SỐ 56 - THÁNG 10 NĂM 2012

 

Chuyện ANH và TÔI

Phần Thứ Nhì
Chương   17

Có Những Điều Bất-Hạnh Chất-Chồng Đau-Đớn

Chúng tôi hân hoan đi dự tiệc đính hôn của Đóa+Hồng, Oanh+Biên. Tiệc cưới Thu-Hồng+Liên. Oanh+Thuận. Phương+Hảo. Khôi+Thương. Ngọc+Minh. Lộc+Khoa. Ôi! Đúng là mùa cưới đã đi mệt xỉu mà. Mỗi đám cưới có một vẽ biệt lập: có cái hay hay riêng và vài ba thiếu sót; không đám nào giống đám nào. Nhưng nói chung vẫn ổn, vui vẻ ồn ào, nhộn nhịp. Cho dù có nhiều bạn đã  “chọc quê” nhau vui thật vui:

Nếu biết rằng em sắp lấy chồng.
Anh về bắt vịt nhổ sạch lông.
Tiết canh làm được vài ba dĩa.
Mượn rượu cho nguôi vết thương lòng. (1)

Hay là sự “dỗi hờn dễ thương” như:

Nếu biết rằng em đã lấy chồng.
Không buồn, không giận chỉ ước mong.
Đãi được chồng em nhậu một bữa.
Để cám ơn chàng lãnh giùm công. (1)

Huề cả làng:

Nếu biết rằng em đã lấy chồng.
Anh về cưới vợ, kiếm thằng con.
Mai này khi con trai anh lớn.
Xúi lấy con em, rửa hận lòng. (1)

Đa số “quý nương” đều tươi tắn xinh lịch! Nhưng... để rồi coi:

Chưa chồng nón thúng quai thao.
Chồng rồi, nón rách quai nào thì quai.
Chưa chồng yếm thắm đeo hoa.
Chồng rồi hai vú bỏ ra tày giành. (cd)

Cảnh và tôi đi dự đám cưới lập đi lập lại những câu chúc tụng, miệng luôn vui vẻ cười nói muốn gãy lưỡi:

- Chúc tân lang và tân giai nhân trăm năm hạnh phúc. Yêu nhau đến ngày răng long tóc bạc nha.

Duy chỉ có cái đám “vợ chồng thật, không cưới” của chàng Khoa + nàng Lạc nầy là quá ư khắt khe, ác ôn, đau khổ và tội nghiệp, buồn vô cùng. Bởi vì “nàng dâu” lỡ trót dại tù ti tú tí với Khoa, trước sự đồng ý của cha mẹ chồng, hai anh chị “qua mặt tiền bối” dám tự tiện có một mụn con trai đã tám tháng tuổi bụ bẫm khôi ngô! Chỉ có vậy thôi! dù rằng Khoa là đứa con duy nhất của ông bà Tấn, và họ có cháu đích tôn thật đó. Thế nhưng Lạc và con trai muốn vào nhà của “ông bà nội” thì... nàng dâu phải quỳ xuống đất suốt hơn hai ba giờ ở ngoài lề đường. Đúng là quỳ nàng quỳ ở ngoài đường thật nghe (cạnh sân nhà họ, cho “ông đi qua bà đi lại” có dịp chứng kiến, dòm ngó xì xào bàn tán. Chuyện nầy có thật 100%. Nếu ai từng ở khu vực dốc Nhà Bò, đều biết rõ).

Trở về chuyện “cô dâu hờ” bị quỳ: Hai tay Lạc bưng cái khay đựng mâm trầu rượu mà đội lên đầu nàng. Cứ độ mười lăm phút thì nàng quỳ lết hai đầu gối vô trong sân nhà ông bà nội, năm bảy lết... dập đầu xuống nền sân xi măng, mà xin lỗi, và xin phép cha mẹ chồng cho phép Lạc và con trai (cháu đích tôn) được “nhập gia tùy tục”!

Cây kiềng vàng đeo lâu còn đỏ.
Đôi đứa mình còn nhỏ còn thương.
Dẫu cho cha mẹ không thương,
Đôi ta trải chiếu ngoài đường lạy vô! (cd)

Một thời gian ngắn sau đó thì quả thật là cả ông bà Tấn “khắc tinh” hay “cầm tinh con quỷ cái, con hổ thọt” chi đây, chỉ riêng đối với “dâu” càng ngày càng “ác ôn côn đồ” hơn. Họ tìm đủ cách để “hành xác” Lạc! Bà Tấn đánh chửi dâu không đã tay, ông Tấn vai u thịt bắp ngoài 55 tuổi, cũng “vâng lời” bà vợ xông vào đấm đá Lạc túi bụi. Trong khi đó anh chồng Khoa chỉ dám đứng xớ rớ ở xó bếp, khoanh tay luôn miệng bẩm:

- “Thưa thầy me xin tha cho nó”.

Cha mẹ ruột của Lạc và thằng em trai đứng ở trên sân nhà mình nhìn xuống nhà sui gia, chỉ bức tóc bức tai, giậm chân giậm cẳng, lõ mắt nhìn cảnh họ “tra tấn“con mình dã man, coi không giống ai. Cha mẹ Lạc không dám hé môi than thở điều gì, không dám xuống nhà “anh chị xuôi” can gián, xin xỏ... Hầu hết người trong xóm và bạn bè Lạc đều bất bình chứng kiến cảnh “nàng dâu” thời nay: Ít nhất vài tháng một lần Lạc bị cha mẹ chồng bạo hành đánh đập dã man, hơn tra tấn quân thù; đến nỗi có mấy lần Lạc bị gãy tay, què chân, phụt máu đầu. Còn chuyện sưng mặt bầm má, gãy răng là chuyện thường, chuyện nhỏ!

