SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

Con tự túc

Nói ra sợ các bác cười, chứ cái năm ấy con gái em đã mười sáu, mà em thì trông cứ còn mượt mà như là con gà mái tơ đấy ạ !. Chẳng vậy mà cái cô giáo Thảo ở cạnh nhà hễ thấy em đâu là sau dăm ba câu chuyện tào lao em kể, cô lại lắc đầu, chắt lưỡi, xuýt xoa: “Gớm cái bà Nhuận này, cứ như là con nít ấy.” Ấy đấy, có lẽ vì em còn quá trẻ nên chưa đủ cái oai phong lẫm liệt, cái kinh nghiệm sống chín chắn để dạy con cái. Cho nên khi em dạy con em một đàng, nó lại quẹo sang một nẻo khác.

Như các bác biết đấy, ở cái xứ Cờ Huê này con cái vừa tròn 18 là bố mẹ làm tiệc ăn mừng linh đình rồi tống cổ nó ra khỏi nhà một cái rột. Không thương tiếc. Không băn khoăn. Thế mà nó lại nên người. Còn em, đành lòng nào mà đuổi con ra trong lúc nó chưa đủ lông đủ cánh chứ? Em cựu bị cho con em đầy đủ, chu đáo từ tinh thần đến vật chất để khi bước xuống đời nó đi một cách hiên ngang, độc lập. Nó phải biết tự hào không cần dựa dẫm, nhờ vả vào thằng đàn ông nào sốt cả. Đấy đấy! Ở cái xứ này đàn bà là nhất, là bình đẳng, là ngang hàng với đàn ông mà. Em luôn nhắc nhở con mình: “Con phải ráng học để có một cái nghề cái nghiệp, rồi mai kia mốt nọ có thể ra mà tự túc kiếm sống, tự lập nuôi thân mình.” Con em cứ luôn miệng: “dạ dạ, vâng vâng, con nhớ “.

Quả thật nó có nhớ. Nhưng không nhớ cái chuyện phải biết tự túc kiếm “tiền” nuôi thân, mà là chuyện tự túc kiếm “con” để nuôi mới chết chứ!  Và chuyện này hình như mồ mả nhà em nó có mạch ẩn hay sao ấy.

Thuở ấy - trời đất chứng giám – em chẳng biết tí tẹo gì về chuyện vợ chồng. Chỉ 15 thôi mà! Nhưng thằng chồng em, lúc ấy nó cũng chẳng lớn hơn em bao nhiêu, cứ theo nói ngon, nói ngọt, bùi tai, rủ rê cùng đi hết chỗ này đến chỗ nọ. Dần dần rồi em theo nó vào mê hồn trận luôn. Quên cả đường về !. Khi tỉnh cơn mê thì gạo đã thành cơm. Bụng em đã phình ra như cái trống chầu. Thằng chồng em lúc ấy chỉ 16. Nó là con trai một nên được bố mẹ và ông bà quý như của để làm giống vậy. Cho nên nó thừa thắng xông lên. Khóc lóc đòi bố mẹ đến nhà hỏi cưới em luôn. Thế là em lại theo về nhà nó làm dâu.

