SỐ 54 - THÁNG 4 NĂM 2012

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)                                     

15.

Trời vào trưa. Nắng đứng bóng tàng cây sao rậm lá làm thành khoảng mát tròn trịa trên đỉnh đồi nhìn xuống con đường đất đỏ dẫn vào khu trại tù Gia Trung. Xa tắp phía chân đồi ẩn hiện khúc tỉnh lộ như vết lằn đen quanh co mệt nhoài cố bám vào sườn dốc Tây Nguyên chênh vênh non núi. Khúc đường đầy ổ gà, họa hoằn vài chuyến xe bộ đội hay xe đò nặng oằn quang gánh uể oải bò ngược phía An Khê hay xuôi về đồng bằng. Chênh chếch theo sườn đồi tiếp giáp với trùng điệp núi rừng là dòng suối len lách qua vạt rẫy nương hoang phế, xác xơ những hàng mì mảnh mai xiêu đổ. Buông làng rộn rịp bên bờ suối ngày nào giờ chỉ sót lại vài sườn nhà sàn cháy xém cheo leo. Người dân miền núi quen với cuộc sống du canh đã bồng bế nhau vào thâm sơn để sống đời tự do phóng khoáng cố hữu.

Dưới mái lều bên gốc cây sao, một người đàn ông chừng bốn mươi mươi đang chăm chú đánh tranh. Chân trái người đàn ông cụt gần đến đầu gối. Chiếc chân gỗ, có lẽ do anh tự làm, đứng một mình buồn bã trên nền đất. Cạnh đống tranh bện xong sắp ngay ngắn chừng mươi tấm, một con bò cái đứng uể oải nhai lá mì mà người đàn ông đã chu đáo gom lại thành đống. Anh dừng tay lết về phía chiếc bình đông treo ở góc lều, ngửa cổ uống đầy ngụm nước. Người với bò đều trầm mặc như nhau. Hai sinh vật nhìn nhau hồi lâu rồi người lắc đầu chịu thua cầm chiếc nan tre dài xua bò đủng đỉnh đi về phía sườn đồi xanh cỏ. 

Đêm qua người đàn ông mất ngủ. Trong tiếng mưa rừng tí tách nhịp buồn trên mái láng, anh nằm trở trăn miên man nghĩ đến mẹ già, vợ con và nỗi niềm hạnh phúc trong mơ.  Mẹ bất ngờ lặn lội tìm lên trại tù thăm con vào buổi trưa. Bà bật khóc òa khi thấy con lê chân gỗ khập khiễng, tay dắt bò theo người vệ binh bước vào cổng trại về phía nhà thăm nuôi. Mới hơn một năm mà mẹ đã già yếu hẳn đi vì lo buồn cho thằng con út bị công an vây bắn gãy chân rồi bỏ vào tù cải tạo vì tội chống phá cách mạng.  Anh xúc động ôm mẹ rồi mừng rỡ chào Nữ, cô bạn nhỏ thâm tình như anh em từ những ngày bé bỏng. Hai gia đình thân thiết từ bao năm ở Hội An giờ chỉ còn mẹ và Nữ hôm sớm có nhau.  Dưới sự dò xét nghe ngóng của gã công an canh tù, Tiệp lắng nghe mẹ và Nữ khéo nói chuyện nhà mà mắt chẳng hề rời mấy tấm hình chụp con gái từ ngày đầy tháng, rồi lúc bé Ni biết lật biết bò. Một tiếng đồng hồ thân nhân thăm tù qua nhanh như chớp mắt, mẹ lại rớm nước mắt bịn rịn từ giã con. Thừa lúc gã công an bận rộn khám xét lục lọi giỏ quà thăm nuôi, Nữ lén dúi tờ thư của chị Cao Nguyên vào tay anh. 

- Đời sống sinh hoạt của mẹ con chị Cao Nguyên đã ổn định.  Anh Tiệp cứ yên tâm  phấn đấu cải tạo. Chỉ còn hai năm nữa là gia đình anh chị lại sum họp, cha con gặp nhau tha hồ mà ẵm với bồng.

Tiệp xúc động nói lời cảm ơn Nữ đã chăm lo mọi chuyện cho vợ con anh. Cô gái tươi cười.

