SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

Đếm ngược

Phan Trang Hy

Mười. . . Chín... Tám... Bảy... Sáu...  

Năm.
Ngồi uống cà phê buổi sáng. Một buổi sáng trong lành. Sau cơn mưa rào khi hôm, trời lại sạch. Không khí thơm ngái mùi lá bên đường. Hương lá quyện trong hương cà phê. Trời mưa khi hôm như rửa cả những gương mặt những người ngồi cà phê buổi sáng. Tờ báo sáng đầy ắp những tin tốt lành. Không như hôm qua đầy tin dữ. Chỉ có một đêm mà mọi việc thay đổi, thay đổi như thời tiết, thay đổi như gái đồng trinh bỗng chốc trở thành đàn bà sau một lần ân ái. Bọn tôi vẫn bỡn đùa như những lần trước. Cái quán cà phê vỉa hè này không phải là quán cà phê ngon, sang trọng, nhưng trở thành điểm tụ của bọn chúng tôi trước khi đi làm. Được gặp mặt nhau một chút buổi sáng coi như mình còn tồn tại, là thấy vui rồi.

Tôi đưa ly cà phê lên nhấp – thường chỉ nhấp nhẹ từng chút. Cà phê ở Đà Nẵng này uống có khác ở Sài Gòn. Cà phê phải đậm đặc, phải có chút hương vị của gió nắng, cát muối. Chỉ cần nhấp một chút là có thể phân biệt đó là cà phê ở đâu. Bọn tôi uống ở quán này không phải vì cà phê mà vì bè bạn. Vẫn cười như mọi khi. Nhưng hôm nay, thằng Anh bỗng reo lên đầy khoái chí:

- A! A ha... Sao hôm nay có mùi đĩ thế không biết?

Tôi đưa mũi nghếch lên, hít hít xem cái mùi đĩ đó là mùi gì, ở đâu. Chỉ có mùi nước hoa.  Nhưng không xác định được ở vùng nào. Nhiều tiếng xì xào, đầy châm chọc:

- Đĩ quá! Đĩ quá đi! Đàn ông mà đĩ quá đi!

Bọn chúng tôi ngồi ở quán này đa số là trung niên, lão niên. Lâu lâu mới có vài cậu thanh niên đã có vợ ghé xẹt lờ ngồi uống. Cả bọn chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, xem ai là chủ sở hữu cái mùi nước hoa ấy. Tôi cảm thấy mùi nước hoa bắt đầu lấn át cả mùi cà phê. Át cả cái mùi hôi khét của cái bếp đỏ than tổ ong ở góc bếp. Át cả cái mùi thuốc lá đang xổ ra từ những cái miệng ghiền. Rồi tiếng cười vang lên:

- Ai cưa sừng làm nghé thế?
- Già rồi mà còn ham!

***

Trời lại đổ mưa rào về đêm. Mùi cây lá thơm tỏa. Tôi thấy nhẹ nhàng lâng lâng. Thiên nhiên sao kỳ diệu thế? Kỳ diệu như rửa những mùi, những điều khó ngửi lúc ban ngày.

***

Bọn chúng tôi lại ngồi quán vỉa hè như mọi buổi sáng. Vẫn từng ấy người ở quán. Hôm nay, không có cái mùi trai lơ, đĩ thõa. Chỉ có mùi cà phê, mùi thuốc lá, mùi khét của than tổ ong. Bọn chúng tôi nháy mắt cười chúc buổi sáng tốt lành.

