SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 

Chuyện Anh và Tôi

Chương 9
Mộng Tương Phùng

Đại gia đình tôi đoàn tụ dưới phòng ăn, là nơi đã gắn bức ảnh Tiệc Ly ở nhà anh chị Tư. Trong nhà nầy đã có năm gia đình khác là: các anh chị em từ ngoài phố, dưới Tùng Nghĩa, ở Địa Dư đều quây quần bên má, họ ân cần vui vẻ sung sướng thay phiên nhau hầu tiếp má. Mọi người hân hoan mừng vui cuống quýt. Tiệc tùng tưng bừng suốt mấy ngày, chuyện trò hoan hỉ nổ như bắp rang, vui vẻ hết biết. Nhưng, ý của má tôi là chỉ muốn vào phụ chị Tư một vài tháng, buôn bán kiếm tiền lời. Rồi ra Giêng, tháng Hai gì đó, thì má lại lò mò về quê ở với ba, và làng nước đồng ruộng mênh mông thôi.

Một buổi trưa chủ nhật, tôi dẫn Cảnh đến nhà chị Tư thăm má. Má cùng mấy chị đang bận rộn ngồi trước những cái thúng mẹt to tướng, họ lo gói bánh tét, bánh chưng, làm đủ thứ mứt, bánh ngọt, và họ trao đổi chuyện trò tương đắt rôm rả lắm! Cảnh đứng sát bên tôi, chàng gật đầu chào họ và nói nhỏ câu:

- Cháu chào bác. Chào mấy chị...

Có lẽ do trong phòng mở radio ồn ào, hoặc do họ lo tíu tít trò chuyện, hay là do anh “dè dặt” nói giọng Nam hôm nay hơi nhỏ, không “rổn rảng” như vài lần Cảnh “đấu hót líu lo” với các cháu, và tôi. Thế nên má và mấy chị của tôi không nghe chăng? Một lúc sau tôi thấy hai bà chị của tôi đang vui vẻ, tự nhiên thấy bóng dáng Cảnh và tôi đứng xớ rớ gần má tôi, ...thì họ xù mặt ra. Tôi thấy má ngẩng lên nhìn anh, má im lặng cúi xuống ngay. Sau đó Cảnh ra ngoài vườn ngồi chơi với các cháu nhỏ. Tôi hồi hộp và có phần bồn chồn lo lắng khi thấy “họ” tỏ ra không thích Cảnh, nên tôi ở trong nhà phụ các chị làm công việc vặt, hoặc nấu cơm canh giúp bà bếp. Thỉnh thoảng tôi chạy ra ngồi bên Cảnh và các cháu hầu góp năm ba câu chuyện vui.
Cảnh nhìn tôi đăm đăm, khiến tôi mắc cỡ ngoảnh mặt đi:

- Thụy lạ lắm sao, mà anh nhìn em kỹ quá vậy cà!?
- Em ở trong bếp ra, thì hai má đỏ au. Em đẹp rất tự nhiên do Trời ban tặng, chứ không phải em đẹp do sữa mắt sữa mũi, sữa miệng gì. Em đẹp quá!
- Chà! Vậy chứ… Không phải là anh đang nghĩ đến cô bé nào của anh, mà khi nhìn em, anh tưởng tượng em là họ hỉ!?
- Em đừng nói đùa kiểu đó. Mấy cháu sẽ giận anh à.
- Ư hừ! ... Hứ! Việc anh quen mấy cô bạn thương mến của anh hồi đó, có dấm dớ gì đến mấy cu cậu nầy chớ.

Bảo lay lay cánh tay Cảnh, cười:

- Ui! Vậy là cậu không biết rồi. Dì Thụy là hoa hậu thiệt đó. Cậu không biết sao? Dì không biết đánh phấn đâu, mà nếu dì có đánh phấn, bôi môi son, trét má phấn, thì má cháu giận dữ la mắng dì Thụy ghê lắm.

Cảnh cười hì hì, hai mắt chàng nhắm tít, cầm trái ổi nhỏ quăng trúng vào người tôi. Tôi cười tươi vội vàng né tránh, và chạy vô nhà. Khi tôi tiễn Cảnh ra về, má gọi giật tôi lại, nhìn tôi đăm đăm và nói:

- Cái thằng ni, mạ coi không được mô. Con.
- Tại sao vậy? Má.
- Hắn dòm thấy mạ, mà không chào hỏi. Chắc hắn tưởng hắn là quan, là quách, thì lên mặt phách lối, ai cũng nể răn hì.
- Không phải vậy đâu má ơi! Hồi nãy anh ấy có chào má và mấy chị mà. Có lẽ do trong nhà ồn ào, má không nghe đó.
- Ư hừ… Xì…
- Hừm !      