- Bộ anh chưa biết em đã gọi dì Chức là mẹ từ mấy năm rồi sao? Với lại là để trả công anh cho uống cà phê, ăn xôi đậu phụng vào mùa lụt mấy năm trước. Cho anh hay, chị Cao Nguyên đã biết đổ bánh xèo bằng lò om ngon lắm. Anh ráng về sớm mà ăn, rồi còn chống xuồng chở con đi coi nước lụt nữa.

Dì Chức lau nước mắt, sụt sùi khuyên con mà nước mắt cứ đổ ròng.

- Em nó nói phải đó con.  Cố gắng lên con. Thời gian qua nhanh, hai năm chẳng là bao. Má bây giờ vui có dâu hiền ở gần. Ngoài cháu nhớ cháu xa nay lại có thêm cháu ẵm cháu bồng.

Con trai đứng lặng nhìn theo bóng mẹ và người thân mảnh mai xa dần trên con đường nắng trưa mất hút về phía chân đồi. 

Tiệp ngưng bện tranh, ngước mắt nhìn quanh. Con bò chán cỏ, bước quanh quẩn nơi lưng chừng đồi, cái đuôi lông đen mượt ung dung phe phẩy. Tiếng long cong phát ra từ những mẫu trúc đeo quanh cổ, đều đặn theo bước chân, nghe buồn buồn như tiếng mõ thiếu vắng âm vọng ngân nga của lời kinh tụng. Tiếng mõ chợt ngưng lúc con bò dừng lại, mắt mông lung nhìn khoang trời xanh thẳm. Dáng bò đầy vẻ suy tư như một nhà hiền triết đang tiếc thương cho cuộc đời phi lý quanh mình.

Buổi trưa núi rừng ngút ngàn vắng lặng, mơ hồ tiếng gió đùa quanh tàng cây sao nắng in bóng lá. Con dốc vướng bụi đỏ ngoằn ngoèo dẫn lối vào trại tù oan khổ. Vệt khói gầy từ chiếc chòi tranh còm cõi, lay lắt màu lam xám cơ hàn bên dòng suối buồn bã trôi. Con đường nhựa xa xăm loang nắng mất hút lối về trong mờ mịt Tây Nguyên. Tất cả chợt lan xa, hoang tàn tĩnh vật. Chỉ còn lại trong hồn anh niềm im lặng thinh không. Người đàn ông ngồi bất động, mắt im sửng vào trong tận cùng suy tưởng.

Tiệp trở lại Tây Nguyên sau sáu năm dài cải tạo ở trại tù Tiên Lãnh trên núi rừng Quảng Nam và một năm sau đó bị quản chế lao động qua ngày ở quê nhà Hội An.  Anh lên phố núi Kontum tìm người yêu thất lạc sau năm bảy lăm. Họ tìm lại nhau, nghẹn ngào trong nghịch cảnh trớ trêu như vận nước đổi dời.  Bệnh viện Phương Quý của một dòng nữ tu Công giáo người Pháp sau ngày giải phóng bị quốc hữu hóa thành bệnh viện nhà nước. Phần lớn y tá sùng đạo gốc người Thượng lần lượt bị thôi việc hoặc tự ý trở về bản làng. Cô y tá Cao Nguyên tên đẹp như người sau mấy năm chờ đợi người yêu vắng bặt tin thư đành nhắm mắt đưa chân nhận lời làm vợ người cán bộ lãnh đạo bệnh viện, nơi nàng vẫn làm việc để đắp đổi cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn.  Với khả năng hiểu biết về y tế, nàng đã giữ được ý nguyện không để có con với người chồng cán bộ.  Thế nhưng thời gian chùng lén gặp lại Tiệp, Cao Nguyên ngày càng thêm bứt rứt khổ sở với ước mong được sinh con với người mình yêu.  Gần hai năm trước, đôi tình nhân quyết định trốn khỏi Kontum. Lợi dụng dịp người chồng cán bộ được cử đi học bồi dưỡng ở Hà Nội mấy tuần, Cao Nguyên đã mang thai với Tiệp.  Anh nhắn về Hội An nhờ Nữ lên Kontum thu thập tin tức giấy tờ cần thiết rồi mang vào Sài Gòn sao mua giấy tờ giả mạo cho cả hai người để sẵn sàng trốn đi trước ngày đứa con yêu ra đời.

