SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 

Gió Nóng

Nguyên Nhi

Mặt trời tháng bảy nổi lửa trên dãy trúc đào. Bờ lau trắng khô khốc. Phố nóng. Phố bụi. Bây giờ, tôi biết, những thứ ấy đối với anh ta chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Anh ta uể oải, lừ đừ, nhưng trái với thói xấu thường ngày, không hề than vãn gì về thời tiết.

Chúng tôi bước thật chậm, không định hướng, trong tiếng ve ồn ào. Bầy vịt bơi lười nhác dưới hồ cạn. Ðám trẻ con mất dạy đã ồ chạy mất ngay lúc nghe được nhạc hiệu dị đời của chiếc xe bán kem. Nhìn xa, từ mặt trái công viên, góc phố vừa thô thiển, vừa hời hợt. Cái vẻ nhếch nhác đó dường như đùa cợt, thậm chí phỉ nhổ, vào những tình cảm anh ta dành cho thành phố này.

"Không thể hoãn lại ngày về được sao?" Tôi bứt rứt.
"Không, đã lấy vé cho chuyến bay sớm." Anh ta làu nhàu. "Mọi sự sẽ kết thúc thật đơn giản. Ðừng làm rắc rối thêm!"
"Rốt cuộc thì cái đời sống chết tiệt này rồi cũng đào luyện ra được một con người ngớ ngẩn. Nhưng đáng yêu. Là anh."

Thì ra, trong suốt mối quan hệ ngắn ngủi của chúng tôi, tôi chưa giận dỗi anh ta được một lần. Anh ta lại nhếch mép. Cặp môi khô khá dày, kết hợp với những góc cạnh sắc nét trên gương mặt làm anh ta có một vẻ gì đó thật khó diễn tả. Tham lam. Tàn bạo. Và quyến rũ.

Chúng tôi băng qua quảng trường, thả bộ dọc theo con đường có những cơ sở thương mại nhỏ. Chính ở góc bãi cỏ vườn trẻ kia, chỗ anh ta đăng đàn phát biểu trong một buổi mít tinh, là nơi đầu tiên chúng tôi gặp gỡ. Hôm ấy tôi phụ trách lấy tin cho một đài truyền hình địa phương. Thật khó lòng cho tôi nếu hôm ấy anh ta không giúp phần chuyển ngữ. Ngôn ngữ dân tộc anh ta, cho đến giờ này, sau mấy năm theo ngành đông phương học, đối với tôi, vẫn còn là một thế giới bí hiểm.

"Anh hút thuốc lại?"
"Bây giờ điều này vẫn còn một ý nghĩa gì đó sao? Cái kết thúc đang lừ lừ trước mắt. Chắc chắn. Không thể nhanh hơn hay chậm hơn một chút vì cái của quỉ này đâu."

Thành phố đợi mưa đã nhiều tuần. Những chuyến gió xoáy hâm hấp đẩy nhiệt độ lên hàng ba con số. Cái nóng hè, cái lạnh đông ở vùng này lúc nào cũng ở mức quá độ. Vậy mà anh ta bảo anh ta yêu thành phố này. Có lẽ chỉ vì anh ta đã quen thuộc với nó. Vậy ra tình yêu ở anh ta chỉ là kết quả của những thói quen? Nhưng hình như mối tình nồng thắm nào của anh ta cũng nhuốm màu bi thảm, tuyệt vọng. Như thứ tình yêu anh ta dành cho quê hương mình.

Bên kia đường, đối diện với vườn trẻ, là một ngôi chợ Á đông nhỏ với bãi đậu xe hẹp té, nơi thỉnh thoảng tôi theo anh ta vào mua một ít thức ăn. Ngôi chợ với những thức mùi lạ lẫm mà sau mọi cố gắng cực kỳ tôi không thể nào làm quen được. Ðôi khi anh ta muốn nấu một thứ gì đó ở phòng trọ của anh ta để đãi tôi. Anh ta gọi đó là thức ăn truyền thống, để rồi sau khi ngồi vào bàn, nếm nếm một chút, anh ta cười xòa: "Nấu ăn thì quá dễ. Khó là làm sao ăn được cái mình nấu ra." Có lẽ vì vậy mà anh ta hay ném vung vãi, thành rác, những giấy má chi chít chữ, công lao của anh ta sau những đêm trắng mắt? Hàng cây trước chợ vẫn còn xanh ẻo nhưng chẳng bao lâu nữa đâu, những tán lá sẽ sẫm màu, sẽ chín nẫu. Rồi tan tác. Rồi rục rã. Như anh ta. Tôi hoảng hốt.
Anh ta dắt tôi vào hàng hiên một hiệu bánh và gọi hai cốc kem.

"Anh không thể hoãn lại chuyến bay thật à? Vẫn còn thời giờ để chúng ta… làm một cái gì đó."
"Không, không. Anh không muốn nằm trong đó".