Lần sau cùng nàng bị trọng thương ở đầu, không hiểu ông Tấn dùng thứ võ “độc chiêu siêu đẳng Xuyên Cường Cước”  gì, ông đánh trúng vào bên màng tang của Lộc, chạm vào dây thần kinh? Hay do nàng quá khiếp sợ đã bị hộc máu mũi và ngất xỉu!? (chỉ vì hôm ấy ở nhà ông Tấn có tang “người chồng của bà dì họ, xa hai ba đời” của bà nội. Ông bà Tấn bắt Khoa Lạc phải đội khăn tang, cầm gậy đi thụt lùi không cần xin phép cha mẹ ruột của Lạc còn sống. Thì Lạc có mở miệng “bạo gan bạo phổi, lỡ lời” nói câu ca dao nầy:

- Chồng cô vợ cậu chồng dì.
Trong ba người ấy, chết thì không tang. Thưa thầy mẹ!

Lập tức ông Tấn cho là:

- Đừng có trả treo, dạy đĩ vén váy nha mầy!

Thế là to chuyện. Chị Bảy Thế ở sát nhà, là hàng xóm, đã kêu taxi chạy đi cấp cứu Lạc ở bệnh viện. Nàng hôn mê bất tỉnh suốt hơn bốn tháng, lúc tỉnh lúc mê,  bị tâm thần khùng khùng điên điên.

Chúng tôi đi thăm Lạc, nàng bất động như xác không hồn, chân tay bị trói chặt vào bốn góc giường. Cảm thấy căm hận ông bà già kia quá chừng, mủi lòng tôi thút thít khóc. Nào có phải Lạc hư đốn gì cho cam! Lạc con nhà giàu, ăn học đến nơi đến chốn, có chữ nghĩa hẳn hoi, nàng biết kính trên nhường dưới, cư xử với lối xóm hòa nhã, biết điều, ai ai cũng quý mến. Ở nhà cha mẹ mình Lạc là đứa con ngoan hiền, dễ dạy, vui vẻ, và hiếu thảo. Tại nhà chồng Lạc càng ngoan, “giữ mình” lễ độ nhẫn nhục hơn thế! Ngày ngày Lạc đi làm ở Ty Thông Tin xong, nàng lo trở về nhà đi chợ, nấu ăn vén khéo mọi việc từ trong ra ngoài chu đáo, tươm tất hẳn hoi đâu vào đó; cơm dâng nước rót cho bố mẹ chồng ngon lành. Nàng cung kính “hầu” chẳng những cha mẹ chồng răm rắp, tận tụy nâng khăn sửa túi “chồng con” vẹn cả đôi ba đàng.

Về phần Khoa: thú thật tôi thấy chàng là đứa con vô cùng chí hiếu, chàng rất yêu vợ, thương con lạ lùng, nhưng “chàng Bắc Kỳ nòi” nầy giấu kín bưng, không dám thổ lộ cho bố mẹ thấy. Cứ sau những lần Lạc bị “ăn đòn”, thì anh chị trẻ lại rù rì mặn nồng âu yếm “sản xuất” thêm một mụn con khác. Vị chi vợ chồng đã có năm mặt con kháu khỉnh, mà Lộc vẫn bị “nhà Tấn-công” ; mang dâu lên “thí võ đài” dài hạng và lia chia! Có lần giận chồng, “Lạc Huế” đã nhỏ nhẹ thở than với Khoa:

Chồng gì anh vợ gì tôi.
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!
Mỗi người một nợ cầm tay.
Đời xưa nợ vợ đời nay nợ chồng! (cd)

Các bạn nhìn Khoa lắc đầu, Vân phẫn uất bảo nhỏ với Lạc:

- Nếu mầy cảm thấy ở được với họ, thì sống chung. Không thì mầy nói với Khoa xin cho tụi bây “ra riêng” đi, chắc sẽ không chướng mắt ông bà già!

Lạc cười buồn:

- Có xin nhiều lần rồi, nhưng sức mấy! Anh Khoa là con thừa tự, con trưởng cũng là con út... Ông bà nội rất cưng, không cho đi đâu hết! Chỉ có tao là cái gai nhọn! Âu đó cũng là số Trời định cho tao, mầy à.
- Có đôi khi... nhìn người khác hạnh phúc, người ta ghen!
- . . .  Có thể đúng.

Hạnh phúc! Vâng! Hạnh phúc không phải tự dưới đất chui lên. Không do trên trời rót xuống. Không phải là sự rủi may bình nhật, sung sướng an lành cho người đẹp và xa lìa người xấu. Hạnh phúc cũng như ông Trời quá chí công vô tư: Chẳng thiên vị ai, chẳng chịu ai đút lót cho ăn hối lộ nào, chẳng ân cần săn đón hay hất hủi ai. “Ổng” đặt để ban phát số phận cho tất cả mọi người. Phải trân trọng nâng niu và giữ gìn hạnh phúc quý giá dường bao; nếu mình được diễm phúc ấy.

oOo

Gió bão mùa đông lồng lộng thổi có sức mạnh phi thường đang quật lên mái tôn mọi nhà rầm rầm. Từ những vòm cây cuốn thốc lên cao, cây cối trốc gốc bật rễ nằm ngổn ngang, la liệt chắn nghẽn lối đi trên phố, coi thật hoang tàn. Những đại lộ bóng loáng ngập nước mưa. Có nhà sập mái tôn bay vun vút. Vách taluy sụt lở. Trời đất quay cuồng theo trận bão từ miền Trung thổi tới, như đang bước vào trận Sơn Tinh Thủy Tinh hiếu sát, hỗn chiến tàn phá chưa từng thấy.

