SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

ANH HÙNG DỄ CÓ MẤY TAY ?

 Tâm Phương Đăng

PHẦN V : RA KHƠI  VĨNH BIỆT QUÊ NHÀ.

Chiếc xe đò ì ạch nhả khói mù trời bởi quá cũ kĩ, chạy bằng dầu cặn Diesel, chở trên ba mươi hành khách hầu hết là các bà buôn gánh bán bưng, quần áo tả tơi rách nát, ngồi chen chúc, tay cầm quạt phe phẩy để giảm bớt sức nóng của trưa hè khi xe chưa chạy. Ở giữa đường đi trong lòng xe, tài xế kê thêm một hàng ghế gỗ, cao chỉ bằng gang tay, không chỗ dựa lưng, để có thể rước thêm khách dọc đường. Trên mui xe chất đầy quang gánh, xe đạp và hàng hóa lỉnh kỉnh, chồng chất thật cao như muốn rơi rớt bất cứ lúc nào khi xe chạy. Nhưng tài xế luôn trấn an hành khách :

- Bà con yên tâm, tôi bảo đảm không sao, từ Nha trang về đến Sài gòn.

Nhờ Đạt quen với tài xế, coi như cùng giới giang hồ nên đặc biệt cho Thọ một chỗ ngồi phía trước, cạnh tài xế. Khỏi phải tránh qua né lại cho người lên xuống như những người ngồi ghế phía sau. Thọ nghĩ lại thật là may mắn, không ngờ vừa ra khỏi tù lại gặp được Đạt, trùm du đãng năm xưa. Lẽ ra là thù địch, nhưng nay lại hết lòng giúp đỡ mình. Cuộc đời thật là khó hiểu, cũng như Thủy, bây giờ tự nhiên trở thành người thân thuộc.

Trước lúc lên xe, Thủy đã gục đầu áp má vào ngực Thọ khóc sướt mướt như giờ phút biệt ly người tình. Cảm động nhất là khi giao cho Thọ cái túi xách, nàng nói :

- Đây là những đồ cần thiết cho anh dùng hằng ngày, và hai bộ áo quần cũ của chồng em yêu quí, em cất giấu lâu nay, Anh xứng đáng để mặc từ giờ phút này.

Cầu trời cho mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp như kế hoạch Thọ đã bàn luậnvới Đạt và Thủy tối hôm qua. Trong vòng hai tháng, Đạt giúp Thủy sang nhượng hàng quán và chạy chọt chuyển hộ khẩu về Sài gòn để cùng đi vượt biên. Chuyện gia đình Thọ thì Bố Mẹ mất đã lâu, anh em chẳng biết trôi dạt phương nào. Vợ con xem như chẳng còn ai. Huệ đã chết, con đi vượt biên. Ở Nam căn, Lài và con gái cũng đã vượt biên. Tám lấy chồng bộ đội, các con giao cho Bố Mẹ Thọ đem về quê Bến tre. Về đến Sài gòn chắc Thọ khỏi cần tìm kiếm ai nữa. Thôi thì để cho tất cả an phận cuộc sống. Anh em Thọ nếu gặp lại cũng chỉ là gánh nặng thêm cho đời sống nhau mà thôi.

Anh tài xế thông báo xe sắp chạy, nhắc nhở hành khách đóng chặt cửa kính khi xe ngừng ở những trạm kiểm soát. Thọ thắc mắc hỏi tài xế :

- Tại sao phải đóng cửa kính trong khi tiết trời quá nóng nực ?

Anh tài xế trả lời :

- Thời gian gần đây mấy ông thương phế binh quá lộng hành, cứ thò đầu vào trong xe, nếu hành khách chưa cho tiền hoặc cho ít tiền thì không chịu rút đầu ra khỏi xe, xe không thể chạy được, trước giải phóng không có tình trạng này.

Thấy Thọ có vẻ hơi ngạc nhiên, anh ta nói tiếp :

- Thương phế binh bây giờ làm ăn theo thời thế, những năm mới giải phóng chỉ có TPB bộ đội Bắc việt mới dám làm nghề ăn xin, TPB chế độ cũ không dám đi ăn xin. Hầu hết đi làm những nghề vá xe đạp ở các góc đường, bán vé số, hoặc cùng quá cũng chỉ bò lết xin ăn kín đáo ở các chợ búa thôi. Có lẽ một phần họ sợ công an làm khó dễ, một phần mang mặc cảm mình là người lính bại trận, không bảo vệ được quê hương dân chúng, hơn nữa, vẫn còn có chút lương tri nên e dè mắc cỡ. Nhưng sau này đói khổ quá nên liều mạng với công an, với chính quyền. Riết rồi chả sợ gì ai. Cùng lắm là chúng nó bắn bỏ thì càng sung sướng hơn. Các TPB chế độ cũ cho biết như vậy. Hiện nay thấy dân chúng có vẻ thương mến TPB chế độ cũ, bố thí nhiều hơn, nên TPB bộ đội mỗi khi xin đều nói láo tôi là TPB chế độ cũ. Thật là đau lòng và buồn cười...

Lính tráng chế độ cũ thì nhốt trong hàng trăm trại tù từ Nam ra Bắc. TPB chế độ cũ thì không dám đi ăn xin. Lúc trước lên voi bây giờ xuống chó như thế là cùng...

Xe bắt đầu lăn bánh, mặc dù gió nóng tạt vào mặt nhưng cũng dễ chịu hơn lúc xe ngừng. Tài xế và Thọ bắt đầu giới thiệu tên để làm quen. Anh tài xế tên Tấn, khi giải phóng vào Tấn mới mười lăm. Bị bắt đi làm nghĩa vụ, sang đánh giặc tận Campuchia, bị thương ở bụng, được giải ngũ hai năm sau, về làm tài xế cho đến bây giờ. Thọ cũng cho hay ngày xưa là lính Hải quân. Giải phóng vào không chạy kịp nên đi tù.
Chợt Tấn hỏi :

- Chắc ngày xưa Bác ác ôn lắm nên mới ở tù lâu như vậy chứ ?
- Cũng chẳng ác ôn gì. Chỉ hăng say đánh giặc thôi.

Tài xế Tấn là người thích nói chuyện, kể chuyện. Thọ thì hơn mười năm không thấy, không biết những sinh hoạt dân chúng ngoài xã hội nên trố mắt, lắng tai nghe làm cho Tấn hứng thú kể hết chuyện này tới chuyện khác trong khi chiếc xe vẫn nhọc mệt lăn bánh trong nắng gió oi bức. Tấn quay đầu nhìn ra sau, không thấy có bộ đội hay công an trong xe mình nên bắt đầu kể những chuyện có vẻ châm biếm nhà nước. Anh kể rằng trước chợ Bến thành Sài gòn có anh TPB chế độ cũ, cụt mất hai chân, một tay, ngồi ăn xin sau tấm bảng giấy viết :

“ Xin xót thương người phế binh bại trận, chế độ cũ.”.

Góc bên phải dán tấm hình của anh mang lon Tr/úy bộ binh với bảng tên Nguyễn văn Sáu, Sư đoàn 18. Bên cạnh anh, vài ba TPB khác, kẻ cụt tay, người cụt chân, cũng ngồi trước tấm bảng giấy gắn lên rất nhiều huy chương Anh dũng bội tinh và viết :

“ Anh hùng Cách mạng. Sư đoàn Sao vàng. “ hoặc “ Anh hùng giải phóng miền Nam. Bị tàn phế trận Đồng Xoài. “. v.v... Không biết có phải vì anh Sáu TPB chế độ cũ bị tàn phế nhiều hơn hay là những người bố thí kỳ thị TPB bộ đội và TPB/ VNCH mà lon tiền anh Sáu lúc nào cũng nhiều hơn các lon tiền của các TPB bộ đội.

Một thời gian sau, các TPB bộ đội bắt đầu ganh tỵ, tố cáo với Công an thành phố rằng : Dân miền Nam vẫn còn tư tưởng phản động, cho tiền TPB ngụy nhiều hơn. Yêu cầu Công an đuổi TPB ngụy đi chỗ khác. Công an không có lý do chính đáng để đuổi nên bắt buộc anh Sáu viết sửa lại tấm bảng xin tiền :

“ Xin xót thương người phế binh bại trận vì đã đi lầm đường lạc lối theo ngụy. “

Ngày hôm sau chẳng mấy ai bỏ tiền vào lon anh Sáu. Có người còn ghé vào tai hỏi nhỏ tại sao lại viết như vậy ?
Anh Sáu hiểu được nguyên nhân, bèn viết lại tấm bảng như sau :

“ Xin xót thương người phế binh bại trận vì đã đi lầm đường lạc lối theo ngụy. “.

Chỉ thị của Công an TP/HCM. Mọi người qua đường đều hiểu rõ do Công an ép buộc viết. Dân chúng tiếp tục giúp anh Sáu nhiều như trước. Thọ ngắt lời hỏi :

- Như vậy theo anh, dân chúng vẫn thương mến tụi tôi ?
- Theo em thấy có lẽ vậy.

Kể đến đây thì vừa đến trạm kiểm soát. Tài xế Tấn ôm giấy tờ và tiền bạc vào bên trong trạm. Không thấy công an ra kiểm soát xe. Chỉ có hơn mười TPB dùng nạng gỗ gõ lên cửa kính xe cộp cộp nhưng không có hành khách nào dám mở, bởi tài xế đã dặn trước.
Thọ nhìn ra ngoài thấy có vài TPB trương bảng viết nguệch ngoạc :

” Xin giúp đỡ TPB chế độ cũ. “

Thọ nghĩ dù họ là bên nào, thì cũng là những người đáng thương, đáng giúp. Thân phận mình bây giờ chỉ hơn họ là còn lành lặn tay chân. Thọ bắt đầu cảm thấy mình hơi cay cay lòng mắt. Tấn tài xế trở lại xe rồ máy tiếp tục chạy. Thọ ngạc nhiên hỏi :

- Tại sao không có nhân viên kiểm soát xe mà được chạy ?

Tấn mỉm cười giải thích :

- Một thời gian nữa Bác sẽ hiểu nhiều chuyện hơn khi sống lâu dưới xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bữa nay trời nắng nóng, nó không muốn đi ra ngoài, hơn nữa nó quen biết và tin tưởng em, em típ cho nó nhiều hơn mọi ngày... Bác biết từ Nha trang về thành phố HCM có 12 trạm kiểm soát, nhưng trạm nào tài xế tụi em cũng cho ăn ngập họng, nếu không, nó lấy đủ lý do để giữ xe lại, làm trễ nải về bến, tội nghiệp hành khách.

Thọ thầm hỏi, không biết có quốc gia nào trên thế giới có nhiều trạm kiểm soát bằng Việt nam không nhỉ ? Chỉ một đoạn đường ngắn Nha trang Sài gòn mà Tài xế xe đò đút lót biết bao nhiêu tiền bạc ? Thân phận làm dân của một nước cộng sản, biết bao nhiêu chèn ép, bất công, nhưng lúc nào nhà nước cũng hô hào bình đẳng giai cấp, công bằng xã hội.

