người đối diện biết ông cũng là nhân vật quan trọng, cuộc sống rất bận rộn và người kia phải biết ngưng câu chuyện để ông còn lo việc khác. Ông có vẻ như người đang băn khoăn nhiều vấn đề lớn cho cuộc đời và xã hội, hình như cả bộ não cũng đã bị cuốn hút theo cái guồng ma quỷ bận bịu ấy, có lúc nào ông ta được thảnh thơi.

Hắn lại tưởng tượng tiếp. Có thể hôm ấy ông ta phải chủ tọa một buổi họp quan trọng, chung quanh có những ống kính chĩa vào nhoang nhoáng ánh đèn. Sáng hôm ấy, dù bận đến đâu con người này cũng không thể không chú ý đến dung nhan của mình, những sợi tóc còn lại trên mảng đầu thưa thớt, được chải lại cẩn thận che bớt phần trán hói quá rộng, biểu tượng cho sự thông thái mà cũng là dấu hiệu của tuổi già. Hăn hình dung đêm qua ông còn bị mất ngủ để soạn bài diễn văn phải đọc hôm nay, gạch xóa những chữ thừa và thêm vào những câu thật ý nghĩa cho nổi bật những điều ông cần sáng tỏ. Cái khoan khoái của đứa trẻ vào ngày Tết đốt một phong pháo tiểu, lâu lâu lại được nghe tiếng “đùng” của quả pháo đại, chắc cảm giác sung sướng của ông bận rộn cũng y như vậy. Lắm khi ông cũng giật mình thon thót vì phát hiện ra một câu viết không rõ nghĩa, khiến kẻ nào đó có tính “vạch lá tìm sâu” phê phán, ông dễ bị phê là mất lập trường như chơi.

Sơ sơ chỉ có một bài diễn văn mà ông ta đã khổ như thế, chưa kể còn nhiều thứ ràng buộc xung quanh, khiến hắn thấy ông ta như bị đóng khung trong những chấn song nhà tù của sự bận rộn. Lạ lùng cho những thứ tự do kỳ cục đó, ngay như quả tim khi đập loạn xạ lên vì sự xúc cảm nào đó, thì quả tim đó cũng không nên tự do đập loạn đả lên như vậy dưới mắt nhìn tai nghe của vị thầy thuốc.

Hắn lại lan man phân tích người bị ma đuổi qua vài khía cạnh khác, ở một người có lối sống như vậy thì hôn nhân và tình yêu chắc chỉ là ngày hai bữa cơm và một mụ vợ lắm điều. Còn lâu ông ta mới có tự do và thoát khỏi cái chấn song vô hình đó, mặc dù lúc nào ông ta cũng hò hét hai chữ “tự do”,  thích duy trì cái vầng hào quang giả tạm bao quanh mình trước đám đông. Biết đâu ông ta đã chả từng thèm thuồng những phút giây thảnh thơi, bên cạnh một người đàn bà biết thủ thỉ những lời êm ái, những vuốt ve thật đúng lúc cho thư giãn tâm hồn. Hắn lại nhớ cái quắc mắt của bà vợ ông bị ma đuổi, lúc ấy ông vọt lẹ như bị ma đuổi thật, khi bà vợ đuổi theo chồng ra tận cửa, tiếng cánh cửa đập thật mạnh làm rung rinh nhà hàng xóm chỉ là một phản kháng yếu ớt khi ông ta không làm gì được mụ vợ lắm điều kia.

Ông ta hầm hừ, càu nhàu trong cuống họng, leo lên xe, đóng cửa, chiếc xe hộc lên giận dữ rồi lao đi mang theo bao nỗi bực dọc của ông đến sở làm. Ngày hôm ấy là một ngày khốn nạn cho lũ nhân viên dưới quyền ông nếu ông là một ông chủ, ông sẽ trút cái đau khổ của ông lên đầu những kẻ bất hạnh đó.Rồi như một thứ dây chuyền, ngày hôm ấy sau khi tan sở, đám nhân viên lại mang theo nỗi bực dọc trút lên đầu vợ con, một thứ bệnh dịch không tên nhưng kết quả bao nhiêu người phải hứng chịu. Anh nhân viên có gia đình, nếu cảnh ấy tái diễn mãi có thể đưa đến sự đổ vỡ cho gia đình anh ta, gã độc thân sẽ ủ rũ không còn cảm thấy yêu đời nữa, và biết đâu anh ta đang nghĩ đến chuyện đi “apply” một chỗ khác. Tai hại như thế sẽ xảy ra ở một người lãnh đạo kém tài đức, kết quả thảm hại biết là chừng nào.

