SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)                                     

14.  

Người sĩ quan miền Nam đứng lặng nhìn xác bộ đội tử thương bị bỏ lại nằm rải rác trên chiến địa phía bên kia cầu. Thi thể cả tiểu đội lính bảo vệ đài chứa nước thành phố bị  bắn nát vì B40 vừa được đồng đội đưa về hậu cứ đơn vị. Những người lính chết trận đêm qua, họ có kịp nghĩ gì khi nghe tiếng súng, tiếng đạn pháo trong sát na cuối cùng lúc trái tim đập nhịp chung thân? Bác Đảng. Đồng đội. Gia đình. Thầy U. Vợ con. Người yêu. Bờ đê, bến nước, rẫy nương... Người sĩ quan thở dài nhìn quanh ngôi nhà vắng. Từ trên sân thượng nhìn xuống dòng sông trải mình vắng lặng không một bóng ghe đò, cù lao Mỹ Hiệp chìm xa trong lẩn khuất chân trời.  Tiếng súng trận vừa im mà sao lòng đã xốn xang cảm giác bị rớt tuột vào nỗi đợi chờ mọc nấm âu lo.

Ngược phía Tiền Giang, mẹ dắt con ra bến đò Mỹ Luông đứng nhìn về Cao Lãnh lửa đạn tơi bời  quắt quay chờ ngóng tin cha. Chuyến đò xuôi về nhà nôn nao sóng dục trong lòng mà sông thì mãi thẫn thờ trôi trong trễ nải bóng chiều. Nước mắt mẹ trào ra lúc thấy cha đứng chờ tận bờ nước chờ đón gia đình. Mẹ nhìn cha dang tay ôm hai con vào lòng, hờn dỗi với chồng.

- Từ rày trở đi, ông đừng có hòng đuổi được mẹ con tui đi như vầy đâu.

Dự cảm lìa xa và nỗi đợi chờ bất trắc giúp mẹ cha sống hết cho nhau. Ngày cha về chỉ huy một đơn vị thuộc Biệt Khu 44 ở  Châu Đốc, mẹ giao quán ăn lại cho cô dượng Ba và người em chồng trông coi rồi dắt con theo. Tịnh Biên. Vùng giang biên với  phố chợ tấp nập con buôn tứ chiếng từ nhiều nơi đổ về, hối hả giành giật chia lời nguồn hàng lậu từ bên kia biên giới. Nhà hàng ăn mẹ vừa mở, thực khách đa số là lính trận về nghỉ dưỡng quân trên vai còn bề bộn súng gươm.  Quán nằm ở cuối phố nhìn xuống dòng kinh Vĩnh Tế rộn rịp tắc ráng, tàu đò khẳm nặng hàng hóa từ  Giang Thành, Hà Tiên về vào mỗi buổi chiều. Phía bờ Miên hàng cây thốt nốt hằn xanh bè lá lên lúa chín chớm vàng ngút mắt chân trời. Ngày mẹ cha mới dọn  đến thị trấn, chị em Lục Bình thường lạ lẫm đứng nhìn mây trắng bôn ba trên chóp núi Thất Sơn như lụa quàng vai. Đám yêu ma quỉ quái đầy huyền hoặc của vùng núi non kì bí từ miệng chị người làm biết thêm mắm muối vào chuyện kể, thấp thỏm tiếng dơi đêm mù lòa bay trong bóng tối phủ chụp lên vùng biên giới yên lặng càng khiến hai chị em khích động lẫn sợ hãi ngồi ríu vào nhau.

Hai năm đóng quân ở Tịnh Biên, những lần cha phải hành quân nhiều ngày vào mật khu của địch nằm sâu trong vùng núi Cô Tô, Thất Sơn, tuy bận bịu mua bán mẹ luôn dắt theo những người vợ lính trong đơn vị bới xách thăm chồng. Hình ảnh máu me của chiến tranh xoáy sâu tâm can mẹ, đau đớn hằn lên dáng người vợ trẻ ôm xác chồng, mắt mở trừng cạn lệ. Còn cảnh sống nào tang thương hơn cảnh sống người đàn bà Việt Nam trong chiến tranh?  Thế mà lắng sâu trong lòng mẹ còn chôn giấu phần đời không muốn  nhớ tới như mộ phần lẩn khuất trong lau cỏ ngút ngàn, không khói hương giỗ chạp nhưng chẳng thể nào quên. Nhìn con gái lớn đang trổ dáng mấp mé vào độ tuổi của mình thuở lầm lỡ đầu đời, mẹ lo sợ có lúc đến hoảng hốt giữa canh khuya. Những lúc như thế mẹ ôm rịt lấy cha. Mẹ muốn tan nhập vào chung một hình hài máu thịt, không chừa cho dù một phân ly khoảng cách để không thể nào bị len lấn, hòng mong được chở che. Âu lo của Mẹ chẳng thể nào giấu kín xua tan đã trở thành nỗi đớn đau ngất trời ngày hai người đàn ông trong đời ngã xuống trên cùng một chiến trường.

Mùa hè bảy hai. Cha dẫn đơn vị rời vùng bảy núi vượt Tiền giang vào tuốt trong Đồng Tháp Mười.  Chị em Lục Hà vừa mãn niên học nhưng Mẹ chưa sang được quán hàng nên còn nấn ná ở lại. Tin tức từ mặt trận An Lộc, chiến trường Trị Thiên khiến Mẹ thấp thỏm sáng chiều lo lắng cho chồng trong Mộc Hóa.

Vùng giang biên chộn rộn hơn với những toán lính biệt động mũ nâu từ bên kia biên giới Miên đổ về dưỡng quân. Tàu giang đoàn đủ cỡ đậu lềnh khênh trước bến chi khu, áo màu xanh dương thủy thủ chợt rộn vui lòng thị trấn chỉ quen với lam lũ bán mua . Lục Hà không còn cảm giác e dè lần đầu bước trên chiếc cầu ván cong dài lắt lay vắt qua kinh Vĩnh Tế nhưng bước chân cô bé vẫn ngập ngừng mỗi lần đặt chân lên bờ đất Miên.  Cảm giác bồn chồn lạ lùng của phiêu du khiến bé sợ hãi ngoái nhìn. Bóng chị Lục Bình đứng bên kia cầu trong phút chốc lẩn khuất sau bờ thép dựng của chiếc giang đỉnh đang chầm chậm chạy về phía Giang Thành rồi thoắt hiện ra lồng lộng dáng xuân. Bé Lục Hà ngẩn nhìn chị hồi lâu. Mèn ơi! Hai lớn bộn rồi và  giống mẹ đẹp quá.  Cô bé thầm nghĩ rồi lắc đầu bỏ đi ý định rủ chị xuất ngoại qua ngồi tè bên đất Miên.

Giỗ đầu bà nội ở Thánh Địa cha không về được. Ba mẹ con ở lại Hòa Hảo vài ngày trước khi ghé Cao Lãnh trên đường vào Mộc Hóa sum họp với cha. Ngôi nhà ở Mỹ Hiệp bỏ không từ ngày bà nội chị Lục Bình qua đời sau tết Mậu Thân, thỉnh thoảng cô dượng Ba chạy ca-nô qua quét dọn cho đỡ trống vắng.
Căn phố khang trang gần trung tâm thị trấn Mộc Hóa là cơ ngơi mới của gia đình Lục Hà.  Nhà  cách chợ chừng nửa cây số, không xa là Núi Đất thấp thoáng mấy ngọn giả sơn trồi lên giữa vùng đất phẳng lì, xơ xác khu công viên thiếu người chăm sóc.  Ngày đón ba mẹ con về nhà, cha đỡ con gái út xuống xe jeep, nói với mẹ.

- Nhà gần chợ, gần bến đò vị trí rất thuận lợi nếu em muốn tiếp tục mở quán ăn. Anh biết em chẳng lúc nào chịu ở không.

Mẹ gật đầu chưa kịp trả lời đã hốt hoảng bước lùi lúc vừa thấy hai con chim trích lông màu sặc sỡ đang rướn dài cổ, xòe cánh sấn sổ xông tới. 

- Quà cha cho hai chị em đó. Thay cho cặp chim dồng dộc bị sổ lồng. Hai con trích này đã được dạy để giữ nhà. 

Cặp chim trích nằm ngoan ngoãn trên tay,  cha nhìn cô con gái lớn cười đùa.

- Nếu cô Hai muốn, chim sẻ bảo vệ cô Hai đi học, cậu nào sớn sác bị mổ đuôi mắt ráng chịu.

Chỉ sau vài ngày ở không mẹ đã mướn người trang trí tầng dưới ngôi nhà mở quán cà phê. Đang lúc nghỉ hè, chị Lục Bình phụ mẹ ngồi quầy. Phần việc của bé Lục Hà là giữ không cho cặp chim trích tấn công khách hàng. Quán vừa mở đã đông khách, đa số là lính. Nhiều  nhất là các toán giang đỉnh từ  căn cứ hải quân Tuyên Nhơn, lắm khi cả tàu từ giang đoàn ở Phước Xuyên, Đồng Tiến cũng lén bỏ vùng tuần tiễu đi tìm quán mới. Thỉnh thoảng vài cậu học trò “xâm mình” vào rụt rè ngồi giữa đám người gươm đao để lén  nhìn mặt cô bạn học tương lai của niên khóa tới.

Quán nhạc hay với cô hàng cà phê nước da trắng mái tóc dài thanh thướt đã một sớm một chiều thành nơi lính trẻ ngồi nhớ về góc phố cũ quê nhà.  Chút bình an có được sau vòng đai thị trấn, trong tiếng nhạc buồn bên li cà phê đắng thấp thoáng bóng giai nhân  giúp họ quên đi phần nào cảnh chiến trận máu me trong những cánh rừng tràm hay đêm dài  rình rập giết chóc , mìn nổ xác rơi trên dòng Vàm Cỏ Tây, bên bờ kinh 12, Ấp Bắc, Lagrange...

