SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN
(tiếp theo)

15.

Dì Chức hả dạ nhìn tấm bảng hiệu nằm cong oằn trên sàn xe ba-gác. Nền tôn đỏ loang lổ hàng chữ sơn vàng vụng về “ Hợp tác xã gia công đèn lồng 24 tháng 3”. Bà chép miệng.

- Rứa mà phải mất hơn mười lăm năm mới hạ bệ được nó.

Nữ vịn vai dì Chức nhìn theo anh phu xe đang hì hục đẩy tấm tôn nhùng nhằng quẹo qua góc phố.

- Dì làm như đảo chánh không bằng. Trong Nam người ta rầm rộ “đổi mới” cả mấy năm ni, tại mình ngoài ni thuộc “hệ phái” Liên khu Năm nên chậm lụt.

Nữ ngước nhìn. Khoảng trời xanh bên trên mái phố rêu từ lâu chìm khuất sau mấy tấm tôn đơn điệu hàng chữ đỏ vàng chợt lộ sáng, mới mẻ niềm vui.
Xuyến hấp tấp dựng xe đạp bên lề đường. Cô gái xách bao vải cồng kềnh vừa tháo ra từ yên sau, nàng mau mắn chào nhóm người đang đứng cười nói trước căn phố treo đầy đèn lồng sặc sỡ.

- Rứa là vừa kịp lúc treo bảng hiệu mới rồi.
- Ở đó mà kịp. Tui chờ cô cả năm ni rồi.

Cô gái yên tâm nhìn nét mặt dì Chức vẫn tươi cười sau câu nói nhưng nét mặt tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu.

- Bả ví von đó thôi cháu ơi.  Tại cả năm ni hai dì cháu họ lo đút lót,  chạy ngược chạy xuôi mới mua đứt được cái hợp tác xã và căn phố bên cạnh để mở trường dạy tiếng Anh tiếng U.

Dì Nơi lườm nhìn bạn, lắc đầu.

- Răng chị không nói chờ đã mười tám năm cho chẵn luôn !?

Mọi người vỡ ra cười theo câu nói đùa của dì Nơi rồi trở về với công việc của mình.
Từ gần một năm nay cơ sở làm đèn lồng của dì Chức và Nữ hùn vốn làm chủ không còn người của nhà nước săm soi dòm ngó, thành viên trước đây lui tới để trốn công tác lao động cũng đã tự ý bỏ đi. Không còn cảnh cha chung không ai khóc, những người được mướn lại đều cố gắng làm việc.  Nữ quán xuyến tìm ra nhiều mối đại lý nhận bán đèn lồng tại Đà Nẵng, Sài Gòn và vài thành phố lớn khác nên nhân công ai cũng vui với mức sống ngày càng cải thiện.  Nàng còn nghĩ ra vài mặt hàng dùng lụa Duy Xuyên và tài vẽ tranh trên lụa của Xuyến để tạo thêm sản phẩm và tăng nguồn thu nhập cho cơ sở kinh doanh của mình. 

Nữ hài lòng nhìn công trình nghệ thuật của Xuyến vừa được treo ngay ngắn dưới hiên. Tấm biển cửa hiệu là miếng gỗ khá dày cắt xéo từ một thân cây thông lớn đánh véc-ni lên vân bóng ngời. Trên mặt gỗ hài hòa hai hàng chữ Việt Anh “Đèn Lồng Hải Phố”, “Seaside Town Lantern” cắt nổi từ gỗ thông trắng nhạt.

- Cô đặt tên hay quá. Hải Phố. Lúc cưa chữ làm tấm biển em đã mấy lần bất chợt thấy mình nhắm mắt, gọi thầm tên hải phố rồi mơ được đi xa. 
- Cô chỉ mượn tên từ lịch sử của vùng đất quê mình. Từ thế kỷ thứ 16, thương nhân Nhật Bản, Trung Hoa tìm tới xứ Đàng Trong buôn bán đã gọi vùng đất này là Hải Phố.

Nữ nhìn cô gái, chợt cười.

- Mà em mới vừa làm thơ đó sao ?  Nhắm mắt gọi thầm tên Hải Phố. Mơ màng hình bóng một ai xa.
- Bị bỏ lại nên ra đi chỉ là mộng ảo thôi cô ơi! 