Trời đã xế chiều, bắt đầu hơi mát, tái xế Tấn có lẽ mệt mỏi hoặc hết chuyện kể nên im lặng lái xe. Thọ cũng lim dim buồn ngủ, nằm ngửa đầu nhắm mắt, suy nghĩ không biết về đến Sài gòn phải đi đến đâu trước bởi bây giờ Thọ đâu còn nhà cửa. Giấy tờ khai báo về thành phố HCM ở đâu, thì Thọ khai gian địa chỉ nhà cũ năm xưa. Trong trạng thái chập chờn nữa ngủ nửa mê, bỗng giật mình khi xe giảm tốc độ và tài xế lên tiếng :

- Xin bà con sẵn sàng giấy tờ cầm tay, xuống xe đi bộ qua trạm kiểm soát cuối cùng trước khi vào thành phố.

Bước xuống xe, Thọ liếc nhìn mọi người cầm giấy tờ trên tay kèm thêm vài tờ giấy bạc cụ Hồ. Thọ hỏi bà đi trước mình tại sao phải kèm thêm tiền và kèm thêm bao nhiêu ? Bà ta trả lời nếu là hành khách thường thì không cần. Chúng tôi dân buôn bán, để tránh tình trạng bị giữ lại kiểm soát mất thì giờ nên phải trà nước chút đỉnh. Lần lượt từng người đi qua cổng kiểm soát. Đến phiên Thọ bị hạch hỏi và dẫn vào bên trong phòng riêng để kiểm soát túi xách.
Ngồi xuống chiếc bàn nhỏ, ngước mắt nhìn dò xét. Thọ đứng im trước mặt đợi chờ, tên công an hách dịch hỏi :

- Anh mới ra tù ?

Thọ bình tĩnh trả lời :

- Trong giấy tờ tôi, có ghi rõ.

Im lặng một lúc nó hỏi tiếp :

- Có gì trong túi xách ?
- Vài bộ áo quần và đồ lặt vặt.
- Mở ra tôi kiểm soát.

Thọ chần chờ, bỏ túi xách lên bàn, thực sự không rõ có gì bên trong bởi sáng nay Thủy chỉ nói vài bộ áo quần.
Tên công an hối thúc :

- Muốn khỏi mất thì giờ cho xe chạy thì mở lẹ ra.

Thọ vừa mở dây kéo, nó đứng lên thọc tay vào túi xách lục lọi, lôi ra gói giấy hỏi:

- Thứ gì trong này :

Thọ thoáng nhìn và nhanh trí đáp :

- Có lẽ món quà gì cô em tôi tặng, nhưng tôi chưa kịp mở xem.

Nó tự động xé giấy bọc, lòi ra một phong thư và cọc tiền.
Nó lên giọng hỏi :

- Mới ra khỏi tù, bắt đầu buôn lậu hay sao mà tiền bạc nhiều thế này ?

Không đợi Thọ trả lời, nó lấy thư ra vừa đọc vừa đánh vần một cách khó khăn bởi Thủy viết vội vàng nguệch ngoạc:

Anh,
“ Số tiền một triệu rưỡi này để anh sống, bồi dưỡng sức khỏe, lo cho tương lai chúng ta. Cố gắng giữ ngực sạch sẽ để em có thể kê đầu áp má...”
Em,

Nó ngồi xuống ngước mặt nhìn Thọ nói với vẻ rất quan trọng, nhưng hoàn toàn không để ý những gì Thủy viết, nó lạnh lùng nói :

- Anh vừa ra tù mà có số tiền lớn mang vào thành phố, chúng tôi nghi Anh có quan hệ bọn kháng chiến phản động hoặc bọn buôn lậu bạch phiến phá hoại nhà nước. Do đó, chúng tôi tạm giữ tiền để điều tra xuất xứ.

Hành động của một tên thẩm vấn điều tra chuyên nghiệp, nhìn Thọ bằng cặp mắt hung dữ, thăm dò phản ứng. Những ý nghĩ đấu trí với dân du đãng ngang bướng ngày xưa, hiện về trong trí óc Thọ. Giữ nét mặt bình tĩnh, Thọ trả lời như thách thức :

- Xuất xứ tiền thì cán bộ đã đọc thư, đã biết. Em tôi có chồng là cán bộ cấp Tỉnh, cho tôi tiền để trang trải cuộc sống mới ra tù. Có gì đâu mà gọi là phi pháp ? Cán bộ giữ tiền tôi, chắc chắn phải làm biên bản. Khi về thành phố, tôi phải làm đơn khiếu kiện. Cán bộ nếu được chia chác, chẳng được là bao. Bây giờ tôi bằng lòng tặng cán bộ một trăm ngàn, nhiều hơn một tháng lương của cán bộ. Rất kín đáo, không ai biết.

Nói vừa dứt, Thọ với tay cầm xấp tiền, lấy ra một trăm ngàn bỏ trước mặt nó. Nó ngước mặt lên nhìn Thọ mỉm cười, rồi lấy tiền bỏ vào ngăn kéo. Xong nó tự đông lấy mảnh giấy ghi : “Đã kiểm soát “, kẹp vào túi xách. Mọi người đợi chờ trên xe rất vui mừng khi thấy Thọ trở ra. Ai cũng đua nhau hỏi : “ Có chuyện gì không Bác ? “. “ Có chuyện gì không Bác ? “ Thọ chỉ biết lắc đầu....

Xe đến bến vừa ngừng, bước xuống bến xe, Thọ nhìn quanh đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng, từ các đường phố đến các nóc nhà, cao ốc... Đã hơn tám giờ tối nhưng vẫn nghe điếc tai từ các loa phát thanh gắn trên các cột đèn, nóc nhà, những bản hùng ca Cách mạng vùng lên, Đoàn giải phóng quân và thỉnh thoảng nghe xen lẫn nhạc Trịnh công Sơn, Nối vòng tay lớn, hoặc Huế  Sài gòn — Hà nội... Một đất nước xơ xác, một thành phố xác xơ, người đối với người qua sự gian dối, lọc lừa, và nhìn nơi đâu cũng thấy nghèo đói...

Trước khi đi Thủy và Đạt đã dặn dò : “ Bây giờ khắp nơi trên đất nước Việt nam, làm bất cứ điều gì đều phải đút lót tiền bạc qua cửa ải cán bộ phường khóm và công an “.

Thật đúng như thế, nhớ lại cử chỉ và nét mặt tên công an ở trạm kiểm soát, thấy tiền là sáng mắt. Thọ cố nhìn trong đám phu xích lô xem có tên đàn em nào thuộc băng Trương minh Giảng năm xưa, nhưng thấy toàn là xa lạ, bèn vẫy gọi chiếc taxi đang chạy chầm chậm tìm khách. Taxi ngừng lại, Thọ tự động mở cửa ngồi bên cạnh tài xế nói :

- Tôi muốn đến con hẻm Trương minh Giảng năm xưa, đầu hẻm có tiệm hủ tiếu Hải ký Mì gia, không biết bây giờ có còn tên đường như cũ và tiệm ăn đó không ?

Anh tài xế nhìn Thọ có vẻ thất vọng, bởi Thọ gầy gò đen đúa, trông có vẻ nghèo đói, chắc không có nhiều tiền. Suy nghĩ một lúc, anh ta hỏi :

- Bác ở miền Bắc mới vô ?
- Không phải. Mới ra tù.

Vẫn chưa cho xe chạy, nhìn Thọ lần nữa nói :

- Đường đã đổi tên, Hải ký Mì gia và ông chủ Ba tàu cũng đã biến mất từ năm 79 khi nhà nước đuổi Ba tàu về Trung quốc, tuy nhiên em vẫn nhớ hẻm đó. Một điều nữa là xe em, đồng hồ tiền bị hư. Từ đây về đó 15 ngàn đồng. Bác chịu chứ ?
- Chém vừa thôi cha, mới ra tù làm sao có nhiều tiền để trả ?
- Bác biết không ? Mười lăm ngàn chỉ ăn được 3 tô phở thường. Từ sáng tới giờ em chưa bắt được mối nào. Làm sao em nuôi sống được vợ và 5 con ? Thôi được, em giúp Bác, lấy 10 ngàn thôi. Bác mới ra tù.

Nói vừa dứt thì nó rồ xe chạy....
Thọ nghĩ thật tội nghiệp cho nó, chắc nhỏ hơn Thọ cả chục tuổi. Thời buổi nghèo đói, kinh tế khó khăn làm sao nuôi nổi vợ con ?
Thọ bắt đầu hỏi chuyện :

- Xe hư đồng hồ tiền, sở giao thông vận tải không thanh tra và phạt sao ?
- Bác biết xứ này bây giờ đồng tiền giải quyết mọi vấn đề. Thay đồng hồ mới, tốn gần một triệu bạc. Mỗi năm thanh tra một lần, em chỉ tốn cho họ vài tô phở là xong. Tính toán thiệt hơn nên không muốn thay.

Tài xế Taxi quen đường quen lối thật, Thọ nói thầm trong bụng, nó ngừng ngay con hẻm năm xưa. Mặc dầu bây giờ quá nhiều đổi thay, cờ đỏ sao vàng ngập đầy đường sá kể cả con hẻm nhỏ này. Nhưng Thọ cũng còn nhận ra, dù đã xa vắng hơn hai chục năm trời.

“ Hải ký Mì gia “ bây giờ là “ Tiệm Hủ tiếu Mì Công Nhân Lao Động “. Nhìn vào bên trong chỉ thấy một vài khách hàng. Đèn đuốc lờ mờ tối tăm. Bước xuống xe Thọ đi thẳng vào hẻm tối không có điện, đến trước nhà Sơn râu, không thấy ai quen, qua nhà thằng Sáu mập cũng chỉ thấy những người xa lạ, ghé lại Tài tóc đỏ hỏi ông chủ mới, ông cho hay nguyên cả xóm này đều bị đuổi đi kinh tế mới để nhường lại nhà cửa cho bộ đội từ Bắc vào. Quá thất vọng, Thọ trở ra đầu đường, bước vào quán Công Nhân Lao Động gọi tô mì ăn lót bụng để suy nghĩ tối nay phải ngủ ở đâu ?
Anh chủ quán cũng xấp xỉ tuổi Thọ, đang ngồi lặt rau gần đó, vội vã đứng lên mời hỏi :

- Mời Bác ngồi. Bác xơi gì ạ ? Chắc Bác vừa từ Bắc vào phải không ?

Thọ chậm rãi trả lời :

- Không phải... từ Nha trang về.

Anh chủ quán nhìn Thọ lần nữa nói :

- Lần đầu tiên cháu đoán sai, vậy Bác xơi gì nào ?
- Một phở xe lửa, một ly cối nước lạnh.

Anh chủ quán quay lưng nói vọng vào bếp :

- Bu mày ơi, một phở xe lửa...

Thấy anh chủ quán có vẻ đon đả, lanh lợi, Thọ hỏi :

- Gần đây có nhà trọ cho mướn phòng để ngủ qua đêm không ?