Sau khi tôi đi làm công tác cực nhọc hết biết, (do mấy trận mưa bão ùn tới). Tôi cùng Thu Vân đi lên lữ quán Thanh Niên thăm Thạch ở Viện Đại Học bị đau nặng. Thạch nằm bệnh viện mới về nhà trọ vài hôm nay. Dưới hai chiếc áo mưa ướt mèm nước nhỏ tong tong từng hàng xuống nền gạch. Hai đứa tôi rụt rè gõ cửa phòng anh. Thạch hơi bỡ ngỡ xí rồi mở rộng cửa, gió lộng vào thổi tung những tờ giấy bừa bộn trên bàn rơi xuống nền gạch. Anh cười tươi, nhanh nhẹn nói:

- Ngọn gió nào thổi Thụy và Thu Vân đến đây làm tung hết giấy tờ vậy ha?
- Thì ngọn gió từ miền Trung vừa thổi cơn bão đến vùng Cao Nguyên mình nè.
- Ha ha! Vào đây cởi áo mưa ra mau. Trời ơi! Hai đứa em bị ướt hết rồi.

Thạch móc mấy áo mưa lên ở ngoài hiên tường, anh đưa chiếc khăn lông trắng cho tôi và Vân lau tóc, lau mặt mũi tay chân. Chúng tôi đều mặc áo đầm, nên chỉ ướt hai ống quyển. Mời chúng tôi ngồi trên ghế mây, Thạch day qua góc phòng, cắm bếp điện pha cà phê sữa. Vừa làm, anh cười vui:

- Hôm ấy anh gọi phone, hẹn hai em lên nhà anh có họp bạn. Chả thấy các em đến. Khiến anh chờ dài cổ, đến phát đau luôn nè.

Tôi khúc khích cười:

- Dữ vậy sao!?
- Bây giờ anh không dám mong, thì hai bông hồng lại xuất hiện. Anh mừng đến nỗi bao nhiêu bệnh cảm cúm đều lùi ra xa.

Chúng tôi cười vui. Vân cầm mấy tập thơ của anh lên xem. Thạch làm thơ rất hay, khá nổi tiếng. Tôi đến bên Thạch thì thầm:

- Em đưa Thu Vân lên giới thiệu cho anh đó... Anh thấy sao?
- Được lắm.
- Tấn công đi nha.
- Từ từ chứ em. Vội gì vậy.
- Chậm quá, thì người khác cuỗm mất a.
- Hà hà! ...

Do tôi yêu cầu, nên Thạch ca bài: “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ. Thạch ca rất hay, giọng ca trầm ấm dạt dào tình cảm. Thật tuyệt vời. Tôi không ngờ dạo trước Thạch thường đến nhà tôi với “cố nhân”, mà có bao giờ tôi nghe anh ca hát gì đâu. Thạch ca thêm mấy bản nhạc Pháp, cũng hay và lão luyện lắm. Kỷ niệm xưa canh cánh bên lòng, bỗng chốc bừng sống dậy khi mây bàng bạc bay qua sườn núi. Nhớ khi xưa tôi len lén trao thư tình... Khi chiếc lá úa trôi trên con đường đầy nước mưa đục ngầu. Lúc cơn gió lùa vào khe cửa hở, dù tôi cố tình lãng quên, muốn nhận chìm xuống nước. Nhưng dĩ vãng vẫn ùa về long lanh theo từng đợt sóng xô bờ. Lúc ẩn lúc hiện, khi băn khoăn, khắng khít, khi hờ hững lạnh lùng nằm yên trong mớ hành trang dày cộm đọng bụi thời gian. Giá mà khi xưa tôi đừng trao những lá thư tình đầu tiên, thà mình không quen biết nhau, đừng hò hẹn... thì ngày nay tôi không buồn đau đến thế!

- Hai em nhâm nhi cà phê nè. Uống cho ấm người.

Thạch rất tế nhị, anh không hề nhắc tới tên “ai kia” khiến tôi se thắt lòng. Vả lại bây giờ giữa anh và “người ấy” không còn thân thiết như xưa. Không cùng chung lý tưởng. Không cùng đấu tranh chung một mục đích. Hoài bão của họ rất đỗi khác xa nhau rồi. Tôi gật gật liếc nhìn Thạch chúm chím cười, phụ anh bưng ly cà phê đến bên bàn. Thạch rất “ga lăng” Vân, anh nheo nheo mắt nhìn tôi, cười cười. Tôi cũng nháy nháy mắt cười duyên, ngó ngó liếc liếc Vân mà trêu ghẹo. Chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê, ăn bánh ngọt, nói chuyện rất vui:

- Em ui. Anh quên nói cùng em: Ở nhà hàng sim hiện nay cần một cô thu ngân viên làm việc buổi tối, từ sáu giờ đến mười hai hay một giờ khuya. Em rãnh thì giúp cho họ một tay. Ông bà chủ là bạn rất thân của anh. Nếu em sợ đi về đường đêm vắng, anh tình nguyện đưa em về nhà. Lương cao, típ hậu. Em à.
- Anh cần gặp em là do chuyện anh giới thiệu em đi làm hả?
- Chính vậy. Họ cần người.
- Em coi lại. Vì em đang làm ở Ty, nếu em đi làm thêm, bắt anh nhọc lòng, em ngại quá. Chủ nhật sau em trả lời anh rõ nha.
- OK. Anh chờ quyết định cuối cùng đó em.

