SỐ 51 - THÁNG 07 NĂM 2011

 

Ngố Ngáo Ngu Ngơ và Dấm Dớ

Tình Hoài Hương

Chiếc xe đò cà tàng, thổ tả, lọc cọc, rệu rạo lăn bánh trên những cục đá dăm khi hoàng hôn nhè nhẹ quệt đường nắng yếu ớt, sóng sánh trên dòng sông mờ mờ, thì chúng tôi thực sự đặt chân về miền Tây lúc trời mưa thật lớn. Nhóm tôi đã trải qua một đoạn lãng du dài dằng dặc giữa trời đất tĩnh lặng bao la, hoang sơ, lãng mạn trên nẻo đường gió bụi trôi về xứ lạ, nơi vừa cũ vừa mới, vừa họa, vừa phúc, vừa lương thiện, từ bi lẫn tội ác quyện bện vào nhau, mà tôi không ngờ! Nhưng lòng trí ai nấy đều nôn nao, bồn chồn, lo âu thấp thỏm: vì xứ lạ phương xa, mà đa số bạn của tôi và tôi chỉ biết ngao du qua sách vở, chứ tôi chưa hề thú vị chứng kiến sông nước ruộng đồng bao la, vườn tược xanh um bóng mát, như nhà thơ Bùi Giáng đã nói:

Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở.
Ở trong cây trong lá ở bên sông.
Dòng nước chậm chần chờ con sóng chở.
Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng!

Và:

Chưa đi chưa biết Bến Tre.
Đi rồi mới biết toàn tre với dừa.
Dừa to dừa nhỏ dừa vừa.
Trèo lên tụt xuống nước dừa đầy tay. (2)

Xuống đến Rạch Giá cảnh vật thôn quê thơ mộng nhưng đa phần nhà cửa cư dân vắng vẻ, xóm làng quạnh hiu vô cùng, thì nhóm tôi hoàn toàn bị lạc lõng, xa lạ, đơn độc buồn thiu đến độ nào. Chúng tôi líu ríu dắt díu nhau đi tới chỗ lạ cái lạ nước, lạ hoắc, thật lúng túng bất tiện trăm bề. Nhóm người già trẻ lớn bé nầy chẳng hiểu sao lòng cảm thấy bất an, lo sợ, e dè, lấp ló thập thò, kín đáo dè dặt ngó quanh, nhìn trước ngó sau lén lút như kẻ gian, kẻ trộm, hết cả đám có miệng mà như câm, không ai dám hỏi thăm khi dân địa phương nhìn chúng tôi chằm chằm, xoi mói. Không có bản đồ địa phương, không rành phong thổ cũng như tập quán nơi đây, không thấy xe xích lô, không tìm ra khách sạn hay phòng trọ nào. Thế nên đã nhiều giờ nhóm tôi đi lạc lung tung. Sau đó:

Hỏi em, em đã đi rồi.
Hỏi chim, chim chỉ mỉm cười bay đi,
Hỏi cha, cha chẳng biết gì.
Hỏi sư, sư bận vội về tụng kinh.
Hỏi cô hàng xóm làm thinh.
Hỏi nàng bán bánh cười tình không hay.
Nhìn trời một đám chim bay... (2)

Duy có điều quan trọng là dù chúng tôi ngu ngơ ngố ngáo nơi quê hương thân yêu, cũng phải cương quyết rứt áo ra đi, phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Đang ngơ ngác, bồn chồn, lo lắng khi trời đã về chiều, mà chân chồn gối mỏi, đúng lúc đó chúng tôi văng vẳng nghe:

Đạt là chàng trai yêu xứ Đà Lạt.
Anh “pLê mê” đi lính ở Plei-me.Cầu ma bà xã tui đi Cà Mâu.
Cây còn xa quê mình nhớ con cầy
Lợn sang đồng lo chạy rông Lạng Sơn.
Hiền ta ra hiên tà thấy Hà Tiên.
Chúng ta hoan hỉ tá chung chiếc thuyền.
Ngày mai anh Viễn định xuống Vĩnh Điện.
Cao Bằng đau bụng đụng bao căng bào.
Trai Hà Giang chỉ cơm hỏi hàng gia?
Đi Lai Châu gót chân mình lâu chai.
Gái Hà Đông đa hồng hỏi Đông Hà.
Cán ngố trên rừng cố ngán không khóc.
Con cóc vàng trên đàng bị cán vọc
Tớ chổng khu hỏi chủ không chổng khu?
Cù Lao Chàm càm ràm chú cào lu.
Tên “Plu-kê” chạy rông đi Plei-ku.Quê hương vạn thuở hang vượn lu bù... (1)

