SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 

CON ĐƯỜNG DÂU BỂ

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng !
Nguyễn Du

Tôi may mắn được mang tên nhà đại văn hào của đất nước Việt Nam này từ lâu lắm, vào lúc nào cũng không nhớ rõ. Có thể là sau khi hiệp định Geneve chia cắt hai miền, vùng đất miền Nam được theo chế độ Cộng Hòa, muốn chứng tỏ nền độc lập tự do của nước nhà, thoát khỏi ảnh hưởng thống trị hàng trăm năm của thực dân Pháp chính quyền mới đã thay đổi tất cả tên đường phố trước kia mang tên người Pháp thành tên những danh nhân Việt Nam, kế tiếp là việc hô hào, cổ võ người dân sản xuất và tiêu dùng hàng nội hóa.

Bắt đầu từ những ngày tháng ấy cùng với cái tên mới tôi là một trong những con đường nằm ở vị trí trung tâm thủ đô Miền Nam đầy ắp giới thượng lưu trú ngụ. Ngay đầu ngã ba tiếp giáp với con đường mang tên Tổng trấn Gia định thành Lê văn Duyệt, trấn giữ hai bên tả hữu trước tiên là hai gian nhà đã khẳng định giá trị của tôi, căn nhà to ngay góc đường sau này là tòa Đại sứ Canada, đối diện bên kia là Hội Kỵ mã nơi lui chốn của giới quý tộc Pháp từ thời thuộc địa, nhiều biệt thự riêng với hàng rào cao, tiếp nối là những tòa công sở chạy dài đến hết con đường tạo cho nó nét trầm lặng nghiêm trang, hai hàng me cao chớn chở tạo dáng con đường giống một vóc lụa nõn nà xanh mướt màu lá non, làn gió nhẹ nhàng rì rào như tiếng thủ thỉ của những đôi tình nhân tay trong tay chậm bước giữa hai hàng me xuôi dốc theo các con đường Tự Do, Pasteur, về Nguyễn Huệ, Lê Lợi và chợ Saigon ; một thời tôi cũng là niềm cảm hứng cho những vần thơ của các cô cậu sinh viên trường Văn Khoa Saigon thuở ban đầu khi mới thành lập, họ lang thang từ đường Nguyễn Trung Trực băng qua phía sau Tòa Thượng Thẩm, cúi đầu đếm bước dọc theo bờ rào của Dinh Độc Lập đầy dấu di tích vương giả khi xưa giờ là nơi thể hiện quyền lực đất nước trên trường quốc tế hiện nay.

oOo

Đời sống xã hội yên bình khiến tôi nhiều lúc chìm trong giấc ngủ mơ màng khá lâu của người có tuổi, tuy rằng thỉnh thoảng có vài cơn biến động, đảo chánh, biểu tình, chỉnh lý đánh thức tôi đôi chút, nhưng sau đó mọi thứ bậc vẫn bình thường không thay đổi, bốn mùa mưa nắng vẫn xanh xanh hàng me, tuy chúng có già thêm nhưng tàn cây vẫn thừa chỗ ôm ấp bóng mát khiến tôi lười mở mắt, tôi cứ mặc cho thời cuộc bởi thừa biết mọi thứ vẫn đâu vào đấy, chủ quan ấy khiến tôi chẳng thèm chú ý những gì đã và đang xảy ra quanh mình.
Nhưng một hôm bỗng có tiếng quát tháo nghe lạ tai khiến tôi giật mình :

- “Lày “( Này ) đi ra chỗ khác, cấm không được dừng “nại” ( lại) ở đây nhé !
-  Xe tôi bị tuột sên mà

Giọng phụ nữ yếu ớt cải chính.

-  Không có bất cứ “ní” ( lý ) do “lào” ( nào ) cả.

Tiếng nói im bặt tiếng lách cách kéo cơ bẩm súng làm tôi tỉnh ngũ hẳn.

- Đây “nà” Hội trường Thống Nhất, mọi thứ xe cộ không được “nại” gần.

