SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

PHONG LƯU CÁI THÚ RƯỢU TRÀ

QUÝ THỂ

Người xưa không trọng tiểu thuyết bằng thi phú, cho nên rất ít người viết tiểu thuyết, nếu có là những truyện tranh bá đồ vương như Tam quốc, Đông Châu liệt quốc... chuyện cung đình như Tái Sanh duyên, chuyện giang hồ hảo hán như Thủy Hử, chuyện trung hiếu tiết nghĩa, chuyện thần tiên... Ít người viết truyện đời thường, nhất là chuyện chỉ kể về mấy thú ăn chơi sa đọa. Riêng Kim Bình Mai là một bộ tiểu thuyết rất lạ, người khen lắm mà chê cũng nhiều. Tiêu Tiêu sinh, một tác giả giấu tên mượn cốt truyện Võ Tòng sát tẩu trong Thủy Hử phát triển thành một thiên tiểu thuyết hoàn chỉnh. Đối với thiên truyện này, qua bao thời đại, người cho là dâm thư, kẻ nói là Trung Hoa đệ nhất tài tử. Kim Bình Mai bị phê phán về mặt đạo đức, nhưng kỹ thuật dựng truyện, kỹ thuật tiểu thuyết hoàn hảo. Kim Bình Mai ghi lại cho đời sau cái thú phong lưu. Nên dù bị phê phán, bộ tiểu thuyết này vẫn trường tồn với thời gian. Thời nào cũng có người đọc và người mê nó. Điện ảnh Trung Quốc sau Hồng Lâu Mộng cũng dựng Kim Bình Mai. Hy vọng gần đây khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức.

Kim Bình Mai là câu chuyện xoay quanh gia đình Tây Môn Khánh với sáu người vợ. Tác giả mượn cái bối cảnh này để lồng vào đó cái thú phong lưu trà rượu, yến tiệc đàn ca. Từ đầu đến cuối truyện là những cuộc vui không cùng. Chúng ta những người sống vào thế kỷ hai mươi mốt cũng nên thả hồn về những nhân vật bất hủ như “Tây Môn Đại Quan Nhân”, và nhất là nhân vật nữ Kim Liên xinh đẹp, dâm đãng, tàn ác được mệnh danh là “Kim Liên Tam thốn” (nàng Kim Liên bàn chân ba tấc, nghĩa là chỉ nhỏ bằng bàn chân đứa trẻ lên mười). Ngày xuân hãy cùng với tài tử giai nhân thời đó sống cái không khí phong lưu thưởng thức một vài thứ rượu trà, nghe dăm khúc ca, xem mấy điệu múa.

Trước tiên là rượu. Mùa hè có rượu Mạt Ly, Mạt Ly hay là hoa lài, đặc biệt giống lài trồng ở vùng Quế Châu là thơm nhất. Hoa Mạt Ly thường để ướp trà, nhưng riêng loại Mạt Ly Quế Châu người ta dùng để gây men cho rượu mau dậy hương. Mạt Ly thuộc loại rượu nhẹ, lên men tự nhiên không cần chưng cất như kỹ thuật làm bia ngày nay. Rượu Mạt Ly uống trong mùa hè, uống để giải khát. Dĩ nhiên nốc quá độ cũng có thể “quắc cần câu”! Người ta đựng rượu Mạt Ly trong cốc Liên Bồng (cốc lớn hình búp sen). Hãy tưởng tượng vào một chiều hè oi ả, bên hòn giả sơn, dưới cội quế hòe tài tử giai nhân thưởng thức rượu Mạt Ly, lắng nghe người ca kỹ hát khúc “Chiếc Quế Lệnh” hay khúc “Nhân gian úy hạ nhật” (mùa hè đáng sợ thật) giai nhân cầm quạt mà nan quạt làm bằng thứ trúc Tương Phi, phất giấy hoa tiên vẽ hình tùng hạt thì còn cảnh nào thi vị hơn?

