SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

TIẾNG KHÓC CỦA NGUYÊN BÔNG

Khóc là một xúc cảm cao nhất của tâm sự trước cảnh ngộ đau khổ hay trong hoàn cản vui sướng quá độ. Nguyên Bông là con người đa cảm, đa sầu ,đa lụy cho nên trong tác phẩm KHUNG TRỜI XUÂN PHÍA SAU của anh:
Có khi anh khóc thành tiếng, có khi anh sụt sùi nức nở, có khi chỉ chảy nước mắt một mình, có khi thở dài có khi ngồi đờ đẫn như người mất hồn, có khi anh uống rượu cho quên buồn. Anh luôn tự hỏi tại sao anh vẫn còn ở đây tại sao và tại sao ?

1-Anh khóc cho quê hương VN bất hạnh, không may có một giai đoạn lịch sử tăm tối như thế này.
2-Anh khóc cho nỗi điêu linh thống khổ của đồng bào anh từ thế hệ này qua thế hệ khác .VUI ÍT BUỒN NHIỀU
3-Anh khóc cho bạn bè kẻ còn thê lương, người mất một cách oan uổng Bao nhiêu nhiệt huyết ước mơ hoài bão của tuổi trẻ VN tan theo sự bạo tàn của những kẻ độc ác thống trị, số mệnh nghiệt ngã vô lý, bất nhân bất nghĩa.
4-Anh khóc cho định mệnh nghiệt ngã bất hạnh của con người VN khốn khổ đã hơn 65 năm qua .
5-Anh khóc cho sự bất lực của chính anh không làm gì được cho ai và cho chính bản thân mình. Tất cả bị cuốn trôi trong guồng máy khổng lồ vô nhân tàn bạo.
6-Khóc tiếc nuối một thời huy hoàng đã qua của mình, của đồng bào.
7- Tiếng cười thay cho tiếng khóc bất lực, hay che tiếng khóc tiếc nuối, bất mãn.  “Cười như cậu bé hỏng thi, khóc như cô bé bước đi theo chồng” .
8-Tiếng thở dài của anh não nuột thay tiếng khóc sụt sùi, thay tiếng nguyền rủa số phận quá khủng khiếp bi đát của lịch sử đau thương của dân tộc VN.
9- Sanh bất phùng thời của một tâm hồn cao khiết, anh đang khóc cho số phận con người VN và số phận của chính anh.Tại sao anh lại sanh ra làm người VN ?
10-Anh đưa ra những mâu thuẫn không có câu trả lời là giữa tình nước và tình nhà ,tình nước và tình đạo, tình bạn và tình yêu...Làm cho anh bật khóc trong hoang mang, bẽ bàng .

Anh quả thực là một nhà nhân bản và là người có trái tim đôn hậu yêu thương đồng bào và đồng đội. Nỗi đau của đồng bào là nỗi đau của anh. Một người nhân đạo đầy tình người. Anh đã đặt tình thương lên trên hết. Đọc những tác phẩm của anh ta thấy đầy ắp tình người trong từng nhân vật, tính thơ mộng trong từng chuyện nhỏ.

Anh đã vẽ ra một triều đại (1954-1975 ) mà những người lính VNCH như những chảng tài tử giai nhân, rất tử tế, rất hào hoa, rất chân tình, nhân nghĩa, hào hùng giản dị đẹp như một giấc mơ.Tuy triều đại đó đã qua đi nhưng nét huy hoàng diễm lệ của nó vẫn còn chói sáng muôn thuở trong tâm hồn người VN. Như triều đại nhà Đường bên Tàu đã qua đi nhưng nhiều thế kỷ sau cho đến hôm nay mọi người mọi nơi vẫn còn ngưỡng mộ nhắc đến một cách tiếc nuối khôn cùng như LÝ BẠCH -ĐỖ PHỦ và thơ thời thịnh Đường trác tuyệt đầy vẻ đẹp. Một triều đại đã làm nên trang sử văn hóa Trung Hoa vẻ vang diễm tuyệt. Cũng như những nhân vật trong truyện của Nguyên Bông như .,TÂN ,TUẤN ,EM GÁI HẬU PHƯƠNG ... làm cho người đọc thấy thương thấy yêu, lưu luyến cả một thời hoa gấm. Nguyên Bông đã thành công là một người dựng lại những điểm độc đáo ngát hương của lịch sử VN cận đại. Nguyên Bông đã viết ra những cái hay cái đẹp cái tinh hoa rực rỡ mà chính anh là chứng nhân, một việc mà nhà sử học không làm được.