Bốn.
Trời bắt đầu mưa. Những cơn mưa như xối. Đài báo có lũ đầu nguồn. Tôi nghe mà thương cho bà con sẽ chịu cảnh lũ. May mà tôi được làm việc, sinh sống ở thành phố, nên còn có thời gian để uống cà phê buổi sáng, trong khi còn nhiều người phải bươn chải từ lúc tinh mơ. Vẫn cái quán bình thường, vẫn những con người cũ. Nhưng hôm nay, khác mọi hôm là vì tôi mặc thêm áo ấm. Những chiếc áo dày, xám, như làm tăng thêm cái lạnh pha chút buồn của tiết Lập đông. Chúng tôi co ro trong chiếc áo ấm. Ngoài trời vẫn cứ mưa. Không dứt. Lâu lâu có những chiếc xe chạy qua làm bắn tung nước trên con đường nhựa. Cầm ly cà phê nóng, chúng tôi thưởng thức vị đời. Có một chút buồn, một chút hạnh phúc. Đủ cả vị đời. Bỗng, trước mắt tôi xuất hiện lão Huyênh. Lão là người uống cà phê hầu như thường trực ở quán này. Lão xuất hiện trong chiếc áo mưa ni lông trong suốt, thấy cả áo quần bên trong. Sao hôm nay lão diện sặc sỡ thế? Lão đã luống tuổi, khoảng trên 75. Dù lão mặc áo mưa, nhưng vẫn lồ lộ bộ áo quần đúng mốt, màu mè lên nước đồng bóng. Lão lên tiếng chào chúng tôi như muốn khoe có quần áo mới lạ. Có tiếng cười như muốn khen đùa vui:

- Bữa nay có người trẻ hơn cả vài chục tuổi.

Bỗng ai đó lẩy Kiều:

- Quá niên đã quá thất tuần, Bảnh bao đúng mốt, áo quần tuổi teen.

Nghe thế, cả bọn phá lên cười. Lão cũng cười theo. Và rồi, lão tìm chỗ trống để đặt cái tấm thân trên 70 kí. Nhiều lần ngồi nghe lão nói chuyện với một số người, tôi biết lão có tiền gửi ngân hàng, mỗi tháng kiếm lãi trên chục triệu. Nói chung, lão dư dả, ăn tiêu mặc sức, không sợ thiếu tiền tiêu vặt.

Nếu bạn có dịp ngồi uống cà phê cùng với tôi, chắc bạn thấy áo quần lão đang mặc rất phù hợp với vóc dáng của lão, nếu lão đang độ tuổi 20. Bên cạnh đó, bạn sẽ thấy gương mặt lão căng tròn, da thịt đỏ au. Chưa hết, lão còn đeo một sợi dây chuyền vàng to đùng. Có thể có người châm chọc, nói khía, nói cạnh, gọi đó là dây xích, có thể gọi mĩ miều hơn là dây chuyền làm đẹp thú cưng. Cái giọng của lão cũng lạ với cái tuổi của lão. Giọng lão cứ oang oang. Đúng là kẻ ăn to nói lớn! Nghe giọng lão, tôi chợt nghĩ mấy ai nghèo khó mà to tiếng được? Có lẽ cuộc sống cho lão giàu nên phải có giọng như thế cho xứng với tầm cỡ.

Tôi nhìn lão, cười. Lão cũng cười đáp lễ. Sau đó, tôi quay sang nói chuyện với thằng bạn thân. Bạn tôi đưa ly cà phê lên nhấp, rồi đặt xuống, nói:

- Mi bận tâm làm gì với lão ta! Hồi nào tới giờ, lão như thế cả mà.

Rồi qua lời kể của thằng bạn, tôi được biết 50 năm về trước, lão có máu vô duyên. Lúc đó, dù là người đã có vợ, con, nhưng lão đeo vàng ở tay, ở chân nữa kia. Cái máu ấy cũng truyền cho con lão. Dù bọn chúng là trai, là gái, chúng cũng xính xáng đeo vàng ở cổ chân, ngón chân. Chưa hết, cũng qua lời thằng bạn của tôi, mỗi lần chạy xe honda, lão nằm dài trên chiếc xe. lái bằng chân, cho xe chạy thục mạng, biểu diễn làm lé mắt những cô gái có máu mạo hiểm. Tôi cũng biết thêm, hiện giờ, lão có 3 mụ vợ ngoài giá thú. Chắc những mụ ấy có máu thích phiêu lưu cùng lão.
Tôi nhìn lão xem sao lão chịu chơi như vậy. Chợt tôi nghe lão nói, như chào khoe mọi người:

- Mình đi Cẩm Lệ đây!