Người phụ nữ lủi thủi đẩy chiếc xe đạp cũ băng qua đường đi một quãng xa mới ngồi xuống lui cui lắp lại dây sên. Khuôn mặt đỏ bừng dưới nắng, đôi mắt đỏ au cố nén những giọt nước mắt lấp lánh chực trào ra. Tôi hỏi :

- Có chuyện gì vậy cháu, người cầm súng quát tháo đuổi cháu là ai ? Ta trông hình như anh ta không phải người miền này.
- Cụ thực không biết anh ta ư ? Họ từ rừng ra, từ miền Bắc vào đây và tự xưng là những giải phóng quân, là cán bộ cách mạng, là người tiếp quản việc cai trị nơi này.
- Thật vậy sao ? hóa ra những tiếng nổ giữa năm ta nghe được không phải là của phe đảo chánh giống lần trước như ta vẫn nghĩ.

Cô gái tròn mắt nhìn tôi như nhìn một tên già “quái đản” từ nhà thương điên mới ra hoặc nói theo kiểu tôn trọng người lớn tuổi hơn ; tôi đúng là một lão Từ Thức về trần.

Đảo mắt nhìn quang cảnh chung quanh tôi thấy ngay nét tiêu điều, lặng lẽ. Xe hơi, xe Honda gắn máy các loại biến đi đâu mất, thay vào đó là những chiếc xe đạp kiểu dáng cả chục năm trước, thảo nào đường phố bỗng trở nên u tịch, vắng vẻ. Nhìn cô gái trẻ với chiếc áo bà ba ngắn, quần đen, chân mang đôi dép nhựa tôi bỗng hoang mang. Đâu rồi chiếc áo dài phất phơ hai tà áo, những chiếc minijupe xinh xắn, những đôi guốc cao gót đầy nét yểu điệu thục nữ mất tăm ! Thường thì nhiều cuộc cách mạng xảy ra trên toàn thế giới đều là để xóa bỏ cái cũ nghèo nàn, lạc hậu thay vào cái mới. Đàng này sau cách mạng tôi lại thấy xã hội miền Nam lùi lại thời hai mươi năm trước, về sau tôi mới ngộ ra chân lý cốt lõi của chế độ Cộng sản khởi đầu là cách mạng vô sản ; “phải cào bằng mọi thứ, tiêu diệt tầng lớp tư sản !” . Thấy tôi hiền từ đến độ ngơ ngác, với vẻ tin cậy cô gái  hỏi tôi :

- Cụ có biết trường Taberd nằm ở chỗ nào không ? Cháu nghe nói ở đường Nguyễn Du.
-  Đàng kia kìa, cứ đi thẳng sẽ thấy ngay công trường nhà thờ Đức Bà, băng qua đường Tự Do là tới. Mà cháu đến đó chi vậy ?

Cô gái nhìn quanh rồi thì thầm vào tai tôi :

- Cháu đi đòi chồng,

Ngạc nhiên và ngờ vực nên tôi lặp lại hai từ :

- Đòi chồng ?
- Cháu nghe mấy thím, mấy chị chuyền tai rủ nhau ra ngoài này biểu tình đòi cha, đòi chồng, đòi anh, em, con, cháu.
- Lần đầu ông nghe chuyện lạ đời à.
- Bộ cụ không biết việc chính quyền quân quản kêu những Sĩ quan, viên chức VNCH đi tập trung cải tạo hai tuần, một tháng nhưng đến nay gần nửa năm vẫn chưa thả cho trở về và gia đình không ai nhận được bất cứ tin tức gì về người thân của mình sao ?

Quả thật tôi giống như từ trên cung trăng rơi xuống khi nghe chuyện lạ bèn hối hả theo cô gái đạp xe đến trước trường Taberd, ở đây bên ngoài lố nhố độ hơn chục người. Hai cánh cửa sơn xanh đóng im ỉm. Một anh chàng bộ đội mặt trẻ như con nít, đội nón cối, bộ quần áo rộng lùng thùng cạp quần, tay áo xắn lên giống hệt người mặc áo khính đang lăm lăm cầm cây súng thủ thế, anh ta đứng trấn giữ cánh cửa trên có dán tờ thông cáo to bằng tờ giấy tập học trò, chẳng ai biết bên trên viết gì bởi đâu ai lại gần được cánh cửa để đọc. Mọi người phân vân nhìn quanh quất, bên kia Bưu điện, trên lề đường Tự do cũng có người nhưng tất cả đứng xa xa, rời rạc và nhìn sang giả vờ như những người tình cờ có mặt, bởi từ lúc bắt đầu sống với chế độ Cộng sản tuy chưa lâu nhưng cũng thừa đủ cho người ta hiểu về một chế độ đầy sắt máu, dối trá nên không dám cả tin điều gì và phải e dè mọi thứ đang xảy ra trước mắt.