Đến đây, xin các bác cho em quay ngược dòng thời gian một tị. Cái chuyện “đi theo“ của em cũng chính là cơ nguyên gây bao thảm họa cho bọn đàn bà con gái chúng mình đấy. Dạo ấy em và thằng chồng em chỉ là hai đứa trẻ cùng xóm. Hãy còn gọi nhau bằng mày tao. Từ lúc 4, 5 tuổi chúng em đã chơi chung. Trò chơi nào cũng có nhau. Cùng đi câu cá, mò tôm, rập cua, bắt ốc. Tôm cua, cá ốc bắt hoài không hết. Nhưng tuổi thơ thì sắp tàn. Dần dần rồi hai đứa trẻ cũng thành người nhỡ nhỡ. Sắp sửa bước vào ngưỡng cửa của người lớn. Và ở tuổi này thì rủ rê nhau đi đêm thét rồi cũng có ngày gặp ma. Mà ma đây là ma nhập đấy ạ. Thật vậy, cái đêm hôm ấy nó rủ em đi gỡ cá câu dọc theo bờ kinh nước ngọt mà nó đã cắm cần từ lúc chập tối. Trời xui đất khiến, khi tụi em ra đến bờ kinh thì mưa bất chợt đổ xuống tầm tã. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, em và nó chỉ kịp chui tọt vào lùm cỏ tranh có một khoảng rỗng bên dưới, nhưng bên trên vẫn còn cỏ che kín, mưa không lọt xuống được. Những lùm cỏ như vầy thường là do heo chui vào, đằm ra và vào nằm để trốn nắng, riết rồi nó bọng rỗng bên trong như một hang động nhỏ. Vừa đủ chỗ cho hai đứa ngồi thật sát bên nhau!. Cho hơi ấm quyện vào nhau. Bên ngoài mưa to gió lớn. Bên trong bão bùng cũng sắp sửa nổi dậy. Lúc đầu ngồi co rút, cấn tay cấn chân. Sau duỗi ra cho thoải mái. Vẫn không thấy thoải mái ! Nó bèn quàng tay qua người em. Hồi nãy thì lạnh. Nhưng giờ thì nóng quá nóng. Nóng đến nỗi em thở không được. Nó vẫn không buông em ra mà còn siết em sát vào người nó. Lúc em sắp sửa chết ngộp thì... “bóng trâm trùng với bóng dương...” Nói thật, “chập chùng” ở đâu em chả thấy. Chỉ biết nó ồ ạt, cuồn cuộn, dữ dội như bão tố cấp chín, cấp mười... Nó vồ vập, lôi kéo, rồi xô đẩy thế quái nào mà hai đứa cùng rơi tòm xuống kinh nước lạnh ngắt. Bây giờ thì mộng tan, người tỉnh. Hai đứa lóp ngóp bò lên bờ. Xẻn lẻn đi về nhà.

Rồi thì em có mang. Con gái mà bị chửa hoang thì chẳng khác nào bôi tro trét nhọ vào mặt bố mẹ, dòng tộc, tổ tông. Thế là em bị đem ra xử xét, tra khảo. Cuối cùng đành phải khai thật. Sau đó đôi bên gia đình cùng dàn xếp với nhau. Rồi thì nó cưới em, và em theo nó về làm dâu như đã nói ở trên. Nhưng mà nào em có biết làm dâu là thế nào đâu. Em bị quay cuồng, xính vính với cái thai hành hạ. Vài tháng sau bụng hơi to to thì mẹ chồng sợ bị động thai nên cho ngồi không hưởng phước, chờ ngày đập bầu.

Chồng thiên hạ thì biết lo làm ăn, gánh vác gia đình, đàng này thằng chồng em chỉ biết ăn mà không biết làm. Cả ngày nó cứ nhông nhổng rủ em đi chơi hết con kênh này, rạch nước nọ lại đến cánh đồng kia. Thét rồi bố mẹ chồng em thấy sốt cả ruột nên bắt nó đi học trở lại. Còn em, sau cái lần rơi xuống kinh nước ngọt trong đêm mưa bão ấy em đã sinh được một đứa con gái và gọi nó là cái Tèo. Chữ nghĩa của cả hai họ gom vào vẫn chưa đầy một rọ nên chả ai nghĩ ra được lấy một cái tên hay ho cho con gái em nữa. Các ông các bà chỉ vớ nhằm cái tên nào nghe quen tai và thường xuyên là gán lên đầu con em cái ấy mà thôi. Nói thật các bác thương, có lẽ vì tai nạn té kinh này nên con gái em khi sinh ra nó cứ như con mèo mắc mưa ấy. Người nó ẻo lả, uyển chuyển. Mắt nó cứ mơ mơ, màng màng, ướt rượt như con mèo vừa chui dưới nước mới lên vậy. Và đây mới là nguyên nhân chính gây ra bao tội lỗi về sau này.