Tôi thấy chị Tư nhìn tôi trừng trừng và lườm mình, rồi “hừm…” lên một tiếng rõ to. Chị Tư lại không mấy ưa Cảnh rồi. Vả lại chị Tư thì có ưa ai bao giờ. Nhất là chị rất ghét “cố nhân”. Có thể chị không thích ai làm bạn cùng tôi, thì phải! Không ai vừa ý chị cả!? Làm y như người nào cũng chả “hạp” với nhãn quan cuả chị! Thua rồi. Không phải là do tôi có cảm tình với các anh “sinh viên sĩ quan”  (khi quen biết Cảnh), mà tôi lên mặt binh vực bao che Cảnh. Tôi biết Cảnh là người có tính tình đôn hậu, tâm hồn thuần chân khả kính, có nhân phẩm, không tự đắc tự kiêu, hay ỷ mình có học thức, mà hiu hiu tự phụ là “sĩ quan, sĩ quách”, coi người khác tầm thường, dưới cơ, như má và mấy chị nghĩ không tốt (tức là...xấu) về Cảnh đâu. Chẳng qua chàng là người miền Nam tính tình bộc trực, chân thật, hồn nhiên, không khách sáo rào trước đón sau, chàng không tỏ vẻ ta đây hách xì xằng như họ nghĩ lầm. Do tính tình Cảnh trầm lặng ít mồm ít miệng, bình thản, tự nhiên, chàng không mấy vồn vã hớn hở, nồng nhiệt săn đón mời chào, để làm dáng “lấy lòng” người trên kẻ trước (như kiểu “anh bạn Bắc-kỳ Thắng” nhà ta). Cũng có thể do chị Tư đã nói gì đó, nên má tôi không ưa Cảnh, dù má chỉ vừa gặp (!?).

Trong lòng tôi cảm thấy bực bội chị Tư lạ. Dòng suối ngầm thuở ấy (đã đụng chạm giữa tôi, chị Tư, và “người xưa”), rất đắng cay vẫn nằm im trong xó góc tâm hồn tôi sâu lắng từ lâu, tuy thỉnh thoảng nó dày vò và âm ỉ cháy, dù chưa đến nỗi nào bộc phát bừng giận và ray rứt. Nhưng hôm nay dòng tư tưởng ấy bừng bừng trở dậy từng chuỗi dĩ vãng, tràn đầy uất giận trong tâm tư tôi hằn vết đau chưa chai đá nầy. Khi tự dưng tiếng “hừ... hừm…” chị kéo dài đó lại vang lên, đã vùng khơi lại trong lòng tôi cái quá khứ đáng buồn tủi, hổ thẹn với “người xưa” và tôi rất bực về người chị quá độc đoán kia. Sự thật ngày ấy mối tình non dại giữa tôi và “chàng” đơn sơ, thắm thiết, vô cùng trong sáng, trân trọng nhau rất mực đứng đắn. Chị Tư chẳng thích “chàng kia”, chỉ vì người đó là con nhà giàu sang, người Nam, anh có phần tự do “lả lướt bay bướm”... nên chị Tư vơ đũa cả nắm kết luận là:  “Hắn SẼ... bê tha đàn đúm vợ nọ con kia, rượu trà be bét, ăn chơi, mi hiền hậu thật thà, sẽ khổ sở vì hắn...”.

Xuyên qua sự kiện nầy, tôi cảm thấy mình luôn luôn bị chị Tư ức chế, tôi bị tước đoạt sự tự do tối thiểu, và nhân cách trong tôi bị tổn thương nặng nề. Tự trong thâm tâm tôi muốn vùng dậy phản kháng chị, chống chọi và cự tuyệt ý kiến của chị Tư mãnh liệt. Nhìn lại đoạn đường gồ ghề nhấp nhô cũ mà tôi đã hổn hển đi qua, với sự luyến lưu buồn bã tiếc thương. Vì có thể đó là những khoảng lắng phiêu bồng mà ngọt ngào của tuổi mười sáu non nớt dệt nhiều mộng mơ, và tôi đã đạt đến tột đỉnh phù hoa: một hoa hậu rực rỡ của năm 1962 tại Sơn Trà, Đà Nẵng! Chẳng bao giờ tôi có thể tìm thấy niềm kiêu hãnh diễm kiều vinh quang huy hoàng trong dĩ vãng về thời vàng son đượm nhiều hương xưa ấy. Thật khó diễn tả về cảm xúc rộn ràng hân hoan mừng rỡ lâng lâng trước niềm vui chất ngất, đã gieo vào lòng tôi bao hoài bão mông lung. Tôi đã nhớ vô vàn:

Chiếc Dù Năm Ấy
Hoa buồn. Hương không thoảng.
Hoàng hôn vương nhớ mong.
Anh đi trên vết cũ.
Tôi về, lệ mắt trong.

Anh như mây phiêu lãng.
Dù mấy độ xuân chờ.
Người đi nơi xa vắng.
Tình yêu. Ôi giấc mơ !...

