SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

Đường về lại York


Tiếng rúc bồ câu đánh thức tôi. Từ căn phòng nhỏ lầu một ở đường Dewsbury số 1A nhìn qua khung cửa sổ thấy hàng thành quách xây từ thời Trung cổ dưới nắng, bỗng hiện lên hoàng thành Huế những năm thơ dại. Ngày rời Bình Định về Huế sống, tôi ở ngoại thành, cũng trên căn lầu một đường Paul Bert, nhìn qua một dải sân sau, qua hồ sen, thấy tường thành sửng dựng. Bóng chiều rớt xuống những vạt nhớ vàng nhạt hắt hiu thuở vua chúa làm nô lệ. Thỉnh thoảng bạn bè ở sát thành nội lên đấy réo gọi tên tôi. Hai bên nói chuyện bằng âm vang cộc lốc. Những buổi trưa oi ả, sen tàn, vắng vẻ, tiếng Trần Mạnh Hòa trầm ấm ngâm những câu thơ buồn hiu Gió rủ cành đi ngàn liễu khóc / Sông đùa lạnh tới bóng trăng run / Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay… Bây giờ Hòa ở đâu ?

Bây giờ tôi nằm trong căn nhà ở sát nội thành York mà Pen sắp bán sau khi mẹ qua đời. Tiếng du khách bước trên bờ thành chiếu lên nền trời xanh những di động âm thanh. Tôi thả vào đó chòm mây trắng tôi mang từ Huế quá nửa thế kỷ lưu lạc. Mường tượng trời cũng là sông trôi đưa dòng ký ức đến xa bãi thiên hà.

Bốn mươi lăm năm trước tôi đến đây trong chuyến thuyết trình qua các thành phố Luân Đôn, Bradford, Hull đến York. Nơi tôi gặp Pen lần đầu. Người thiếu nữ e thẹn, đỏ mặt sau mỗi câu nói. Nàng hỏi tôi, em có thể giúp gì cho Việt Nam? Tôi đã trả lời như thế nào, mà nàng bỏ đại học, bỏ gia đình, dấn thân vào hành trình Việt Nam khôn dứt, cắn đứt nửa thế kỷ như ăn quả táo thơm.

Đêm đó cô Joyce Blake, người tổ chức buổi thuyết trình, đưa tôi về tá túc ở học xá Mount School, nơi cô làm hiệu trưởng. Vừa đưa chân vào chăn, tôi giật bắn người nhảy khỏi giường hoảng hốt. Một vật gì nóng ấm như chạm phải thú vật. Lật mền thấy bọc cao su chứa nước nóng xông ấm, người Pháp gọi tên bouillotte, một loại lồng ấp không bằng than hồng mà bằng nước sôi. Hoàn hồn trong niềm ân cảm kẻ tha hương được nhân loại ân cần.

Sáng còn mơ màng trong chăn ấm, bỗng nghe tiếng gõ cửa. Lại hồi hộp pha phần xấu hổ, vì chưa ăn mặc tươm tất. Nhưng không, đó là tục lệ người Anh. Nghệ thuật bà chủ nhà ở Vương quốc Anh là biết lúc nào khách vừa chợp mắt, còn mơ mơ màng màng, để mang chén trà sữa nóng đầu ngày. Rồi kín đáo khép cửa rời bước.

Đúng vào lúc tôi sắp tỉnh ban mai, cô Blake mang tách trà sữa nóng lót dạ. Uống từng ngụm nhỏ bùi ngùi đất nước. Đất nước quê hương chỉ có chè truồi, chè vối, trà tàu… Làm chi có trà đen pha sữa ? Có đấy. Những ai sống thời tản cư khoảng năm 46, 47, khi quân Pháp trở lại chiếm đóng, chợ búa bỗng xuất hiện những thực phẩm đóng lon, đóng hộp của lính Pháp bán ra. Đặc biệt có hộp lương khô / ration vuông vức bằng nhôm sơn màu lục sẫm do Mỹ viện trợ cho quân đội Pháp. Trong chứa mấy viên thuốc dùng bỏ vào nước chưa tinh sạch lọc độc, lon thịt hộp spam hay corned beef, và gì nữa tôi quên. Spam, món thịt heo đóng hộp thời đệ nhị thế chiến cho những người cơ nhỡ bần hàn, ăn đến ngấy miệng. Nay spam mang nghĩa rác rến trong ngôn ngữ tin học. Riêng có hộp trà bột trộn sữa hình tròn màu nhũ kim. Món tôi ưa thích. Pha nước sôi, màu trà đen quến sữa ngà ngà, ngọt giọng, thơm lửng. Lâu lắm tìm mãi không ra mùi vị thuộc địa này. Trà đen Lipton ngày nay không có loại nào mang hương vị Orange Pekoe cut black tea ấy.