Anh ta nhíu mày suy nghĩ một lúc, trả lời :

- Trên phố có khách sạn, vùng này chắc không có nhà trọ. Nhưng để cháu hỏi bu nó xem.

Chạy vào bếp hồi lâu, khi trở ra nó kéo ghế ngồi xích gần Thọ nói :

- Cuối đường này có căn phố lầu 4 tầng bỏ trống vì không ai dám ở. Ai vào ở cũng bị ma hù dọa đuổi đi. Thời gian này rất nhiều Việt kiều về thăm quê hương, chủ nhà cho mướn giá đắt. Nhưng ở được đêm đầu, hôm sau họ cũng dọn ra. Bây giờ chỉ có bọn du đãng vô gia cư lai vãng Nếu Bác không sợ ma thì đến đó ngủ tạm. Bác có sợ ma không?

Thọ mỉm cười trả lời :

- Người có súng đạn hăm bắn giết, tôi không sợ, tại sao tôi sợ ma ?

Vừa nói đến đó chợt nghe tiếng rớt đổ keng keng của khay bưng tô phở và ly nước văng xuống sàn nhà ngay cửa bếp và người đàn bà ngã quỵ bên cạnh. Anh chủ quán hốt hoảng chạy đến la lên :

- Cái gì thế bu mày ? Vấp té cái gì vậy ?

Vài khách hàng trong tiệm cũng chạy đến giúp anh chủ quán đỡ vợ sang nằm chỗ trống và bảo :

- Anh đi lấy dầu gió xoa bóp. Bà bị trúng gió rồi.

Anh chủ quán mếu máo kêu la :

- Bu mày ơi !... Tại sao xui xẻo vậy ?..Tám ơi !...Tám ơi !...

Thọ giựt mình khi nghe gọi Tám ơi... Tám ơi... bèn đứng lên, bước lại gần xem rồi nói thầm :
Đúng là con Tám rồi... Làn da trắng nõn, mắt to, mi cong...Có lẽ sống đời thoải mái, ăn uống sung túc nên không mấy đổi thay.
Bất chợt, một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu, Thọ không muốn làm phiền cuộc sống Tám nên vội vàng lấy túi xách mang lên vai và đi nhanh ra đường.
Cả một trời dĩ vãng với con Tám hiện về, Thọ bước đi như chân cao chân thấp. Mặc dầu đã cứng rắn quyết định, nhưng lòng dạ vẫn nhói đau.

Màn đêm đã buông xuống, đường sá không mấy tấp nập như xưa. Có những đoạn đường không có điện, tối om, im vắng trông ghê sợ. Toàn dân Việt nam bây giờ sống trong nghèo đói khốn cùng. Nhưng kể cũng may mắn cho Tám. Dù sao vẫn có hàng quán bán buôn, nuôi sống bản thân. Đi lần về hướng anh chủ quán chỉ, Thọ để ý thấy một building 4 tầng, không đèn đuốc tối om. Thọ đánh liều bước vào xem thử. Vừa len lỏi vào trong cổng, đi chưa đến cửa chính, chợt nghe :

- Ai ? Đứng lại.

Thọ nhanh trí, giả giọng Bắc kỳ trả lời :

- Cán bộ từ bắc vào công tác. Biết được căn hộ này bỏ trống, định vào tá túc đêm nay. Đồng chí là ai? Thuộc tổ nào?

Trong bóng đêm mờ tối, ba thằng xuất hiện đứng chăm chăm nhìn Thọ, một thằng lên tiếng :

- Đợi một chút. Tôi vào trình cấp trên.

Vừa đúng lúc thằng đầu đảng xuất hiện hỏi :

- Ông muốn gì ?

Thọ nhận ra giọng nói và vóc dáng quen thuộc, bước tới gần thấy đúng là Sơn râu quai nón. Mặc dù xa nhau đã lâu, đứa nào cũng xấp xỉ bốn chục. Có thể nó đã quên Thọ vì đen đúa, già và gầy đi nhiều, nhưng Thọ thì không thể quên nó được, bèn tiến sát gần hơn và nói nhỏ :

- Sơn râu, mày đã quên đại ca Thọ đen Trương minh Giảng rồi sao ?

Bất thần nó ôm lấy Thọ, mừng rỡ thốt lên :

- Đại ca. Em tưởng đại ca đã đi Mỹ hoặc đã chết mất tích lâu rồi.

Nó bắt đầu thút thít nghẹn ngào khóc. Một lát sau, quay lại bảo đàn em :

- Tụi bây về chỗ cũ canh gác.

Tất cả giải tán, đi mất hút vào bóng đêm. Sơn râu nắm tay Thọ bảo :

- Mình lên trên lầu.

Đi lên quanh co từng nấc thang tối tăm, đến tầng thứ tư có cây đèn cầy leo lét đủ soi sáng chiếc bàn thấp bên cạnh chiếc chiếu trải giữa sàn nhà và chiếc gối ngủ. Sơn nói :

- Đây là nơi ăn ngủ của em. Anh thay quần áo thoải mái, chắc đêm nay Anh Em mình sẽ chuyện trò suốt đêm bởi có quá nhiều chuyện để nói.

Trong khi Thọ sửa soạn thay quần áo, Sơn đi tìm thêm chăn gối, chợt nghe tiếng keng, giống như tiếng muỗng nĩa gõ vào nồi niêu.
Thọ hỏi :

- Tiếng gì vậy ?
- Em treo giấu kín cái xoong nhỏ cạnh bồn nước, và chiếc muỗng nhỏ cột vào sợi dây thòng xuống phía dưới cho mấy thằng em canh gác. Hễ có động tĩnh gì, tụi nó kéo dây báo hiệu cho em kịp thời chạy trốn.
- Ở trên cao này, biết chạy trốn nơi đâu ?
- Mở nắp đậy bồn nước, nhảy vào trong đó đậy lại, ngậm ống thở lặn xuống nước.

Chợt thằng đàn em mang hai ổ bánh mì thịt và hai chai bia vào nói :

- Em mua ở tiệm Công Nhân Lao Động. Khi bước vào thấy có đông người đứng bu quanh bàn. Cô Tám ngồi gục mặt lên bàn trông có vẻ mệt mỏi.

Sơn ra dấu đừng nói nữa, bảo đi trở xuống. Chưa muốn cho Thọ biết chuyện của Tám.
Nhưng Thọ lên tiếng nói :

- Tao đã hiểu hết mọi chuyện rồi.

Thằng Sơn trợn mắt ngạc nhiên hỏi :

- Đại ca biết từ hồi nào ?
- Khoảng hơn nửa giờ qua. Khi đi vào xóm mình, định tìm các anh, không gặp ai, đi trở ra vào quán Công Nhân Lao Động gọi tô phở ăn kẻo đói bụng. Đang ngồi hỏi chuyện với ông chủ quán trong khi chờ bà chủ nấu phở. Một lát sau, thình lình nghe tiếng tô phở và chén bát rớt xuống sàn nhà và bà chủ té xỉu. Ông chủ hốt hoảng kêu Tám... Tám. Tao đứng dậy đến xem mới biết đó chính là con Tám vợ tao. Tao nhanh trí quyết định bỏ đi ra ngoài, không muốn cho ai biết chuyện con Tám và tao. Có lẽ khi con Tám bưng tô phở ra, không ngờ trông thấy tao nên xỉu té.
- Đại ca quyết định rất sáng suốt. Con Tám đã có cuộc sống mới từ khi Đại ca đi tù. Cả Xóm mình bị đuổi đi Kinh tế mới. Thằng cán bộ lo việc xua đuổi dân chúng ra khỏi nhà, thấy nó đẹp nên lấy làm vợ cho đến bây giờ. Không đẻ thêm đứa con nào nữa... Chắc bởi thằng cán bộ tịt ngòi.

Thọ thở dài nói :

- Thôi thế cũng yên phận. Còn mày, tại sao còn ở đây và sống bằng cách nào?
- Khi bọn giải phóng vào, chủ hãng xe em bị đánh tư sản, bị bắt đi tù. Tất cả trên hai chục chiếc xe chở hàng bị nhà nước tịch thu. Em mất nghề tài xế. Theo gia đình đi kinh tế mới. Quá cơ cực nghèo đói nên trốn về lại đây, làm đủ thứ nghề, kể cả nghề lừa đảo cướp giựt. Mấy thằng đàn em cùng cảnh ngộ nên lập băng đảng. Nhưng băng đảng bây giờ nguy hiểm và khó khăn gấp trăm lần băng đảng em và anh ngày xưa. Những năm sau này, nhờ bắt mối được với anh Đức hải quân chuyên lo tổ chức vượt biên. Em lo đưa người đến điểm hẹn. Anh Đức chia chác thật đẹp và nuôi sống bọn em.

Thọ ngắt lời hỏi :

- Còn tòa nhà lầu này ? Chủ là ai ? Tại sao được ở đây tự do ?
- Đâu phải ở tự do. Hàng tháng em phải đóng tiền cho cán bộ phường khóm quanh khu vực này. Chủ nhà trước kia là một Đại tá chế độ cũ. Vợ còn trẻ đẹp, con còn nhỏ dại nên bị cưỡng bức lấy Cán bộ cao cấp lúc giải phóng vào. Khi ông đi tù về không chịu đựng được uất ức nhục nhã, nhìn cảnh vợ mình, nhà mình bây giờ thuộc vào tay người khác.
Một buổi tối, ông làm bộ xin phép đến thăm con, mang dấu theo quả lựu đạn. Thế là hai ông chồng, một vợ, một con cùng chết, sau tiếng nổ long trời lở đất. Gia đình một cán bộ cao cấp khác, nhảy vào làm chủ quyền. Nhưng chỉ ở được hơn một tháng, bởi hồn ma ông chủ nhà đêm nào cũng lai vãng, sợ quá phải dọn ra. Bây giờ dùng cho Việt kiều về thăm quê hương mướn. Nhưng từ lâu nay chưa có ai ở được qua hai đêm.

Thọ ngắt lời hỏi :

- Thế thì tại sao tụi bây ở được ?
- Thỉnh thoảng ông Đại tá cũng hiện hồn về hăm dọa, nhưng tụi em khấn vái cho phép tụi em ở đây giữ nhà cho ông và tiếp tục làm nghề lương thiện, giúp đỡ người trốn khỏi Việt nam, nên được yên thân.

Nhìn đồng hồ gần ba giờ sáng, dưới đường phố vắng bóng xe cộ ngược xuôi. Cả hai cùng mệt mỏi nên nằm lăn xuống sàn nhà ngủ....

Sáng hôm sau, khi mặt trời chiếu qua cửa sổ, cùng với tiếng ồn ào xe cộ đủ loại trên đường phố. Nhìn đồng hồ đã hơn 11 giờ trưa. Thọ thức dậy nhìn quanh chẳng thấy ai. Thằng Sơn râu đã đi đâu từ lúc nào. Thọ đứng dậy vươn vai làm vài động tác thể dục, xong đi ra bồn nước rửa mặt.