 Mùi hương nào dĩ vãng.
Tìm nhau trong cõi xưa.
Chiếc dù anh che nắng.
Hiên trường ta tránh mưa.

  Em chờ anh trở lại.
Bên nhau những ngày mơ.
Tình lên ngôi mãi mãi.
Anh hát, em làm thơ. (*)

Bây giờ tôi chợt nẩy lên ý muốn tiến đến với Cảnh thân thương thiện cảm vui vẻ hơn, để coi chị Tư sẽ chì chiết, hạch xách, tra vấn, cấm cản, (có kê tủ đứng vô họng khiến tôi, và tôi có im re như ngày xưa...) hay chị sẽ mắng tôi, đánh đập tôi, hoặc làm gì tôi thêm nữa, cho tôi càng nổi khùng lên nào!? Dẫu rằng thật sự trong thâm tâm tôi chưa chính thức có ý tình đậm đà xây mộng tương phùng, chưa yêu đương, chưa mặn-mà thân thiết chi với Cảnh hết. Cũng như Cảnh chưa chính thức ngỏ lời tỏ tình với tôi. Tôi phẫn uất thì thầm trong miệng:

- Chị đừng dùng “quyền huynh thế phụ” mà cưỡng ép em phải tuân theo ý muốn của chị. Chị càng ép em, thì em sẽ phản kháng chị, và em đi theo con đường ngược lại, để tự tìm tương lai.

Chào má, và mấy anh chị, tôi bỏ đi về nhà chị Tuế, (là nơi tôi sinh sống từ xưa đến giờ). Cảnh đứng đợi tôi trên đầu đường dốc khu nhà Bò. Thấy vẽ mặt tôi không được vui, anh tinh ý và ý tứ dò hỏi:

- Có chuyện không vui rồi. Phải không em?
- Không có gì. Anh.

Nói như thế nhưng nào dấu được nỗi buồn dâng ngập lòng mình. Ngoắt taxi ra phố, vào tiệm Mê Kông ăn cơm tối, chúng tôi từ tốn nói với nhau những chuyện vui buồn vu vơ. Chuyện trời mưa, trời gió bão lụt. Cảnh biết tôi không được vui, nên anh cố ý kể nhiều chuyện tiếu lâm, để cho tôi cười:

Anh kể cho em nghe một chuyện vui nầy nghen: Có thằng con rể là người Nam Kỳ và ông già vợ là người Quảng Nam. Một hôm ông già vợ hỏi con rể:
- Bữa ni con có rẻn khôn? rẻn thì chở boa đi chúc xiu công chiện ne. Thằng con rể trả lời:
- "Con kẹt".
Ông già giận dữ vác gậy rượt thằng nhỏ:
- Teo nhờ mi chở đi công chiện, mi không chở thì thôi, sao lại chửi thề, hử?? 
- Rồi sao nữa anh, anh kể tiếp đi.
Cảnh vui vẻ tằng hắng giọng:
- Có nhà kia sắp có khách đến thăm, thì bà vợ tay chống nạnh lên hông, hất hàm hỏi ông chồng:
- Bộ ông định mặc quần đùi thổn thển để tiếp khách hay sao vậy?
Ông chồng hậm hực trả lời:
- Phải, tôi muốn mọi người đều biết là bà đã nuôi tôi có cặp chân như thế nào!?
Bà vợ không phải tay vừa, đanh đá đáp ngay:
- Được, nếu vậy ông hãy cỡi luôn cái quần đùi ra, để cho họ thấy ông có cái gì đáng nuôi không!
Ông chồng: !!!
Cảnh uống một hớp chanh đường, anh duyên dáng kể tiếp chuyện thứ ba:
- Hai người bạn đực rựa ngồi nói chuyện với nhau:
- Có lẽ mình phải ly dị thôi, bạn à.
- Sao vậy?
- Vợ mình gần cả năm nay không thèm mở miệng nói với mình câu nào.
- Ui, cậu điên à! Biết tìm đâu ra một người vợ tuyệt vời như thế. Hở?

Tôi khoái chí cũng vui vẻ góp đôi ba chuyện cười:

- Nhiều thầy bói đã nói với em: tuổi Sửu hợp với tuổi Ngọ, vì theo quẻ mà đoán thì: “đầu trâu mặt ngựa”. Tất nhiên hai tuổi này mà cưới nhau, chắc chắn sẽ thành công, tấn tới, nếu cả hai vợ chồng cùng làm chung nghề: đâm thuê, chém mướn. Còn đây là quẻ thứ hai nhe anh:
- Tuổi Tỵ rất khắc với tuổi Dậu, theo quẻ là: “cõng rắn cắn gà nhà”. Nếu hai người cưới nhau về, thế nào người tuổi gà cũng bị người tuổi rắn cắn chết, (không loại trừ trong lúc yêu thương, dậu bị rắn mỗ cắn lầm ở chỗ hiểm)...
- Tuổi Dậu, hợp với ba hạng tuổi: tuổi Mão, tuổi Thìn, tuổi Hợi. Theo quẻ “đầu gà má lợn”. Người ở mấy dạng tuổi này, nếu cưới nhau, sẽ thành công về kinh doanh, nhà hàng, đồ nhậu.

