SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

GIẢI  ĐẢO  HUYỀN & XÁ TỘI  VONG  NHÂN

Ông tên Năm nhưng vì sao người ta gọi ông là Năm bóng đèn thì tôi không rõ, khi cư xá bị giải tỏa giao về cho bên Nha cải huấn cũng là lúc gia đình ông dọn về ngụ cạnh nhà tôi. Dãy nhà khi trước cả chục gia đình trú ngụ giờ vẻn vẹn còn lại hai nhà, một của ba má tôi và một của ông.

Đám con nít bạn bè tôi lúc trước đã theo cha mẹ dọn đi mất hết, chẳng còn bạn cũ nên tôi buồn thiu. Một bữa đang ngồi trước nhà nhìn mấy đứa con ông Năm chơi đùa vui quá tôi lân la đến gần, mấy đứa hát những bài hát rất lạ tai khiến tôi nghe không nhịn được cười, tụi nó hát như vầy :

- "Con cua nó nằm trong hang, nó đưa tám cẳng hai càng, nó đưa cái bùng binh. Con gái nhà quê, nó thấy nó ham quá chừng, quá chừng …"

Tôi bắt chước tụi nó vỗ tay vang rân sau mỗi bài hát, vậy là quen nhau.
Ông Năm có rất nhiều con, ngoài ba đứa con nhỏ nhất theo thứ tự là con Còn, thằng Nữa và con Hết hay chơi với tôi, ông còn mấy người con trai lớn nghe nói đã đi lính hay quân dịch chi đó nên ít khi có ở nhà. Chị em nhỏ Còn bày nhiều trò chơi rất lạ từ trước đến giờ tôi chưa thấy. Thằng Nữa bảo tôi :

- Ê, Kim Xuân mày có cái lon sữa bò không, để tao làm cho mày cái " ống tà la "
- " Ống tà la " là cái gì ?
- Mày dốt quá, là cái mà ca sĩ người ta hay đứng chõ miệng vô để hát cho lớn đó.

Nguyên buổi sáng nó và tôi hì hục làm " ống tà la ". Viễn ảnh được làm ca sĩ làm tôi bạo gan vô lục thùng đồ nghề của ba ăn cắp cây đinh, mượn cây búa mang ra cho nó. Chạy vô nhà tôi hối bà Ba người làm cho nhà tôi :

- Bà Ba ơi khuấy sửa cho con với em cu Teo con uống đi, khuấy hết hộp rồi cho con cái lon không nha bà.

Bà cằn nhằn :

- Con nhỏ này bữa nay mắc chứng gì đòi uống sửa vậy kìa. Mọi khi năn nỉ mày cũng không chịu uống mà.

Cũng may lon sửa còn rất ít nên tôi lấy được cái lon không. Thằng Nữa lật dưới đáy lon đục thủng lỗ chỗ. Phần khó nhất là đục gần miệng lon để gắn cây vào làm thân " ống tà la " chỉ thiếu chút xíu là thằng Nữa nện cái búa vô tay tôi. Nhìn tác phẩm hai đứa làm tôi hỏi thằng Nữa :

- Sao tao dòm thấy nó giống cái gáo múc nước quá.
- Xì, giống đâu mà giống.

Nói xong nó bê cục gạch ống dựng đứng, cắm " ống tà la " vào rồi phủi hai tay với nhau, vậy là chúng tôi đã sẵn sàng cho buổi hát chiều nay.

Hai chị em con Còn, Hết và tôi xúng xính trong chiếc áo dài làm bằng hai cái khăn lông cột lại lần lượt bước lên bộ ván nhỏ trước hiên nhà đứng sau cái " ống tà la " hát hò cho đến khi được gọi vào ăn cơm.

