SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 


Description: NguyenVanSanh-PhepNhiemMau
• NXVan

Chiều hôm đó vào lúc 6 giờ, vị bác sĩ tập sự trẻ tuổi mời vợ chồng tôi vào phòng khám bệnh nói chuyện lần chót. Họ quyết định mổ vào sáng hôm sau. Vợ tôi bị chứng bệnh sạn túi mật, ăn không ngon, ngủ không yên đã ba tháng nay. Hơn một tuần lễ nằm dưỡng sức tại bệnh viện Mater này, các bác sĩ chỉ lo việc rút máu và nước tiểu để thử, họ không có vẻ gì muốn mổ bệnh nhân vào lúc này hết. Tôi cảm thấy thời gian kéo dài lê thê một cách không cần thiết trong khi chúng tôi còn phải chăm sóc cháu bé Vy chưa đầy sáu tháng ở nhà. Vị bác sĩ đưa tôi tờ cam kết để ký vào trước khi mổ, tôi đặt tay vào ký không chút ngần ngừ. Một cảm giác vừa thoải mái, vừa lo âu đến với chúng tôi, trong khi đó về phía bác sĩ, tôi phát hiện dưới ánh mắt như che dấu một nỗi nghi ngờ. Vị bác sĩ đưa vợ tôi về phòng nghỉ và không quên chúc chúng tôi một giấc ngủ ngon.
 
Đã qua một tuần lễ chán chường vì bệnh hoạn và sự chờ đợi vô vọng, chúng tôi chỉ muốn cơn bệnh phải được chấm dứt cho xong, nghĩa là cần mổ gấp. Nhìn những bệnh nhân mới tới, người Úc, cùng một chứng bệnh sạn túi mật, họ vào ngày hôm trước, hôm sau đã mổ xong, buổi chiều còn đi qua lại hành lang bệnh viện để ngóng mát ra vẻ chẳng có gì đáng ngại. Một bà Úc trung niên còn mang ra khoe với vợ chồng tôi một lọ đựng đầy sạn, viên nào viên nấy tròn như hòn bi nhỏ, đếm tổng cộng hơn ba mươi viên! Ngược lại, bà ta nói nó chẳng hành hạ bà ta một tí nào hết, chụp hình không phát hiện được, sở dĩ khám phá ra là nhờ một vết mổ khác gần đó. Vợ chồng tôi nghe mà phát ớn, tuy vậy cũng cảm thấy một chút an tâm vì nhìn thấy bà ta mạnh khỏe, không có dấu vết gì của sự đau đớn. Tôi an ủi vợ tôi “Không sao đâu em, bệnh này chắc cũng dễ, người ta chỉ nằm có một ngày là xong, em chóng lành bệnh mau về với con chớ ở nhà một mình với anh, nó khát sữa mẹ nó khóc dữ lắm… Hãy thưa với bác sĩ xin mổ gấp đi, ở nhà không có ai…” Chúng tôi quả thật là những người điếc không sợ súng. Tuy an ủi vợ như vậy nhưng trong lòng cũng cảm thấy bồn chồn không xiết.

Bác sĩ bệnh viện đưa vợ tôi vào phòng mổ lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau. Hôm ấy là sáng thứ sáu. Tôi phải ở nhà trông nom cháu bé, thật sự thì tôi cũng không được phép vào phòng mổ, mà có ở đó cũng chẳng làm gì. Tôi yên phận và tự an ủi mình là mọi sự sẽ qua đi, rồi sẽ tốt đẹp. Giây phút này thời giờ trôi qua một cách ray rứt, chắc nàng đang đau dữ lắm vì vết mổ ở bụng, có thể không biết gì cả vì thuốc tê mê, như thế lại càng tốt. Nhưng không hiểu sao con bé của tôi ở nhà tự nhiên nó không chịu ăn, cũng không chịu bú mà khóc vật vã ra cả tiếng đồng hồ chứa dứt. Tôi nghĩ hay là nó đau với cái đau của mẹ nó!

