SỐ 51 - THÁNG 07 NĂM 2011

 

NHÀ VĂN HUY PHƯƠNG VÀ XỨ NỮ HOÀNG

nguyễn triệu việt

Thật là một hân hạnh cho tôi có lời giới thiệu đến quý quan khách và quý đồng hương tại QLD về đứa con tinh thần mới nhất của nhà văn Huy Phương: Đó là quyển Tạp ghi Hạnh Phúc Xót Xa. Trước hết xin có lời chào đón nhà văn Huy Phương đến với chúng ta.

Ngay cái tựa đề Hạnh Phúc Xót Xa cũng đã cho ta lắm điều suy nghĩ. Hạnh phúc là hạnh phúc, sao lại có xót xa? Có phải hạnh phúc nào cũng có đắng cay? như hai mặt của một đồng tiền. Xin thưa: có lẽ cũng gần đúng như vậy.
 
Quyển Hạnh Phúc Xót Xa của nhà văn HP không phải là tập truyện ngắn, cũng không phải là tập truyện dài, mà chính là một cuốn Tạp ghi, trong đó có đến 60 câu chuyện nhỏ. Tuy gọi là chuyện nhỏ nhưng thật sự là những chuyện lớn nếu ta hiểu theo một nghĩa nào đó.

Tạp ghi của tác giả HP - nói theo kiểu nhà văn Diệu Tần là không còn ghi tạp, ghi lặt vặt, ghi chạp phô, ghi theo kiểu "mì ăn liền" nữa mà đã được thăng chức, thăng cấp để nói những chuyện cao hơn, xa hơn. Ông đã phụ trách mục Tạp ghi Chủ nhật cho nhật báo Người Việt tại Nam Cali - tờ báo lớn nhất của người Việt ở đó từ nhiều năm nay. Điều đó có thể bảo đảm rằng nhà văn HP có đầy đủ kinh nghiệm và chỗ đứng rất vững vàng về lối viết này mà độc giả cũng như nhiều nhà văn nổi tiếng người VN chúng ta đã hết lời khen ngợi.

Đối với cá nhân chúng tôi, Tạp ghi của nhà văn HP có thể nói là những bài tản mạn ngắn, thường không quá 5 trang sách, ghi những điều thật đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, về bất cứ đề tài nào, kể cả tương, chao, gạo, đường, mắm muối... nếu cần. Nhưng dưới ngòi bút chân tình của nhà văn HP, ông đã cảm nhận được, ghi nhận được, như một nhà chụp hình chuyên nghiệp, bắt được những phong cảnh thực tế, chọn lọc những tấm hình ăn ảnh nhất, tiêu biểu nhất, để trình bày đến giới thưởng ngoạn nghệ thuật, thể hiện qua những câu chuyện được bàn thảo thật trong suốt, với những nhận định thật giá trị để cống hiến đến quý độc giả của ông những tâm tình cao quý nhất, và có thể là những giải pháp tốt đẹp nhất từ nội tâm riêng của mỗi người.

Quyển Hạnh Phúc Xót Xa là đứa con tinh thần thứ 6 của ông trong vòng 8 năm sau các quyển Nước Mỹ Lạnh Lùng, Đi Lấy Chồng xa, Âm Lạnh Quê Người, Nhìn Xuống cuộc đời, và Những Người Muôn Năm Cũ. Các tác phẩm này hầu như được tái bản rất nhiều lần chỉ trong một thời gian ngắn.

Quyển Hạnh Phúc xót xa có đến 60 bài Tạp ghi với những đề tài rất thích thú khác nhau. Các đề tài này không bao giờ chán, và đầy khắp trong dân gian, nói không bao giờ hết. Hầu hết tác giả nói những điều rất chân thật, với giọng văn rất nhẹ nhàng, thật nhân bản, thật quốc gia, hình như qua đó chúng ta có thể nắm bắt được, sờ mó được, ngay trong gia đình, hoặc ngoài xã hội, nhưng đôi khi cũng gợi cho ta một chút triết lý lao xao, gấp tập sách lại, vẫn còn câu chuyện văng vẳng đâu đây, với nhiều suy nghĩ trong tim, có khi kết thúc với nụ cười cảm khái, có khi kết cuộc với giọt nước mắt đau buồn nhân thế. Đôi khi tôi có cảm tưởng đọc được những nhận định của anh như những kết luận về thiền học.