Xuyến xấu hổ kéo Nữ bước qua căn phố bên cạnh. Cô gái chỉ lên tấm biển khác cũng làm bằng gỗ thông treo bên trên khung cửa ra vào.  Nét vẽ công phu mỹ thuật nổi bật tên trường “Anh văn Thục Nữ - My Fair Lady English House” khánh quyện theo vân gỗ lung linh màu hổ phách.

- Tên trường tiếng Anh không hẳn là dịch từ “Anh văn Thục Nữ”, cô tìm ở đâu ra mà nghe dễ thương ghê.
- My Fair Lady là một cuốn phim cũ. Trước bảy lăm, chị Nhi của cô dẫn cho đi xem ở Đà Nẵng. Rạp Kim Châu lúc đó phụ đề tên phim là “Yểu Điệu Thục Nữ”, cô thích quá cứ nhớ mãi.
- Hay quá! Giấc mộng của cô thành sự thật rồi đó, cô Nữ yểu điệu! 

Nữ nhìn theo cô gái bước qua khoảng sân trời mòn dấu gạch nghiêng cổ kính. Tiếng cười của Xuyến khuất sau giàn hoa huỳnh đệ lung linh từng cánh nắng nhỏ giữa tàng lá thắm. Nữ mừng khi thấy Xuyến chấp nhận, vui sống mà vươn lên. Lòng nàng nhen nhúm chút mãn nguyện nghĩ tới cô gái chỉ hơn năm trước đây tưởng chừng buông tay tuyệt vọng trong khổ đau mà chớm có quyết định sai lầm cho đời mình.

Mùa hè trước năm cuối trung học, bạn trai của Xuyến thất chí vì cảnh gia đình ngày càng nghèo túng sau khi người cha làm nghề chài bị gãy chân trong một cơn bão biển đã bỏ nhà xin đi lao động xuất khẩu ở Đông Âu. Gia cảnh Xuyến càng khốn khó hơn với mẹ yếu đau và bầy em bốn đứa nheo nhóc. Cô gái theo người quen ra Đà Nẵng xin vào làm gia công cho xưởng may của một người Tàu Đài Loan sang kinh doanh làm chủ. Đám tài phiệt ngửi được cơ hội làm giàu trên đất nước ngày càng đói nghèo vì những chính sách kinh tế sai lầm.  Sau mười lăm năm ngoan cố ù lì, nhóm người chóp bu của đảng cầm quyền kinh hoảng nhìn thiên đường xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu lần lượt kéo bè sụp đổ đành phải “đổi mới” để cứu đảng, cứu chế độ.

Công việc Xuyến làm dài giờ cực nhọc, từ sáng sớm đến tối mịt mới xong một ngày bơ  phờ lao động nên so ra lương tiền lãnh được đã bị bót lột một cách trắng trợn. Dở khóc dở cười là chuyện chủ bóc lột thợ lại xảy ra trên một đất nước xã hội chủ nghĩa. Cán bộ nhà nước, công đoàn thay vì bảo vệ cho công nhân đã toa rập ăn chặn, nhận hối lộ luồn lót từ những gã chủ Đài Loan, Đại Hàn. Họ nhởn nhơ làm giàu trên mồ hôi của nguồn sức lao động Việt Nam và lắm khi là nước mắt khóc thầm của những cô gái phải nuốt ngược vào lòng nỗi nhục nhã ê chề để giữ việc làm mà nuôi sống bản thân, gia đình. 

Chẳng cần lâu cho thú đánh hơi mồi ngon. Món tiền chỉ đủ để họ vung vãi trong vài đêm ăn nhậu, luồn lót nhưng quá lớn với cô gái có lòng thương cha mẹ gia đình.  Xuyến về thăm nhà với ý định hỏi ý kiến mẹ cha trước khi đồng ý chịu đi làm dâu xứ người để cứu vớt gia đình khỏi cảnh nghèo đói.