Qua tác phẩm này ta thấy Anh là một nhà văn có một bút pháp điêu luyện ,tinh tế, anh đã thành công trong việc mô tả những nỗi uẩn khúc tâm lý sâu sắc, tinh vi tế nhị trong lòng người, đôi khi dí dỏm, chua chát.

Theo tôi Nguyên Bông có độc chiêu về viết văn, vì viết văn không gò bó rất thoải mái nên anh viết cũng giống như con cá bơi lội nhào lộn giữa biển rộng mênh mông của ngôn ngữ, anh rất thành công trong văn xuôi hơn những lãnh vực khác.

Anh đã đưa ra những mâu thuẫn của cuộc đời mà không thể nào có câu trả lời “có hay không” một cách dứt khoát được. Đó là vấn đề đạo và đời... giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu tổ quốc, giữa kỷ luật và tình cảm ...giữa anh hùng và tình bạn ...Chủ thuyết dang dở lưỡng cực mâu thuẫn chi phối những sáng tác của anh, hay nói cách khác triết lý không phân đôi bàng bạc trong những câu chuyện của tác giả. Đó là cái làm cho người ta nhớ hoài khi đọc truyện của anh. Nếu nhìn bằng con mắt triết học có thể nói Nguyên Bông là một triết gia đưa ra một lý thuyết rất lạ là không một mà cũng không hai...không thắng mà cũng không thua .

Ngoài ra qua tác phẩm này ta có thể nhìn kẻ thua lại là người thắng ở mặt này hay mặt khác ví dụ người lính VNCH trí thức đẹp trai đa tình nhân ái hào hùng, tâm hồn cao thượng, dân chúng yêu mến , những KINH KHA của thời đại -còn người thắng lại như thua ở những mặt khác mà anh tội nghiệp gọi là “ người anh em PHÍA bên kia” ngu si ,tàn bạo, gian dối, lọc lừa, hèn hạ...Cho nên anh đã định nghĩa lại như thế nào là thắng hay thua. Có thể nói Nguyên Bông đã LẬP NGÔN, lập ngôn là đưa ra một triết lý làm bùng vỡ những biên cương của lẽ đời đen tối ở VN. Nhưng anh rất khéo léo diễn tả trong văn chương làm cho người đọc ở bất cứ giai cấp nào trình độ nào cũng hiểu, nhưng cũng lại không hiểu hết. Người bình dân đọc văn của anh thấy đây là những câu chuyên tình lãng mạn lý thú dễ thương gay cấn hồi hộp...Người trí thức lại thấy đây là vấn đề gai góc nhức nhối của con người mà không có câu trả lời dứt khoát ....Đọc văn của anh có thể bàn hoài mà không hết những cái hay cái mới. Đọc rồi muốn đọc lại nữa, càng đọc càng thấy cái lạ kỳ thú...

Ví dụ câu chuyện CHÚ HAY CHA, câu chuyện kể về hai người yêu nhau, nhưng bị mẹ cản bà ta nói nếu không nghe lời bà lấy chồng tên Thanh thì bà sẽ chết. Cô gái có người yêu, hai người đã ở với nhau trước khi cô ta đi lấy chồng. Sau nầy người con trai gặp lại người tình cũ chồng chết, đứa con gái 16 tuổi, sự bối rối của người mẹ không biết con của người đàn ông nào? Nay gặp lại người yêu xưa con nên gọi chú hay cha? Ta nhớ Đoạn tuyệt của Nhất Linh, hay Romeo Juliet của Shakespeare chỉ nói về thảm kịch bên hiếu bên tình. Nhưng Nguyên Bông đi xa hơn là ngoài hiếu tình còn thêm chuyện cho nhau của người yêu và sau này còn đoàn tụ với người yêu và đứa con còn phân vân giữa cha và chú .Tức là chủ đề của Nguyên Bông sâu hơn phức tạp hơn. Qua câu chuyện này ta thấy anh đã manh nha một cách viết mới của nền văn học hiện đại. Nếu không muốn nói là hay hơn cổ nhân .