Mùa đông uống rượu Kim Hoa, Kim Hoa là một thứ rượu rất mạnh, uống như nuốt lửa! Thế mà lại tuyệt vời. Rượu Kim Hoa mạnh tới nổi tiểu đồng cầm bầu rượu để rượu sánh ra rơi xuống lò than phựt cháy thành ngọn xanh rờn! Sở dĩ gọi là Kim Hoa Tửu bởi vì dưới ngọn bạch lạp chất rượu lấp lánh những hoa vàng . Rượu Kim Hoa trước khi uống nên hâm nóng . Chắc Tào Tháo dùng thứ rượu quí này dâng cho Quan Vân Trường lúc ngài “quá ngũ quan, trảm lục tướng” Lúc trở về chén rượu vẫn còn nóng! Thử tưởng tượng vào tiết lập đông, bên ngoài trời rét như cắt, hoa tuyết rơi lả tả, giai nhân tài tử khoác áo hồ cừu ngồi cạnh hỏa lò, bên khóm Hồng mẫu đơn, sau bức bình phong làm bằng đá mỏng ở nước Đại Lý (Đại Lý Phiến Thạch) trên mình đá có hình ngư , tiều, canh, độc, nhắp chén rượu Kim Hoa dựng trong chén Kim Đào thì còn gì thú vị cho bằng! Ngồi buồn thì lấy con xúc sắc ra chơi trò “Tửu lệnh”. Trò chơi này như sau: Mỗi người gieo con xúc sắc ra số nào thì phải làm câu thơ hay kể câu chuyện có liên quan tới con số đó. Nếu không làm được thì phải uống chừng ấy chung rượu. Người cầm chịch trong trò chơi này gọi là tửu lệnh quan. “quan” có thể gia giảm hình phạt cho người chơi. Mấy anh chàng dốt đặc cán mai rất sợ trò chơi này, Ngược lại, mấy cha võ vẽ làm thơ lại rất khoái vì có dịp trổ tài với người đẹp! Cũng có thể bẻ một cành mai, làm trò chơi tửu lệnh. Mai Trung Quốc không phải như mai ta, loại mai này có quả và hạt. Lấy hạt mai trong quả mà định ăn thua. Thực là “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”.

Một loại rượu nữa cũng thuộc hàng đông tửu đó là rượu Cúc Hoa. Cúc Hoa rất mạnh, vị ngọt, hương nồng, uống trong chén Liên tử (loại chén nhỏ như hạt sen). Mùa thu uống rượu Cúc Hoa, xem ca kỹ đàn hát khúc “Hàn Tiên Tử lên tiên” nghe tiếng đàn “Bát thanh cam châu”. Đây là một khúc nhạc vui. Trong truyện Kiều có câu: “tàng tàng chén cúc giở say” để chỉ loại rượu này. Rượu Quỳnh Tương cũng là một thứ rượu quí. Người xưa tin rằng Hà Tương là một thứ nước hứng từ những hạt móc (hạt móc không phải là sương. Tuy nó cũng đọng trên lá nhưng là thứ nhựa cây dư thừa tiết ra ngoài. Các nhà khoa học mới đây đã khám phá ra rằng hạt móc chưa nhiều muối khoáng còn sương chỉ là nước nguyên chất. Họ gọi đó là hiện tượng cây khóc). Hà Tương là thứ nước uống vào thì... đắc đạo!

Rượu ngũ hương có mùi trích từ năm loại vỏ cây quí. Rượu Hà Hoa là đặc sản của huyền Hà thành. Rượu Hải Thanh, nước veo, hương ngào ngạt. Tất cả những loại rượu vừa kể đều là rượu quí, bậc quan quyền hay phú hộ mới thường dùng. Nhưng thế gian đệ nhất tửu phải kể là rượu Mai Côi. Tư Am Bạch Tuyết, chỉ có bậc vua chúa hay hàng đại phú gia mới có dịp thưởng thức. Đây chính thị là Ngự tửu. Theo cổ y thì rượu quí tăng tuổi thọ, tinh thần minh mẫn, sinh lực dồi dào. Bởi thế mà “Tây Môn Đại Quan Nhân” trong nhà đã có sáu bà vợ còn đi kiếm chác thêm bên ngoài.

Hàng thứ dân thành thị có mấy thứ rượu:Bồ đào hay là rượu nho. Bồ đào mỹ tửu dù đựng trong chén dạ quang cũng chỉ thuộc hạng trung tửu. Bạch tửu là loại rượu thường, thị dân dùng như rượu đế của chúng ta. Nông dân tự cất rượu lấy (tự sản tự tiêu) để uống thì gọi là lạc thủy (nước uống cho vui). Ở phần đầu câu chuyện. Tây Môn Khánh thuộc hạng Đại hộ bạch y (dân đen giàu có) nhưng sau nhờ có tiền và kết thân với quan lại địa phương và trong triều nên ăn chơi sang trọng được nhiều người nể sợ, làm việc gian tham tàn ác nhiều lần mà không bị trừng trị.

Trà quí ở Trung Hoa thuộc hai miền Hạ Tuyền (Tô Châu) và núi Vũ Di thuộc Phúc Châu. Hầu trà ( trà trên núi cao do khỉ hái) và Trảm mã trà (trà do ngựa ăn rồi giết ngựa lấy ra) không thấy nói trong Kim Bình Mai. Thời này bực đại phú buổi sáng dùng các loại trà quí sau đây: Trà Lục An, trà uống vào lục phủ khương kiên. Trà Mộc Trí, uống vào tinh thần sảng khoái. Trà Thanh Tâm dùng để giải rượu. Trà Long Câu uống vào có thể thức thâu đêm suốt sáng để tuy hoan hoặc để đánh bạc mà vẫn không thấy buồn ngủ hay mệt nhọc. Trà Linh Bảo uống để tiêu thịt cá trong bữa tiệc thịnh soạn. Trung Quốc không có trà đạo cầu kỳ như Nhật Bản. Trà là thứ nước uống thường ngày và để mời khách. Uống rượu xong lại yến tiệc rồi uống trà cho giải rượu tiêu thức ăn và tiếp tục ăn nhậu dài dài cho tới sáng.