May mắn thay những người sống ở miền Nam vốn sẵn tính hiền lành, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào ; những tráo trở, điêu ngoa, nhẫn tâm với đồng loại cũng không thâm nhập làm thay đổi bản chất chân thật của họ. Chuyện con tố cha, vợ tố chồng, bằng hữu tố cáo, kiểm thảo giẫm đạp lên nhau giống như miền Bắc thời cải cách ruộng đất đã không thấy xảy ra. Trái lại đi đâu cũng thấy mọi người ái ngại thương xót lẫn nhau như thể cùng chịu một cái tang chung của đất nước.

Trong khi tôi và cô gái còn đang ngơ ngác chưa biết ra sao bỗng một chiếc jeep quân đội ngày trước bây giờ là chiến lợi phẩm đỗ xịch bên đường, một tay bộ đội ý chừng là cấp chỉ huy đứng trên xe cầm chiếc loa nói to :

- “Yêu cầu đồng bào giải tán, không có thông báo tập trung học tập cải tạo một tháng hoặc hai tuần, đó là “đồng bào nghe lầm” . Chúng tôi chỉ thông báo chuẩn bị tiền ăn cho một tháng, hai tuần tập trung cải tạo. Khi nào học tập tốt sẽ được về” .

Nghe giọng nói từ cái loa ra rả cô gái nuốt nghẹn bực tức :

- Cụ xem họ nói láo trắng trợn chưa, chẳng lẽ mấy trăm ngàn người và hàng triệu gia đình nghe lầm hở cụ.Bây giờ người ta mới thấy câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi vào lịch sử “ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI, MÀ HÃY NHÌN KỸ NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM.” Họ nói học tập tốt sẽ được về ! Biết thế nào là tốt hở cụ, câu nói giống như lời hứa, “làm cho hăng hái lên ngày mai sẽ được thưởng …. đến ngày mai lại nói, đã bảo rằng ngày mai cơ mà !”! Đúng là một cách chơi chữ,
- Cháu ơi ! Những gì ông Thiệu nói lúc ấy ít người chịu tin bởi vì chưa sống trong chăn làm sao biết chăn có rận.
- Phải rồi, chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ hả cụ, bây giờ có khóc chảy máu mắt muốn trở lại như trước cũng đã muộn rồi !

Mỗi ngày tôi quanh quẩn theo con đường nhìn mọi thứ thay đổi, chẳng riêng gì tôi đâu! Các anh chị em khác bỗng dưng bị cho đi cải tạo mất tăm, thay thế chỗ là những cái tên lạ hoắc lạ huơ, Đồng khởi, Minh Khai, Nam kỳ khởi nghĩa, Lý tự Trọng v.v và v.v. Hú hồn cho tôi và mấy ông bà bạn đồng hành, Nguyễn trung Trực, Thủ Khoa Huân, cô Công Chúa Huyền Trân và Hai bà Trưng vẫn còn được tạm trú tại con đường mang tên mình, bởi tôi già lão chẳng lê chân đi xa nổi nên chỉ biết loanh quanh gần bên, tôi chắc cũng rất nhiều ông bà khác bị cho đi cải tạo mút mùa mất tên mà tôi không biết thôi.

Chẳng biết khi bị thay tên đường các ông bà ấy ra sao chứ người còn sống như chúng tôi cũng chẳng yên thân. Lề đường đang mơn mởn cỏ xanh bỗng bị bới lên hết, lề trái, lề phải đường lớn, đường nhỏ đều bị đào xới nham nhở để trồng khoai, trồng rau. Mấy người dân sống ở phố từ khi cha sanh mẹ đẻ có mấy ai biết cầm cuốc trồng trọt bao giờ, vậy mà phải hăng hái lao động gia tăng cuốc xới, chả bao giờ tôi thấy họ thu hoạch được cọng rau củ khoai từ lề đường bởi họ đào lên theo chỉ tiêu, hô hào rồi bỏ đấy, rốt cuộc lề đường nhão nhoẹt đất sình, cỏ dại nham nhở tiêu điều.

