SỐ 56 - THÁNG 10 NĂM 2012

 

BIỂN

Tôi sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, nói đến Nha Trang không thể không nhắc đến Biển. Dù cuộc sống “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh à” như từng lớp sóng lúc rì rào êm nhẹ, lúc ầm ĩ dữ dội đưa đẩy tôi trôi dạt tới các bến bờ xa lạ; dù sống ở đô thị mịt mù khói... xăng hay núi cao mờ ảo sương sớm thì Biển vẫn luôn bên cạnh tôi, vỗ về, dỗ dành những lúc tôi tưởng chừng kiệt sức, cho tôi hiểu những giọt lệ có chút vị mặn mặn từ mắt mình nhỏ xuống quá nhạt nhẽo so với vị mặn mà của Biển cả bao la...Tôi luôn hướng về Biển mỗi khi khó khăn để như một “cánh buồm” mới, nương gió mà lướt sóng; tôi tìm về Biển cả những lúc thanh thản để cảm thấy hạnh phúc của mình được bay bổng hơn, trải rộng hơn...

Thuở bé sáng nào tôi cũng theo má tôi ra biển, hòa vào làn nước bằng vòng tay “đu” vào cổ má tôi; má tôi bơi rất cừ, hình như cả “xóm trên” từ công viên Yến Phi ( trước tòa Tỉnh ) đến viện Pastuer thời đó không ai bơi giỏi bằng má tôi, cả những thanh niên cũng không thể bơi dẻo dai bằng người phụ nữ trên 50 tuổi lúc nào cũng có một con nhóc bám chặt trên lưng. Tôi lười tập bơi, không thích đeo cái “pis-cy” bằng ruột xe hơi hay ruột xe Vespa mà chỉ thích bám vào cổ má tôi, đôi chân đạp tung tóe nước; cho đến cuối năm lớp 6 khi sức nặng của tôi đôi lúc làm má tôi nghẹt thở và khoảng cách từ bờ ra xa ngắn dần tôi mới chịu thả tay ra khỏi cổ bà mà tự bơi một mình.