Nguyên cả mùa hè tôi hào hứng theo chị em nhỏ Còn chơi nhiều trò thật vui. Tụi nó kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm trước kia khi chúng còn cư ngụ trong cư xá trại Tế Bần bằng giọng nuối tiếc. Ở đó có chị Thi, chị Lan cầm đầu đám con nít chơi trò nấu cơm và nấu bằng gạo thật hẳn hoi trong những chiếc nồi đất nhỏ xíu xiu.Hái lá mồng tơi, lá tóc tiên, rau dền cơm dọc theo hàng rào nấu canh tập tàng. Có những buổi chiều kê mấy hàng ghế dài sát bức tường trại làm sân khấu, nơi đó sẵn hai ngọn đèn pha chiếu sáng khi màn đêm buông xuống, chị Thi dạy đám con nít múa bài hát :

-- " Nhớ nước non xứ Lèo …. Ngồi dệt xà rông à gánh nước đi vô làng... " Đám con nít lấy khăn lông quấn ngang bụng làm xà rông. Một tay để vòng trên vai giả làm đòn gánh, tay kia đánh đòng xa vừa đi vừa nhún nhẩy theo lời ca. Mấy anh thanh niên bị nhốt bên trong khu vực trại ùa ra đứng dài theo bức tường có chấn song xem hát và vỗ tay cổ võ.

Không biết chị Thi và anh Phong để ý nhau hồi nào, có mấy đứa lén đưa thư chị Thi cho anh Phong khi anh được lính canh trại giáo hóa dẫn đi làm cỏ bên vườn ươm cây. Không hiểu sao chuyện đến tai người lớn, Anh Phong bị ông xếp bót bắt đứng giăng hai tay đánh bằng roi da về tội là một tên du đãng mà dám yêu chị Thi đứa con gái rượu mới mười sáu tuổi của ông. Chị Thi khóc và tâm sự với bầy con nít trong cư xá rằng vì ba chị đánh anh Phong nên chị càng yêu anh Phong hơn. Trong mắt mấy đứa con gái thấy tội nghiệp cho chị Thi và Anh Phong. Đám con trai thì thích vẻ đẹp trai, anh hùng cao bồi lãng tử của anh Phong giống Zoro trong phim khi gồng mình chịu đòn. Ngày anh Phong được tha khỏi trại tế bần cũng là đám con nít rủ nhau canh chừng ông xếp bót để chị Thi đi gặp anh Phong dưới gốc ô môi bên vườn ươm cây. Lúc chị Lan và chị Thi trở về nghe nói anh Phong đi đăng lính nhảy dù vì đã đủ mười tám tuổi, cái nắm tay đầu tiên và cũng là cuối cùng anh nói giã từ chị Thi làm chị khóc hết nước mắt.

oOo

Trời sẩm tối nhà nhà đã lên đèn, có tiếng gọi ơi ới trước cửa :

- Kim Xuân ơi đi qua chùa lạy sám hối.

Mới ăn cơm xong tôi chỉ kịp uống miếng nước rồi chạy theo gia đình chị em Còn qua chùa. Khi cư xá giải tỏa hẳn, giao về cho bên Giám sát viện cả hai gia đình cuối cùng còn lại phải trả nhà. Ông Năm rủ ba tôi về khu ngoại ô xin đất chùa cất nhà vì ông vốn là đệ tử của sư ông, sau khi cúng một số tiền công đức cho chùa gia đình tôi gia nhập vào xóm nhà trên đất chùa, tiếp tục làm láng giềng với nhà ông Năm vì hai căn nhà sát cạnh nhau.

Mấy chị em Còn, Nữa, Hết tụi nó có vẻ quen thuộc chuyện qua chùa lạy Phật hơn tôi. Thằng Nữa được thằng Tiền cháu sư ông cho ngồi bên hông chánh điện dộng chuông trong khi nó lãnh phần gõ mõ. Thấy tôi thằng Nữa toét miệng cười hỏi :

- Mầy có muốn dộng chuông hông ? tao dạy cho.

Tôi gật đầu :

- Ừa, cho tao làm thử.

Thằng Nữa đưa tôi cây dùi một đầu bịt vải và chỉ dẫn :

- Mày dộng một cái thiệt mạnh vô chỗ gồ lên như vầy nè, đợi cho tiếng chuông hết ngân mới dộng tiếp cái nữa nghe.