Nói xong, lão gọi chủ quán trả tiền, rồi đi. Thằng bạn tôi cười, nói thầm vào tai tôi: “Lão lên vợ bé ở Cẩm Lệ ấy mà”. Qua thằng bạn, tôi biết cô gái ở Cẩm Lệ nhỏ tuổi hơn con gái đầu của lão.

Nhìn lão ngồi trên chiếc xe đời mới, vẻ trai tráng, tôi thầm nghĩ: “Chắc lão còn phong độ. Không biết lão ăn gì, uống gì mà còn đáp ứng được mấy mụ vợ như thế? Vài ba năm nữa, lão gần 80 rồi, còn gì?

Thấp thoáng trước mắt tôi là một con người lòe loẹt. Không phải chỉ một người mà là một bầy người lòe loẹt, đang rú ga, đang đeo kính đúng mốt, đang mặc những bộ áo quần sặc sỡ... Một bầy người đỏm dáng mất hút trước mắt tôi.

 

Ba.
Cuối năm. Để phòng khách có chút mới lạ, tôi tìm mua một vài bức tranh về trang trí lại phòng khách. Có năm, tôi mua những câu đối, kèm theo tranh dân gian. Có năm tôi để trống, chỉ sơ sài tấm lịch trên tường. Có năm tôi treo tranh có thư pháp. Nói chung, mỗi năm tôi cố sửa cho lạ để che lấp những chỗ xấu trên tường dù đã được quét vôi lại. Tôi đang cùng thằng con treo bức tranh Đông Hồ. Năm nay, tôi treo hai bức Vinh hoa, Phú quý mong sao gia đình được phú quý, vinh hoa. Treo để mà ước muốn chút hạnh phúc đến với mình, gia đình mình. Treo vừa xong thì có điện thoại. Chắc thằng An, bạn tôi, chớ chẳng ai khác. Đúng như dự đoán. Tôi nghe giọng nó trong điện thoại: “Anh Lan mời mi lên uống cà phê”. Tôi ầm ừ nói: “10 phút nữa mới rảnh”. Anh Lan là bạn cà phê buổi sẩm chiều của chúng tôi. Anh đã về hưu hơn một năm. Uống cà phê chung quán, thành ra quen biết. Thấy ai thiếu thì cũng có chút nhớ và thường điện rủ uống. Chúng tôi uống theo kiểu Mỹ, ai uống thì tự người ấy trả tiền. Trừ trường hợp có chuyện vui, có niềm hưng phấn thì mới bao. Tôi biết những ngày giáp Tết, hiếm có người không bận. Tìm bạn cà phê có khó. Chắc là chiều nay anh Lan bao tụi tôi.

Anh ta có tật khoe con, khoe cái. Chủ yếu anh khoe cái là chính. Bởi anh thường khoe thằng rễ. Hôm vừa rồi, anh khoe thằng rễ đi Sing về. Vừa khoe anh vừa lấy sôcôla ra mời chúng tôi thưởng thức, nói là thằng rễ mua biếu anh để anh mời bạn bè cho vui. Quả thật anh vui! Chưa hết, anh còn khoe rễ anh làm chỗ công ty nước ngoài tháng hơn cả chục triệu. Anh còn khoe thằng rễ  mua cho anh cái áo có nhiều màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng đúng mốt nhất hiện nay. Thằng rễ anh còn chở anh tới tiệm nhuộm tóc lại cho trẻ ra. Hôm nay, trông anh trẻ hơn cả chục tuổi. Đang tuổi nghỉ hưu, tai anh có lúc nghễnh ngãng, ai nói gì, cũng khó nghe. Nhưng ở anh có điều rất lạ là dù ai đó có nói thầm mà có dính dáng đến các tiếng “tiền”, “gái” là anh sáng mắt, giỏng tai lên và bắt tín hiệu rất nhanh. Anh có khiếu khôi hài và thích đọc những câu thơ, hò vè về chuyện tiền và gái. Hầu như anh thuộc rất nhiều những câu như thế. Ở anh như có cái ăngten gắn ở tai, bắt rất nhanh tần số gái và tiền.