Những ngày cuối ở Hội An, mỗi chiều Xuyến đều qua cánh đồng Cẩm Châu ngồi bên ngôi mộ cổ. Một mình nơi hò hẹn cũ của nàng với người bạn trai đã bỏ đi xa, cô gái nhìn bóng hoàng hôn lặng rớt theo vạt nắng cuối ngày mà nghe lòng hiu hắt xa xôi lời tạ từ câm nín.

Rất tình cờ, Nữ gặp lại cô học trò cũ lúc nàng tìm tới mộ cổ Cẩm Châu do thói quen hay tìm tới nơi vắng vẻ này mỗi lần có chuyện nghĩ ngợi suy tư . Hôm đó Nữ nhận được thư Lục Hà báo tin mừng cho hay Tuân và gia đình đã có chuyến bay, sắp được qua Mỹ theo diện HO. Nàng mừng cho họ mà trong lòng cùng lúc hẩng buồn như vừa vuột mất một điều gì quý giá.

Nghe cô gái trải bày tâm tư và toan tính của mình trong nước mắt tràn mi, Nữ xúc động ôm chầm lấy đứa học trò cũ bất hạnh.  Xuyến ngồi lắng nghe cô giáo khuyên giải thiệt hơn. Nàng cảm thấy nhẹ lòng lúc quyết định từ bỏ ý nghĩ nông nổi nhất thời.  Nữ nhận cô học trò tài hoa về làm việc cho mình. Sự giúp đỡ tài chánh lúc đầu tuy không đủ để Xuyến giúp cha mẹ dựng lại căn nhà rách nát nhưng đủ cho cô gái khỏi phải lo lắng nhiều cho gia đình suốt mấy tháng hè Nữ gởi ra Huế học vẽ trên lụa.  Xuyến tiếp tục việc học và làm việc ngoài giờ ở cơ sở kinh doanh của Nữ.  Vẽ tranh trên cà-vạt lụa, trên vải may áo là công việc nhẹ nhàng và rất hợp với sở thích tài năng của nàng, nhất là cuộc sống của gia đình ngày càng được cải thiện thêm nhiều.
Tiếng Xuyến vui gọi khiến Nữ sực tỉnh bước về phía nhà ngang nơi dùng làm phòng vẽ.

- Cô xem qua mẫu họa mới rồi cho em biết ý kiến.

Nữ hài lòng nhìn nét vẽ chấm phá mềm mại về những thắng cảnh biểu tượng của vài quốc gia nổi tiếng trên thế giới.

- Ý nghĩ của em rất hợp với cô. Du khách từ các nước Nhật, Mỹ, Pháp, Gia-Nã-Đại thăm viếng Phố Cổ Hội An ngày càng nhiều. Các mặt hàng lụa vẽ tranh này, cô tin là sẽ ăn khách. Nữ cười... Ráng vẽ cho thật quen tay chớ tới đây hàng bán đắt quá vẽ không kịp mô nghe!

Xuyến lựa vài mẫu vẽ hoa treo ở góc phòng, mang trải lên bàn. Chùm dây hoa cát đằng màu tím nhạt phơn phớt nhụy vàng buông lơi trên nền lụa man mác trời xanh, chấp chới cánh chim bay về mang đầy tin vui hi vọng.

- Không phải nét vẽ của em. Ai đây mà cũng tài hoa quá!

Cô gái nhìn Nữ, do dự.

- Em trai của em đó. Anh chàng rất muốn làm việc cho cô mà sợ không được nhận.

Nữ trao mẫu lụa vẽ lại cho cô học trò cũ.

- Ở đó mà không nhận.  Rứa là em khỏi phải lo vẽ không kịp rồi... Chiều nay mình qua Cẩm Châu đập bánh đập ăn mừng nghe!
- Có người muốn đi thăm mộ cổ để ngồi mơ mộng mà không chịu nói ra.

Tiếng cười cô gái vẽ tranh vói theo trêu chọc lúc Nữ dợm bước xuống thềm sân. Rêu xanh loáng thoáng chen đọng nét hồi văn giữa những lằn gạch cũ nghiêng nghiêng.

