SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

Duyên muộn

Ngôi nhà, cũng như ông Ân, dường như đang mang chung một trạng thái: cô quạnh.  Trước kia nó vốn đã vắng vẻ, neo người, giờ đây lại càng thêm hoang vắng, tĩnh mịch hơn kể từ sau ngày bà Ân qua đời.  Một mình ông hết vào rồi lại ra, hết đứng lại ngồi, quanh quẩn từ phòng khách sang phòng ăn, rồi lại từ phòng ăn sang phòng khách.  Chán cảnh trong nhà, ông bỏ ra vườn rồi lại trở vô, chưa đầy năm phút ông lại quày ra vườn nữa.  Từ trong ra tới ngoài, cái gì, vật gì, cây gì... ông cũng thấy nó vô hồn, vô tâm, vô duyên và lạnh lẽo.  Có lúc ông nổi cáu, bực bội vọt miệng hỏi tại sao món này lại nằm chỗ này, món kia lại nằm chỗ nọ... mặc dù lâu nay chúng vẫn nằm yên chỗ cũ.  Hình như dưới mắt ông mọi sự trong vũ trụ đều sai trái hết cả.  Mà không sai sao được chứ?  Vì chính ông – một phần thể nhỏ nhoi trong vũ trụ này – đang là một tổng thể của tất cả mọi sai trái gộp lại.

Hai thằng con trai, có lẽ cũng đoán biết trước được nỗi cô đơn trống trải của ông và sự quạnh quẽ của căn nhà trong những ngày tháng tới nên một hai thúc giục, buộc ông phải cho mướn bớt căn nhà phụ nằm trong khuôn viên tư gia.  Căn này rời ra riêng biệt, ở bên hông căn chính và vốn xưa nay chỉ dùng cho khách khứa hoặc khi đám con trai mang vợ con về ở chơi vài tuần lễ hè.  Ông chẳng thiết tha gì cho lắm cái chuyện cho thuê nhà luộm thuộm này nên để mặc chúng muốn sửa chữa, muốn cho ai mướn thì cứ làm theo ý.  Thằng Bảo - là con trai lớn - chuyên về địa ốc, nên ông để nó đứng ra toan tính hết mọi chuyện.  Còn thằng em là Toàn, đã tốt nghiệp về luật, nó bảo với ông:

“Ba không phải lo gì cả.  Con sẽ tìm người cho mướn và tiền bạc sẽ gửi thẳng vào trương mục của Ba”.

Ông nào quan tâm đến chuyện tiền bạc bao giờ.  Ông bảo với chúng là cứ để dành cho mấy đứa cháu sau này vì ông còn đi làm được, ông chẳng cần tiền.

“Tụi con không thiếu gì cả.  Ba đã lo đầy đủ cho tụi con lâu nay rồi.  Tiền này Ba cất lên để khi về hưu có dư dả chút ít mà đi chơi đó đây.” 

Chúng cương quyết từ chối và một lần nữa ông lại buông xuôi mặc cho chúng sấp xếp, tính toán với nhau.
Căn rời này vốn có sẵn từ lúc ông mới mua khu nhà.  Có lẽ chủ đầu tiên cất lên cố ý làm để cho mướn nên cất rời ra và trang bị đầy đủ bếp nút, nhà tắm cầu tiêu, phòng ngủ và một phòng khách nhỏ.  Sau này thằng Bảo gắn thêm máy giặt, sấy.  Vì nhà ông ở ngay góc ngã tư nên thằng Bảo mở thêm cửa ra vào cho căn phụ này quay ra con đường phía bên hông nhà chánh và làm hàng rào phân hai riêng biệt.  Nó nói là để khỏi làm phiền Ba.  Cũng đúng.  Vì bây giờ ông như con rùa mùa đông, đang co rút thật sâu vào chiếc vỏ vừa dầy vừa cứng để khỏi nhìn thấy thế giới bên ngoài, đồng thời ông càng không muốn thế giới bên ngoài phát giác ra sự hiện hữu của ông. 

Cho đến bây giờ ông vẫn không biết đã có người nào mướn và dọn vào căn nhà phụ này hay chưa nữa.  Ông bực dọc khi vào trong nhà nên quày quả trở ra mà hơi thở nặng nề, ngột ngạt.  Tim ông trì trĩu xuống bởi dĩ vãng đau buồn xa xưa quyện vào với cái nhức nhối hiện tại và bóp nghẹt từng hồi, thắt nghẽn từng chập.  Những lúc vào sở làm bận rộn tíu tít với công việc ông tạm quên những bấn chấn quay quắt này, khi về đến nhà mọi chuyện lại hồi sinh, tái diễn như mới.  Ông đến tì tay vào hàng rào mới dựng lên.  Dường như chỉ có hàng rào này là không vướng víu, không quen biết với những kỷ niệm đau thương cũ của ông mà thôi.  Vì nó chưa hiện hữu trong lúc vợ ông còn sống.  Mãi đắm chìm trong suy tư trầm mặc, trong nỗi đau nội tâm và mệt mỏi của thể xác, ông chẳng để ý gì khác chung quanh mình, cho đến khi chợt thoáng thấy dường như có một bóng người xoay ngoắt vội vàng, rồi đưa lưng về phía ông và đi lẹ làng như chạy vào căn nhà phụ.  Trong một phần ngàn giây tích tắc ông thấy dáng nghiêng của cái đầu nho nhỏ, bờ vai thon thon và bước chân xoải thẳng, nhẹ nhàng lướt trên cỏ hình như quen quen, mơ hồ thân thuộc ở một phương trời xa xưa thuở nào.

“Ảo giác!”  Ông tự nhủ, “đầu óc mình bị u mê, mờ mịt rồi.  Cứ như thế này đến phải lâm bịnh.”  Ông bần thần, lo ngại và đến ngồi trên ghế đá dưới gốc cây ngọc lan to trong sân nhà.

Ngọc Lan.  Gốc ngọc lan này ông trồng khi ông mới mua căn nhà.  Những năm đầu cây còn nhỏ, mỗi mùa Đông ông phải cất chòi che sương muối, mưa đá hoặc tuyết trong những năm lạnh xuống thấp bất thường.  Sau nhiều năm cây già dặn hơn, quen lạnh dần ông mới để mặc nó cùng gió tuyết.  Chỉ một mình ông biết lý do tại sao ông trồng gốc ngọc lan này.  Chỉ một mình ông trân quý, thưởng thức màu trắng trong ngọc ngà và hương thơm tinh khiết thoang thoảng của hoa.  Bà còn mải lo bương bải tất bật, mải tìm quên nỗi đau và chôn giấu mặc cảm tội lỗi trong công việc bận rộn, nên ít khi thư thả mà tận hưởng những chuyện “phí thời giờ quí báu” như bà thường bảo ông.  Điều này ông chỉ mới hiểu ra tường tận như vậy nhờ lời tiết lộ sau cùng của bà trong giờ phút lâm chung thôi.

oOo

Chuyện xa xưa lắm rồi.  Dường như Định mệnh xô đẩy, nối kết họ lại trong một màn kịch bi thảm được dàn dựng sẵn, chỉ chờ thời gian đúng lúc những lớp lang trong tuồng sẽ phơi bày ra, diễn viên - là họ - sẽ tuần tự xuất hiện.  Họ là hai nhà giáo trẻ cùng có vài tuần lễ huấn luyện quân sự trong chương trình “động viên tại chỗ” rồi được biệt phái trở về trường sở tiếp tục dạy lại như cũ.  Họ chưa từng cầm lấy cây súng bắn chết một con vật còn sống, chưa từng sử dụng một viên đạn đồng để hại ai.  Thế nhưng họ bị kết tội nặng nề trong chế độ mới và bị đưa vào rừng sâu nước độc để thực thi cái gọi là “học tập cải tạo” với thời gian vô hạn định.  Họ cùng ở chung một trại, rồi hội nhập nhanh chóng vào nhóm tù phạm cũng có lý lịch na ná như họ.  Ngày này qua ngày khác họ lao động gian nan cực khổ trong đói kém, hoặc lên rừng đốn tre nứa khi trong tay chỉ có một tấc sắt được mài tạm bén đủ để hành hạ mấy tên tù yếu sức, thiếu ăn vì họ luôn phải dùng tận lực mới chặt được một cây tre nhỏ.  Sự sống dở chết dở trong điều kiện thiếu thốn cùng cực này đã lấy đi nhiều mạng người trong lúc ngày về chưa ló dạng.  Thăm nuôi, tiếp tế của gia đình là nguồn chính bơm sức lực hồi sinh và ý chí kéo dài sự sống thoi thóp cho họ.