Chúng tôi tần ngần do dự đứng khựng lại trầm lặng hồi lâu, lắng nghe bọn trẻ choai choai dé dé xíu xíu khoảng độ tuổi mười lăm mười sáu, có lẽ là nam nữ sinh trường Trung-học gần đấy đang ngồi trên sân đình, các em vui vẻ trao những câu “thơ thẩn tiếu lâm dám xướng ngôn vô loại” lên đấy, cười ha hả mà không sợ bị bọn du kích 30 tống giam, thì trong dạ tôi vui mừng như mở cờ, ruột hớn hở đánh lô tô tưng bừng mà nghĩ rằng: ở đây có lẽ còn khá tự do dễ chịu, chắc là còn thoải mái yên bình ca hát, ngâm thơ, hát câu vọng cổ...  bên sông nước mơ màng: cũng có thể làm cho người lạ xích lại gần kề, thân ái gợi chuyện làm quen, làm thân một cách dễ dàng, cởi mở. Anh Bàn liều đi tới hỏi thăm đám trẻ, các em trai lanh lẹ vui vẻ chỉ lối đưa đường cho nhóm tôi biết: nên đi về hướng chợ nhỏ ở xa xa. Mấy anh dấm dớ dò dẫm qua một chiếc cầu gỗ cũ, tới trạm mua vé tàu thủy, dự định ngày mai cả nhóm sẽ đi Phú Quốc.

Chiều tà ở tại Rạch Giá từ bước chân khách lạ cô đơn trên đường chiều khiến lòng tôi buồn vô hạn, đứng trên cầu gỗ nhìn về phía góc vườn dừa rợp bóng nhà ai sông nước chập chùng. Có chút tâm hồn đa cảm và nhạy cảm... khiến tôi cảm thấy nơi đây thật sự kỳ diệu thanh bình lãng mạn lắm. Lòng tôi càng xúc cảm vấn vương nỗi buồn thê thiết, khi thấy mấy giang thuyền lạnh lẽo lắc lư nằm im ỉm, trơ trọi bên những cầu tàu quạnh vắng, làm thức dậy trong tâm trí tôi hình ảnh dĩ vãng lãng đãng mộng mơ thiết tha thật gần; nhưng bây giờ đã rời xa... xa mờ xa nơi chân trời mê-hoặc, xao xuyến mông lung bao tiếc nhớ, bâng khuâng lặng lờ nỗi đau sâu thẳm: Đâu rồi những anh thủy thủ phong trần trẻ trung vui tính ưa huýt gió, vui vẻ, xinh lịch oai hùng hào hoa trong bộ quân phục Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trắng tinh, mặc bộ quân phục với niềm kiêu hãnh vinh quang hào hùng trong dĩ vãng? Mặt nước có còn in bóng chàng trai phong sương đa cảm, đa tình vu vơ nhìn mây trời xanh bát ngát? Dưới đáy thuyền sóng cả cuồng phong thịnh nộ ngày ấy vỗ nước bồm bộp vào mạn thuyền, đẩy đưa anh lính Hải-quân có cuộc sống hào hoa phong nhã lang bạt xây mộng giang hồ đi tứ xứ!

Ý chí của bạn và tôi bây giờ chỉ còn là ảo ảnh: trăng tròn giữa lòng sông lắt léo dòng chảy trên luống đời điệp trùng bóng tối. Tiềm ẩn trong tâm hình ảnh đường chiều nâng ước vọng dâng cao với bài thơ: Vừng Quang Rạng:
Thuyền Hải Quân chập chùng lướt biển mặn.