- Ời, thì cả hai. Một công đôi việc. Trước ăn bánh tráng đập, sau là thăm mộ cổ ngồi nói chuyện đời.
- Bánh đập thì cô khỏi cần mời, còn chuyện đời thì em chỉ dám ngồi nghe thôi. Chắc vừa nghe vừa run vì sợ hồn ông già Nhật hơn ba trăm tuổi hiện về nhát ma.

Hai người đàn bà gởi xe đạp ở quán bánh đập đầu làng rồi chân thấp chân cao bước theo lối mòn xẻ đôi cánh đồng lúa đang thì. Gió chiều lướt êm trên mặt lúa xanh rời rợi, thuôn thả bóng hoàng hôn vào ngày đang cạn. Bầy cò trắng bay sà trên ruộng lúa rồi lẩn khuất lặn lội tìm mồi ven bờ nước xa xa.  Vài cánh bướm rập rờn, đậu rồi bay quanh quẩn khóm hoa vàng tím giữa chòm lá xanh mơn mởn trên mấy tầng thạch mộ im lìm. Nữ chăm chú nhìn, buột miệng.

- Dây hoa cát đằng ai trồng mà nở hoa đẹp quá!?
- Người ta trồng từ năm ngoái đó cô.  Em tưởng cây chết rồi, rứa mà...

Nữ trao cho cô gái cánh hoa vừa ngắt.

- Rứa mà?... Rứa thì em nên thăm mộ, tưới hoa thường hơn cho cây sống thêm mùa tới.

Hi vọng tìm thấy nơi mầm lá chớm xanh và hoa hé nụ, nơi mỗi chúng ta vẫn sống thương đời. Đừng mong đợi. Đừng nghĩ mình là người bị bỏ lại. Cứ sống cho hết tình mình rồi hạnh phúc sẽ được tìm thấy.  Hay ít ra cũng được an lòng mà sống.

Trong bóng chiều tà hai người đàn bà ngồi yên bên cổ mộ. Tấm bia tạc trên sa thạch xám rổ bóng thời gian sau gần bốn trăm năm dâu bể đổi dời. Đôi cánh hoa anh đào trau chạm giữa lòng bia vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt như mối tình chung thủy giữa một thương nhân trẻ tận đảo quốc Phù Tang và cô gái miền Hải Phố.

Trong một chuyến đi buôn dài vượt biển đến thương cảng sầm uất nhất của xứ Đàng Trong, chàng trai Nhật đã đem lòng yêu một cô gái Việt. Đang lúc chuẩn bị lễ vật cho việc cầu hôn, người thanh niên cũng như tất cả thương nhân Nhật đang ở nước ngoài phải về nước ngay theo lệnh của Thiên Hoàng.  Gặp nhau lần chia tay, người thanh niên đã hứa sẽ trở lại Hải Phố để cùng nàng chung sống cuộc trăm năm. Cô gái cũng thề nguyền chung thủy, khép kín phòng không đợi chờ ngày người yêu trở lại.

Thế nhưng khi về đến Nhật, thông hành thương nhân của người thanh niên bị thu hồi. Năm tháng cách xa, tuy ở lại quê nhà nhưng hình ảnh người yêu và niềm thương nổi nhớ vẫn mãi canh cánh trong lòng người trai Nhật. Anh quyết định bỏ quê hương, tìm cách trở lại Hải Phố tìm người yêu bằng cách xin làm thủy thủ cho một thương thuyền có hải trình về biển Nam.

Vào một đêm biển lặng, khi chiếc thương thuyền chạy ngang vùng biển phỏng chừng ngoài khơi Hội An người thanh niên Nhật đã trốn khỏi tàu bằng phao với hi vọng trôi được vào cửa biển quen thuộc ngày xưa. Thế nhưng sau nhiều ngày trôi nổi dập vùi trên biển cả mênh mông, anh đói lả thiếp đi vì nước uống lương thực không còn. Lúc tỉnh dậy anh mới hay đã được ngư dân Cù lao Chàm cứu sống. Anh khẩn khoản van xin ngư dân cho xuống ghe vào Hội An tuy sức khỏe vẫn còn suy kiệt.

Đôi trai gái gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách. Cô gái săn sóc chàng ngày đêm trông mong người yêu chóng hồi phục. Nàng đã hết lòng thuốc thang cứu chữa nhưng anh đã sớm qua đời vì bệnh tình quá nặng. 