Tôi nhìn theo hướng ngón tay anh ta. Tôi biết rõ khu này lắm. Cách đây một ngã tư đường, sau lưng dãy phố kia, bên kia những hàng thông thấp ngọn, là ngôi nhà quàn với một nhà nguyện nhỏ. Khu phố, đặc biệt cuối tuần, thật im vắng. Người ta trốn nóng ở đâu đó, đôi ngày. Ngôi nhà thờ cổ cuối dốc nằm ngủ thiêm thiếp. Ngày mai, tôi sẽ gục đầu trong đó, trong tiếng kinh cầu thống thiết, khi anh ta đã lơ lửng giữa ngàn mây. Tôi biết tôi sẽ không dễ quên anh ta. Như quên những người tình đã cũ. Vậy đó, mặc dù xưa nay tôi chẳng có gì để tự hào về cái gọi là lòng chung thủy. Ở anh ta, tôi mơ hồ nhận ra được những cái thực từ mộng, sự kiêu sa của những điều bình dị, sự giầu có từ những mất mát, vinh quang của những chiến bại.

"Anh đã quyết chắc là ngày mai, lúc anh hãy còn đủ sức cho một chuyến bay dài." Anh ta ngao ngán.
"Sự thực là không còn cách nào cứu vãn được sao?"
"Chẳng lẽ còn có một sức mạnh nào đó vượt trội trên Thượng đế?"

Anh ta ngồi đó, thanh thản đốt thuốc. Ðôi mắt anh ta thật xa vắng. Mà có lúc nào chúng lại không lơ đãng. Khuôn mặt anh ta còn khá đầy. Nó chỉ hơi xanh xao, như những ngày anh ta vừa mới nhập cư. Cả con người này đang toát ra một vẻ an nhiên, buồn bã. Cái an nhiên người ta chỉ có thể có được sau những cơn tuyệt vọng tột cùng. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng phần xương thịt hữu hình kia rồi sẽ teo tóp đớn đau, rồi sẽ lụn tàn thối rữa. Tôi tuyệt vọng não nề khi nghĩ rằng mình sẽ không còn giữ được bất cứ thứ gì của anh ta. Những hình ảnh mong manh về một thời gian gần gũi với anh ta rồi cũng sẽ phai mờ, mất hút. Anh ta sẽ bốc hơi trong đời sống. Khuôn mặt anh ta nhòe đi trong mắt tôi.

"Anh vẫn bảo anh không thể về nếu ở đó chưa có gì thay đổi mà?"
"Rồi nó cũng sẽ phải thay đổi thôi. Nhưng điều đó bây giờ đối với anh thì có ý nghĩa gì?"

Vậy là anh ta lại giật đi cọng rơm cuối cùng của tôi trong cơn chết đuối. Ở người đàn ông này tôi thấy nồng nàn lắm khi nhưng cũng tàn nhẫn nhiều lần. Trước mắt chúng tôi là một vạt cỏ đen nham nhở. Trời ơi, người ta chưa thể ngăn chận được sự sinh sản vô tội vạ của những tế bào khốn kiếp ấy như chận đứng sự tràn lan của một đám cỏ cháy. Làm sao những tế bào chết chóc kia có thể trở lành, và phục sinh, như đám cỏ non sau một trận mưa rào?

"Anh muốn về lúc anh còn có thể. Anh muốn lại chạy theo bờ đất có hàng cây thấp mùa này đã đỏ rộ hoa. Chung quanh anh tràn ngập tiếng ve ran dưới những tầng lá nhỏ. Anh sẽ nằm lại ở đó. Nơi ngày xưa có cậu bé con chuyền cành ném cho cô bạn kẹp tóc trái ổi chua. Nơi có cậu bé con lội bùn ọp ẹp đuổi theo bầy cá lia thia đồng sặc sỡ. Tiếng ve ở đây khác. Tiếng dế nơi đây cũng khác. Anh muốn nằm cạnh mẹ anh như hồi xưa. Nhiều đêm, trong giấc mơ, anh nghe có tiếng ru ời. Ở đây không có tiếng ru…"
"Anh đã đi suốt con đường. Tất cả sau lưng đều đổi thay đến độ chẳng còn gì. Vậy mà anh cứ để cho những ký ức vụn vặt như vậy ám toán cuộc đời mình."
"Chỉ mới đây thôi. Ở cuối con đường là sự trở lại."

Tôi nghe thân thể nhức nhối trong từng câu nói của anh ta. Gió thốc hơi nóng từ lòng đường mà tôi thì lại muốn chiều theo lời yêu cầu kỳ cục của anh ta: Lang thang một lần ở cái góc nhỏ nhoi của thành phố buồn hiu này. Một lần thôi. Một lần cuối. Ðể xa.