Nâng niu tách trà, uống vào từng ngụm thơ ấu, ngó ra thảm cỏ xanh ngút tới chân tường đầy bao khóm hồng rực rỡ trong khu vườn học xá Mount School. Xưa chỉ có Đà Lạt mới lắm hoa hồng. Ở đấy có cả con đường mang tên hoa hồng, Rue des Rosiers. York là thành phố của hoa Hồng trắng. Thời xưa một trận giặc hoa hồng đã xẩy ra nơi đây. Hoa Hồng trắng thành phố York đánh hoa Hồng đỏ thành phố Lancaster. Người ta không chết vì lá cờ như ở quê tôi. Người ta chết vì hoa hồng. Chiến tranh vốn vô nghĩa, xuẩn động. Song chết vì hoa hồng vẫn có chi hơn chết vì lá cờ vô nghĩa, dù người ta đặt vào đấy tràn đầy ý nghĩa. Chết là hết một giai kỳ. Cái chết bao giờ cũng là cái chết của người khác, không phải của mình, nên ít ai đau cái chết để bớt hằn học với đời.

Từ khóm hồng học xá Mount School bay ra một bầy nữ sinh líu lo, ríu rít như chim. Hóa ra mình đang ở trường Đồng Khánh nhưng tại cố đô York. Thuở nhỏ tôi mê tiếng Anh nhờ có hai vị thầy dạy giỏi, sinh động và hấp dẫn. Ở Khải Định là thầy Thu Lương, một trưởng Hướng đạo, ông oánh tù tì với học sinh để học chữ số one, two, three. Ở Yersin là một cô giáo người Anh vui tính, cười tươi như cánh hồng cách xa phiền muộn. Cô xem học trò tựa bè bạn, hay lôi tôi về nhà đãi trà và bánh biscuits. Nhớ mãi hàm răng cô trắng với nụ cười giăng tới chân trời.

Sau buổi thuyết trình tối hôm qua, cô Blake cho uống trà đen pha sữa chưa thấy ở Pháp. Pháp là cà phê đen và rượu đỏ. Anh quốc là bánh ngọt và trà đen. Tôi ngạc nhiên khi cô đưa mời chén đường cát và gừng bột. Xa nước đã lâu, gặp chi từa tựa nơi quê nhà tôi đều xúc cảm. Đường cát mía ở Anh, mùi gừng xa ngái không có ở Pháp, cũng là mùi vị quê hương. Mấy chục năm trước qua vùng Andalousie bên Tây Ban Nha nhìn hoa cẩn đỏ, khóm trúc, hương hoa lài thơm phức ngày đêm, tưởng chừng như mình còn đứng nơi quê nhà. Hồi mới tới Pháp tôi đi mua chanh, ông tây đưa một quả vàng sù sì như hạnh. Tôi phản đối nói tôi muốn chanh / citron cơ. Ông tây quả quyết đây là citron, và nặng giọng c’est comme çà ! Dù tả thế nào quả chanh xanh xứ Việt ông chẳng cần biết. Qua ánh mắt ông nhìn tôi như thằng gàn dở. Gần đây trong chuyến bay sang Hoa Thịnh Đốn, cô tiếp viên hỏi tôi muốn uống gì. Lần nào tôi cũng tea with lemon, trà chanh. Lần nào cũng trót lọt. Nhưng hôm đó cô bảo không có lemon, chỉ có lime thôi. Định khước từ, nhưng tính mạo hiểm ưa thử, tôi ừ. Hóa ra cô không có quả chanh vàng mà chỉ có trái chanh xanh. Lại trở về đất nước quê xa. Em đi dòng tóc chảy nhanh / Một vườn sương khóc lá chanh thơm hoài. Hồi tôi đăng hai câu thơ này trên báo Văn ở Saigon, Bùi Giáng viết thư hỏi lá chanh có còn thơm hoài không ?