Buổi chiều lúc 4 giờ cùng ngày, tôi nôn nóng tới bệnh viện, hy vọng nàng sẽ nở một nụ cười với tôi trên giường bệnh. Chân tôi bước đi mà tim tôi cứ phập phồng lo sợ. Qua khỏi phòng hành chánh, tôi rẽ vào gian bên phải, nơi có nhiều bệnh nhân nằm chung, đa số người già. Tôi tìm kiếm khuôn mặt nàng, lúc ấy vàng vọt như nghệ, tóc tai rối bời mệt mỏi. Bên cạnh giường có treo lủng lẳng một bình đựng đầy máu đỏ, đang từng giọt nhỏ xuống theo nhịp tim. Tôi chẳng biết gì về y khoa, thấy vợ như vậy, lòng bỗng đau xót thương yêu vô tận. Tôi khẽ gọi:

- Em Loan, anh đây. Em có nhận ra anh không?

Nàng gật đầu không nói, có lẽ quá mệt mỏi sau cơn giải phẫu. Đôi tay nàng được buộc chặt vào một ống nylon nhỏ để chuyền máu và nước biển, nhưng quái lạ sao mặt nàng trắng dã như người mất máu vậy? 
Cũng may tôi chờ đợi không lâu, một cô y tá áo xanh vào đo áp huyết nàng, xem màu máu rỉ ra từ trong người chảy xuống một cái bịch cột thấp dưới chân giường, bất giác hốt hoảng vội chạy đi báo bác sĩ phụ trách. Tôi cảm thấy lo âu hỏi:

- Em có thấy đau không?
- Đau quá anh ơi! Nàng vừa nhắm mắt vừa khẽ rên với gương mặt đau đớn không kể xiết.

Thấy vậy tôi lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện Chúa Mẹ ban phước lành đến cho nàng. Trong đôi tay nàng vẫn còn giữ một tràng hạt nhỏ mang từ Việt Nam sang. Có lẽ nàng đã cầu nguyện nhiều hơn tôi.

Một vị bác sĩ khác hấp tấp bước vào với vẻ mặt đầy lo âu. Sau khi xem kỹ bình “urine” chảy ra toàn máu đỏ, ông chẩn mạch tim xong chợt nói với tôi “Tôi không hiểu sao lúc mổ cô ta bị ra máu quá nhiều đến không cầm được. Bây giờ máu vẫn tiếp tục chảy bên trong, chắc chắn phải giải phẫu lại lần thứ hai.”

Nghe nói giải phẫu lại lần thứ hai, tai tôi bỗng ù lên như người bị điếc, chân tôi đứng không vững nữa. Lúc này các cô y tá áo xanh, áo trắng vào khá đông, bu quanh giường vợ tôi. Vị bác sĩ kê miệng sát tai nàng nói nhỏ:

- Cô Loan, vết mổ cô vẫn còn rỉ máu, cô cần phải mổ lần nữa… cô biết không?

Nàng hết gật đầu nổi, lúc ấy không biết nàng mê hay tỉnh. Bác sĩ mời tôi ra ngoài để ông tiếp tục thi hành nhiệm vụ của mình. Cô nhân viên xã hội của bệnh viện cố gắng an ủi tôi:

- Không sao đâu ông, đó là bác sĩ giỏi ở đây, họ sẽ tận tình cứu chữa cho vợ ông.

Tôi lắc đầu không tin tưởng. Hình ảnh người thím của tôi bị mổ hai lần trong lúc sinh sản, máu ra quá nhiều, đã qua đời ngay lúc đó cùng với đứa con bị chết ở trong bụng cứ lảng vảng trong đầu tôi. Một lúc sau, vị bác sĩ ra ngoài gặp tôi ở phòng đợi. Ông ta nói:

- Vợ anh sẽ được mổ lại lúc 6 giờ rưỡi tối. Xin anh ký vào tờ giấy này. Bệnh trạng của chị ấy có vẻ xấu!

Tôi cầm tờ cam kết, uể oải đưa tay ký vì không còn cách nào khác hơn, miệng lẫm bẩm:

- Án tử hình! Mình đang ký bản án tử hình cho vợ mình!

