SỐ 51 - THÁNG 07 NĂM 2011

 

TIẾNG TRỐNG SANG CANH

1-
Hôm nay là ngày Na đi lấy chồng. Ở cái xóm Trường Đua nghèo khó này, thế mà lại có một tiệc cưới diễn ra rất tưng bừng, náo nhiệt từ lúc tờ mờ sáng ngày hôm trước cho đến khi tối mịt ngày hôm sau mà vẫn chưa tan. Khi người khách cuối cùng vừa ra khỏi ngoài đầu ngõ thì cũng đã quá nửa đêm! Chỉ còn lại Cường là chàng rể và mấy đứa bạn thân hãy còn tiếp tục ngồi nhậu lai rai ở trước sân nhà. Mặc dù đám bạn bè ranh quái cố tình nài ép Cường uống thêm vài ly rượu đế nữa để chàng say mèm rồi quên đi việc quan trọng cần phải làm trong đêm hôm nay, nhưng tân lang vẫn còn chút tỉnh táo để lẻn đi nắm tay cô dâu dìu vào phòng hoa chúc…

Khi giật mình thức giấc, Na cảm thấy thân xác rã rời như sắp nát ra thành từng mảnh vụn. Cho dù cửa phòng đã đóng kín, âm vang của câu nói…‘‘trao duyên cho thằng ở đợ’’ của một ai đó vọng vào cũng vừa đủ để cho Na nhận ra được thực tế của đời mình. Lúc vừa mới thực sự bước vào con đường tình, sao lại có chút vị đắng trên môi bởi người đời dị nghị, mỉa mai! Lời bình phẩm kia, cho dù cố ý hay vô tình, nó vẫn thấm thía bởi một cảm giác đau nhói giống như có một nhát dao bất chợt đâm thẳng vào tim làm cho Na cảm thấy khó chịu vô cùng! Trong một tiệc cưới diễn ra quá thân mật đến độ ‘‘thả cửa’’ như thế này, thì tránh sao khỏi ‘‘rượu vào lời ra’’ cho được! Cường đến với nàng trong thân phận của một người từ thuở nhỏ đã đi ở đợ chăn trâu cho nhà người khác ở đầu xóm trên. Trước đây không lâu, ngày nào mà Na chẳng nghe những lời dịu ngọt của mẹ, nào là…‘‘Thằng Cường nó mồ côi cha mẹ, không có anh em ruột rà, ba má sẽ bắt rể, con không phải chịu cảnh đi làm dâu cực khổ cho nhà người ta!’’, hay… ‘‘Nhà chỉ thêm có một đôi đũa nhưng lợi lộc nhiều lắm!’’. Và những lý do có sức thuyết phục cao đó của người mẹ đã làm cho đứa con gái cưng nghe theo sự sắp đặt của bà. Thế là lễ hỏi và lễ cưới nhập làm một cuộc diễn ra tại nhà gái giống như một bữa tiệc thật thịnh soạn để cho người đại diện bên họ nhà trai…giao rể!

Bây giờ, Na nghĩ cuộc đời mình như một tấm ván đã đóng thuyền, có muốn tháo ra cũng chẳng còn nguyên vẹn được, cũng giống như trong một cuộc chơi cờ tướng, một khi đấu thủ đã có quyết định chọn một con cờ nào đó để đi rồi, không thể nào hoàn thủ được! Bây giờ Na đã là vợ của người ta rồi! Và trong đêm tân hôn, nàng buông xuôi tấm thân ngà ngọc của người con gái mười bảy trong vòng tay của người chồng. Hiện tại, cho dù Cường có là một thằng ăn mày đi nữa thì đã sao! Từ nhiều đời qua, lắm kẻ buông xuôi duyên phận mình trôi theo từng con nước lớn ròng, trong nhờ đục chịu! Na cũng giống như họ thôi! Nàng không thể đi theo một hướng khác được. Rồi nàng sẽ sanh con đẻ cái để nối dòng cho nhà người ta giống như bao nhiêu người đàn bà khác mà thôi!

Nàng cố gượng ngồi dậy và quay nhìn sang bên. Cường nằm lăn ra ngủ say như một xác chết, trên người chẳng có một mảnh vải che thân. Hạnh phúc manh nha từ đây chăng? Nàng bẽn lẽn kéo chiếc mền bông dệt đôi chim Loan - Phượng đang âu yếm châu đầu vào nhau phủ lên thân Cường rồi rón rén nằm lại xuống giường. Vừa mới nhắm mắt lại, một đoạn phim ngắn bất chợt quay ngược về một quá khứ cách đây không lâu…

2-
Thuở ấy, người dân sống ở vùng quê rất là cơ cực! Đã vậy, đàn ông con trai sinh sống về nghề nông vẫn có lúc tay cầm cày vai vác súng đi theo tiếng gọi của quê hương chống lại sự cai trị của Thực dân Pháp trong suốt nhiều năm trường! Ông Bảy, ba của Lực cũng bị cuốn vào dòng chảy của những người dân yêu nước đó. Và ông đã hi sinh trong một trận càn quét của kẻ thù! Bà Bảy rất sợ những viên đạn lạc vô tình rớt xuống gia đình mình nên bỏ hết ruộng vườn, dẫn đứa con gái lên mười là Điệp và Lực là đứa con trai út vừa lên tám và dắt theo đôi trâu cái lứa ra xin cất một mái nhà tranh vách đất để tạm trú ở phía sau vuông đất nhà của Ông Ba làm nghề đánh xe ngựa nơi cái xóm Trường Đua nằm cạnh quốc lộ ở vùng ngoại ô của thị trấn. 