Khi con em được hơn một tuổi thì thằng chồng em cũng gần kề tuổi bị bắt đi bộ đội. Họ nhà chồng em chỉ có nó là con nối dõi tông đường. Nếu chẳng may nó ngủm củ tỏi thì lại mang tiếng tuyệt tôn tuyệt tử. Thế nên các cụ quyết định gửi nó đi vượt biên. Nó khóc lóc đòi mang vợ con theo. Thế là các cụ lại túm rụm cả ba đứa trẻ vào một gói và gửi tàu sang Thái lan. Từ đây trở đi thì chú dì ở bên Mỹ lãnh phận sự gánh vác việc lo cho tương lai 3 đứa trẻ này. Nhờ thế nên tụi em mới được đi thẳng một lèo sang xứ Cờ Huê và định cư ở vùng nắng ấm Cali.

Rồi thì bận bịu tất bật với việc học hành, đi cày kiếm tiền trả nợ và nuôi con. Tiếng là nuôi con chứ thật ra cũng chỉ nuôi ăn nuôi mặc mà thôi, còn những thứ khác thì đã có trường học và người giữ trẻ lo rồi. Vì thế nên con gái em nó cứ nhẩn nha, nhởn nhơ mà lớn hồi nào không hay. Cho đến một hôm, em về nhà sớm hơn thường lệ và bắt gặp nó đang ở nhà với một thằng mũi lõ, tóc vàng, mắt xanh rờn.

“Sao mày lại không đi học ngày hôm nay?” Em tra hỏi nó.
“Măm Mì, con đi học làm “mô đeo” rồi. Mai mốt con theo anh này đi chụp hình kiểu để thi làm người mẫu đó.”
“Không có mẫu với miết gì cả. Mày còn nhỏ lắm, phải lo học chữ học nghĩa trước đã con ạ.” Em phản đối.
“Con lớn rồi mà Măm Mì! Học chữ không làm nhiều tiền như làm người mẫu. Con đã nhất quyết rồi. Việc của con, Măm Mi để con tự tính lấy.”
“Giời ơi! Ngó xuống mà coi này. Mày mới nứt mắt ra, mới chỉ bằng con chí mén thôi mà học đòi làm người nhớn hả?”

Em quơ vội cây chổi lông gà nhứ nhứ trước mặt nó. Thế là nó và thằng mũi lõ ba chân bốn cẳng chạy vội ra khỏi nhà rồi nhảy tọt lên xe của thằng này mà dông mất à

… Và em bỗng phát giác ra con gái mình đã lớn lên như vậy đó!
Con Tèo ốm yếu như con mèo mắc nước ngày xưa giờ đã biến dạng: uyển chuyển, mềm mại như con beo gấm, dáng đi uốn éo như con trăn và chân tay dài thậm thượt như tứ chi con vượn. Mặt mày sáng sủa, mắt ướt rượt, mơ màng như con đười ươi ngủ ngày. Bằng vào những đặc điểm này nó nhất quyết đeo đuổi nghề làm người mẫu. Vợ chồng em can ngăn không được nên cũng đành bó tay đầu hàng.  

Người đàn ông ngồi ở hàng ghế sau cùng trong chuyến xe du lịch từ Sài Gòn về lục tỉnh miền Tây từ nẫy giờ vẫn ngồi yên lặng, mắt nhìn lơ đãng hai bên đường. Ra cái điều chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà không đáng lắng nghe. Thét rồi phong cảnh hai bên đường cũng trở thành nhàm chán, giống nhau. Nhà cửa mọc lên san sát, chen chúc. Những ruộng lúa xanh tươi, thơm ngát, cò bay thẳng cánh ngày xưa giờ đã bị lấp khuất bởi nhà với nhà, cái cao, cái thấp, cái đẹp, cái xấu. Dường như không có chỗ nào quen thuộc còn xót lại. Khi người đàn ông sắp rơi vào cơn ngủ gục khó cưỡng lại thì bỗng bị làm tỉnh táo bất chợt bởi mấy chữ “cũng đành bó tay” của người đàn bà nãy giờ đang thao thao bất tuyệt.

Trên xe có lẽ một số người đã lắng nghe chuyện từ nãy giờ đang chờ nghe tiếp. Một số người khác không quan tâm đến “thiên hạ sự” như người đàn ông này thì bắt đầu bị gây chú ý, tò mò. Im lặng chốc lát. Rồi dường như có người không kiềm hãm được hiếu kỳ đã lên tiếng hỏi: “Rồi sao nữa?”