Anh sông hồ đời dọc ngang áo trắng.
Tình sao biển trùng phùng hội hoa đăng.
Giang hà kinh lạch sớm chiều mưa tuông.
* Hoàng hôn về tàu nhấp nhô lên xuống.
Cánh buồm căng gió tơ rung vương vướng.
Sóng thủy triều đùa giỡn ánh tà dương.
Cỏ bên đường ủ vệt trăng nghê thường.
* Em e ấp đứng dưới hàng thùy dương.
Anh ngẩn ngơ khuya Vàm Cỏ ven đường.
Mây âm thầm xõa tóc trên ngấn sương.
Tiếc thương ơi! Ngày quê hương bất hạnh!?
* Bao năm triền lá đổ... biệt ly anh.
Chiều Sông Hậu vàng phai áo mong manh.
Dòng đời muôn lối bóng ai dãi dầu.
Gót giày đinh xưa nốt nhạc... Hải âu
* Như tình ta hoang phế; anh ở đâu?
Chắp đôi tay nhìn Thượng Đế nhiệm mầu.
Đường hải trình vạn dặm quá băn khoăn!
Sóng trùng dương xin kỳ ngộ Bích Câu.
* Ở phương nầy chờ đợi những canh thâu.
Nếu ngày mai anh quá bước lên cầu.
Giữa nhịp nối em quỳ trên bệ đá.
Vừng quang rạng mình nhớ nhau dài lâu... (1)

Đến gần chân cầu sắt dày cui lót gỗ bên kia trạm vé, thì có một khu nhà tôn chen lẫn nhà lá tồi tàn, nhưng đã đem lại lòng tôi sự ấm áp rộn ràng rạo rực niềm vui, chen lẫn sự xót xa chân thật: khi tôi nhìn cư dân địa phương vất vả, thiếu thốn, nghèo nàn. Các anh vào thuê mấy chỗ trọ. Không phải là phòng trọ như ở nơi khác có phòng riêng sạch sẽ tươm tất, mà lán trọ ở đây giống như khu nhà trống tập thể, hoàn toàn không có cửa nẻo, chỉ là những hàng ghế bố cũ mèm nối dài, mái lợp lá dừa trống trơn, hơi giống patio bốn bề lộng gió. Nước mưa lộp độp trên mái lá, bùn đen sền sệt dưới chân ghế bố luôn luôn ướt nhẹp, mốc xì, đen thui, ghế bố có nhiều gián, rận, rệp hôi rình, thậm chí có cả chí mén, chí cồ bò lổm ngổm trên gối. Thế nhưng người ra kẻ vào lội nước lũm bũm vẫn tấp nập ồn ào ngược xuôi đông đúc lắm.Chị Ngọc, Cúc, tôi vội vàng xẹt ra khu chợ xép nhỏ gần xịch một bên, chị em tôi chẳng buồn hỏi khu chợ nầy có tên gọi là chợ gì. Mỗi quầy hàng là một cái chòi bằng tre lợp lá dừa, giống túp lều nho nhỏ luôn kêu kẽo kẹt, nước bùn đen đen đọng dưới chân cột và trên đường nhựa. Quán xá lộn xộn, họ bán đủ thứ: cá, tôm, sò ốc, rùa, ếch... Úi trời! có nhiều con rắn uốn éo thân, cái lưỡi chẻ đôi thò ta thụt vô cơn sống, cả những chú chuột đồng lông lá lưa thưa có móng nhọn dài to bự sư. Coi thật gớm à! Chị em tôi mua nhiều tôm tươi, cá trê vàng, cá sặc bướm, cá sặc rằn. Rồi day qua hàng khô mua gạo, mua một trái thơm, rau sống, cà chua, mua củi. Họ thật thà hào phóng bán trái cây tươi rói, tính một chục là 16 trái xoài bóng láng, mập ú, thơm ngon. Họ không nói thách, không làm hàng màu mè: không chất thứ to bỏ làm hàng mặt ở trên, trái nhỏ chêm ở dưới thúng, mà có sao họ bán vậy. Dân quê và dân chợ đa số khá hiền lành chất phác, vui vẻ chăm chỉ thật thà. Họ nói ở đây cái gì cũng tươi và rẻ nhất là: cá, tôm... Nhưng họ khó kiếm ra tiền, vì nhà nhà ai ai cũng có cá, có tôm. Thịt ếch và các loại cá ở miệt nầy càng rẻ rề, thì đem bán cho ai đây, để có tiền xây xài?