Tôi đơn cử một thí dụ trong tác phẩm trước đây - tác phẩm Nhìn xuống cuộc đời. Bài "Có Còn hơn không": Một bà Mẹ thường than phiền nhiều lần về việc đau nhức cánh tay với đứa con trai. Một hôm người con trai này bảo với Mẹ: "Mẹ hạnh phúc còn có cánh tay để mà đau, ngược lại có người muốn đau mà không có cánh tay do mẹ ạ!" Câu nói này thật ra có vẻ bất nhân của đạo làm con, có thể làm phật lòng người mẹ. Nhưng ngẫm ra lời nói của đứa con chí lý biết là dường nào. Và sau đó là những suy nghĩ và nhận định của tác giả về đề tài này một cách thật hứng khởi, thích thú..., làm sao chúng ta không tò mò tìm hiểu cho được.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến vợ chồng một người bạn gặp nhau trong một tiệc cưới than phiền với ông rằng "thiệt khổ cho hai đứa con gái của tôi, nó kéo nhau đi lấy chồng ngoại quốc hết, một lấy chồng Mỹ, một lấy chồng người Iran. Có tức không chứ!? “. Anh cho đó là điều bất hạnh cay đắng nhất đời mình mặc dù anh sang Mỹ rất sớm. Nhà văn HP trả lời:

"Anh có con sang Mỹ sớm, học hành đến nơi đến chốn, có chồng con vui vẻ hạnh phúc như vậy mà anh còn than phiền khổ não. Tôi cũng có con gái như anh, nhưng không được may mắn di tản sớm như anh, sau này vượt biển rồi mất tích, như vậy anh có phải là người bất hạnh không? Anh vẫn còn con gái để nhìn thấy nó, khuya sớm gặp gỡ, để thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Vậy anh còn than phiền nữa không? Anh có muốn đổi lấy hoàn cảnh của tôi không?”  Câu trả lời của anh HP chắc chắn đã để lại trong lòng người bạn, và cũng có thể là của rất nhiều người trong chúng ta, một chút gì suy nghĩ trong lòng, vì hầu như hiện nay gia đình nào cũng có thể xảy ra những trường hợp này.

Tôi xin đề cập tiếp đến một câu chuyện có trong tác phẩm Hạnh phúc Xót xa, đó là câu chuyện mở đầu cũng với tựa đề Hạnh phúc xót xa, có nói lên một trường hợp báo chí trong nước vừa cho thiên hạ uống một liều thuốc an thần. Đó là việc loan tin "VN: Hạnh phúc đứng vào hàng thứ 5 trên thế giới". Đọc đến đây, chắc chắn không ai trong chúng ta không tránh khỏi phì cười, vì có lẽ không ai hiểu rõ đất nước mình hiện giờ hơn là chính những người tỵ nạn chúng ta ở đây. Điều này quả thật mâu thuẫn vì cách đây không lâu, một cuộc khảo sát về hạnh phúc của Công ty Nghiên cứu Tiếp thị Hoa Kỳ "The Nielsen" cho biết rằng trong 51 quốc gia được nghiên cứu, tất cả phụ nữ đều sung sướng hơn đàn ông, chỉ trừ có 3 quốc gia: Nam Phi, Ba Tây và VN.  Thế thì có phải là "ông nói gà, bà nói vịt" không? VN mà đứng thứ 5 thì chắc chắn phải đứng trên Cuba một bậc, và bỏ xa "thiên đàng nước Mỹ" đến 109 nước. Quý vị có tin nổi không!?