Thiệt tình thì ông ta chả có tự do gì cả, đấy là điều mà hắn, một người hàng xóm dở hơi quan tâm nhất, đang tìm một giải pháp cho ông bị ma đuổi , muốn làm luận án bảo vệ hai chữ tự do cho một người tỉnh táo, cuộc đời luôn bận rộn không có những giây phút thảnh thơi kể cả trong giấc mơ. Phải đấy, một người đầy những lo âu tất bật, đối chọi với cuộc đời muôn mặt như ông này thì ngay cả giấc mơ cũng vẫn bị ma đuổi, khó tìm được một giấc mộng đẹp hay một giấc ngủ sảng khoái của một thằng dở hơi vô danh tiểu tốt , nhìn đời như bóng mây lững lờ bay qua tầm mắt , xem ra chưa chắc ai đã sướng hơn ai!

Rồi hắn lại tưởng tượng thêm những thứ ông ta bị tước đoạt mà thương đứt ruột. Hôm nào đó hai vợ chồng ông bị ma đuổi cần phải chủ tọa một buổi tiệc quan trọng, có nhiều nhân vật tên tuổi nên cần có  mụ vợ đi theo để làm cảnh ông ta còn khổ sở thế nào. Ông ma đuổi sẽ phải biết kiên nhẫn chờ đợi bà vợ trong nhiều giờ mà không dám nói ra những lời gắt gỏng, sự bế tắc ấy sẽ dồn hơi ứ đầy lồng ngực  khi bà ta nhẩn nha thay mấy lần váy áo, đeo hết chuỗi vòng này lại đến chuỗi vòng kia, cái xắc tay cũng phải chọn lựa cẩn thận, cứ mặc vào tháo ra uốn éo trước tấm gương mặc cho ông bị ma đuổi thở dài thườn thượt. Giá ở chỗ khác ông đã hét toang toang lên rồi, chưa kể lát nữa đây khi xuất hiện trước đám đông, ông sẽ phải đi đứng sao cho từ tốn khoan thai khác với cách đi đứng lật bật của một người luôn bị ma đuổi đằng sau lưng à, thật khổ cho ông quá!

Lại nữa, nếu hôm ấy vì sung sướng quá, ông ta có thể bộc lộ quá độ sự vui tính của mình khi cười cợt với vài phụ nữ có phần trẻ đẹp hơn vợ ông, chắc hẳn đêm ấy sẽ là đêm bất hạnh cho một người đàn ông đã có vợ. Hắn tưởng tượng giọng bà vợ như rứt da rứt thịt:

“Gớm, hôm nay phởn nhỉ, anh nói chuyện với con mụ nào đấy, cười gì mà híp cả mắt lại.”

Ông pha trò chống chế:

“Không cười thì khóc à? Thì em cũng đứng đấy, anh có làm gì khuất tất đâu.”

Đúng là không có gì khuất tất, nhưng với vợ ông thì khó chịu lắm. Bà mỉa mai:

“Nhìn bản mặt anh là người ta cũng biết bụng anh nghĩ gì, trông cứ ngứa cả mắt.”

Ông nghĩ bụng, đúng là mụ vợ tinh thật, nhưng còn lâu mới biết ông nghĩ gì trong bụng, ông giả lả cho vợ vui lòng:

“Khó tính thế cưng, giữa quần chúng và đám đông nụ cười của lãnh tụ chỉ là giả, chỉ mình em anh mới cười thật thôi...“

Hắn lại hình dung ra nụ cười của ông ta, cười không ra cười khóc không ra khóc cho nên vì vậy nó lại méo xẹo đi. Bà vợ có vẻ hài lòng vì câu phỉnh nịnh của chồng, đấy là nghệ thuật sống của một người biết sống, biết đóng tròn một vai kịch. Nếu bà ta mở banh được lòng ông chồng ra để biết ông nghĩ gì, ao ước gì, nếu là một người can đảm bà ta sẽ đâm cho ông một dao lút cán, và ở một người ủy mị, bi quan bà ta sẽ không ngại gì đâm đầu xuống sông tự vận.

Ông hàng xóm còn nhiều thứ bị kiềm tỏa lắm lắm, như khi dùng điện thoại để nói chuyện với một người đồng chí hướng ở phương xa, bà ngấm nguýt nhìn ông , sau những lời chì chiết như siết vào cuống họng:

“Nói gì mà dai như đỉa, chỉ ăn không ngồi rồi nghĩ vẩn nghĩ vơ mà sinh lắm chuyện ...”

Khổ thân ông, ông có ăn không ngồi rồi đâu, ông cày thấy cha thấy mẹ, ông vắt giò lên cổ như bị ma đuổi toàn những chuyện không đâu, đầu vợ ông bé như hạt tấm làm sao hiểu nổi nỗi ưu tư đó.

“Này, tôi nói cho ông biết, một con én không làm nổi mùa xuân đâu ...”

Quá quắt lắm, nhưng ông cũng nhẫn nhịn giảng giải:

“Biết vậy, nhưng không có én thì người ta đâu biết là mùa xuân đã tới...“

Bà vợ phá lên cười, lối bỡn cợt làm tổn thương không nhỏ:

“Diều hâu, quạ, chim sẻ bay đầy trời, anh nào cũng bảo mình đại diện cho mùa xuân, trời đất này cứ loạn cào cào cả lên.”