Tiếng chuông ngân nghe khoan thai êm đềm làm sao, đứng bên cạnh không nghe chói tai chút nào. Trong mắt đứa bé tám, chin tuổi như tôi cái chuông to quá xá, tôi có thể chui tọt ngồi hẳn trong lòng vẫn còn rộng chỗ. Chuông đúc bằng đồng xỉn màu đen treo lửng lơ trên giá gỗ sơn đỏ cao gấp đôi tôi, chung quanh mép chuông chạm nổi nhiều nét, gồ lên những chấm tròn phẳng bằng miệng chén.

Ngồi dộng chuông tôi chợt nhớ mình có đọc cuốn truyện kể về cái chuông khổng lồ của nhà sư Không Lộ hôm đầu ngày hè. Nhân vật trong truyện là một nhà sư, vị này là danh y của nước Nam, nhiều lần được mời vào cung chữa bệnh cho hoàng gia, tài chữa bệnh vang dội đến nước Tàu nên được mời sang chữa bệnh cho vua bên ấy, khi lành bệnh để đền ơn vua Tàu ra lệnh mang vàng bạc ban thưởng cho nhà sư nhưng ngài không nhận, chỉ xin một ít đồng đen bỏ đầy cái tay nải màu nâu mang trên vai. Lạ thay bao nhiêu đồng đen trong kho mang đến vẫn chưa đầy túi. Cuối cùng khi ngài kiếu từ ra đi kho đồng đen trở nên trống rỗng. Vua Tàu tiếc của, vội cho quân lính lên ngựa đuổi theo, nhà sư vai vác tay nảy, điềm nhiên khoan thai bước đi vậy mà quân lính vẫn không đuổi kịp ngài. Đi đến một con sông rộng nước chảy xiết, đám lính hò reo tưởng phen này sẽ bắt được ông. Nào ngờ ngài thong thả dở chiếc nón đang đội trên đầu thả xuống nước và ngồi lên đó sang sông một cách dễ dàng. Về đến quê hương ngài mang tất cả đồng đen trong túi đúc thành một cái chuông khổng lồ.  

Ngày khai thị chuông được treo trong một cái tháp xây giữa hồ nước lớn, khi tiếng chuông đầu tiên đánh lên, tiếng ngân vang khắp bốn phương sang tận bên Tàu. Âm vang của chuông khiến con trâu bằng vàng to bằng trâu thật của vua Tàu tưởng mẹ gọi, bỏ cung vàng điện ngọc chạy theo tiếng ngân về đến nước Việt Nam. Lúc ấy vì chuông to quá cái khung treo không chịu nổi nên chuông rơi xuống hồ, tiếng ngân tắt theo. Con trâu chạy đến nhào xuống hồ theo tiếng vang chìm lỉm dưới hồ. Kể từ đó vào những đêm trăng thanh gió mát thỉnh thoảng người ta lại thấy trâu vàng hiện lên giữa hồ. Tục truyền rằng nhà sư Không Lộ là ông Bụt trong chùa, thấy người Tàu tham lam xâm lấn bờ cõi, ngàn năm Bắc thuộc đã vơ vét vàng bạc của đất Việt bấy lâu nay, nên ngài hóa phép lấy lại của cải cho nước nhà. Cái hồ trâu vàng nằm bây giờ có tên là Hồ Tây.

Ngồi dộng chuông ban đầu cảm thấy thích thú dần đà tôi thấy chán lại thêm mỏi tay, may thay vừa lúc có huynh Huệ đến thay thế, Huynh cầm dùi lầm rầm đọc thần chú và dộng từng hồi chuông dồn dập theo tiếng trống đặt phía bên kia chánh điện. Cả gia đình nhỏ Còn hình như qua chùa gần hết, Ba, má và ba chị em nó. Riêng  có ông Năm là biết đọc kinh theo sư ông và các sa di trong chùa, những người khác chỉ biết cúi đầu quỳ lạy theo, tôi cũng vậy. Tiếng gõ mõ lốc cốc đều đặn, giọng đọc ê a, buồn buồn văng vẳng làm tôi ngáp dài, con bé Hết nằm còng queo bên cạnh bà Năm ngũ mất từ lúc nào. Cơn buồn ngủ dễ lây cứ chực chờ kéo đến làm hai mắt cứ muốn nhắm lại. Như đoán biết tôi sắp sửa ngủ gục, chắc hẳn tụi nó cũng vậy nên con Còn khều tôi nói :

- Chuẩn bị sửa soạn đứng lên đi vòng vòng, vừa đi vừa đọc theo giống tao nè. " Nam mô á di đà Phật ". Hễ đi như vầy là sắp đến phần " Tam quy y " kết thúc buổi tụng kinh đó.