Trong cuối phòng, dưới chân giường của Thạch, có mấy đôi giày cao gót vứt bừa bãi. Vân khều nhẹ tôi, cô hất hàm nheo mắt chỉ cho tôi xem. Hai đứa trợn mắt le lưỡi khúc khích cười.
Thạch tinh ý:

- À, mấy cô bạn ở Sài Gòn lên. Họ không có chỗ trọ, (khi anh đi nằm bệnh viện), anh cho họ tạm ở nhờ ấy mà.

Tôi tủm tỉm cười:

- Vậy mà em cứ tưởng: thanh niên con trai, thời buổi văn minh tiến bộ... thích mang giày cao gót cho... “yểu điệu công tử” một xí chứ.
- Em thật là dí dỏm, biết nói chuyện tếu ha. Em dễ thương biết bao.

Chúng tôi nói chuyện vui vẻ quên cả chiều tối tràn về lúc nào không ngờ. Thạch và chúng tôi đội mưa phùn cùng đi ra phố. Anh mời chúng tôi ăn cơm tối ở sim, nhưng hai đứa đều từ chối. Phải đi về nhà vì chúng tôi đi loanh quanh từ sáng đến giờ cũng mệt. Thạch chào bạn, anh ghé vào nhà hàng ca vũ nhạc sim ở ngay phố.

Hai đứa rảo bước ra Cầu Ông Đạo lên dốc đến Bưu Điện, Vân rẽ về nhà. Một mình tôi đi trên đại lộ Yersin vắng ngắt. Tôi đi mà giống như muốn chạy, mắt láo liên nhìn trước ngó sau. Một vài bộ hành tất tả vội đi trong đêm vừa buông màn sương. Có hai người đi ngược chiều, tôi nhận ra là hai bạn trai: Thứ và Phương. Chúng tôi chào hỏi nhau vui vẻ. Tôi hỏi thăm Thứ về việc họ đi công tác truyền thông đến đâu rồi? Thứ nhiệt tình vui cười hoạt bát trình bày rõ ràng những diễn tiến công việc ngày mai sẽ làm gì. Tôi cảm ơn anh và chào từ biệt.

Tôi vừa đi khuất khỏi hai anh kia độ chừng mươi mét, thì đúng lúc đó, Cảnh từ phía sau lưng nắm nhẹ cánh tay tôi. Thật sợ, tôi hoảng hốt toan hét lên. Nhưng nhìn ra chàng, tôi mừng rỡ:

- Úi! Anh làm em sợ hết hồn.
- ... Em đi đâu mà về tối vậy?
- Anh nhìn mấy cây thông lăn đùng ra ngoài đường, thấy cột điện đứt dây, thì anh khỏi cần hỏi em đi đâu nà.
- Và anh đừng hỏi hai thằng “đứng đường” kia nữa chứ gì.
- Hừ... Anh cứ hỏi. Họ là bạn cùng làm chung công việc với em.

Cảnh im lặng, hai chân mày chau lại, nhìn tôi như trợn, quai hàm bạnh ra, lỗ mũi phập phồng. Cảnh gằn từng tiếng:

- Anh rất buồn để nói cho em biết: từ ít lâu nay em thay đổi nhiều. Dường như em không còn là em nữa.

Chúng tôi đã về đến lối vào nhà. Tôi dừng chân ở bậc thềm:

- Em làm sao?
- Điều đó em phải tự hỏi lòng. Sao lại hỏi anh? 

Không muốn trong nhà nghe chuyện, nên chúng tôi quay trở ra đường, tiếp tục đi dưới hàng hoa anh đào. Cảnh ôm bờ vai tôi, nói rất khẽ:

- Sao em buồn hở Thụy? Em không còn tươi vui như ngày trước. Thời kỳ xưa mới thân quen, anh thấy mắt em rực sáng long lanh. Môi em tươi thắm nụ cười rộng mở. Em toát ra sự trẻ trung hóm hỉnh duyên dáng, ngọt ngào trìu mến lạ thường. Em biết không?

Tôi cúi đầu im lặng. Ngừng một lúc, Cảnh nói gần như thì thầm bên tai tôi:

- Chẳng phải là anh si mê em, vì em đẹp, yêu kiều không thôi. Mà vì trên hết anh yêu đức tính thùy mị, nết na từ em. Nhất là em có bộ óc tuyệt vời, sự khôn ngoan, thông minh ghê gớm. Anh đặt sự tin tưởng, kỳ vọng tương lai và công việc, bên cạnh hạnh phúc của chúng ta đó em.