Người thanh niên Nhật chung tình được toại nguyện trùng phùng với người đẹp miền Hải Phố. Anh đã tìm về, vĩnh viễn nằm lại trên quê hương của người mình yêu. Nấm mồ sau bốn thế kỷ qua vẫn khói hương êm ấm giữa lòng người dân Phố Cổ chơn chất, thân tình. 

Cuộc tình xưa sống lại qua câu chuyện kể thổn thức tiếng lòng rồi lặng thấm vào đá cát cổ mộ. Xuyến nghĩ tới hình ảnh nhạt mờ của cô gái Hội An trong trang tình sử đẹp tuyệt vời được nhân gian thêu dệt, lấp lánh sắc màu chung thủy của chàng trai tìm ra lối quay về. Còn cô gái thì không tên tuổi, chẳng bia đá mộ phần.  Lẽ nào sức tưởng tượng phong phú của nhân gian qua bao năm tháng đã chẳng đoái hoài mà vẽ ra một bóng dáng thuyền quyên đứng âu sầu bên bờ Cửa Đại sáng chiều mãi đợi người về?  Những người đàn bà ở lại trong lòng Hải Phố. Những người đàn ông đã bỏ ra đi. Âm thầm. Chung thủy. Chia phôi.  Xuyến nao lòng nghĩ tới những điều buồn bã mơ hồ.

Trong chập choạng bóng đêm, lối mòn giữa cánh đồng trở thành vệt đen dài nhấp nhô thấp thoáng ánh đèn xóm nhà trước mặt. Hình như có tiếng sóng biển vọng xa xôi. Xuyến ngờ ngợ lắng nghe. Hay tiếng cô Nữ thở dài, Xuyến nhủ thầm lúc nhìn dáng cô cúi đầu bước đi.

- Mấy bữa ni nhận được thư chú Tiệp gởi về báo gia đình tới Mỹ bình an, bà Chức vui quá trưa mô cũng đãi nhân công ăn cao lầu. Em thì nhớ bé Bình-Nguyên quá! Con bé thông minh chi lạ. Mẹ mới dạy tiếng Anh có mấy tháng mà đã biết nói khá nhiều. Còn cô Cao-Nguyên thì Anh Pháp chi cô cũng nói líu lo như chim. Em nhớ hoài lần cô Nguyên giúp dì Nơi bán chiếc võng ngô đồng cho một ông du khách người Pháp. Em đứng ngẩn ra nghe họ nói chuyện bằng tiếng Tây cả hồi lâu. Không hiểu gì nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ của ông Tây râu ria xồm xoàm, em đoán thế nào dì Nơi cũng trúng mối.
- Hôm đó, ông du khách sau khi biết cô chỉ hiểu được tiếng Anh, ổng hóm hỉnh cho cô biết ông ta mua chiếc võng vì vừa được ăn một tô mì Quảng rất ngon ngoài quán rồi lại được tiếp chuyện với một phụ nữ Việt Nam rất đẹp và nói tiếng Pháp quá hay... Cô mừng cho dì Chức, gia đình anh Tiệp mà trong bụng hơi tiếc vì mất đi một cô giáo dạy tiếng Anh cho trường.  

Kỷ niệm vui về lần bán võng ngô đồng của dì Nơi khiến câu chuyện nổ giòn, đẩy đưa dòng trí nhớ về chuỗi tháng ngày vui buồn khốn khó đã trói buộc đời nhau vào hệ lụy chẳng thể tách rời. Từng khuôn mặt, tóc tai ướt đẫm mưa nguồn thoắt hiện ra trong quầng sáng của khung cửa ký ức mở toang, tha thiết ân cần. 

- Hồi đó tụi em hay cắp đôi cô với chú Tiệp. Rồi với chú Tuân... Bây giờ thì họ đều ở một nơi rất xa. Cả người bạn trai duy nhất của em từ những ngày mưa đó.
- Cách trở, chia ly cũng là một phần của cuộc sống. Nữ cười héo hon... Có điều chỉ chúng ta là người ở lại.  Mà thôi, trách móc chi số phận. Hãy làm lành với nỗi buồn của mình để được sống yên với kỷ niệm. 

