SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

Chị Én

Nguyên Nhi

Tôi không thể tìm ra chị Én trong rừng người lố nhố ở phòng đợi phi trường, nếu không thấy tấm bìa cứng viết nguệch ngoạc tên tôi. Và không thể nhận ra chị, nếu không nhờ bức ảnh con gái chị gởi tôi từ tháng trước. Ôi, thời gian!

Tôi ôm chị. Chỉ là thói quen nơi tôi sống. Chị Én áp mặt vào ngực tôi. Tôi cảm thấy ngực áo mình ươn ướt.

“Bao lâu rồi, cậu?” Chị Én chớp chớp mắt.
“Mình không nhớ!” Tôi buột miệng, dù không hiểu chị Én muốn bắt đầu từ thời điểm nào.
“Cả nhà bận, không ai đi đón cậu được.”
“Mình biết.”

Chuyến xe xóc. Phải hơn bảy mươi cây số mới về đến nhà tôi, căn nhà nhiều khi làm tôi bàng hoàng tỉnh mơ nửa đêm xứ lạ. Chị Én không nói nhiều, thỉnh thoảng quay sang nhìn tôi. Nhìn đăm đăm. Không biết chị thấy gì, nghĩ gì, bởi từ rất lâu tôi chán nhìn tôi trong gương. Tôi cũng thoáng nhìn chị và hoang mang, không hình dung ra được cô bé của thời tôi trẻ dại.

Cô bé nhỏ hơn tôi dăm tuổi. Là chị em bạn dì. Cô hay ngồi mơ màng dưới tán lá cây sữa độc nhất trong khuôn viên chung cư. Chiếc ghế xích đu như bất động, chỉ khẽ đưa kẽo kẹt khi tôi làm như vô tình đi ngang, tìm mãi chẳng ra một câu gợi chuyện. Cô bé hay vuốt vuốt mái tóc ngắn cũn cỡn mà mẹ cô bé, dì tôi, thường bảo vuốt mãi không khéo rồi có ngày trọc đấy con ạ. Một hôm cô bé nhờ tôi cài chiếc nơ nhỏ tím lên bím tóc sau gáy. Từ hôm đó, tôi hiểu nghĩa thế nào là lóng cóng.

Dì tôi, người chị họ xa, đời xửa xưa lắm nào đó, của mẹ tôi, xem tôi như con ruột. Tôi trú nhà dì để theo học trường tỉnh. Trường chị Én gần nhà, tản bộ chừng dăm phút, nhưng chị thường đi học sớm hơn tôi. Lại có một hôm chị nhờ tôi gài chiếc nút áo lưng, đồng phục trường chị. Nhiều ngày, sau hôm ấy, tôi ngẩn ngơ, ngồi trong lớp mà hồn ở tận đâu đâu.

 “Cậu ở lại qua Tết chứ?
“Không!”
“Tết, có nhiều dịp...” Chị Én ngập ngừng. Có lẽ chị chợt nhớ không phải tôi về vì lễ lạt đầu năm.
“Không sao, mình cũng đã lỡ rất nhiều dịp trong đời...” Tôi chợt ân hận. Tôi vẫn thường ân hận sau mỗi lần mình nói hơi nhiều.

oOo

Đám tang mẹ tôi đơn giản hơn tôi tưởng. Có lẽ ba tôi chỉ chờ tôi về kịp để đóng nắp quan tài. Mẹ tôi nằm bên cạnh những người thân trong nghĩa trang gia đình, cách nhà tôi một vuông đất. Khoảnh vườn thoáng, cây trái thấp, ba tôi có thể ngồi sân sau nhấp rượu khan, ngó mênh mông về phía ngôi mộ còn ướt đất. Tôi không chắc ông ân hận vì đã có nhiều lần bỏ rơi mẹ tôi, cho đến lúc ông bị hoàn cảnh dồn đến cùng đường. Tôi nghe từ rất lâu rồi ông không còn thói quen uống rượu. Tôi thích rượu. Nhưng không thích ngồi cạnh ông.