Tôi quay hẳn người lại, đôi bàn tay giá lạnh đặt trên ngực Cảnh rồi vòng ra ôm sau lưng anh, đầu tôi gục trên bờ ngực ấm áp. Tôi úp mặt vào đó để lặng lẽ nghe nhịp tim anh rộn ràng đập mạnh. Trời ơi! Làm sao nói được? Em muốn nói với Cảnh là:

- Em đang chết dần, chết mòn. Không phải do ốm đau bệnh hoạn tầm thường hành hạ thân xác. Mà là một căn bệnh quái ác hơn bệnh ung thư gan, tim, phèo, phổi chi chi đó. Chứng bệnh trầm kha nầy có ghi trong sổ sách Y, Dược hay không, chả biết! Nó vô cùng nhức nhối, vô cùng khốn khổ. Vì, đó là trận cuồng phong quét qua đời em một bất hạnh đau đớn chất chồng, lưu lại dẫy đầy dấu vết tang thương. Anh có thấu hiểu những ẩn tình đang dày vò trong tâm tư em? Anh có thông cảm và độ lượng không? Có những điều em chưa thể hết bệnh, dù một năm, mười năm, hay suốt đời. Đó là căn bệnh trầm uất, trầm cảm thật cay nghiệt và đáng ghét biết mấy.

-------------------------------------------------
(*) Thơ lượm lặt sưu tầm đó đây...
(cd) = ca dao.

Chương  18

Đà Lạt Ngun Ngút Khí Lạnh Ùa Về

 

Dạ, anh thương! Em “cảm nặng” rồi đó,
Thố lộ cùng ai chuyện ốm đau nầy?
Nỗi niềm riêng không lẽ nói cho người...
lạnh nhạt thờ ơ và quá hững hờ?

Dẫu thật lòng em muốn gửi trang thơ.
Nói với anh, dù ngập ngừng nhỏ nhẹ:
Số phận em bẽ bàng Trời đã định.
Em thật buồn bởi không người san sẻ.

Chẳng có ai tri kỷ như mình ước
mơ. Người lâu nay mòn mỏi trông chờ.
Ai ngờ... là sóng đùa trên bãi cát.
Kể cả anh người ấp ủ trong mơ. (*)

Cảnh không cho tôi đi làm thêm ngoài Maxim, mặc dù tôi đã đến cùng Thạch để gặp bà chủ nhà Hàng như đã hứa. Khi đó vào ngồi không lâu, tôi trao đổi chuyện trò ít phút với bà chủ và Thạch. Bà ân cần niềm nở trò chuyện và mến thích cung cách của tôi. Khi nghe tôi từ chối, bà ngạc nhiên, chưng hửng. Hầu như ai ai trong ban điều hành nhà hàng ấy cũng tỏ ra luyến tiếc. Tưởng tôi chê ít tiền, nhân viên nhà hàng muốn giữ tôi lại làm việc vui vẻ thân thiện cùng nhau, nên họ đề nghị bà chủ tăng thêm lương. Tôi cười ỏn ẻn:

- Dạ không phải vấn đề lương đâu ạ. Bởi em đang học năm cuối trên Đại-học, ngoài ra em còn đi làm việc bên truyền tin nữa. Bận lắm, em không có thì giờ ạ.

Tôi chào họ và lững thững trở ra ngoài đường tìm Cảnh, anh ngồi chờ tôi trong quán cà phê Thanh Thủy. Cảnh không vui. Thực ra vì tôi vâng nghe lời Cảnh mà không đi làm thêm, và từ chối một việc làm có lương tốt. Do tôi thương Cảnh phần lớn, Cảnh không muốn cho tôi đi làm ở “phòng trà tửu điếm” là phải. Có vài lần anh răn dạy tôi:

Thói thường gần mực thì đen.
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”.

E rằng tôi sẽ bị lôi cuốn vào những hộp đêm thâu canh suốt sáng không ngờ. Riêng tôi thì nghĩ câu ông bà đã nói:

Hay chăng, giữ lấy bản thân.
Nào ai giữ được mười phân vẹn toàn”. (cd)

Và cũng có thể do tính khí tôi cao thấp bất thường, Cảnh sợ chăng:

Đói cơm lạt cháo kém hem.
No cơm ấm áo, lại tìm nọ kia” (cd)

Thì khốn nạn thiệt. Tuy nhiên tất cả mọi việc tốt hay trở thành xấu, đều do mình có bản lĩnh hay không mà thôi (tôi không khắt khe nghiêm nghị suy nghĩ: nơi đó... đó... là nơi cá mè một lứa). Tốt hoặc xấu tự ở nơi ta! Suy nghĩ chín chắn cho cùng thì điều Cảnh ngăn cản, không phải là không đúng mà... trái lại rất có lý. Nhưng tôi vẫn cảm thấy bực bội, khi tôi mất đi tự quyền quyết định vài ba chuyện lẻ tẻ riêng tư làm sao ấy! Bây giờ tôi mới hiểu thấm thía sự mất tự do và phải phục tùng nầy, điều mà trước kia tôi không thể nào hiểu nỗi: Ta cần sống những giờ phút riêng tư, tự do cá nhân, để làm gì (khi ta đã có người yêu kề cận)?

Chính vì Cảnh rất yêu tôi, anh chăm lo cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, anh kiểm soát từ cử chỉ, ngôn ngữ, kể cả nụ cười (mà anh cho là tôi “ngầm ngầm” có “ngụ ý” về ai đó). Trước kia tôi hãnh diện tự hào về “cái tôi” bao nhiêu, thì bây giờ khi đi ra phố, dù vô tình có ai mỉm cười gật đầu chào hỏi, tôi cũng lo cụp mắt xuống, hay vội ngoảnh lờ nhìn đi nơi khác, khiến “bạn ấy” (bạn nam đồng môn hay bạn nam cùng nơi làm việc) họ nghĩ là tôi phách lối, kiêu ngạo, ỷ ta dây xinh đẹp “có giá”, “chảnh” khi đi “pat phố” bên người hùng Võ Bị!!!