Thâm tình của họ càng thắt chặt, khắng khít hơn, rồi dây dưa mãi về sau này cũng vì bắt nguồn từ những chuyến thăm nuôi tù cải tạo đó.  Ngày ấy ông Ân còn độc thân, còn một mẹ già và cô em gái có chồng sĩ quan nên bị đày đi tù tuốt ngoài Bắc.  Tội nghiệp.  Cô em một mình không đủ sức bươi chải nuôi con nữa lấy đâu ra để thăm nuôi chồng và anh.  Nên lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng khi cô đưa bà mẹ lên rừng thăm ông, ông đã căn dặn họ không cần thăm nuôi nữa vì chỉ vài hôm ông sẽ được tha về.  Không ngờ chuyện “vài hôm” kéo dài suốt ba năm!  Mẹ ông vì đau buồn, lại thiếu thốn thuốc men nên đã qua đời trong lúc ông còn ngồi tù.  Điều này em gái ông đã giấu biệt cho đến ngày ông ra tù mới biết.  Ông Thăng thì đã có vợ hai con và may mắn hơn vì vợ ông buôn bán giỏi giang, mánh mung nhặm lẹ nên đủ xoay xở, lại có dư dật chút ít và vào thăm ông mỗi khi được phép.  Nhờ vậy ông Ân mới được biết mặt Trâm - vợ ông Thăng - và sau mỗi lần thăm muôi ông đều được ông Thăng chia sẻ cho những thức ăn hay thuốc men cần thiết.  Ông Ân luôn  canh cánh bên lòng chỗ ân nghĩa sâu nặng này, nên khi vừa ra khỏi tù, được gia đình một đứa học trò thân tín tổ chức và cho đi vượt biên ông đã không ngần ngại đến nhà rủ ông Thăng đi cùng.

Năm ngày lênh đênh trên biển, tàu họ hết xăng hết nhớt, không còn thức ăn nước uống.  Chiếc tàu mỏng manh chứa trên trăm người cứ trôi bập bềnh trên biển cả và xoay vòng vòng theo dòng nước xoáy giữa ranh giớt Thái Lan và Mã lai.  Tình trạng tuyệt vọng kéo dài ngót hơn một ngày thì gặp tàu đánh cá Thái đến kéo ra rồi cướp sạch của cải quý giá và bắt đầu hãm hiếp đàn bà con gái trước mặt bao nhiêu đàn ông Việt Nam bất lực đang phải cúi mặt nuốt tủi nhục hờn căm vào lòng.  Ông Ân cắn răng nghiến lợi chịu đựng như vậy cho đến khi một đứa bé gái độ mười tuổi đang sợ hãi giấu kín mặt sau chân cha nó bị một tên Thái Lan với tay kéo giật mạnh ra.  Đứa bé thét lên thảng thốt:

“Ba ơi!  Cứu con với.”

Sự chịu đựng của ông Ân như nước tràn bờ, giờ đây tuôn theo cùng với quả đấm thôi sơn ông giáng lên đầu tên Thái, cùng một lúc tay kia ông kéo dành đứa bé trở lại.  Một tên Thái khác gần đấy thấy thế, trên tay đang cầm cây búa tạ giơ lên định chém tới lên đầu ông Ân.  Ông Thăng đứng gần đó vừa kịp phóng ra thế đá móc của võ Việt Nam vào chân tên Thái này để cứu ông Ân và làm cho tên này té sấp mặt xuống sàn tàu.  Thế là bọn họ 5 người bề hội đồng tấn công ông Thăng nhừ tử.  Ông Ân từ ngoài đánh phụ để phá vòng vây nhưng không hiệu quả.  Đúng lúc bọn cướp Thái này đang say máu giết người bỗng một hồi còi báo động vang lên.  Thế là họ buông tay, bỏ hết, hò hét rút lui thật nhanh xuống tàu rồi mở máy lớn chạy hết tốc lực biến đi trong tích tắc.  Chuyện diễn ra như phim bạo lực chiếu thoáng qua trên màn ảnh.  Mọi người vẫn chưa kịp hoàn hồn.  Ông Ân máu me đầy mình nhưng còn tỉnh táo chạy vội lại bên ông Thăng giờ đây nằm bất động như một xác chết không hồn.  Ông chết điếng trong lòng khi thấy bạn mình đã ngừng thở.  Ông cố lay tỉnh rồi làm hô hấp nhân tạo cho ông Thăng nhưng vẫn chưa một hơi thở nhẹ nhàng nào thoát ra từ cánh mũi đã bị bầm giập.  Ông Ân kêu gào mọi người tìm cách cứu ông Thăng.  Nhưng tất cả đều lắc đầu, buông xuôi, bất lực. 
Trong lúc bấn loạn chưa biết tính sao để cứu bạn thì ông Ân nghe có tiếng reo vui:

“Tàu lớn tới!  Tàu lớn tới!”

Thế là họ lấy áo trắng, khăn trắng, vải buồm, nón mũ, họ quơ quơ, ngoắc ngoắc, khoát tới khoát lui trong gió lớn đang thổi tới.  Có người đã chuẩn bị từ hồi nào một khúc vải trắng dài viết lên hàng chữ S.O.S, rồi hai người cầm hai đầu đứng ra xa và căng thẳng lên.  Có người niệm Phật, kẻ cầu thần, khấn Chúa...  Tất cả đều cầu mong cho có một tia hy vọng sống sót.  Ông Ân - lần đầu tiên - với tất cả lòng thành trong đời, ông cầu xin Trời Phật, đấng Tạo hóa, đấng Tối cao, đấng Thiêng liêng nào đó nếu có hãy cứu lấy bạn ông, hãy cho cơ hội để bạn ông được hồi sinh.  Ông bằng lòng với mọi điều kiện trao đổi đặt ra, dù là vô lý.

Một người, vài người, tiếng kêu không tới đâu.  Nhưng nhiều người đồng một lòng thành khẩn dường như tiếng cầu xin tuy không thấu tới thiên đình cũng đã thấu đến ống viễn kính của chiếc tàu lớn đang nhả khói tiến dần đến con tàu sắp chìm của họ.  Thì ra sở dĩ tàu cướp Thái bỏ đi lẹ làng như vậy vì họ đã được báo động có tàu khác đang đến từ xa.  Đó là chiếc tàu buôn của Mỹ, họ chở hàng đến Thái Lan và đang trên đường vòng ra Thái Bình Dương để hướng tới Philippine. 

Bác sĩ trên tàu đã cố gắng chạy chữa hết sức để cứu ông Thăng.  Nhưng họ cho biết não bộ đã bị chấn động nặng và sự xuất huyết bên trong não đã chảy tràn lan khắp nơi.  Mặc dù họ đã khoan lỗ để lấy bớt máu ra nhưng cũng chỉ có thể làm cho ông Thăng tỉnh trong chốc lát, sau đó sẽ bị hôn mê trở lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì họ không thể cầm máu trong não được.  Ông Ân nghe xong rụng rời chân tay, lòng đau quặn thắt và đập đầu đập cổ tự trách cứ, dằn vặt mình.  Nếu ông Thăng không cứu ông thì đâu có bị chết tức tưởi như vậy.  Nếu ông không nóng nảy, dại dột muốn làm tay anh hùng rơm không đúng nơi đúng lúc thì đâu có gây ra cái chết cho ông Thăng.  Tại sao ông lại nông cạn, ngu muội không cân nhắc hơn thiệt nặng nhẹ trước khi làm?  Tại sao không phải là ông - một tên không vợ không con, có chết đi thiên hạ vẫn không thiếu người - mà lại là ông Thăng, còn một vợ hai con đang trông ngóng tin chồng tin cha?  Giá ông đừng rủ rê ông Thăng đi vượt biên thì giờ ông ấy vẫn còn sống hạnh phúc bên gia đình ấm cúng.  Ông Ân thật muốn chết đi cho rồi trong niềm ăn năn thống hối đang dâng cao như ngọn sóng thần trong biển cả.  Rồi bác sĩ mời ông Ân vào gặp ông Thăng lần cuối theo sự yêu cầu của ông Thăng ngay khi  vừa được làm hồi tỉnh lại.  Ông Ân nhìn bạn thoi thóp chút hơi tàn mà nghẹn ngào, đau đớn.  Ông nắm lấy tay ông Thăng mà nước mắt ràn rụa mặc dù đã cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh.

“Nếu không phải vì tôi thì anh đâu có ra nông nỗi này.”  Ông Ân bật nói trong tiếng nấc.

Ông Thăng lắc đầu, cất tiếng thật yếu ớt;

“Dừng tự trách.  Ai có lương tri cũng sẽ làm như vậy.”