Khi trở vào thì vừa đúng lúc Sơn đang sắp đặt cơm và các thức ăn ra tờ báo, có lon cát nhỏ làm bình hương và bó nhang, Thọ hỏi :

- Cúng cho ai vậy ? Tụi bây cũng tin Trời, Phật nữa sao ?
- Phải tin chứ. Hằng ngày trước khi ăn, em phải cúng vái cho gia đình ông chủ nhà. Anh biết mấy năm nay tất cả Chùa chiền, Đình miếu đặt dưới sự quản trị của Sư quốc doanh và Cán bộ. Ngày rằm và mồng một đông nghẹt quan chức, cán bộ đến cầu xin mua danh bán tước. Không hiểu sao bây giờ tụi Cộng sản mê tín một cách điên cuồng như vậy ?

Thọ mỉm cười nói :

- Có gì đâu, bần cùng như bọn mình thì sinh đạo tặc. Bóc lột của dân trở nên giàu sang như chúng nó thì sinh lễ nghĩa. Sự cầu nguyện cúng vái của chúng nó có thiện tâm hay không, Trời Phật chắc chắn thấu hiểu, bận tâm làm gì vô ích.

Cúng vái xong, hai thằng ngồi xuống ăn, Sơn lên tiếng :

- Kể từ bữa nay anh sống ở đây, rất an toàn. Cố gắng lấy lại sức khỏe. Em sẽ tìm cách liên lạc anh Đức cho anh vượt biên càng sớm càng tốt, chứ theo em nghĩ, anh không thể sống tại quê hương Việt nam lâu dài được.

Thọ rất cảm động khi nghe điều này bởi đúng với dự tính của mình bèn nói :

- Chuyện vượt biên sẽ bàn chi tiết sau. Tao muốn tìm hiểu anh Đức hải quân chuyên tổ chức vượt biên, đang hợp tác với mày. Không biết có phải Đức bạn cùng khóa HQ với tao hay không ? Đức bạn tao trước 75 đang ở tù ngoài Côn sơn. Khi mất nước chắc nó cũng theo ghe tàu vượt biên rồi, vì ngoài đó nhiều phương tiện nên lính tráng đi hết.
- Em không biết rành dĩ vãng của anh ta, chỉ biết lúc trước là Hải quân, thế thôi. Mỗi lần gặp nhau, em chỉ biết nhận nhiệm vụ, không có cơ hội nói chuyện tâm sự. Tuy nhiên, bằng mọi giá, em sẽ mời đến đây để gặp anh.
- Vậy thì mày nên nói rằng có một chủ ghe muốn bàn chuyện vượt biên. Nó sẽ hăng hái đến gặp. Chứ mày nói muốn gửi tao đi vượt biên, không có tiền, chưa chắc nó đến.
- Được rồi, em làm theo lời anh dặn.

Hôm nay, thằng Sơn đi làm nhiệm vụ, đưa người đến điểm hẹn, Thọ ngủ ở nhà một mình. Đêm thứ nhì ngủ lại căn nhà lầu 4 tầng này, cũng suy nghĩ, tính toán chuyện vượt biên. Phải tính thật kỹ, chứ nếu bị bắt vào tù một lần nữa, chắc chắn chết trong tù. Lần quyết định này cũng như đang ở ngoài trận chiến chỉ có ta và địch, giữa lằn ranh sống và chết. Chỉ một sơ suất nhỏ, đủ để mình đi vào cõi chết và mang theo niềm ân hận, bởi có thể, những người thân thuộc đitheo. Nằm suy nghĩ phải tổ chức như thế nào, tối thiểu cần có la bàn, bản đồ,mua ở đâu. Trường hợp bị chận bắt, phản ứng ra sao ?Một mình trong căn phòng vắng vẻ, tối om. Đang mơ màng suy nghĩ, bỗng chuông điện thoại reo vang. Thọ thắc mắc, ai gọi vào giờ này chỉ mới 3 giờ sáng ? Chạy đến nhấc phôn, nhưng không nghe gì, ngay cả tiếng rè của phôn cũng không có. Lấy làm lạ, Thọ thắp đèn cầy kiểm soát thấy chỉ có cái phôn quay tay nhưng không có đường dây nối vào tường, tại sao lại reo ?Thọ nhủ thầm, xem như ma nhát, tao đách sợ. Bèn trở về chỗ nằm ngủ tiếp. Tắt đèn nằm mơ màng hơn nửa giờ sau, nghe tiếng lạch cạch ngoài cửa sổ, nhìn ra thấy bóng dáng người đàn ông nhe răng cười và đưa tay vẫy.Lần này Thọ thắp sáng đèn cầy. Mang lon cát lư hương thằng Sơn để lại hôm trước bỏ lên chiếc bàn nhỏ giữa nhà, thắp 3 cây nhang, quỳ xuống khấn vái:

- Cung kính những oan hồn linh thiêng đang vất vưởng trong căn nhà này. Hãy lắng nghe lời khấn vái cầu nguyện từ đáy lòng tôi. Một người cùng chiến tuyến, cùng bị Việt cộng đọa đày trong ngục tù hơn mười năm qua. Ra tù trở về đây chứng kiến cảnh vợ mình bị ép lấy tên bộ đội, tình cảnh giống y hệt như ông chủ nhà. Mở mắt nhìn bao quát hơn, thấy hàng triệu quân dân miền Nam cũng cùng chung thảm cảnh. Mất Chồng, mất Cha, mất Nhà, mất Của... Kể từ khi Đồng minh trói tay chúng ta và tháo chạy, không cung cấp thêm súng ống, đạn bom. Đem dâng miền Nam cho Cộng sản miền Bắc Việt cộng vào Nam thẳng tay tàn sát dân vô tội, giết người cướp của. Cai trị dân miền Nam bằng sắt máu, hận thù. Giáo dục dân miền Nam bằng gian manh, lạc hậu. Đất đai bờ cõi đem bán đứt cho bọn Tàu, kể cả các Hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Được biết ông đã quyết định về bên kia thế giới sum họp cùng vợ con. Rất mừng cho ông. Còn tôi đang vương vấn bụi trần, nên quyết tâm từ giã quê nhà Việt nam để khỏi nhìn thấy cảnh đớn đau tủi nhục. Trong thời gian toan tính chuyện ra đi, xin hồn thiêng ông chủ nhà chotôi tá túc nơi đây. Nếu oan hồn ông hiển linh hơn nữa, xin theo giúp tôi đến được bến bờ tự do càng sớm càng tốt. Cung kính Thượng hưởng. Nguyễn Thọ.

Kể từ khi khấn vái cầu nguyện, không có đêm nào bị quấy rầy, mặc dù Sơn thường đi đêm vắng nhà.Tối nay Đức hải quân sẽ đến gặp bàn chuyện vượt biên, Sơn vừa cho hay sáng nay. Thọ rất bồn chồn lo lắng. Nếu không phải Đức bạn mình thì rất khó bàn tính.

Thọ nằm xuống nghỉ trên chiếc chiếu giữa sàn nhà. Suy nghĩ nên bàn tính như thế nào nếu Đức hải quân không phải bạn mình ? Nhớ lại hình ảnh thằng Trần công Đức cùng khóa, khi còn trong quân trường, nó to cao, trắng trẻo, vui tánh. Giờ nghỉ trưa, khi tất cả SVSQ nằm nghỉ thì nó ra sân volley ball đánh cá độ. Nó chơi volley ball rất giỏi.Thông thường một mình nó chấp hai hoặc ba đứa bên sân kia, nhưng lúc nào nó cũng thắng. Cá độ thường là một đĩa cơm gà và chai bia buổi tối. Khi ra trường, không cùng đơn vị phục vụ nên biệt tăm tích nó. Cho đến hai ba năm sau, khi đọc báo Sài gòn, thấy tên nó trong danhsách gần mười Sĩ quan Bộ binh và Hải quân bị giáng cấp xuống binh nhì và thủy thủ. Bị đưa đi tù ngoài Côn đảo vì dính vào vụ buôn lậu bạch phiến “ Còi hụ Long An “. Rồi từ đó biệt tích giang hồ. Đang mơ màng nghĩ về nó, chợt nghe bước chân đi lên cầu thang. Thọ khoác vội chiếc áo vào bởi linh tính có người lạ. Thằng Sơn xuất hiện nói :

- Anh Đức đến.

Thọ đứng lên nhìn, đột nhiên chỉ tay vào Đức chưởi :

- Đù má...Chính là mày. Tao đang lo lắng sợ không phải mày.

Rồi cả hai ôm lấy nhau. Đứa nào cũng như muốn ứa nước mắt. Tay bắt mặt mừng, biết bao nhiêu điều thăm hỏi vì đã hơn 20 năm xa nhau, kể từ khi rời quân trường.
Thằng Sơn bỏ bịch thức ăn và hai chai bia lên tờ báo rồi nói :

- Hai anh cứ tự nhiên ăn uống, chuyện trò. Em đã ăn rồi, bây giờ xuống sắp xếp công việc cho tụi đàn em. Nói xong, nó bỏ đi xuống lầu. Hai đứa tự động ngồi xuống soạn đồ ăn đem ra tờ báo, Thọ lên tiếng :
- Trước khi bàn chuyện chính, tao muốn biết chuyện gia đình mày.

Đức nhìn Thọ cười nói :

- Thì tao cũng như mày... Lúc trước nghe nói mày nhiều vợ, lắm mối, bây giờ, tối nằm không ngoài chuồng heo phải không ? Còn tao, vợ bỏ khi tao đi tù Côn Sơn. Khi trở vào đất liền thì mẹ con nó đã qua Mỹ. Thế là yên phận, tao không còn lo lắng. Bây giờ tao đang sống chung với 2 bà vợ trẻ bằng nửa tuổi mình.

    - Đù má... thời buổi đói rách, sao mày tài giỏi vậy ?
    - Có gì đâu... mày còn nhớ khi quân Đức tiến vào Paris, chỉ cần một ổ bánh mì là ngủ được một đêm với em đầm trẻ, thơm như mít. Chính nhờ thời buổi đói khổ này nên tao muốn có bao nhiêu vợ cũng được. Miễn sao cho nó ăn uống no đủ thì thôi. Hai năm trước tao ở với một em khác, vì nó cứ cằn nhằn lắm chuyện, làm tao bực bội nên sắp xếp cho nguyên cả gia đình em vượt biên, em mừng quýnh và cám ơn tao rối rít.
    - Tao bái phục mày....À ! còn chuyện “ Còi hụ Long An “, nói chi tiết cho tao nghe coi.
    - Chuyện xưa như trái đất rồi, biết để làm chi. Nhưng lúc đó bởi vì tao tham lam. Đường di chuyển bạch phiến từ khu Tam giác vàng Lào Thái đến Campuchea do bộ binh lo. Tao chỉ lo từ bờ biển Campuchea qua Hà Tiên, qua Rạch giá, bởi chiến hạm tao tuần tiểu khu vực này. Nhưng tao lại muốn thầu luôn từ Rạch giá về Sài gòn, vì nghĩ rằng có xe quân cảnh hộ tống chạy trước và sau mình, lại có hụ còi inh ỏi thì thằng nào dám bắt. Nhưng xui xẻo, bọn Tướng Tá ở Sài gòn họp hành để chia chác lâu quá. Kết quả bất đồng ý kiến nên “ Trâu Bò húc nhau, Ruồi Muỗi chết “. Nguyên cả đoàn xe 5 chiếc bị bắt ở Long An. Báo chí Sài gòn trong đó có nhiều thành phần thân cộng và phản chiến bới móc rùm beng lên, nên bọn tao bị giáng chức từ quan xuống lính rồi đi tù Côn đảo. Khi nghe lệnh buông súng đầu hàng thì trại tù như đàn ong vỡ tổ, chạy tán loạn vô trật tự. Cũng may có người đốt cháy thiêu hủy hết hồ sơ, không còn biết ai là tù hình sự, ai là tù chính tri. Tao khai là tù chính trị nên ưu tiên về Sài gòn. Đại khái là như vậy.