Hôm nay đã bước vào Tháng Tư đen, đã tròn 36 năm kể từ ngày mất nước, nhà văn HP gặp chúng ta nơi đây cũng là cái duyên. Cái duyên của một người cựu chiến sĩ QL/VNCH mà trong số quý đồng hương ngồi đây, có rất nhiều người cũng là cựu chiến sĩ QL/VNCH. Tôi xin nêu lên một đề tài nóng hổi của nhà văn HP vừa viết mới đây, bài viết có tựa đề "Anh hùng và phản bội" để chúng ta cùng nhau nhớ đến những người chiến sĩ anh hùng của QL/VNCH đã “vị quốc vong thân”, bỏ mình vì Tổ quốc trong ngày Quốc hận 30/04/1975.

“Chúng ta đã biết một nước Nhật anh hùng, người Nhật có trách nhiệm với quần chúng và tổ quốc. Trong chính quyền, các viên chức gây ra sự tổn thất hay tai nạn trong phần trách nhiệm của mình đều tự xử bằng cách nhận lỗi và từ chức.

Những sĩ quan Nhật lúc sa cơ thất trận biết chọn cái chết cho mình để giữ tròn khí tiết. Trận Okinawa với quân đội Mỹ kéo dài 82 ngày, kết thúc vào tháng 6/1945, trong những giờ phút cuối cùng biết không giữ nổi đất đai của tổ quốc, ngày 15/06, trong một hang động lớn, Ðại Tá Kanayama, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 27BB tập hợp 102 người còn lại của trung đoàn. Ông ta làm lễ đốt quân kỳ trung đoàn và nói:

“Trong ba tháng vừa qua, anh em đã cùng tôi chiến đấu. Lòng dũng cảm, chí hy sinh, sức chịu đựng của anh em, lịch sử sẽ khắc sâu. Nay tôi nói lời cám ơn anh em đã phục vụ quên mình. Giờ đây, tôi tuyên bố giải thể trung đoàn. Từ nay trở đi, anh em không còn bị ràng buộc, tôi lãnh trách nhiệm về việc này. Riêng tôi, tôi sẽ vĩnh viễn ở lại đây. Nhưng tôi cấm anh em theo tôi. Ra lệnh cho anh em phải sống để kể lại cho hậu thế biết quân đội Nhật Bản đã anh dũng chiến đấu như thế nào ở Okinawa.”

Ðoạn Ðại Tá Kanayama rút gươm mổ bụng. Ðại Úy Sato chặt đầu người chỉ huy theo đúng nghi thức rồi hô to TennMheika banzai! (Thiên Hoàng vạn tuế), dứt tiếng hô, ông chĩa súng lục vào đầu bóp cò tự sát.

Cũng trong ngày 21/06, trong căn cứ của mình tại Mabumi, Tướng Ushijima và mọi người đều hớt tóc, cạo râu. Sau đó ông viết thư trình lên Thiên Hoàng Hiro Hito báo cáo về tình hình chiến sự tại Okinawa và tạ tội không giữ được đảo. Thư được điện về Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoàng Gia tại Tokyo. Cuối cùng, ông nói với Ðại Tá Yahara:
“Ðại Tá Yahara, ông cũng như tôi lẽ ra phải tự sát. Nhưng tôi ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinawa này. Mặc dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng tư lệnh của ông ra lệnh cho ông phải chịu cái nhục này.”

Yahara, do đó là sĩ quan cao cấp bên phía Nhật sống sót sau trận đánh và về sau ông đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Trận Ðánh Vì Okinawa.”. Chiều ngày 22/06, Tướng Ushijima và Tướng Cho quỳ gối hướng về hướng Hoàng Cung, vái ba vái và tiến hành lễ tự sát. Tướng Cho đưa cổ cho Ðại Úy Sakaguchi chém đầu. Tướng Ushijima lấy gươm tự mổ bụng, tiếp theo đó bảy sĩ quan tham mưu cùng tự sát. Ngày 2/07, trận Okinawa chính thức chấm dứt.

Trở lại chuyện VN. Ngày 30 tháng 4, 1975, Saigon thất thủ sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Quân Ðội VNCH chúng ta không thiếu anh hùng: các tướng lãnh VNCH đã tự sát, đó là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tướng Trần Văn Hai... Chưa kể nhiều sĩ quan và binh sĩ ở các nơi khác nữa, mà trong số quý khách ngồi ở đây, cũng có những người thân trong gia đình đã anh dũng hy sinh vì nước cho tròn tiết nghĩa. Thật quá đau xót và cảm động!