Khi còn ở Trường Nữ Tiểu Học, trường không xa nhà mấy nhưng tôi lúc nào cũng xém trễ vì cái tội mê tắm không lo về đi học, có khi gần đến giờ, về nhà chỉ kịp xối ào 1 gàu nước rồi “xộc” cái áo đầm vào, cũng may tôi có nhỏ bạn cùng lớp ở gần nhà, ba nó và còn anh tôi thay nhau chở 2 đứa đến trường mới kịp giờ vào lớp. Chuyển qua Nữ Trung Học đoạn đường xa hơn, cần phải ôn bài trước khi vào lớp kỹ hơn, mặc áo dài tốn nhiều thời gian hơn...nhưng tôi cũng không bỏ biển. Có lẽ trừ những ngày mưa bão, mỗi năm 365 ngày thì tôi có mặt ở biển đến hơn 300 ngày; trong khi các bạn cùng lứa đã biết “điệu”, biết chăm sóc dáng vẻ con gái dậy thì thì da tôi đen sạm, chân tôi nứt nẻ, tay tôi nhăn nheo, tóc tôi khô cháy, xác xơ vàng hoe chẻ ngọn à tôi không quan tâm, chỉ lo trời mưa không ra biển được. Ngày khai trường vào lớp Đệ Thất Ba tôi bận việc, sau buổi tắm biển từ tờ mờ sáng, tôi vừa đi vừa chạy gần nửa tiếng mới đến được Trường Nữ mới, ngay buổi chào cờ đầu tiên, trong khi Cô Hiệu Trưởng đọc diễn văn Khai giảng thì dưới này tôi...xỉu vì say nắng, các cô giáo vội đưa tôi vô phòng y tế chăm sóc. Gần một giờ sau khi tôi hồi phục, cô Hoàng (vợ GS Phạm Tấn Phước chứ không phải cô Mỹ Hoàng vợ GS Thái Huy Bào ) phải đưa tôi về nhà. Từ đó ba tôi không để “con gái rượu” đi bộ đến trường nên mỗi ngày phải có người trong nhà đưa đón. Hai năm học ở Trường Nữ Trung Học mới nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng và ba năm ở Trường Nữ cũ ở đường Lê Văn Duyệt có lẽ tôi chỉ “được” đi bộ từ Trường về nhà khoảng 5 lần với cô bạn gần nhà xinh đẹp hiền lành với cái tên mỹ miều Lê thị Thúy Kiểu và 2 lần với cô bạn lanh như sóc giống con trai kể cả cái tên nếu bỏ đi chữ “Thị” : Phan Thị Sơn khi có tiết nghỉ đột xuất. Tôi thích ba tôi đưa lẫn đón hơn anh trai hoặc ông tài xế hay làm ra vẻ vội vàng vì ba luôn sẵn lòng chở thêm vài cô bạn của tôi đi cùng và tôi có thể vòi vĩnh ba quẹo vòng ra đường Duy Tân 1 tí để xem biển sóng lớn hay sóng nhỏ, nước đục vàng hay trong xanh.... Trong khi hằng ngày theo má tôi vẫy vùng trong làn nước thì trong suốt ký ức của mình tôi chưa lần nào thấy... chân Ba tôi ướt vì nước biển. Ông chỉ thích ngồi trên những chiếc ghế bố có dù che để ngắm biển, hóng gió và nhâm nhi ly bia hay cốc Johnny Walker với con mực khô nướng thơm lừng lựng. Ba tôi không thích tắm biển, ông thường “dọa” tôi trong nước biển có nước...tè ! Nhưng tôi biết ông rất thích biển bằng chứng là hàng tháng khi chở cả nhà vào Phan Rang thăm ông Nội tôi, ba tôi thường “làm một vòng” qua biển Ninh Chữ hay ghé Cam Ranh uống nước dừa ngắm biển còn anh em tôi thi nhau bắt còng, nghịch cát... cũng như mỗi ngày rằm hay mùng một gì đó ra mộ bà Nội tôi thắp nhang ở đường Quốc Lộ 1 ngoài cầu Xóm Bóng, trước mặt nghĩa trang Phật Giáo này có một con đường nhỏ đâm ra Bãi Dương, ba tôi cũng luôn tiện “quẹo một cái” để tìm chút gió biển và tôi thì tha hồ nhặt vỏ sò cùng san hô dày đặc trên bãi. Tôi là “dân Chợ Đầm” chính hiệu nhưng lúc ấy lại quen thuộc với từng khe đá, biết lối tắt để trèo lên tảng đà lớn nơi có “bàn tay” nhanh nhất, biết chỗ nào có những con hào bám trên đá nhiều nhất... Thỉnh thoảng ba tôi cũng “tiện chân” đạp ga băng qua đèo Rù Rì để ngắm khoảng trời nước xanh ngắt với đường cong của bờ cát mịn màng có cái tên hơi giống...Tàu : Lương Sơn !

Ba tôi là thầu khoán, tôi nhớ khoảng năm tôi lớp 6, ba tôi đang nhận thầu xây nhà đèn ở gần Cầu Đá, thường ngày ông đi đến công trường bằng chiếc xe Jeep đen còn chiếc Peugeot trắng để đi giao dịch hoặc chở cả nhà đi chơi. Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng “khôn” lắm, biết chiếc Jeep trống trải nhìn vào thấy ngay người ngồi trên xe nên có lần tôi dấu chìa khóa chiếc Jeep, ba tôi phải lấy chiếc Peugeot đi làm không biết tôi đã “ém” mình ở dưới băng ghế phía sau. Xe ngừng, ba tôi vừa đưa tay mở cửa xe thì phía sau tôi chồm người “hù”, ông giật bắn người rồi đành... lắc đầu cười và kéo tôi băng qua đường ra phía bãi biển; bãi nơi này vừa cách đường xa cái, vừa vắng người, rừng cây dương um tùm che mất màu xanh của biển, ông dọa lần sau mà theo ba kiểu này ba sẽ bỏ lại đây luôn, tôi không sợ vì biết ông không bao giờ bỏ mặc mình nên rút tay khỏi tay ông chạy vòng quanh và nấp sau các cây dương trốn ba tôi làm ông một phen hoảng hốt vì sợ tôi đạp nhầm mảnh chai hoặc vướng dây thép gai đâu đó...