Chúng tôi không thể nào nhịn được cười đến nỗi ra nước... mắt. Tôi đã quên chuyện buồn lúc ở nhà chị Tư. Tôi vui vẻ kể lại chuyện trong thời gian hai tuần tôi ở miền Trung ra sao. Sau đó Cảnh lên xe taxi vào quân trường như thường lệ.

Suốt tháng Chạp, và những ngày Tết Tây, chúng tôi thường có dịp đi chơi chung với nhau thật vui. Đêm ba mươi tháng Chạp âm lịch, khi Cảnh mời tôi vào trường Võ Bị dự dạ hội tất niên. Tôi đã đưa thiệp của Cảnh mời, đồng thời tôi nói rõ cho chị Hách biết nguyên nhân tại sao tôi cần đi đêm về nhà khuya. Tôi xin phép anh chị cho tôi đi với Cảnh đàng hoàng, nếu tôi có về trễ giờ hơn mọi ngày tôi đi làm việc, đi học trên đại học  hay có công chuyện đi đâu đó một xí. Thì chị Hách thông cảm và thương tôi trọn tình chị em đằm thắm. Không như chị Tư, chị Hách ân cần dạy bảo tôi điều hay lẽ phải. Chị luôn mong muốn tôi tìm được ý trung nhân, tôi sẽ yên ấm hạnh phúc với ai đó.
Tôi cũng mong ước và hy vọng như vậy:

(anh Học Võ Bị):

Sao anh “vô trường” ấy.
Mãi hoài “chưa ra” vậy?!
Em đợi anh từng ngày.
Bao đêm buồn nhớ đây.

Canh khuya em mơ thấy.
Anh vô lính tháng ngày…
Đường quang vinh vượt trội.
Dẫu phong ba đọa đày.

Hoa mai ghim áo nầy.
Mối tình ta còn đây.
Sương ngàn quyện gió núi.
Do tơ trời dựng xây.

Anh ơi! tình duyên nầy.
Mai sau anh sẽ thấy.
Em đây và anh đấy.
Đôi tâm hồn ngất ngây. (*)


Chương 10
Sứ Giả Len Lén Gợi Tình
 

Ánh bình minh êm êm tươi vui hé mắt chiếu tia hào quang rạng rỡ trên đồi hoa mimosa vàng óng lóng lánh xuyên qua lá cành. Mùa xuân đã ríu rít xôn xao đến sau lưng đồi cỏ ở khách sạn Palace. Trên chóp đỉnh hàng thông rét mướt và ngái ngủ đã chuyển mình vi vu reo triền miên. Đà Lạt ướt đẫm sương mai mọng nước đang giăng mắc các mạng nhện đó đây, con nhện lắc lư đưa qua đưa lại thoăn thoắt dệt muôn sợi tơ mỏng dính. Những con chim én lảnh lót líu lo ríu rít cất tiếng chào đàn, nghe vui tai quá chừng.

Dưới gốc thông già có hai mái đầu xanh dựa lưng vào thân cây. Kế bên chỗ hai người có nhiều bụi cỏ chỉ, cỏ ống đã nở hoa trắng, hoa nâu nho nhỏ. Họ ngồi bên nhau tíu ta tíu tít hân hoan nói chuyện tình yêu, tay bứt những cọng cỏ chỉ sợi nhỏ dẻo dai, và cỏ ống xanh xanh thân lá giẹp. Họ cùng chụm đầu vào nhau lúi húi làm chiếc vòng ngọc, vòng chuỗi dắt đầy chùm hoa vàng và hai chiếc nhẫn cỏ nho nhỏ quá xinh. Chàng đeo chiếc nhẫn cỏ (do anh làm) vào ngón tay đeo nhẫn cho nàng. Chàng lại đeo dây chuyền cỏ xanh cài hoa mimosa lên ngực nàng. Rồi chàng đeo chiếc vòng “ngọc biếc cỏ ống” vào cườm tay cho nàng. Cả hai thích thú giơ bàn tay đeo “ngọc ngà” lên cao lắc lắc, họ hớn hở vui vẻ cười tươi! Người con trai từng trải dạn dày phong sương mưa gió, ấy thế mà hôm nay coi chàng hơi bối rối, e dè, lúng túng, băn khoăn nhìn trước ngó sau, rồi thò tay vào túi áo, lấy cái hộp hồng thắt nơ đỏ nho nhỏ xinh xinh. Chàng mở ra, từ tốn nhón chiếc nhẫn Võ Bị lên. Bằng cử chỉ tình si, chàng khẽ khàng mà trang trọng lồng chiếc nhẫn vô ngón tay trỏ của người con gái (vì chiếc nhẫn của chàng quá rộng).