Một bữa dẻo chân tôi đi từ đầu đến cuối con đường, lan man vòng qua chỗ mấy ông bà bạn, ôi chao lố nhố các quán cà phê “cốc” đầy nhóc, ai ai cũng nhào ra buôn bán, chợ trời lề đường tự phát như rươi, mặc cho chính quyền mới ra rả chửi rủa họ là bọn lười lao động, ăn bám. Nhưng có cầu mới có cung, rảo một vòng chợ tôi thấy người mua toàn là cán bộ, bộ đội, họ mua tất tần tật thượng vàng hạ cám, nhỏ như cây kim sợi chỉ đến những thứ cồng kềnh như Ti vi, tủ lạnh để mang về Bắc.

Trưa nắng tôi ngồi dựa lưng dưới gốc me ngã tư nhà mình bóp chân, nhìn qua bên kia thấy năm sáu người đứng nhìn chiếc xich lô đang chổng yên sau lên trời. Tò mò tôi lết thân già sang xem sự thể. Một phụ nữ đang ngồi trên xe bỗng tuột xuống sàn xe, anh phu xe cố nắm tay kéo cô gái ngồi lên, một bên kéo một bên trì lại, giọng cô gái run rẩy thều thào :

- Đừng …. Đừng !

Cô gái khóc không ra tiếng giọng rên rỉ, ấm ức trong cổ họng không thoát ra bởi những cái nấc nghẹn vì run sợ, mặt cô tái xanh, toàn thân vặn vẹo, vóc mình gầy guộc xanh xao cố tụt xuống sàn xe làm chiếc xe đạp gác ngang chạm một bánh trên đất. Nhìn kỹ tôi thấy bàn tay mặt cô gái bị còng vào khung xích lô.

- Tao bảo mày ngồi lên nghe không ?
- Không, … không !

Cô gái nức nở từ chối :

- Tao bảo mày ngồi lên …. Đồ đĩ.

Bấy giờ tôi mới nhìn rõ người quát tháo. Hắn ta mặc một cái quần xanh cứt ngựa cũ, chân mang dép nhựa, loại những người lái bắt heo trước bảy lăm hay mang, chiếc áo sơ mi màu cháo lòng phủ ngoài, không biết vô tình hay cố ý lại vén bên thắt lưng cho thấy cán khẩu súng lục giắt bên hông, hông bên kia đeo chiếc xà cột chứng tỏ mình là tay cán bộ đang đi công tác. Dáng dấp điển hình là một nông phu ăn no vác nặng qua khuôn mặt rỗ hoa, môi thâm cộng thêm một con mắt lé khiến người ta thấy ghê hơn là sợ, người hiếu kỳ chỉ biết bó tay nhìn cô gái khóc lóc không ai dám mở lời hỏi vì sao và cô ta bị bắt về tội gì. Ngồi trên chiếc xe đạp áp giải đi bên cạnh chiếc xích lô hắn nghênh mặt trâng tráo nhìn quanh mọi người, thị uy quyền lực của mình như đe dọa :” khôn hồn thì im lặng để cán bộ làm việc” .

Chiếc xích lô xa dần, sống già lão như tôi chỉ nhìn là biết ngay cô gái không thuộc loại bán phấn buôn hương như tên cán bộ áp giải chửi cô, tuy xanh xao gầy guộc giống như thiếu đói nhưng khuôn mặt với đường nét thanh tao cố hữu cho thấy cô một thời đã là một cô gái xinh đẹp. Lòng tôi cứ ray rức không biết cô phạm tội gì, họ mang cô đi đâu và chuyện gì sẽ xảy đến sau đó ?.

Ngày tháng lừng lững trôi, chậm chạp qua từng nhà tôi mới biết hầu hết những ngôi biệt thự trên đường đều thay ngôi, đổi chủ. Những người chủ mới toàn là cán bộ của nhà nước, họ chia nhau trú ngụ ; nhà nhỏ thì vài gia đình, nhà lớn nhiều phòng làm khu tập thể dành cho cán bộ, công nhân viên của cơ quan. Những biệt thự lớn hơn thì đặt làm cơ quan, hồi này tôi nghe nhiều từ rất lạ tai, bất cứ điều gì dính tới chuyện nhà nước cũng đều dùng hai chữ cơ quan là “xong tất” (*).

Mang tâm trạng hoài cổ tôi hay trụ lại lề đường bên hông Dinh Độc Lập bởi chỉ có nơi này là hoàn toàn chưa bị cài xới, nhưng tôi không chắc chắn khu đất bên trong dinh có còn nguyên vẹn hay không bởi nơi đó không thuộc phạm vi của tôi. Hôm nào buồn buồn muốn có trận cười vỡ bụng là tôi lại ra đây.