Rồi cô Blake dẫn tôi đi thăm thành phố York, cố đô nước Anh, như Huế cố đô nước Việt thời Nguyễn. Qua con đường Shambles trù phú, đông nghẹt du khách, có những khoảng cô cho biết người trên tầng lầu hè này có thể bắt tay người hè phố kia good morning mỗi sáng. Người Anh lịch sự và thân tình quá nhỉ. Tuy thân tình nhưng cách biệt, kiêu sa. Đỡ cái ồn ào, ba hoa, gà trống gáy của Pháp.

Thành phố York xinh xắn, dân hiền lành, không khí tinh khôi, ngát xanh thanh thoát. Nắng vàng chưa ô nhiễm, nhẹ trong như môi phai. Những cô gái thành York đi xe đạp bình thản và an nhàn khắp phố, tựa nõn mây cạnh dòng Hương cũ. Pen hay kể tôi nghe tối hôm đó, bốn mươi lăm năm trước, mẹ bắt ở nhà học bài thi. Nhưng chẳng nói chẳng rằng, Pen rón rén rời nhà cưỡi xe đạp ra đi. Đạp thẳng đến hội trường thành phố nghe cái tên lạ hoắc thuyết trình. Trời hay người sắp đặt để chúng tôi gặp nhau rồi từ đó đồng hành trên trái đất ? Song nếu trời cũng là người và người là trời thì sao ? Tôi vẫn tin người khái niệm ra trời, nhờ thế trời thác sinh. Người không là hình ảnh của thượng đế, mà thượng đế chính là hình ảnh Con Người. Nên câu hỏi kỳ bí kia là thứ kỳ bí quẩn quanh trong vùng chiến tranh khái niệm. Sự thật đời người cứ hiện mãi ra như lá xanh, hoa thắm, môi cười. Người vẫn cứ gặp người trên muôn trùng xa cách. Nếu người còn thiết tha người.

Mùa xuân đến, hoa rộ trên những tầng màu giú tự cây khô. Cái chết sống lại. Hoa là sự tụng ca của đất và người. Nhiên hậu xưa nay chưa ai thù ghét hoa. Thế nhưng ít ai nhớ rằng hoa là bộ phận sinh nở của cây. Cùng là bộ phận sinh nở, sao loài người Đông Tây thống nhất nhau cấm kỵ khi đề cập tới bộ sinh nở người phụ nữ ? Người ta dùng tên bộ sinh nở nam hay nữ để thả tục, chửi bới nhau. Đến khi viết, cũng chỉ dám đánh ba chấm sau chữ đầu. Thế là khinh miệt ? lờm tởm ? xấu xa xấu xí ? Lạ nhỉ. Tránh danh xưng nó, nhưng lại vùi thân vào nó để sống, để từ nó mở mắt chào đời.

Duy loài hoa không bị hệ lụy của đời mà còn được tụng ca qua thơ văn, nhạc hát. Hoa làm cho đời diệu vợi, người thêm hiền hòa. Có chi bất nhẫn, và bất bình đẳng nơi trí óc loài người về hai bộ sinh nở, hai bộ sinh dục kia. Luân lý chăng ? Luân lý, thứ khái niệm khoanh vùng, quẩn quanh lâm chiến, nhử người ra khỏi cuộc luân sinh vạm vỡ. Luân lý là cái lý chạy quanh chuồng, cắt bỏ tự do người.

Hoa sen có phải là quốc hoa thanh cao đất Việt không, mà có cả bài ca dao truyền miệng nhiều đời Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng / Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Kiểu cách quân tử tàu với tiểu nhân của các cụ đồ nho.

Khiến nhà thơ Phùng Quán nổi giận đòi đuổi một câu ra khỏi nền ca dao Việt Nam. Đó là câu Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Phùng Quán bảo : Sao mà nó vô ơn thế. Vì đâu mà nó có Nhị vàng bông trắng lá xanh ? Nó ăn những thứ bùn ấy mà được vậy. Tại sao nó quay ngoắt lại chê bai Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ? Không có cái hôi tanh kia thì nó lấy đâu ra bông trắng lá xanh ấy ?

Lý luận Quán vừa chín tới nơi tinh thần bất nhị. Nhưng còn dấu vết dỗi hờn làm cho anh chưa hoàn toàn phi nhị nguyên. Phải chăng vì cái chế độ dối gạt, giết người và thảm sát người trí thức, người tài năng ? Kháng chiến kêu gọi toàn dân chết cho đất nước. Dân nghe lời hăng hái hiến dâng máu thịt. Thành công xong bỗng quay ra hãm hại, giết những ai không chịu suy nghĩ như mình. Gợi hứng cho Phùng Quán ra thơ :

Bùn với sen đâu phải chuyện gần / Chính là sen mọc lên từ trong đó / Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen / Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng / Cũng là xương thịt của bùn tanh / Như nhân dân / Gian truân, thầm lặng, vô danh / Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…

Niềm hờn dỗi đẩy cả thế hệ Phùng Quán vào lò lửa khổ hạnh. Trời xanh thấy đó hằng ngày, mây trắng bay ngang từng phút, vẫn cách biệt nghìn năm trong đôi mắt họ chẳng còn nhìn. Họ chỉ thấy bất công.