Cô gái thảng thốt và bẽn lẽn, nàng muốn lên tiếng hỏi, nhưng bờ môi mím chặt, lưỡi líu lại, ngập ngừng do dự nàng chúm chím cười, e lệ cúi đầu đón nhận ân tình trao đưa. Tuy nhiên nàng cũng nhanh trí đã tháo chiếc nhẫn vàng 18K có hột xanh lục của mình đang đeo trên ngón tay, nhút nhát rụt rè bẽn lẽn nàng đeo vào... ngón tay út của chàng. Sứ giả len lén gợi tình yêu thì-thầm vẫy gọi chào mời... Họ xác nhận tình yêu đến trên mười ngón tay khe khẽ run run lồng vào nhau. Ngón tay “anh và em” đằm thắm ấm áp trữ tình, dìu dặt nốt nhạc rung trên mỗi phím loan như lời tình tự, đơn sơ mà sắt son hứa hẹn nồng thắm duyên sau bền lâu:

Biển rộng sông dài thuở anh đi
Người rong mỏi gối ước mơ gì?
Buồn trong ánh mắt đau niềm nhớ

Đường đời uốn khúc chưa buồn nhỉ!

Trời tím hoàng hôn chẳng hẹn kỳ.
Ráng chiều câu bóng góc tường vy.
Dắt nhau về tương lai đã hứa.
Đôi cánh én dệt mùa xuân nữa.

Từ đấy màu mây tóc thuở xưa
Ưu tư sầu muộn mấy cho vừa
Khung trời tím ngắt trông chim nhạn
Đường đi gập ghềnh sao chẳng ngán!?

Ta cùng hẹn trao nhẫn cỏ đưa
Nắng hồng e ấp nhánh cây thưa
Đong đầy nỗi nhớ buồn vời vợi.
Vòng nhẫn cỏ nhắc mình mơ nữa

Sanh tình ấp ủ nhớ chuyện xưa.
Thẹn thùng tố nữ trong chiều mưa
Vì anh hứa: - “Một đời miên viễn
Cung nghinh em về liếp tranh thưa...”

Ôm mộng ngày xanh tóc rối bời
Người đi muôn dặm áng mây trôi
Nhớ vòng nhẫn cỏ nơi xưa hẹn
Xuân mộng đôi mình én sánh đôi.  (*)

Vòng tay Cảnh đa tình rắn chắc đầm ấm chủ động ôm ghì lấy tôi và đằm thắm đặt nụ hôn lần đầu tiên, rất dài, rất ngọt dịu, nồng nàn, đắm đuối lên bờ môi tôi mát lạnh. Những nụ hôn nhẹ nhàng, ân cần ngọt ngào mà không vồ vập, không lộ liễu, khiến tôi rất vừa ý. Trời mùa xuân bàng bạc ấm áp phơi phới phả vào không gian mát rượi trong xanh… dường như pha lẫn chất men tháng hạ ấm áp nồng say, và quyện tiết mùa thu êm êm thanh thanh man mác bảng lảng đó đây. Gió xuân bơi bơi theo con sóng tình dìu dập bốn mùa hòa nhập vỗ mạnh vào đôi bờ đông-xuân, khiến toàn thân tôi chợt nóng bừng bừng, rồi chợt lạnh rét run run. Chúng tôi hòa tan lòng mình theo cơn vui trong từng nhịp tim dập dồn đập mạnh. Tôi cảm thấy ngất ngây toàn thân và phập phồng, bồng bềnh, trôi trôi bơi bơi trên dòng đời đong đưa, có Cảnh dìu dắt bên cạnh.

Cảnh cử xử thanh nhã kèm theo những lời âu yếm, anh phân tích các vấn đề về: đời sống, kinh tế, xã hội, công việc làm của tôi khá mạch lạc, thực tế và tiết độ. Xét chung chung về Cảnh, tôi thấy thể hình anh khá cân đối, vừa vặn, được trai, cũng giống như các bạn trai khác (bạn nguyên nghĩa), lúc đầu tôi cứ nghĩ là họ đẹp trai mà tôi mến. Nhưng kỳ thực không hẳn tôi mến thích họ, là do họ đẹp trai đâu. Vì, họ đều là “người hùng mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Ai cũng có những yếu điểm và phát huy những cái tốt có giá trị cao về ưu điểm đáng yêu và ngưỡng phục khác. Vấn đề cần chính ở tình yêu lứa đôi là sự thấu hiểu nhau, thông cảm sâu sắc, tế nhị, bao dung, độ lượng, ân cần chia sẻ, chân thật, tri thức, và thủy chung tin yêu nhau rất mực. Chứ nếu tôi chỉ phiến diện nhìn “cái mã” bên ngoài, cứ đẹp trai cho lắm vào, mà “hắn ta” dùng thủ thuật ấy, để chuyên môn đi: lừa phỉnh dối trá, dùng đủ thủ thuật lừa gạt người khác, không đẹp nết (như ai kia xưa cũ rứa), thì cũng hoài của, vứt bỏ cuộc đời hắn uổng mạng: cho thân nhân, chúng bạn chửi bới; thì hắn chỉ chuốc thêm nhục nhã, xấu hổ, nhơ danh riêng hắn và cả dòng họ hắn thôi.