Hàng người rồng rắn nối đuôi đi vòng quanh chánh điện miệng không ngớt ê a câu niệm kinh. Trong ánh nến lung linh chiếu từ bàn Phật tôi ngoái nhìn sau lưng hai bên tả hữu có hai vị hộ pháp thiện ác trấn giữ cửa. Ông Thiện mặt trắng vẻ hiền từ, ông Ác mặt đen trợn mắt lè lưỡi làm tôi sợ quá không dám nhìn. Vậy mà đều đặn như cái máy đêm nào các sư trong chùa cũng phải gõ mõ tụng kinh và gần sáng thì tụng thêm một hồi công phu lần nữa.
Chị em nhà Nữa, Hết còn biết nhiều thứ trong chùa và kể lại cho tôi nghe, bán tính bán nghi tôi hỏi :

- Sao tụi bây biết những ai nói láo chết xuống âm phủ bị quỷ sứ cắt lưỡi ? Mày có nói xạo hông đó Nữa?
- Tao nói láo mày để tao bị quỷ sứ cắt lưỡi hả, hổng tin mày theo tụi tao vô chùa tao chỉ cho coi.

Nói rồi chị em tụi nó dẫn tôi đến mấy bức tranh vẽ treo dọc hai bên bức tường dài theo đường đi lên chánh điện. Nhỏ Còn chỉ vô từng hình vẽ nói :

- Má tao nói đây là hình phạt dành cho mấy người có chồng còn đi lấy trai. Chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu.

Ngón tay nó dừng lại nơi hình một người đàn bà ngồi trên bàn chông đội chậu máu trên đầu, bị quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa lấy chĩa xiên vào da thịt rồi nói :

- Đây là bà Thanh Đề bị tội phỉ bang chư tăng, làm bánh bao nhân thịt chó cúng trai tăng. Hình này là những người ăn thịt chó chết xuống bị chó ngao xé xác.

Tôi thắc mắc :

- Hình này người ta bị rắn cắn chắc hồi còn sống ăn thịt rắn quá. Sao tao thấy hầu như ai sống trên đời cũng có tội hết trơn.

Nhỏ Còn bắt chước lời nói của sư ông :

- Trong cõi ta bà vì vô minh người ta tạo ra lỗi lầm.

Bỗng nhiên chợt nhớ ra con Hết hỏi chị :

- Má nói ngày mai qua chùa ăn cơm chùa, có chè xôi cúng cô hồn mình có rủ chị Kim Xuân đi hông.
- Ừ, Xuân mày đi với tụi tao nhe, ăn cơm chùa vui lắm. Ăn xong tụi mình đi giựt cô hồn.
- Giựt cô hồn ? Từ đó đến giờ tao mới nghe tao hỏng biết làm cái này đâu. Với lại ai cho ăn mà vô.
- Vậy là mày hỏng biết gì hết, rằm tháng bảy chùa cúng thí thực ai muốn vô ăn cũng được, ăn " líp ba ga " hỏng ai cấm cản.

Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh chùa chuẩn bị cúng rằm tháng bảy, người ta hay gọi là cúng cô hồn. Bình thường cảnh chùa vắng lặng, chỉ có sư ông và mấy huynh đệ tử tụng kinh hằng đêm. Dưới bếp có sư bà cùng vài người thỉnh thoảng đến làm công quả lo cơm nước trong chùa. Tôi nghe nói rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân, cũng là ngày lễ Vu Lan báo hiếu nên các đệ tử của chùa, khách thập phương tề tựu về cúng chùa rất đông. Trước sân chùa người ta trải mấy tấm tăng đan bằng bao cà ròn, trên đó bày la liệt xôi, chè, cháo, chuối, bánh trái từng phần, mỗi phần cắm một cây nhang. Một cái tháp cao làm bằng giấy bồi trên có dán những đồng tiền. Sau những hồi chuông mõ, sư ông và các đệ tử tụng hồi kinh " Biến thực biến thủy chân ngôn " bằng những câu thần chú. Vây quanh tấm tăng trải rộng người lớn, con nít trong các xóm quanh chùa đứng lom khom, lố nhố. Vừa dứt câu kinh là tất cả ào vào giành giựt các phẩm vật, xô đẩy nhau té nhào tạo thành một cảnh tượng thật vui nhộn và tức cười. Ai cũng hể hả giữ trong tay những gì mình giành được, mang ra khoe với nhau. Thấy tôi chỉ đứng nhìn chị em nhỏ Còn hỏi :

- Sao mày không nhào vô giựt giàn.
- Tao không quen giựt cô hồn, hèn chi tao hay nghe người ta chửi mấy đứa giựt đồ hay ăn cắp vặt là " đồ cô hồn sống ". Mà tại sao có lễ cúng này ?
- Cái này mày phải hỏi Huynh Huệ đó tụi tao không biết đâu.

Trong chùa có vài chú tiểu tu tập hầu hết đều rất trẻ, hơn tôi khoảng chục tuổi, thậm chí có người chỉ lớn hơn tôi độ năm sáu tuổi, vậy mà chịu ăn chay, cạo đầu, cắt tóc đi tu hay thật. Bữa trước tôi nghe một bài ca vọng cổ trong đó người kép hát trong vai một nhà sư khuyên tín nữ không nên đi tu vì tâm của cô chưa hết thất tình lục dục, cô có đi tu cũng sẽ không thành chánh quả, nhà sư còn nói :” Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ cũng là đi tu ".

Bọn con nít tụi tôi thích Huynh Huệ trong chùa nhất, có lẽ vì huynh hay bày trò cùng chơi đùa với tụi tôi. Là một sa di ngoài việc học kinh kệ thời gian còn lại là phụ giúp công việc làm vườn sau chùa. Buổi trưa nào bọn tôi cũng tụ tập dưới gốc những cây đào lộn hột cạnh bờ ao tìm hái những trái điều chín treo ngược hột lủng lẳng bên ngoài, thứ trái cây nhìn no bóng da, chín đỏ mọng nước trông rất ngon lành vậy mà ăn vô gắt cổ, thịt mềm xèo. Ngon nhất chỉ có cái hột mang nướng cháy đen lột vỏ ăn bùi ơi là bùi.

Một hôm Huynh Huệ mang ra hai cái lon sữa bò bịt kín một bên bằng miếng giấy bồi dai như cao su, trên giấy xuyên một sợi dây gai dài nối hai cái lon với nhau để chơi trò truyền tin. Huynh cầm một cái lon niệm kinh, bọn chúng tôi cầm cái kia đứng thật xa áp tai nghe huynh nói. Chơi chán chúng tôi lấy que gõ vào mặt lon làm trống đánh nghe tung... tung. Tôi hỏi Huynh Huệ :

- Huynh nè, bữa hôm trước chùa làm lễ cúng cô hồn, làm sao mà có lễ này vậy ?

Huynh ngồi xuống gốc cây và giải thích thật lâu :

- Lễ này tổ chức vào tháng bảy xá tội vong nhân nên người đời thường gọi nôm na là tháng cô hồn. Do sự tích đức Mục Kiều Liên cứu mẹ là bà Thanh Đề đang bị đọa địa ngục về những tội đã làm khi còn sống. Khi làm lễ phải tụng kinh Vu Lan, bộ kinh này gồm hai phần. Phần thứ nhất là kinh Vu lan bồn cũng là Giải đảo huyền cứu người có tội khi chết xuống âm phủ bị treo ngược, bị đày đọa đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Phần thứ hai là kinh Báo hiếu, đại báo hiếu phụ mẫu thâm ân nhớ về công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục.