Nữ chậm bước chân, quàng vai cô gái vỗ về. Họ nương bước nhau đi trên lối mòn chìm trong bóng tối. Nàng muốn nói thêm nhiều với cô học trò cũ và cũng là để phân trần với lòng nhưng bờ mi đã đong lệ. Nữ cắn môi, nhắm mắt không muốn thấy nước mắt mình lăn dài trên má. 

Nữ đã sống những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, quay quắt ngóng đợi, rồi đành lòng với số phận đơn chiếc.  Điều Nữ lo sợ nhất là một ngày nào đó ngay trên quê nhà cũng chẳng còn nơi để ở lại. Lúc tất cả đều đổi thay, biến dạng, bỏ đi. Lịch sử, con người, ngôn ngữ, bãi biển, dòng sông, con đường, nhà cửa, cây cối, núi non đều trở thành xa lạ. Những căn phố xưa cũ sẽ bị đập bỏ không thương tiếc để bầy phú hộ mới xây cất nhà cao với kiến trúc dị hợm, hào nhoáng rẻ tiền.  Ý nghĩ bị mất dần khiến Nữ cảm thấy  cạn kiệt khô đắng. Nàng chợt thèm cảm giác mát mặn của nước biển tràn lên da thịt. Thèm nghe tiếng sóng, bủa vây mà trôi giạt lênh đênh. Mắt khép. Chân bước dọc theo bờ cát rịn muối trôi dài, loáng thoáng bầy còng gió biến hiện như  ảo ảnh xa vời.

Đêm trăng non rớt mịn màng lên bãi biển Cửa Đại.  Sóng bạc đầu miên man rào rạt xô bờ  bỏ lại khơi xa lặng ngát ánh vàng. Phía cù lao Chàm chút quầng sáng hừng lên như cố pha loãng màu đêm tím thẩm đang tràn ngập không gian.  Cát trắng nhờ nhợ hoang liêu, trải dài hỗn mang từng lùm dứa dại đọng bóng tối. Nữ nhìn về phía cửa biển khuất chìm trong bóng đêm. Nàng nghĩ tới bãi đất bỏ hoang của khu căn cứ hải quân cũ, nơi những ngày còn anh Niên, Nữ thường ngồi trên nóc lô cốt mọc đầy cỏ dại bâng quơ nhìn biển chờ anh để cùng chống xuồng qua đầm sông về nhà cho kịp tối.

Vùng đất  đã được qui hoạch xây khách sạn lớn cho du khách ngoại quốc. Chẳng bao lâu nữa nhiều khu nghỉ mát tương tự sẽ mọc nối theo nhau cho tới Cẩm An.  Bên kia sông, Đế Võng nối tay Thu Bồ ôm ấp cù lao Cẩm Thanh lau trắng bạt ngàn và xóm chài xanh bóng dừa sẽ được khai quang, ủi dọn thành khu du lịch Thuận Tình.

Phố cổ Hội An nới ra, dựng xây sơn phết vội vàng nhưng nhà nước chưa hề có chính sách thỏa đáng để duy trì trùng tu những căn nhà xưa dột nát suy vi sau hàng trăm năm mưa nắng bão lụt.  Nữ không dám nghĩ tới hình ảnh một Chùa Cầu xây lại bằng bê-tông cốt sắt có đèn màu chớp tắt mỗi đêm.  Hay trên nền đất của nhà cổ bị đập bỏ, những căn phố mới nhiều tầng có tượng gothic tạc đắp bằng xi-măng thô thiển dựng trước lan can chen chúc với tượng Bác và cặp chó lân ngờ nghệch thức ngủ. 

Phố Cổ quê hương Nữ lớn lên với những ngôi nhà rường cổ kính, mái ngói e ấp lớp thời gian tình tự rêu xanh, vách nhà thấp cao nương dựa nhau đỡ nâng qua bao mùa bão biển mưa nguồn và mắt cửa, giếng trời đằm thắm tình người qua nhiều thế hệ. Cồn cát màu mỡ giữa sông Thu xanh tươi từng đám ruộng bắp khoe mình trong nắng chiều. 