Dinh Độc Lập bốn phía đều có các cổng phụ bên cạnh cổng chính nằm ở đường Thống Nhất. Riêng đường Nguyễn Du tôi lại có hai cổng, một cổng gần đường Công Lý đối mặt bên hông Tòa Thượng Thẩm Saigon, cổng kia nằm gần đường Huyền Trân Công Chúa. Sau “giải phóng” người CS xem Dinh Độc Lập là chiến lợi phẩm làm nơi “tham quan”  của cán bộ, chiến sĩ có công to với cách mạng. Hàng đoàn khách liên tục nối đuôi giống như đi thăm Lăng ngoài Bắc, nhưng ở đây lại là đi xem nơi “gia đình Thiệu” ở.

Đỗ xịch chiếc xe buýt Sao vàng bên hông tòa án, đoàn bộ đội, cán bộ binh phục chỉnh tề tiến qua cổng sắt sau khi trình đầy đủ giấy tờ cho   lính bảo vệ ở cổng, bước đi được vài bước nhìn về phía bên tay phải hầu như tất cả các đoàn “tham quan” nào cũng đều dừng lại trầm trồ, kinh ngạc nhìn và xuýt xoa :

- Cây gì mà “nạ nạ nại có nông ?” ( Cây gì mà lạ lạ lại có lông ? )

Mỗi lần nghe điệp khúc này nhắc đi nhắc lại lão già tôi lại cười sặc sụa muốn tắt hơi. Mà có gì lạ lùng đâu, cây này mọc cũng khá lâu nhưng chưa phải là cổ thụ, cũng là những cành cây vươn tỏa trên có tán lá bình thường che mát, có lẽ mọc nhằm nơi khá ẩm ướt nên rêu xanh bao bọc chung quanh các cành và thân cây thành một màu xanh mướt. Bên trên đám rêu này lại có những chiếc lá có thể là dương xỉ mọc riêng lẻ từng lá hình giống như lưỡi mác ngắn tua tủa khắp cành, trông giống như cành cây mọc đầy lông. Khi tôi kể chuyện này cho các bạn nghe có nhiếu người không tin cho rằng tôi bịa đặt vì chẳng lẽ những “anh hùng giải phóng quân” là người đã từng vượt rừng già Trường sơn lại chưa hề thấy những cái cây bám đầy dương xỉ quanh thân lần nào ? Nhưng một ông già đầu bạc như tôi lại thèm đi nói láo chuyện cỏn con bêu xấu hình tượng để bị khép vào tội phản động hay sao ?

Đi tới đi lui chứng kiến nhiều gia đình sống trên đường đa số là Pháp kiều, Ấn kiều và người Việt mang quốc tịch ngoại quốc “bỏ của chạy lấy người” . Cuộc chia ly nào cũng đầy nước mắt nhưng chỉ riêng cho những người ra đi thôi ; người ở lại tận đẩu tận đâu thì vui mừng hăm hở dọn đồ đạc đến bởi được nhà nước cấp phép tiếp quản nhà vắng chủ !. Hồi này nghe báo đài hay ra rả nói về những tệ nạn, đĩ điếm xì ke ma túy của chế độ cũ để lại nên nhà nước ra sức tảo thanh làm sạch đẹp, mang những tệ nạn đi về những vùng sâu, vùng xa đèo heo hút gió để cải tạo lại. Những ai không làm việc cho nhà nước, xí nghiệp quốc doanh đều là thành phần phi sản xuất được “động viên” đi kinh tế mới. Chẳng biết quốc sách này thành công hay không nhưng chỉ mới năm sáu năm thôi người ta kéo nhau về sống ở lề đường thành phố đầy đặc, bắt hết đám này, tốp khác lại mò về. Nửa đêm công an khu phố mang mấy chiếc xe tải chận hai đầu đường hốt sạch những người ngũ dưới hàng hiên ngoài đường mang đi đâu không ai rõ, nhưng chỉ dăm bữa nửa tháng cảnh tượng vẫn y như cũ. Tôi hỏi một gia đình quen mặt gồm hai vợ chồng, ba đứa con lít nhít sao không ở lại kinh tế mới tăng gia sản xuất, người chồng ngửa mặt lên trời cười khan :

- Cụ ơi, nhờ ơn cách mạng bây giờ vợ chồng con cái tôi được mặc áo da ! Cụ nghĩ xem trên đó phá rừng đốn củi mang ra bán cho người qua lại kiếm chút ít đổi gạo chờ cho khoai sắn mọc lên nhưng du kích địa phương đâu có cho người ta mang bất cứ thứ gì ra khỏi xã, chúng tôi lấy gì mà sống !?. Cạp đất mà ăn à ?.