Tuy ông Ba làm nghề đánh xe ngựa chở khách, nhưng nhờ vào tiền của cha ông để lại, ông cũng mua tạo được một bầy trâu và mấy mẫu ruộng hạng nhất. Ông giao hết công việc ngoài đồng ruộng cho thằng Hai là đứa con trai trưởng. Na là đứa con gái độc nhất của ông Ba cũng vừa đến tuổi đi học. Hằng ngày, thấy Na ôm cặp sách đến trường, bà Bảy liền ngỏ ý giao cặp trâu của mình nhờ thằng Hai đem ra trại ruộng giữ giúp và tùy nghi sử dụng, để cho Lực được đi học, cho dù chàng đã quá tuổi vào lớp vỡ lòng đến vài năm. Thường ngày, Lực đến đứng chờ ở trước sân nhà Na rồi hai đứa cùng nhau tung tăng đến lớp học nơi ngôi trường duy nhất nằm ở giữa làng.  

Việc đời tưởng êm xuôi như vậy, dè đâu khi mà hai đứa vừa học xong Lớp Ba thì bà Ba bắt nàng ở nhà để hủ hỉ cho có mẹ có con. Lực buồn lắm nên cũng bỏ học rồi ra ăn ở hẳn ngoài trại ruộng cùng thằng Hai để tiện việc chăn dắt đôi trâu của mình.

Thắm thoát rồi cũng đã hơn ba năm! Lực bây giờ tuy là một cậu con trai mười ba mười bốn, nhưng dáng dấp lực lưỡng như một thanh niên mười bảy mười tám. Chàng đã thành thạo trong việc chăn dắt và nắm đôi dây trâu đi cày mướn cho nhà người khác. Đến cuối vụ mùa, chàng mới được trả công bằng lúa và được bao nhiêu chàng đều chuyển hết về nhà cho mẹ ở trong xóm.

Một hôm, Na cùng mẹ gánh cơm ra đồng cho công cấy ăn. Nhìn tấm thân vai u thịt bắp của anh chàng hàng xóm bạn học ngày trước, Na không sao trấn áp được con tim non cho dù vừa mới trải qua hơn mười ba mùa Xuân cũng đã biết trỗi lên bao tiếng lòng xao xuyến. Suốt ngày hôm ấy, Bà Ba để ý thấy Na không rời Lực nửa bước. Nhìn cảnh ấy, người mẹ thấy vui ở trong lòng. Ngẫm lại mình trước đây, Bà Ba chợt nhớ lại là mình cũng đã từng thâu đêm mất ngủ để rồi trông cho trời mau sáng để ra quét lá trước sân mà đôi mắt thì cứ đảo ngược đảo xuôi cho đến khi mà chiếc xe ngựa của anh Ba từ làng bên vừa vượt qua khỏi quãng lộ trước nhà mới thôi, để rồi suốt ngày vào ra như kẻ mất hồn! Na rồi cũng sẽ bước theo đoạn đường mà bà đã đi thôi!

Bà Ba hết nhìn Na rồi nhìn sang Lực. Trước tầm mắt bà, chàng nông dân trẻ kia hiền lành như cục bột, đi đứng thật chững chạc, nói năng từ tốn như một người đứng tuổi. Câu nói…‘‘Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân’’, Bà Ba thấy sai bét! Đăng…‘‘lính’’ theo kiểu như ba của thằng Lực, thăng quan tấn chức đâu không thấy, giờ để lại cảnh mẹ góa con côi, ai thấy cũng mủi lòng, thật là tội nghiệp! Thời buổi này phải lo làm ăn như thằng Lực, còn mong tạo ‘‘ruộng sâu trâu cái’’, chớ lâm cảnh phải đi ở đợ như thằng Cường ở xóm trên thì còn gì là mặt mũi của đàn ông con trai! Càng nghĩ, Bà Ba càng thấy thương Lực và bà nuôi ở trong lòng một quyết tâm là kể từ nay phải tìm cách bắt cho bằng được…thằng rể nông dân này…    

3-
Trời chiều vừa chạng vạng tối! Lực ra đứng trước sân trại ruộng, quan sát bao quát khắp một vùng trên cánh đồng rộng mênh mông.Vài ngọn gió lướt đùa trên ngọn cỏ đến mơn man trên da mặt, tạo cảm giác mát rượi khắp châu thân! Những đụn khói trắng un muỗi bắt đầu vươn lên từ trên nóc mái tranh của những căn trại nằm rải rác đó đây ở ngoài cánh đồng rộng bao la. Khi ánh nắng sau cùng của buổi chiều tà vừa mới tắt ở một góc trời xa là lũ côn trùng bắt đầu hợp tấu bản trường ca chỉ có ở các vùng quê hoang vắng. Loài muỗi đói bắt đầu hợp đàn từ đâu trong những đám cỏ dại mọc quanh bờ ao bay đến vo ve ở đầu hè. Quay nhìn vào trong xóm, màn đêm đang phủ lớp sương trắng mỏng làm mờ dần mọi vật. Lực nghĩ đây chính là lúc mà chàng phải bắt đầu công việc của mình. Lực bước ra sau hè trại, ngó trước dòm sau thấy chẳng có ai, chàng bèn đến bên một bụi chuối, moi đất lôi ra một gói gì đó rồi nhét vội vào trong áo. Chàng không đi theo con đường mòn mà lội băng đồng về phía trong xóm. Khi tấp được vào bờ vườn, chàng dừng lại nghe ngóng động tịnh ở xung quanh. Khi thấy chẳng có ai, chàng lôi mớ truyền đơn ra rồi cứ việc men theo con lộ đất dẫn vào giữa xóm mà rải bừa, cốt cho xong chuyện để còn quay mau trở về trại ruộng. Bỗng đâu có tiếng cười đùa vọng lại từ hướng trước mặt, Lực tung hết mấy tờ truyền đơn còn lại rồi lẻn mau vào núp trong một lùm cây rậm rạp bên đường.
Từ phía trước có một giọng nói cất lên:

-Tối nay tụi mình đi soi chim một vòng rồi tắt đèn, sau đó lẻn vào trại để theo dõi tụi thằng Hai và thằng Lực!

Tiếng của một người khác:

-Phải đó, thằng Hai con ông Ba xe ngựa thì chẳng nói chi, tao nghi thằng Lực thế nào rồi nó cũng đi theo con đường của ba nó để chống chính quyền hiện tại!

Một giọng ba phải tiếp theo:

-Mày nghĩ như vậy phải quá, không chừng nó chống luôn cả mấy đứa tụi mình đấy!

Người kia lại tiếp:

-Mày nghĩ xem thằng Lực nó có rủ rê thằng Hai không?
-Là cái chắc rồi, mày còn nghĩ tới nghĩ lui chi cho mệt!

Lực chỉ nghe đến đó rồi toàn thân nổi da gà đến phát lạnh! Chẳng còn chần chờ gì nữa, Lực băng đồng theo lối khác để trở về trại ruộng. Lực chẳng biết tụi mật vụ có thấy mình vừa rải truyền đơn hay không, nhưng qua câu chuyện chàng nghe được, chắc chắn rằng chàng là kẻ bị tình nghi nhiều nhất và thế nào cũng sẽ bị bắt đi điều tra nầy nọ thì làm sao chàng chịu nổi những ngón đòn thù đánh phủ đầu của bọn chúng! Chẳng còn nghĩ ngợi gì thêm nữa, Lực nhét vội mớ quần áo vào một chiếc bị nhỏ rồi ra sau hè, nhắm hướng rặng cây xanh nằm ven bờ con rạch nhỏ mà bước thẳng, quên cả việc từ giã thằng Hai là đứa bạn thân mà chàng biết rõ lòng dạ của nó chỉ lo chí cốt làm ăn mà thôi!

Bà Bảy khóc hết nước mắt khi nghe tin người ta đang ruồng bắt thằng Lực. Còn bà Ba thì luôn thở dài trong thầm lặng như thể vừa vuột mất khỏi tầm tay một vật gì quý giá lắm!…

4-
Những trận mưa dầm tháng mười nối tiếp nhau trút nước xuống làng mạc gây nên mùa nước nổi tràn đồng! Trên các cánh đồng ruộng, con người còn không có một gò đất cao nào để tá túc thì đàn trâu làm gì có một cọng cỏ tươi nào để nhai nên thằng Hai phải lùa hết đàn trâu về cột trong vườn nhà ở trong xóm. Đàn trâu lớn nhỏ đều phải nuốt chỉ mỗi món rôm khô và uống nước ao nước giếng để sống. Tối lại, khi thằng Hai đã lùa hết bầy trâu vào chuồng là Na phải chuẩn bị giúp người anh un muỗi cho trâu.

Đang ngồi chuẩn bị những đụn rôm để quấn thành con cúi thì đã nghe có tiếng động xào xạc ở ngoài vườn. Na vừa đứng lên đã thấy Cường đang nắm chặt sợi dây dàm của một con trâu đực có trái cổ to như một cái thúng, đang cố sức ghì nó lại nhưng con trâu vẫn lôi chàng chạy bừa về phía trước.
Na thấy vậy la lên:

-Đừng níu kéo nó nữa, hãy buông dây ra!

Đã thấm mệt, Cường dừng lại, hết đứng nhìn theo con trâu bất kham chẳng kể…‘‘quân thần’’, vẫn tuôn mình chạy thục mạng, càn ngả hết mấy cây chuối cản đường ở sau hè, rồi lại nhìn Na không hề chớp mắt!

Na bắt gặp ánh mắt như đâm xuyên tim mình khiến cho lòng cô gái bỗng trở nên bồi hồi, xao xuyến!
Nàng vội quay quả đi về phía cửa chuồng trâu vừa nói vói lại phía sau:

-Để cho nó vào chuồng đi!

Na biết thằng Cường đã có bề dày kinh nghiệm…chăn trâu như vậy mà hãy còn ngu! Nàng dư biết nhà mình đang có một con cái lứa đang rượn đực thì cho dù Cường có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể nào ngăn chận được con trâu cổ kia…theo cái! Khi mấy cây rống cửa chuồng vừa kéo ra là con đực cổ phóng ngay đến…cái đích mà nó muốn tìm! Cả bầy trâu lớn nhỏ náo loạn cả lên!

Trong khi Cường còn đang chẳng biết làm sao mà dẫn con trâu của mình về nhà, đã nghe Na nói:

-Để tui…trị nó cho!