Anh có thú tiêu khiển là đến các tiệm sửa chữa điện thoại, cop những hình ảnh tươi mát, gợi tình của các cô gái. Đôi khi anh cho chúng tôi xem vài phút video làm tình của một cặp nào đó. Anh nói đàn ông phải có máu như thế mới sống lâu.

Ngồi xuống, tôi nhìn anh kỹ hơn. Trông mặt anh tươi tỉnh hẳn. Mắt anh chớp chớp đầy sức sống. Anh xôm trò, giọng hưng phấn mời cà phê, chúng tôi khỏi phải trả tiền, kể cả tiền thuốc lá. Rồi anh móc điện thoại ra. Anh bấm bấm. Rồi anh đưa ra khoe.  Tôi chỉ thấy trước mắt mình một mảnh đất đầy cỏ. Cỏ tốt tươi chi lạ. Tốt hơn cỏ vườn nhà tôi. Như con nghé sung sức sau trận nhảy nhót, anh nói anh đã hưởng đám cỏ ấy và chụp lại vài kiểu để làm kỉ niệm. Gương mặt anh đầy hãnh diện như người nghệ sĩ vừa khám phá chân dung đẹp và ghi lại bằng hình ảnh. Anh cũng cho biết nhờ uống đông dược mà được cường tráng, dũng mãnh như tuổi đôi mươi. Anh khoe anh có bài thuốc rất độc đáo cho đàn ông luống tuổi. Đó là bài thuốc Hà Thiên Lộn. Hỏi ra mới biết đó là bài thuốc dân gian. Như anh nói, Hà ở đây là Hà thủ ô, Thiên là viết tắt chữ Thiên môn, còn Lộn là hột vịt lộn. Chỉ cần Hà thủ ô 3 đồng cân, cùng với Thiên môn 5 đồng cân, sao vàng, khử thổ, sắc ba chén còn lại 8 phân, uống liền sau khi sắc xong. Sau đó ăn hai trứng hột vịt lộn còn nóng là có thể vui thú ruộng vườn. Bạn bè nghe anh có bài thuốc tưởng thật. Té ra là chuyện đùa như ông bà ta thường đùa trong chuyện tiếu lâm.

Trước mắt tôi chỉ có đám đất đầy cỏ. Chẳng thấy người đâu. Nhưng anh khoe chủ của nó còn trẻ lắm. Chỉ như con gái đầu của anh.

Vài ngày sau gặp lại anh. Tóc anh hóa đen. Trông anh trẻ hơn 15 tuổi. Anh cười vui khoe với tôi và thằng An là anh còn thanh niên lắm.

Đùng một cái, đang ngồi uống cà phê buổi sáng, tôi nghe tin anh chết khi hôm. Bị tam phòng ở một nhà trọ.
Loáng thoáng trong tôi hình ảnh đám cỏ. Anh già rồi mà còn cày xới thì đuối sức là chuyện thường. Giờ biết nói chi đây?

Hai.
Quán cà phê này trở thành nơi tào lao thiên địa của bao người. Cứ sáng sớm, hắn đã có mặt tại quán. Cầm tờ báo trên tay, hắn liếc mắt qua những hàng tít lớn. Như nắm chắc cá tin, hắn bắt đầu mở volume. Giọng hắn át cả tiếng xe chạy ngoài đường. Hắn có cái tật khoe chữ và nói trạng. Hắn trở thành trung tâm nghe nhìn của thiên hạ ở quán. Biết là người ta chú mục vào mình, nhưng hắn vẫn tự tin thổ lộ. Cũng chừng ấy lời lẽ. Hôm qua cũng như hôm nay. Tháng trước cũng như buổi sáng này. Hắn cũng phát chừng ấy tin. Hắn có vẻ tự hào cho sự hiểu biết của mình. Không thấy ai cãi lại, mà ai cãi làm gì cho rách công rách việc, điều đó càng làm hắn tưởng hắn là kho kiến thức. Nào là chuyện văn chương chi chướng. Hắn đọc thơ của Nguyễn Gia Thiều và gọi đó là thơ của cụ Nguyễn Du; đọc thơ của Bút Tre gọi đó là thơ của Hồ Xuân Hương. Chưa hết, hắn làm ra vẻ có những nhận định sắc sảo về chính trị, kinh tế. Nào là đồng Euro mất giá, nào là vàng tăng. Nào là Mỹ chỏ mắt vào Trung Đông, vươn tay đến Châu Á; nào là Trung Hoa nuôi tham vọng bành trướng ở biển Đông. Hoặc chuyện Băng cốc bị lũ lụt, với kiến thức học lỡ dở lớp 8, hắn cho rằng sao người Thái không đổ bê tông làm đê bao quanh Băng cốc. Nếu hắn mà làm Thủ tướng hắn sẽ cho xây đê kiểu ấy... Quả thật, nếu bạn mới nghe hắn trao đổi lần đầu, chắc dễ lầm hắn có 3 bồ chữ, còn để dành cho thiên hạ 1 bồ. Hoặc nếu bạn có tính khôi hài, thì bạn cho hắn chỉ nổ cho vui. Cũng từng ấy chữ được phát ra từ cửa miệng hắn, chẳng khác chi chương trình quảng cáo trên tivi, trên đài.