Nhơ và sạch là ý niệm. Sự so sánh. Không có bùn làm sao sen nẩy ? Có bao giờ sen mọc từ không trung đâu ?

Có một lần sen nở từ đất, khi thái tử Tất Đạt Đa ra đời đi bảy bước đầu tiên trên bảy đóa sen. Nhưng đấy là biểu tượng. Từ lòng mong con người mà sen nở.

Có một lần sen nở trên cánh tay. Nhưng đó là niêm hoa vi tiếu (1) của đóa sen huyền nhiệm nở bung một lóng sáng qua vút dãy hành tinh, khiến trần gian chuyển ngộ. Dòng Thiền chảy xuống hạ lưu tâm can con nước mát những tiền thân sáng láng buổi sum vầy.

Trần gian chưa cao xanh, thì sen vẫn cứ quện bùn kết ấu, đãi ngộ bùn bằng hương thơm tinh khiết, bằng lá xanh bông trắng… màu sắc khác của bùn trên từng độ hóa thân.

Hiểu được bùn là sen. Sen là bùn. Sự yêu thương bình đẳng và thông tuệ mở ra trang đời mới. Củi mục thành trầm hương.

Làm chi có chuyện triệu người như một ? Tuy có thể có một ngườimang triệu hồn người kia. Triệu người như một đánh đổ ngoại xâm, triệu người như một tụng ca lãnh tụ. Không đâu. Dàn cảnh đó. Mị đấy. Bếp núc một cuốn phim, do những đạo diễn dựa vào cơn địa chấn nhân tâm. Khiến lịch sử rùng mình, nỗi rùng mình của núi lửa trào phun.

Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết một hư từ vô vọng khác. Chẳng ai đoàn kết với ai trên cõi đời này. Chẳng ai thông cảm với ai nơi cõi sống nay. Có miếng ăn chia phần, có quyền lực trao tay, đoàn kết liền cộp gót, đưa tay ngang trán, bặm miệng hô Có tôi đây, xin tuân lệnh ! Sinh ra, người lãnh ngay án chung thân cô độc suốt cuộc trăm năm. Con người sinh ra một mình, chết đi cũng một mình. Nhưng chưa nghe ai nói mặt trời cô thân độc ảnh kia cô độc. Hóa ra cô độc là cảm thức xa hoa của những kẻ sống thừa ? Sống như sóng chồm, như núi nhón, như lá biếc, như rừng sâu, như mưa và nắng, niềm cô độc tự cô để nhóm họp bao giọng cười rang rảng.

Làm nhụt chí những ai muốn ngang dọc trời đất, hay muốn thật với chính mình, người ta dùng hình ảnh Mãnh hổ nan địch quần hồ / Cọp mạnh khó đương đầu lũ cáo. Người trung ngày nay quả khó đương đầu với chế độ bạo tàn. Nhưng hình ảnh trên là chuyện của loài thú. Sang loài người tùy thuộc khả năng và chí nguyện. Một đám đông xúm đánh một người thì chỉ còn nước mua hòm chôn cất. Tuy nhiên nếu người ấy biết võ thì sao ? Nan đề đặt ra. Nếu người ấy biết võ và đám đông kia cũng biết võ thì sao ? Thì tùy thuộc võ công từng người. Nhìn xem cuộc đánh đấm của một đám đông biết võ, nhào vào một cá nhân cũng biết võ, ta thấy ra điều bí quyết. Chưa hề có sự mười người cùng đánh một lúc vào một người, mà chỉ là những cú đấm liên tục nhưng rời rạc, có trước có sau. Nghĩa là mỗi cú đánh chỉ hiện ra giữa một người với một người. Cho nên vấn đề ở nơi võ công kẻ đối phó. Kẻ đối phó phải nhanh, thoắt, linh động, chống trả chớp nhoáng với chiêu thức cao cường hòng giải quyết từng đợt tấn công một nhưng tới tấp. Nói cho đông, song các cuộc tấn công tập thể, người bị đánh chỉ giải quyết từng đối phương một. Ai thượng thừa kẻ đó thắng. Chẳng có gì cọp với cáo khi đi vào xã hội loài người trên đỉnh cao thần trí.

