SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 

Xóm Slum

Trần Hoài Thư

Tôi đang trở lại Logan, Bắc Philadelphia. Đây là đường Old York. Đây là dãy phố lầu xám cũ. Đây là ngã tư, đèn xanh đỏ. Đây là tiệm giặt. Và văn phòng địa ốc Somershoe, mà không một người tị nạn nào lại không biết tên, hay gắn liền với cuộc sống. Tiền thuê nhà phải trả vào đầu tháng. Những lần than phiền về heat, điện hay nước. Ông nội, ông già, hay người con trai Somershoe, ba thế hệ chuyên môn sống bằng nghề địa ốc. Và đối diện với văn phòng địa ốc là ngôi lầu 4907, tầng hai. Chiếc xe trolley đã chạy qua, âm vang lách cách. Những tia lửa xẹt chạm trên hàng dây điện trời. Lũ bồ câu đã bay rợp trên những mái nhà rêu cũ. Màu tường vôi vẫn chưa quét thêm lớp vôi mới. Thêm hai tiệm tạp hóa của người Miên. Và mùi mắm bồ hóc bốc nồng nàn trong không khí. Những người mặc xà rông đi lại trên vỉa hè. Cảnh cũ đã không còn nữa. Những bóng hình Việt Nam năm xưa đã biến mất. Và bây giờ nhường khu Logan này cho một sắc dân khác. Như đầu tiên là người da trắng, kế đến là Do Thái, đến Mỹ đen, rồi Việt Nam, và bây giờ là Miên... Nếu còn giống chăng là những ụ rác, những vỉa hè dơ bẩn, vẫn cái bóng nghèo nàn thiếu ánh sáng từ một nơi được mệnh danh là slum, đến nỗi những người tị nạn phải gọi là Lò Gan. Ngã tư này, dưới cột đèn này, hôm nào những người tị nạn Việt Miên Lào Mông đã từng tụ tập trong những đêm về sáng để chờ những chuyến xe bus đưa về các nông trại xa. Từ căn lầu hai, tôi có thể nghe tiếng cười nói bằng những ngôn ngữ khác nhau rộn ràng trong một đêm về sáng. Tôi nhớ đến những chuyến xe bus đầy ngập người qua khỏi cầu Delaware, về những vùng thôn dã, và những nông trại táo, cherry, lê, mận trùng trùng điệp điệp...Khi xe vừa dừng là đám người túa ra, chạy tìm chỗ tốt. Chỗ tốt ở đây có nghĩa là một khu vực sai quả, để họ có thể thu hoạch nhiều hơn và dĩ nhiên là sẽ nhận tiền nhiều hơn. Cái giá này ai nói là giá nô lệ khi ai ai cũng tự nguyện. Vâng, mỗi năm cứ đến vào mùa hè, những người dân tị nạn lại nao nức trở lại nông trại cũ như những đứa bé trở lại trường trong ngày tựu trường...Chẳng ai thắc mắc về những bài báo nói về bóc lột mồ hôi nước mắt của các trại chủ, hay các tên cai thầu...Chẳng ai nghĩ đến thân phận bi thảm trong thời kỳ nô lệ xa xưa...