Tôi có người cô thứ Bảy thỉnh thoảng thuê ghe chở cả nhà đi đảo, ghe thường xuất phát từ chợ Xóm Bóng. Mỗi lần đi, cô tôi luôn chuẩn bị kỹ càng, mang theo bún tươi, rau sống, nước mắm giả tỏi ớt...và cái nồi hấp thật lớn ! Tôi chỉ còn nhớ mang máng cái tên bãi Trụ, Bích Đầm... nhưng tôi nhớ rõ mồn một những con cá thu dài hơn nửa thước mua ngay trên đảo còn tươi roi rói. Sau một buổi lặn hụp dưới làn nước trong veo, lên bờ chúng tôi “chiến đấu” tại chỗ với những phần cá thu hấp hành vô cùng hấp dẫn; cái vị béo ngọt của cá thu tươi hấp cuốn bánh tráng rau sống tại đảo trong ký ức của tôi tuyệt vời đến nỗi có lẽ tất cả món ăn được gọi là “độc đáo” của các nhà hàng “sành điệu” thời nay không thể nào so sánh nổi.

Buổi trưa cuối tháng 3 năm 1975, tôi đang xếp cắt cái áo bằng giấy cho con búp bê cũng bằng giấy vở, cô tôi hớt hải chạy đến nhà thúc ba má tôi thu dọn để cùng đi với cô. Ba má tôi lắc đầu vì chị dâu tôi sắp sanh, anh tôi còn đang trong đơn vị ở Cam Ranh, cô khóc lóc giận dỗi rồi lại năn nỉ cho tôi đi cùng cô... Ba tôi không cho má tôi ngăn lại, còn tôi thì thích thú khi nghe 2 chữ “đi thuyền” nên vội vàng chạy lên phòng tìm mấy bộ đồ mới nhất nhét vào xách tay rồi nhanh nhẹn chạy theo cô. Người đạp xích lô chờ sẵn trước nhà “vận 10 phần công lực” thoăn thoắt chở hai cô cháu qua Chợ Xóm Bóng. Chen chúc bên bến cá có vô số tàu thuyền lớn nhỏ, chiếc tàu cô tôi thuê khá lớn, chiếc xe Toyota màu vàng đồng của Dượng tôi đã được đặt ngang trên boong tàu, trong khoan đầy những cây vải có bọc thêm lớp ni lông được sắp ngay ngắn, máy tàu đã nổ sình sịch chỉ chờ cô tôi leo lên là tàu rời bến. Cái háo hức của cuộc “đi chơi” biển khiến tôi quên mất ba má tôi, đến lúc tàu đã ra khỏi cảng nhưng phóng tầm nhìn vào bến chợt thấy dáng vẻ quen thuộc của má và người chị lớn tôi đang ngoắt ngoắt tay rồi đưa hai tay lên miệng nói điều gì đó nhưng tôi không nghe rõ (sau này tôi mới biết khi nghe tin tôi theo cô, chị tôi từ nhà chồng tức tốc chạy về nhà kéo má tôi ra cảng “đòi” tôi lại nhưng không kịp vì tàu đã xa) thì tôi bật khóc đòi quay trở lại nhưng người lái tàu vẫn cứ đi thẳng...Cô tôi có 11 người con, 3 người đầu đã lập gia đình và có con nhỏ, thêm vài người cháu của Dượng tôi, mấy người lái tàu nữa tổng cộng khoảng 25 người; tàu vẫn rộng đủ chỗ để đám con trai ngồi chơi bài “xì lát” và một nhóm con nít chơi “bầu cua cá cọp”. Giữa mênh mông biển khơi, thỉnh thoảng có vài chiếc tàu của những gia đình hình như cũng quen với cô dượng tôi vượt qua mặt giơ tay lên miệng “hú hú” rồi vẫy vẫy chào nhau... Hầu hết đám phụ nữ em họ tôi đều say sóng nằm bẹp dí trên tàu, duy chỉ có mình tôi từ sáng đến tối cứ ăn xong là chạy qua lại trên boong, khi thì ngồi trước mũi tàu, lúc sang hông tàu ngồi thòng chân xuống nước. Tôi thường đi tắm biển vào lúc mặt trời chưa mọc cho đến khi ánh sáng tỏa hồng khắp nơi, thường bơi ngửa rồi nằm im hướng mặt về hướng Đông, lim dim theo dõi mặt trời từ từ nhô cao... nhưng lần đầu tiên được ngắm bình minh giữa biển khơi, tôi ngây ngất trước ánh hồng to lớn, rực rỡ à cao dần, nhỏ dần... Tuy nhiên đến đêm tôi cứ thút thít khóc đòi quay về.... Hình như cô tôi cũng khóc, tuy mệt nhừ vì sóng biển cô vẫn cố kéo ôm tôi vào sát bên cô như để dỗ tôi ngủ yên. Sau đêm thứ ba trên biển, không biết đã ra hải phận quốc tế hay chưa tôi không rõ lắm, cô tôi bỗng ngồi bật dậy đòi ghe quay trở lại, dượng tôi cố gắng dỗ dành nhưng cô tôi càng khóc to và luôn miệng kêu “Cha ơi, anh Hai ơi..”, cô nói sống chết có nhau chứ không thể bỏ ông Nội tôi và Ba tôi ở lại trong nguy hiểm... Cuối cùng dượng tôi chịu thua và bảo tàu quay lại. Hai ngày sau ghe cập bến ở biển Long Hải, cô thuê chiếc xe “ba lua” chở cả đoàn người cùng số ít tài sản vào Sài gòn vào tuần cuối tuần thứ nhất tháng 4 năm 75. Có lẽ Dượng tôi và mấy người con lớn của cô dượng tôi chưng hửng, thất vọng, lo lắng đủ điều duy có tôi là vui mừng vì khi vào Sài Gòn vài ngày sau tôi lại được “đoàn tụ” với người anh trai đang học Đại học ở đây, gặp lại chị tôi với người anh rể Sĩ quan Không Quân vừa rời khỏi Nha Trang bằng chiếc trực thăng “áp chót”, chị tôi cho hay má tôi nhất quyết không chịu rời nhà vì sợ chị dâu tôi chuyển dạ bất thình lình; cuối cùng tôi gặp lại anh trai lớn đã phải lội từ Cam Ranh vô Sào Gòn vì đường ra Nha Trang đã bị cắt...Chúng tôi ở lại Sài Gòn trong những ngày hoảng loạn; lúc này biển rất xa vời, tôi không còn tâm trí để nghĩ đến màu sắc của biển mà quay quắt nhớ ba má tôi, nhớ đứa trai cháu nhỏ cứ luôn đu theo chân tôi làm nhiều lúc tôi phát cáu, nhớ đứa cháu gái mới tập đi lững chững miệng suốt ngày bập bẹ “cô,cô...”, nhớ gia đình người chị lớn với ba đứa cháu gọi tôi bằng dì không ở cùng nhà, nhớ cả cái áo đầm giấy cho con búp bê chưa kịp vẽ hoa nữa à.

Giữa tháng 5 năm 75, cô dượng tôi thuê xe 1 chiếc xe tải chất đầy đoàn thê tử cùng với chiếc Toyota của Dượng quay trở lại thành phố biển. Đoạn đường từ Sài Gòn tới Nha Trang hơn 450 km gập ghềnh và dài lăng lắc, chúng tôi bị những người đội nón cối tay cầm khẩu AK chận xét nhiều lần nhưng rồi cuối cùng hơn một ngày đường cũng về được nhà với nỗi mừng vui khó tả khi gặp lại người thân ruột thịt à.