Anh là một người tâm hồn nhân hậu, trong cuộc đời và trong văn chương nên anh thương cảm con người cho đến con vật nhỏ bé con sóc bông. Anh nhìn mọi nỗi khổ đau của con người như một bất lực nên anh đã khóc. Giọt nước mắt của anh lăn tròn trên từng trang sách trong tác phẩm. Khóc trong ngỡ ngàng chua chát .
Đáng lý tôi ngưng ở đây vì, như quý vị đã thấy văn của anh sâu và diễm tuyệt rồi. Đôi khi nó thêm nữa sẽ bị loãng. Nhưng những bài thơ đầy sức quyến rũ trong quyển này cũng là những viên ngọc long lanh .Ví dụ như bài:

Trở về làng xưa
Ánh trăng tỏa vấn vương đường mộng
Làn khói giăng mờ mịt lối quê
Nắng đọng ươm tình người lữ khách
Sương rơi gợi nhớ tách cà phê
Bốn câu thơ thật ngọt ngào phải không quý vị?
Hay bài : Mộng chưa tròn
Non nước chìm nhanh làn sóng đỏ
Đồng bào quấn vội mảnh khăn tang

Chỉ 2 câu mà nói hết những bi kịch của biến cố 30-4-75. Thật là tuyệt vì nó sâu sắc chua chát .Ta có thể giảng bao lâu mới hết được cái hay của hai câu thơ này?

Bài Xuân thanh bình
Nắng hồng hong nụ hoa hàm tiếu
Gió mát ươm tình hương ngất ngây
Trong ánh xuân mơn hoa giỡn bướm
Ngoài sân gió loạn lá đùa cây.

Chữ hong, chữ xuân mơn hoa dỡ bướm, gió loạn lá đùa cây...chữ nghĩa của Nguyên Bông thực sự có một sự sống mới hay có thể nói Nguyên Bông là một phù thủy của ngôn ngữ .

Đây là những câu thơ tiêu biểu cho tài hoa của thi sĩ Nguyên Bông, vì nó hay nhẹ nhàng, đẹp lấp lánh tự nhiên, nhưng rất đối vì nó là thơ Đường. Quý vị cũng biết làm thơ Đường khó như thế nào mà Nguyên Bông viết một cách dễ dàng hay như thế. Lại một lần nữa ta thấy một Nguyên Bông tài hoa xuất sắc trong thơ.

Một buổi chiều nào đó trên quê nghèo VN vắng lặng ta lắng nghe tiếng chuông chùa vang trong hư không như thức tỉnh con người trong cõi mộng, hay tiếng gió hú của mùa đông như gọi hồn ai đớn đau sầu muộn ê chề cho quá khứ, hay thoảng nghe trong gió tiếng khóc u uất ngậm ngùi của Nguyên Bông tưởng nhớ về một thời đã qua của anh và của VN, hay của chúng ta ?

VŨ QUANG MINH

 

TIỂU SỬ NGUYÊN BÔNG

* Tên thật: Trương Văn Bỗng.
- Sinh năm 1943, Tây Ninh - Việt Nam, trong một gia đình sống về nghề nông. Tôi xin lược qua về phần lịch sử Tây Ninh cũng là phần đất Địa Linh Nhân Kiệt với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như : Thánh Thất Cao Đài, Chợ Long Hoa. Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, cảnh đẹp thiên nhiên Long Sơn Điền .