Bây giờ tôi đang trở lại. Trên một tầng lầu nào trước mặt tôi, cánh cửa vẫn còn đóng kín. Không biết có gia đình nào ngụ ở đấy hay không. A, tôi nhớ ra rồi. Cái bóng tôi ở đằng sau khung cửa sổ trên lầu hai ấy. Cái bóng hôm qua trong căn phòng ít ánh sáng. Chiếc giường bố đặt bên cạnh vách tường. Chiếc bàn dùng làm bàn viết, học, khách. Cái sàn ván thông đánh màu verni vàng bóng. Và khung cửa sau nhà bếp nhỏ hẹp, để tôi có thể nhìn qua nhà láng giềng, gọi nhau ơi ới bằng tiếng nước mình. Và lũ gián trong đêm. Và cả đám chuột lộng hành. Và những ngày tắt heat, hay những buổi heat mở tối đa khiến cửa sổ phải mở toang. Từ cõi nhỏ hẹp bần hàn đó, mấy năm, với giá tiền thuê rẻ mạt chưa hề tăng, chúng tôi đã sống, để nếm thế nào là giọt lệ đầu tiên của người tị nạn. Bạn bè ít ai dám bén mảng thăm viếng. Họ nghe Logan như nghe một điều gì đó hãi hùng. Khu đen. Khu drug. Xe bị đập cửa kính. Bánh bị đâm thủng ruột. Một người đàn bà tị nạn sắp bị hiếp. Vợ tôi bị đập, xô mấy lần trong những buổi sáng sớm đón xe đến hãng. Tôi bị đám thiếu niên rượt ngay sau khi vừa ló đầu lên miệng hầm subway. Tiệm tạp hóa Đại hàn dưới lầu tôi thuê thỉnh thoảng nửa đêm bị phá cửa. Cảnh sát cảnh cáo tôi đừng bận tâm lý do chủ tiệm đã có bảo hiểm lo lắng giùm. Đó, Logan, hay Lò gan là như thế. Như thế, tại sao tôi lại bâng khuâng như một kẻ đã gởi vào đầy nhiều kỷ niệm. Như thế, tại sao tôi cứ nghĩ là chính nơi này là một phần trong đời sống của tôi. Đâu có gì để phải nhắc lại khi nhục nhằn, hoạn nạn, và những đám mây u ám một thời? Đâu có gì để nói về một slum. Đâu có gì để phải kể lại cái bóng tôi một trưa nào trong ngôi nhà thờ Mỹ trong khu, khi tôi phải nương cậy vào ?n Trên để ban cho tôi có đủ nghị lực. Lần đầu tiên tôi đã đến nhà thờ, dù tôi chưa bao giờ thuộc ngay cả một lời kinh căn bản nhất. Tôi đã nhắm mắt. Cầu gì. Con tôi thơ ngây nói về tên giáo viên người Đại Hàn tình dục bệnh hoạn phụ trách lớp ESL. Làm sao cho con tôi được học một ngôi trường tốt hơn. Không ai hướng dẫn. Không ai chỉ bày. Không ai biết tiếng Anh, tiếng Mỹ lưu loát. Những người như thế đã không bao giờ ở nơi này. Cầu gì. Cho tôi được một chút thông minh, để tiếp tục làm học trò già. Chiến tranh, tù tội, vượt biển, bao nhiêu ám ảnh, thảm kịch chất chồng đã cướp đi hết mớ kiến thức học vấn xa xưa rồi. Cho đôi mắt mờ yếu của tôi được thấy rõ những dòng chữ thầy viết. Cho những lời giảng tôi còn theo kịp, dù một đôi phần. Tôi nhớ hôm ấy, trong lòng giáo đường Tin Lành rộng mênh mông, không có ai, trừ tôi. Nắng làm lung linh những ô kính xanh xanh đỏ đỏ. Ngày xưa, tôi chưa một lần đến nhà thờ hay chùa chiền để cầu cứu. Nhưng bây giờ, giữa một xứ sở rộng mênh mông này, giữa một xóm slum này, lấy ai an ủi, khuyến khích, vỗ về tôi?. Vợ tôi cảm thấy tuyệt vọng. Nàng đã nhận ra rằng xứ Mỹ không phải là một thiên đàng như nàng đã từng mơ ước. Không phải là những đồng penny hay cent dư được vất đầy trên những trạm xăng, để mình đến đó cứ việc lượm nhặt như người bạn cùng sở, đã từng du học, trở về nước kể lại. Mà trái lại, nó là tội ác, súng đạn sử dụng bừa bãi, tội lỗi tràn ngập. Nàng đã thấm thía thế nào là tự do. Bởi vậy, nàng chỉ sống bằng những giấc mơ. Mơ ngày. Mơ đêm. Mơ một ngày chúng tôi có một chiếc xe, để nàng được đi đây đi đó, thăm bạn bè, hay chiêm ngưỡng phong cảnh. Mơ ngày tôi ra trường, có một job tốt. Và cả những giấc mơ thật đẹp của ngày xưa. Má, em, láng giềng, quê ngoại, những gương mặt thân yêu, những kỷ niệm thời con gái...Vâng, những cơn mơ tôi nghiệp. Và chúng tôi đã nương nhờ bằng những cơn mơ như thế. Chỉ tội nghiệp cho con tôi. Nó vẫn lớn lên, không tra vấn, than thở. Nó đi học một mình, trở về nhà một mình, không bạn bè lân láng. Tôi phải kê cả ba hòn gạch, để nó có thể đứng ở trên đấy, mở khóa cánh cửa lầu thuê. Nó chiến đấu cũng như ba nó chiến đấu. Sáng ngày Giáng Sinh, nó mừng rỡ khoe cùng chúng tôi, là ông Già Noel tài quá ba mẹ ơi, ổng biết cả chiếc xe tự động mà con thích... Niềm vui của nó là ngồi trước chiếc truyền hình đen trắng để nhìn những Tom hay Jerry... Nó chưa hề nghe được tiếng dế mèn vào mùa hè hay được thấy cánh diều trên đồng cỏ như tuổi thơ của tôi. Nó hẩm hiu cùng căn phòng, mà những cửa sổ trước và sau, tôi đã đóng cả đinh 15 phân như những hàng chông. Không bạn nhỏ, không nội ngoại, không cả bầu trời xanh và cao để nhìn con diều xanh đỏ, để mong gió mỗi lúc mỗi nổi lên. Không đám mây bàng bạc trong bài văn của Thanh Tịnh vào tuổi học trò xa xưa. Nó có mặt ở đấy, côi cút