Trong khi tôi trố mắt ngạc nhiên anh ta xoay lưng lại, cái áo rách te tua lộ hết khoảng da lưng giờ tôi mới để ý, ngoài chiếc áo anh ta cùng bầy con mỗi người độc chiếc quần đùi dính da. Chị vợ may mắn có bộ quần áo lành lặn hơn nhưng cũng bạc phếch màu.

Thở dài quay lưng tôi nhớ đến cụ Tiên điền đã mở đầu trong tác phẩm nổi danh của mình mấy câu thơ như là một định mệnh : “Trăm năm trong cõi người ta. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng !....”. Ban ngày đã vậy, ban đêm lại càng nao lòng, chỉ tội cho đôi mắt kèm nhèm và đầu óc mụ mẫm khiến tôi chả hiểu gì khi thấy con nhỏ đứng gốc cây trên đường Huyền Trân Công Chúa vẫy những anh chàng đạp xe ngang qua kêu réo :

- Anh hai ơi, “xào khô” không anh ?

Tôi đem mấy chữ hỏi lại các cô gái họ cười ré lên :

-  Ông ngoại ơi, tụi con đứng ở đây chỉ “xào khô” được thôi, còn “xào ướt” phải về nhà, nhà đâu có mà về, thôi “xào khô” sống đỡ qua ngày.

Chúng càng giải thích tôi càng mù tịt ! Nhưng thôi mỗi tối con đường tuy tối tăm nhưng rộn rịp như ngày hội cũng thấy vui. Vòng chung quanh các khu vực công viên lại càng đông đúc người qua, kẻ lại. Cho đến hôm lão già tôi tình cờ theo ông cán bộ tổ trưởng khu phố đi họp về trật tự trị an, dù gì con đường cũng là của tôi. Nghe báo cáo tình hình tôi mới não nề. Chẳng qua là mọi người trong phiên họp toàn là đồng chí với nhau, họ không thấy được tôi nên sổ toẹt hết. Một ông cán bộ than vãn :

- Đêm tôi đi bách bộ thấy lùm bụi công viên trai gái từng cặp xà nẹo nhau, tệ nạn mãi dâm phát sinh từ đây.

Một bà trước là biệt động thành giờ về hưu “bức xúc” cất giọng :

- Tui đêm nào cũng ra ngồi ngoài lùm bụi rình bắt mấy đứa làm gái, chịu kiến cắn, muỗi cắn thấy bà, bắt được mấy đứa đưa lên trại cải tạo Phú Văn, bây giờ tụi nó biết mặt tui, trông thấy tui là tụi nó bỏ đi qua bên kia đường không thuộc khu vực mình quản lý, hỏng lẽ đêm nào tui cũng ngồi cả đêm chờ ! Có đứa đi ngang nói trỏng” Bà già ! ngồi cả đêm coi chừng sương xuống bà trúng gió không thành liệt sĩ mà thành liệt địa bi giờ “.

Ông khác chắc là thủ trưởng ngậm ngùi :

- Tôi đau nhất là các đồng chí mình bị ngã bởi “những viên đạn bọc đường !”. Những kẻ mua dâm không phải chỉ riêng bọn thanh niên mà các cán bộ mình không ít trong đó, cả những người nhiều tuổi và là đảng viên. Có lần tôi bắt trúng một đồng chí già đáng tuổi ông con bé bán dâm.Tôi dọa thông báo về cơ quan thì ông ta quỳ xuống lạy tôi như tế sao nói tôi nể tình đồng chí tha cho bởi cơ quan biết thì vợ ông ta cũng biết rồi còn con cái nữa, à. !

Chưa hết cuộc họp tôi bỏ đi ra, tôi sợ nếu ở lại sẽ không ngăn được câu hỏi “Các ông luôn rêu rao những tệ nạn là sản phẩm, di chứng của xã hội tư bản cũ để lại. Thế còn các đồng chí của ông ? con cái của các ông được học tập, đào tạo trong môi trường của chế độ cộng sản ưu việt hơn hai chục năm ngoài Bắc đâu dính líu hay biết gì về chế độ Mỹ Ngụy để lại, vì sao họ lại thế, lại có phần hơn quá nữa chứ !”  