Cả tuần nay, quán cà phê vẫn đông người. Nhưng chỗ hắn ngồi không có hắn. Nghe nói hắn đang luyện tập Yoga buổi sáng. Sau đó cùng mấy ả sồn sồn chạy bộ, làm thao tác dưỡng sinh. Hắn không thèm cà phê nữa. Hắn thèm đàn bà. Buổi sớm, hắn bận tập với đàn bà những nhịp điệu thể dục. Hắn bỏ hẳn cà phê buổi sáng. Hắn theo đàn bà. Tôi nghe rõ giọng ông chủ quán, không biết thật hay giả: Thằng chả đang tân trang lại, chuẩn bị kiệu người yêu mà...

Một.
Lâu lâu cũng có một vài phụ nữ ghé quán uống. Bình thường là những người theo chồng, hoặc là nhóm bạn bè gặp nhau bàn chuyện tổ chức các đợt họp mặt lớp nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, hoặc kỉ niệm ngày thành lập trường. Họ đến như cơn gió lạ dễ thương, rồi vụt thoáng qua như hình bóng mờ ảo. Chỉ có thế.
Thế nhưng, một buổi sáng, xuất hiện hai ả. Tôi thử đoán tuổi. Nhưng nhìn mặt hai ả khó có thể xác định tuổi ở cỡ nào. Lông mày hai ả được cạo nhẵn, và thế vào đó là hai vết đen được chạm kẻ tỉ mỉ trên hai con mắt được nâng cấp, tròn, gắn lông mi giả, xem tưởng là mắt búp bê. Chưa hết, trên gò má của cả hai, nổi lên vết son đỏ như má con rối nước. Làn môi của cả hai đỏ sậm. Nhìn kĩ mới biết đó là vết xăm trên môi. Hai ả mặc quần sooc trắng, áo thun trắng, trên tay cầm vợt tenis.

Hai ả ngồi bàn bên cạnh. Dù không muốn nghe, không cần nghe những gì hai ả nói, nhưng tôi vẫn nghe được câu chuyện trao đổi giữa hai người. Cả hai đang tập luyện thi đấu tài năng dành cho quý bà tuổi 60. Trời ơi! Tôi không ngờ hai ả chừng ấy tuổi! Tôi biết hiện nay có rất nhiều cuộc thi dành cho người cao tuổi, thực ra là cuộc thi dành cho người già. Qua chuyện của hai ả, tôi biết đây là cuộc thi  không những tìm sự khéo léo, thông minh mà còn tìm ra cặp đôi đẹp lão trong lĩnh vực cơ bắp lẫn sắc đẹp về già. Do thế, hai ả vừa là bạn bè từ hồi học tiểu học đến giờ, đang cố công luyện rèn thân thể, rèn luyện môn sở trường tenis. Tôi phục hai ả thật sự. Mấy kẻ biết tenis, nhất là nữ. Thế mà giờ cả hai đang luyện tập để thi đấu. Và sau đó là thi sắc đẹp. Tôi nghe rõ tiếng cười lạc quan của hai ả: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Hai ả đang muốn làm người nổi tiếng. Chỉ còn có cách như hai ả đang làm thì may có thể thành người nổi tiếng.
Bỗng tôi nghe điện thoại reng. Một trong hai ả lên tiếng:

- Alô!... Ừ!... Bà về bây giờ...