Các em tôi và vợ chồng con cái chúng đã lục tục trở về với gia đình và công việc riêng của chúng. Căn nhà ảm đạm thêm với chiếc bàn thờ thoang thoảng mùi hương trầm. Chị Én lúi húi thu dọn vật dụng thường ngày của mẹ tôi. Dì dượng tôi mất, rồi chồng mất, chị và con gái dọn về ở gần nhà ba mẹ tôi. Nhà chị cuối con lộ đất, khuất sau mấy vạt chuối um tùm. Ngày ngày chị vẫn thường sang thăm ba mẹ tôi, phụ vặt với người giúp việc. Mẹ tôi ốm đau luôn, không đảm đương được việc nhà. Ba tôi khỏe hơn, nhưng ông không thích giặt giũ nấu nướng. Buổi sáng ông thức sớm, vận động theo bài tập thể dục trên truyền hình, rồi đi ăn sáng ngoài chợ xã. Nghe nói ông cũng dành thời gian để tâm sự loăng quăng với một mụ nạ dòng chủ quán cà phê ngoài đó. Buổi chiều thì ông lại bận rộn với những chậu hoa kiểng.

Mẹ tôi đi hồn nhiên. Chị Én kể, chiều, chị sang thăm, nhìn mưa, mẹ tôi còn hỏi không biết lúc bà đi tôi có về kịp. Sáng sau, người giúp việc đánh thức mới hay bà đã đi trong đêm. Cuối cùng thì tôi cũng về kịp. Kịp đóng cho mẹ một cây đinh trên nắp quan tài.

oOo

Chị Én gọi. Tôi mang rượu sang nhà chị. Tôi nghiện rượu. Và không hiểu sao tôi thường có cảm giác bất an khi chỉ có một người phụ nữ bên cạnh. Dù người phụ nữ ấy là chị Én. Nên tôi thích, và cần rượu. Mái tóc chị phơn phớt bạc. Tôi bật cười khan, nhớ dì tôi, vuốt mãi có ngày trọc đấy con ạ. Hai chai rượu mua ở cửa hàng miễn thuế ở phi trường bên kia, tôi đã uống gần hết trên suốt chuyến bay dài.

Chị Én có vẻ bình thản, tự tin trong căn nhà của chị. Căn nhà trống trải, tôi không biết thiếu những vật dụng gì. Có lẽ bởi thiếu nhiều thứ quá.

“Mình thấy cậu không có gì thay đổi. Vẫn như hồi ấy!”
“Không!” Tôi buột miệng, dù không rõ chị Én nhắc hồi ấy là hồi nào, và cũng không biết điều không thay đổi ấy là điều chi.
“Mình muốn nói cám ơn những điều cậu đã làm cho gia đình mình.”
“Không!” Tôi lại buột miệng, dù biết rõ chị Én muốn nhắc tới những món quà nho nhỏ tôi gửi cho chị, qua ba mẹ tôi.
“Mình muốn qua bên đó! Với cậu!”
“Hả?” Hai tai tôi tê điếng. Tôi hoang mang cùng cực.
“Mình nghĩ có nhiều cách để mình sang được bên đó với cậu.”
“Này Én, Én có hiểu Én đang nói gì không?” Tôi hét lên. Tôi kinh hãi.

Gió chiều xoay lật những tàu lá chuối sau hè, lay động mấy tấm tranh dân gian ngày Tết treo trên vách tre. Trên chiếc bàn gỗ tạp giữa nhà, cành mai nhựa trơ trơ, vô cảm. Vài con chuồn chuồn trâu bay chấp chới trên mấy chum nước mưa ngoài hiên. Vườn sau, con bé con chị đang giặt giữ dưới cầu ao. Thỉnh thoảng con bé ngưng tay, vuốt lại mái tóc, hệt như mẹ nó bốn mươi năm về trước.