Vào niên học cũng là lúc mùa nước nổi bắt đầu lai láng lên suốt vùng Đồng Tháp Mười. Thị trấn Mộc Hóa mấp mé ngoi trên mặt nước, con đường qua phố chợ lóp ngóp buồn bã như quán cà phê vắng đôi mắt đẹp sau quầy. 
Một ngày đông khách cuối tuần, những người lính trẻ trong quán được dịp reo hò cổ võ một chàng sĩ quan hải quân làm chuyện bất ngờ.  Bé Lục Hà bồng đôi chim trích, đứng bên mẹ thích thú nhìn chị Hai thẹn thùng lúng túng ngồi sau quầy trong lúc người sĩ quan trẻ đang nài nỉ bán bức họa lớn trên tay với giá một nụ hôn.  Bức tranh họa lập thể những tảng màu tím sáng tối đọng dáng ngồi hai cô gái, đôi chim đậu trên mái tóc dài. Phần dưới bức tranh, hàng chữ “Trích Nữ” rõ nét hài hòa.  Nhìn ánh mắt cầu cứu của con gái, mẹ chỉ cười cười.

- Đây là chuyện mua bán. Nếu con muốn mua thì tìm hiểu món hàng cho kỉ rồi trả giá mà mua, đừng để bị hố.

Lục Bình suy nghĩ hồi lâu rồi hỏi người sĩ quan hải quân.

- Trích nữ .  Có phải trên tranh chú vẽ là hai chị em cháu với cặp chim trích? 

Người lính cười lửng lơ.

- Thì cứ coi là như vậy đi.  Tôi vẽ cả tuần mới xong. Một nụ hôn là rẻ lắm.

Đôi mắt cô gái sáng lên ranh mãnh, Lục Bình nháy mắt nhìn em rồi bước ra khỏi quầy.

- Chú vẽ đẹp quá. Tụi cháu thích lắm.  Chú phải nhắm mắt thiệt kỉ người ta mới dám hun.

Anh chàng sĩ quan hải quân cười tươi rói, nhắm mắt chờ đợi.  Lục Bình kéo em gái lại gần ra dấu.
Mọi người vỗ tay cười vang trong lúc bé Lục Hà hôn chụt lên má chú lính rồi ù té chạy vào  nhà sau.  Người sĩ quan mở mắt, biết ra, lắc đầu cười theo đám đông.

- Già đầu mà còn bị gạt.

Lục Bình liếc nhìn bảng tên người lính.

- Chú Tuân vẽ hai chị em cháu, nên một trong hai đứa hun chú là đúng rồi. Ai mà dám gạt.

Mọi người giãn ra lúc cha từ ngoài quán bước vào trong quân phục tác chiến. Cha gật đầu cười nghe mẹ vắn tắt kể qua câu chuyện vui. Cha chào bắt tay người sĩ quan trẻ.

  • Tranh cậu có nét lắm. Trích nữ. Rất hay!

Tác giả bức họa rụt rè.

- Xin lỗi Commandant, tôi không biết quán là của người thân gia đình.

Cha quay ra nói với khách trong quán.

- Qua rất thích chữ “Trích” của ông quan tàu thủy này. Trên đất nước mịt mù khói súng của chúng ta, cũng như nhiều địa danh như Khe Sanh, Tống Lê Chân,  Tân Cảnh, An Lộc, Bình Long, Quảng Trị... Mộc Hóa “mốc quá” này cũng mang số phận của một vùng  đất trích. Vùng chiến trận sinh tử mà mỗi chúng ta từ nhiều nơi khác nhau trên quê hương quần tập về đây nguy nan, sống chết với nhau.  Hai cô bé này cũng như tất cả chúng ta đều là trích nữ, trích nam trong vùng đất trích này.  Hãy chiến thắng và sống còn.

Cha vào nhà trong, bước ra với cặp rượu Tây. Mọi người có bữa rượu vui tình cờ buổi chiều hôm đó. Quán cà phê “bà Thiếu tá” trở thành quán Trích Nữ hồi nào không hay.

Cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn trong âm vọng hòa bình từ chiếc bàn tròn nỉ xanh tận trời Tây xa xôi như người chạy việt dã đuối nhoài lằn mức quá xa. Tiếng súng đại bác mỗi đêm bắn đi từ thị trấn về phía những cánh  rừng tràm vừa ngoi qua mùa nước nổi. Các cánh quân cứu viện đồn ấp quanh vòng đai liên miên quần thảo với bộ đội cọng sản để giành giữ từng nóc tranh lắt leo tấm thiếc hai mặt đều có sơn cờ.  Cờ quốc gia. Cờ giải phóng. Vàng đỏ. Ngày đêm. Còn có lựa chọn nào khác hơn cho người dân quê sống giữa hai lằn đạn. Chiếc trực thăng Mỹ sơn kí hiệu Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên lười biếng bay qua khoang trời cao, nhỏ bé bất lực. Bốn cặp mắt, bốn phe. Họ thấy được gì trên nóc cánh rừng tràm hun hút gió, dòng kinh lặng lờ, ruộng nương, xóm làng, trường học, hàng đáy trái mùa, bóng người đi đổ dài lịch sử...