Anh ta lại muốn chở tôi đi một vòng lớn, qua những nơi anh ta đã ngụ qua. Ở một ngã tư vắng, anh ta dừng lại và lẩm bẩm: "Hình như mình cũng đã có một gia đình." Rồi anh ta đưa vào một hiệu ăn Tàu quen thuộc. Ở đó tôi gọi lấy có những thức ăn quen. Ở đó anh ta chỉ mở miệng sau khi gọi hai cốc rượu mạnh.

"Ừ, bây giờ mọi sự chẳng còn có ý nghĩa gì nữa". Anh ta nâng chiếc ly ngang mày rồi nháy mắt với tôi. "Bây giờ bên ấy là mùa mưa. Những cơn mưa có khi dai dẳng, có khi bất chợt, làm dịu lại đất trời. Mùa hè bên ấy không như mùa hè ở đây. Cái nóng bên ấy ẩm. Cái nóng ở đây khô khốc, tàn bạo. Ở đây cái nóng giết cây cỏ. Và con người. Anh đã thấy mùa hè của anh".
"Cầu Chúa ban phúc cho anh và mùa hè." Tôi cụng ly với anh ta.

Ðêm hè ngắn lại từ hôm nào tôi không để ý nhưng dường như ngắn nhất đêm này. Tôi nhỏ nước mắt, nước mũi trên cánh tay anh ta. Hơi thở anh ta ngắn, đôi khi đứt quãng, nhưng không có gì thêm để chứng tỏ anh ta đang chịu đựng sự trừng phạt của thói quen. Ðêm này sẽ thật ngắn. Mặt trời vừa tắt sau những song cửa sổ đã lấp ló một sớm mai rực bỏng.

"Em không có được bất cứ thứ gì của anh. Ðể nhớ." Tôi vuốt mắt anh ta.
"Sẽ gửi em một bức thư. Ðể nhớ." Anh ta lầm thầm.
"Mấy giờ em đưa anh ra sân bay?"
"Không, hãy ngủ yên. Anh sẽ khóa trái cửa."

Hình như tôi có chợp mắt được một thoáng. Cũng hình như tôi chưa ngủ được chút nào. Tôi bồng bềnh trong một trạng thái chân không. Tôi lửng lơ trong những sự thực như là ác mộng. Và lãng đãng trong những giấc mơ rất thực tế phũ phàng. Tôi không phân biệt được sự thiếu vắng ngoài đời thực và sự mất mát trong những giấc mơ đứt quãng. Ở cả hai thế giới thực và mơ ấy tôi điên cuồng vùng vẫy. Tuyệt vọng và cô đơn. Gió nóng. Tôi ràn rụa mồ hôi và nước mắt. Rồi cơn gío ấy, hơi thở ấm nồng của anh ta trên tóc tôi vụt biến. Tôi mở mắt trong bóng đêm tôi nghe tiếng nước chảy nhẹ, tiếng áo quần sột soạt, rồi tiếng bước chân anh ta dừng lại bên đầu giường. Tôi biết anh ta cố giữ ý tứ như thế chứ anh ta thừa biết tôi không hề ngủ được. Rồi anh ta đặt môi lên trán tôi. Ðôi môi anh ta ẩm ướt. Hơi thở anh ta gấp và ấm. Gió nóng. Rồi những bước chân xa nhẹ nhàng. Những bước chân ngượng nghịu của một chú mèo ăn vụng bị bắt quả tang. Phải, anh ta vừa đánh cắp một thứ gì đó, nho nhỏ thôi, của đời tôi. Tôi nghe tiếng chốt khóa trái, tiếng khép cửa rón rén.

Tôi nằm bất động, tê liệt mọi phản ứng, rồi bất chợt, tôi, như một con điên, hổn hển, vùng bật dậy, hốt hoảng bật tất cả mọi ánh đèn. Trống không. Hoàn toàn không có gì. Không còn gì của người đàn ông ấy.

Gió nóng. Người đàn ông ấy đã bốc hơi. Anh ta trở về với mùa hè. Anh ta phải trở về nơi anh ta đã ra đi. Một nơi chốn mà tôi không hề có một ý niệm gì. Chỉ nghe anh ta nói đó là một ngôi làng nhỏ cạnh bờ sông. Ở đó anh ta sẽ nằm lại với tiếng ve sầu của anh ta, mùa hè của anh ta. Ngủ ngon, mèo ngoan.

Sau này tôi nhận được lá thư cuối cùng của anh ta, như anh ta đã hứa. Lá thư ấy chỉ vỏn vẹn tên một địa danh mà tôi thề sẽ không bao giờ đến viếng. Bên cạnh cái địa danh ấy là tháng ngày tang tóc mà một người thân nào đó, có chứng kiến giờ phút cuối cùng của anh ta, đã điền vào trước khi gửi cho tôi. Phong thư còn đơn giản hơn một tấm mộ chí. Tôi chỉ có thể có được của anh ta chừng ấy thôi. Ðể nhớ.

Nguyên Nhi
7.2001

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011