Na lấy con cúi đang làm dở dang ra châm lửa đốt. Nhưng khi con cúi vừa cháy bừng lên là nàng dụi cho tắt ngọn lửa đi rồi quay sang Cường bảo:

-Hãy dúi cúi vào dái của nó!

Nghe Na nói vậy, Cường mới nhớ ra đó là cách duy nhất mà người ta thường dùng để can ngăn hai con trâu cổ của hai làng đang húc vào nhau để giành đồng hoặc để giành…con cái rất có hiệu quả! Nếu không làm vậy, chúng sẽ chém với nhau đến trí mạng, một còn một mất mới thôi! Biết thì biết vậy, nhưng Cường quả thật chưa có thực hành lần nào!

Cường cầm lấy con cúi từ tay Na đưa sang, nhưng như vừa chợt nhớ ra một điều gì đó, chàng đứng khựng lại rồi nhìn Na nói:

-Chết trâu của người ta rồi tui đi ngồi tù, đâu có được!

Đàng kia, con trâu cổ đang cố chồm lên trên lưng một con trâu cái nào đó gây nên cảnh nhốn nháo cả chuồng trâu. Mấy con nghé con sợ sệt rống lên ỏm tỏi …‘‘nghé ngọ’’, nghe rất thảm thương!
Cường nhát gan quá làm cho Na giận, nàng hét lên:

-Vậy chớ mấy con nghé của tui…chết, anh khỏi bị ở tù hay sao?

Rồi chẳng nói thêm câu nào nữa, Na lườm Cường một cái rồi giành lấy cây cúi từ trên tay Cường mà đi về hướng chuồng trâu. Lần này thì một tiếng rống to lên như cảnh một con trâu bị mổ thịt vang lên nghe đến rợn tóc gáy! Con trâu đực cổ bị đau quá muốn sụm cả hai chân sau xuống đất khi bị một đòn cực hiểm giống như một võ sĩ bị địch thủ đá thẳng cẳng vào nơi hạ bộ. Nó muốn chạy thoát thân cũng chẳng thoát ra khỏi được mấy cây rống chuồng trâu to gần bằng cây cột nhà! Và anh chàng trâu…mê cái giờ mới chịu phép để cho Cường dẩn nó ra khỏi chuồng trâu.

Chẳng biết vì bận việc gì ở trong nhà mà khi mọi việc xảy ra ở ngoài chuồng trâu đã xong đâu đấy rồi bà Ba mới bước ra. Nhìn thái độ của đứa con gái cưng đang dõi mắt theo gót thằng Cường đang dẫn con trâu cổ cũng vừa ra đến đầu ngõ, bà Ba cũng đoán ra là Na đang nghĩ gì ở trong đầu nàng. Bà chẳng lạ gì cái việc tâm hồn của một người con gái mới lớn lên đã dễ dàng thả cho bay bổng theo một bóng hình nào đó bất chợt vừa thoáng qua trước con mắt nai tơ thường hay mơ mộng của đời người con gái, cái thời mà Bà cũng đã trải qua trước đây không lâu.

Bà Ba chưa nguôi ngoai trước việc thằng Lực bỗng nhiên mất tích, nay bà lại vui vẻ ra mặt khi hay cái tin người chủ của con trâu cổ kia không muốn bị tai vạ do con trâu hung hăng của mình gây ra nên có quyết định bán nó cho người khác. Bà Ba chẳng phải muốn mua thêm trâu mà chỉ lo tìm cách để mướn cho được thằng Cường về chăn trâu cho nhà bà. Hình như trong thâm tâm bà còn có một chủ định khác mà chỉ có một mình bà biết mà thôi. Và Bà Ba đã được toại nguyện, thằng Cường đã về chăn trâu cho nhà ông Ba…

5-
Bà Ba có thói quen là mỗi khi vừa đặt lưng xuống giường là bà đi vào giấc ngủ ngay và thường thì bà ngon một giấc cho tới sáng. Nhưng đêm nay thì lại khác, nửa đêm chợt tỉnh giấc nồng như có một bàn tay vô hình nào đó nắm vai bà mà vực dậy. Còn đang nửa tỉnh nửa mơ thì đôi chân đã đưa bà sang tận phòng của con gái. Gối chăn còn đó nhưng người thì không! Bà Ba tỉnh ngủ ngay và từng bước quay lui về phía chiếc cửa hậu. Hình như ở trong đầu bà đang manh nha một điều nghi ngờ gì đó mà bà muốn tự mình đi khám phá ra cho chắc ăn. Bà đưa tay định rút cây then cài ngang trên cánh cửa sau xuống thì mới biết ai đó đã kéo nó ra rồi! Bà xô nhẹ chiếc cánh cửa và từng bước lần ra ngoài sân. Mặt trăng tròn vành vạnh như chiếc đĩa bạc treo ở trên đầu buông tỏa muôn ánh vàng theo từng cơn gió nhẹ lao xao trên cành lá lấp lánh bao giọt sương óng ánh như những hạt kim cương. Bà Ba lần bước đến đứng im lặng, nghe ngóng bên cạnh chuồng trâu nằm bên hông nhà. Trong tiếng thở phì phò từ bầy trâu trong chuồng đưa lại, bà Ba vẫn nhận ra tiếng của Na và Cường thì thầm bên nhau từ phía trên căn gác của chuồng trâu đưa xuống. Điều mà bà Ba nghi ngờ giờ đã biến thành sự thật! Bà chẳng giận thằng Cường rủ rê con Na mà ở trong lòng bà rộn vui hơn bao giờ hết. Bà hân hoan mở rộng cánh cửa lòng để cho niềm mong ước thành tựu tràn vào.