Chúng tôi xin bà chủ nhà trọ cho mượn mấy cái xoong nồi, nấu nhờ bữa cơm tối. Bà chủ nhà vui vẻ dễ dãi nhận lời. Chị em tôi xúm lại người nấu cơm, người làm cá, lớp kho, lớp nấu, chiên xào... Đây là bữa cơm đặc biệt đầu tiên, có thể cũng là bữa cơm cuối cùng tại Rạch Giá. Nhóm chúng tôi ăn uống no nê, dư dả và rất ngon miệng. Sau đó chị em bưng nồi niêu xoong chảo ra bờ kè rửa ráy, rồi trả lại cho bà chủ nhà tốt bụng. Chị em cho các con ra sông tắm gội sạch sẽ.

Khi màn đêm buông xuống, tôi nhìn bên kia kinh lạch tối om vì không có điện, bên nầy ngọn đèn đường tù mù hắt ánh sáng yếu ớt vàng vọt, giống như đèn đêm lốm đốm lập lòe ở khu nghĩa trang, thiệt cảm thấy quá nản. Đêm buồn nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên lá, gió lồng lộng rít rít từng cơn, thổi bay tấm mùng vải cũ ố vàng đen đen, khiến cái lạnh càng về khuya càng ngấm xuyên qua da thịt tôi thêm rúm ró và rùng rợn. Bầy trẻ suốt ngày đi đường quá vất vả, nên tắm gội xong, chúng vừa đặt lưng xuống ghế bố, là đã “phè cánh nhạn” ngủ say. Riêng bọn già nầy thì bồn chồn, băn khoăn, lo lắng, không sao chợp mắt, dù chỉ vài phút. Thỉnh thoảng có đám tuần tra đi ngoài đường nói cười rổn rảng sát ngay bên ghế bố nơi Luật nằm. Tôi không biết họ đang oang oang chửi gì, chửi ai!? Chửi số phận nghiệt ngã đã trao cho họ: phải xách súng đi ngày đêm kiểm soát dân; từ buổi giao thời mới có “tự do hạnh phúc”?! Hoặc hắn tự chửi mình ngoảnh mặt làm lơ nhìn người khác hả hê trả thù dân tộc!? trợn mắt sung sướng nhìn đồng bạn tuôn trào những lời cay độc, hét to từng tiếng lát gừng thị oai:

- Tên gì?
- Ai đó?
- Đi đâu?
- Kiểm tra giấy tờ.

Anh em thằng Tùng (con của Ngọc) giật mình thức giấc vì tiếng quát, thằng Thắng xù xì ho#i anh nó:

- Mấy ông kia có phải là lính mình không anh Hai? Lính Thủy Quân Lục Chiến mặc đồ đen, quàng cờ xanh đỏ, cánh tay đeo băng đỏ đó anh.
- Tầm bậy tầm bạ! Mầy đoán già đoán non, mà ngu như bò! Thủy-quân Lục-chiến oai lắm, họ mặc đồ xanh rằn ri, đội mũ màu xanh cứt ngựa, mang giày đinh.
- Vậy à… em cứ tưởng mấy ông kia là người trong đảng ca ca ca chi đó.
- “Ca ca” tiếng Tây nôm na là cứt nghen. Còn đảng K K K... là làà thời da trắng ám sát da đen, khi Nam Bắc phân tranh bên xứ Mỹ. Không có ở đây! Biết không?
- Thì... thì em thấy mấy ông du kích nầy có khác chi...
- Suỵt! Mầy có câm ngay cái miệng ưa bép xép không!?
- Em không biết, mới hỏi chút xíu, anh làm gì dữ vậy!
- Coi chừng cái... bản mặt đó. Thấy thì biết.