Rượu trà, lại phải có đờn ca xướng hát. Sau đây là tên một vài khúc hát. Lễ chúc thọ thì có khúc Thọ tỷ Nam sơn. Tiễn người thân lên đường có khúc Ngọc Phù dung, khúc Mã Đáo. Các khúc hát vui thì có Nam Thạch Lựu Hoa, Quế Kỳ Trùng Hội, Đông Cảnh Ráng Xuân Đô, Khúc Tam Lộng Hoa Mai hát trong lúc hầu rượu. Sau cơn mưa có khúc Lương Châu Từ. Đi đường có khúc Nhạn quá Xa, nghe thì bớt mệt. Họa Mi Tự là khúc hát cám cảnh hồ thỉ tang bồng .Chuốc rượu ngày xuân có khúc Hồng Nhập Xuân Đào. Để nhớ người yêu đang ở xa có khúc Nhị Phạm giang Nhi thủy và khúc Nhất giang Phong. Trai gái trách móc nhau có bài ca Thủy Tiên Tử. Hoan ca có bài Thập Tam xoang. Như thế đủ thấy vào thời đó âm nhạc Trung Quốc đã dồi dào, tùy cảnh tùy tình mà tấu.

Ăn nhậu xướng ca rồi thì tới tiết mục em út. Ca kỹ chốn thanh lâu, hồng lâu, có nơi gọi là hành viện là hạng bình dân chuyên nghiệp và sống tập trung, không phải là thứ xịn. Mấy em này sống với một Ma Ma (má). Ngày trước việc chơi bời cũng cầu kỳ, trước tiên khách đưa tiền cho gia chủ làm tiệc, uống trà, uống rượu, nghe tiếng dàn giọng hát kế đó mới tới tiết mục then chốt sau cùng. Khách sộp có thể bỏ ra một số tiền lớn “thuê bao” người đẹp trong một thời gian. Họ được độc quyền.

Nhà có khách khứa tiệc tùng có thể mời người đẹp tới giúp vui tiếp khách cho gia chủ. Thời đó có lệ mua bán người hầu. Trẻ con giá chừng mười lạng, người lớn vài chục. Hầu nam nếu có nghề cầm kỳ, hầu gái biết ca múa cao giá hơn, nếu có sắc thì vài trăm lạng cũng không đắt. Mua xong có quyền bán lại. Tuy thế từ “diện” A Hoàn, nếu được chủ yêu có thể đặc cách lên hàng “thiếp”.

Và y phục và đồ trang sức của nhà giàu thì có bộ đồ vía dành để đi chơi là áo Hồng bào màu ráng chiều trên sông Hoàng Hà hay gấm trắng có thêu hình Bình Sa lạc nhạn (chim nhạn đậu bãi cát). Lưng mang đai thủy Tê (tê giác nước), chân đi hài Vân Lý. Đầu đội mão Ngọc Lư. Tay cầm quạt giấy vẽ hình hắc thiên nga (Ngỗng trời màu đen). Cái quạt vừa làm dụng cụ làm cho mát, làm vật trang sức, đôi khi làm khí giới lại còn làm cho tôn thêm vẻ hào hoa phong nhã. Nữ mặc xiêm y bằng gấm đoạn màu thiên thanh hay bạch ngọc ẩn hình Tiêu tương dạ vũ, tóc cài chiếc trâm lưỡng đầu phụng loan, tay cầm khăn lụa thêu hình Hồng Hải đường. Bàn chân càng nhỏ càng được giới mày râu ưa chuộng. Khi đi lưng uyển chuyển như rắn bò (Xà hành) bước chân ngắn như chim sẻ (tước bộ). Tha thướt lược là khôn kể xiết. Thời này kỹ nghệ mỹ phẩm đã phồn thịnh. Cho nên mỗi lần nàng Kim Liên sai A hoàn mua son phấn thường phải dặn đi dặn lại sợ mua nhầm đồ dỏm! Trẻ con để tóc trái đào, cổ đeo đồng tiền trường mệnh, mặc áo gấm thêu hình ấu mai. Cả nhà thê thiếp kéo nhau đi xem hội hoa đăng trong đêm nguyên tiêu.

Thời thế đổi thay nhiều. Ngày nay người giàu có quyền thế cũng nhiều nhưng kẻ có cuộc sống phong lưu thì chẳng mấy ai. Có người hoài cổ ngậm ngùi than: “Còn đâu nữa cái thời Tam thốn giai nhân?!!!”

Q.T.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012