Rồi ả nói

- Rõ khổ! Ông nhà đang ốm. Không ai chở thằng cháu đi học. Tôi phải về chở cháu đi đây.

Cả hai gọi chủ quán tính tiền, sau đó đứng dậy về. Nhìn kĩ hai ả, tôi chợt nhớ ra là mình có gặp ở đâu rồi. Đợi cho hai ả rời khỏi quán, tôi ngoắc tay gọi chủ quán. Khi chủ quán đến bên cạnh, tôi bèn hỏi:

- Hai ả đó là ai thế?

Chủ quán đập vào vai tôi, cười cười, chọc:

- Bộ không biết thật à? Mụ Tình và mụ Tịt đó mà.

À ra vậy. Tôi có biết. Tôi nghe đồn hai mụ, phải gọi là mụ, chứ không phải là ả vì tuổi hai mụ quá sáu mươi, rằng hai mụ còn gân lắm. Hèn gì hai mụ chuẩn bị thi tenis và sắc đẹp.

Tôi cũng biết tin sốt dẻo cuộc thi này. Chả là Công ty Sữa Tắm Dê đang tài trợ cuộc thi cặp đôi đẹp lão. Đối tượng thi không phân biệt giai cấp, thành phần xuất thân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Với tinh thần còn nước còn tát cho sắc đẹp lúc từ giã trần gian bất cứ lúc nào, công ty sẽ tài trợ cho những người dự thi suốt quá trình diễn ra cuộc thi. Ban giám khảo gồm các ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn có hạng thuộc tuổi teen. Ngoài các phần thi giống như các cuộc thi hoa hậu từ trước đến nay, thì cuộc thi này có thêm tiết mục đánh tenis, nhảy Lambada, hoặc điệu Samba từ bên Brazil để ban giám khảo chấm và khán giả bình chọn qua tin nhắn hoặc qua mạng.

Vừa uống cà phê vừa đọc cái thông báo ấy, cả bọn chúng tôi đều lên tiếng: “Có thế chứ! Phải có sân chơi cho những người gần đất xa trời như thế là thể hiện sự quan tâm của xã hội dành cho người già. Không lẽ các sân chơi chỉ dành cho tuổi trẻ? Già rồi mới có thời gian rãnh để vui chơi chứ. Thế là tốt thôi!”.

Không may cho tôi, về nhà tôi bị cảm sốt. Không được đi uống cà phê, không được nghe tin thời sự, không xem được buổi truyền hình trực tiếp cuộc thi do Công ty Sữa Tắm Dê tài trợ, tôi thấy buồn chi lạ. Nhưng ốm phải chịu thôi biết trách ai bây giờ.

Thế rồi, tuần lễ sau, tôi khỏi bệnh và lại đi uống cà phê như lệ thường. Có đám tang đi ngang qua quán cà phê. Tôi nghe mọi người nói đó là đám tang mụ Tịt. Có người kể lại, khi ban giám khảo hỏi câu hỏi trong vòng thi sắc đẹp: “Nếu bạn là hoa trong cuộc thi này, bạn sẽ làm gì với danh hiệu ấy?”. Nghe tới đó, mụ ấp a ấp úng: “Thưa... ban giám... khảo..., thưa quý bạn... Nếu được... ban giám... khảo..., mọi người... yêu...quý...bình chọn... tôi là... hoa..., tôi... sẽ...”. Nói đến đó, mụ ngất xỉu. Một trường hợp quá xúc động đến nỗi ban giám khảo, ban tổ chức, khán giả không lường trước được.

Mụ chết khi trên đầu chưa có vương miện đăng quang. Còn mụ Tình, nghe đâu mụ đang nằm viện.

Tháng 4 - 2012
Phan Trang Hy

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012