Nghe hai cháu nhỏ “nóng ruột” từ lời nói, còn tôi “nóng ruột ứa gan” từ trong tim! Thành phố khiêm nhường bé nhỏ nầy đã trở nên trơ tráo hơn, khi có quân giải phóng miền Nam tới với những thứ lạ, thứ mới, có ít thứ tốt và nhiều thứ xấu, lắm thứ dữ. Một ông già chệnh choạng thất thểu bước thấp bước cao, và mấy thanh niên đứng xớ rớ dưới cột đèn mờ mờ, ông già ấy đã bị móc túi, không còn giấy tờ tùy thân, không có tiền xì ra. Cha con ông cháu nói dai, ú ớ van xin lằng nhằng lải nhải, liền bị một du kích địa phương dùng báng súng đập ông già bể một mé đầu, vọt máu tươi. Tên du kích ấy bắt ông già bó gối, hai tay đan vào nhau, chấp lên đầu chung với đám thanh niên: Khổ thiệt, ở thời buổi giao thời nầy, sao ông dám mở miệng phân bua, với ai hì! ông lẩm cẩm không nhớ cho:

Phong lan, phong chức, phong bì.
Trong ba thứ ấy, thứ gì quý hơn?
Phong lan ngắm mãi cũng buồn.
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra.
Chỉ còn cái phong thứ ba.
Mở ra thơm nức, cả nhà cùng vui. (2)

Bị thương ngoài da rồi sẽ có ngày lành, nhưng tổn thương trong lòng dù không ai trông thấy (vì chuyện không đáng), nhưng đau dài lâu. Luật tức giận cành hông, anh dợm đứng lên nhảy ra can thiệp, nhưng Ngọc nhanh tay lôi giật Luật và ra dấu im re nằm xuống câm mồm, coi chừng đầu không phải phải tai. Cổ họng ai nấy đều đắng nghét như ngậm vốc trà khô. Trà đắng có thể không thích nghi với thổ địa bởi tại phong sương, hoặc trà chát, chua, bởi tại tình người? Vả chăng, khi chiều chúng tôi nhìn “mấy tên 30”, hoặc ngó ai ai thì cũng thấy họ tò mò nhìn sững mình không chớp mắt, chả biết đâu là thù, mô là bạn! Nhiều người ra vào ở phòng trọ nầy mặt lạnh như tiền. Chớ tôi có tật gì mà giật mình!? Đúng. Một số ít dân cách mạng lâm thời đội mũ tai bèo, mang súng AK trong buổi giao thời, bên cánh tay cột khăn vải đỏ, cổ mang màu cờ nửa xanh nửa đỏ, họ hầm hầm nhìn ngó chúng tôi trừng trừng, nhìn muốn nổ con mắt, muốn trợn trừng tráo trưng ăn tươi nuốt sống.

Nếu ví như có những điều tự trong thâm tâm quý vị đang trong sáng, bỗng một sớm một chiều trở nên âu sầu, băn khoăn, suy tư, lo lắng, bâng khuâng ray rứt về cái ngày ngày 30-4; ngày lịch sử bất hạnh là một dòng chảy không bao giờ chảy ngược lại! Hoặc giả quý vị hay tôi cầm bút viết lại, nói ra, lượt thuật, lượm lặt sưu tầm đó đây nhã ý là: do ta chỉ ước mong bộc lộ những uẩn khúc quá đau lòng tự thâm tâm trong đời sống thực. (Có lần tôi đã nói: “tôi không hề lên án ai, xúc phạm ai, bới móc ai một điều gì! Cho dù con người ấy, xã hội ấy sau 30-4-1975; đã đả thương tôi đớn đau trầm trọng cách mấy đi chăng nữa! Tôi vẫn rộng lượng sẵn sàng bỏ qua & tha thứ. Vâng)! Thì xin quý vị tha cho tôi, đừng vội thẩm định tôi khuynh tả hay thiên hữu: Do thân tình ghi lại loạt chuyện (mà bạn TtTm hoặc tôi kể) để con cháu chúng tôi ngày ấy chưa thành nhân, thành danh, ngày nay sẽ hiểu rằng: Tình Đời và Tình Người rất cần thiết, dù có tiền rừng cũng không thể mua được thanh danh. Hủy hoại thanh danh dù một lần, một ngày làm mất danh dự, nhưng đã lưu lại suốt đời. Nếu tôi hoặc bạn tôi cố chấp, thì chẳng khác nào như con dơi vắt mình trên cành: con dơi chỉ thấy một phần nhỏ xíu dưới cành, mà chẳng thể nhìn thấy cả toàn cây.