Cảnh cư xử với mọi người trong gia đình tôi chừng mực và tế nhị, tính tình Cảnh thành thật ôn nhu vui vẻ, đơn sơ, ít khi anh quá trớn vui đùa, hay nói chuyện (tiếu lâm) thô tục ba xàm ba láp. Anh ưa đi thẳng vào vấn đề chính có mạch lạc, khúc chiết, khôn ngoan và tinh tế. Mặc dù đôi khi anh cũng ưa hờn mát, nổi nóng chút chút khi có “người khác” nháy mắt nheo mày lả lướt hoặc buông lời… “làm quen tôi”. Tuy nhiên, khi buồn, Cảnh không la lối gắt gỏng, ồn ào, không nhăn nhó. Anh chỉ lặng lẽ mặc áo ra về, hay đi đâu đó một mình cho khuây khỏa xí. Tôi nhận thấy anh có thể là một người bạn tốt. Một người bạn đời biết đủ mọi lịch lãm, khôn ngoan, một người bạn đường vẹn toàn tin cẩn. Một người yêu khả dĩ đem lại hạnh phúc lứa đôi. Bến bờ nầy, có phải là “hạnh phúc” đích thực của riêng tôi? Hạnh phúc! Là mình ở trong trạng thái sung sướng hoàn toàn, thấm đẫm sự tuyệt vời, vì cảm thấy mình tâm đầu ý hợp toại nguyện chăng? Tôi không muốn sa vào cái định nghĩa có vẽ như trừu tượng, mơn man, mơ hồ, như vừa ảo lại vừa có thật ấy. Chỉ biết là bây giờ tôi rất vui, hãnh diện, hân hạnh, bằng lòng, mãn nguyện khi có Cảnh trong đời. Và, tôi chưa thể nghĩ đến ngày mai… con sóng tình có còn vỗ mãi những âm thanh thân thiết, thật đầm ấm ngọt ngào nầy không? Rồi ngay mai chúng tôi sẽ ra sao!

o O o

Chỉ có ngày nghỉ cuối tuần vào chiều Thứ Bảy, hoặc nguyên ngày Chủ Nhật, Cảnh mới được phép xuất trường. Có tuần anh phải “ở nhà” ứng chiến, trực ban. Nên khi anh có phép, chúng tôi hay đi đây đi đó chơi cho anh khuây khỏa, ước mong anh khỏi căng thẳng đầu óc mệt nhoài vì học tập. Hoặc anh luôn bị tù túng trong bốn bức tường, kỷ luật sắt ở quân trường Võ Bị bó buộc chân tay Cảnh quá nhiều. Chúng tôi thường lên taxi đi thăm các thắng cảnh. Không nơi nào mà không có bước chân chúng tôi giẫm lên. Chúng tôi ưa dạo phố ngày Chủ Nhật, cùng đi thưởng ngoạn các thắng cảnh Đà Lạt, vào rạp hát xem ciné. Đôi khi chúng tôi lượn vài vòng phố, ghé tiệm chà và, tiệm sách mua sắm vài thứ cần thiết. Ít khi Cảnh muốn làm phiền ai, nên anh không ăn cơm ở nhà chị Tuế, chúng tôi vào ăn hủ tiếu Nam Vang ở đường Minh Mạng. Đi ăn trưa, ăn tối ở các tiệm Nam Sơn. Phở Bằng. Phở Tùng. Nhà hàng Mé Kông. Tiệm ăn Như Ý. Cảnh thích nhất là vào phê Tùng, nơi nầy thanh lịch đa số khách sành điệu ưa ngồi trong khung cảnh huyền hoặc, nên thơ. Nhạc êm dịu mở vừa đủ nghe. Khách im lắng thả hồn vào những dòng nhạc trữ tình, họ luôn trầm tư, mơ màng trong khói thuốc, bên ly cà phê sánh đen nhỏ từng giọt, từng giọt đen tròn, lóng lánh từ chiếc ly thủy tinh trong suốt phả hơi nóng hổi. Khách nói chuyện nho nhỏ, ung dung tự tại nhâm nhi cà phê, mà không bị làm phiền bởi bất cứ ai tò mò. Nhất là anh Tùng chỉ cho mấy cậu bồi tí hon bưng cà phê, thì hết ý, (đặc biệt tiệm cà phê Tùng không hề có nữ tiếp viên õng ẹo ưa nhoi nhoi cái đít vịt).