Trời chẳng chiều lòng người, đôi tình nhân đang khấp khởi hi vọng cuộc sống gia đình hạnh phúc ở một nơi xa không ai biết thì tai họa, thử thách khó khăn ập tới. Đang lúc chờ giấy tờ chưa kịp làm xong thì trước Tết mấy ngày một y tá người Thượng quen thân tìm nhắn cho hay Mẹ Bề Trên và nhóm dì phước người Pháp làm việc chung ở bệnh viện từ thiện trước bảy lăm có gởi về một số tiền chia tặng cho nhân viên y tá cũ. Buổi tối hôm đó, Tiệp tìm đến nhà thờ Phương Quý theo lời dặn. Vài người quen cũ gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhận tiền mỗi người vài trăm đô la Mỹ, vừa định chào từ giã thì công an ập tới. Trong góc giáo đường im vắng chợt vang rân tiếng hò hét, tiếng chân người chạy ngã huỳnh huỵch, tiếng súng bắn chỉ thiên xé trời. Trong cơn hỗn loạn, anh chợt nghe hình như có vài tiếng súng bắn trả và sau đó là những lằn đạn bắn thẳng rát tai. Tiệp cố giữ bình tĩnh bò trốn ra khỏi khu nhà nguyện, nhưng vừa lúc thoát chạy băng qua khoảng sân trống phía sau giáo đường thì anh bị bắn ngã. Phần chân trái bên dưới đầu gối vỡ toang máu ra lênh láng lúc toán công an quẳng anh lên xe chở về bệnh viện. Người y tá Thượng nhắn tin bị bắn chết tại chỗ với khẩu súng nhỏ trên tay. 

Lúc Tiệp tỉnh lại trong bệnh viện thì một phần chân trái của anh đã cụt. Đau đớn hơn vết cắt trên thân thể là Cao Nguyên và anh phải nhìn nhau như hai người xa lạ những lần nàng theo bác sĩ làm thuốc. Thà là nước mắt cứ tuôn rơi theo dòng khóc than vật vã cho nguôi bớt đau thương. Ở đây nét mặt nàng đanh cứng đau thương đến tận cùng lúc môi răng cắn lại, mắt khô hoảnh ngó sững theo một góc xiên cho kịp chắn dòng nước mắt chờ tuôn.  Anh sợ đến điếng người, không dám nghĩ tới lúc nàng không còn cầm giữ được. Chỉ một cúi nhìn, một chớp mắt là dòng suối lệ sẽ trào ra, vóc dáng mảnh mai kia sẽ quỵ xuống và tất cả sẽ đổ vỡ tan tành.  Cuối cùng Tiệp đã phải chờ lúc vắng người bảo nàng không được vào thăm bệnh và cứ theo kế hoạch bỏ trốn một mình, vợ chồng sẽ gặp nhau sau.

Sau hơn hai tháng trời giam giữ, khảo tra chính quyền cũng không đào bới được gì nơi Tiệp ngoài mấy trăm đô la Mỹ trong túi áo. Sự thật anh cũng không biết gì hơn ngoài việc đến điểm hẹn để nhận tiền biếu. Một ngày cuối tháng Tư, trong râm ran đắc thắng phần phật tung hô ngọn cờ pha máu ngày giải phóng miền Nam mười mấy năm trước, tòa án nhân dân đã kết án anh bốn năm tù cải tạo về tội tiếp tay với phong trào Tây Nguyên tự trị Fulro chống phá cách mạng.  Phiên tòa diễn ra nhanh chóng, bài bản, chẳng luật sư biện hộ. Nhân dân ngồi yên lặng nhìn một bàn dài ủy viên, chủ tịch và nghe ông cán bộ trưởng phòng thông tin văn hóa thị xã đọc bản cáo trạng và tuyên án. Cũng may ông trưởng phòng ngày trước có tốt nghiệp cao đẳng tiểu học Pháp bập bẹ được mấy chữ tiếng Tây khi nhắc tới tên người gởi tiền và tổ chức FULRO (Front Uni de Lutte des Races Opprimées). Tiệp ngồi cạnh một người Thượng cũng bị còng tay, anh chưa hề gặp bao giờ. Nhóm công an phường và lính thị đội đứng quanh hằm hằm súng ống.  Anh lơ đễnh nghe bản cáo trạng dài dòng, lòng chợt bình thản mỉm cười lúc hai ánh mắt tìm thấy nhau.  Cao Nguyên ngồi chăm chú nhìn anh từ một góc xa trong đám đông, gần đó nhưng không ngồi chung là Nữ đang ôm mẹ vổ về...