Lão già tôi nói thế chẳng phải là “cường điệu” đâu, những gì lão nói đều có chứng cớ hẳn hoi kia. Tuần trước cả khu nhà tập thể bọn con nít rùng rùng kéo nhau theo tò tò con nhỏ bán dâm được thằng con lão Chủng bảo vệ cơ quan dẫn về nhà hú hí. Chẳng may con vợ về bắt quả tang mà thằng này mới ra Bắc cưới vợ chưa già nửa năm chứ mấy. Con bé bán dâm lùn xủn nhỏ xíu mặt mày xanh lét lủi thủi xuống cầu thang, lưng quần cuốn bên cao bên thấp. Mụ cán bộ hưu trí ngồi bán cà phê đầu cổng chặn lại hất hàm hỏi :

- Này, mày bao nhiêu tuổi mà làm nghề này ?

Con bé lí nhí van xin :

- Con mười sáu tuổi, tại má con bịnh không tiền mua thuốc à..
- Mà tao hỏi nó đã “chơi” mày chưa ? Nó trả mày bao nhiêu ?

Mụ lập lại câu hỏi hai ba lần, con bé vẫn lặng thinh và bỏ đi một mạch. Mấy đứa bé trong khu tập thể hớt lẻo :

- Vợ anh Chúng về thấy nhà đóng cửa, gọi mãi không thấy anh ấy ra, sau cùng chị ấy vào được bắt gặp con này trốn phía sau cánh cửa.

Đám con nít long nhong trong khu sau giờ đi học, ngày tối chõ mũi vào từng nhà nên không chuyện gì không biết, chúng kháo nhau cái nhà ông Cư đảng viên chuyên đánh vợ, mỗi lần đánh là lột trần truồng bà vợ, Chuyện các hộ của nhà tập thể nuôi heo đêm đêm lén vứt phân heo từng bọc lớn xuống làm nghẹt hầm rác, Cái chung cư trước kia lịch sự, đẹp đẽ giờ trở thành gian nhà xuống cấp thảm hại, tường đầy mồ hóng của bếp củi, cầu thang máy hư từ đời tám hoánh, thang bộ bê bết bùn đất nhớp nháp bởi cha chung không ai khóc. Đấy cũng là kết quả điển hình tiên tiến của chế độ làm chủ tập thể mà cách mạng mang đến cho dân Saigon. Cần gì đến trăm năm mới xảy ra chuyện bể dâu ! Càng nghĩ càng nhớ thời xưa của Saigon Hòn ngọc viễn đông ! Giờ chỉ còn là cảnh “Xập xè én liệng lầu không, Cỏ lau mặt đất rêu phong dấu giày. Cuối tường gai góc mọc đầy, Đi về là những lối này năm xưa !”

oOo

Tiếng khoan đục nện ầm ầm làm tôi giật mình, thức giấc mới biết đang nằm dưới mái hiên một ngôi nhà cạnh công trường xây dựng. Ngồi bần thần nhớ lại hôm nọ trông thấy một ông già da mặt nhăn nheo râu tóc xồm xoàm trắng toát, ngược lại đôi mắt vẫn sáng quắc nét tinh anh, trên vai mang mấy thứ giống như gươm giáo tự chế, bao bị lủng lẳng lại đứng giữa đường hò hét điều khiển xe cộ. Đám con nít bên lề vỗ tay la : “Ông già điên bán chuối chiên...” Một người lớn đứng gần tôi lẩm bẩm : “Sao trông ổng giống nhà thơ Bùi Giáng quá !” Ông học giả Bùi Giáng thì tôi có nghe danh nhưng chưa hề gặp mặt, nhưng mặc kệ có phải là ông ta hay không, cùng là bạn già với nhau tôi phải ra kéo ông ta vào đã, đứng giữa đường như thế xe tông không gãy chân cũng mẻ đầu. Vừa bước xuống lề đường bỗng tôi bị một chiếc xe trờ tới đâm thẳng vào, mặt mày xây xẩm tôi ngã nhào xuống và không biết gì nữa.

Vậy là tôi đã ngất đi không biết là bao lâu nhưng nhìn quanh quất thấy quang cảnh lạ quá. Nhà cao tầng trông còn rất mới mẻ vượt lên cao trên những con đường trước mặt và phía sau nhà thờ Đức bà. Một thằng bé trên tay cầm xấp vé đi ngang thấy tôi nó chìa ra mời mọc :

- Ông cố ngoại mua giùm con ít tấm vé số chiều xổ đi.