Ấy đấy. Có sao đâu. Nó bỏ đi. Không tiền, không bạc. Không cơm ăn, nhà ở. Chỉ mấy hôm sau lại bò về. Đã bảo con là núm ruột mà. Đuổi cửa trước nó vào cửa sau. Đất không chịu giời thì giời phải chịu đất thôi. Thế là em và nhà em để mặc cho nó tự tung tự tác theo đuổi cái nghề mô đeo mô điếc gì đó. Em chả rỗi hơi đâu mà để ý cho mệt xác chứ. Có điều nó cứ xin tiền nay mua cái này, mai mua cái nọ. Mãi rồi cũng làm cho bố nó sốt ruột và phàn nàn. Em cũng rát ruột tiếc tiền nên mắng nó.

“Mày mua sắm cái gì mà lắm thế chứ? Tiền tao với bố mày làm đổ mồ hôi xót con mắt mới có được. Mày chỉ giỏi ‘vén tay áo sô đốt nhà táng giấy’ thôi con ạ!”
“Măm Mì, cái này gọi là đầu tư mà. Con sắm sửa tốn kém bây giờ, mai mốt có việc làm nhiều tiền thì lấy lại mấy hồi. Nè, Măm nhìn đi. Toàn là đồ bắt mắt, hấp dẫn lắm, chụp lên hình thì phải biết.”

Rồi nó đổ hàng đống quần áo tới trước mặt em. Thật ra, đống ấy chỉ gom lại bằng một nắm vải vụn thôi các bác ạ. Chẳng thể gọi là quần áo được. Nó chỉ đủ che những chỗ nào cần che nhất mà thôi.

“Giời ơi! Ăn với mặc! Thế này là thế nào hở? Mày hư hỏng quá mất rồi.” Em thất kinh hồn vía, la hoảng chói lói.
“Măm Mì quê quá đi. Đây là quần áo mặc để chụp hình mô đeo thôi. Măm không nhìn thấy hình ảnh trong sách báo quảng cáo hay trên phim à?”
“Người ta là Mỹ. Còn mày là con nhà Việt Nam đàng hoàng. Giấy rách phải giữ lấy lề con ơi. Mày định muối mặt tao với bố mày hay sao đấy hở?”
“Con cũng là người Mỹ vậy. Con lớn lên ở đây mà. Thôi không nói với Măm Mi nữa. Con đi chụp hình với anh Mai Cồ đây.”

Rồi nó bỏ đi ngang xương với thằng Mai cô Mốt cồ gì đó. Để em một mình đứng chơ vơ, lạc lõng giữa đống vải vụn muôn màu đủ sắc này. Giữa lúc em đang trơ mắt ếch ra mà nhìn đống đồ, chưa biết tính sao - bỏ đi thì tiếc tiền, cất lại sẽ sinh lắm điều tội lỗi - thì thằng chồng em nó trờ về. Thật là không đúng lúc chút nào cả!

“Bà làm sao thế? Giở chứng rồi à? Đổ trò đổ đốn gì mà lại mua ba cái thứ đồ thổ tả này về mà mặc vậy?” Chồng em nó trợn mắt nhìn đống quần áo thiếu vải thừa dây của khỉ mẹ khỉ con mặc trong gánh xiếc này rồi lớn tiếng xỉ vả em.
”Này, này... ông ăn nói liệu mồm liệu miệng đấy nhé. Tôi mà mặc cái thứ giẻ vụn này à? Con gái ông đấy. Có giỏi thì dạy nó đi. Ông không đủ sức răn bảo con cái nên để cho nó đi làm mô đeo mô điếc gì đó. Giờ nó ăn mặc toàn bằng cái mớ giẻ vụn lau tay không sạch đây này. Giời ơi! Ngó xuống mà coi. Sao đời tôi nó khổ thế này!”
“Hừ! Con hư tại mẹ. Lâu nay không phải tôi đã bảo bà coi chừng nó à? Tôi đi làm đầu tắt mặt tối. Bà ở nhà hễ có giờ rỗi rảnh thì miệt mài coi phim bộ, không Tàu thì Đại hàn. Rồi lại rủ rê thiên hạ họp nhau đánh tứ sắc, đi xem hột xoàn. Có bao giờ bà để ý, quan tâm đến nó đâu.”
“Mình sinh con, giời sinh tính ông ạ. Nào tôi có muốn nó hư đâu. Vả lại, tôi nhớ hình như chị Tâm cũng có đứa con gái làm mô đeo, nó đang hái ra tiền đấy. Hay là cứ để nó thử xem sao.” Em bị thằng chồng đánh trúng vào cố tật nên đành hạ giọng và lấp liếm.
“Ừ, rõ ràng là bà vẽ đường cho hưu chạy đấy nhé. Mai mốt có chuyện gì đừng đổ cho tôi. Tôi rửa tay trong chuyện của mẹ con bà.”