Đó là những nơi chúng tôi thường “la cà phè phỡn” lui tới ăn uống lai rai. Có nhiều lần anh quên không đưa tiền trước cho tôi. Khi đã ăn uống xong, Cảnh cười hì hì, nháy mắt nheo mày dúi tiền dưới gầm bàn cho tôi cầm, Cảnh ra dấu có ý bảo tôi đi tính tiền. Chả vì lúc nào đi ăn, thường thường anh cũng trả. Anh e ngại người ta chê tôi: chỉ biết lợi dụng người khác dẫn đi ăn uống chùa, cho đã đời chăng? Anh muốn giữ thể diện cho người yêu đấy hở!? Vả lại đa số nam nữ đi ăn, tôi thường thấy “người nam hãnh diện” đi làm “nhiệm vụ” đó mà. Thật ra, tôi không mấy khi tự nguyện đi làm chuyện trả tiền. Không phải là tôi nhỏ mọn, keo kiệt, bần tiện không dám xì tiền ra, (vì tôi đi làm việc trong công sở, tôi có nhiều tiền mà!) hoặc tôi ưa bu bám hút chất ngon ngọt của người nam như loài ong bướm!!! hay muốn bòn xoáy rút rỉa cái hầu bao của anh đâu. Hoặc giả là tôi bủn xỉn không có tiền để bao anh. Nhưng nếu tôi cứ “bao anh” như vậy, tôi cảm thấy kỳ kỳ dị dị... vì “anh hùng hảo hớn” ngồi ì ra coi cũng mất mặt anh sao ấy. Cầm tiền của anh đưa, tôi cũng cảm thấy áy náy nhột nhạt và mắc cỡ sao đâu! (chứ tôi không thấy việc ấy là hãnh diện cho mình. Chi lạ rứa).

Những ngày nhàn du thư thái, chúng tôi thường cặp kè bên nhau thả bước trên những con đường mòn vắng khuất. Dìu nhau đi vào rừng hái trái mác mác. Vào các suối mộng hồ mơ. Chúng tôi trải tấm nhựa trắng xuống nệm cỏ xanh mướt, để thức ăn nhẹ như bánh mì nhồi thịt, trái cây mua sẵn đặt ở trên những tờ báo. Tôi thích đi nhặt trái thông xếp thành từng hàng to nhỏ. Vui vẻ kể cho nhau nghe nhiều chuyện tự hồi tóc chúng tôi còn để chỏm. Tôi hỏi anh:

- Anh thích vào học trong trường Võ Bị Đà Lạt lắm. Phải không nào?
- Ừa. Hồi nhỏ anh rất thích chơi súng, chơi dao găm. Anh chuyên làm trưởng toán, cầm đầu tụi con trai, cầm cây, cầm ná, chạy xuống xóm dưới. Tụi anh đánh nhau với bọn trai cùng trang lứa. Lần nào nhóm anh cũng chiến thắng vẻ vang, khoái lắm. Hì hì…
- Em lại sợ súng ống đạn bom, mới chết chứ.
- Chẳng cứ gì em. Ai ai trong nhà anh cũng vậy. Nhất là má anh. Anh nhớ hồi anh còn nhỏ xíu, độ bốn năm tuổi gì đó. Anh bị má đánh đòn hoài. Vì anh cứ thích lấy cái chổi quét nhà, ôm trong bụng để làm súng. Anh nằm lăn ra đất bùn, bờ bụi. Má đánh anh vì cái tội: áo quần anh rách tả tơi như xơ mướp. Vì tội anh đầu bù tóc rối, bò càng xuống ruộng, xuống đất, hăng hái đánh kiếm, bắn ná, bắn bi chơi dơ kinh khiếp.
- Hẳn là hồi nhỏ anh nghịch lắm ha?
- Phá khỏi chê rồi em. Có một lần anh trèo lên cây mít, hái dái mít ăn, chẳng may bị té. Bụng anh xóc vô một cành cây. Máu chảy ròng ròng. May mà chưa lòi ruột. Má anh lật đật kêu xe ngựa, chở anh vô bệnh viện Biên Hòa cấp cứu. Còn vết sẹo to tướng nè em.
Cảnh vén áo lên cho tôi xem vết thẹo dài, láng cón. Thật là kinh hồn.
- Nhưng được một cái là anh ham học. Anh học rất giỏi. Tháng nào anh cũng đứng đầu lớp. Từ lớp Năm cho đến lớp Đệ Nhất. Anh thi đậu tú tài toàn một phát một, là anh dong vô đây liền. Má thương anh lắm. Gia đình anh dù nghèo, nhưng ba má cố gắng tần tảo bán buôn mấy anh em ăn học. Anh thương má nhiều. Hơn thương ba.
- Ngộ ha anh. Hầu như ai ai cũng thương má nhiều.