Ông ngừng một lát để lấy thêm hơi rồi tiếp:

“Hãy lo cho Trâm, Bảo, Toàn... giùm tôi... Hứa đi!”
“Tôi hứa!  Tôi hứa!”

Ông Ân vội vàng quả quyết hứa và cảm thấy ngón tay cái của ông Thăng bóp mạnh vào ngón cái của mình mấy cái rồi lỏng dần trong khi miệng ông hơi mỉm cười.  Vẫn trong tư thế này, ông Thăng đi vào giấc ngủ êm đềm muôn thuở và không bao giờ thức dậy.

Thái Bình Dương mưa triền miên, dai dẳng như trút thêm niềm thê lương sầu thảm xuống lòng kẻ vượt thoát vào những ngày lênh đênh trên biển cả trong chiếc tàu lớn.  Họ là những người đã đánh đổi một cái giá quá đắt cho sự tự do.  Những mất mát, hãi hùng họ trải qua giờ đây đã thành một dấu ấn không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm họ.  Cả một đại dương sóng gió không ngừng nghỉ trong nội tâm đang quật ngã ông Ân, đang cuốn ông trôi phăng phăng về cuối miền đớn đau sâu thẳm và vô tận của một kiếp người - của một tên tội phạm với bản án chung thân - bị giam hãm suốt kiếp trong nhà tù lương tâm của chính mình.  

oOo

Đặt chân đến đất Mỹ được mấy hôm ông Ân đi kiếm việc làm ngay.  Ông làm bất cứ việc gì được mướn tuy với đồng lương ít ỏi.  Ban ngày ông đi cắt cỏ, dọn vườn phụ với một người có nhiều mối quen trong vùng, ban đêm ông xin một chân rửa chén trong nhà hàng cho đến khuya lơ khuya lắc.  Cứ như vậy người ông mệt nhừ tử khi vừa về đến nhà và ngủ lịm đi nên không còn đủ sức để mà nhớ, mà đau, mà ăn năn hối hận.

Thời gian sau ông gặp được người bạn xưa có xe truck lớn và đang làm nghề “moving” - tức là giúp việc dọn và dời nhà cho thiên hạ - rủ ông hợp tác.  Tiền bạc kiếm được đủ cho ông chi dùng trong những nhu cầu cần thiết lại có dư chút ít để ông gửi về giúp cô em gái và vợ con ông Thăng.  Thế là ông có cơ hội tính chuyện tương lai lâu dài.  Ông ghi tên học ban đêm vào một trường đại học và quyết chí theo đuổi ngành “computer science”.  Vì cố tâm không ngừng nghỉ nên thời gian sau ông đỗ được bằng kỹ sư và xin vào làm cho một hãng lớn với mức lương tương đối hậu hĩ. 

Vì còn mang gánh nặng canh cánh bên lòng nên ông Ân không dám nghĩ đến việc riêng tư.  Mặc dù vậy, có những lúc đêm khuya thanh vắng, cô đơn vây tỏa, hình ảnh một người con gái vẫn lúc ẩn lúc hiện trong tâm tư ông... Ngày đó, khi ông ra trường đi dạy rồi thì Ngọc Lan cũng sắp xong sư phạm 4 năm môn sinh vật học.  Tuy chưa có lời ước hẹn chánh thức, nhưng họ đã có với nhau biết bao kỷ niệm tuyệt vời.  Đã ngầm hiểu là sẽ cùng nhau chung bóng trong tương lai không xa.  Ngọc Lan, trong dáng mảnh mai, dịu dàng, mái tóc dài xõa xuống bờ vai thon, đầu nghiêng nghiêng mỗi khi suy tư và chứa chất bên trong một tâm hồn thanh cao, giản dị biết bao, đã ngự trị vào tim ông từ lúc nào ông không hay biết.  Mãi đến một hôm, khi ông đến nhà tìm Khoa - anh nàng và là bạn học với ông - mà không gặp, lúc trở ra ông gặp nàng đang đứng ngửa cổ mải mê nhìn tít lên ngọn cây ngọc lan trong sân nhà.  Ông cất tiếng hỏi:

“Em nhìn gì vậy?”

Lúc đó Ngọc Lan mới giật mình quay lại ngó thấy ông rồi trả lời:

“Em đang nhìn hoa ngọc lan.”
“Hết mùa ngọc lan rồi làm gì có hoa mà em tìm kiếm cho mất công?”  Ông vừa nói vừa quan sát khắp cây mà không thấy một bông nào.
“Nếu em nói có thì anh tính sao?” Ngọc Lan hỏi vặn lại.
“Thì anh nói đã có hoa ngọc lan đang ở cạnh anh đây này.”  Ông đùa ghẹo nàng.
“Em bảo thật mà!  Nếu có thì anh thua em và anh phải leo lên hái cho em nha?”
“Ừ, em bảo anh leo lên tới tận áng mây xanh đang lơ lửng trên kia anh cũng làm.”

Và có thật, chót vót trên ngọn cao vời vợi còn sót lại 2 cái bông nở muộn.  Thế là ông phải leo lên tìm đủ cách để hái mang xuống 2 cái hoa cuối cùng này.  Khi xuống đến nơi, không thấy ông cầm gì trong tay, Ngọc Lan nóng lòng hỏi:

“Sao anh không hái hoa cho em?”
“Anh hái rồi và cất nó ngay chỗ trái tim anh đây này.” 

Vừa nói ông vừa vỗ vỗ tay vào phía ngực bên trái của mình.
Ngọc Lan tưởng bị chòng ghẹo nữa nên vùng vằng định bỏ vô nhà.  Ông vội móc trong túi áo trên bên trái ra 2 cái hoa trắng nuốt nuột và thơm ngọt ngào trao cho Ngọc lan.

“Này, không phải anh đang lấy ngọc lan từ nơi tim anh ra cho em đây sao?”

Ngọc Lan đưa tay hứng 2 cái hoa một cách tâng tiu trịnh trọng, đem lên mũi hít một hơi dài rồi nhắm mắt mơ màng tận hưởng mùi hương thơm tho thanh quí đang tỏa thoang thoảng quanh nàng.  Có một cái gì vừa dịu dàng, vừa ấm áp chạy thẳng vào tim ông trong lúc đó.  Ông đứng ngây người nhìn Ngọc Lan.  Ngọc Lan ngước lên thấy ông, nàng rón một chiếc bông bé bỏng nõn nà trao cho ông và bảo:

“Cho anh nè.  Nhớ trân quí nó mãi mãi nghe, vì ngọc lan là em và em là ngọc lan đó.”  Rồi nàng bỏ chạy thật nhanh vào nhà.

Ông xúc động bồi hồi và đứng chôn chân tại chỗ một lúc lâu rồi từ từ đưa hoa lên mũi hít một hơi thật dài.  Hít để tận hưởng, để lưu giữ sự êm ái ngọt ngào này vĩnh viễn trong lòng ông.  Một lát sau ông mới bỏ hoa vào túi áo trên bên trái.  Lần này ông thật sự muốn cất giữ Ngọc Lan vào nơi tận cùng trong tim ông suốt đời.  Và ông đã làm như vậy nhiều năm qua.

Biến cố 75 làm tan tác tất cả những dự tính tương lai còn đang ấp ủ trong tim của hai người.  Gia đình Ngọc Lan không còn ở chỗ cũ.  Ông Ân đi tù cải tạo mút mùa.  Mãi khi mãn tù ra ông dò la thăm hỏi nhiều người mới biết được cả nhà Ngọc Lan đã thoát chạy ra khỏi nước vào cuối tháng Tư rồi.  Cũng may - ông Ân nghĩ - nếu Ngọc Lan còn ở lại thì thật khó xử, thân ông bấp bênh như con thuyền nan trên dòng thác lũ thì làm sao lo cho Ngọc Lan yên ấm, hạnh phúc được chứ?  Lý trí ông nhủ thầm như vậy, nhưng con tim ông thì tê tái, hồn ông buốt giá, héo hon.  Dịp may đến, ông quyết chí đi vượt biên, những mong có thể thoát được địa ngục trần gian và cũng hy vọng tìm lại người yêu cũ.