Ngồi ở phòng đợi suốt hai giờ liền, thần kinh tôi căng thẳng như muốn đứt ra, tim tôi đập thình thịch như trống vỗ, đôi mắt tôi không còn nhìn thấy gì ở trước mặt. Màn đêm buông xuống ở ngoài cửa sổ tự bao giờ. Tôi tặc lưỡi lắc đầu như con thạch sùng, thở dài vô vọng. Lúc 9 giờ tối, vị bác sĩ phụ trách từ trong phòng mổ đi ra, ông tháo đôi găng tay và chiếc áo trắng khoác ngoài đã nhuốm máu đỏ, tiến lại phía tôi ông ta nói giọng hàng hai:

- Chúng tôi vừa mổ chị xong. Tình trạng của chị tạm thời bình an. Nếu máu không chảy nữa thế là tốt đẹp. Ngược lại nếu còn chảy, buộc lòng chúng tôi phải tiếp máu xin từ ngân hàng máu. Ông có thể về nghỉ, nếu không có gì tôi sẽ không điện thoại cho ông đêm nay.

Tôi về nhà, cô đơn trong ánh đèn phố muôn màu, chạy nhảy như ma quái đùa giỡn. Tôi cầu nguyện luôn mồm, mong sao đêm nay đừng có tiếng chuông điện thoại reo, tôi chỉ mong có thế. Tôi mệt mỏi nằm ngủ với bé Vy thiếu mẹ, thỉnh thoảng nó khóc òa lên vì đói. Tôi lẩm bẩm “Điện thoại ơi, đêm nay mày đừng reo nữa nhé!”

Nửa đêm, bỗng tiếng điện thoại kêu “reng reng”! Tôi bừng dậy như con cào cào vội chụp lấy ống nghe “Đây bệnh viện Mater, xin ông lên gấp!”

“Thôi rồi!” Tôi la lớn. Tiếng chuông điện thoại reo như làn điện giựt. Tôi hoảng hốt, thất thần, người lảo đảo muốn ngã gục xuống sàn. Trong cơn mê, tôi gặp nhiều cảnh ma quái đến rợn người. Nó bu quanh tôi, nó cấu xé tôi đến tan nát ra. Coi lại đồng hồ, bây giờ là 2 giờ sáng. Giờ này mọi người đều an giấc. Tôi khoác vội chiếc áo choàng cho đỡ lạnh, lật đật lái xe chạy vun vút trong màn đêm như một người điên. Đường phố vắng tanh không một bóng người, tôi đáp xe vào một bãi đậu trống vắng. Điện thoại ơi, mi thật ác độc, đời ta chưa bao giờ sợ mi như đêm nay. Thôi không còn gì nữa rồi, thôi thế là hết. Nước mắt tôi tự nhiên chảy xuống hai gò má như dòng suối khô còn chút nước ngọt. Băng qua khoảng sân rộng giữa một vườn hoa thơm ngát, tôi bỗng thấy tượng Đức Mẹ bồng Chúa con đang trông ra. Tôi lật đật quỳ xuống cầu nguyện:

- Xin Chúa Mẹ ban bình an cho vợ con!

Sau đó tôi vào ngay phòng hồi sinh ở lầu 7. Một vị bác sĩ trẻ tuổi khác mà tôi chưa hề gặp tiến ra nói giọng ngập ngừng:

- Chúng tôi rất buồn vì bệnh trạng cô càng lúc càng nguy ngập!
- Trời ơi! Thế sao? Tôi vò đầu, vò trán chán nản.
- Vâng! Vị bác sĩ trả lời cụt ngủn.
- Nghĩa là ông vô phương cứu chữa?
- Gần như thế! Bây giờ chỉ còn cách…
- Cách nào thưa ông?
- Phải mổ lại lần thứ ba để chận máu lại!
- Lần thứ ba! Trời ơi! Tôi gục đầu vào hai tay.
- Vâng! Không còn cách nào khác. Nếu bằng lòng xin ông ký tên cho…