Thằng chồng em nó là vậy đó. Hiền lành, mộc mạc và vô tư như bụt đất ấy! Chuyện gì cũng giao khoán cả cho vợ với con.

Tới đây người kể chuyện ngừng lại như cố tình để cho người nghe có đủ thì giờ thấu hiểu cái sự hiền lành quá độ của anh chồng và biểu đồng tình với lời trách móc của mình. Bà chậm rãi lấy chai nước từ trong giỏ ra, tu mấy hớp xong lại cất vào. Uể oải.                                                                                                   
Từ nãy giờ, người đàn ông đang cố tình lắng nghe câu chuyện một cách kín đáo nhưng vẫn giả vờ như lơ là, bỗng để lộ sự chú ý nhiều hơn bằng nét nhíu mày khó chịu. Ông ta xoay xở, nhích qua nhích lại như bị rệp cắn. Vấn đề cần phải giải quyết theo cách khác khôn ngoan hơn. Tình thế còn cứu vãn kịp. Nhanh lên! Ông thầm hối thúc như chuyện đang xảy ra.

“Thế nó có hái ra tiền không bà chị?” Một bà ngồi ngay bên cạnh người kể chuyện đang sốt ruột nhắc tiếp.

Ối dào! Cái chuyện tiền bạc đấy à? Vẫn chưa! Nó đi sớm về trễ bất kể ngày đêm. La rầy nó thét rồi em cũng mệt mỏi nên bỏ mặc. Có nói quá thì nó cứ Măm Mì thế này Măm Mì thế nọ. Mấy bác cũng biết rồi đấy. Ai lại không muốn con cái gọi mình bằng Bố Mẹ chứ? Nhưng răn nó thì nó lại bảo: “Ở Mỹ ai cũng gọi Bố Mẹ bằng Đấy Đì với Măm Mì, tạo sao con phải gọi khác?” Mấy cái “tại sao” nó làm nhức đầu lắm mấy bác ạ. Thét rồi mình cũng phải lờ đi luôn cho qua chuyện thôi.

Rồi thì... Cho đến một hôm... Em bỗng thấy con gái em không đi sớm về khuya nữa. Em hỏi tại sao. Nó trả lời chỉ muốn ở nhà nghỉ mệt một thời gian. Thấy con tự nhiên trở lại ngoan ngoãn như xưa em thật có lòng mừng hớn hở. Em xum xoe báo tin mừng này cho Bố nó thì Bố nó lại phán một câu: “ Bà liệu theo dõi nó đấy”. Em cụt hứng nên cũng quát lại, “Ơ... cái ông này! Lạ nhỉ? Nó đi thì mới lo chứ nó ở nhà còn lo nỗi gì?”

Ấy vậy mà khi nó ở nhà một thời gian sau, em lại phát giác ra một chuyện tày đình, còn đáng lo hơn tin trời đất sập, như sét đánh ngang mày và vô cùng nhức đầu các bác ạ: con gái em nó có bầu! Vợ chồng em tra hỏi nó nhiều lần để tìm tác giả cái bào thai. Nhưng nó cứ ngậm miệng như hến, nhất định không thố lộ một chi tiết nào có thể tìm ra manh mối.