Dường như mỗi khi có sự may mắn to tát nào đến với ông Ân thì ông đều phải trả một cái giá mất mát đắt gấp bội lần hơn ngay sau đó.  Chuyến đi hãi hùng gian nan trên biển Đông và cả những biến cố kế tiếp khác xảy ra trong cuộc đời ông đã minh xác điều này.  Đến bến bờ tư do rồi, ông được định cư ở miền tây nước Mỹ, tại một tiểu bang ấm áp bên cạnh Thái Bình Dương.  Mải lo bươi chải, vật lộn với đời sống để lo cho gia đình em gái, giúp vợ con ông Thăng và tạo đựng một tương lai vững chắc cho mình ông Ân đã không còn cơ hội đi tìm kiếm Ngọc Lan.  Vả lại, bóng chim tăm cá, đất trời mênh mông, biết đâu mà tìm!  Niềm hy vọng tìm được Ngọc Lan chất ngất lúc mới ra đi giờ thay bằng sự tuyệt vọng não nề.  Mối tình ấp ủ vẫn chưa phai, nhưng ông phải tiếp tục con đường sống với bổn phận, trách nhiệm gánh vác nặng nề trên vai.

Báo đại hung tin cho thân nhân kẻ xấu số là một việc làm khó khăn hơn tất cả cái khó trên đời.  Nhất là báo tin chồng và cha chết cho người vợ góa con côi, mà nguyên nhân gây nên thảm họa lại do chính mình là thủ phạm lại càng khó hơn.  Ông Ân sau nhiều lần gửi quà về cho bà Thăng đều ngần ngừ không nói ra sự thật.  Cuối cùng bà hỏi dồn dập và cầu khẩn ông cho biết tin tức chồng, lúc đó ông đành nói thật một cách đơn giản là ông Thăng bị tai nạn chết do bọn cướp Thái Lan gây ra, xác đã được thả xuống Thái Bình Dương.  Bà Thăng bặt đi không viết thư hỏi han gì thêm nữa.  Ông mường tượng được nỗi đau vô biên của bà vì chính ông cũng đã trải qua những cơn xé lòng đó.  Ông vẫn tiếp tục gửi quà về giúp bà Thăng nhiều năm liên tục và ngược lại bà chỉ gửi lại ông những lá thư ngắn gọn với lời cảm ơn chân thành.  Chỉ có vậy.  Không tin tức gì nhiều hơn.
Cuối cùng, sau khi ra trường và có công ăn việc làm tương đối ổn định, ông Ân quyết định về VN một chuyến, để tìm hiểu mẹ con bà Thăng đang sinh sống như thế nào, để lương tâm ông bớt ray rức.

oOo

Ông Ân không kìm hãm được những bồi hồi xúc động khi vừa đặt chân xuống phi trường.  Trong một thoáng liên tưởng đến dĩ vãng, ông chợt mơ ước ông đang quay về sau một chuyến đi xa, mọi chuyện vẫn bình thường như xưa, không hề thay đổi.  Nhưng tất cả đã đổi thay!  Tim ông se thắt vì thấy mình đang lạc lõng giữa lòng quê hương thân yêu, đang bơ vơ, lẻ loi trên mọi nẻo đường đất nước.  Giờ đây, ông hụt hẫng như vừa rơi xuống một hành tinh xa lạ không cùng ngôn ngữ và nếp sống với mình.  Có còn mối liên hệ chăng chỉ là sự tương quan máu mủ với gia đình cô em và trách nhiệm lương tâm với mẹ con bà Thăng mà thôi.

Ông tìm đến địa chỉ nhà bà Thăng đang ở vào một buổi chiều nóng bức của Sài Gòn tháng Sáu.  Ông ngụp lặn, hụt hơi trong sự ngột ngạt vì bụi bậm, khói xe.  Chen lấn vì dòng người tất bật, bương bải.  Ông hốt hoảng, luôn cảnh giác vì lưu thông dầy đặc, bất trật tự, vô luật lệ.  Sài Gòn xa hoa lộng lẫy với những khách sạn chọc trời kiểu Âu Mỹ.  Sài Gòn tê tái với những người con gái non choẹt, trẻ đẹp vì mưu sinh đã tranh nhau tìm khách trên những góc tối, ngõ hẹp hay bên hông khách sạn.  Sài gòn xót xa với những em bé còn nhỏ dại chạy đôn chạy đáo bán vé số, rao hàng vặt, vật vã ăn xin hoặc bắt mối cho khách ngoại quốc trên những lề đường rộn rịp, ồn ào... Sài gòn đang sống ồ ạt mà không thở.  Đang tưng bừng hoạt động bên ngoài mà bên trong thúi rữa như một thây ma đã quá hạn chưa chôn.

Ngôi nhà bà Thăng là một gian nhỏ hẹp và ọp ẹp nằm lọt thủm vào bên trong giữa hai tòa cao ốc khang trang, sáng sủa.  Sự xập xệ, nghèo nàn càng nổi bật hơn khi nguyên phía trước nhà được phá ra và che bởi những tấm vải bạt màu xám chống đỡ bằng những cây tre nhỏ.  Bên trong vài cái bàn cũ kỹ với những chiếc ghế xếp lỏn chỏn, rải rác.  Khuỷnh sân trước ciment bị nứt nẻ thành nhiều đường tạo thành chỗ cao chỗ thấp gập ghềnh và lênh láng nước rửa chén.  Hơi xú uế từ cống rãnh gần đấy xông lên hòa vào không khí nóng bức tạo thành một mùi hôi thúi đến lợm giọng.  Một đứa bé trai khoảng mười tuổi, đen đúa, gầy còm, ngồi chồm hổm bên đống bụi than đá, đang lui cui nắm từng nhúm than rời trộn với nước rồi vo thành từng viên như quả bàng và phơi thành hàng ngũ ngay bên hông nhà.  Mặt mày nó lem luốt vết than đen, hai bàn tay nhuộm kín bởi than ướt, nhão sệt và dính khắng vào da.  Bên trong một đứa bé khác ốm yếu, độ tám chín tuổi đang ngồi rửa ly tách trong một thau nước lợn cợn, nhớp nhúa với chất xà bong không thành bọt.
Tim ông Thăng như vừa bị một lát dao nhọn đâm sâu vào.  Ông lầm bầm hỏi:

“Con của Thăng đây sao?  Hai đứa nhỏ hồi nào bụ bẫm, mặt mày khôi ngô sáng sủa mà giờ đây lại ra nông nỗi này!”

Ông thẫn thờ.

“Nếu cha chúng còn sống thì...”

Ông nghẹn cổ, rồi đưa đến một quyết định táo bạo ngay trong giây phút mủi lòng mà không cần suy nghĩ, đắn đo: hai đứa trẻ phải ra khỏi nơi này - một nơi đã giết chết tuổi thơ và tương lai của bao trẻ con trên toàn quốc.

Đứa nhỏ ngó thấy ông đang đứng tần ngần, chôn chân tại chỗ mà không lên tiếng, nó vội đến gần vừa lau tay ướt lên vạt áo loang loáng những đốm nước vừa hỏi:

“Thưa... ông uống cà phê gì ạ?”

Ông Ân nhìn nó chăm chú rồi cất tiếng hỏi:

“Cháu là Toàn, còn cháu kia là Bảo phải không?”

Đúa bé ngần ngừ một chút rồi trả lời nhẹ:

“Dạ!”

Từ sau bức mành thưa ngăn cách bàn ghế với bếp nấu có tiếng đàn bà vọng ra:

“Toàn à, hỏi xem khách muốn uống cà phê gì con.”

Thằng bé đưa mắt nhìn ông chờ đợi.

“Cháu vào thưa với mẹ là có chú Ân đến thăm nhé.”

Mấy giây sau người đàn bà tất tả chạy ra, trố mắt nhìn ông Ân trân trân mà không nói lời nào.  Mất mấy phút bà mới lên tiếng:

“Trời ơi!  Anh Ân!  Em nghe tên quen mà không đoán được là ai.  Anh về hồi nào?  Sao không cho em hay trước?”

Ông Ân rụng rời.  Là Trâm đó sao?  Người đàn bà năm nào đi thăm nuôi chồng hãy còn nheo nhẽo.  Tuy bôn ba buôn bán ngược xuôi nhưng dáng vẻ vẫn còn thanh nhã, kiêu xa.  Giờ đây ông Ân đang đứng trước một người đàn bà đầy vẻ lam lũ, cam khổ, chịu đựng.  Tuy trên mặt vẫn còn vài nét đẹp sắc sảo của thuở nào nhưng không đủ che đậy dấu vết tàn phá của thời gian, của đau khổ và gian truân. 

Trâm nhỏ hơn ông Ân hai tuổi, nhưng ông quen miệng gọi bằng “chị Thăng” mỗi khi gặp và ngay cả trong thư gửi về thăm.  Trong phút đầu gặp lại, vừa thương tâm, vừa xúc động, ông Ân phân vân, nửa muốn gọi bằng tên cho thân thiết, gần gũi hơn, nhưng sợ hiểu lầm là sỗ sàng, nửa muốn gọi bằng “chị Thăng”, nhưng sợ khơi lại vết đau buốt nhức trong lòng Trâm.  Cuối cùng ông quyết định gọi “chị” trổng.