Vị bác sĩ trẻ lại chìa ra cho tôi một tấm giấy khác. Tôi lắc đầu từ chối. Tôi rên rỉ như người điên, tôi lẩm bẩm những câu gì nghe không rõ. Hai cô y tá phải dìu tôi ngồi xuống ghế dựa. Tôi nghĩ ký cũng chết, không ký cũng chết, tay tôi đưa ra như cái máy :

- Án tử hình! Trời ơi án tử hình tôi ký cho vợ tôi. Tôi không hiểu các ông bác sĩ đã làm gì ra nông nổi này? Một sự sơ sót chăng? Hay lỡ tay, hay thiếu kinh nghiệm, hay quên cái gì trong ruột? Lúc này mọi tội lỗi tôi đều đổ lên đầu mấy ông bác sĩ.

Sau khi tôi ký xong, tất cả đều trở lại phòng mổ. Chỉ còn mình tôi ngồi trong phòng đợi với tâm trạng của một người điên. Tôi chợt nhìn lên vách tường, bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa con và Thánh Giu-se sừng sững trên vách như nhìn tôi. Tôi bỗng chạy tới ôm lấy chân Đức Mẹ và Chúa Giê-su hôn lấy hôn để, cầu khẩn van lơn “Mẹ và Chúa Giê-su cùng Thánh Giu-se xin hãy rủ lòng thương xót chúng con, xin ban bình an cho chúng con, xin gạt mọi sự dữ ra khỏi chúng con, xin ban bình an cho vợ con là Maria Hồng Loan…” Tôi đổ gập người xuống dưới chân tượng Chúa Mẹ và thiếp đi lúc nào không hay, cho đến khi vị bác sĩ phụ trách trở lại đánh thức tôi dậy cho biết kết quả:

- Chúng tôi đã tìm được chỗ chảy máu, đang tìm mọi cách để chận máu lại nhưng vì vị trí này ở sát lá gan và nằm phía dưới, rất khó bịt kín, tuy vậy chúng tôi vẫn cố gắng hết sức…

Dù sao, khi nghe bác sĩ nói đã tìm ra được chỗ chảy máu để cầm lại, tôi cũng hơi yên tâm. Lúc này trời đã gần sáng, tôi mới trực nhớ là đã để con bé ở nhà một mình. Tôi cần về gấp để lo cho bé Vy có được chút sữa buổi sáng. Trong cơn tuyệt vọng tận cùng, tôi có gọi điện thoại đến bác sĩ BTCường xin góp ý kiến giúp đỡ tôi nếu tình trạng máu cứ vẫn chảy ra. Bác sĩ ngạc nhiên và điện thoại ngay đến bệnh viện Mater hỏi sơ về tình trạng vợ tôi và hứa sẽ đến thăm vào khoảng 9 giờ sáng.

Sau khi cho con ăn uống xong xuôi, tôi nhốt đại nó vào cái “cót”, đóng cửa lại, rồi bảo mấy đứa nhỏ trọ cùng nhà trông giùm cháu một chút. Tôi vội chạy lên bệnh viện để xem kết quả ra sao. Vào lúc 9 giờ sáng ngày thứ bảy, người ta đưa tôi vào phòng cấp cứu để nhìn mặt vợ tôi lần cuối. Bấy giờ trong phòng đầy đủ mọi người. Tôi thoáng thấy có khoảng 7 bác sĩ, cả chục y tá bao quanh, một vị linh mục với chuỗi hạt trên tay, một nữ tu, một thông dịch viên, tất cả đều đã sẵn sàng cho ngày cuối. Trên giường bệnh, vợ tôi nằm thoi thóp như một cái xác không hồn, chung quanh chi chít những máy móc. Nào máy thở, máy đo áp suất, máy đo nhiệt độ, những bịch máu, những dây chuyền máu… Tấm “drap” phủ lên bụng nàng trắng toát, phồng lên như cái trống vì máu chảy cả trong lẫn ngoài. Tôi lắc đầu, thế là hết! Thế là hết tất cả rồi! Sự sống duy nhất lúc này là tiếng máy thở vang lên “xì xì” nhanh hơn tiếng đồng hồ chạy để giúp nàng những phút cuối cùng trước khi người ta có thể quyết định rút ống thở ra.