Cha bận hành quân lớn, thỉnh thoảng theo tàu giang đoàn về nhà thăm vợ con, ăn bữa cơm nóng rồi vội vã trở ra mặt trận. Trung đoàn chủ lực Đồng Tháp bị chận đánh  thiệt hại nặng lúc bôn tập từ vùng kinh Tháp Mười, Phong Mỹ qua tấn đánh Cái Bè, Mộc Hóa. Mẹ ra vào lo lắng, trông đợi từng ngày. 

Một buổi chiều trên đường về nhà sau buổi học, cậu học trò cùng lớp chận bước Lục Bình ở một quãng vắng, hắn dúi vào tay cô bé gói giấy nhỏ, lấm lét nói.

- Anh Hai tui biểu tui nhắn cho trò biết cha ruột của trò còn sống.  Ảnh nói nếu trò không tin thì cứ thử tìm cách để cho mẹ trò thấy cái này thì biết liền.

Lục Bình quá bất ngờ, cầm gói giấy đứng như trời trồng, lúc sực tỉnh nhìn quanh thì gả con trai đã chạy biến vào một ngõ hẻm. Về tới nhà cô bé vẫn còn thờ thẫn như người mất hồn, mấy lần dợm nói cho mẹ hay nhưng rồi không hiểu sao khi nghĩ tới tấm hình cha trên bàn thờ nhà bà nội ở Mỹ Hiệp và mẫu giấy nguệch ngoạc hàng chữ viết tay dặn chỉ một mình ra góc công viên ở Núi Đất chiều mai đã khiến nàng đổi ý.  Chờ lúc quán trống nàng lén đặt miếng đệm cỏ bàng cũ kĩ nhỏ bằng bàn tay lên chiếc bàn ngoài cùng rồi làm ra vẽ cắm cúi học bài sau quầy.  Nhìn vẻ mặt hốt hoảng của mẹ lúc cầm miếng đệm bàng lên tay rồi vội vàng chạy ngay ra trước quán dáo dác nhìn ngó ngược xuôi, Lục Bình muốn chạy bay ra ngoài ôm chầm lấy mẹ mà khóc.

Chiều hôm sau, mượn cớ tới nhà bạn mượn sách, Lục Bình đi đến Núi Đất theo lời dặn. Cậu học trò ra dấu để Lục Bình nhận diện anh Hai của hắn rồi vội vàng lảng xa. Người thanh niên vắn tắt cho biết cha Lục Bình là cán bộ trung đoàn Đồng Tháp bị thương rất nặng trong trận đánh vài ngày trước. Họ đang cần một lượng khá lớn thuốc trụ sinh cho ông và bộ đội thương binh khác. Anh ta trao cho Lục Bình danh sách thuốc và bao thư nhỏ niêm kín rồi hớ hênh hằn giọng.

- Thủ trưởng bị tàu hải quân bắn bị thương. Bọn tàu giấy tuần thám ham ăn ngủ ở chợ Tuyên Nhơn mai mốt thế nào cũng bị Cách Mạng đánh chìm, trả giá cho tội ác bọn chúng đã gây ra.

Hình ảnh xa lạ nhạt mờ trên trang thờ vướng bụi và phong thư nhàu nát lưỡng lự trên tay là chút hệ lụy mong manh khiến Lục Bình bối rối, nửa muốn chối từ nửa muốn tìm biết.

- Sao cha tôi không liên lạc với con gái mình sớm hơn?  Tại sao phải chờ tới lúc này?

Người thanh niên không nói, cắm đầu bước nhanh về phía sau ngọn giả sơn. Lục Bình nhét mớ thơ giấy vào giữa tập vở. Nhớ lại cặp mắt thiếu ngủ đào sâu lên lớp da mặt tái xanh thiếu nắng của người thanh niên, nàng sợ hãi nhìn quanh.

Lục Bình ngồi im lặng trước bàn học. Những dòng chữ rắn rỏi nét bút đàn ông trên trang thư ngắn nhảy múa trong đầu. Nàng cố tìm kiếm chút thăm hỏi, níu với ân cần ẩn tàng đâu đó giữa những dòng chữ nhưng đành chịu.  Chỉ là tờ truyền đơn kêu gọi đóng góp cho cách mạng của người cha tập kết chép gởi tới đứa-con-hiệp-thương chưa hề thấy mặt biết tên sống trong lòng địch.  Nàng cảm thấy tỉnh táo đến lạ lùng cùng lúc với cảm giác khô khốc của hốc miệng đầu môi như vừa qua cơn sốt nặng. 
Bé Lục Hà lân la mở chuyện.

- Bữa nay Hai bị thầy cho ăn hột vịt hay sao mà mặt mày bí xị dzậy?
- Út hổng biết đâu. Xuống dưới quán chơi, thấy có chú lính giang đoàn nào còn dưới đó thì lên cho Hai hay.

 Người sĩ quan trưởng toán ngồi chung với nhóm lính hải quân ngạc nhiên nhìn Trích Nữ lúc nàng nhờ chuyển gấp bức thư dán kín cho “chú Tuân”.