Tây Ninh trong suốt chiều dài 300 năm, công cuộc khai khẩn vùng đất của người nông dân VN thuộc các thành phần khác nhau trong điều kiện chính trị, xã hội khác nhau, nhưng trong mỗi giai đoạn lịch sử đều có những biện pháp để đẩy mạnh công cuộc khai thác đất đai cho vùng Nông nghiệp tại đây. Thế nhưng trong thực tế người dân Tây Ninh trước đây thường lâm vào cảnh túng đói, đặc biệt là đời sống của công nhân Cao su, vì lợi lộc làm ra phần lớn đều lọt vào vào tay giới chủ. Cho nên nhiều cuộc đấu tranh tự phát của công nhân đã nổ ra.

Do vị trí quan trọng biên giới dài với Campuchia, có rừng rộng, núi cao, đường sông đường bộ thuận tiện là cửa ngõ vào Saigon, nên trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh cũng là đối đầu quyết liệt chống ngoại xâm .Thời kỳ khi quân Pháp tiến vào chiếm đất, không chấp nhận hiệp ước đầu hàng của triều đình Huế, dân chúng địa phương đã cùng với các Ông Khâm tấn Tường, Trương Quyền, PuKămpô, Lãnh Binh Tòng, lãnh Binh Két, Trịnh Minh Thế&đứng lên chống Pháp quyết liệt .

Ngoài ra tại đây còn có nhà ái quốc nổi tiếng là Ông Phạm Công Tắc, đồng thời cũng là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong việc hình thành xây dựng và phát triển tôn giáo của đạo Cao Đài .
- Bút hiệu thường dùng của anh là Nguyên Bông.
- Bút hiệu khác: Hà Thy cho những bài thơ văn phiếm.
- Học tại: Trường Trung Học Công Lập Tây Ninh.
- Từ 1963-1966: phục vụ trong các Đoàn Cán Bộ Hành Chánh Lưu Động, Xây Dựng Nông Thôn thuộc tỉnh Tây Ninh.
- Từ năm 1967, bị động viên theo học Khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường, phục vụ tại Sư đoàn 21 ''Sét Miền Tây'' ở Bạc Liêu và tại Tiểu Khu Tây Ninh cho đến ngày 30/04/75.
- 01/05/75 vào tù, qua các trại giam Cây Cầy, Trảng Lớn, Đồng Pan (Tây Ninh), Bà Rá Phước long và Z30D Hàm Tân, Thuận Hải. Ra tù năm 1983, sống với nghề ruộng rẫy .
- Sang Mỹ năm 1994 theo diện HO 22 và định cư tại Florida.
- Tập tành viết văn và làm thơ từ lúc bước chân vào trung học, trong các Thi Văn Đàn học sinh lúc bấy giờ. Sang Mỹ, tham gia sinh hoạt văn học trong các Hội VAALA Florida (đã giải thể), Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại / Florida, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại / Vùng Đông Nam Hoa Kỳ (hiện là Tổng Thư Ký) và Hội Văn Nghệ Tự Do (hiện là Phó Hội Trưởng Nội Vụ nhiệm kỳ I và đang trong nhiệm kỳ II).
-Anh đã có nhiều thơ và truyện ngắn đăng trên Việt Nam Nhật Báo và nhiều Nguyệt san, Đặc san, Tuyển tập, tại hải ngoại.
- Đã phát hành tập truyện ngắn đầu tay ‘‘Khung Trời Xuân Phía Sau’’.
- Sẽ in: “Khi Rừng Cao Su Thay Lá’’ (tập truyện ngắn) và ‘Mây Viễn Xứ” (tập thơ).

- Nguyên Bông thích nghề dạy học. Lúc còn theo học ở bậc trung học, hằng đêm vẫn dạy kèm tại gia các lớp luyện thi cho nhiều em học sinh hiếu học.
- Khi đã là lính, ở những nơi đơn vị đóng quân dã chiến cũng vẫn có các em đến xin thọ giáo.
- Trong thời gian ở tù, vào những ngày lễ lớn, trong trại giam (do bộ đội quản lý) thường tổ chức đá banh, viết báo tường, v.v&Nguyên Bông viết bài ''Đường Về Cố Quận'' nói về nỗi thống khổ của Nguyễn Trãi lúc tiễn đưa cha là Nguyễn Phi Khanh bị đày sang Tàu, lúc trên đường về, nỗi lòng của một người con không tròn chữ hiếu với phụ thân và bổn phận của người trai đối với non sông trong thời loạn chưa trả xong, được giãi bày qua 4 câu vọng cổ. Với bài này, Nguyên Bông sém bị vào “chuồng cọp” (vì có lệnh chuyển trại giao cho Công an thuộc Bộ Nội Vụ quản lý), vì tội còn mơ về chế độ VNCH cũ!