Mục đích người ta trì tụng bộ kinh này để cứu tất cả những vong hồn bị đọa địa ngục đang làm quỷ đói triền miền bởi khi sống làm điều ác. Tháng bảy là ngày lễ mở cửa ngục xá tội và cúng bố thí cho các âm hồn, vong hồn lang thang không nơi nương tựa tề tựu về chùa hưởng dụng.

- Huynh nói cúng thức ăn cho cô hồn nhưng đồ cúng còn nguyên, chỉ thấy người lớn con nít xúm vô giựt để ăn thôi.
- Ở cõi vô hình ta không thấy được hình hài và họ ăn bằng tâm thức.

Huynh Huệ còn giải thích nhiều thứ nhưng với trí hiểu biết của một đứa bé tám chín tuổi như tôi không thể hiểu nổi, tôi chỉ nhớ được một câu :

- Thuyết nhân quả nhà Phật nêu rõ ai làm ác sẽ nhận lại điều ác, làm điều thiện sẽ gặp việc lành. Giống như khi em gieo trồng cây gì thì em sẽ được trái đó.

Hầu như đám con nít như chúng tôi giờ phút nào cũng chơi đùa được, từ sáng bảnh mắt cho đến chạng vạng tối, con nít xóm chùa hay tụ tập chạy giỡn dưới bao lơn của gác chuông bỏ trống đã lâu. Nhiều đứa đã được gọi về tắm rửa ăn cơm chiều chỉ còn lại mấy chị em nhà Còn và tôi, bỗng thằng Nữa thì thào :

- Nãy giờ có ai trên gác chuông liệng đá xuống hoài.
- Ai vậy ? ai trên đó vậy ?

Chụm hai tay làm loa chúng tôi kêu to. Không có tiếng trả lời, gác chuông cao khuất sau bao lơn chạm hình hoa sen đang xòe cánh nên đứng bên dưới không nhìn thấy được.

- Thôi mình đi về chị Còn ơi, chắc là ma đó.

Con bé Hết run rẩy nói vừa lúc một hòn sỏi ném xuống cái bộp, cả bọn tôi ù té chạy hét vang rân :

- Ma, ma bớ người ta !

Con nít trong xóm ùa ra thêm vài người lớn đứng chỉ trỏ, có đứa chạy vô chùa mét sư ông trên gác chuông có ma.
Hôm sau nghe thằng Tiền kể lại : "... khi gọi khắp chùa không thấy huynh Huệ đâu, sư ông bảo một huynh lấy thang tre trèo lên gác chuông gặp huynh Huệ trên ấy, gọi mãi huynh không xuống cứ ngồi xếp bằng chấp tay niệm Phật. Gác chuông đã mục không thể leo lên nhiều người, năn nỉ mãi đến nửa đêm khi sư ông dọa sẽ gọi mẹ của huynh Huệ đến để lên đó thì huynh mới run rẩy leo xuống..." và kể từ khi ấy chúng tôi không còn gặp huynh Huệ tu trong chùa nữa.

Nhớ đến huynh bọn tôi ân hận phải chi đừng la lớn, với bản tánh huynh Huệ chỉ muốn trêu chọc bọn tôi thôi vì chúng tôi thân với huynh nhất, đứa nào cũng buồn rầu nhắc đi nhắc lại : "...phải chi mình đừng la lớn..!”

oOo

 Huynh Huệ đi rồi, từ ngày ấy những gì tôi muốn biết về đạo pháp không còn ai giải đáp vì tôi không tiện hỏi ai cả. Có nhiều chuyện làm tôi thắc mắc và chuyện này làm tôi nhìn những người đi chùa hoặc hay tụng kinh bằng đôi mắt ngờ vực. Chỉ mấy tháng sau khi chuyện về huynh Huệ xảy ra, nhà nhỏ Còn xuất hiện một người anh thứ tư, người này bấy lâu nay gia đình gửi trong nhà thương Chợ Quán. Nhỏ Còn nói :

- Ba tao bỏ ảnh trong nhà thương mấy năm nay rồi, má hay dẫn tao với em Hết vô thăm ảnh thôi. Má tao thấy ở trỏng ảnh bị bác sĩ cho chạy điện hoài mà không hết bệnh, nhưng lần này ảnh còn nhớ má tao, biết gọi tiếng má nên má năn nỉ ba tao xin cho ảnh về nhà.