Cảnh muốn tôi phải gần kề khi anh có phép xuất trại bất ngờ. Có mấy lần anh liều mạng qua mặt cán bộ “nhảy dù” ra phố vào ngày thường. Của đáng tội, ban đầu Cảnh không có ý làm ”trinh thám tư nhân” để rình mò dòm ngó tôi đâu. Nhưng vài lần sau khi Cảnh gặp con nhỏ Nuôi lân la “tỉ tê tọc mạch tò le... ngọt nhạt” thêm muối bớt đường, thì ...bùi tai “chàng” !!! Nên Cảnh bắt đầu lưu tâm coi thời khóa biểu của tôi: nếu tôi không có giờ trên đại học, không phải là giờ hành chánh tôi đang làm việc (vì những giờ bất thường ở đại học và công việc đột xuất bắt buộc), mà tôi “có lở” đi vắng, không có mặt ở nhà. Cảnh không thể “kèm sát” khi tôi đi đó đây một mình! (anh giống ông thanh tra kiêm kiểm soát viên nhàn hạ), Cảnh tức phải biết. Anh áp dụng tuyệt chiêu ghen hờn, giận dỗi, trách yêu... mỗi khi vắng bóng tôi.

Tôi đi sớm về khuya, anh cự nự phải biết: nhức bưng cái đầu! Mệt với anh ghê. Điều nầy khiến tôi mất tự nhiên, đâm ra khúm núm rụt rè trước mặt anh lúc gặp người quen. Tôi có mặc cảm về cái tôi... Cảnh như thế, bỗng nhiên tôi mất tự do, sợ dòm ngó, chỉ chỏ, nhất là sợ bị ràng buộc làm phiền tôi không ít. Tôi nghĩ: “Cư xử với nhau không gì đáng quý trọng bằng nghĩa ân tình chân thật, đầy tin yêu, và cũng không có gì cao trọng bằng sự bao dung, vị tha, nhân ái”. Nhất là anh phải có niềm tin yêu, tuy không đòi buộc tuyệt đối 100%, nhưng ít ra ta cũng nên tin tưởng nhau kha khá.

oOo

Năm nay là năm cuối, chỉ hơn tháng nữa là Cảnh tốt nghiệp ra trường rồi, Cảnh được phép mặc veston đi đó đây, (không bắt buộc phải mặc quân phục thường xuyên). Anh có thể đi đứng ngoài phố hoặc bất cứ nơi đâu tự nhiên, thoải mái hơn. Một hôm, hai chúng tôi vui vẻ vào tiệm phở Bằng ăn trưa. Nơi đây Cảnh có quen với một cô đang đứng gần quầy tính tiền, chẳng hiểu là thu ngân hay con cháu nhà ai, gì gì đó chả biết. Anh đến bên quầy nói chuyện vui vẻ thân thiện với người đẹp chốc lát.

Ngồi xuống chọn phần ăn xong, tôi nhìn quanh, chợt trông thấy Lễ cùng ba anh lính chiến bước lên thang lầu. Họ vào ngồi ở một cái bàn bên góc phòng. Lễ đã ngồi xuống ghế, anh ta nhìn lướt chung quanh phòng, nên cũng vừa thấy tôi, Lễ liền đứng dậy vui vẻ đến gần hỏi thăm:

- Trời! Ngọn gió nào đã thổi Thụy vào đây vậy?
- Thì chính ngọn gió lùa bão cấp 7 đã thổi Lễ đó thôi.
- Thụy đi một mình ha?
- Không. Thụy có bạn.
- … Phú ở Sài Gòn. Nó buồn và hận bạn lắm nghe. Nó sắp lấy vợ, cô ấy cũng có tên giống tên đệm của bạn đó.
- Vậy sao?
- Cho bỏ đời.
- Xạo dễ sợ.
- Lễ là bạn thân với Phú, nên biết nó đau khổ mà. Phú yêu bạn nhiều lắm nghe.
- Tiếc là hai đứa tôi không có duyên, (thật ra Phú yêu đơn phương thôi). Anh biết rõ điều nầy mà. Còn anh, bao giờ cho tôi uống rượu mừng đây?
- Lễ chờ Thụy giới thiệu cho một cô bạn ở Đà Lạt. Hy vọng mới xong.
- Chà! Trung-úy Dù oai dũng vậy, thì thiếu... giống gì!
- Đấy đấy... Bạn lầm to! Tôi đang giống cùi đây!

Tôi cười. Lễ cười ha hả và giơ tay lên trán dập gót chân chào tôi cái rụp! Anh đi trở về bàn bên kia với mấy sĩ quan bạn. Họ vui vẻ tự nhiên cười nói, ăn uống với nhau thật thoải mái. Chuyện chỉ có thế thôi. Nhưng khi tôi chào Lễ và mấy anh bạn kia, để cặp tay Cảnh ra về. Suốt dọc đường hai người ngồi trong taxi, Cảnh lầm lì câm nín không nói tiếng nào. Tôi cảm thấy bực vì biết rõ Cảnh tức tôi đã dám nói chuyện với “thằng kia” trước mặt anh. Hừ! Vậy là Cảnh không công bằng! Anh đến bên “con nọ” lân la “ỏn ẻn, xà nẹo” trò chuyện suốt buổi đó, tôi không hề có phản ứng thộn mặt xù tóc, hay bừng bừng nổi máu ghen. Hỉ!? Mà sao “anh” lại xụ mặt ra với “em”? Hay là anh bị con nhỏ “phang” hay “khệnh” cho anh một vố đau điếng; nên anh mới xù lông nhím ra, để quay lại “trả thù Đời”, làm tới với tôi hử?!