    Thọ nghe và khâm phục sự lanh lẹ trong khả năng xoay xở tình thế của Đức bèn đề nghị :

    - Hay là mày thu xếp để cùng tao ra đi chuyến này. Có mày tao đỡ lo lắng hơn và chắc chắn thành công.
    - Bây giờ thì chưa được. Lý do lúc này tao nhận được nhiều thư bạn bè nước ngoài nói rằng chúng nó làm lụng rất vất vả, bởi ngôn ngữ bất đồng, lớn tuổi rất khó học chữ, học nghề. Có đứa phải cày hai jobs nhưng chỉ đủ nuôi sống gia đình, chẳng dành dụm được bao nhiêu. Đền bù lại là tất cả đều được tự do, sống thoải mái. Không sợ ai hỏi han, bắt bớ trái phép.

    Thọ ngắt lời hỏi :

    - Như vậy chắc mày làm ăn khá lắm nên không có ý định ra đi ?
    - Mày thử làm bài tính đơn giản : Tao tổ chức mỗi chuyến đi từ một trăm đến ba trăm người tùy ghe lớn hay nhỏ. Lúc trước từ 5 đến 7 cây ( Lượng ) cho mỗi đầu người. Bây giờ bắt buộc phải 10 cây trở lên. Nếu ba trăm người đi, sẽ có ba ngàn cây. Chi phí đóng tàu lớn khoảng một trăm cây. Nhiều hơn mua căn nhà tại Sài gòn bây giờ. Chi phí cho Công an và mua bãi, chừng hai trăm cây. Chi phí cho bọn tao lo chuyển người, chôn dầu, một trăm cây. Như thế mày biết chủ tàu cầm trong tay bao nhiêu cây, chỉ lo thức ăn, nước uống và linh tinh... Nói thật cho mày biết, cuộc sống tao bây giờ chỉ thua ông vua mà thôi. Tại sao tao phải ra đi ? Ở đây chỉ cần có tiền là giải quyết mọi vấn đề. Ngay cả chuyện lấy vợ của tao cũng thế. Sau này nếu tao chán chê mấy em này thì tao tổ chức cho chúng vượt biên, tao tìm em khác trẻ hơn, đẹp hơn.

    Thọ mỉm cười ngắt lời nói :

    - Đù má... nghe mày nói mà thèm. Nhưng trường hợp bị bắt thì sao ?

    Đức nhún vai trả lời :

    - Bị bắt thì những người vượt biên ở tù, mắc mớ gì mình ? Như trường hợp tháng rồi, bị bể ổ. Hiện nay đang ứ đọng gần ba trăm người. Tao sẽ để mày làm thuyền trưởng kiêm tài công chuyến này. Chắc chủ ghe vui mừng lắm, bởi có một SQHQ nhiều kinh nghiệm biển cả và gan lì như mày.

    Thọ vươn vai ngáp dài có vẻ mệt mỏi bởi nghe Đức nói nhiều quá. Thọ bèn cắt ngang :

    - Nhưng thôi, bây giờ đến chuyện của tao....Tao đã suy nghĩ kỷ khi vừa ra tù. Chuyến ra khơi này chỉ có hoặc sống nơi bến bờ tự do hoặc chết chứ không có chuyện trở về ở tù. Do đó mày cố gắng giúp tao.
    - Giúp mày là bổn phận của tao. Mày đừng lo. Mày cần bất cứ điều gì tao cũng có thể lo đươc. Tao bảo đảm.

    Thọ nhắm mắt suy nghĩ một hồi rồi chăm chú nhìn Đức nói :

    - Việc trước hết là Bản đồ, La bàn. Từ nơi xuất phát ra cửa biển, nơi nào cạn, nơi nào sâu và giờ thủy triều dâng, thủy triều xuống, mày tra cứu và nhớ ghi lên bản đồ giùm tao. Điều quan trọng nửa là mua giùm tao 5 khẩu Rouleau, nếu không có thì Colts 45 cũng được.
    - Tại sao phải 5 khẩu ?
    - Tao tổ chức toán cảm tử 4 thằng và tao, đề phòng công an bắt hoặc hải tặc cướp biển.

    Thằng Đức suy nghĩ một hồi nói :

    - Được. Dễ thôi. Trong vòng mười ngày, tao sẽ giao súng và cho mày biết ngày giờ đi và điểm hẹn. Ngày mai tao sẽ đến ăn trưa với mày và cho biết thêm những diễn tiến.

    Ôm nhau từ giã, tiễn Đức đi xuống lầu xong Thọ nằm xuống chiếu ôn lại những gì đã bàn tính với Đức. Nghĩ rằng đây là ván cờ cuối cùng trong đời, phần thắng đã năm mươi phần trăm nhờ các quí nhân như Đạt, Thủy, Sơn, Đức. Cầu xin ơn trên phò hộ...

    Kể từ nay, Thọ nhất định sẽ cùng Thủy đi trọn đường tình, dù mới chớm nở nhưng Thọ cảm thấy như từ muôn kiếp trước. Xưa nay đàn bà con gái đối với Thọ chỉ là đối tác để thỏa mãn tình dục và sinh con đẻ cái cho Thọ. Nhưng giờ đây những nhu cầu đó đều không nghĩa lý gì, không cần thiết nữa. Thọ đã hiểu được lòng mình muốn gì. Chỉ có tình yêu của Thủy và mình mới có thể xóa lấp vết hằn oan khiên thù hận. Thù người, hận đời đã nghiền nát cuộc sống của mình, của Thủy bấy lâu nay.
    Thủy ơi !. Anh nhớ em vô vàn..... Nguyện cầu tất cả mọi chuyện êm xuôi và Đạt sẽ đem em về Sài gòn kịp giờ lên đường vượt biên. Anh hứa, ngực của anh từ nay chỉ một mình em tựa đầu áp má....

    Đang miên man nghĩ ngợi, mắt lim dim muốn ngủ, bỗng Sơn bước vào hỏi :

    - Sao, mọi chuyện bàn tính tốt đẹp không Đại ca ?
    - Rất tốt, tao đã gặp quí nhân. Mày ngồi xuống đây tao hỏi. Trong số những đàn em của mày, có thằng nào gan lì, có thành tích đâm chém không ? Biết dùng súng càng tốt. Tao cần 5 thắng, kể cả mày và tao.

    Im lặng suy nghĩ một lúc nó trả lời :

    - Mấy thằng này còn trẻ, gan lì, dám làm nhưng em chưa thấy đụng chạm những hiểm nguy thực tế.
    - Thôi được, tao sẽ nhờ Đức giới thiệu trong đám vượt biên. Bắt đầu hôm nay, mày chọn một thằng em xuất sắc nhất, huấn luyện thay thế mày, làm việc cho Đức để mày cùng đi vượt biên với tao. Sơn đứng lên nói :
    - Thôi, để Đại ca nghỉ... À quên, anh Đức đưa em một cây trước khi về anh dặn lo vấn đề ăn uống cho Đại ca...

    Qua một đêm ngủ ngon, sáng nay thức dậy Thọ cảm thấy thoải mái. Chưa tới mười một giờ trưa đã nghe tiếng nói chuyện của Sơn và Đức đi lên cầu thang. Như thường lệ, Sơn trải báo dọn cơm. Lần này cả ba cùng ngồi ăn. Đức thông báo, nếu không gì trở ngại giờ phút chót, đúng hai tuần nữa mày ra khơi. Trước đó một ngày sẽ có người đưa mày và Sơn xuống Rạch giá. Súng đạn sẽ giao cho mày tại điểm hẹn khi bắt đầu lên ghe.
    Bất chợt, Thọ bỏ đũa thở dài nói :

    - Chà... như vậy hơi trở ngại. Chỉ có hai tuần, không biết người yêu tao và thằng em từ Nha trang có về kịp hay không. Nếu không về kịp, tao làm sao đi?

    Đức nhìn Thọ chưởi thề :

    - Đù má...tại sao giờ này mày mới cho tao hay ? Tao đã thông báo những nơi cần thiết rồi, không thể thay đổi được.

    Thấy cả Đức và Thọ cùng vò đầu suy nghĩ tìm giải pháp, Sơn lên tiếng :

    - Thôi được, các anh đừng lo. Ngày mai em mua vé xe đò đi Nha trang, đem họ vào. Anh Thọ cho địa chỉ và dặn em những điều cần thiết.

    Cả Đức và Thọ cùng sáng mắt lên nói :

    - Giải pháp rất hay.

    Xong Thọ nhìn Đức nói :

    - Còn chuyện quan trọng nữa là mày tìm giùm tao trong số ra đi chuyến này, có tên nào gốc Biệt động quân, Thủy quân Lục chiến hoặc Nhảy dù, độc thân càng tốt, giới thiệu giùm tao. Tao cần ít nhất 3 đứa.

    Đức như chợt nhớ ra, bèn nói :

    - Tao quên nói mày hay, có thằng Đ/úy Biệt động tên Nghĩa, vợ và đứa con gái 15. Đến nhờ tao xin chủ ghe cho nó đi, thay vì trả 30 cây, nó chỉ có 22. Nó hứa sẽ trả sau.
    - Nhưng chủ ghe làm sao tin được nó sẽ trả. Nó còn cho hay, nó mới ra tù chung với với một Đ/úy HQ tên Thọ.

     Thọ sáng mắt lên nói :

    - Đúng rồi. Cho tao gặp thằng Nghĩa, chính là hắn.

    Thọ bóp trán suy nghĩ một lát xong nói tiếp :

    - Tao đề nghị, thù lao mày trả tao làm Thuyền trưởng và Tài công bao nhiêu, mày bù qua cho nó....