Cũng như Ðại Tá Kanayama, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 27BB của trận Okinawa, Tướng Lê N Vỹ của Bình Dương đã triệu tập một phiên họp bất thường, thật ngắn ngủi, để giải thích cho mọi người rõ lệnh đầu hàng. Ông nói: “Lệnh bắt chúng ta buông súng bàn giao cho địch, nói thẳng ra là đầu hàng... Vì tôi là một tướng chỉ huy mặt trận, tôi không thể thi hành được lệnh này. Tôi nghĩ thân làm tướng là phần nào đã hưởng vinh dự và ân huệ của Quốc Gia hơn các anh em, nên tôi phải chọn lấy con đường đi riêng cho tôi.” Và sau đó ông tự sát.

Thật đúng như câu thơ của Cụ Thủ Khoa Huân:

“Anh hùng có sá chi thua được,
Tiết nghĩa nào phai với đất trời.”

Vậy mà ngày nay, có người thân làm Tướng, chức tước lên đến hàng đệ nhất đệ nhị phẩm của chính phủ VNCH, thế mà giờ này phải chịu muối mặt, quên đi những vị tướng, tá, đồng đội, binh sĩ của mình, cúi đầu cúc cung tận tụy với kẻ thù, cả gia đình "tam nhân đồng hành, 3 người đồng chí hướng" trở về mở tiệm này, quán nọ để kinh doanh trục lợi, sung sướng thỏa thuê trên nỗi đau khổ của cả dân tộc thì thử hỏi có nên "đứng giữa đất trời nữa không"!???

Đó cũng là điều mà nhà văn HP đã bạc đầu suy nghĩ và chắc chắn sẽ gởi gắm đến chúng ta nhiều tâm tình yêu nước khác của ông qua các trang tạp ghi khác trong tương lai.

Có nhiều nhà văn nhà thơ đã lên tiếng khen ngợi nhà văn HP là một người viết tạp ghi hay nhất. Xin nêu ra hai tác giả đã có những nhận xét rất xác đáng về cái hay của lối viết Tạp ghi của nhà văn HP là Gs Nguyễn Kim Quý và Gs Nguyễn Ngọc Bích mà chúng tôi tạm tóm tắt nơi đây:
- Tạp ghi HP là những bài viết ngăn ngắn mà đầy ắp tình người trong cả truyền thống văn học Tây Phương cũng như VN;
- Văn phong và tỉ dụ rất cụ thể, nói có sách mách có chứng làm thích thú và củng cố thêm kiến thức, tri thức, nhận xét của người đọc;
- Một tiếng nói mang đầy tính nhân bản đầy tình người, qua lối văn thật nhẹ nhàng, êm ái nhưng cũng thật sâu thắm;
- Đề tài có tính cách phổ cập, bao quát, mà mỗi đề tài của tác giả có thể nói là phong phú không kém cả nghìn trang sách của đại văn hào Balzac;
- Đặc biệt lập trường quốc gia vững vàng qua thái độ dứt khoát của ông đối với những người nối giáo theo giặc như Ls Nguyễn Hữu Liêm hay Brian Đoàn tai Hoa kỳ. Nói theo kiểu nhà văn Bùi Bảo Trúc là "chân đi xa, trái tim bên nhà. Đó là Huy Phương!".
Để kết thúc phần giới thiệu hôm nay, tôi xin ghi lại lời của nhà văn HP về biến cố 30/04/75 để thay cho lời kết luận. “Người xưa đã nói: “Không lấy thành bại mà luận anh hùng.” Nếu hôm nay chúng ta mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 còn ngẩng mặt nhìn đời được là nhờ hào quang của những người đã chết, rửa mặt cho miền Nam. Còn chúng ta sống, kéo dài cuộc sống làm sao để cho khỏi hổ thẹn...”.

*nguyễn triệu việt

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011