“Có! Mình hiểu mình đang muốn gì. Mình muốn qua bên đó! Sống với cậu!”
“Không!” Bàn tay trái tôi run lật bật. Từ lâu, tôi có triệu chứng bệnh liệt rung. Thỉnh thoảng tôi đánh rơi đồ vật cầm trên tay. Rượu làm trầm trọng thêm chứng này. Nhưng tôi không bỏ được rượu. Tôi nghiện. Có nhiều thứ đánh rơi, tôi nhặt lại được. Có thứ không. Không, không bao giờ tôi tìm lại được chị đâu..., cô Én!

“Mình còn giữ lá thư của cậu. Hơn bốn mươi năm rồi đó! Bây giờ cậu có muốn đọc lại không?”
“Không, Én!” Tôi nói. Như khóc.
“Cậu có muốn giữ lại nó không?”
“Không! Không, không, Én ơi!”. Tôi nói. Như rên.

oOo

Đó cũng là một buổi chiều cuối năm. Dì tôi đang bận rộn với sạp hàng Tết, còn dượng tôi đang trầm tư bên bàn cờ tướng với những người cùng sở. Én vần hay ngồi trên chiếc ghế xích đu dưới gốc sữa, vuốt từng lọn tóc. Không xa, chiếc cầu quay tấp nập xe tải xe thồ và người gồng gánh. Bên dưới, ghe thuyền đầy ắp trái cây và những giỏ hoa.

“Én, mình có chuyện muốn nói...”
“Gì, cậu?”
“Vào nhà đã!”
“Quan trọng lắm hả?’

Én kéo ghế ngồi cạnh tôi.
“Mình đi lính!”
“Cậu nói gì?”
“Mình đăng lính rồi! Mai sớm mình đi!”

Chị Én cười. Cô bé có giọng cười to giễu cợt mỗi khi tôi bông đùa. Nhưng nụ cười ấy tắt ngấm khi cô bé nhìn thấy quần áo vật dụng của tôi đã xếp gọn trên bàn.

“Nhưng... tại sao? Cậu đang học đều, học giỏi, đang được tiếp tục hoãn dịch..., tại sao? Có thể cậu sẽ đi, nhưng tại sao là lúc này, là sáng mai?” Chị Én cau mày. Tôi nhìn lâu nốt ruồi ở đuôi mắt cô bé.
“Không biết! Chỉ biết là mình cần thay đổi!”
“Nhưng sự thay đổi này rồi đưa cậu tới đâu?”
“Không biết! Mình bơ vơ! Mình ngán ngẩm tin chiến sự buổi sáng và tiếng đạn pháo dội vào thành phố giữa khuya. Mình bơ vơ.”
“Thì thôi, ý cậu đã muốn vậy.”
“Mình gửi Én... cái này! Không, thư này. Phải hứa là mai mới đọc! Khi mình đã đi rồi.”

Năm sau, Én bỏ học, bỏ nhà. Én chạy theo mối tình vụng trộm với một gã đàn ông bề bộn vợ con. Dì dượng tôi từ Én. Và cuối cùng gã đàn ông kia cũng ruồng rẫy Én. Nhiều khi, nằm co trong những công sự, tiền đồn giữa rừng già hiu quạnh, tôi cố tự an ủi mình rằng Én, cũng chỉ như tôi, cố chạy trốn nỗi niềm bơ vơ của một lớp trẻ mất phương hướng trong một thời buổi dị thường. Có dỗ lòng cũng chẳng bớt đau. Đau lắm! Tôi bặt tin Én rất nhiều năm sau đó.

Nhiều người phụ nữ đã đi qua đời tôi. Nói rõ hơn, nhiều người đã bỏ rơi tôi. Én là người đầu tiên. Và dăm người đàn ông đã đi qua đời Én. Nói rõ hơn, nhiều người đàn ông đã gạ gẫm Én. Có lẽ tôi là đứa con trai đầu tiên tỏ tình. Và có lẽ tôi là đứa duy nhất thất bại. Rất lâu, sau này, tôi nghĩ, vậy mà hay!