“Tôi về hai hôm rồi, nhưng phải lo thu xếp cho gia đình cô em sang Mỹ theo diện HO vì chú em rể mới được ra tù nên hôm nay mới ghé thăm chị.” 

Hàn huyên, thăm hỏi sức khỏe xong ông Ân hỏi sang việc làm ăn, sinh hoạt của mẹ con Trâm, nàng trả lời ngao ngán:

“Dạo này làm ăn khó lắm anh ơi.  Bung ra cái gì là cụt vốn cái ấy.  Không bị công ân bắt phạt thì cũng bị tịch thu hàng, hoặc bị giựt nợ, cạnh tranh.  Lúc đầu em làm cũng tạm được, dần dần rồi tiền bạc thất thoát hết.  Cuối cùng em quyết định bán bớt nửa căn nhà và phần còn lại mẹ con quây quần mở tiệm cà phê sống qua ngày.  Phần quà anh gửi về  em bán đi để dành khi đau yếu thuốc thang, mà em cũng cố ý tom góp được phần nào mong đủ cho cháu lớn đi vượt biển.”
“Đừng!  Vượt biển nguy hiểm lắm chị ạ.”  Ông Thăng vọt miệng chen vào cản.
“Chứ anh nghĩ coi, ở đây, với lý lịch của cháu làm sao tiến thân được.  Vả lại em cũng không đủ tiền cho các cháu học trường tư.  Cứ nghĩ đến tương lai mai này của con cái mà ruột gan thắt thẻo, xót xa.  Vì cùng đường nên em đành nhắm mắt làm liều thôi.”

Ông Ân phân vân, ngẫm nghĩ một lát rồi đề nghị:

“Tôi còn ở đây đến hai tuần.  Hay là chị cứ để tôi thư thả tìm cách khác.  Tôi sẽ trở lại thăm chị và các cháu vào chiều mốt, sau giờ chị đóng cửa tiệm.”

Ông Ân ra về lòng nặng trĩu những băn khoăn, ray rức, những lo âu, toan tính.  Tuy trong phút xúc động vì thấy hai đứa trẻ mồ côi cha phải sống lam lũ, vất vả, ông đã quyết định mang chúng ra khỏi nơi này, nhưng ông không hề có khái niệm trong đầu là sẽ làm thế nào.  Giờ đây ý muốn cho con đi vượt biển của Trâm đã đặt ông vào thế phải tính toán một kế hoạch chu đáo, thành công và lâu dài.  Ý nghĩ dở dang “nếu cha chúng còn sống thì...” trở lại trong đầu, ông định tiếp “...mẹ con chúng đã không phải cơ cực như thế này”.  Nhưng suy cho cùng và trực diện với sự thật, thì nếu ông Thăng còn sống, ông đã bảo lãnh cho vợ con sang Mỹ như nguyện vọng của bao người đàn ông đi vượt biên khác rồi.  Hai đứa nhỏ sẽ sống sung sướng và được cắp sách đến trường đàng hoàng.  Niềm ân hận lại trở về nhiều hơn lúc nào hết.  Không phải tương lai đen tối của họ một phần cũng do lỗi lầm của ông gây ra sao?  Làm thế nào để chuộc lại lầm lỗi này đây?  Ông phải tìm mọi cách an toàn để đem mẹ con họ ra khỏi nơi này hầu bù đắp phần nào mất mát lớn lao cho họ... 

Chỉ còn một cách duy nhất là cưới Trâm!  Quyết định này đến với ông sau mấy đêm không ngủ.  Đàng nào thì cơ hội trùng phùng với Ngọc Lan cũng thật mong manh.  Nhiều năm qua ông vẫn để tâm tìm kiếm, dò la nhưng không một manh mối.  Chuyện cấp bách và khẩn thiết trước mắt không bỏ qua được.  Cảm giác sẽ mất Ngọc Lan vĩnh viễn làm  ông bàng hoàng, đau nhói tâm can.  Đau hơn cả lần phát giác ra gia đình Ngọc Lan đã biến mất sau tháng Tư năm 75 nữa.  Vì lúc đó ông vẫn còn nuôi hy vọng sẽ có một ngày gặp lại.  Giờ đây đời ông sẽ rẽ sang khúc quành mới của một dòng sông và không bao giờ còn chảy qua cây đa cũ bến đò xưa!
Ông Ân gặp hai đứa nhỏ đang ngồi hóng mát trước hàng hiên vào buổi tối khi ông trở lại gặp Trâm như đã hứa.

“Chào chú ạ!”  Hai đứa trẻ cùng lên tiếng lúc thấy ông.
“Hai cháu vào thưa với mẹ là chú Ân dẫn hai anh em đi bộ quanh đây độ 10 phút rồi sẽ trở lại nói chuyện với mẹ sau.”  Ông bảo chúng.
“Mẹ cho phép chúng cháu đi rồi ạ.”  Hai đứa trẻ trở ra lễ phép báo cho ông. 

Ông dẫn chúng đi lăng quăng tìm chỗ để ngồi. 

“Anh Bảo!  Giờ này mà tiệm kem vẫn còn mở cửa kia kìa.”  Bỗng bé Toàn reo lên. 
“Chú cháu mình vào đây ăn kem nhé?”  Ông hỏi chúng.

Toàn đưa mắt nhìn anh nó, chờ đợi trả lời. 

“Dạ”, Bảo đồng ý sau mấy giây đắn đo.

Ông Ân chọn một chiếc bàn vừa khuất vừa xa cách với mấy bàn khác rồi gọi kem cho mọi người và tằng hắng lấy giọng.  Ông cảm thấy khó mở lời vì chuyện này trở thành hơi phức tạp đối với trẻ con và nhất là trong lúc chúng chỉ còn một người thân yêu duy nhất là bà mẹ.

“Các cháu còn nhớ chú không?  Chú là bạn dạy cùng trường với ba cháu.  Lần cuối chú tới nhà hai cháu còn nhỏ xíu.” 

Ông Ân nhớ lại lúc đến nhà ông Thăng để bàn tính chuyện vượt biên và có gặp thoáng hai đứa trẻ.

“Cháu nhớ lúc đó chú còn trẻ lắm.  Chú còn chạy chiếc Vespa trắng nữa.”  Bảo trả lời.
“Cháu nhớ đúng rồi đó.  Cháu có trí nhớ tốt thật.”  Ông khen Bảo. Rồi tiếp:
“Chú có việc này định hỏi ý kiến hai cháu.  Hai cháu cứ thật tình trả lời nhé.  Chú định đưa mẹ con cháu ra nước ngoài.  Hai cháu có muốn đi không?”
“Dạ muốn.”  Cả hai trả lời cùng một lúc không suy nghĩ.

Chẳng lẽ còn quá nhỏ mà chúng đã biết được cuộc sống tối tăm này nếu cứ tiếp tục sẽ là một địa ngục trần gian cho chúng sao?  Ông tự hỏi trong đầu rồi thở dài: hoàn cảnh đã tạo cho chúng có những nhận thức khôn ngoan già trước tuổi. 

“Nhưng vấn đề khó khăn là ở chỗ chú không có bà con họ hàng gì với ba và mẹ cháu cả.  Vì vậy chú không có lý do gì để bảo lãnh cho mẹ con cháu được.”  Ông ngưng nói vì thấy mặt hai đứa trẻ tối lại với sự thất vọng rõ rệt.

Ông nhớ đến sự háo hức của mình khi vừa ra tù: mải miết, hối hả đi về những mong thấy được mặt mẹ già với sự ngạc nhiên bất ngờ và nở nụ cười trên môi.  Nhưng ông không thấy mẹ cười mà lại được tin sét đánh mẹ đã qua đời bao năm qua.  Ông chơi vơi, xiểng niểng, chao giao như chân không còn đụng đất vì sự thất vọng và đau đớn vượt quá mức chịu đựng của ông.  Nhìn sự thất vọng tột cùng của hai đứa trẻ sau khi ông vừa hé mở cho chúng một tia hy vọng mong manh làm cho ông liên tưởng đến sự thất vọng của mình khi xưa và cảm thấy áy náy.