    Mọi công việc sắp xếp đã xong xuôi, bây giờ chỉ còn ba ngày nữa lên đường đi Rạch giá nhưng thằng Sơn đi Nha trang vẫn chưa trở về. Lòng nôn nao, bồn chồn, bắt đầu mất ngủ trở lại. Chưa bao giờ Thọ suy nghĩ nhiều về người yêu như hiện nay. Hồng Thủy ơi ! Em là người đàn bà duy nhất đã đánh động tình yêu trong lòng anh trỗi nhịp. Hòa tấu khúc nhạc tình đầu tiên cho riêng anh. Vườn yêu đương của anh bắt đầu mở rộng cửa, đón em nhẹ bước vào. Vườn tình này, thiên đàng này, sẽ là nơi chúng ta vui sống, từ nay và mãi mãi về sau. Bên cạnh em, anh sẽ trút bỏ hết tất cả oán thù, hờn căm.Trút bỏ hết những buồn đau trong quá khứ, và chính điều này cũng sẽ giúp em sống lại được bằng tình cảm con người, tình yêu đôi lứa mà em đã một lần bị Việt cộng cướp đi. Anh không có tham vọng thay thế hoàn toàn người em yêu quí nhất đời, nhưng ít ra sống bên anh, em sẽ không khổ đau, không cô đơn, không trống vắng. Còn anh thì lần đầu tiên trong đời có được tình yêu để nâng niu, để tận hưởng. Thọ thiếp đi trong giấc mơ đẹp cuộc tình...

    Mãi đến khi nghe những bước chân đi lên cầu thang, thằng Sơn xuất hiện bên cạnh thằng Đức, hai thằng với vẻ mặt nghiêm nghị khó hiểu. Thọ vội vàng lên tiếng :

    - Hình như có chuyện không may ? Thủy và Đạt đâu rồi ?

    Sơn và Đức nhìn nhau như muốn nhường nhau, ai người nói trước. Chợt Đức nghiêm mặt nói với Thọ :

    - Tao muốn mày phe lờ mọi chuyện, chỉ chú tâm cho chuyến đi. Hãy vững niềm tin chắc chắn thành công. Mọi chuyện xảy ra, dù có làm mày nao núng, cũng chỉ là giây phút thôi, nghe qua rồi bỏ, không nên bi lụy sầu buồn.

    Thọ cắt ngang :

    - Chuyện như thế nào ? Nói lẹ cho tao biết.

    Thằng Sơn buồn bã kể :

    - Em đến Nha trang buổi chiều, đi thẳng đến quán chị Thủy. Hỏi cô Cashier trẻ, Dì nuôi đâu rồi. Cô ta gọi vào bếp, Bố Mẹ ơi, có người muốn gặp. Ông trung niên người Bắc bước ra hỏi. Ông là ai ? Cần gì ? Em nói, tôi là em chồng trước đã chết của Dì nuôi. Ngẫm nghĩ nhìn em một hồi rồi ông bảo vào trong nói chuyện. Ông cho hay Dì nuôi đã tự tử chết trong tù. Vợ chồng Bà Thu Nga là bạn thân ở phía cuối con hẻm vừa lãnh xác đêm về làm đám tang cách nay một tuần. Cần biết thêm tin tức, nên đến gặp họ. Em đến gặp vợ chồng anh chị Thu Nga. Ông xã chị Nga cùng khóa Võ bị Đà lạt với chồng chị Thủy. Đi tù về, bây giờ chạy xe Honda ôm. Chị Nga làm nghề may vá quần áo. Cuộc sống tạm đủ để nuôi sống 4 con còn nhỏ dại. Chị Thủy đã từng giúp đỡ gia đình chị Thu Nga qua cơn ngặt nghèo. Do đó, khi nghe tin chị Thủy bị bắt, chị Thu Nga ra vào trại tù thăm nuôi. Chị Thu Nga nói : Câu chuyện bị bắt lúc ban đầu chỉ có nhóm chôn dầu của anh Đạt bể ổ. Đạt và 5 đàn em bị bắt. Trong mấy ngày đánh đập để thẩm vấn điều tra, có thằng em không chịu nổi nên khai có liên hệ Dì nuôi. Bị đánh đập thêm nên nó khai chính nó là người mua thuốc diệt côn trùng giao cho Đạt để cùng Dì nuôi giết chết người chồng cán bộ. Thế là Dì nuôi bị bắt. Chị Thu Nga nói thêm, trước ngày chị Thủy tự tử, chị đã nhờ tôi tìm cách gửi gói quà này cho anh Thọ.

    Nói xong, Sơn trao gói quà cho Thọ. Thọ gục mặt nấc lên nghẹn ngào, rồi tức tối than van :

    - Bây giờ tôi là con chó bị dồn vào chân tường. Bắt buộc phải quay đầu lại nhưng biết cắn ai đây ?

    Sơn cũng khóc theo....

    Nghề chính của Đức là tổ chức vượt biên, nhưng nghề nghiệp trong giấy tờ là “ Cung cấp cây trái và rau cải tươi miền lục tỉnh đến các chợ trong thành phố Hồ chí Minh “.Do đó Đức có quyền lái chiếc truck cũ kĩ của mình đi mua rau miền lục tỉnh. Mặt khác, mấy trạm kiểm soát đã được mua đứt nên việc chở Thọ và Sơn về Rạch giá không gặp trở ngại khó khăn.

    Thuê khách sạn Rạch giá nằm nghỉ ngơi, nhưng Thọ thức suốt đêm, cố xua đuổi hình ảnh Thủy ra khỏi tâm trí để lo công việc hiểm nguy hiện tại nhưng rất là khó khăn. Đúng 2 giờ sáng, ba thằng lên xe đến điểm hẹn. Thọ nhủ thầm, không ngờ thằng Đức tổ chức rất chu đáo. Chưa đến 3 giờ sáng là ba trăm người vừa con nít vừa người lớn đã lên hết trên ghe. Đức giao súng đạn và 2 cuộn vải tròn cho Thọ rồi nói :

    - Đây là 2 biểu ngữ : “Đoàn công tác Nông trường Đồng Tháp Mười. “ Giăng lên hai bên mạn ghe khi nào thấy Công an tuần giang đến gần.

    Căn dặn xong Đức ôm Thọ nói lời từ biệt và chúc may mắn. Đức vừa rời khỏi bãi là Thọ gọi 4 thằng thuộc đội cảm tử của mình đến phân phát súng đạn và căn dặn :

    - Các bạn xem đây như Lệnh hành quân. Chúng ta chỉ có một chọn lựa duy nhất là sống nơi đất tự do, không trở lại Việt nam ở tù. Tuyệt đối tuân hành lệnh tôi và Nghĩa.

    Trước khi leo lên ghe nhỏ để ra ghe lớn, cả 05 thằng Thọ, Nghĩa, Sơn, Trí, Tâm nắm tay nhau nói :

    - Chắc chắn ta sẽ thành công.

    Trí và Tâm cũng là dân Biệt động, bạn của Nghĩa, tuy mới gặp Thọ lần đầu nhưng rất có cảm tình và nể phục.

    Như đã ấn định thời gian, đúng 4 giờ sáng là Thọ cho ghe khởi hành. Từ trong sông rạch, khói hơi nước bay la đà trên mặt sông nên Thọ rất khó nhìn để lái ghe. Chỉ định thằng em đứng trước mũi ghe trông chừng, để tránh chạy sát bờ mắc cạn. Thọ giữ vững tay lái, cố gắng cho ghe chạy chính giữa dòng sông. Dự trù từ nơi xuất phát ra cửa biển chừng một tiếng đồng hồ. Nhưng khi chạy được 40 phút, thì bị mắc cạn ngay khúc quẹo ra biển.

    Người quá đông, ghe nặng, Thọ rồ máy tối đa cho tiến tới, thụt lùi nhưng ghe vẫn nằm yên một chỗ. Thằng em cơ khí từ hầm máy chạy lên báo cáo :

    - Đại ca phải chờ nước lên, chứ cứ rồ máy chắc sẽ bể bơm nước làm nguội máy, bởi bơm hút vào toàn là bùn cát.

    Thọ rất lo lắng, bởi nếu đợi nước lớn, trời sáng tỏ, chắc chắn công an tuần giang sẽ đến bắt. Thọ ra lệnh 5 thằng em, đi huy động những người biết bơi, nhảy xuống sông đẩy ghe. Cũng may, mọi người hăng hái làm theo, nhảy xuống sông chung sức đẩy. Nhờ nhiều người nhảy ra khỏi ghe, làm cho ghe nhẹ nổi lên, và nhờ sức người đẩy nên loay hoay chừng nửa giờ là ghe di chuyển được. Mọi người mừng rỡ nhưng trời đã sáng tỏ.
    Thọ tăng vận tốc để chuẩn bị ra cửa biển. Chợt thằng em báo cáo :

    - Đại ca ơi, có tàu tuần giang chớp đèn sau lưng mình.

    Thọ cho gọi 4 thằng em cảm tử đến gần bảo sẵn sàng súng đạn nhét vào sau lưng quần và giăng hai biểu ngữ “Đoàn công tác Nông trường Đồng tháp mười “ hai bên thành ghe.

    Thọ tăng vận tốc nhanh hơn và lấy ống nhòm nhìn ra sau. Chiếc tàu tuần là loại Giang tốc đĩnh của HQ/VNCH xưa kia, bây giờ Việt cộng dùng tuần tiễu trong sông rạch. Có hai máy rất mạnh, chạy nhanh, không có mui che và không thể chạy ra biển được.

    Thấy có 3 nhân viên, một mang AK đang cầm lái, hai người đứng trước mũi và sau lái, ghìm súng AK 47 như sẵn sàng bắn. Biết không thể chạy thoát được, Thọ ra lệnh đàn em bảo mọi người vẫy tay chào khi tàu tuần tiễu chạy ngang qua. Mọi người làm theo, tàu tuần không nghi ngờ nên quay đầu trở lại. Ai nấy trên ghe một phen hú hồn, thở phào nhẹ nhõm. Chạy thêm được hơn mười lăm phút nữa, mặt trời đang ló dạng biển Đông. Bắt đầu vượt qua vùng nước đục và trong, phân chia nước sông và biển. Bất thần chiếc Giang tốc đĩnh trở lại chớp đèn bắt ngừng. Thọ nghĩ bây giờ đã ra biển thì quyền kiểm soát của Hải quân chứ tuần giang chỉ có quyền kiểm soát trong sông. Tại sao Giang tuần lại chạy theo ra biển ? Thọ bèn tăng tốc độ nhanh hơn và gọi 4 thằng em cảm tử đến dặn:

    - Có thể bây giờ là lúc ta phải đối đầu. Cho đạn lên nòng, sẵn sàng đợi lệnh, tao thằng sau lái, Nghĩa thằng mũi, Sơn lo thằng lái tàu. Trí và Tâm theo dõi, chỉ bắn khi ba thằng tao gặp hiểm nguy.

    Thọ tiếp tục tăng tốc độ nhanh hơn, nhưng Giang tốc đĩnh đã lên song song bên phía hữu. Bất thình lình, hai tràng AK pằng... pằng... pằng... bắn thẳng vào đám đông người ngồi trên mui ghe, do hai tên Công an trước mũi và sau lái nhắm bắn.
    Tiếng than khóc, tiếng la hét của đám người bị thương vang dội vùng cửa biển. Tiếng thằng Nghĩa khóc rống lên :

    - Vợ tôi chết rồi. Con tôi bị thương....Trời ơi là trời...Tôi biết sống với ai bây giờ đây ?.. Em ơi ! sao em nở bỏ anh và con ?..Tại sao tụi bây tàn ác thế... Trời ơi là trời...