Đối với các bậc làm cha mẹ nào khác, hình như cái chuyện…‘‘mèo mả gà đồng’’ hay…‘‘mèo đàn chó điếm’’ khó mà chấp nhận được trong thời buổi này. Còn cái chuyện mà các chàng trai thời đại hằng ngày nối gót nhau ra tiền tuyến không có chút ảnh hưởng nào tạo nên mối cảm thông còn tồn đọng trong lòng bà Ba trước việc đứa con gái của bà đang nằm trong vòng tay của thằng Cường, là kẻ bấy lâu nay nằm ngoài vòng cương tỏa của chuyện nước chuyện non ràng buộc. Bà Ba bất cần các thứ ‘‘khuôn vàng thước ngọc’’ mà bao đời qua cha ông ta luôn khăng khăng gìn giữ như một báu vật và xem đó như một hơi thở rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Bà Ba nghĩ cơm gạo nhà bà sẵn có bà cứ ăn, việc của gia đình bà, bà tự lo liệu và bà quyết gạt ra ngoài tai mọi tiếng đời dị nghị, kể cả ông Ba là chồng bà có lên tiếng cản ngăn, bà cũng mặc! Bà Ba đã tỏ ra rất tâm đắc và đồng thuận với hai đứa trẻ đang vui cảnh…‘‘phá rào phá luật’’ kia.

Một nụ cười mãn nguyện bắt đầu nở trên đôi môi của một người đàn bà quê mùa chất phác. Từ xa, âm vang của ba tiếng…trống điểm sang canh từ phía ngôi Đền Thánh Cao Đài vọng lại rành rọt từng tiếng một như xé tan màn sương đêm báo hiệu thời gian đã ba giờ sáng, trong khi mọi người đang mê say trong giấc điệp mơ màng giữa đêm trường tĩnh mịch, trong cảnh thanh bình nơi miền thôn dã…

6-
Độ một tuần lễ sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm, người dân ở đây chứng kiến có khoảng một Đại đội lính đầu đội nón tai bèo, chân đi dép râu, mình mặc quân phục may bằng vải nylon màu xanh dương với súng AK47 kè kè bên hông về trấn giữ trong khu xóm quanh nhà ông Ba xe ngựa.
Người đến gặp người Đại đội trưởng trước tiên là Điệp.
Người dân hiếu kỳ đứng bu quanh nghe câu chuyện đến mủi lòng.

-Má mất rồi, mầy có hay không?
-Có!
-Lúc nào?
-Trong đêm rạng ngày đưa má ra phần mộ!
-Mày có biết tại sao má mất không?
-Buồn vì tui!
-Biết vậy sao lại bỏ đi?
-Chị hỏi khó trả lời quá! Bỏ đi! Có gì cho tụi này ăn một bụng coi!

Người ta biết rõ anh chàng Đại đội trưởng kia là Lực, nhưng họ lại đứng lặng im nghe tiếp câu chuyện vì tò mò.

-Mày có hay con Na đi lấy chồng và chồng nó là ai không?
-Có, thằng Cường!
-Mầy có ý định đi gặp tụi nó không?
-Chị này lạ quá, gặp để làm gì?

Bà con thường chứng kiến cảnh xe cộ nằm nối đuôi nhau trước mấy đụn đất cao mà người ta cho rằng những ‘‘người anh em phía bên kia’’ lẻn về đắp mô để cản trở lưu thông trên quãng lộ ở cuối xóm. Nhưng họ chỉ im lặng đứng nhìn cảnh hai chị em đối đáp nhau mà chẳng đoán được chuyện gì sẽ xảy ra trong cái xóm nghèo này.
Một bà già trầu lên tiếng:

-Thằng Lực nói đúng! Bỏ đi con! Ở ấp này còn thiếu gì con gái chưa chồng, thủng thẳng rồi dì đứng ra lo vợ cho con!

Lực quay nhìn lại, thì ra đây là Dì Út, bạn trầu của Bà Bảy, má chàng trước đây.
Lực đưa mắt nhìn xung quanh một lượt. Bà con và lũ con nít đứng vây quanh vòng trong vòng ngoài, nhưng chàng chẳng thấy có ai là người nhà của gia đình Na cả. Một thoáng buồn hiện lên trên nét mặt đăm chiêu của người lính bộ đội! Rồi đột nhiên Lực vạch đám đông ra rồi bước đi thẳng.
Điệp vừa hối hả chạy theo vừa hỏi:

-Lực, mày đi đâu vậy?

Lực đáp tỉnh bơ mà chẳng cần ngó ngoái lại phía sau:

-Đi tìm Na và Cường chớ đi đâu!

Vừa tới sân nhà ông Ba, Lực đã thấy Na cùng hai đứa con trai đâu khoảng bốn năm tuổi vừa từ trong nhà bước ra.
Nhìn Na thật lâu, Lực mới lên tiếng:

-Cường đâu?

Trong lòng Na đang có ý định dẫn hai đứa con sang thăm Lực khi hay tin chàng vừa mới về, giờ nghe Lực hỏi vậy, nàng thốt lên hoảng hốt:

-Anh Lực, xin hãy tha mạng cho Cường, anh ấy có tội tình gì đâu!