“Tuy nhiên, còn có một cách duy nhất có thể thực hiện được nếu hai cháu cùng đồng ý.”
“Cách gì vậy chú?”  Hai đứa trẻ tò mò hỏi.
“Là hai cháu đồng ý cho chú làm đám cưới với mẹ cháu.”
“Còn mẹ thì sao?”  Bảo hỏi một cách chậm rãi, hiểu biết chuyện.
“Khi nào hai cháu đồng ý rồi chú mới đem chuyện này bàn tính với mẹ cháu.  Còn nếu hai cháu phản đối thì mình bỏ qua, cứ coi như chuyện nói đùa thôi nhé.”  Ông Ân dặn dò.
“Cháu đồng ý nếu mẹ cũng đồng ý.”  Bảo trả lời một cách cẩn thận.
“Còn Toàn thì sao?  Cho chú biết ý kiến đi?”
“Cháu cũng theo mẹ với anh Bảo.”

Chuyện khó khăn nhất đã làm xong.  Ông Ân vội dẫn hai đứa trẻ trở về để nói chuyện với Trâm.  Lúc đầu Trâm ngạc nhiên sửng sốt, thốt không nên lời khi nghe ông đề nghị muốn cưới nàng và đưa mẹ con nàng ra khỏi nơi đây.  Ông vội vã phân trần:

“Tôi không có ý gì khác. Chỉ vì tôi không có liên hệ bà con gì với chị để có thể bảo lãnh cho mẹ con chị sang Mỹ.  Mong chị đừng hiểu lầm là tôi lợi dụng tình thế khó khăn của chị và hai cháu.  Thật tình tôi chỉ muốn làm một việc thay thế giùm anh Thăng thôi vì thấy chị và hai cháu quá cơ cực, vất vả mà cuộc sống lại không có ngày mai.”
“Không.  Em không có ý đó.  Chỉ là em mẹ góa con côi, lại già nua.  Anh thì thanh niên còn độc thân.  Thật không tương xứng.  Nhưng nghĩ lại, nếu mượn đám cưới làm chiếc cầu tạm, khi ra nước ngoài rồi em chỉ sợ một mình không nơi mương tựa, không đủ sức lo cho hai con nhỏ.  Lúc đó không thân bằng quyến thuộc thật không biết trông cậy vào ai.”  Trâm lo lắng.
“Tôi sẽ bảo bọc mẹ con Trâm nếu như Trâm chấp nhận một cuộc sống gắn bó.  Còn không đồng ý thì tôi sẽ lo cho mẹ con Trâm đến khi tự đứng vững rồi, lúc đó Trâm sẽ hoàn toàn tự do sống theo ý mình.”  Ông Ân đoan quyết. 

Và trong lúc trả lời hấp tấp, vội vã, tự dưng ông đổi cách xưng hô và gọi tên Trâm lúc nào không hay.  Có lẽ xưng hô như vậy cũng làm Trâm bớt ngại ngùng vì cách biệt nên nàng mạnh dạn đáp lại:

“Em chỉ e ngại phần thiệt thòi về phía anh sẽ rất lớn”, rồi cười nói tiếp, “sang bên đó em chỉ sợ anh tống em ra sớm cho rảnh nợ.”
“Nếu tính sổ thì tôi là người thiếu nợ mẹ con Trâm đó.”  Ông Ân vọt miệng nói ra cái điều mãi dày vò trong lòng.

Trâm ngơ ngác mấy giây rồi cười xòa:

“Anh khéo đùa.  Nhưng cũng đúng.  Vì nếu không mắc nợ thì chẳng ai lại lao đầu vào cưu mang một gánh nặng không có ngày thoát ra này.  Chắc nợ từ kiếp trước đó.”
“Ừ, thì nợ kiếp nào cũng là nợ.  Miễn có cơ hội để trả là mừng rồi.”  Câu này ông Ân tự nói với chính mình.  Nhưng Trâm lại hiểu khác.
“Em cám ơn anh vô vàn.  Ơn nghĩa này em không biết bao giờ đền đáp được.  Nhưng anh cho em vài hôm để suy nghĩ cho chính.  Bây giờ trong lòng em vừa quá mừng vì mẹ con em có được một vị cứu tinh vĩ đại, vừa hoang mang lo lắng cho ngày mai.  Ba hôm nữa anh trở lại nhé.”
“Được.  Ba hôm sau anh sẽ trở lại.” 

Lần này ông Ân đã cố ý thay đổi cách xưng hô - mà theo ông - cho hợp tình thế, cho bớt đột ngột, ngỡ ngàng, nhạt nhẽo và xa cách.

oOo

Thủ tục giấy tờ bảo lãnh qua lại liên tục và năm sau thì mẹ con Trâm sang định cư tại Mỹ với danh nghĩa đoàn tụ gia đình.  Ông Ân vẫn giữ đúng lời hứa và đã đóng vai người chồng, người cha gương mẫu sau khi Trâm chấp nhận cuộc sống kết nghĩa tào khang với ông.  Bà luôn làm tròn bổn phận một người vợ đảm đang, tháo vát.  Hai đứa trẻ ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và luôn hiếu đễ, quý mến ông Ân.  Chúng tự ý đổi cách xưng hô và gọi ông bằng “Ba”.  Họ đã cùng nhau cố gắng tạo dựng, xây đắp và bảo vệ một mái gia đình đúng nghĩa.

Bao năm qua ông Ân nỗ lực chăm lo cho hai đứa trẻ một cách chu đáo và thành quả chúng gặt hái được đã làm những ray rức, hối hận trong lòng ông vơi dần.  Riêng với bà, dù nghề nghiệp ông có thể bảo đảm cho bà một cuộc sống thoải mái, thong thả hơn, nhưng lúc nào ông cũng thấy bà cứ tất bật, bận rộn một cách bất an, bất ổn.  Lúc đầu ông nghĩ có lẽ vì bà đã quen nếp sống một mình phải đối phó, đương đầu với bao khó khăn, nghịch cảnh trước kia nên giờ đây lúc nào cũng phải lo thủ, đề phòng.  Vì thế ông càng tìm cách để bù đắp, trấn an cho bà.  Nhưng hình như ông càng lo lắng, quan tâm đến bà thì bà lại càng co rút, e dè và băn khoăn hơn.  Rồi như để tránh né bớt sự chú ý của ông, bà đã cố tạo ra khoảng cách giữa hai người và luôn giữ cho mình thật bận rộn, vất vả với bao công việc suốt ngày.  Tuy vậy lúc nào bà cũng để tâm lo lắng, săn sóc cho ông thật chi li, đầy đủ.  Ông nghĩ bà cần thời gian dài để vơi đi tâm tình cũ và quên dần nếp sống xưa.  Vì vậy ông chỉ lẳng lặng, kín đáo quan sát và âm thầm săn sóc bà thôi.  Cái điểm chung họ tránh né là “quá khứ”.  Mỗi người chôn chặt quá khứ vào tận cõi lòng riêng, không ai nhắc với ai.  Họ sống êm đềm bên nhau cho một hiện tại cần thiết để cùng nhắm hướng tương lai.  Họ như đôi bờ sông của một dòng đời chất chứa, chuyên chở ấp lẫm bao nỗi niềm khôn nguôi.  Đôi bờ sông tuy chảy chung một dòng tuôn về mút tận cuối nguồn xa mà không bao giờ gặp nhau.

Cuộc hôn nhân do hoàn cảnh thúc bách tạo nên làm cho cả hai người cùng cảm thấy ái ngại, áy náy cho nhau.  Rồi tự nhủ mình nên có bổn phận và trách nhiệm để đền bù cho người kia nhiều hơn.  Nhưng cả hai cùng muốn giấu giếm nhau điều này.  Với ông Ân, ông coi như mình đang làm một việc đền bù cho mẹ con bà để chuộc tội đã gây nên cái chết cho bạn.  Với bà, ông biết bà cố gắng làm mọi điều để đền đáp ơn cao nghĩa nặng cho người đã cưu mang mẹ con bà lâu nay như bà thường nhắc nhở.  Thế nên họ cư xử với nhau càng lúc càng trở nên khéo léo, tế nhị, cẩn trọng và tương kính lẫn nhau như đôi bạn.  Cả hai luôn cố gắng tránh né làm tổn thương nhau do sự quá nhạy bén, mẫn cảm của mỗi người.  Thậm chí như có lần ông bắt gặp bà đang đứng làm bánh sinh nhật cho thằng con trai út bỗng bà ngừng tay, thẫn thờ một lúc lâu như mất hồn.  Ông định tra vấn bà việc gì, nhưng chợt nghĩ có thể bà đang nhớ chuyện xưa mà buồn nên ông ngại hỏi và chỉ đứng im lặng quan sát bà.  Đúng lúc bà ngước lên bắt gặp ánh mắt dò hỏi của ông, bà chép miệng:

“Giá mình có một đứa con nhỏ nữa anh hở.”