Bao lớp người cần mẫn cơ cực hàng năm, cả ngàn năm trên vùng đất nhỏ nhoi.  Từng mùa lũ, mưa trên nguồn giận dữ trôi xuôi về phố biển.  Lũ trôi ra đại dương để lại đổ nát cho người và lớp phù sa mới nuôi lớn mầm hi vọng sống còn. Vùng đất giao lưu giữa nước nguồn và biển Đông đã chứng kiến sức sống mãnh liệt của con người từ nhiều nền văn hóa khác nhau.  Dân tộc Việt của nền văn hóa Đông Sơn đã đấu tranh giành được độc lập từ phương Bắc và gầy dựng cho mình một xã tắc riêng. Giấc mộng mở mang bờ cõi không dừng ở đất Thuận Hóa cho dù thân-quế-huyền-trân phải chịu cảnh mán mường. Ngày nay những tòa tháp Chàm đổ nát ở Trà-Kiệu, Mỹ-Sơn chỉ còn là di tích hận lòng của cả dân tộc Hời, một thời vang bóng nền văn hóa Sa Huỳnh tiên tiến thành tựu từ hằng nhiều trăm năm trước.

Đất mới trọng hậu chiều đãi khách phương xa.  Người Tàu, người Nhật bị bạc đãi ở bản quốc phải tha phương cầu thực đã chọn hải phố Hội An làm quê hương mới.  Khoảng sông rộng Thu Bồn không xa Cửa Đại cũng đón mời thương khách đến từ trời Tây biến Hội An thành thương cảng lớn, bán mua sầm uất.  Món quà văn hóa lưu truyền giữa những nhóm người khác nhau qua bao thế kỷ đã xây dựng phố Hội An với những nét kiến trúc Đông Tây đặc thù mà hài hòa.  Phố Cổ luôn êm đềm mà tinh tế như con người đang sống quây quần trong đó qua bao biến cố lịch sử.  Chế độ chính trị càng hà khắc biển lận càng sớm bị sụp đổ nghiền nát dưới vòng quay của bánh xe lịch sử lăn về phía tương lai, nhân bản.

Mây bay qua, ánh trăng như lụa trải lên bãi vắng huyền hoặc vết dã tràng trôi vào cát lặng. Nữ chớp mắt nhìn quanh, trong đầu còn mụ mẫm dòng suy nghĩ miên man.

Nàng ngồi tựa lưng vào chiếc thúng câu úp sấp trên bãi. Xuyến rời chỗ ngồi tự lúc nào đang đứng dầm mình trong biển, mái tóc chập chờn trên sóng như rêu. Đêm nhỏ lại, chậm chạp từng  đợt sóng xô cuộn im lìm. Cô gái trần truồng bước ra khỏi biển.

Lúc Nữ trao áo quần khô cho Xuyến, nàng vẫn nằm yên trên sống lưng chiếc thúng câu. Dưới bóng trăng soi, khuôn mặt ướt rũ rượi của cô gái hồ như còn lóng lánh giọt nước mắt chờ rơi vào nơi mộng tưởng hân hoan.

- Đêm trước ngày đi, hai đứa em vụng về với nhau lần đầu trên bãi này.  Em không dám trở lại, cho tới đêm nay.

Nữ xốn xang lòng. Đêm nàng trên đồi dương mộng mị trao thân, tiếng phi lao thì thầm lời dự cảm lìa xa.  Còn sóng đêm nay hay sóng mười lăm năm cũ đêm sững sờ nhìn anh Niên chị Quế giữa phút nồng nàn vẫn mãi u hoài vỗ nhịp từ ly.  Nữ vuốt lên mái tóc còn ướt đẫm của Xuyến.

- Phút giây được sống trọn vẹn với kỉ niệm luôn là khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời. Lần tới đi tắm biển đêm nhớ dẫn cô theo canh áo quần cho.

Xuyến mắc cỡ ôm chặt vai Nữ. Cô gái vừa trải qua cơn xúc động trào dâng chót vót không ngờ. Sóng vỗ. Đêm rịn ràng trôi dọc bờ thân xác như phún xuất lan dài.

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012