“Không có cái thằng cha căn chú kiết nào thì làm sao mày có chửa ễnh bụng ra như thế được chứ? Không chồng mà làm sao lại có con, hở, cái con mất na mất nết kia?” Em giận quá nên quát mắng nó inh ỏi.
”Thì là... con tự túc.” Nó trả treo với em.
“Giời ơi! Mày giết tao với Bố mày rồi. Con với cái. Tự với túc! Đời thuở nào lại có cái thứ ‘con tự túc’ chứ. Làm sao mà ngửng mặt nhìn bà con họ hàng, chòm xóm láng giềng đây? Tổ tông ơi! Sao con vô phần bạc phúc như thế này.” Em rên rỉ.

Trong xe im phăng phắc, mọi người như đang tôn trọng và chia sẻ nỗi đau khổ tột cùng của người mẹ này.

Người đàn ông từ nãy giờ dường như đã nín thở để theo dõi câu chuyện. Đến đây ông ta thở ra một hơi thật dài, nhắm mắt lại và thả hồn về khoảng thời gian 3 năm trước:

Người cha nằm hấp hối trên giường. Cậu con trai 25 tuổi đứng cạnh giường bên trái cố cắn răng kiềm hãm tiếng khóc sắp bật ra. Bà mẹ già giấu khuôn mặt đẫm nước mắt và tiếng khóc nức nở sau bức màn trắng kéo hờ để ngăn hai giường bịnh nhân chung một phòng. Giọng người cha yếu hẳn, lúc nghe rõ rệt, lúc thật nhỏ và cách quãng như sắp hết hơi.

”Bao năm qua... Ba chưa tiện cho con biết là mẹ con không chết... mà vẫn còn sống và đang ở tại Sài Gòn. Con tìm trong cuốn sổ tay ba để dưới ngăn tủ quần áo trong phòng của Ba, nơi trang cuối cùng có tên và địa chỉ của mẹ con.” Tiếng nói ngừng lại như để thở và lấy hơi rồi tiếp tục một cách khó khăn, chậm rãi.

“Thuở ấy... Ba và mẹ con cùng học chung Văn Khoa. Mẹ con còn trẻ, rất đẹp và là con nhà rất giàu có... nhưng lại vô cùng khó khăn. Ba cũng còn trẻ nên hai người cùng bồng bột, nông nổi, kém suy và kết quả là mẹ con có mang. Thế rồi gia đình bên ấy biết được... nên họ tìm gặp Ba, họ hăm he, chửi mắng Ba thậm tệ... và cấm Ba tuyệt đối không được tìm gặp lại con gái họ. Qua sự nhờ cậy của mẹ con cho người nhắn lại... thì mẹ con bị nhốt ở một nơi trên Đà Lạt để chờ ngày sinh nở. Rồi mẹ con sinh được một đứa con trai... là con... và ông bà ngoại con đã quyết định mang cho viện mồ côi. Mẹ con cho tiền người trong viện này để nhờ họ giữ con tạm ở đó chờ trao con lại cho Ba... Khi được tin này... Ba và Bà Nội vội vã lên Đà Lạt và rước con về nuôi... Rồi gia đình cùng sang Mỹ cho đến bây giờ.”

Người cha ngừng nói và nhắm mắt lại như đang chìm đắm, trở về trong quá khứ đau thương. Không nghe tiếng khóc, nhưng mặt cậu con trai đang ràn rụa những giọt nước mắt thương cha và thương cho số phận hẩm hiu của đứa bé sơ sinh mới chào đời đã không có mẹ. Lâu nay cậu sống bằng tình thương yêu vô bờ bến của bà nội và của cha nên không hề có cảm giác thiếu mẹ như đứa trẻ này. Cậu vẫn chưa quen liên kết số phận mình và đứa trẻ sơ sinh bạc phước này làm một.

Sự hồi tưởng của người đàn ông bỗng bị gián đoạn bởi giọng oang oang, hơi chát chúa của người kể chuyện lúc nãy đang bắt đầu trở lại.