Lực đứng trân người ra nhìn Na thật lâu! Người đàn bà đã có hai mặt con nhưng trông nàng hãy còn mặn mà lắm! Chàng tưởng Na sẽ là của riêng chàng suốt đời, dè đâu…Âu cũng là do định số! Càng nhìn đến hai thằng bé bụ bẫm đang nép mình bên chân mẹ, Lực nghĩ mình nên tiếp tục vun bồi hạnh phúc cho Na, cũng giống như trong những tháng năm dài trôi qua, suốt đêm nằm trằn trọc trên võng giữa rừng sâu mà chẳng thể nào đi vào giấc ngủ, chàng vẫn thầm cầu nguyện ơn trên ban cho Na được nhiều hạnh phúc.

Bây giờ gặp lại người xưa, Lực cũng muốn nói lên nỗi lòng của mình như vậy thôi, dè đâu lại bị Na hiểu lầm, chàng chống chế ngay sợ để lâu, nỗi lo của nàng sẽ lớn dần thêm hơn, tội nghiệp cho nàng lắm!

-Sao Na lại nói như vậy? Na nghĩ con người của tui như vậy sao?

Rồi Lực lại quày quả quay đi trở về phía cuối xóm…

7-
Tôi đang thu xếp mấy bộ quần áo cũ và mấy món đồ dùng cần thiết cho vào một chiếc túi nhỏ để đi đến Dinh Tỉnh trưởng, nơi mà mấy anh em chúng tôi hẹn nhau sẽ phải đến trình diện ở đó, thì có tiếng chó sủa vang rân ở ngoài sân. Tôi vừa định bước ra xem là ai thì đã thấy một anh bộ đội và một anh tà-lọt theo sau bước vào nhà. Tôi nhận ra ngay đó là Lực. Ngày trước, khi anh ta mới bước chân vào ngưỡng cửa trường học thì tôi đang học lớp Đệ tứ ở trường Trung học công lập của tỉnh.
Tôi chưa kịp lên tiếng thì Lực đã hỏi một câu mà tôi vẫn nhận ra được một nụ cười nhỏ kèm theo ở trên môi:

-Anh Út đang làm gì đó?

Tôi vừa đáp vừa thăm dò lòng dạ của thằng Lực:

-Chuẩn bị đi trình diện theo lịnh ở trên!
-Lịnh của trên là ai? Lực hỏi ngay như vậy.

Tôi đáp:

-Lịnh của cấp chỉ huy của tôi, có nói ra chú cũng chẳng biết họ là ai!

Lực vừa cười vừa nói:

-Anh trình diện cấp chỉ huy ở đây trước đã!

Tôi đang chẳng biết ất giáp ra sao thì Lực tiếp:

-Anh không nhận ra là anh đang đứng trước một cấp chỉ huy ở địa phương này là…tui đây sao?

Nhìn dáng dấp và giọng nói của thằng Lực, tôi đoán biết rằng nó chẳng phải đến đây tìm tôi để đòi…trả nợ máu!
Khi tâm tư tôi vừa trở lại trạng thái bình thường thì Lực nói:

-Nhà có con gà con vịt nào không anh Út?

Tôi hiểu ngay là mấy người anh em đang đói! Có lẽ suốt mấy ngày qua, hai anh chàng bộ đội này theo lịnh của cấp trên, ngày đêm quên ăn quên ngủ để băng rừng lội suối vào đây để chỉ…tiếp thu, chớ đơn vị của tôi vẫn còn y nguyên, có đánh đấm gì đâu mà sứt mẻ!
Tôi vừa định vào trong hỏi bà xã xem có gì để đãi khách không thì ‘‘nội tướng’’ vừa bước ra nói:

-Để đó em lo cho!

Khi nồi cháo gà nóng hổi vừa đặt cạnh bên dĩa gỏi thịt gà trên chiếc bàn nhỏ, Lực hỏi tôi:

-Dì Tư…đi rồi, anh có buồn không anh Út?

Câu hỏi đột ngột của Lực làm cho vết thương trong lòng tôi chưa lành hẳn nay rướm máu trở lại! Cách nay trên mười năm, người ta đã nhẫn tân giật mìn giết hại dân lành, mà một trong hai bà già trầu đó là mẹ tôi, nỗi đau còn đó mà còn hỏi có buồn không, chẳng khác nào như rót…‘‘thêm dầu vào lửa’’ cho cháy nát cả tim lòng người khác!

Tuy vậy, tôi vẫn cố nén giọng để buông ra một câu mà tôi bất chợt nghĩ ra rằng mình đã tự dối với lòng mình khi chuyển sang đề tài khác:

-Chiến tranh mà chú! Thôi nhậu đi rồi ăn cháo kẻo nguội hết!

Lực nâng cốc rượu đế lên, nhưng chưa uống vội mà lại nhìn tôi hỏi:

-Anh Út vay nợ máu của nhân dân nhiều lắm phải không?

Tôi nhìn ngay vào mắt Lực rồi trả lời thẳng thừng theo như ý nghĩ ở trong đầu tôi:

-Cái chuyện nhà binh đánh nhau, không bên này thì bên kia cũng có người nằm xuống, sao lại gọi là…nợ máu?

Lực đáp tỉnh bơ như một lời kết tội:

-Anh đi lính có mấy năm mà đã lên đến cấp Đại úy, nếu không giết hại Cách mạng nhiều thì làm sao mà được như vậy!