- Vậy là chim xanh sắp được uống cà phê khỏi trả tiền rồi.

Nhìn nét mặt nghiêm trang của Lục Bình, người sĩ quan vội vàng xin lỗi nhét bức thư vào túi áo.

- Tôi sẽ trao tận tay Trung úy Tuân.
- Cùng lắm, nếu không gặp được chú Tuân tối nay thì chú cứ mở thư ra xem càng sớm càng tốt.

Người sĩ quan nhận ra sự quan trọng của nội dung bức thư, vội vàng cùng lính rời quán. Lục Bình nhìn theo toán lính chợt hốt hoảng với tâm trạng già nua nở rần trong trí tưởng.  Nàng không còn là cô học trò nhỏ vừa sau buổi học chân sáo bước qua cổng trường chiều qua. Lục Bình lo sợ, buồn nôn vì cảm giác bị quay mòng, cuốn hút vào cơn lốc xoáy của số phận.

Thị trấn Mộc Hóa đi ngủ sớm theo giờ giới nghiêm. Cà-phê Trích Nữ vội vàng khép cửa sau lưng nhóm lính Hải quân cuối cùng vừa rời quán.  Bóng họ chìm trong bóng tối hàng hiên phố lúc chiếc xe tuần cảnh hú còi giới nghiêm lao nhanh qua con lộ vắng tanh. Bé Lục Hà ngủ quên trên trang báo thiếu nhi chợt tỉnh giấc dụi mắt nhìn quanh phòng vắng bóng chị.  Cô bé tần ngần đứng bên lan can nhìn xuống lòng quán sâu thỏm, ngọn đèn trên quầy mờ soi mấy dãy bàn ghế trống. Bóng mẹ ôm chị Hai in lên vách tường góc quán im lặng vỗ về con gái đang ôm mặt khóc. Giọng mẹ nhão nước mắt.

- Út đi ngủ cho sớm. Để yên cho mẹ nói chuyện với chị Hai.

Hổm rày sao chị Hai lạ quá, hổng thèm nói chuyện với mình. Tối nay lại khóc. Cả mẹ nữa. Bé Lục Hà nằm ấm ức trở lăn, phần thương chị phần nhớ cha đã mấy ngày chưa ghé về nhà. Bé tự trách mình, phải chi cứ ngủ quên trên trang báo Tuổi Hoa thì có lẽ lúc này bé đã được mẹ cõng vào giường và không buồn như bây giờ, nước mắt cứ chực rớt ra khóc theo chị Hai.  Những tảng màu trong bức họa của chú Tuân váng vất lớn dần. Cánh chim tuổi thơ vụt bay ngậm theo nụ cười trích nữ để lại đôi mắt rất buồn sẩm theo màu tím.

Cha từ vùng hành quân về thăm nhà, áo trận mệt nhoài, dáng đăm chiêu không vui vẻ như thường ngày.  Mẹ đóng cửa quán rồi lục đục nấu cơm chiều trong bếp có lẽ để dấu sự buồn lo hiện rõ trên nét mặt từ mấy ngày qua. Chị Lục Bình giúp mẹ nấu những món ngon thường ngày cha vẫn thích. Cảnh ấm cúng gia đình, li rượu thơm trên tay và mùi xào nấu quyện lên tầng lửng nơi bé Lục Hà quanh quẩn bên cha giúp ông trong giây lát quên đi trận mạc, giết chóc thảm thương. 

Hình ảnh cả nhà bên mâm cơm buổi chiều hôm đó ghi khắc mãi trong trí nhớ Lục Hà. Âu lo tan biến nhường chỗ cho niềm vui gia đình quây quần hạnh phúc. Cha khen cơm ngon làm má mẹ hồng. Cha khích lệ hỏi han chuyện học hành hai cô con gái. Bé Lục Hà nhìn cha mẹ, chị Hai ước ao cảnh vui vầy mãi được kéo dài. Hình như ai cũng muốn trì níu phút giây đầm ấm mà mong manh trong linh cảm mơ hồ.
Mẹ dừng tay thu vén thức ăn thừa trên bàn, sai bảo con gái.

- Hai chị em dọn dẹp chén dĩa rồi lên phòng học bài để cha mẹ nói chuyện.

Cha xoa đầu Út, cười nhìn con gái lớn.

- Cha cũng có chuyện muốn nói với Lục Bình. Thôi mẹ hãy cho phép con ngồi lại đây. Cha nghe mẹ  trước rồi nói sau. Nhưng Út chỉ nghe thôi, không được hỏi. Từ từ sau này con sẽ hiểu.

Nhìn mắt con ngấn lệ, mẹ xúc động kể chuyện những ngày vừa qua dồn dập xảy đến với chị Hai và mẹ. Bé Lục Hà sững sờ nghe, trong đầu loáng thoáng nhớ lại tấm hình bám bụi cũ mờ của một thanh niên trên trang thờ nhà cô Ba ở Mỹ Hiệp.  Cô bé hiểu ra phần nào tâm trạng của chị cho dù câu chuyện thì quá khúc mắc với bé. Lục Hà lo lắng nhìn cha.  Hờ hững trên tay nửa cốc rượu vơi, cha ngồi lắng nghe mẹ nói, nét mặt hiện rõ dần sự kích động không thể nào ngăn dấu được.