Tiếng khóc bé thơ vọng từ bờ suối khiến người thương binh giật mình trở về với thực tại. Thằng bé hôm nay sao đói sớm quá!? Anh thầm nghĩ, chống tay đứng dậy loay hoay tra chiếc chân gỗ vào người rồi lên tiếng gọi bò đang thơ thẩn trong bãi tranh vàng hanh màu nắng.

Gần nửa năm trước, hàng ngày dẫn bò xuống tắm ở dòng suối chân đồi, người tù gợi chuyện rồi trở nên thân mật với ông già người Rhadé một mình giữ cháu trong cái chòi rẫy bên bờ suối. Đứa bé trai ra đời chưa quá trăm ngày mà cha mẹ phải bỏ ở nhà nhờ nội trông để đi làm rẫy xa cho hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi ngày họ phải ra đi từ rạng sớm đến tối mịt mới về lại chòi. Ông nội già yếu chẳng có chi ngoài nước cơm pha muối để nuôi cháu. Lần anh trao cho người Thượng già nhúm đường cát trắng quậy trộn vào nước cơm, nhìn đứa bé ngon lành nuốt trọn từng muỗng ngọt ngào mà anh cảm thấy nặng lòng. Từ đó, mỗi lần bạn tù sớt cho chút đường cát, tán đường, nắm muối, dúm bột ngọt anh đều không quên người bạn vong niên nghèo khó bên bờ suối. Ông già Rhadé cũng cảm tấm lòng người bạn Kinh khổ nạn, chỉ anh giăng bẫy đặt lờ giúp tổ lao động “cải thiện” bữa cơm tối. Gặp ngày trúng mối anh hí hửng cất giấu mang về trại con cá nhỏ hay chú thỏ con bằng nắm tay ngờ nghệch sa bẫy.

Một buổi trưa đang lúc tắm cho bò bên bờ suối, Tiệp lạ lùng nhìn con bò anh chăm sóc hàng ngày. Không còn là con bò trơ xương đứng âu sầu trước sân nhà hợp tác xã hôm anh theo xe trại lãnh về.  Bụng bò bây giờ no tròn treo theo bờ lưng đầy đặn, bóng ửng màu lông vàng sậm, chẳng còn chút vết tích nào của dãy xương sườn đói khổ. Anh đến bên con bò, vuốt ve lên lớp da bụng tròn căng. Dãy bầu vú ửng mịn chút màu hồng mơn man dòng sinh động đang chuyển mình trong rạt rào nhụy chồi hé nụ. Ngón tay anh bất chợt sờ lên núm vú rịn nhựa hồi sinh.

Tiếng khóc bé sơ sinh đang cơn đói giúp người tù chăn bò chợt bừng ngộ ra. Anh mừng rỡ dẫn bò tới chòi tranh của ông già người Rhadé.  Con bò hiền từ nhìn người Thượng già ẵm đẩy miệng cháu vào dãy bầu vú mịn màng. Khả năng thiên bẩm giúp đứa bé hả miệng nút chùn chụt dòng sửa ngọt từ bà mẹ mới. 

Từ hôm đó, hầu như vào mỗi buổi trưa, đứa bé đều được ông nội ẵm lên chòi bú dòng sữa tươi của mẹ bò. Bú no nê, đứa bé lăn ra ngủ hồn nhiên trong chiếc ổ rơm trên nền đất  trong lúc hai người đàn ông nói chuyện bâng quơ hay cùng nhau đánh tranh cho kịp chỉ tiêu.

Tiệp nhìn hình con gái, nôn nao đứng chờ. Bóng ông già người Rhadé địu cháu trước ngực ẩn hiện trên lối mòn, lá cỏ lung lay theo bước chân về phía chòi tranh.  Anh nhớ vợ nhớ con quay quắt. Anh nghĩ tới Cao Nguyên, tới dòng sửa nàng nuôi bé Bình Nguyên suốt hơn năm qua, bụ bẫm xinh tươi. Anh phải trở về, gia đình đoàn tụ để vợ chồng cùng nhau nuôi con tới ngày khôn lớn.  