Tôi nhìn lại đôi mắt của Lực thêm một lần nữa. Hình như mấy sợi gân máu đỏ đang dần nổi lên cuồn cuộn. Tôi quả tình thấy tiếc mấy lon gạo mà trước đây má tôi bảo tôi vơ vét trong lu gạo gần cạn đáy để đưa cho Lực mang về thổi cơm mỗi khi nhà nó hết gạo vì mới từ trong bưng ra. Tôi cũng nhớ đến mấy bộ quần áo cũ không còn mặc được vì chật mà tôi đã trao cho nó khi ngọn gió đông lạnh đầu tiên vừa mới lướt về. Và cả mấy trang vở còn trống mà tôi đã xé ra từ trong mấy tập vở cũ, lấy chỉ khâu lại rồi đem đến nhà tặng cho nó. Nhiều việc lắm, mà tôi chẳng muốn kể ra cho thằng Lực lúc này, bởi vì tôi sợ nó cho rằng tôi…kể công để…chuộc tội!

Tôi hết nhìn thằng Lực rồi quay sang anh bộ đội đang húp sùm sụm chén cháo gà mà lòng thêm xót xa khi nghĩ đến mẹ tôi.
Tôi không còn sợ sệt như lúc vừa mới hay cái tin đất nước sẽ đổi ngôi, nên tôi hỏi Lực:

-Chú cho rằng tôi có…nợ máu với nhân dân, chuyện đâu còn có đó, vậy chớ má tôi có vay mượn gì của các chú mà phải trả giá bằng cái chết thảm khốc của bà?

Lực nói tỉnh bơ:

-Mấy thằng đó nhát quá nên bấm mìn đại rồi bỏ chạy lấy thân!

Rồi Lực tiếp:

-Việc đó còn đó, để rồi cách mạng xét lại trường hợp của dì Tư!

Xét lại! Tôi không biết thằng Lực học từ đâu ra cái ‘‘chủ nghĩa xét lại’’ đó mà nó nói có vẻ như thuộc bài lắm. Nhưng câu nói của nó làm cho tôi lại nhớ đến ba má tôi nhiều hơn.

Ngày trước, Ba tôi ăn ở hẳn ở ngoài đồng ruộng cho tiện việc chăn dắt đàn trâu. Gạo cơm má tôi gởi ra cho ba tôi, mấy chàng sống ở bưng đều có đến để xin hưởng phần. Cả quần áo khi họ xin, má tôi vẫn lén mua rồi chuyển ra cho họ mặc. Má tôi cho rằng mình làm vậy chỉ vì thương người đói khát cơ hàn mà thôi. Nhưng quả thật những việc khác mà họ nhờ làm, má tôi thường hay dặn dò ba tôi nên tránh né đừng bao giờ nhận. Mấy người anh của tôi đang làm nghề gõ đầu trẻ cũng dễ để ba tôi sống tạm ổn ở ngoài đồng ruộng.

Cả những bà con ở trong xóm, khi có việc chỉ cần hú lên một tiếng là má tôi chạy đến giúp đỡ ngay. Ai cảm mạo, má tôi giúp cạo gió, xông hơi. Ai trở dạ sắp đẻ, má tôi đến giúp nhiều khi suốt cả tuần mới về nhà, cho dù má tôi chẳng phải là bà mụ! Nhà ai có đám tang hay hỉ sự, má tôi đều đến phụ một tay rất tận tình. Thế mà má tôi lại ra đi một cách vội vã như vậy, ai mà chẳng tiếc thương! Đoàn người tiễn má tôi ra phần mộ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội kéo dài đến mấy trăm thước!...

Khi bữa ăn đã tàn, Lực đứng lên nói:

-Hỏi anh Út vài câu không khéo lại làm cho anh thêm lo. Cứ an tâm mà đi trình diện đi, chẳng có việc gì xảy ra cho anh tại xóm này đâu!

Trước khi ra về, Lực có nói với nhà tôi vài câu liên quan đến Na và nhờ nhà tôi nếu có dịp thì nói lại cho Na biết. Đại ý là Lực thương Na nhiều lắm, đang định nhờ má tôi làm mai mối thì việc rải truyền đơn năm xưa xảy ra, Lực sợ quá phải trốn ra bưng mà thôi. Ngày đám cưới của Na, Lực có mò về với ý định là để thanh toán Cường theo lời người khác xúi giục. Na lấy chồng là phải thôi, có ai trông chờ một bóng hình luôn đi trong đêm tối ở ngoài lề xã hội bao giờ! Cường thì chẳng dính lếu gì tới Lực thì tại sao chàng lại phải nghe lời người khác để đi ám hại hắn?...

8-

Tôi có dịp gặp lại Lực sau gần chín năm, khi tôi vừa mới được ra tù. Hôm ấy, tôi lội sang làng bên mà trước đây là vùng…‘‘xôi đậu’’ để tìm mua một đôi trâu đem về kéo cày làm ruộng, bởi tôi chẳng có nghề nào khác để chọn lựa trong lúc này. Vừa bước vào một ngôi nhà tranh ọp ẹp để hỏi thăm xem nơi nào có bán trâu thì đã thấy một anh nông dân gầy ốm trơ xương đang ngồi uống trà trên một manh đệm rách ở giữa nhà. Người ấy không nhận ra tôi, nhưng tôi nhận ra anh ta là Lực.
Tôi vội lên tiếng:

-Chú Lực có khoẻ không?

Trong khi Lực con đang ngơ ngác, tôi tiếp:

-Chú đã quên tôi rồi sao? Anh Út đây!