Dù gì, Én đã phụ tôi!

oOo

“Cậu sẽ lại về nữa chứ?”
“Không, Én!”
“Cậu bận lắm à?”
“Không, Én!”
“Thế, tại sao?”
“Không tại sao cả!”
“Thế không có điều gì ngày xưa để cậu nhớ sao?”

Tôi không biết nói thế nào để chị Én hiểu, rằng diều phiền muộn của tôi là ngày ấy có quá nhiều điều để hôm nay tôi nhớ lại. Trong khi tôi chỉ muốn quên đi. Tôi cảm thấy ghét Én. Tôi già rồi. Tôi quên nhiều người, nhiều chuyện. Những chuyện mới hôm qua, tuần trước. Nhưng lại nhớ chuyện cách mấy mươi năm. Tôi ghét Én. Én không thể hiểu rằng tôi về vì tôi nghĩ rằng tôi đã quên mọi chuyện. Nhớ, không chắc tôi về.

“Cậu giữ thư lại nhé”
“Không!” Tôi ghét Én.
“Mình cùng đọc lại nhé!’
“Không!” Tôi ghét Én.
“Mai mình đưa cậu lên phi trường nghe!’
“Không!” Tôi ghét Én.

oOo

Rồi thì tôi cũng chiều ý ba tôi một lần cuối, để chị Én đưa lên phi trường. Ba tôi nghĩ rằng tôi không ý thức được rõ ràng những bất an trong xã hội mà ông đang sống, dù là những việc lặt vặt xảy ra trên một chặng đường. Trong suy nghĩ của ba tôi, tôi vẫn là một đứa con nít như thuở xửa xưa nào, ông trói tôi giữa sân cờ trại lính đơn vị ông rồi đánh tôi một trận đòn thừa sống thiếu chết. Trong suy nghĩ Én, chắc tôi còn là đứa học trò ngu ngơ ngồi khảy đàn, hát nghêu ngao, lén nhìn Én đong đưa trên chiếc ghế xích đu dưới tàn sữa. Tôi thấy lại tán lá nâu và những quả sữa xanh tím lắc lay trong ngọn gió Tết. Tôi không phiền ba tôi. Tôi không trách Én. Nhưng tôi ghét. Hình như chả ai để ý rằng tôi đã lăn cũng gần hết dốc đời tôi. Hừ, chả ai biết rằng tôi đã đi qua hết nhiều nghịch cảnh bi khốc đời người. Không ai thấy rằng tóc tôi đã bạc?

Hai bên đường, những đống dưa, quả, hoa chờ xe mang ra chợ Tết. Con kênh xưa nước lũ tràn bờ giờ chỉ là một con lạch hẹp té, chỉ vừa chỗ cho hai chiếc xuồng con tránh nhau. Từ lâu, tôi ghẻ lạnh với Tết. Tôi nhớ những cái Tết túng thiếu nhọc nhằn, nằm co mình nghe ngọn gió chướng xoay lật mấy tàu lá chuối sau hè. Hừ, tôi lại nhớ nhiều quá. Biết trước là nhớ nhiều vậy, không chắc tôi về.

Tôi hững hờ cảnh sum họp. Tôi lạnh lùng chuyện tiễn đưa. Hãy nói là tôi bạc lòng. Tôi ghét Én.

“Mình muốn thay đổi đời sống. Mình muốn sang đó với cậu. Có cách...” Chuyến xe xóc, Én ngã mái tóc hăng hăng mùi nước hoa rẻ tiền vào vai tôi.
“Không!” Tôi thả mắt bâng quơ qua dãy bạch đàn. Xa xa, một cánh cò đơn độc. Tôi ghét sự lập lại! Tôi ghét mùi nước hoa! Nhất là nước hoa rẻ tiền. Tôi ghét Én.
“Cậu sẽ sống mãi vậy sao?”
“Không biết!”
“Cậu sẽ không về lại thật à?”
“Không!’ Tôi ghét Én.
“Cậu sẽ nhớ mãi những ngày ấy chứ?”