Mở đầu, vị bác sĩ trưởng O'Rourke nói chuyện với tôi qua một thông dịch viên người Việt, chị Alice với vẻ mặt trịnh trọng:

- Theo như ông biết, chúng tôi đã tận tình cứu chữa cho vợ ông từ hôm qua đến nay, nhưng vì tình trạng gan của cô cùng lúc bị suy yếu và bị thiệt hại trầm trọng trong lúc mổ, cho nên chúng tôi không thể làm gì hơn được, nếu không muốn nói là bó tay. Trước khi có một quyết định sau cùng, chúng tôi đã mời linh mục Barlow để làm phép xức dầu thánh cho cô ấy. Xin ông hiểu cho những khó khăn của chúng tôi và rất tiếc là điều đó đã làm buồn lòng ông!

Tôi không tin gì nữa cả, tôi không còn nghe gì nữa cả. Bầu trời chung quanh tôi tuy ban ngày mà còn ghê rợn hơn ban đêm, tất cả đều bất lực trước ý muốn của Thượng Đế. Tôi ôm lấy cánh tay phải vợ tôi, từng làn da, từng ngón tay, từng móng tay, cả bàn tay bây giờ lạnh toát, cứng đờ và trắng dã như ướp muối. Tôi hôn lấy hôn để lên trán nàng, trên đôi tay vĩnh viễn lần cuối không còn biết nắm chặt là gì nữa. Tôi hỏi như chỉ để hỏi “Loan ơi! Em có còn nhận ra anh không?” Cái đầu nàng vẫn không nhúc nhích, đôi mắt trắng xát không còn hồn. Nàng đã chết! Chết thật rồi! Trời ơi, sao lại có một ngày đau đớn này!? Người y tá nói với tôi “Hãy hôn nàng thật nhiều đi vì hôm nay là ngày cuối cùng của đời cô ấy”.

Trước khi bước ra ngoài để bác sĩ làm việc, tôi đã đọc kinh cùng linh mục Barlow và những người công giáo. Tôi ký thêm vào tờ cam kết lần thứ tư và nói lời sau cùng trước khi bước ra khỏi phòng mổ “Loan ơi! Vĩnh biệt em! Ngàn thu vĩnh biệt em”. Nước mắt tôi tuôn ra như chưa bao giờ được chảy. Phép xức dầu thánh cho bệnh nhân đã xong. Tôi ký tên lên tờ cam kết như một phản xạ vô nghĩa. Bác sĩ Cường cũng có mặt sáng hôm ấy. Ông ta đã điện thoại liên tục hỏi ý kiến với một bác sĩ chuyên khoa bậc thầy về gan và tận tụy góp ý cho các bác sĩ hiện diện trong “ca” mổ cuối cùng. Ông cũng an ủi tôi rất nhiều trong những giờ phút bi thảm nhất. Tuy nhiên nhìn tình trạng bệnh nhân và kết quả trên biểu đồ của máy, ông đã không quên lời cầu nguyện cho vợ tôi. Sau đó ông tức tốc về nhà điện thoại ngay cho cộng đồng người Việt báo tin buồn!