Từng câu nói như lời chứng cuối cùng về một định mệnh oan khiên mà những người ông thương yêu nhất trên đời phải gánh chịu.  Diễn biến bất ngờ xảy ra trên chiến trường đã khiến ông khó nghĩ nhiều ngày, giờ đây càng thêm đau lòng nhìn con bối rối buồn bã.

Tuần lễ đầu của cuộc hành quân trôi qua không như tin tức tình báo dự liệu. Ngoài vài lần chạm súng lẻ tẻ với đôi ba du kích bướng bỉnh rình rập, vùng thôn xóm dọc bờ kinh sau mùa nước nổi chỉ thấp thoáng bóng người già, trẻ em vào ra dưới những mái tranh nghèo treo lệch lạc tấm thiếc vàng vẽ cờ ba sọc. Bỏ lại sau lưng xóm Kinh Cùng im vắng buồn thiu, lính tráng bắt đầu kháo nhau về những tô mì gói, li trà đá ở chợ Ấp Bắc.

Đêm Đồng Tháp Mười tĩnh lặng đến rợn người. Ông nằm loay hoay vướng víu trên chiếc võng vải dù, khó ngủ vì tiếng muỗi vo ve bên tai.  Đang suy nghĩ vì sự yên tĩnh đáng ngại của mấy ngày hành quân vừa qua thì người lính truyền tin báo cáo có Biệt Khu gọi. Ông ngồi nhỏm ngay dậy lúc vừa nghe giọng nói từ ống liên hợp. Đích thân “414” gọi chắc là có chuyện lớn, ông thầm nghĩ. Nhận lệnh xong, ông cấp tốc ra lệnh các đại đội tiến ra sát bờ kinh chờ tàu Hải Quân ở Tuyên Nhơn đến bốc về tuyến xuất phát. Phối hợp hành quân diễn ra nhanh gọn, giữa  đêm tối lắt lay những vệt đèn bấm định vị trí cho tàu trở quay rì rầm ủi bãi. Đoàn tàu lầm lũi chạy về hướng Ấp Bắc.  Tin tình báo cập nhật và phát hiện mới nhất của đội tác chiến điện tử về sự di chuyển của địch quân tại các tọa độ đặt máy đã giúp Biệt Khu quyết định cuộc hành quân chớp nhoáng này.

Nhìn dòng kinh đen ngòm trước mặt, ông hỏi mượn ống dòm hồng ngoại tuyến của người sĩ quan Hải Quân trưởng toán. Trong ánh sáng lục diệp huyền ảo đoàn giang đĩnh như bầy trâu khổng lồ tua tủa sắt thép súng đạn.

- Chừng bao lâu nữa thì tới điểm đổ bộ ?
- Báo cáo Commandant, không quá một tiếng kể cả thời gian giàn hàng ngang ủi bãi.
- Anh nhớ bắt liên lạc phối hợp với giang đoàn ở Phước Xuyên. Một tiểu đoàn của Sư đoàn 9 sẽ quá giang theo đoàn tàu này.

Người sĩ quan quay nhìn về chiếc tàu phía sau.

- Bộ chỉ huy Chấm đang lo việc này. Sĩ quan liên lạc của Chấm ở trên chiếc đó.

Ông cười nhìn đồng hồ.

- Ủi bãi thì được, nhớ đừng ủi nhau. Chừng mười lăm phút trước khi tới tuyến xuất phát tôi sẽ liên lạc Biệt Khu gọi pháo binh bắt đầu đốt pháo bông.

Trận đánh bắt đầu từ sau nửa đêm đến rạng sáng thì ngớt tiếng súng.  Đơn vị của sư đoàn 9 tiếp tục truy kích địch quân thối chạy vào rừng tràm hướng Mỹ An. Tiểu đoàn ông được lệnh thu dọn chiến trường rồi trải quân đóng chốt quanh mạn Tây Nam Ấp Bắc.

Chiếc trực thăng tải thương bốc mình lên cao khỏi hàng cây rạp gió, bay dọc theo dòng kinh lấy độ cao rồi đổi hướng về phía quân y viện Cần Thơ. Ông bùi ngùi vuốt mắt người lính tử thương, kéo poncho đắp lên thi thể bê bết máu.  Lính bị thương nhẹ đã được chăm sóc, im lặng đứng nhìn người đồng đội xấu số trên băng-ca nằm yên giấc ngủ nghìn thu. Một người lính trong nhóm, đầu băng trắng xóa chợt ngồi rủ xuống bên xác bạn khóc không thành tiếng. Dọc theo bờ nước xác những cán binh sinh Bắc tử Nam được kéo ra từ trận địa, dép râu chiếc mất chiếc còn chờ vuông đất mộ phần trên miền đất nước anh vẫn nghĩ đang chờ anh giải phóng. Buổi sáng yên tĩnh không còn tiếng súng. Những người lính sau cuộc chém giết, sống chết đều im lặng như nhau bên dòng kinh khốn khó lặng lờ trôi.
Người sĩ quan hành quân tiểu đoàn hấp tấp đi về phía Tiểu Đoàn trưởng.