Ông già Rhadé ngạc nhiên khi nghe Tiệp muốn tự tay cho đứa bé bú sữa. Ông cầm tấm hình Tiệp trao, tươi cười đưa lên cao ngắm nghía, khen da bé trắng như trứng gà. Tiệp gật đầu cười, nâng đầu đứa bé cho miệng sát vào bầu vú no sửa của mẹ bò đang ân cần đứng đợi. Đứa bé quen thuộc ấp miệng nút sửa chùn chụt.  Ngón tay nhỏ bé tham lam, sờ nắn mân mê từng bầu vú đang hồi rịn ràn chất sống.

Con bò ngẩng cao đầu, miệng phát ra tiếng gọi nghé trầm trầm run dài vào nỗi nhớ nào đó xa lăng lắc. Bầy con trai gái của mẹ. Những con bò đực, bò cái vừa lớn đã bị sung công. Đứa con nào vẫn hàng ngày thồ kéo khổ ải, bụng thiếu cỏ khô? Đứa con nào đã bị bức tử vào những ngày lễ hội vừa qua?  Tháng Chín? Tháng Hai?  Đứa con nào sắp theo số phần của mẹ, chờ đến phiên mình làm hiến vật cho cuộc liên hoan xương thịt so đo, loang máu trời tháng Tư phận nước phận người trôi nổi? Tiếng gọi nghé như chuỗi âm nhạc trầm láy phát xuất tự đáy buồng phổi uất nghẹn. Âm thanh buồn mà sinh động của sự sống bền bỉ, cần thiết, lớn lên, thôi thúc. Đó cũng là âm thanh nhắn nhủ về một sự sống đang tới hồi kết cuộc. Thời gian vẫn trôi. Mỗi hoàng hôn vẫn xuống tiếp ngày lên. Một ngày cuối tháng Tư nữa sẽ đến theo chu kì thời gian buồn bã như sự nhắc lại về một định mệnh quá điêu linh. Phận người. Phận bò. Phận đời cuồng xoay trong vòng biện chứng duy vật điêu ngoa. Những con-bò-người với thân phận đọa đày đang trở thành hiến vật cho cuộc tế lễ thần linh mới.

Tiệp đặt đứa bé nằm xuống ổ rơm, vừa kịp cho đôi mắt trẻ thơ ríu ngủ ngon lành. Hai người đàn ông đứng yên lặng bên nhau. Anh thả mắt dài theo con dốc vắng lặng nắng trưa. Vệt đất đỏ ngoằn ngoèo trườn lên cao dần rồi mất hút sau cánh rừng giang im rền một màu xanh thẫm ngút ngàn. Tia nhìn tìm kiếm đọng lại trên chiếc xe đò cũ kỹ vừa dừng ở cuối chân con dốc, nơi ngã ba tiếp giáp với khoảng đường nhựa xám đen loang lổ ổ gà. Chiếc xe vô tình để lại đám bụi đỏ mù phủ quanh nhóm hành khách vừa xuống lúc xe chậm chạp lăn bánh theo con tỉnh lộ cheo leo xuôi về hướng đồng bằng. Về phía gia đình, phía Bình Nguyên.

Buổi chiều xuân gió lặng nắng vàng hiu. Xóm nhà sau cửa biển nằm im lìm trên cát như không muốn lay thức giấc ngủ nướng của đám dân chài sắp phải ra khơi. Từ bãi sông mắt rải trườn theo lối cát mệt mỏi dấu chân rồi ngẩn ngơ dừng lại trên đỉnh dốc đơn độc dáng cây ngô đồng đang giữa mùa hoa ửng thắm màu son. Dưới bóng tàng cây lắc rắc cánh hoa tàn rơi trên khoảnh sân lót gạch phẳng phiu, đứa bé gái chừng lên ba đang thủ thỉ trò chơi chị em với con búp bê tóc vàng mà mắt vẫn ngóng chừng về phía bến đò.  Từ cuối hiên nhà, một người đàn bà lớn tuổi tóc bạc trắng ngồi trông cháu tay vẫn thoăn thoắt bện dây võng.  Mắt đứa bé chợt sáng rỡ nhìn con đò vừa cập bến, bóng người thấp thoáng xuống lên. Bé vùng quăng con búp bê nằm chổng chơ trên chiếu, ù chạy vào nhà.

- Ngoại ơi! Nội với má Nữ về tới rồi!