Lực mừng rỡ gọi vói vào trong:

-Má bây ơi, có anh Út đến chơi đây nầy!

Nhìn căn nhà trống trơn, thiếu trước hụt sau, tôi biết Lực không còn làm được việc gì khác ngoài cái nghề làm ruộng rẫy mà tôi là kẻ cũng đang sắp phải…nối nghiệp cha ông.

Nhìn mấy đứa trẻ đang níu chân Thím Lực, tôi lại nhớ đến cảnh tượng lúc bà Bảy vừa mới từ trong bưng ra tự thuở nào! Chẳng biết sao cái nghèo khó cứ bám theo sau những bước chân của họ! Tôi lại nhớ đến quãng đời niên thiếu lúc tôi cùng Lực sống thân thiện với nhau như anh em một nhà. Khi thì lẻn ra con rạch chảy ngang sau nhà mà lặn hụp tắm suốt buổi trưa hè. Lúc thì cùng với lũ chăn trâu chơi ‘‘đánh u’’, hay chơi trò ‘‘trốn kiếm’’ ở ngoài đồng cỏ chác vào mỗi độ chiều về khi ánh nắng hoàng hôn còn đang rải nhung vàng trên cánh đồng lúa mênh mông,…Tình anh em chòm xóm đậm đà như bà con ruột thịt một nhà. Tôi lại liên tưởng đến mẹ tôi đang ở trên cao, khi bà nhìn xuống cảnh nhà thằng Lực đang có tôi đang đứng ở đây, chắc bà cũng hiểu được tâm trạng của một đứa con đang nghĩ gì về gia cảnh hiện tại cũng như những việc mà ba của thằng Lực đã theo đuổi trước đây. Ba nó đã đền nợ nước trong khi món nợ áo cơm của bản thân và gia đình còn quằn nặng đôi vai. Rồi thằng Lực cũng đã đi theo con đường mà ba nó đã đi, cho dù nó có không muốn cũng chẳng được. Chung cuộc thì cảnh sống nào cũng tang thương trước một tương lai mù mịt nằm đâu đó ở cuối những con đường mòn chạy ngoằn ngoèo ở trong xóm mãi rồi cũng đơn độc xuôi ra ruộng đồng, năm nào cũng thấy được màu xanh ngàn đời của mạ lúa non, nhưng cuối vụ nào cũng vương mang cảnh đói khổ tiếp nối nhau như chờ sẵn vậy! Tôi vẫn biết cái vòng oan nghiệt đó rồi cũng sẽ chụp xuống đời tôi, nhưng tôi không có con đường nào khác để chọn! Tuy vậy, trong tôi đang có ý định muốn tìm cách giúp đỡ thằng Lực những gì mà tôi có thể giúp được ngay bây giờ, chẳng hạn như tôi sẽ thuyết phục nhà tôi cho Thím Lực một ít tiền để lo chạy chữa căn bịnh đau phổi mà thằng Lực đang mang, hoặc cho lũ con của thằng Lực áo quần và sách vở để chúng có thể tung tăng cùng chúng bạn đến trường học,…

Những gì tôi nghĩ tôi đều làm được sau khi tôi bàn tính với nhà tôi. Chỉ vài ngày sau thôi, tôi trở lại nhà thằng Lực. Lực đã vui vẻ dẫn dắt tôi đi tìm mua được một đôi trâu, tuy có hơi gầy ốm một chút nhưng tôi vẫn vui, vì với số tiền dư ra nếu phải mua một đôi trâu béo mập hơn, tôi có thể mang đến giúp đỡ cho gia đình nó đang lâm cảnh khốn cùng giữa chợ đời này…

9-
Vào những chiều rỗi việc, Na thường dẫn mấy đứa con sang chơi nhà tôi. Và lần nào cũng vậy, nàng thường kín đáo hỏi thăm tôi về thằng Lực. Tôi vui miệng kể lại câu chuyện tôi đi mua trâu cày mà lại có cái may mắn gặp lại thằng Lực. Nàng mừng lắm và cũng vui miệng kể cho tôi nghe về những kỷ niệm giữa nàng và Lực mà nàng luôn nhớ ở trong lòng. Và về phần thằng Cường, hình như đang ngon trớn, mất cả ý tứ giữ gìn những gì thầm kín của cuộc đời người con gái tưởng chừng như…‘‘sống để dạ, chết mang theo’’. Nàng cho biết trong những lúc quây quần bên con cháu, bà Ba đã…tiết lộ bí mật những gì mà bà đã nghe thấy vào một đêm trăng sáng đầy trời của độ nào. Có điều là bà Ba luôn lấy đó làm niềm hãnh diện cho cái lối vun quén hạnh phúc lứa đôi rất đặc biệt cho con cái của riêng mình, xem đó như một khám phá, một kỳ công có một không hai trong đời mà bà muốn kể lại cho con cháu nghe để làm…kỷ niệm, đừng bao giờ quên! Na kể…‘‘Có một lần, em làm bộ…chối phăng việc mình làm, má em đưa nắm tay ra…vá vá trước mặt em rồi nói…‘‘Mồ tổ mày! Lúc đó tao còn nghe rõ…tiếng trống sang canh từ ngôi Tòa Thánh Cao Đài…vọng lại… ‘‘Thùng! Thùng! Thùng!’’ ba tiếng rành rọt mà còn...chối hả? Biết vậy, tao gọi ba mày dậy cho chừa cái tật…’’...

Nguyên Bông.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011