Như hầu hết những gia đình khác, nhà tôi cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng, hai người anh rể và người anh trai đều phải đi “học tập cải tạo”, tài sản trong nhà theo gió bay đi, ba tôi trước đó ít khi hút thuốc thì nay trừ lúc ngủ, trên tay ông lúc nào cũng có điếu thuốc tự quấn và ngày nào cũng phải “tu” ít nhất là nửa lít rượu... Những thay đổi không ngờ như những con sóng bạc đầu mùa giông bão giận dữ đổ ập vào nhiều người vốn lương thiện; vài tháng sau ngày trở về cô tôi bị tịch thu gia sản, bị quy vào tội “tư sản mại bản” chỉ vì buôn bán vải và có con trai đang ở Pháp (?!). Gia đình cô dượng tôi hoàn toàn rơi vào tình trạng khánh kiệt, hai ông bà cùng đổ bệnh, vài năm sau dượng tôi mất và cô tôi cũng đi theo ông vĩnh viễn chỉ cách nhau đúng một tuần...

Có lẽ quyết định sai lầm của cô tôi trong giây phút mềm yếu trước tình cảm gia đình đã đưa gia đình cô tôi vào tình trạng bi đát, giá như cứ giữa lòng biển khơi, lướt gió mà thẳng tiến, tôi không biết sẽ ra sao nhưng tôi nghĩ ít ra cũng không thê thảm hơn. Đôi khi tôi cũng tự hỏi phải chăng mình cũng có lỗi khi đêm đêm bật ra tiếng thút thít làm người cô rối lòng mà đành quay trở lại bờ ? Biển đã mở đường, đã dang tay che chở nhưng chính mình bỏ lỡ thời cơ...

Phần tôi, dù thế sự thăng trầm tôi vẫn chỉ là một con bé trong sự bảo bọc của gia đình, tôi vẫn tiếp tục mỗi sáng chạy ra biển bơi vài vòng trước khi đến trường, vẫn tận dụng bất kỳ khoảnh khắc rảnh rỗi ngang qua biển thăm...ngọn sóng ! Từ nhỏ bạn tôi toàn là con gái nay phải học chung với đám con trai “hay dòm ngó”, tôi mặc kệ, không quan tâm giữ mái tóc cho mượt,giữ cho làm da mịn màng...tôi vẫn đam mê hụp lặn trong làn nước mặn mặc cho mái tóc dậy thì xác xơ chẻ ngọn, mặc cho làn da thanh xuân giống y da... Mẹ Mốc !

Cho đến nay, tôi vẫn không thể tách mình ra khỏi biển. Không còn được ở gần biển, ít có cơ hội ra biển tôi đành “mang biển” vào nhà. Như một căn bệnh khó chữa, mỗi lần đi đâu, gặp bất cứ cái gì liên quan đến Biển là tôi “tha” về nhà, riết rồi căn nhà nhỏ xíu của tôi trở thành 1 “đại dương” kỳ quặc, tuy hơi “quái đản” một chút nhưng hàng ngày tôi có thể thả lỏng cơ thể mình trước “biển của tôi”, ngắm sóng và các sinh vật biển, nghe tiếng sóng vỗ về ngay trong không gian chật chội nhưng có cảm giác rộng mở như đứng trước biển (qua trí tưởng tượng của tôi)... Một điều giản dị mà tôi có thể thốt lên là “Biển ơi, ta yêu biển...” và giá như tôi tìm thấy ông Thần Đèn trôi dạt từ mớ chai lọ và những sinh vật biển mà tôi thu lượm được bấy lâu nay tôi sẽ xin ông ban cho tôi một điều ước : mang tôi về với Biển của tuổi thơ tôi, biển Nha Trang thời bình yên, hiền lành và chan hòa nắng ấm...

Trần Thị Thanh Tùng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012