Dì Nơi ngừng tay bện dây võng ngô đồng, gọi vói vào nhà.

- Mẹ Nguyên coi mà dẫn bé Ni đi đón bà nội. Để bếp đó dì coi lửa cho.

Bé Ni cuống quít kéo tay mẹ lúc chị bối cao mái tóc xõa bước theo con.

- Dạ, nồi cơm đang sôi, nhờ Dì coi rút bớt lửa. Bé Ni hư lắm nghe! Đánh hơi được kẹo bánh là quýnh lên.

Dì Nơi ngồi trông chừng cơm cạn,  bà vùi mấy củ khoai lang vào bếp lửa vừa dập. Mấy vốc nước mưa mát lạnh khiến bà tỉnh táo như vừa thức dậy sau một giấc ngủ ngon.  Bà mãn nguyện nhìn cây ngô đồng mang từ đảo về, tự tay trồng mấy năm trước đang nở mùa hoa đầu tiên lòng tràn ngập niềm vui. Cuộc đời bà góa bụa tưởng phải cam chịu ngày tháng cuối đời trong đơn độc đói nghèo thế mà những con người hiền lương tử tế đã tìm đến, thân tình đùm bọc nhau lúc vui khi buồn. Trời Phật đã mang đến cho bà ba cô con gái bà không hề dám mơ tưởng. Nữ, cô gái đảm đang đầy nghị lực luôn bên cạnh bà những khi cần kíp. Nương, đứa con nuôi hiền thục nhân hậu, từ nơi xa vẫn luôn tưởng nhớ gởi gắm đến bà như mẹ ruột. Ba năm qua, căn nhà trên đảo trống vắng mà đầy ắp kỷ niệm con cháu tháng ngày trước khi vượt biên lại chan hòa tiếng bé Ni khóc cười. Bà vui với tình cảm ân cần của mình giúp được mẹ con Cao-Nguyên tìm ra nghị lực để sống và chờ đợi tương lai đoàn viên hạnh phúc. 

Dì Nơi cúi lượm cánh hoa ngô đồng trên sân trong lúc tiếng cười bé Ni tung tăng theo lối cát vọng về. Bà nội bé Ni cười chào dì Nơi, nhìn cháu lắc đầu.

- Mình già rồi chị ơi! Bước thấp bước cao lên dốc muốn hụt hơi mà bé Ni cứ chạy lên chạy xuống, níu kéo bà nội đi cho mau.

Cao Nguyên đỡ hộp bánh sinh nhật trên tay mẹ chồng.

- Bé Ni hư quá! Ham ăn bánh nên hối Bà Nội luôn miệng.

Bữa ăn mừng bé Ni tròn ba tuổi rộn rã tiếng cười nói trẻ thơ và tình thân gia đình. Nữ cười nhìn dì Chức vui vầy với cháu.

- Bà Nội vui chưa!? Rứa mà suốt buổi sáng dì cứ tấm tức răng không chịu để cho bé Ni về Hội An thăm bà nội.

Dì Nơi gật đầu đồng ý.

- Ở cái thôn chài nhỏ ni và ngoài cù lao Chàm, cháu Nữ “mua” hết rồi chớ trong Hội An tai mắt nhiều, họ mà moi ra được thì mệt lắm. Mình phải nấn ná, chờ cậu Tiệp được thả ra rồi tính.

Cao Nguyên phụ Nữ dọn thức ăn thừa trên bàn. Nàng giành bưng mâm nồi ra nhà sau.

- Dì Nữ ngồi chơi với cháu. Chỉ mấy cái chén dĩa, chị rửa dọn một tí là xong ngay.

Nữ ôm bé Ni vào lòng, vuốt lên mái tóc tơ mềm của bé.

- Bé Ni muốn đi dạo với mẹ Nguyên, má Nữ lên đồi dương nhìn biển không?

Bé Ni thòm thèm nhìn nửa chiếc bánh sinh nhật, xấp áo quần mới và những gói quà vừa mở trên bàn. Bé vẩu môi suy nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu tụt khỏi Nữ, sà vào lòng bà nội.

- Được rồi! Bé Ni nhớ nghe. Ngày mai má Nữ sẽ mua một cái bánh to gấp đôi về ăn một mình.