- Có tin lớn, Thiếu Tá!

Ông nhìn khẩu K-59 trên tay người sĩ quan thuộc quyền.

- Đúng là của quan lớn rồi.

Họ cùng đi về chiếc giang đĩnh chỉ huy.  Nhóm bộ đội tù binh ngồi ngơ ngác trên bong tàu,  vài người bị thương đã được băng bó, bùn đất bê bết trên lớp áo kaki Nam Định. Bản báo cáo khai thác tù binh có nhiều tin tức quan trọng. Ông đích thân gọi Biệt Khu báo cáo vị trí của trung đoàn Đồng Tháp và tin tức sơ khởi về số phận người trung đoàn phó của đơn vị địch.

Đọc lại bản báo cáo và hồ sơ tài liệu, giấy tờ cá nhân trong chiếc ba lô vấy máu, ông giật mình vì tên tuổi, quê quán của người cán bộ trung đoàn. Người tù binh vốn thấp ốm càng co rúm vì sợ,  rụt rè cầm điếu thuốc đầu lọc từ tay người sĩ quan chỉ huy miền Nam đang cúi nhìn hắn. Anh lính truyền tin lấy lại điếu thuốc, mồi lửa rồi dí vào kẻ môi tái thâm thiếu máu của hắn.

- Ba Con Năm của đế quốc đó. Kéo vài hơi cho biết.

Ông chăm chú lắng nghe giọng nói vùng ngoài Nghệ Tỉnh khó nghe của gã cán binh khai báo trách nhiệm hàng ngày. Khi nghe người sĩ quan chiến tranh chính trị tiểu đoàn giải thích những từ “anh nuôi”, “công tác hậu cần” khó hiểu, anh lính truyền tin lắc đầu kêu trời.

- Trời đất! Mang máy, làm tà-lọt như tui thì cứ nói đại ra đi cha nội.

Ông bàng hoàng cố giữ sự điềm tĩnh lúc người cán binh quả quyết về bí danh, tên thật và quê quán ở Mỹ Hiệp, Cao Lãnh của người sĩ quan địch. Khi bị hỏi về thương tích, câu trả lời lại khiến anh lính cười khoái chí.

- Thủ trưởng chỉ dẫn một trung đội đi trước điều nghiên mặt trận.  Đồng chí ấy không bị thương khi pháo chụp nhưng lại bị trúng mảnh của “B52 cầm tay” sau đấy.

Người sĩ quan Hải Quân chỉ tay về khẩu súng đặt đàng sau chiếc giang đĩnh PBR của Giang đoàn tuần thám, cười giải thích.

- ”B52 cầm tay” là đạn M79 bắn liên thanh như đại liên rất chính xác, nghe rất giống bom B52.
- Đồng chí của chú mày bị B52 bắn như vậy, còn sống hay chết?

Gã cán binh lắc đầu.

- Sau loạt B52 cầm tay, em bò từ hầm bên cạnh sang thì thấy đồng chí thủ trưởng bị miểng ngay đầu, máu ra rất nhiều. Một lúc lâu sau, các đồng chí cứu thương phải cáng đi, chiếu đắp lên mặt. Nước mắt hắn ứa ra, mếu máo... Chắc là chết rồi. Chúng em chưa kịp chạy theo thì đã nghe các anh hô xung phong ngay trên miệng hầm.

Người tiểu đoàn trưởng ra đứng trước mũi tàu nhìn về phía cánh rừng tràm xa tít tắp chân trời. Cảm giác buồn vui lẫn lộn khiến ông bồn chồn khó nghĩ. Đã nhiều năm mỗi lần phải nghĩ tới điều ông không mãi ngại ngần, trong thâm tâm ông vẫn luôn mong ước một kết cuộc như sáng nay, thế mà bây giờ ông lại băn khoăn lo cho đứa con riêng của vợ mà ông đã thương yêu nuôi nấng mười mấy năm nay như con ruột của mình .  Sự phân vân cứ mãi quanh quẩn trong lòng những ngày sau đó. Lần rồi về thăm nhà, nhìn cảnh gia đình vợ con vui vầy đầm ấm ông đã giữ kín không nói ra tin người đi tập kết năm xưa trở về đã vừa chết trận.

Điều mẹ cha lo lắng không còn cần thiết nữa. Những giọt lệ cũng không cần cầm giữ sau khi u uẩn trong lòng mỗi người đã được nói ra. Còn lại im lặng, ân cần.

Cha đến ngồi bên chị Lục Bình. Ông kể lại những kỉ niệm êm đềm gia đình bên nhau từ lúc con gái còn tuổi ấu thơ ở Mỹ Hiệp, Cao Lãnh. Cha uống cạn li rượu trên tay.