Lần đầu tiên tôi gặp anh nhận thấy anh là một người có dáng khắc khổ giản dị, nhưng rất nồng nhiệt với bạn bè và càng biết nhiều về anh thì tôi thấy anh có quá nhiều tài năng như :
1 - Một nhà thơ, về thơ Đường Luật anh là người kiệt xuất về lối thơ cổ và khó khăn nầy
2 - Anh còn có biệt tài viết những bài ca vọng cổ được trình diễn trên sân khấu mà không qua trường lớp nào
3 - Anh là một nhà văn vững vàng, những truyện ngắn trong tuyển tập Khung Trời Xuân Phía Sau thật là phong phú, chứng tỏ một bản lãnh sâu sắc của con người cầm bút lão luyện .
Vậy nguyên nhân nào tạo nên một Nguyên Bông đa tài như thế?. Theo thiển ý của tôi thì :

  • Do lòng say mê nghệ thuật như một bản tánh Trời ban cho
  • Anh sanh ra và lớn lên một nơi Địa Linh Nhân Kiệt ở tỉnh nhà Tây Ninh .
  • Những đày ải của nhà tù CS đã tạo nên một tâm hồn sắt đá, quyết chí thành công dù khó khăn. Đau khổ có khi là viên đạn kết liễu lòng nhiệt thành của con người, nhưng có khi nó cũng là một viên đá mài làm cho đao kiếm sắt bén hơn . Ngục tù đày đọa đã tạo nên một Nguyên Bông bản lãnh kiên cường sâu sắc và đa tài , đa lụy .

Thưa quý văn thi hữu ,
Trước năm 1975 chắc hẳn các anh đang có mặt tại đây đều là những anh chiến sĩ của VNCH đã đem hết tuổi thanh xuân, lòng nhiệt huyết phục vụ cho đất nước, và hôm nay ở xứ người thì các anh đã biến thành những nhà văn, nhà thơ chúng ta trở thành những chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận Văn Hóa .

Nếu ta muốn tìm một sức đối trọng với nền Văn Học Nghệ Thuật của CS với bề dầy 65 năm ta đã thấy rõ Văn Học Nghệ Thuật của CS như sau : giả dối , ngụy biện, vô đạo đức, tuyên truyền, không thuyết phục, không đạo nghĩa, không thực tế . Thì nơi đây ta có một tác phẩm Khung Trời Xuân Phía Sau của Nguyên Bông có những yếu tố đối nghịch lại với CS như lãng mạn, chân thật, không tuyên truyền , đầy ấp tình người đạo nghĩa, hấp dẫn và thực tế .
Như thế Văn Chương là một mặt trận đầy tính đấu tranh và đối kháng với chủ thuyết CS. Với lịch sử VN hiện nay tự nó mang một ý nghĩa một mất một còn với chủ nghĩa CS . Từ đó ta có thể nói những nhà văn hay thơ ở hải ngoại nầy nói chung hay Nguyên Bông nói riêng như là một chiến sĩ trên mặt trận Văn Hóa chống chủ thuyết phi nhân, phi nghĩa của CS qua tác phẩm Khung Trời Xuân Phía sau của anh.

Và với tác phẩm nầy hy vọng sẽ như một di sản trao truyền kinh nghiệm, tinh hoa của Văn học Nghệ Thuật cho thế hệ trẻ, để họ có thể tiếp nối sứ mạng duy trì và phát huy Văn Hóa VN ngày thêm phong phú và rực rỡ hơn .

XUÂN DÂN

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012