Đấy xóm slum của tôi là thế. Ban đêm ít ai dám bén mảng ra đường. Cảnh sát cũng ít khi lai vãng. Những building bỏ hoang, những sân đầy cỏ dại và ụ rác. Chỉ có chăng là con đường ngoài phố chính dẫn lên city Hall là còn tương đối khang trang. Nó bị bỏ quên, và người ta đã tìm cách trốn nó như những người Do Thái trước đây. Chúng tôi, những người tị nạn đầu tiên, cũng vậy. Cũng tìm mọi cách bỏ nó mà thoát. Vài gia đình đã may mắn rời khu slum. Riêng gia đình tôi, phải mất đến bốn năm. Ơn Trên đã cho tôi tốt nghiệp đại học với điểm khá cao, và được một công ty hàng đầu phỏng vấn.

Ngày từ giã xóm slum, vợ tôi thắp nhang khấn vái đất đai thổ thần để cảm tạ. Đất đai ở đâu cũng là đất đai, cũng dính kết vào trời, và lẩn quất những đôi mắt của những đấng quyền năng siêu hình, vợ tôi tin tưởng mãnh liệt như vậy. Nàng viện dẫn trường hợp tôi, một tay sinh viên già duy nhất được hãng X chọn trong hàng chục ứng viên tại trường. Anh phải tin anh à. Vâng, tôi tin lắm. Bởi vậy, tôi lạy, con tôi cũng lạy. Tôi đã quá nhỏ bé. Kiến thức tôi cũng vậy. Tiếng xứ người vẫn còn ngọng nghịu, chữ mất chữ còn...Như vậy, tại sao tôi vẫn có cơ hội mà bất cứ một sinh viên tốt nghiệp nào đều mơ ước. Rõ ràng, Đấng Quyền Năng không bao giờ bỏ rơi những kẻ có lòng với Ngài. Ngài đóng cánh cửa này, nhưng Ngài mở ra cánh cửa khác.  

Ngày cuối cùng với xóm Slum, tôi đã tháo gỡ tấm ván dày đóng đinh 15 phân ra cửa sổ, để nhìn được con đường Old York dưới màn tuyết trắng. Như vậy, bốn năm cũng trôi qua. Ở đâu cũng có trời. Trong chiến tranh, trong tù tội, trên biển cả, và trong khu slum của vùng Logan này. Các ngài không bao giờ bỏ mình đâu. Lời an ủi của nàng dựa trên cõi siêu hình, nhưng có một điều là cái slum này vẫn là nơi dung dưỡng tôi và gia đình trong những năm tháng đầu tiên. Chúng tôi vẫn bình an. Và chúng tôi vẫn đạt được niềm mơ ước.

oOo

Bây giờ, tôi đang trở lại khu xóm cũ, sau hơn 10 năm xa cách. Vẫn những con bồ câu hoang đậu dưới gầm cầu xe lửa. Vẫn những vách tường dày dặc chữ viết bậy. Vẫn những ngôi nhà hoang. Vẫn những sân nhà phủ ngập cỏ dại và rác rến. Vẫn con đường qua xóm, với hàng điện trời mà mỗi khi chiếc xe trolley chạy qua, là tiếng kêu leng keng như một tấu khúc vui trong ngày. Có điều khác chăng là lớp người tiền phong như chúng tôi đã không còn nữa... Lương là kỹ sư cơ khí. Huệ đã trở thành dược sĩ. Cô Vân đã dọn nhà sang một khu khác, an toàn hơn, và hai đứa con của cô đang học đại học. Anh Phú có con đã ra Bác sĩ. Ông Tâm đã qua đời. Bà Căn cũng về với Chúa. Một thế hệ mới đã vươn lên từ sự lao khổ lận đận của thế hệ tiền phong. Không phải đi khai mõ vàng, hoặc đi tìm đất mới. Nhưng phải tự dìu dắt trên chính một nơi mà mình chẳng bao giờ lựa chọn, để mong con cháu nên người.

Trần Hoài Thư

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011