Về nhà rồi, khi đó Cảnh cứ hỏi vặn, hỏi vẹo là do đâu tôi quen họ!? Sao họ cười ha hả? Sao họ nhìn Cảnh “trừng trừng”? Tôi đã nói thật: Từ xưa kia và bây giờ chúng tôi thuần túy là bạn đúng nghĩa 100%, chả có gì mà ầm ĩ. Cảnh không tin. Riết rồi bực mình quá, tôi gắt lên:

- Anh đeo kính mát làm gì, đã không thấy rõ ràng hơn.
- Anh đeo kính mát, là để cho chúng nó khỏi quăng cát vào mắt anh.
- . . .
- Em không thấy chúng nhìn anh khiêu khích, châm chọc. Anh đã ứa gan rồi.
- Thật ra họ chẳng thèm để ý tới mình đâu. Vả lại đấng trượng phu không oán chẳng thù ai, thì mắc mớ gì tức nà!
- . . . Chưa chắc.
- Niềm tin yêu của anh giống cái cân, nếu anh thêm một trái táo, thì nó trĩu xuống. Anh lấy trái táo ra, thì bên bàn cân kia vọt lên. Chán thật.
- Do đâu niềm tin yêu vỗ cánh. Hả em?
- Em không yêu cầu vỗ cánh hay sụm cánh.
- Vỗ cánh có nghĩa là lên tiếng: mình phải đề phòng chuyện bất ngờ ập đến.
- Anh thật khéo lo xa.
- Anh không lo lắng cho hạnh phúc chúng ta sao được? Khi một mắt em thì ngời sáng tia vui mừng. Còn một mắt kia thì cụp xuống ưu sầu, ủ dột. Buồn xo.

Tôi sửng sốt, không nhớ là mình bưng tô canh rau, (tôi đang dọn cơm cho anh Dzoãn về ăn trưa), đã nghiêng đổ chảy ướt mấy ngón chân. Tôi vội vàng bưng tô canh vơi hết nửa trở xuống bếp, lại múc canh đầy tô. Tôi bưng lên đặt ở gần dĩa cá chiên, dĩa đậu xào tôm khô ở trên bàn ăn. Tôi lấy nùi giẻ lau sạch nền xi măng.

Chúng tôi im lặng khi anh Dzoãn và cháu Châu rửa tay ở ngoài sân vừa vào. Cảnh ra phòng khách nằm trên ghế bố đọc sách. Chờ anh Dzoãn và cháu Châu ăn uống xong, họ lật đật đi chạy xe lam kiếm sống thêm. Tôi lo dọn dẹp rửa chén. Hôm nay chị dâu, em, cháu “cả nhà ồn ào” ấy đã đi về bên nhà bà má, để trù tính về chuyện của Hiền và baby. Ở nhà vắng chủ, hai chúng tôi tha hồ tự do mọc đuôi tôm nha. Tôi mừng hụt, tưởng ở trong nhà hôm nay sẽ yên tĩnh chốc lát. Ai dè lại hóa ra tôi bực bội vì chuyện chả hay ho kia. Ra ngồi ngoài ghế dựa, sát bên chân ghế bố, tôi nhìn Cảnh thật lâu. Anh nghiêm nét mặt úp quyển sách xuống ngực. Tôi biết anh còn giận, bèn lên tiếng trước:

- Cảnh à. Bi giờ mình nên tiếp tục câu chuyện dang dở hồi nãy một xí nghen anh: Em biết tính anh đứng đắn, đàng hoàng. Em phục. Tuy nhiên em không bắt buộc anh, không yêu cầu anh làm điều gì, khiến anh cảm thấy buồn phiền, mất tự do. Ngược lại, nếu anh không thích em làm điều gì trái ý anh, anh cứ thẳng thắn nói với em. Mình có thể bàn thảo với nhau rõ ràng, minh bạch và vui vẻ.
- . . .
- Em không muốn mình đánh mất niềm tin yêu. Nghi ngờ, sự nghi ngờ là điều đại kỵ trong tình yêu. Từ những khúc mắc dày vò vô cớ đó, sẽ sinh ra đủ thứ chuyện không hay khác. Nhất là khi đã nghi kỵ, bị đánh mất niềm tin, mất sự tự do cá nhân. Thì cũng có thể đến lúc nào đó... anh không cần nhờ em làm người nối dõi. Vì anh cũng biết câu người xưa thường nói: “Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền. Chỉ phiền một nỗi nợ với duyên không tròn”.
- Em vẫn thích bóp nát tim anh...
- . . .
- Em quên là anh đã nói gì trước mặt ba má anh rồi sao?
- Em nhớ kỹ, không bao giờ quên.
- Đó. Vấn đề là phải chọn ngày lành tháng tốt, có dự tính rõ ràng. Tình yêu và hôn nhân không như chiếc giỏ xách, muốn xách đến chỗ nào cũng xong đâu em.
- Có nghĩa là không thể đổi khác: sớm, muộn, khác hơn dự định?
- Một hoàn cảnh rất ư tế nhị. Em à.
- Chính vì vậy mà em có con mắt nhìn anh khác nhau.
- Ra vậy! Mình dự tính khác nhau về toàn bộ vấn đề à?
- Anh muốn khi anh ra trường, hai năm sau là đám hỏi, sẽ đám cưới (chưa biết bao giờ). Còn em muốn cưới hỏi một lần. Không thì thôi.
- Vì sao bỗng dưng em lại đổi ý?
- Anh chưa hỏi em về việc nầy. Cũng như em chưa có dịp nói rõ ý định của em. Sao anh nói là: em đổi ý nà?
- . . .