    Tiếng than khóc kêu cứu của mọi người vẫn tiếp tục, nét mặt Thọ trở nên đanh thép, giảm hết máy cho ghe ngừng. Rút súng cầm tay, núp sau đám người đứng sát mạn ghe, chờ đợi. Chiếc Giang tốc đĩnh từ từ tiến sát vào ghe. Ba tên Công an nét mặt đằng đằng sát khí, tên đứng phía mũi nạt nộ :

    - Thuyền trưởng đâu ? Cho ghe trở vào sông. Vượt biên mà dám nói đi công tác hả ?

    Khi Giang đĩnh vừa cặp sát mạn ghe, Thọ gật đầu ra lệnh.
    Hai phát súng... đùng... đùng... Hai tên Công an gục xuống. Nhanh như chớp, cả ba thằng Thọ, Nghĩa, Sơn nhảy qua. Tên Công an lái tàu mang súng AK sau lưng, định xoay ra trước lên cò nhưng bị thằng Sơn khóa tay, kẹp cổ. Thằng Nghĩa để một phát pằng... ngay đầu, ngọt xớt. Thọ bảo thằng Nghĩa :

    - Mày cho mỗi thằng một phát ân huệ cuối cùng.

    Pằng... pằng... Pằng... Ba phát ân huệ vào đầu ba tên Công an...Máu và thịt văng tung tóe... Mọi người trên ghe lấy tay bịt mắt, không dám nhìn. Chuyện xảy ra quá nhanh, như trong ciné. Thằng Nghĩa nhảy trở về ghe, băng bó cho con gái bị thương. Hai bố con ôm xác chết, khóc thương rất thê thảm. Thọ và Sơn kéo ba xác chết xuống khoang tàu rồi bảo Sơn cột tàu vào mạn ghe, kéo theo. Xong trở về ghe mình tăng tốc độ chạy ra biển. Kiểm điểm lại trên ghe có 4 người chết, ba đàn bà, một đàn ông và bị thương nhẹ 8 người. Thọ bảo đàn em thông báo mọi người sẵn sàng, khoảng vài ba giờ nữa sẽ nhận chìm Giang đĩnh và làm lễ Thủy táng. Định tĩnh tinh thần trở lại, Thọ nhìn la bàn cho mũi ghe về hướng Tây để tránh đi gần phía Nam đảo Phú quốc. Dự trù chạy hướng Tây khoảng 10 tiếng đồng hồ sẽ đổi hướng 45 độ Tây Bắc, thẳng hướng vào vịnh Thái lan.

    Ghe chạy hơi chậm bởi phải kéo chiếc Giang đĩnh. Trên ghe, thân nhân những người chết vẫn tiếp tục khóc thương. Những người khác thì tụ họp nhau bàn tán vì chưa hết cơn kinh hoàng. Thình lình ông Chủ ghe, mặt mày còn tái xanh, dưới gầm tàu bò lên, đến gần Thọ, chắp tay vái một cái rồi nói :

    - Tôi thành thật bái phục lòng can đảm của anh, tôi không chứng kiến nhưng con tôi kể lại. Chính anh đã cứu chúng tôi khỏi trở lại Việt nam vào tù. Vái trời khi đến được bến bờ tự do, tôi sẽ tưởng thưởng anh thêm 10 cây nữa.

    Thọ ráng nhếch mép cười, trả lời :

    - Đoạn đường gian khổ nguy hiểm đang còn, chưa biết những gì sẽ xảy đến cho chúng ta, nhất là hải tặc. Xin cám ơn trời đất, cám ơn ông.

    Khi ông ta từ giã chui xuống hầm tàu, Thọ cho gọi Sơn, Tâm, Trí đến dặn dò :

    - Nghĩa bây giờ đang khủng hoảng tâm trí, có thể quyết định không chính xác bởi sự tức giận, nóng nảy. Do đó, tôi chỉ định anh Trí đảm nhận công việc của Nghĩa, sau tôi, nếu không may ta đụng độ hải tặc. Nên nhớ, dù hoàn cảnh nào, sự bình tĩnh là yếu tố thành công.

    Thọ vừa lái ghe, vừa cầu nguyện, “ Nếu số mạng con vẫn còn trên thế gian, xin trời đất phò trợ đến được bến bờ tự do, tránh việc giết người, đổ máu.”.

    Vì không có dụng cụ làm point thiên văn, Thọ xác định vị trí bằng vận tốc ghe, hướng mặt trời, cùng với độ dạt bởi gió. Hơn hai giờ khó nhọc kéo theo Giang tốc đỉnh, Thọ cho gọi đàn em thông báo chuẩn bị nhận chìm tàu và làm lễ Thủy táng. Mọi người trên ghe, không ai bảo ai, tự động xé áo thun, kẻ bịt lên đầu, người cột vào cánh tay để tang. Nhìn bốn bề chỉ có trời nước, biển êm, gió nhẹ, nên Thọ cho ghe lình bình. Trước khi cột những vật nặng vào thi thể, để thả xuống đáy biển, Thọ phát biểu cũng là để bày tỏ cho mọi người biết hành động của mình :

    - Thưa bà con cô bác, sự việc xảy ra hơn hai giờ qua, chúng ta chỉ tự vệ. Tuy nhiên trước khi ra đi, tôi đã thề hoặc đến bến bờ tự do hoặc chết trên biển chứ nhất quyết không trở về Việt nam ngồi tù. Do đó, ít nhất phải hơn hai ngày nữa mới vào được vịnh Thái lan.
    Chưa biết diều gì sẽ xảy đến. Số phận chúng ta đang nằm trong tay của Chúa, của Phật. Bất cứ giờ khắc nào, xin bà con cứ nguyện cầu. Hỡi vong linh những người kém may mắn, kể cả vong linh ba quí vị Công an. Số phận mọi người đã được an bài. Bên kia thế giới sẽ không có oan khiên thù hận. Xin phò trợ chúng tôi đến được bờ tự do. Chúng tôi đang cầu Chúa, cầu Phật cho vong linh quí vị được siêu thoát chốn vĩnh hằng.

    Giữa biển khơi, chỉ nghe tiếng gió nhẹ. Mọi người im lặng với đôi dòng lệ tuôn trào. Thọ ra lệnh Thủy táng. Hầu hết mọi người trên ghe đều rơi lệ. Bố con Nghĩa khóc thét lên đau đớn, kể lể :

    - Em ơi ! công khó em và con đợi chờ anh hơn mười năm tù đày, anh quyết đem em và con đến bờ tự do để đền đáp phần nào cho em. Nhưng trời đất sao bất công để em vĩnh viễn xa anh và con.....Ôi trời đất ơi !.....hu...hu...

    Trong khi ôm thi thể vợ thả xuống biển, nó vô ý làm rớt khẩu súng chìm nhanh xuống vực sâu. Bây giờ Thọ chỉ còn 4 tay súng. Không biết có điềm gì xấu hay không ?

    Sau khi đâm mấy lỗ thủng cho giang đĩnh chìm nhanh. Thọ ra lệnh mọi người xả tang quăng xuống biển. Xin đừng để lại dấu vết người chết trên ghe. Mọi người răm rắp làm theo. Quăng khăn tang xuống biển, trắng cả một vùng.

    Ghe bắt đầu tăng nhanh tốc độ. Lợi dụng biển êm sóng lặng, Thọ nhờ Sơn cầm tay lái, giữ hướng đi, Thọ nằm dài xuống sàn ghe nghỉ ngơi. Ngủ thiếp đi hơn hai tiếng đồng hồ, chợt thằng Sơn đưa chân hích nhẹ vào lưng Thọ gọi :

    - Đại ca, đại ca... có tàu lớn đi ngược hướng và gần mình.

    Thọ vùng dậy, lấy ống nhòm xem, rồi nói thầm, lạ thật, tàu buôn nước nào mà không thấy tên, cũng không treo cờ quốc tịch. Chừng hai mươi phút sau, Thọ cầm ông nhòm nhìn lần nữa, nói lớn :

    - Tàu buôn Trường Sơn Đông, có cờ Việt cộng sau lái.

    Nhớ lại thằng Đức căn dặn trước khi đi, coi chừng tàu tuần Việt cộng giả dạng tàu buôn, chuyên đi bắt ghe vượt biên, thông thường chỉ có từ 10 đến 12 thủy thủ đoàn mà thôi và có súng. Cấp tốc cho tập họp mấy đàn em căn dặn, Thọ nói:

    - Lần này có thể rất khó thoát thân, hơn nữa ta chỉ còn 4 tay súng. Chắc chắn nó sẽ ra lệnh mình lên tàu nó, nếu tình thế không hòa giải được, ta sẽ cướp tàu. Tôi uy hiếp Hạm trưởng trên Đài chỉ huy, Trí lo phòng lái, Sơn lo sân trước, và Tâm lo sân sau. Chỉ sử dụng súng khi có lệnh tôi. Còn Nghĩa ở lại ghe mình, đốc thúc mọi người làm theo  lệnh tôi. Kìa, nó đang chớp đèn bắt mình ngừng. Chúc may mắn. Giải tán.

    Chừng vài phút sau thì tàu nó đã cặp sát ghe. Nhờ sóng yên biển lặng nên không va chạm mạnh. Hai thủy thủ cầm súng AK chĩa xuống ghe canh chừng. Tiếng loa phóng thanh trên Đài chỉ huy ra lệnh :

    - Thuyền trưởng và tất cả nhân viên phải lên chiến hạm.

    Cùng lúc một thủy thủ khiêng cầu thang dây máng vào mạn tàu, thả xuống. Thọ và ba đàn em lần lượt leo lên. Một thủy thủ hướng dẫn cả 4 đứa vào phòng ăn chiến hạm.

    Thọ liếc nhanh, chỉ thấy một thủy thủ cầm AK đứng trong góc. Một lát sau, một người mặc thường phục đi ra kéo ghế ngồi xuống đầu bàn, lên tiếng hách dịch hỏi :

    - Các anh chở người đi đâu mà ra tới ngoài này ?

    Thọ đã chuẩn bị sẽ trả lời ra sao và những gì sẽ điều đình với nó nên đáp nhanh:

    - Chúng tôi vượt biên.

    Nó đập mạnh tay xuống bàn nói :

    - Các Anh dám cả gan trả lời tôi như vậy sao ?

    Thọ bắt đầu đánh phủ đầu :

    - Xin Cán bộ không nên nóng giận, Cán bộ hỏi thì tôi nói thật. Cán bộ bắt chúng tôi trở về, thủy thủ đoàn tàu này trên dưới 10 người sẽ được mỗi người một bằng tưởng lục ngợi khen của Nhà nước. Vợ con các anh vẫn đói khổ. Trường hợp chúng tôi nhất định không trở về, không lẽ các anh giết hết cả ba trăm đồng bào vô tội của mình hay sao ? Bây giờ nếu các anh khoan hồng cho chúng tôi đi, tôi sẽ quyên góp vàng bạc, của cải, tặng các anh. Vợ con các anh sẽ mừng vui, có được bữa cơm no áo ấm. Nhà nước không hay biết gì. Cán bộ nghĩ thế nào ?