Ban đầu tôi rất sợ nên không dám qua chơi bên nhà ông Năm nữa, nhưng dù mất trí anh ta rất lành tính, chỉ đứng quanh quẩn trước hiên nhà cười cười, không hề nói một lời. Có điều là anh ta rất sợ nước, nhỏ Còn nói mỗi lần tắm cho anh ta rất khó nhọc, ba nó và một người anh khác phải đè xuống cạo trọc đầu, rốt cuộc những buổi tắm thưa dần và hình như bệnh anh ta ngày một nặng hơn, người ngợm đầy cáu ghét từng lớp dầy, quần áo bẩn thỉu tả tơi, cứ quanh quẩn lang thang trong xóm. Tôi hỏi thằng Nữa :

- Hôm qua sao ba mày lại đánh anh mày vậy ? Ảnh điên có biết gì đâu !
- Chời ơi ! Ổng điên nhưng ăn nhiều lắm, nguyên nồi cơm nhà nấu để dành chiều ăn, ổng ăn hết trơn. Thức ăn để trong " gác măn giê " khóa cửa lại, ổng bẻ khóa ăn sạch bách.
- Ổng ăn vậy mà sao tao thấy ổng vẫn lượm mót ngoài đường ăn, dơ quá !
- Giống như ma ăn chứ không phải là ổng.

Nữa lại nói tiếp :

- Bị vậy nên ba tao mới đánh, xích ổng lại bao nhiêu ổng cũng giựt đứt để chạy ra.

Nhiều lần tình cờ tôi thấy ông Năm bóng đèn đánh người con khùng vì anh ta thoát chạy ra sân. Ông ta chận cây gậy ngang cổ đè người con xuống, có hôm người anh cùng cha xúm lại mà vẫn không trói được người điên, có lẽ bản năng sinh tồn của một con người không còn thần trí khiến anh ta trở nên mạnh mẽ. Trận đòn nào bà má cũng chỉ biết đứng xớ rớ quanh quẩn, van nài năn nỉ :

- Ông ơi, đánh như vậy chết nó làm sao, đừng có đánh nữa ông ơi !!

Giọng nói tuyệt vọng sũng nước của bà mẹ bất lực làm tôi nao buồn ! Tôi muốn hỏi ông Năm ;” Sao ông là người biết choàng áo nâu, miệng biết tụng kinh niệm Phật lại không có lòng từ bi như Phật dạy, hành sử với một người con tội nghiệp một cách tàn nhẫn như vậy ! Nhiều lần tôi nghe ông khoe với mọi người ông thuộc làu làu kinh sách, tụng kinh giọng rất hay, chẳng lẽ ông chỉ biết đọc kinh như cái máy rồi thôi ? Đối với ông tam quy nhà Phật 'tham, sân, si' ông vướng hết hai "

Không hiểu vì lý do gì tự nhiên ông Năm bán nhà dọn xuống khu vườn ổi gần chợ Sở Rác không ở đất nhà chùa nữa. Tôi không còn bạn rủ qua chùa lạy sám hối vào những ngày rằm hay ngày trăng khuyết. Không còn chơi với chị em nhà Còn, Nữa, Hết nhưng thỉnh thoảng đi chợ hay đi học tôi vẫn thấy người anh bất hạnh của nó lang thang ngoài đường, lượm cùi bắp người ta vứt bỏ nhai nuốt.

Thời gian trôi, tôi vào trung học chuyện học hành và tuổi đang lớn khiến tôi không còn chơi đùa như xưa nhưng dấu ấn của thắc mắc vẫn còn tồn đọng một góc nào đó trong tâm trí tôi.