Tôi im lặng. Đã nói, tôi già rồi! Đã nói, tôi quên nhiều người nhiều chuyện lắm mà! Rượu làm trầm trọng hơn chứng này. Biết vậy, nhưng chịu. Tôi nghiện. Nhiều khi tôi đi tìm một vật, một điều gì đó, đến nơi, loay hoay, ngẩn ngơ, không biết định tìm gì. Nhớ mãi không ra, đành thôi. Đãng trí hay não suy hay gì gì đó, đó là chuyện của nghề thuốc, tôi không cần biết. Riêng tôi, tôi bằng lòng và cám ơn Thượng đế đã phú cho con người sự lãng quên. Chả lẽ tôi bảo Én rằng mấy ngày qua tôi đã nhớ lại nhiều quá và điều đó làm tôi khó chịu? Một thời gian dài, tôi quên hết mọi chuyện. Nếu nhớ, không chắc tôi về! Tôi cũng muốn nói với Én rằng cái bi kịch của một con người là hắn còn có thể nhớ. Nhưng nói ra tôi không chắc Én hiểu tôi. Và nói xong, tôi biết tôi sẽ ân hận. Có rất nhiều lần trong đời, rượu vào, tôi nói hơi nhiều, hay tâm sự vụn. Và sau đó, lần nào tôi cũng bực bội với chính mình.

oOo

Tôi ôm chị Én. Chỉ là thói quen của người bên ấy. Tôi lại có cảm giác ngực áo tôi ấm và ướt.

“Bình an nhé!” Chị Én sụt sùi.
Tôi quay mặt đi, kéo vội hành lý qua cửa phòng cách ly, không thể nói với chị rằng không. Hừm, không thể có sự bình an! Chừng nào tôi còn nhớ lại.

 Ghé cửa hàng miễn thuế, tôi mua hai chai. Tôi nghiện rượu mà người ta sẽ không chịu nạp rượu liên tục cho khách trên một chuyến bay dài. Người ta không biết rằng tuy khi say tôi nói hơi nhiều nhưng, nói chung, ngoan.

“Về, vui chứ” Người hành khách bên cạnh tôi gợi chuyện.
“À há!’
“Sao không ở lại chơi Tết? Bận việc hả?”
“Ừ!” Tôi làm như rất chăm chú rót rượu vào ly nước cam người tiếp viên mang lại lúc nãy, sợ rượu tràn.
“Tôi cũng bận quá, về sớm. Thôi chuyến sau vậy! Tết sau về chứ?” Người đàn ông che miệng ngáp.
“Không. Chừng nào tôi còn nhớ...” Suýt nữa thì tôi sẽ lại ân hận vì nói nhiều. Có lẽ giờ này chị Én đã về tới nhà. Tôi ghét Én!
“Hả? Anh vừa nói gì?”
“Không!” Tôi nhấp một hớp nhỏ. Rượu trôi trong người thường mang lại cho tôi sự thanh thản. Tôi nghiện. Nhưng không bao giờ tôi có ý nghĩ đi cai rượu và không bao giờ tôi che dấu mọi người tật nghiện ngập của mình. Chả sao, về điều này, có nhiều phụ nữ đức hạnh khả kính đã tỏ ra xấu hổ giùm tôi rồi!
“Tôi về lo gấp giấy tờ cho cô bồ qua đoàn tụ. Chắc là nhanh thôi. Trọng tuổi rồi, sống xa xứ một mình buồn quá!” Người đàn ông lại ngáp.

Trời ơi, chuyến bay đông cứng người thế này, làm sao tôi có thể xin chuyển sang một ghế khác?

Nguyên Nhi
11/2011

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012