SỐ 54 - THÁNG 4 NĂM 2012

 

Tiếng Việt

Trần Hoài Thư

Bây giờ chỉ còn lại mỗi một mình ông. Một mình sống sót sau cuộc layoff. Một mình còn lại trong khi hầu hết những người bạn đồng nghiệp rời bỏ hãng. Ông đã được may mắn, nhất là từ sau ngày đại nạn 11 tháng 9. Ông được một bà boss cũ, nhận. Không phải vì tài năng mà vì mối dây liên hệ giữa những người cùng làm việc chung với nhau.

Ông phải cám ơn bà. Ông lại thêm một lần cảm tạ Ơn Trên. Ân điển kỳ lạ. Nó cứ đến thật bất ngờ. Nó như trận mưa vào ngày hạn. Như cuộc đời của ông.

Nhưng ông lại mất cô. Chưa bao giờ ông cảm thấy buồn bã như lúc này. Thường lệ vào giờ này, cô sẽ đi ngang qua phòng ông, ló mặt vào, rồi cười tươi như hoa:

Chào chú, chú khỏe không? Đầu tiên là ông ngỡ ánh nắng mai dọi vào gương mặt, đôi mắt và mái tóc của cô, nhưng sau này ông mới biết chính nụ cười như hoa ấy đã làm cả gương mắt sáng ngời dưới ánh đèn neong từ trên trần hành lang. Rồi sau đó, có khi cô đi thẳng, hay có khi cô ghé vào phòng làm việc của ông. Những lúc ghé vào, ông biết thế nào cũng có chuyện.

Ông không có kinh nghiệm nhiều về bản chất của người phụ nữ. Những người đàn bà mà ông quen biết, thấy họ thật dịu dàng, khép nép, dường như miệng lúc nào cũng nín câm, nhưng thật ra, họ huyên thuyên khi họ gặp lúc, gặp thời. Cô là một trong số ông biết ấy. Cô kể trăm sự. Tiếng Việt Nam bỗng nhiên vang lên giữa tiếng người. Bởi khi cô nói, cô nghĩ cô như sống lại trong một thế giới cũ, nơi đó là đất nước của cô, xứ sở của cô, gia đình của cô. Đến nỗi, ông Bill khi qua phòng đã dừng lại, rồi cười nhìn cô: I know what you said about...
Cô chợt ngừng nói, giật mình, rồi hỏi lại: What do you know ?

Ông Bill cười nói lại: I know you speak Vietnamese...

Sau đó ông ta bỏ đi. Và cô tiếp tục nói. Chuyện một người bà con ế chồng, chị ấy tội nghiệp, chú có quen ai giới thiệu...hay Chời ơi, con Linda có bầu rồi, nó mừng quá sức.  Lấy nhau 10 năm rồi chứ ít.

Ông nói:
"Tại nó không muốn có con."

Cô hứ một tiếng:
"ở đó mà không muốn. Nó muốn thấy mồ."

Nơi cô là cả một tấn chuyện. Từ chuyện nhà đến chuyện hãng. Từ chuyện đời tư đến chuyện hàng xóm láng giềng. Khi cô nói, cô lại diễn tả điệu bộ, hay nhái lại giọng như một kịch sĩ đại tài. Hình như cô không còn là một người mà ông đã thấy cách đây hơn một năm, khi cô mới bắt đầu nhận việc.

oOo

Đối với ông, ông xem sự hiện diện của cô như là một ân điển trong bao nhiêu ân điển mà Thượng đế đã dành riêng cho ông. Từ trong lòng chiến tranh, đối diện cận kề với sinh tử, cái chết như 90%, mà ông vẫn còn sống sót. Rồi tù tội. Rồi vượt biển hãi hùng. Rồi bây giờ, giữa cõi người, trong một thế giới khép kín, nơi ông phải lột bỏ những gì gọi là Việt Nam, tiếng nói của mình, bạn bè của mình, màu da của mình... Ông đã có mặt trong bốn bức tường của căn phòng bề bộn máy móc, điện thoại, những tập tài liệu, những kệ bàn vô tri, mệt ngất, chưa bao giờ nói một câu tiếng Việt trừ vài lần điện thoại người thân trong giờ làm việc. Rõ ràng ở nơi này ông đã quên ông. Quên tiếng nói của ông. Quên cả nỗi buồn nỗi vui của ông. Ông họp hành, thảo luận. Ông chào hỏi. Ông nghe điện thoại và nói với khách hàng. Khi họ hỏi tên ông, ông gắng phát âm theo kiểu Mỹ, để họ khỏi bối rối. Có lẽ ông trở thành một cái máy không hơn không kém.

Nhưng cô xuất hiện. Ông mừng. Cô mừng. Mừng như chưa bao giờ mừng. Cô gọi ông là chú và xưng cháu với ông. Cô mừng bởi vì ít ra, cô có một người để cô có thể hỏi han kinh nghiệm, trong những ngày tháng đầu tiên làm quen với công việc. Ông mừng bởi vì tiếng Việt tự dưng thánh thót như những nốt nhạc yêu dấu bỗng nhiên rớt xuống giữa cõi sa mạc âm thanh. Nó như là một trận mưa ân sủng. Vàng bạc có thể tậu. Kim cương hột xoàn có thể mua. Nhưng dễ gì ở một nơi chốn mà bốn vách tường phong tỏa, cùng những người bản xứ, từ sáng đến chiều, mệt ngất, hàm muốn trẹo, nói phải bỏ lưỡi vào hai hàm răng để phát âm cho đúng. Nhất là một kẻ lớn tuổi như ông. Khi bộ bán cầu não đã bị dày cộm bởi chiến chinh, tù tội, vượt biển hãi hùng. Con chim từ đâu bay lại ngứa cổ hát chơi. Phải, cô là con chim ấy. Cô hót líu lo, ríu rít. Không những hót mà miệng thì cười, mắt thì sáng, mái tóc thỉnh thoảng rối, những sợi tóc mây xòa trên vầng trán... Mặc thiên hạ. Mặc những người qua lại hay có mặt. Từ những lần hội thảo đến họp nhóm. Ông và cô ngồi cạnh nhau. Cô hỏi ông qua tờ giấy trắng như thời học trò xa xưa. Cô viết tiếng Việt và ông trả lời bằng cách viết lại. Tiếng Việt có dấu huyền sắc nặng hỏi ngã. Tiếng Việt viết trên tờ giấy trắng tinh, và hai con tim bỗng một lần đập cùng nhịp. Như hai đứa bạn học muốn nói điều gì mà sợ thầy giáo bắt gặp phải dùng ngòi viết. Phải. Tai vẫn nghe tiếng người, nhưng tim thì vẫn trải rộng cùng chữ nhà yêu dấu...

Trần Hoài Thư
(trích Đêm Rừng Tràm, Thư Ấn Quán xuất bản 7/2002)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012