Con cháu tôi nghe, thấy, biết sự hung ác kia... thì bây giờ nên tôn trọng nhân cách sống, cư xử với nhau hòa ái, bao dung, vị tha; vẫn trân quý đáng ngưỡng phục, hơn sự thô lỗ bạo tàn rợn người. Con chuột chỉ là con vật loắt choắt tẻo teo, chuyên đi phá phách hại ruộng hại đồng áng cỏ cây nhà cửa, dù nó có uống nước trong, hoặc mò mẫm lặn lội húp nước đục, thì chỉ no được cái bụng bé tí teo. Chuột vẫn là giống chuột lủi tanh hôi, có khi truyền đến ta bệnh dịch hạch nguy hiểm đáng sợ. Chuột nhớp nhúa không thể làm điều gì cao sang, ích lợi cho đời. Nhưng... bây giờ thì nó có hóa thân làm con chuột hét ra tiếng người thị oai, cốc lốc, lấc xấc, có hét tướng lên trong màn đêm u tịch, càng khiến người rất sợ hãi, không dám hó hé dáo dác len lén nhìn quanh, mà phải nằm im ru trong mùng lim dim hi hí ngó trộm.

Có miệng không nói lại câm.
Hai hàng nước mắt chan dầm như mưa.
Mang danh Dân Chủ Cộng Hòa.
Đi ra khỏi tỉnh phải qua cửa quyền.
Xuất trình giấy phép liên miên.
Chứng từ thị thực ở miền nào qua. (2)

Khoảng mười hai giờ khuya, có một toán choai choai dé dé xíu xíu bặm trợn khác lại xồng xộc vô nhà trọ, vếu váo tốc ngược mùng của mọi người lên, chúng giựt giọng gọi những khách trọ đêm dậy để kiểm soát giấy tờ tùy thân. Qua nhiều thủ tục khám xét gắt gao, những túi hành trang vải, (mà tôi đã may hôm 28-4-1975). Họ lừ mắt trợn ngược, hất hàm chĩa súng vô bụng, gặn hỏi khách trọ cộc lốc đủ thứ chuyện không có chủ từ danh từ:

- Tránh qua bên kia, đứng xếp hàng.
- Trước ở đâu?
- Làm gì?
- Nay đi đâu?
- Đưa coi giấy tờ.
- Còn có gì giấu đút ở đâu không?
- Có lệnh không được đi đâu hết.

Nhóm tôi nói: hồi trước gia đình đã sinh sống ở Phú Quốc. Nay có tự do, hòa bình, thì muốn về lại chỗ cũ sinh sống.

Trăm năm trong cõi người ta.
Ở đâu cũng được đi ra đi vào.
Xa xôi như xứ Bồ Đào.
Người ta cũng được đi vào đi ra.
Đen đủi như Ăng Gô La.
Người ta cũng được đi ra đi vào.
Chậm tiến như ở nước Lào.
Người ta cũng được đi vào đi ra.
Chỉ riêng có ở nước ta.
Người ta không được đi ra đi vào. (2)

Người ta nói: Ông Trời có mắt nhưng do ổng ở xa lắm, nên có mắt cũng như mù! Úi Trời đất thánh thần thiên địa ơi! giờ nầy quý ngài hiền đức thánh nhân ở trên thiên đình: lo đi rong chơi, ngao du nơi biển sâu sông dài núi cao nào rồi!? Sao quý ngài không cúi xuống nhìn đám dân giả dưới trần gian của quý ngài đang rét run, sợ té khói ra đít nè! Đã thế mà trời còn mưa giông sấm sét! gieo sấm sét đánh chết người, thì thiên hạ nói:

- Do người ấy ăn ở ác, không có đức, nên bị trời đánh.
- Hứ! Vậy chớ ông Trời làm sét đánh chết người, thì không ai nói là ông Trời ác hì!

Bốn giờ khuya, toán du kích già dặn kinh nghiệm thứ ba mặt mày đằng đằng sát khí, súng ống lăm le chĩa ra đằng trước ngực khách, đạn lên nòng róc róc róc... rắc rắc rắc... réc réc réc..., ngón trỏ đặt trên cò; họ lại dựng đứng khách trọ ra khỏi mùng, để “hỏi cung”. Chúng tôi sợ mấy cha nội không rành về súng ống đạn dượt, ưa tháy máy tay chân, thích “bụp” liền, thích “đục” , thích “nẻ” bậy vào dân ngu khu đen, thì chết toi cả đám oan đời. Tôi ngồi co rúm, không dám hó hé, xép re im thin thít trong một góc nhà trọ, lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện mà run như cầy sấy. Vậy thì tôi chẳng biết “ai” ác hơn ai hở Trời!