Trước 12 giờ trưa, giờ bác sĩ quyết định giải phẫu lần chót, cả một ê kíp bác sĩ nổi danh của bệnh viện, trẻ có, già có, đàn ông có, đàn bà có, kể cả chuyên viên vật lý trị liệu họp lại với nhau tìm một giải pháp nhưng gần như có nhiều mâu thuẫn lẫn nhau. Một mình tôi trong phòng đợi, bao nhiêu ý tưởng cuồng điên, đen tối cứ xuất hiện. Tôi chợt nghĩ đến một địa ngục có thật, cảnh bỏ thây nơi xứ lạ quê người, nội dung những bức điện tín phải đánh về báo tin cho cha mẹ, anh chị em, người thân ở quê nhà vốn đau khổ chắc còn đau khổ hơn nhiều. Con bé Vy sẽ thiếu mẹ ngay từ thuở lọt lòng, tôi sẽ đi bơ vơ một mình trên đoạn đường đời còn lại… Hạnh phúc nay còn đâu! Giữa hạnh phúc và đau khổ chỉ cách nhau bằng sợi tơ nhỏ, mỏng manh như sương khói. Hôm qua là hạnh phúc, hôm nay là địa ngục!
Đến 12 giờ trưa, anh chị Lộc nhân viên xã hội là người đến thăm chúng tôi trước tiên và an ủi giúp đỡ chúng tôi đến chiều tối. Vào buổi chiều, trong phòng đợi đã chật ních người thân kẻ lạ nghe tin đến thăm, trong đó có Thầy Khánh, bác Lý, Soeur Ngà, Cha Benoit, Cha Barlow, Soeur Patricia, vợ chồng bạn Tâm Cường, anh Dũng, anh chị Thương Mai, chị Huệ, anh Trừng chị Hải… nhiều lắm tôi không nhớ hết, đã thương mến vợ chồng tôi trong cơn khó khăn. Tôi không biết nói sao cho hết lời cám ơn đến cộng đồng người Việt đầy tình thương yêu như vậy.

Cuối cùng, ca mổ chót cũng đã xong lúc 2 giờ chiều. Bác sĩ trưởng giải phẫu O' Rourke trịnh trọng vào cho tôi biết kết quả. Với gương mặt lo âu, mệt mỏi sau hơn một ngày rưỡi trong phòng mổ, ông nói:

- Chúng tôi hết lòng cứu chữa cho chị được sống, không còn cách nào khác hơn là buộc lòng chúng tôi phải cột lại động mạch chính dẫn máu. Đó là quyết định cuối cùng và hiện giờ chưa thể nói là cô ấy sẽ sống hay chết. Cứ đợi xem sao, nếu cô ấy qua khỏi đêm nay, còn hy vọng đôi chút, ngược lại…

Ông vừa nói vừa chỉ tượng Chúa Mẹ trên vách “Tất cả đều do Chúa an bài. Thật sự chúng tôi không thể ngăn máu lại được. Chúc ông may mắn!” Nói xong, ông bước nhanh ra ngoài như sợ tôi phiền trách ông không làm tròn nhiệm vụ. Tôi miên man tiếp tục đọc kinh khấn nguyện giữa những giọt nước mắt đau khổ cứ chạy dài trên má. Anh chị Lộc cứ an ủi tôi mãi.

Bỗng nhiên vào khoảng 4 giờ chiều, tiếng chị Tâm, người bạn cùng phố với tôi vang lên một cách lạ lùng, trống trải giữa bầu không khí yên lặng như chết!

- Tôi mới vào thăm, thấy chị ấy da dẻ có phần trở lại hồng hào rồi!
- Tôi cũng thấy như vậy, khác khi trưa nhiều lắm. Anh nên vào thăm chị một chút. Tiếng Soeur Ngà giục tôi đứng dậy.

Lúc bấy giờ, tôi quá mệt mỏi và tuyệt vọng nên chẳng buồn vào thăm vợ lúc này. Tự nhiên cửa phòng đột mở, bác sĩ Cường với vẻ mặt tươi vui tiến nhanh đến ngồi bên tôi vỗ vai cười nói:

- Không sao đâu em ạ! Có nhiều hy vọng lắm. Áp huyết đã giảm nhiều, nhịp tim đập giảm từ 190 xuống còn 120 gần bình thường, nhiệt độ 40 bây giờ chỉ còn 37 độ, máu ngưng lại rồi, tay chân mặt mũi bắt đầu hồng hào trở lại rồi. Anh có nói chuyện với một bác sĩ bậc thầy của anh ở đây chuyên về gan, ông ta nói nếu tình trạng diễn tiến tốt như vậy mà cô ấy qua được đêm nay thì kể như sống. Em yên tâm, vẫn còn hy vọng… 