 Đã bảo giời không chịu đất thì đất phải chịu giời mà. Vợ chồng em cũng đành nhắm mắt đưa chân. Cuối cùng, con gái em cũng hạ sinh được một thằng con giai. Ối giời! Nó kháu khỉnh lắm mấy bác ạ. Tuy là con hoang, nhưng máu mủ thì lúc nào cũng là máu mủ. Một giọt máu đào còn hơn cả ao nước lã mà. Vừa thấy mặt nó là em đâm ra thương yêu trìu mến ngay lập tức. Rồi thì em phụ nuôi cháu cho mẹ nó tiếp tục đi học lại. Thôi thì con dại cái mang phải không các bác? Gia đình em cũng đùm bọc mẹ con nó cho qua ngày. Cuối cùng con gái em cũng ra trường và xin được một việc làm trong một hãng điện tử lương tạm cho hai mẹ con nó đủ sống.

 Đây là một kết quả không nên có. Người đàn ông nghĩ thầm. Nhưng người mẹ và cô con gái cũng không tệ lắm. Bà mẹ tuy không biết dạy con cái, nhưng có lòng dạ nhân từ. Còn cô con gái lúc đầu tuy nông nỗi, nhẹ dạ nhưng lại là một người mẹ tốt. Còn mẹ mình thì sao? Người đàn ông quay trở về với câu chuyện vừa xảy ra cho mình.

Cha mất. Ba năm sau cậu con trai về VN và tìm đến đúng căn nhà như địa chỉ trong cuốn sổ tay của người cha. Đây là một ngôi biệt thự đồ sộ theo kiểu Tây phương, có sân rộng, hồ bơi và cổng sắt kiên cố bên ngoài. Cậu nhấn chuông và chờ đợi người trong nhà ra. Lát sau một người đàn bà đứng tuổi, ăn mặc bình dân ra hỏi,

“Cậu tìm ai?”
“Tôi muối gặp bà Lưu Kim Hạnh.”
“Cậu tên gì? Cho tôi biết để tôi thưa với bà chủ.”
“Tôi là Trần Đại Danh.” Theo như lời cha nói, tên này là do mẹ chàng đã điền vào giấy tờ gửi lại viện mồ côi.

Lát sau, một người trạc bốn mươi, ăn mặc sang trọng, dáng đi thanh thoát, uyển chuyển trông thật quý phái từ từ đi ra. Gần đến cổng hình như bước chân hơi chùng lại. Người thanh niên quan sát từng chi tiết. Tính ra nếu người này là mẹ mình thì giờ đã vào khoảng 48 tuổi. Đúng là vẫn còn thật đẹp và trông trẻ hơn số tuổi nhiều. Bây giờ hai người đang đối diện nhau, người bên trong, kẻ bên ngoài rào. Như hai thế giới cách biệt.

”Cậu là... Trần Đại Danh?” Người đàn bà hỏi với giọng run run sau khi nhìn sững chàng thanh niên một lát với nét mặt đầy bối rối, xúc cảm.
“Vâng, tôi là Trần Đại Danh và tôi muốn tìm bà Lưu Kim Hạnh.”
“Hanh! Trời nắng nóng thế này mà em ra ngoài làm gì vậy? Nói chuyện với ai ngoài đó?” Tiếng oang oang bất chợt của một người đàn ông mập mạp, tướng đi nặng nề, chậm chạp đang từ từ tiến ra và hỏi xẵng giọng. Người đàn bà im lặng, bối rối rõ rệt. Khi đến cổng người đàn ông nhìn chằm chằm vào mặt cậu thanh niên rồi cất giọng hoạnh họe,
“Ai đây?”
Rồi quay sang người đàn bà, ông hất hàm hỏi, “ Em quen biết người này hả?”
”Không... Em... không biết... Người này là... à... ai.” Người đàn bà hình như đứng không vững, sắp quỵ xuống và phải đưa tay vịn vào vai người đàn ông trong lúc trả lời với giọng đứt quãng.
“Còn cậu này? Đứng xớ rớ trước cổng nhà người ta để làm gì?”
“Tôi tìm người thân cũ. Có lẽ đã lầm nhà, lầm người. Xin lỗi!” Cậu trả lời trong lúc nhìn thẳng vào mặt người đàn bà để rồi bắt gặp rõ nét đớn đau, tuyệt vọng hằn lên đó. Dường như giương mặt bà đã trở nên già nua hơn lúc thoạt đầu khi mới thấy.
“Em làm sao vậy? Chị Tám đâu? Đưa bà vào. Đã nói nắng nóng như vầy không được ra khỏi nhà, hại cho sức khỏe mà không nghe.”