Ấy, cứ kiểu đối thoại dấm dẳn như thế làm ông tức điên người, giá phải một tên vô lại nào đó thì đừng hòng ngồi yên với ông, ông sẽ chửi cho đến chừng nào câm họng mới thôi. Khổ thay cho một con người luôn thấy cuộc đời bị những con ma đuổi theo, nét mặt lúc nào cũng cau có buồn phiền khiến tự nhiên già đi trước tuổi. Riêng đối với mụ vợ ngang ngược kia thì cái tự do thứ nhất trong đời ông đã bị tước đoạt mất rồi, nếu không đầu hàng ngay từ phút ấy nó sẽ nổ tung ra tạc đạn, ông sẽ không còn mặt mũi nào đứng vững trên cõi đời này nữa. Người ta không hề tội nghiệp ông như hắn tội nghiệp ông, bao nhiêu tội lỗi sẽ được đổ lên đầu ông tức khắc, kẻ bị bạo hành là ông chứ không phải vợ ông, nhưng con mắt cuộc đời ít khi nào khoan nhượng cho một người đàn ông vì đàn bà luôn luôn được gọi là phái yếu.

Nếu phân tích kỹ, kẻ yếu ớt cần được bảo vệ là ông hàng xóm, khi ông muốn bứt sợi dây xiềng đó nhưng đâu có nghĩa là ông được tự do. Hắn cho ông có quyền chọn lựa, giữa sự tù ngục cho một người là vợ ông ta, với một vòng tròn tù ngục của đám đông ngoài kia, cái nào dễ chịu hơn?

Lại nói đến lũ con ông hàng xóm, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Á Đông nhưng lại được đóng nhãn hiệu USA, khi ông bố đang hô hào một cuộc cách mạng trở về nguồn, thì lũ con ông cứ ngược nguồn mà đi ra, cho nên ông vẫn bị một cú sốc khá nặng khi muốn bảo tồn một cái gì đó. Nếu là hắn, hắn sẽ ngồi xuống khiêm nhượng đón nhận những lời chỉ trích sai lầm trong quá khứ, chấp nhận những thay đổi tốt đẹp trong hiện tại, đưa ra những ý kiến mới mẻ để xây dựng tương lai thì đâu có xảy ra cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế. Khốn khổ ông cứ nhất định cho là mình đúng, nên khi bị bà vợ trấn áp ông quay ra đàn áp lũ con theo lối dây chuyền xưa như trái đất, nghĩa là vẫn duy trì cái bảo thủ ăn sâu vào xương tủy. Vậy mà ông cho là mình đã thay đổi, có khác nào đem ghép một vở tuồng cũ vào một bức phông mới, rồi bảo là mình thay đổi. Tuồng xưa tích cũ cũ mèm, lũ nhỏ không chấp nhận cũng đúng, và vợ ông nó chửi cho là phải.

Trong vấn đề này hắn nghĩ sâu xa lắm. Nhìn từ bình diện quốc gia cho đến hạ tầng cơ sở là gia đình, rồi chót bẹt là bản thân thì hoàn toàn cái này mâu thuẫn với cái kia, khiến cục diện càng thêm rối rắm. Nhìn chung thì vấn đề đã sáng tỏ và dễ giải quyết, chưa biết cách nào để bày tỏ cho ông hàng xóm bị ma đuổi hiểu thấu đáo thì ông ta lại dành cho hắn ánh mắt thương hại, thỉnh thoảng có hỏi vài câu, dành cho đôi ba phút hân hạnh thì lại cười cợt, như ban ân huệ cho một kẻ bần cùng tội nghiệp.Trong khi đó hắn luôn luôn nhìn ông với ánh mắt xót xa của một kẻ có tấm lòng, biết rung động, biết ưu tư trước cái khổ của đồng loại.

Biết là ai sướng ai khổ nhỉ, không hiểu tại sao nhìn bề ngoài của hắn người nông nổi cứ nghĩ là hắn khổ. Bao nhiêu điều trăn trở trong tâm hồn hắn, ngay cả sự sáng tạo của Thượng Đế đã là một bất công cho con người, khi màu sắc đã không đồng đều sáng sủa trên màu da, rồi qua những trang lịch sử thê thảm của nhân loại, hắn mới thấy con người vô địch về sự kỳ thị. Hắn là một người điên, dở hơi, rồ, tưng tửng, nhưng bù vào đấy tâm hồn hắn có cái nhìn rộng rãi và khoan dung với tất cả, khi hắn cố gắng tìm cách phát huy những cái tốt đẹp, và quên đi những khiếm khuyết trên con người và mọi loài vốn đã không thể nào toàn vẹn.

Thật tội nghiệp cho ông hàng xóm bị ma đuổi. Ông ta và bà vợ như hai người mù cùng đi một con đường, quờ quạng hai cây gậy để rồi thật sự không hề nhìn thấy điều gì ở trước mặt.

Nguyên Nhung

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011