Lời nói của bác sĩ Cường lúc đó chẳng khác nào một liều thuốc bổ cho tôi. Tự nhiên tôi cảm thấy mọi sự sống lại và linh động khác thường. Trời đêm đã xuống ở bên ngoài từ bao giờ mà tôi vẫn thấy như ban ngày ấm áp. Chú bác anh chị em thăm viếng chúng tôi bây giờ đều cảm thấy nhẹ nhõm, bầu không khí vui tươi trở lại và rộn rã tiếng cười. Đến tối khoảng 6 giờ, bác sĩ O'Rourke bước vào vui vẻ, ông ra dấu tỏ ý đầy hy vọng và nhoẻn miệng cười, nụ cười mà tôi chưa hề thấy nở trên mặt ông từ mấy ngày qua.

Đêm đó, tôi nằm phòng bên, thức trắng đêm chờ phép lạ đi qua. Trong phòng hồi sinh, vị nữ bác sĩ trực vật lý trị liệu cùng với một cô y tá trẻ tuổi dọn dẹp chỗ ngủ của họ với chăn nệm chỉ vừa đủ chỗ cho hai người. Họ nằm ngay dưới chân giường vợ tôi, nơi vẫn còn chi chít những ống thở, những bịch máu, dây chuyền nước biển v.v… để phòng khi nguy cấp thì họ túc trực ngay. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Khoảng 1 giờ sáng, tôi nghe có tiếng động thùm thụp ở phòng vợ tôi. Tôi hốt hoảng phóng xuống đất miệng lẩm bẩm “Cái gì nữa rồi!?” với sự lo âu thấy rõ. Trong phòng cấp cứu, vị nữ bác sĩ cùng cô y tá bật dậy như chiếc lò xo để điều chỉnh lại máy móc, dây chuyền nước biển, máu huyết… để trấn tĩnh cơn đột biến của vợ tôi. Hình như có sự giao động nào đó trong cơ thể của nàng. Cơn địa chấn phút chốc trôi qua, vị nữ bác sĩ và cô y tá lặng lẽ nằm xuống chiếc nệm dưới đất tiếp tục đổ giấc ngủ (không biết họ có ngủ được không nữa?) Đêm hôm đó, vợ tôi bị đột biến đôi ba lần cho đến gần sáng thì êm hẳn.

Thời gian trôi qua, căn bệnh vợ tôi bỗng nhiên thuyên giảm một cách lạ lùng. Ngay cả những lúc bất chợt tỉnh thức trong khi mổ, lúc nào nàng cũng đọc kinh khấn nguyện Đức Mẹ Maria và thánh Martin. Đây là cuộc đời thứ hai của nàng trên trần thế. Tôi hỏi “Em có cảm giác gì qua những ngày đau đớn ấy?” Nàng nói “Em cứ giữ lòng cầu nguyện và không cảm thấy đau đớn gì cả, không biết gì cả!”.

Thật là một phép lạ của Thượng Đế cho sự tái sinh của vợ tôi khi con người đã cảm thấy mình bất lực. Nàng đã phá nhiều kỷ lục: 4 ca mổ, hàng chục lít máu tươi cung cấp, hàng chục bình nước biển cho vào, nhịp tim lên tới đỉnh 190, nhiệt độ lên mức cao nhất 40, gần chục bác sĩ thay phiên, mấy chục cô y tá giúp đỡ … chỉ nội trong một ngày rưỡi! Trong các phép bí tích đã nhận, vợ tôi không còn thiếu bí tích nào. Nhiều người bảo nếu ở Việt Nam, có lẽ mạng sống của nàng đã không còn từ lâu rồi.

Từ tận cùng của sự khổ đau, chúng tôi đã tìm thấy được hạnh phúc trong cuộc sống mới. Những mùa Giáng sinh đẹp đẽ trôi qua với tình người bản xứ và tình đồng hương như còn vương vấn đâu đây. Và nhờ Ơn Trên, chúng tôi đã cảm nhận được ánh sáng tình yêu của Chúa Mẹ, tỏa rộng trên khắp đời sống của thế nhân cùng với những điều kỳ diệu như chưa từng thấy bao giờ!-


Description: bg_Tho-04   Description: bg_Tho-04
• NXVan

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011