Thì ra là vậy!  Điều này ông cũng đã ao ước nhiều năm và tự hỏi rồi tự trả lời:  Nếu có một đứa con chung có lẽ tình cảm vợ chồng của họ sẽ gần gũi và đậm đà hơn.  Nhưng bà đã có với ông Thăng hai đứa con trai, như vậy là tại ông không thể có con được.  Hay là ông bị trừng phạt tuyệt tông, tuyệt giống vì tội lỗi của mình đã gây ra?  Dẫu sao thì ông cũng không muốn bà bận tâm nên lấp liếm:

“Ối dào, nay mai mình có cháu nội rồi tha hồ mà bận rộn, sợ bà không đủ sức lo cho cháu nữa, cần gì con nhỏ chứ.”

Thế nhưng ông cũng thầm ước như bà: “Giá mình có một đứa con!”  Và canh cánh bên lòng sự hối tiếc đã không làm cho bà mãn nguyện...
… Mãi đến cái hôm bà hấp hối trên giường bịnh.

Bà Ân bị chứng bịnh nan y không thuốc chữa và nằm chờ tử thần đến rước đi.  Ông Ân và hai đứa con đã thay phiên túc trực bên giường bà mấy ngày qua.  Hình như những bất hạnh luôn rình rập, chầu chực sẵn để chờ cơ hội là nhào tới và đổ ụp lên đầu bà - người đã mang số kiếp hồng nhan bạc phận.  Nhìn bà nằm thoi thóp, hơi thở lúc dài lúc ngắn, lúc tỉnh lúc mê vì liều thuốc giảm đau quá lượng làm cho ông thật xót xa, thương cảm.  Ông kiểm điểm bao năm tháng qua và thấy những cố gắng của mình để bù đắp hạnh phúc cho bà chỉ như muối bỏ bể so với niềm đau cuối đời mà bà phải gánh chịu.
Nghe tiếng bà ú ớ, ông đứng bật dậy nắm tay bà hỏi khẽ:

“Bà thấy thế nào?”

Bà mở mắt yếu ớt, lờ đờ nhìn ông và hỏi:

“Thằng Bảo và Toàn đâu?”
“Dạ, tụi con đây mẹ.  Mẹ muốn dặn dò điều gì hở?”  Bảo và Toàn nhào tới đứng ngay tầm mắt mẹ và lẹ làng trả lời.
“Các con!  Mẹ không thể tiếp tục săn sóc cho ba.  Các con phải thay mẹ lo lắng cho ba nhé.”
“Dạ, tụi con nhớ.”  Chúng hứa với bà.
“Các con ra ngoài một lát.  Mẹ muốn nói chuyện riêng với ba.”
“Tôi đây.  Thôi đừng nói nhiều nữa bà ạ.  Bà mệt rồi đấy.  Hãy ngủ thêm chút nữa đi, có gì cứ để đến mai hãy nói nhé.”  Ông khuyên bà trong lúc hai con trai bỏ ra ngoài.
“Không được.  Em không còn đủ thì giờ.”  Bà hổn hển trả lời.
“Thôi được.  Nhưng bà nói in ít đấy.  Tất cả sẽ được giải quyết theo ý bà sau khi bà khỏe lại”. 
“Anh tha lỗi cho em nhé.  Lâu nay có chuyện này em cứ muốn nói thật với anh nhưng sợ anh biết rồi anh lại bỏ mẹ con em.”
“Suỵt!  Không bao giờ tôi bỏ mẹ con bà dù có chuyện gì xảy ra.”  Ông trấn an bà.
“Anh còn nhớ khi anh hỏi cưới em không?  Em xin anh cho em ba hôm để trả lời.”
“Có.  Tôi có nhớ.  Nhưng sau cùng bà cũng đã bằng lòng mà.”
“Phải.  Sở dĩ em xin anh ba hôm là vì em bị dằn co giữa lương tâm và lợi ích tương lai của con mình.  Ngày anh Thăng đi tù, em biết mình có mang đứa thứ ba.  Nhưng vì quá cực nhọc, vất vả nên em bị sảo thai, băng huyết.  Bác sĩ khám và nói em bị nhiễm độc tử cung lâu ngày nên nếu có chửa khỏi cũng không thể nào có con thêm được nữa.  Lúc đó em không thấy quan trọng, vì em đã có hai con trai với anh Thăng, đồng thời thêm con trong lúc này chỉ làm cuộc sống kinh tế càng khó khăn hơn.  Đến khi anh đề nghị cưới em và mang mẹ con em ra nước ngoài thì việc “không thể có con thêm” đã là mối lo ngại đáng kể cho em.  Vì anh còn trẻ.  Vả lại ai cũng muốn có con cái để nối dõi.  Sau khi đắn đo cân nhắc, cuối cùng em chọn lợi ích trước mắt là phải đem các con ra khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt, nên em đã cố ý giấu giếm anh điều quan trọng trên.  Lâu nay em vô cùng ăn năn, hối hận về sự lừa dối này, nó luôn ám ảnh, dày vò và đè nặng lên lương tâm em.  Nhưng em ích kỷ quá!  Em tham lam quá!  Đã bao lần em định thú thật với anh.  Nhưng em không muốn mái ấm gia đình duy nhất mà em và các con đang có bị tan vỡ, biến mất, nên em cứ im lặng.  Xin anh tha thứ cho em.”

Lâu nay ông vẫn biết bà còn nặng tình với ông Thăng, vẫn hiểu mang máng là bà luôn cưu mang ẩn khúc trong lòng.  Nhưng cái điều bà “không thể có con thêm” thì chưa hề thoáng qua trong đầu ông, dù là một giả thuyết.  Và dĩ nhiên ông bị choáng váng, sững sờ trong mấy giây.  Ông đau chứ.  Cái đau của một tên đàn ông bình thường nhưng không làm đủ bổn phận duy trì nòi giống cho dòng tộc, tổ tông.  Nhưng ông là ai đây mà có quyền oán trách người đàn bà đang trong cơn hấp hối này đã tước đoạt thiên chức làm cha của ông chứ?  Trong khi chính ông, cũng đang giấu giếm bà cái tội ông đã gián tiếp làm mất đi chồng bà, bố của các con bà?  Sự mất mát này làm sao ông bù đắp cho đủ?  Phải chăng đây là sự an bài của trời đất để lấy lại công đạo cho ông Thăng?  Mạng đổi mạng?  Để ông Ân trả món nợ đã vay lâu nay?  Có vay phải có trả.  Đó là lý lẽ muôn thuở trong kiếp luân hồi.

Ông hít thở một hơi thật dài, rồi lấy hết chí khí, can đảm của một người đàn ông vẫn còn chút liêm sỉ để đáp lời cầu xin tha thứ của bà và của chính mình:

“Bà không có lỗi gì cả.  Lâu nay tôi đã coi Bảo và Toàn như con đẻ của mình rồi. Ngược lại chúng cũng xem tôi như cha ruột.  Nên vấn đề có con nữa hay không cũng không còn quan trọng.  Cám ơn bà đã bảo vệ và gìn giữ hạnh phúc gia đình bao năm qua.  Nếu phải đi thì Bà hãy đi trong thanh thản và mang theo niềm vui trọn vẹn này để gặp Thăng nhé.  Tôi cũng xin bà và Thăng hãy tha thứ cho tôi đã mang những bất hạnh đến cho gia đình hai người.”
“Anh!  Anh!  Cám ơn anh.  Xin anh thương em cho trót.  Xin anh thiêu xác em và thả tro xuống biển Thái...”  Bà Ân ráng lắm, nhưng không đủ sức nói hết câu.
“Tôi hứa!  Tôi hứa!”  Ông Ân vội vã lập lại nguyên văn hai chữ mà ông đã hứa với ông Thăng gần 20 năm trước. 

Ông cảm thấy tay bà nhúc nhích trong tay ông.  Rồi bà dồn hết hơi tàn để cố xoay chuyển bàn tay ra và nắm siết tay ông thật chặt.  Sau bao nhiêu năm chung sống, đây là lần đầu tiên họ cảm thấy thật gần gũi, thật thông hiểu nhau mà không cần thêm lời.  Phải chăng chỉ vào giây phút sắp xa lìa vĩnh viễn mới chính là lúc người ta cảm nhận được sự gần gũi, chia sẻ và cảm thông tột cùng?