Người đàn bà theo vào trong một cách chậm chạp, nặng nề, đầu còn ngoái lại như cố nhìn cậu thanh niên lần cuối. Cậu thanh niên ghi nhận cái nhìn này với cõi lòng xót xa, bẽ bàng.

 Trước khi trở về Mỹ sau việc đi tìm mẹ không thành, người đàn ông cố tìm một chuyến xe du lịch về niềm Tây với chút hy vọng sẽ quên đi chuyện vừa xảy ra, khối nặng đè lên tim sẽ nhẹ đi phần nào, những đớn đau trong lòng của mấy ngày qua sẽ nhạt nhòa theo bụi đường xa. Nhưng hình như kết quả đang ngược lại. Chuyện kể của một người khách đồng hành đang khơi lại vết đau, đang xoáy vào chỗ lở loét và đang đào bới tâm tư vốn đã vỡ vụn sau lời trối trăn của người cha vừa qua đời.

Xe đã chạy vào vùng thắng cảnh nổi tiếng của miền Hà Tiên có sông, hồ, biển, núi đẹp tuyệt vời. Nhưng sự chú ý của người ngắm cảnh đang bị chi phối bởi lời kể chuyện tiếp tục của người đàn bà trong suốt cuộc hành trình.

 Thế nhưng... mấy bác biết rồi đấy. Ông Giời có đóng cửa ai mãi bao giờ. Thằng cháu ngoại em, cứ ngỡ nó là con hoang ấy. Không ngờ phúc đức mấy mươi đời nhà em còn để lại. Đùng một cái, một hôm có thằng mũi lõ, tóc vàng, mắt xanh đến nhận là cha của nó. Vợ chồng em cứ ngớ ra chẳng hiểu thế này là thế nào nữa. Cuối cùng con gái em nó cắt nghĩa rằng thì là lúc nó biết được là mình đang mang thai thì thằng bồ của nó đã đăng lính và được gửi sang Trung Đông. Thế là con gái em nó ém nhẹm luôn, không cho ai biết mô tê gì cả. Khi thằng này về nước, hỏi qua bạn bè, và sau khi đã thử Đi-en-ê gì đó, biết chắc là con ruột của nó rồi thì nó mới đến mà nhìn nhận...

Thôi thì cháu mình không còn là “con tự túc” nữa, mà lại có đủ cả Bố lẫn Mẹ, thì mình chỉ biết cám ơn Trời Phật, rồi trả nó về với mái ấm gia đình của nó. Cũng nhờ thế nên em mới rảnh tay rảnh chân mà đi du lịch đó đây đấy chứ.

 Xe dừng lại cạnh bờ biển, bên kia là dốc đá cao, chia bãi cát làm hai vùng riêng biệt. Mọi người vội vã xuống xe, túa ra bãi cát lài với sóng lăn tăn. Có người mạnh dạn tiến xa khỏi bờ, có người leo lên triền núi để ngắm ra biển khơi. Người đàn ông một mình lặng lẽ leo lên dốc đá cao và lần sang bãi vắng vẻ phía bên kia. Nơi này không một bóng người, những đợt sóng to từ xa chạy nhanh và đập mạnh vào triền đá đứng thẳng tạo nên những tiếng động ầm ầm ì ì lấn át hết mọi thứ âm thanh khác. Người đàn ông đứng trên dồ đá cao, nghiêng người ra phía biển khơi, bụm hai tay vòng quanh miệng làm thành cái loa, rồi dốc hết hơi sức mà thả giọng thật to vào biển cả:

”Ta... a... mới chính là đứa 'con tự túc' của cha ta... a... a... a.”

Âm vang dội vào vách đá rồi hòa lẫn cùng tiếng sóng, tiếng gió, quyện vào trời mây, biển nước bao la.

Cỏ Hoang
San Jose, đêm giao thừa Dec 31, 2011

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012