Bé Ni xụi mặt tiếc rẻ rồi như chợt nhớ ra điều gì, vùng chạy vào nhà sau. Bé rón rén bước ra với hai nhánh hoa sim tím trên tay. Mẹ Nguyên bước sau con gái, nhìn mọi người lắc đầu cười.

- Má Nữ có người cạnh tranh rồi. Với cái đà này, bé Ni sẽ “mua” hết Hội An hồi nào không hay...  Ai đời, trưa nay đi thăm mộ, bé Ni hái bông để tặng Nội và má Nữ nhưng rồi thấy bánh sinh nhật, búp bê mới nên quýnh quáng quên cả tặng hoa.

Hai chị em lên tới đồi dương lúc ngày vừa hết.  Mặt đầm sông chìm dần vào bóng tối  thấp thoáng lắt leo mấy ngọn đèn câu. Ngoài khơi xa trời mây nhuốm một màu tím thẩm sa xuống mặt biển lênh đênh chìm lịm chân trời. Cao Nguyên chăm chú nhìn chút ráng pha mờ mờ soi dáng đảo côi cút, xa xôi. Giữa phút giây của một ngày đang khuất lòng nàng chợt hắt hiu nghĩ tới ba năm qua đợi chờ đăng đẳng từ một hải đảo xa lạ.  May mà có bé Ni, có người thân. May còn có Tiệp, còn nỗi nhớ thương người và niềm hi vọng đoàn viên. Cao Nguyên bất giác vỗ về lên vai Nữ vẫn đứng trầm ngâm.

- Sáng nay lúc dọn dẹp, một chút nữa là dì Nơi đã không biết mà quăng bình hoa sen khô của em rồi.
- Có lẽ em cũng nên vứt bỏ nó đi. Chỉ là những nhành hoa đã khô héo phải không chị?

Giọng Nữ buồn nhão trong đêm. Tình yêu đã cho nàng những cành hoa đẹp trong đời nhưng định mệnh lại cản ngăn không cho hoa đơm kết trái. Nàng muốn có một đứa con với người mình yêu nhưng rồi nàng cũng chỉ một mình một bóng. Dù sao đó vẫn là những đóa hoa đẹp hiếm hoi được tìm thấy vào một buổi sáng tuyệt vời và những ngày hạnh phúc ngắn ngủi sau đó. Vẫn mãi là kỉ niệm đẹp trong lòng Nữ, điều cuối cùng còn lại cho một cuộc tình đã mất.
Cao Nguyên pha trò cho Nữ vui.

- Bảy bông sen. Bảy ngày. Đêm bảy, ngày ba, ra vô không tính, vị chi là bảy chục trận. Cha này dở ẹt. Hay là em kiếm loanh quanh Hội An coi có ai tốt tướng thử lại. May ra...

Nữ đấm vai chị.

- Bà y tá ni nói năng trây chúa, nghe mà ham... Tại em thôi. Vợ chồng ảnh có con trai nay đã gần bốn tuổi và bé gái vừa lên hai.  Lục Hà thỉnh thoảng có viết thư thăm kể chuyện nhà.  À, mà cũng nhờ chuyện nhà anh Tuân nên em muốn bàn với chị chuyện anh ấy cũng như hàng ngàn sĩ quan miền Nam đang xin chương trình HO để được cho sang Mỹ định cư.  Em tìm hiểu biết được đã có vài đợt người ra đi. 

Cao Nguyên mừng khấp khởi lắng nghe cô gái thông minh quyền biến bàn định tương lai cho gia đình nàng. Hai chị em sẽ thu xếp lên ngay Kontum. Nàng sẽ lén tiếp xúc người thân quen, dàn xếp để Nữ dùng tiền hối lộ người cán bộ trưởng phòng thông tin văn hóa thị xã đã tuyên án anh Tiệp mấy năm trước. Anh Tiệp còn hơn một năm mới mãn án tù nếu họ không thay đổi ngày ra trại. Anh cần phải được tự do càng sớm càng tốt để có thể tiến hành thủ tục giấy tờ xin đi Mỹ theo chương trình HO. 

Cao Nguyên siết chặt tay Nữ, lòng nàng rộn ràng niềm vui nghĩ tới giây phút anh Tiệp trở về với vợ con, gia đình. Hai chị em ngước nhìn bầu trời nở đầy sao. Đêm ngọt ngào như  hạnh phúc vừa trổ bông hi vọng.

(còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012