Cảnh cười gật gật đầu đồng ý:

- Phải. Sau khi anh đậu tú tài toàn phần xong. Ba muốn anh đi học ngành Y. Nhưng anh thích vào trường Võ Bị Đà Lạt. Má nói:
- Con học ở Sài Gòn thì gần. Chớ con học ở Đà Lạt, xa xôi quá. Vả lại con đi lính, má cũng lo sợ, không mấy ưa.
- Chắc là anh phải uốn ba tấc lưỡi đấu tranh dữ lắm he.
- Trời. Má chìu ý anh thôi. Má khóc sưng mắt. Nhưng má đành đưa anh lên Đà Lạt. Ba ở nhà trông coi tiệm ăn và mấy em nhỏ. Má nói để má cùng đi với anh, cho biết nơi biết chỗ. Khi nào huỡn, ba má có thể đi thăm anh. Không sợ lạc đường.

Cảnh thích ngắm nhìn người yêu nổi bật trong đám đông. Anh bảo tôi cắt tóc theo kiểu Silvie Vartan, mặc đồ đầm thời trang xứng hợp với dáng vóc thanh tân của cô gái chớm lớn. Nhiều khi tôi mặc áo dài thật dài, thân áo ôm sát vòng eo năm mươi centimetes, nẩy nở vòng ngực chín mươi. Trên thân đuôi những chiếc áo dài đen, áo dài tím, áo dài vỏ măng cụt, màu vàng, tự tôi kết hoa, kết lá giả. Coi tôi ỏn ẻn cũng có chút xí “đài các thanh cao” có mỹ thuật, và xinh xắn ra phết... như ai ai đấy chứ! Cảnh nói:

- Em có đôi mắt rất linh động, sáng ngời, tình tứ, nụ cười xinh tươi và duyên dáng. Dáng vóc đan thanh thon gọn. Trông em thật yêu kiều, thướt tha biết mấy. Em rất đẹp.

Tôi cười ỏn ẻn. Tôi không bao giờ nói cho Cảnh biết: hồi xưa tôi là một hoa hậu. Vâng! Ngân Thụy đúng là đã đoạt ngôi vị hoa hậu, không hề sữa mắt sữa mũi, chẳng biết dùng phấn son. Tôi là hoa hậu tự nhiên, đơn sơ, thật sự trăm phần trăm ở ngoài Đà Nẵng vào năm 1962. Chứ không phải chỉ là á hậu, á hiếc, á hoè, á... hợi ba láp bá vơ lơ tơ mơ chi cả. Nói làm gì! Hương thơm chả phải cầu, tự nó hồn nhiên tỏa ra. Hoa hậu, hoa dậu, hoa chậu gì gì cũng thế thôi. Con người ta hơn thua nhau ở chỗ có đạo đức tốt, có tấm lòng rộng mở, bác ái, nhân hậu, thành thật mến yêu, thấu hiểu thông cảm giúp đỡ tha nhân cùng khốn. Không dối gạt ai. Tự biết mình và biết người, là trân quý mà thôi. Ngày tôi thăng “lên chức” hoa hậu, có anh bạn Thắng đã tặng tôi bài thơ:

Xinh đóa hồng gai

Gió sớm mây chiều vờn quanh môi thắm.
"Dạ thưa". Tình thương cô gái ngoan hiền.
Tóc thề dáng nhỏ nón lá chao nghiêng.

E ấp ngập ngừng phím loan bẽn lẽn.

Khao khát trao tình em như vẫn hẹn.
Ngày anh đi mây xám lướt bên thềm.
Tiếng sáo buồn nhè nhẹ buổi chiều êm.
Chim hoàng hạc ngủ yên trên đỉnh núi.

Đời trống vắng, tình phương xa tiếc nuối.
Em đi rồi biết bao nỗi tương tư.
Đóa hồng gai sao lãng chuyện cầm, thư.
Môi nhạt thắm, sầu gió thu trút lá.

Buồn da diết, ôi những chiều nắng đổ.
Tắt nụ cười em gái nhỏ đoan trang.
Khóe thu ba dòng lệ chảy đôi hàng
Ai có thấu nét đài trang nỗi nhớ?

Tha thiết lắm ôi tình cô gái nhỏ.
Biết bao giờ mới hết khổ chia phôi.
Anh của em dù góc bể chân trời.
Thuyền trở lại sẽ tìm người năm cũ. (*)

Hôm nay cơn giông từ đâu ập đến, gió rít trên những cành thông, kéo theo từng đám mây đen nghịt vần vũ khung trời Đà Lạt. Báo hiệu trời sắp trút nước xuống vùng trời hoa đào nầy. Khi chúng tôi cùng nhau lững thững đi ra phố, trời bỗng đổ mưa. Chúng tôi chạy rõ nhanh vào quán Hạnh Tâm gần bên hồ Xuân Hương, tìm chút không khí thân thương và ấm áp về chiều.

(*)  Thơ  tìnhhoàihương

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011