- Sinh li tử biệt là chuyện tất phải tới trong mỗi đời người. Con vừa mới biết. Còn cha phải đối đầu với chuyện chết chóc gần như mỗi ngày. Bà nội con ở Mỹ Hiệp lúc làm theo trối trăn của ông nội thờ ảnh con trai bỏ nhà ra đi cũng là chấp nhận cái lẽ tử sinh này.

Mẹ châm thêm rượu cho cha.

- Mẹ thì đã an lòng ngay từ những năm đầu nuôi con lớn một mình, rồi duyên may tới, mẹ gặp cha gầy dựng gia đình mình từ đó.  Đối với mẹ chẳng có gì thay đổi trong gia đình này.

Cha hớp miếng rượu, nói với vợ con mà nghe như cho riêng mình.

- Ông ấy đã chết như một người lính can trường. Những người đàn ông bỏ ra đi, chém giết nhau  rồi chết một mình. Chúng ta có thể làm được gì cho quê hương bất hạnh của mình.

Chị Hai thôi khóc lúc nào không hay, nhìn cha hỏi nhỏ.

- Vậy con có bị tội tiếp tế cho Việt Cọng không cha?
- Cả hai mẹ con bây bị ở tù hết!

Người cha cười lớn, rồi nghiêm giọng.

- Để đó cha lo. Trong hoàn cảnh của con lúc đó khó mà làm khác hơn. Ở mặt trận, tù binh bị bắt vẫn được băng bó chữa trị.  Vấn đề là từ nơi những người cọng sản. Họ không chừa  bất cứ thủ đoạn nào để đạt cho được mục đích.  Cha không tin bức thư là do ông ấy viết. Người đã chết làm sao viết được. Họ làm như vậy để lợi dụng con mua thuốc trụ sinh và hơn nữa, sau này trở thành người của họ.

Buổi tối hai chị em ngồi học bài. Lục Bình viết trên mảnh giấy nhỏ trao cho em. ” Lục Bình thương cha = Lục Hà thương cha nhơn cho (n+1) bình phương”. Bé Lục Hà đọc tới đọc lui, ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi cắm cúi viết trả lời. “Hai thương cha tới phương nào thì Út thương tới phương đó rồi thêm một chút”. 
Lục Bình cười tới chảy nước mắt.

- Nhỏ này lãng xẹt! Hai mà viết đúng theo công thức toán thì Út khỏi biết luôn.

Học bài xong Bé Hà ngáp ngắn ngáp dài chưa hết vài trang truyện tranh trên báo Tuổi Hoa đã gục xuống bàn ngủ quên hồi nào không hay. Lục Bình nhìn em lắc đầu vừa lúc cha bước vào phòng học thăm con.  Ông đọc mẫu giấy chị em viết cho nhau lúc đầu hôm, mỉm cười xoa đầu con.

- Để chút nữa cha cõng em vô giường.
- Cha cưng Út của cha quá mà. Hèn chi tối nào cũng ráng ngủ gục để mẹ cha bồng đi ngủ. Con chỉ cần lấy thước gõ lên đầu là Út tỉnh như sáo đi te te vô phòng.
- Út bắt chước chị Hai đó mà. Lúc con bằng tuổi em bây giờ, tối nào cũng nhỏng nhẻo chờ cha mẹ cõng mới chịu ngủ.

Ông đọc qua tập vở của con, khuyến khích dặn dò con gái.

- Ráng học nghe con. Sắp sửa làm cô Tú rồi đó! Lớp tuổi tụi bây thiệt hên. Mười hai năm học chỉ thi một lần Tú Tài IBM abc khoanh.  Cha anh tụi bây phải trầy vi tróc vảy bốn lần thi, Tiểu học, Trung học đệ nhất cấp, Tú Tài Bán, Tú Tài Toàn lại còn phải vào vấn đáp.

Cha ghé lưng cõng bé Hà. Con bé lúc này đã tỉnh ngủ, cười khúc khích trên vai cha rồi quay đầu le lưỡi chọc quê chị.  Lục Bình đưa nắm tay dấm dứ dọa em.

- Nhớ nha! Tối mai Hai lấy thước gõ sưng đầu cho Út bỏ tật làm bộ ngủ quên.

Đêm thị trấn buồn tênh. Lục Bình không ngủ được, cô gái nằm thao thức đếm từng tiếng đại bác bắn đi gầm xé màn đêm.  Cô hoang mang nghĩ tới cánh rừng tràm thâm u xa lạ, nơi tận cùng hoang vu, chập chờn bóng người đi trong thăm thẳm lá rừng. Tấm ảnh trên trang thờ. Khuôn mặt người máu me chẳng thể hình dung. Tiếng súng vọng xa xôi. Đêm ríu lại. Đêm trôi.  Hình như có tiếng thì thầm. Tiếng mẹ kêu thương.

Cha trở ra mặt trận lúc trời chưa xả giới nghiêm. Rồi không bao giờ trở về. Những người đàn ông đã bỏ ra đi, chém giết nhau rồi chết một mình.

(còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011