Hãy đến bất cứ nhà nào.
Chị em không việc cũng vào cũng ra.
Thật là ngứa mắt chúng ta.
Nhưng thôi cứ để họ ra họ vào.
Không thì “cửa sắt” họ rào.
Anh em đố có dám “vào” dám “ra”. (2)

Một đêm có tới ba lần bị kiểm soát! Tửng bưng gần năm giờ sáng thì tốp dân ở Phú Quốc cặp tàu vô đất liền. Sau đó, cả lán trọ được biết là tù-phạm sau ngày 30-4 ở ngoài Phú Quốc đã phá ngục, có lớp người vượt ngục ra tù về đất liền, họ cầm súng dương oai đi quậy tưng trời, phá phách cướp bóc nhiều nơi. May mắn Ngọc gặp ông ba của anh trên chiếc cầu gỗ lắt lẻo: Ông ba mừng rỡ, ôm con trai vừa khóc vừa nói:

- Phú Quốc đã có nhiều trại tù nổi loạn. Cướp bóc tràn lan. Có những cuộc chém, giết, chạm súng gắt gao. Bọn mình phải quay trở về Đà Lạt ngay thôi.

Chúng tôi tứ cố vô thân ở xứ lạ quê người, nghe thế lại càng tăng lòng sợ hãi lên cao độ, phân vân hết sức. Nếu chúng tôi đi ra Phú Quốc, biết đâu: Ngoài đảo đang lộn xộn kinh khủng, thì tai ách giữa đàng lại mang vào cổ. Thế là chuyện đi Phú Quốc và từ nơi đó sẽ “đào tẩu” ra nước ngoài, nhưng em ơi ”nếu mộng đã không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu mà... tìm!”. Tất cả anh em chúng tôi như con ngố rù rì to nhỏ xầm xì với nhau nửa tiếng Anh, nửa tiếng Pháp, pha tiếng lóng chêm tiếng Ba Chệt, tiếp ngôn ngữ Việt bàn tính: nên trở về Sài Gòn thôi. Dù sao ở thủ đô vẫn còn có bộ mặt thị thành văn minh, còn có tai mắt quốc tế dòm ngõ hầu vô cứu nhân độ thế!

Chuyến đi Rạch Giá mong ước lẻn ra Phú Quốc còn vùng vẫy trong tự do độc lập, thật vô duyên hết chỗ nói. Háo hức hân hoan hy vọng ra đi. Đến nơi Rạch Giá chứng kiến cảnh mắt thấy tai nghe bọn oắt con nhỏ bằng con cháu mình, hung hăng, thô thiển, xất xượt “lên mặt” đánh đấm răn dạy cha chú. Tôi chong mắt trông trời mau sáng, để quày quả trở về nơi vừa mới bỏ đi. Có phải chúng tôi sẵn tiền, hay đã trở thành kẻ du mục dị ứng thời cuộc đã bị tẩu hỏa nhập ma điên khùng, “lắc lư con tàu đi... tìm tự do hạnh phúc”!? Giá mà hôm qua chúng tôi không gặp mấy tên du kích có đôi mắt trắng dã, có cái nhìn dữ dằn, hành động hung ác, ăn nói cộc cằn, thô lỗ. Thì chắc chắn sáng tửng bưng nầy cả nhóm tôi đã lên tàu thủy dong ra Phú Quốc lánh nạn rồi:

Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ.
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
- Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo.
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo.
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên hiền thương áo trắng.
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh... (3)

Cũng có lẽ định mệnh an bài cho chúng tôi nên ở lại Sài Gòn đông vui, thì đời không cô độc, sẽ là nơi an tựa vững vàng cho tương lai, cuộc sống của chúng tôi chăng?!



(1) Thơ tìnhhoàihương
(2) Thơ sưu tầm lượm lặt.
(3) Thơ Tha La Xóm Đạo - Vũ Anh Khanh.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011