Đêm đã khuya.  Mưa ào ạt bên ngoài.  Mưa tháng mười hai ở Cali làm lở núi, sụp nhà.  Mưa tuôn như thác lũ.  Mưa đang cuốn trôi theo bao nỗi gian truân, đang xóa bỏ mọi hệ lụy trong cuộc đời sóng gió của người đàn bà chẳng may sinh nhầm thế kỷ và lạc bước vào cung định mệnh đen tối của ông Ân.  Bà Ân trút hơi thở cuối cùng vào đêm đó.  Giờ đây bà đã không còn là bà Ân nữa mà trở lại là bà Thăng như bà hằng mong ước.  Nắm tro tàn của bà đã được ông Ân thả xuống biển khơi Thái Bình Dương để cùng đoàn tụ với người chồng duy nhất trong cõi lòng sâu kín của bà lâu nay.
Ông Ân cũng vừa hoàn tất xong hai lời hứa quan trọng trong đời.

oOo

Tiếng kể đều đều, giọng trầm trầm như chất chứa, cam tâm, chịu đựng.  Người đàn bà đối diện đang chăm chú lắng nghe.  Tuy đã ngoài bốn mười, nhưng trông bà hãy còn son sẻ, tươi tắn và gọn gàng với những nét thon thả, dịu dàng, điềm đạm như mới ba mươi.  Bà ngồi bất động.  Thậm chí không buồn đưa khăn lau hai hàng nước mắt cứ tiếp tục lăn dài trên gò má xinh xắn.  Đó là Ngọc Lan khi xưa.  Và cũng là cô giáo Lan bây giờ.  Người kể chuyện là ông Ân. 

“Chuyện đời anh là thế đó.  Anh có lỗi với em vô vàn vì đã không cố tâm tìm kiếm và chờ đợi em.  Vì anh đã mang nợ với anh Thăng và vợ con anh ấy nên phải dứt tình riêng mà đền nợ.” 

Ông tiếp tục đi vào đoạn kết của dòng sông nghiệp chướng đã cuốn hút cuộc đời ông trôi theo bấy lâu nay.

“Em hiểu anh lắm. Nhưng em không đồng ý với anh vì anh đã tự nguyện gánh vác hết trách nhiệm về cái chết của anh Thăng. Chính anh Thăng cũng đã lựa chọn, tự quyết định và chủ động hành vi của mình bởi lương tri soi sáng. Cả anh và anh ấy đã không hành động vì sự bốc đồng hoặc quá khích bất ngờ mà vì lương tâm và nhân tính.”
“Cám ơn em đã biện hộ cho anh.  Nhưng anh vẫn không tha thứ cho mình được.”
“Đây không phải là biện hộ.  Mà vì em ở ngoài cuộc nên nhìn thấu suốt hơn anh.  Nếu anh không cứu bé gái đó thì ông Thăng cũng sẽ làm như vậy.  Và lúc đó anh sẽ hoán chuyển vào vị trí của ông ấy thôi.  Còn như cứ truy về tận gốc tận nguồn cơ nguyên thì anh vẫn chưa phải là nguyên nhân gốc hay đầu tiên.  Này nhé, ta hãy bắt đầu đặt giả thuyết bằng chữ “nếu” nhé.  Nếu anh không cứu bé gái đó thì ông Thăng sẽ không vào cứu anh và không bị trả thù chết oan uổng.  Cứ cho là đúng đi.  Nhưng nếu bọn cướp Thái không cướp của, hãm hiếp đàn bà trẻ con thì anh đâu có nổi cơn bất bình mà ra tay cứu giúp chứ?  Và rồi... nếu không phải là vì người Việt mình vượt thoát đi tìm tự do qua ngả đại dương sóng gió đó thì làm gì gặp phải bọn cướp Thái dã man đó hở anh?   Bây giờ mình lại đụng nhằm chữ “nếu” to tướng là... nếu không có việc mất miền Nam vào năm 75 thì dân ta đã không bị mất tự do, đói khổ, tù đày để phải tìm đường nguy hiểm mà lao vào... Nếu...“
“Thôi anh xin em.  Tóm lại - theo em - mình chỉ là hạt bụi bám trên bánh xe thời cuộc nghiệt ngã và quay mòng mòng theo nó dù mình không muốn.”
“Phải.  Có rất nhiều việc nằm ngoài tầm tay của mình anh ạ.  Mình chỉ có thể cố gắng hết sức để duy trì lương tâm và lòng nhân ái trong cuộc sống hàng ngày, còn lại thì giao phó cho một đấng quyền lực vô hình trên cao.  Như thế mình sẽ tự cởi trói cho chính mình để có thể có một đời sống thanh thản, một tâm hồn an bình hơn.  Đấy, anh cứ xem như chuyện chúng mình gặp lại nhau đấy.  Hoàn toàn nằm ngoài dự đoán và toan tính, có phải không anh?”

Chuyện họ gặp lại nhau quả thật hy hữu nếu không nói là quả đất quá tròn.  Ngọc Lan là cô giáo dạy trung học và mới đổi về ngôi trường gần nhà ông Ân.  Trong lúc đi lang thang trong khu chợ Á Đông, bất ngờ cô gặp lại Thủy, cô em gái của ông Ân.  Họ đã quen biết nhau từ lúc ông Ân mang cô về giới thiệu với gia đình.  Sau khi hàn huyên thăm hỏi cả buổi trời Ngọc Lan mới rõ phần nào ngọn ngành gia cảnh của ông Ân.  Thủy lại biết Ngọc Lan đang cố ý tìm mướn nhà gần nơi trường dạy nên vội vàng gọi Bảo đến để bàn tính.  Sau khi biết được mối tình dang dở của họ Bảo hết sức cảm động.  Rồi bàn riêng với cô là muốn âm thầm tạo cơ hội để hai người có thể nối kết lại tình xưa hầu trả phần nào cái ơn ông Ân đã cưu mang mẹ con mình.  Thế là hai cô cháu nhỏ to sắp xếp với nhau cho Ngọc Lan đến trọ căn rời đang để trống.  Ngọc Lan không hề biết âm mưu của họ nên nhiều lần hỏi thăm và tỏ ý muốn liên lạc với ông Ân đều bị Thủy hứa hẹn khất lần và viện cớ chưa phải lúc thuận tiện cho ông Ân.  Ngọc Lan càng thêm hoang mang, lo lắng, không biết tình trạng thật của ông Ân như thế nào.  Cho mãi đến hôm bất chợt gặp người đàn ông đến đứng sát hàng rào sao giống ông Ân như đúc, Ngọc Lan bị choáng váng và trong lúc đột ngột xúc động quá độ cô đã vội bỏ chạy vào trong nhà.  Nhưng được một lúc sau khi lấy lại bình tĩnh rồi thì những thắc mắc, nửa nghi nửa ngờ thôi thúc nên nàng lại đi trở ra, lần này định bụng sẽ tìm hiểu thiệt hư thế nào.  Đúng lúc đó thì Ngọc Lan bắt gặp ông Ân đang bị lên cơn đau tim và ngồi gục rũ người ra trên băng ghế đá dưới cội hoa ngọc lan.  Nàng gọi xe cấp cứu.  Rồi ông Ân được chữa trị, nghỉ ngơi và tịnh dưỡng.  Giờ thì ông đang kể lại quãng đời dĩ vãng đầy đắng cay của mình cho Ngọc Lan nghe.  Niềm tâm sự chôn kín trong lòng ông bao năm qua, giờ đây, như một dòng sông chất chứa ấp lẫm những ưu uất đang tuôn trào ra khỏi con đê cao ngăn chận kiên cố.  Những dây nhợ chằng chịt cột chặt tim ông lâu nay dường như vừa được tháo gỡ một cách nhẹ nhàng bởi sự thanh cao, lòng chân thành và vị tha của Ngọc Lan. 

Định mệnh không còn quá khắt khe với ông mà đã cho ông gặp lại người con gái ông yêu thương thuở nào.  Ngọc lan vẫn một lòng chờ đợi và muốn cùng ông dắt tay nhau đi cho đến cuối đời.

“Anh đã trả nợ người khác xong rồi.  Bây giờ đến lúc anh phải trả nợ cho em. Anh còn thiếu em nhiều thật nhiều.  Và em nhất quyết đòi cho đủ.”  Ngọc Lan nói với ông, vẫn giọng êm ái đầy tin tưởng và nhiệt tình như xưa.

Thì ra chữ “duyên” thường đi kèm theo chữ “nợ”.  Duyên nợ.  Nợ duyên.  Vừa là sợi dây oan nghiệt đã cột chặt ông vào chữ “nghiệp” lâu nay, vừa là giềng mối dẫn ông Ân đến hai chữ “hạnh phúc” sau cùng.  Dù đến rất muộn!

Cỏ Hoang
San Jose, July 30, 2012

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012