Năm Mậu Thân chiến trận lại xảy ra ngay vùng ngoại ô tôi cư ngụ, trở về sau khi tàn cuộc chiến, nhà cửa dân chúng chung quanh chùa cháy tan hoang thành bình địa, nhưng lạ thay ngôi chùa vẫn đứng sừng sững, khu chánh điện nằm giữa hai bên hậu liêu vẫn còn nguyên vẹn, tượng Phật vẫn ngồi yên vị nhìn xuống chúng sanh phía dưới không suy suyển. Tường gạch không hề có dấu đạn bom, trong khi mái hiên phía trước và toàn bộ phía sau nhà trù bị cháy sạch.

Nghe ai đó nói những hôm xảy ra chiến nạn có một thanh niên chết vì lạc đạn không biết của bên nào, hình như anh ta là người mất trí.

oOo

Có lẽ những thắc mắc đọng lại khuất trong góc tâm trí tôi sẽ mãi mãi không có lời giải đáp, nếu tôi không tình cờ được một Phật tử tặng cho cái dĩa DVD tựa đề " Sự vĩ đại của đức Phật ". Tôi nhận chiếc dĩa chỉ theo phép lịch sự không thể từ chối, nhận về và để vào một góc dành cho nơi để băng dĩa, vì sự tích về những Đấng tối thượng đứng đầu các tôn giáo tôi đều biết cả rồi.

Như thể một lương duyên từ tiền kiếp tôi bổng lấy nhầm cái dĩa được tặng hôm nọ mở ra xem, chỉ trong một sát na tấm màn vô minh bao phủ tâm tôi từ trước đến giờ được vén lên. Tôi ngộ ra " Vạn vật tùy duyên, do duyên mà sinh, vì duyên mà diệt ". Đời là vô thường cho nên những hỉ, nộ, ái, ố đến rồi khắc sẽ đi. Thương yêu giữa cha mẹ và con cái, tình vợ chồng, nghĩa anh chị em đều do duyên từ nhiều đời nhiều kiếp mà ra, còn duyên thì ở lại hết duyên lìa nhau. Quan trọng là giữ tâm được bình thường, loại bỏ tham, sân, si, thực hành ngũ giới (1) căn bản của đạo pháp. Luật nhân quả đã chỉ rõ, cho tức là nhận, làm điều gì cho người khác tức là làm cho mình. Làm ác sẽ nhận lại quả ác.

Giờ đây tôi mới biết được căn nguyên tại sao ngày xưa ông Năm thuộc làu kinh sách nhưng vẫn hành sử thiếu lòng nhân với con mình bởi ông chỉ là người đọc tụng kinh mà thôi. Ông còn thiếu phần hành trì đem kinh áp dụng vào đời sống. Bởi phàm đã là cư sĩ (2) phải thực thi hai chữ "Trì tụng" (tụng = đọc kinh ; trì = hành trì áp dụng theo lời kinh) mới là một phật tử chân chánh, tuân theo giáo lý của đạo pháp.

"Y nghĩa bất y ngữ, y pháp bất y nhân " một vị cao tăng đã thuyết giảng như thế.. Nghe giáo pháp để tu tập, chứ không tu vì người nói giáo pháp bởi có khi người giảng pháp bản thân có thể làm điều sai lầm và người nghe không vì lẽ đó rời xa đạo pháp. Người căn tánh thiển mạng khi nghe kinh thường không hiểu và không thích. Bây giờ tôi mới biết thêm một chút quy luật của nhà Phật. Để khuyến khích người đã phát tâm đi tu, vì lý do nào đó gián đoạn đường tu, nhưng với người có căn tu đạo Phật cho phật tử được phép xuất gia bảy lần, vì vậy tôi tin rằng huynh Huệ sau khi rời chùa sẽ đến nơi khác tiếp tục đi theo con đường đã chọn.

Tháng bảy ngày Vu lan nhớ về công ơn cha mẹ trì tụng kinh Vu Lan báo hiếu phụ mẫu thâm ân. Với những ai song thân qua đời kinh Vu Lan bồn cũng là Giải đảo huyền, được những người con hiếu trì tụng hồi hướng cho cửu huyền thất tổ thoát được nghiệp báo sớm siêu thoát về cực lạc quốc

Cỏ Biển
Tháng 7/2012 Mùa Vu Lan báo hiếu


  1. ngũ giới = Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo và không uống rượu.
  2. cư sĩ = người tu tại gia

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012