Nhìn tháng ngày ghi trên tờ vé tôi hoảng kinh nghĩ : “Trời mình ngất đi lâu dữ vậy sao ?” Hèn gì mọi thứ đều đổi thay một trăm tám mươi độ. Người ta ở đâu nhiều quá, đường phố đông đúc không thể ngờ. Xe cộ chạy như mắc cửi, tôi lại đi lòng vòng, thơ thẩn nhìn ngắm phố xá, người nước ngoài mũi cao da trắng mắt xanh, cả những anh chàng da đen mốc răng trắng ởn đi lại khá nhiều. Họ khoan thai cầm máy ảnh chụp cảnh vật có vẻ là những khách du lịch. Băng qua đường đến những gian hàng bán postcard thấy cô gái bán hàng trẻ măng líu lo tiếng ngoại quốc với khách hàng tôi mới biết mình đã trở thành lạc hậu trước thời cuộc. Qua cô gái tôi mới biết Saigon sau khi vượt qua được thời ăn độn nhờ tiền và quà của những thân nhân bè bạn ở nước ngoài, được người cầm quyền “đổi mới tư duy” nên chẳng mấy chốc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên nền kinh tế thị trường theo xã hội chủ nghĩa ?”

- Vậy thời bây giờ là thời đại gì vậy cháu ?
- Ủa, ông ngoai không biết hả, thời bây giờ là thời a còng.

“Thời này là thời a còng”  Thảo nào đường của tôi mà tôi nhìn mãi chẳng ra, cũng may là các bảng hiệu có đề tên đường giúp tôi nhận ra tôi.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mấy căn biệt thự hồi trước cấp cho cán bộ biến mất tăm, cả mấy cái công sở cũng vậy, thay vào là những tòa cao ốc khang trang lịch sự, dãy nhà tập thể cũng đổi chủ, thay ngôi. Người cư ngụ bây giờ là người ngoại quốc mang tiền sang đầu tư, xây dựng nơi mình cư ngụ theo cung cách văn minh. Những người một thời bị săn đuổi trên các bãi vượt biên, bị chụp mũ phản động giờ ôm dollar trở về được ưu ái hoan nghênh hết mức. Các ông bà cán bộ những người đang làm chủ tập thể bỗng nhiên được giá hời khi sang nhượng căn hộ, của trên trời rơi xuống dại gì bỏ qua cơ hội, thế là ai cũng giành nhau ôm một đống vàng rời đi nơi khác trả lại chỗ trước kia cho bọn tư bản chúng sống và tha hồ xây cất nhà cao cửa rộng. Nhưng cốt lõi sự thật hoàn cảnh đất nước Việt Nam bây giờ đa số người giàu có thuộc về giới “tư bản đỏ” , là những kẻ có chức, có quyền làm giàu là do tham nhũng, lạm dụng quyền hành, đầu cơ tích trữ, mua đi bán lại đất đai, khai phá rừng đất vô tội vạ. Dĩ nhiên sự giàu có này tỷ lệ nghịch với đời sống người dân. Họ kiêu căng, hợm hĩnh khoe khoang tiền của, hoang dâm vô độ, ăn chơi tiêu tiền xả láng như giấy vụn bởi chừng nào còn quyền lực là tiền còn vào như thác đô?. Cụ Tiên điền chết đã hơn hai trăm năm sao tác phẩm cụ để lại giống như lời sấm mô tả xã hội hiện tại :”

Người nách thước kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi …
Một ngày là thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
...
… Có ba trăm lạng việc này mới xong.

Chỉ có một điều, hồi trước khi chiếm miền Nam những người Cộng sản chửi bới, sự giàu có của miền Nam là phồn vinh giả tạo, chạy theo Mỹ để ăn bơ thừa sữa cặn, bây giờ phồn vinh hiện tại chẳng biết là thật hay là giả tạo, lão già tôi không phải là người làm việc cho nhà nước nên không hiểu thấu và lạm bàn ! Thôi thì để thời gian trả lời vậy. Ngày trước tôi có nghe người ta hay nói “Cái gì của César phải trả lại cho César” . Chuyện đời hiện tại bãi bể hóa nương dâu, nương dâu thành bãi bể đâu cần phải đợi đến trăm năm.

Cỏ Biển
Mùa thu 2011



(*) xong tất = xong hết

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011