Muốn tách lìa người với người, với xã hội, người ta hạ giá con người khi nói con tép chết không thúi một khúc sông. Ý nói chẳng ích chi việc hy sinh cho đại cuộc. Ẩn nhẫn mà sống như con trùn. Thế nhưng người đâu phải tép. Dấn thân, xông xáo của con người tỉnh thức biểu lộ quy luật tương sinh, hơn là lập bè kết phái tranh miếng đỉnh chung.

Hãy tự hào đi những tự hào hão. Tự hào ra ngõ gặp anh hùng là tự hào của nhà thầu xây nghĩa địa. Dụ người vào cõi chết để cho mình sống một mình. Anh hùng là thứ xa xỉ của các quốc gia chưa văn minh. Nó thoát thai từ chủ nghĩa dân tộc là đầu mối chiến tranh. Sự sống mới đáng quý. Sự sống không có biên giới.

Hiểu và Thương đi các con ! Thương nhau chúng ta làm nên lịch sử ! Tiếng rao giảng của tên hề bất lực. Hiểu gì và thương gì khi tên tôi trong tim anh xa lạ đến dửng dưng nếu không là cừu hận ? Anh hãy hiểu anh trước đi, anh hãy thương anh trước đi. Anh có hiểu thương gì anh đâu ngoài sự trìu níu một cái tên hờ kiêu hãnh vặt ? Anh hiểu gì khi anh nhìn chiếc lá ? Anh hiểu gì khi anh nhìn khuôn mặt tôi ? Anh chỉ nhìn nhưng không thấy. Vì anh đeo đuổi ảo tượng và mộng mị trong đầu anh để tạc nắn ra tôi. Một tôi không phải của tôi vì tôi ấy là tên nô lệ anh. Lịch sử chỉ là những lần ngộ nhận chết người. Anh muốn tái hồi ngộ nhận và tàn sát con người tự do ?

Hãy cứ cười cợt, chế diễu sự phù du ! Phù du là nếp xếp vĩnh cửu của thời gian còn hằn trong không gian.

Hãy cứ cười cợt bướm theo mong cầu thực dụng ! Ai biết cho bướm bỏ bao năm trường công phu nhuộm vẽ đôi cánh mỹ miều. Để làm gì ? Chẳng để làm gì cho con người lao động, con người đánh mất ngày đêm đang rút ngắn cuộc sống. Người ta bỏ hằng triệu Mỹ kim mua tranh Picasso. Song bức tranh phù du của bướm chẳng đòi hỏi một đồng, vẫn triển lãm trước hiên nhà, trong vườn nắng, bên những tầng hoa. Cuộc triển lãm trước hư vô và bóng khói. Cuộc triển lãm không chờ đợi người xem, mà nghệ sĩ sống từ gió, từ không trung không cánh, từ bầu trời già thắm tuổi mây.

Ôi cái loài ong bướm !

Lời trách lẳng lơ ghẹo nguyệt trêu hoa, vốn là chuyện của người. Bướm đâu dính dáng ? Bướm giúp hoa sinh sôi nẩy nở cây. Bướm là mụ đỡ cho rừng.

Thi Vũ
Paris, 10.6.2012



(1) Niêm hoa vi tiếu là đưa hoa mỉm cười. Truyền thuyết kể rằng tại một pháp hội trên núi Linh Thứu, một hôm Đức Phật thay vì thuyết giảng, chỉ đưa cao một cành hoa sen trước đại chúng. Chẳng ai hiểu ý Phật muốn nói gì. Riêng tôn giả Ma ha Ca Diếp chứng ngộ nên mỉm cười đáp trả. Đức Phật liền tuyên bố : « Ta có chính pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, không lập văn tự, nay phó chúc cho Ma ha Ca Diếp ». Đời sau tôn ngài Ca Diếp là sơ tổ Thiền tông Thiên trúc. Thiền tông, Nhật bản gọi là Zen, thịnh hành và phát triển rực rỡ bên Trung quốc từ thời Đường, Tống, rồi truyền sang Nhật, Việt Nam, Triều Tiên. Thiền không dùng văn tự, chủ yếu tâm truyền tâm vấn đề giác ngộ và chân lý.

 

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012