Cảnh không thể nào hiểu nỗi tôi. Thật, anh không thể hiểu cái trò chơi cút bắt tình yêu nầy, không phù hợp với anh chút nào. Cảnh nghĩ tâm trí Thụy quá bất thường, như hoa lá cỏ cây thay đổi từng màu, từng mùa, thay từng cánh màu xanh qua màu vàng, thay đổi liên tục như: sáng nắng chiều mưa bốn mùa lộn xộn bất ngờ. Giống nước da “nàng” thay từ màu hồng, phút chốc chuyển sang màu trắng sau mỗi câu nói. Nhưng mà, Thụy hiểu mình muốn gì và thấu biết anh: Một chàng trai đứng đắn, khôn ngoan, thông minh, cần cù, nhạy cảm, nhiều phen đoán trúng phóc ý tôi. Anh biết hướng câu chuyện theo từng khúc ngoặt cho vừa lòng người đối diện. Cảnh giả lả:

- Chuyện chúng mình rối beng, khiến anh nhớ: Giáo sĩ áo trắng và giáo sĩ áo đen. Giáo sĩ áo trắng bảo phe kia thế nầy:
- Khi cầu nguyện với Thượng Đế, mà ta quay mặt về hướng Đông: đó là một hành vi bất kính. Cấm tiệt.
Giáo sĩ áo đen thì khẳng định:
- Thật là bất kính khi cầu nguyện với Thượng Đế: mà ta quay mặt về hướng Tây. Thượng Đế quá ghê tởm họ. Cấm tiệt.

Lần đầu tiên tôi dám bĩu môi dưới dài ra thiệt nhọn ra, coi thiệt hỗn với anh, tôi khẽ “hứ” một tiếng:

- Có lần em đã nói với Cảnh rồi: Nếu sau nầy anh đi lính, mà bị què một chân. Nếu... em là vợ anh, thì em có bổn phận phải nâng chân anh lên: kỳ cọ, săn sóc băng bó vết thương tỷ mỷ chu đáo. Anh đau ra sao, thì em đau đớn y như vậy. Nhưng bây giờ thì... thì, anh đang đứng thẳng trên hai chân cứng cáp. Em lại tự động co rút mất một chân lên nhảy cò cò, và đau buốt đợi chờ...

Anh rất hiểu tôi muốn nói gì trong ngụ ý đó. Cảnh trầm ngâm nhìn tôi thật lâu, đôi lông mày giao nhau. Anh cười gượng:

- Ở thành Babylon có cuộc tranh cãi từ hơn 1.500 năm trước chia đất nước ra làm hai phái đối nghịch, đối thù.
* Phái Một: Khi vào đền thờ Mitbra: bắt buộc ta bước chân trái vô trước.
* Phái Hai bắt buộc tín đồ khi vào đền thờ Mitbra: ta bước chân phải vô trước.
Mọi người chờ Zadig giải quyết. Ông ta cung kính cảm tạ Thượng Đế đã ban cho con người có đôi chân vững chãi. Ông nghiêm trang chụm hai chân lại bằng nhau, liền nhảy tót vào đền thờ cái rụp. Rồi ông hùng hồn đọc bài diễn văn: Thượng Đế không thiên vị ai, chẳng coi trọng chân phải hay chân trái.

Tôi nhìn Cảnh cười cười, im im liếc liếc gật gù không muốn thắc mắc. Anh ôn tồn:

- Còn anh, chờ đến ngày ra trường. Anh sẽ xếp một đống tờ giấy lịch của năm tới, anh sẽ bỏ trong thúng, xóc đều lên. Anh sẽ nhắm mắt, thò hai ngón tay vào đống giấy lịch, bốc đại một tờ. Đúng ngày nào, tháng nào, thì mình làm đám cưới ngày tháng đó. OK chưa em?

Lời bông đùa dí dỏm và hóm hỉnh têu tếu đó: không dấu nỗi quyết định của anh và tôi. Nỗi đau đớn buồn phiền âm thầm lùa vào tâm tư tôi thêm điếng lặng.

Đà Lạt buồn! Đà Lạt biết cảm thông vỗ về nỗi đau của tha nhân, nên bầu trời Đà Thành càng da diết buồn theo tiếng gió rít khe khẽ, lạnh lùng luồng qua vách ván hở. Khi sương mù giăng mắc khắp đó đây, quyện lẫn mưa phùn lất phất bay bay thẫn thờ đậu trên mái tóc ai, trong không gian ngun ngút khí lạnh ùa về ngập khung trời ốm nắng. Mùa đông Đà Lạt hắt hiu phiền muộn khe khẽ đến; đã âm thầm nhè nhẹ len lén xen lẫn trong tôi nỗi tuyệt vọng đầy tái tê.

Tình Hoài Hương

---------------------------------------------------------------
(cd) = ca dao
(*) Thơ Tình “Ấp Ủ” bởi tìnhhoàihương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012