    Nó cúi gầm mặt xuống bàn suy nghĩ, xong nhìn Thọ nói :

    - Tôi là Hạm phó, không quyết định được. Đợi tôi vào trình Hạm trưởng.

    Nó đứng lên đi ra khoảng chừng 15 phút, trở vào nói :

    - Ông Hạm trưởng nói được, nhưng phải 50 cây.

    Thọ cũng nói lại giọng đanh thép, thách thức :

    - Năm chục cây nhiều quá, chắc không giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, tôi quyên góp được chừng nào hay chừng đó. Tôi không bảo đảm sẽ có 50 cây.

    Nó lên tiếng :

    - Đợi tôi trình lại Hạm trưởng.

    Hơn năm phút sau trở lại nói :

    - Thôi được. Anh đi quyên góp trước, sẽ quyết định sau.

    Trên đường đi ra, Thọ bảo nhỏ hai đứa ra sau lái, một đứa ra phía mũi đợi. Thọ xuống ghe thông báo mọi người, lấy cái thùng nhựa dùng tát nước để đi quyên góp. Ông chủ ghe bỏ vào 10 cây, mọi người khác đóng góp vòng vàng nhẫn, dây chuyền tổng cọng lên gần nửa thùng. Thọ xách lên giao cho Hạm phó đem trình hạm trưởng.

    Gần mười phút sau, nó vẫn chưa trở lại. Thọ ra dấu ba thằng chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh.
    Không ngờ nó trở vào phòng với nét mặt tươi vui nói :

    - Được rồi. Các anh có cần thêm nhiên liệu và nước ngọt không ?

    Thọ thở ra nhẹ nhõm, nói :

    - Nhiên liệu dầu Diesel còn nhiều, xin bơm cho tôi nước ngọt, nếu được.

    Hạm phó đến bắt tay Thọ, chúc chuyến đi thành công và thân mật dặn dò đường đi, nó nói :

    - Nếu ghe chạy được 10 hải lý / giờ thì khoảng 8 giờ sáng mai, đổi hướng từ Tây sang Tây Bắc, trực chỉ vịnh Thái lan.

    Thọ vẫn giữ nét mặt lạnh lùng nói :

    - Cám ơn. Tôi đã biết đường đi.

    Trong thời gian bơm nước ngọt vào ghe, Thọ thông báo tin vui, không bị bắt giữ. Mọi người vỗ tay vui cười. Có người nói lớn, Hoan hô anh thuyền trưởng. Xứng đáng là anh hùng chúng ta...

    Rời tàu Hải tuần khoảng một tiếng đồng hồ, Thọ tập họp 4 thằng em, Nghĩa, Sơn, Tâm, Trí, chỉ dẫn cách nhìn la bàn, đọc bản đồ và lái chếch hướng độ dạt, xong chia phiên lái ghe cho họ rồi tìm chỗ nằm ngủ vì khuya nay phải thức để canh chừng. Thật là may mắn, qua một đêm yên lặng hải hành, tâm trí Thọ tỉnh táo đến khi hừng Đông ló dạng sau lái, Thọ cho đổi hướng Tây Bắc thẳng vịnh Thái lan.
    Một lần nữa ông chủ ghe bò lên, đến gần Thọ tâm sự :

    - Năm ngoái đi bị bắt, mất hết tiền của, bị tù 5 tháng. Lần này nếu không có anh, chắc tôi tàn đời. Nhờ trời vào được bờ tự do, nếu anh đi định cư nước nào, gia đình tôi xin đi theo.

    Thọ chỉ cười, không nói gì, bỗng mọi người xôn xao bởi thấy chiếc tàu lớn phía sau đang chạy cùng hướng. Thọ bảo thằng Sơn cầm lái, lấy ống nhòm ra xem. Lộ vẻ vui mừng vì nhận ra chiếc DER ( Destroyer Escord Radar ) treo cờ Mỹ, thuộc Đệ thất Hạm đội. Thọ nói lớn : Tàu Mỹ. Mọi người xôn xao vui mừng nói :

    - Ông thuyền trưởng cho ghe chậm lại, xem họ có vớt mình không ?

    Thọ vẫn giữ nguyên vận tốc, nghĩ rằng nếu họ muốn vớt, chắc chắn sẽ chớp đèn báo hiệu. Hơn nữa, vận tốc DER gấp bốn lần vận tốc ghe mình. Không cần giảm. Chừng 15 phút sau, chiến hạm chạy song song với ghe. Mọi người trên ghe la ó : Cứu chúng tôi. Hãy cứu chúng tôi. Làm náo loạn trên ghe. Chiến hạm Mỹ giảm vận tốc và tiếp tục chạy song song, có lẽ đang xem xét tình trạng ghe có nguy hiểm tính mạng hay không. Thấy tàu chạy chậm, năm sáu thanh niên nhảy xuống biển bơi sang, giơ tay lên vẫy, miệng kêu cứu: Xin cứu vớt chúng tôi. Cứu chúng tôi....

    Chiến hạm Mỹ thấy vậy, liền tăng tốc độ vào vịnh Thái lan. Bỏ xa chúng tôi. Thọ cho ghe vòng trở lại, bảo đàn em liệng sáu cái phao xuống biển. Mất phí hơn nửa giờ cứu vớt lên ghe. Mấy thanh niên lên được ghe rồi bắt đầu chưởi thề :

    - Đù má... Nó bỏ đất nước mình cho Việt cộng lấy, bây giờ một lần nữa nó không thèm cứu vớt mình...

    Thọ mỉm cười...và bắt đầu định hướng cho ghe chạy tiếp tục. Thêm một đêm nữa hải hành êm đềm, vừa rạng sáng là ông Chủ ghe bò lên, mang theo cây thuốc lá tặng Thọ và hỏi vài câu bâng quơ. Trước khi xuống hầm tàu trở lại, ông nói :

    - Anh Thọ à, tôi linh tính như mình sẽ không còn gặp nguy hiểm nữa. suốt đêm hôm qua tôi cầu nguyện và bói bài, quẻ nào bốc lên cũng tốt.

    Vừa nói xong thì nghe phía mũi ghe xôn xao, có ghe máy đang tiến tới ghe mình, trên ghe có 3 người, họ vẫy tay bảo mình ngừng.
    Ông Chủ ghe vội vã chun xuống hầm trở lại.
    Thằng Sơn đến gần Thọ nói :

    - Đù má... ba con thiêu thân đến nạp mạng...

    Thọ bảo Sơn :

    - Mày giữ tay lái, tao đến xem thử.

    Thọ quan sát thấy ba tên không có súng ống, biết chắc không phải Hải tặc Thái lan, bèn vẫy tay đáp lại. Một tên chụm hai tay đưa lên miệng làm loa, nói tiếng Mỹ khó nghe :

    - Tàu Mỹ bảo chúng tôi đến dẫn đường vào.

    Thọ cũng dùng tay làm loa đáp lại :

    - Các anh chạy trước, chúng tôi theo sau.

    Vừa trở lại phòng lái, thấy ông Chủ ghe lấp ló ở cửa hầm với nét mặt lo lắng, Thọ nói :

    - Những quẻ bài ông bói đêm qua, chắc là đúng.

    Ông Chủ ghe nở nụ cười mừng rỡ. Đứng bên cạnh Sơn, cầm ống nhòm nhìn quanh, trời mù mịt không nhìn thấy bờ, nhưng thấy lác đác vài ghe đánh cá loại nhỏ, Thọ nghĩ chắc gần đến bờ, bởi ghe đánh cá nhỏ không thể ra xa bờ được. Qua xế chiều thì thấy rõ bờ. Nhìn bản đồ Thọ biết mình đã vào bờ biển Songkhla, cách xa Bangkok vài giờ lái xe.

    Thọ nhủ thầm, bây giờ mình phải cám ơn Chiến hạm Mỹ. Mặc dù không vớt nhưng chắc đã thông báo khắp nơi. Thọ cũng thắc mắc mấy đêm nay, không biết nên khuyên những người bị thương nên khai báo như thế nào cho phù hợp. Chen lấn đi một vòng trên ghe thăm hỏi những người bị thương. Thọ khuyên họ, khi giới chức thẩm quyền phỏng vấn, nếu có hỏi tại sao bị thương, thì trả lời khi ra gần cửa biển, bộ đội canh gác trên bờ kêu lại, ghe không ngừng và tăng tốc độ chạy nhanh nên bị bắn. Cẩn thận hơn, Thọ cho đàn em đi thông báo mọi người để có lời khai giống nhau.

    Thấy đã đến lúc không còn nguy hiểm, Thọ cho gọi 4 đàn em đem súng đạn trả lại. Thọ cho vào bịch giấy, thả chìm xuống biển. Mọi người xôn xao la ó, bởi nhìn thấy trên bờ một đoàn xe buýt màu vàng, giống xe chở học trò đang đợi chờ. Không giống như những người vượt biên trước, gửi thư về bảo rằng khi ghe gần đến bờ quốc gia nào thì phải làm chìm ghe, mọi người bơi vào bờ, họ mới cho tỵ nạn, lý do nhân đạo. Lần này ghe Thọ được hướng dẫn vào bờ, có xe buýt chở đến trại tỵ nạn. Thọ cũng không hiểu tại sao, nhưng có lẻ trăm sự nhờ chiến hạm Mỹ. Có thể ý nghĩ này đúng.

    Chuyến xe buýt chở gia đình và bà con thân thuộc ông Chủ ghe cùng với Thọ và đàn em đến trại tỵ nạn Songkhla sau cùng. Khi Thọ vừa bước xuống thì hàng trăm người đứng chờ sẵn vẫy tay, miệng la lớn :

    - Hoan hô anh thuyền trưởng. Hoan hô thuyền trưởng đã đưa chúng tôi đến bờ tự do an toàn. Hoan hô thuyền trưởng.

    Thọ rất cảm động, vẫy tay bảo mọi người im lặng, rồi nói :

    - Thưa quí vị. Tất cả chúng ta nên cảm ơn Trời Đất, cảm ơn Chúa, cảm ơn Phật đã cho chúng ta đến bờ tự do an toàn. Không có các Đấng thiêng liêng phò hộ, chắc chắn chúng ta không đến được đây. Như những người đến trước chúng ta cho biết, trại này có Nhà Thờ, có Chùa. Tôi khuyên mọi người nên đến nguyện cầu trước khi quyết định đi đến nước nào. Đồng thời cầu nguyện cho những người kém may mắn ra đi cùng chúng ta, nhưng đã vùi xác trên biển. Riêng tôi, tôi cám ơn Hải quân VNCH đã đào tạo tôi nên người can đảm bản lãnh, để phục vụ quí vị, nói riêng, cũng như phục vụ người Việt  nam cùng chí hướng Quốc gia. Cầu chúc chúng ta may mắn những ngày sắp tới.  Xin chào và chia tay tất cả.

    Tiếng vỗ tay vang dội một góc trời...

    Tâm Phương Đăng

     

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012