SỐ 57 - THÁNG 2 NĂM 2013

NHÁNH XUÂN XƯA

  Bài hát vang lên từ chiếc radio nhắc cho tôi biết còn hơn hai tuần nữa là đến Tết. "Anh đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm hôm nay, anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em …..". Nếu nhân vật trong bài hát là Kỳ Thường, thay vì xin chiếc lá vàng tôi chắc anh sẽ ngắt một nhánh hoa mai biểu tượng của mùa xuân để làm bằng chứng cho tình yêu của mình. Nghe nói nhiều về " cú sét ái tình " tôi không ngờ chuyện này lại xảy ra giữa hai chúng tôi trong lần đầu gặp gỡ, nói ra mọi người thế nào cũng cười cho rằng tôi thật "sến" hết chỗ. Mới nhìn thấy nhau không lẽ giống như ông nhà thơ Xuân Diệu đã cuống quýt kêu :

"Mau với chứ, vội vàng lên với chứ. Em em ơi, tình non sắp lìa rồi …..!
Tình thổi gió màu yêu phất phới. Mau với chứ thời gian không đứng đợi."

Theo lẽ thường cái gì đến nhanh cũng sẽ vội lìa nhanh, trong tình yêu cũng vậy. Nghe nói như thế khiến tôi bỗng bâng khuâng lo lắng cho mối tình của mình. Nhưng tôi không thể ngăn cản nổi trái tim thôi nhung nhớ về anh ! Hôm kia tôi qua căn cứ rủ anh chủ nhật này về Saigon đi chợ Tết vì nghe anh nói tuần này không phải là ca trực của mình. Hai chúng tôi sẽ tay trong tay dạo chợ Tết Saigon cho thật "đã" đến khi nào mệt nhoài mới được.

Không biết từ lúc nào tôi "ghiền" đi chợ Tết Saigon cũng không nhớ. Hình như hồi tôi còn nhỏ xíu năm, sáu hay bảy, tám tuổi gì đó. Khi ấy ba má dẫn mấy chị em đi chợ Tết vào buổi tối. Ôi ! Vui quá là vui, các gian hàng giăng đầy những dãy băng giấy đủ màu sắc hợp cùng những bóng đèn xanh đỏ chớp tắt liên tục. Loa phóng thanh ồn ào hát ca, quảng cáo muốn điếc tai. Nhưng thích nhất là lúc ba má tôi ghé vào gian hàng mua kem đánh răng thế nào chúng tôi cũng được tặng thêm chiếc bong bóng bay trên có in hình ông "chà và" da đen cười nhe hàm răng trắng nõn.

Nhiều năm sau này lớn lên học trung học sau khi tan trường trên đường băng qua vườn Tao đàn, vào những ngày có chợ Tết thay vì đi thẳng về nhà nhưng vì trong lòng nôn nao cứ khiến tôi phải ghé một vòng tròn quanh chợ Saigon, dạo qua bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc nhìn những gian hàng đang bày bán ê hề đủ loại bánh mứt, quần áo, giày dép,trái cây và những vật phẩm dành cho ngày tết. Không cần phải đợi đến đêm giao thừa hay mồng một, chỉ cần nhìn quang cảnh chợ Tết là đã thấy tràn trề hương vị tết rồi. Nhiều lần nghe tôi kể về những gì mình thích, Thường không ngạc nhiên mà nói :

- Anh cũng vậy, ra là hai đứa mình có những ưa thích trùng hợp.

Rồi chàng gật gù :

- Hai thỏi nam châm đặt cạnh sẽ hút chặt vì có đặc tính giống nhau, do vậy hai đứa mình phải yêu nhau là lẽ đương nhiên.

Tôi phản bác :

- Trời, sắt, thép cứng ngắc hút nhau chẳng qua do điều kiện vật lý. Con người mềm xèo da với thịt hút nhau thế nào được ?
- Để anh chứng minh cho em xem hai người yêu nhau có giống thế hay không nhé.

Nói xong anh kéo tay tôi toan hành động khiến tôi chợt thấy mình đã hớ hênh qua lời nói nên xua tay rối rít :

- Thôi thôi, không cần anh chứng minh, em chịu thua. Lúc nào phái yếu cũng thua, bởi vậy người ta mới gọi đàn ông là phái mạnh.

Có tiếng kẹt cửa kéo tôi về thực tại, dì Nhựt bước vào thở một hơi, tôi lẽo đẽo theo dì xuống bếp rót ly nước và hỏi:

- Chừng nào bên dì được nghỉ Tết, mai con về Saigon thăm nhà và đi chợ Tết cùng với anh Thường. Dì đi với tụi con nha ?
- Mày nói trễ quá rồi, mai tao trực thế cho cô Châu cũng về Saigon sắm Tết cho gia đình.
- Năm nay dì khỏi buồn vì ăn Tết một mình, chiều mồng một con xuống.
- Sao về sớm vậy không ở lại nhà ăn Tết tới ngày tựu trường xuống luôn.

Tôi cười cười :

- Tại con nhớ dì, sợ dì cô đơn trong những ngày đầu năm mới giống như hồi trước.

Dì háy tôi một cái :

- Phải không đó ? Tử tế với tui dữ vậy ha, sợ tui cô đơn hay sợ người khác buồn vì vắng em.

Tôi ôm vai dì lếch thếch lên nhà trên miệng đính chính :

- Sợ cả hai hết mà dì, hổng phải con "có mới nới cũ" đâu. Anh Thường Tết năm nào cũng bị cắm trại một trăm phần trăm hết. Ảnh nói hiệp định Paris ký từ trước tết năm ngoái vậy mà Cộng sản có tôn trọng đâu, chiến trường còn căng thẳng gấp bội bởi họ đã lợi dụng vào đó để tấn công mạnh hơn.

 oOo

Tôi quen Kỳ Thường thật tình cờ qua dì, Năm ngoái cũng vào dịp gần Tết, nửa đêm nhân viên trực trạm y tế cạnh nhà gọi cửa báo có ca hộ sản. Như lệ thường để cho nhanh dì vẫn băng cửa rào bên hông nhà qua bên trạm không cần đi vòng ra ngoài đường. Căn nhà chúng tôi đang ở là gian nhà thờ lâu đời thừa hưởng của dòng họ ngoại tôi. Mặt tiền hướng ra con lộ chính, trước khi vào nhà phải băng qua mảnh sân rộng có cây mai tứ quý thuộc vào loại mai lão được trồng từ đời nảo đời nao. Bình thường cây mai này vẫn cho những nụ hoa đo đỏ khi nở cánh hoa bấu chặt vào đài hoa để lộ ra mấy hạt trái đen sẫm. Năm nào cũng khoảng rằm tháng chạp khi cây nảy chồi được lặt hết lá, gần ngày Tết những nhánh cây mảnh mai đã trổ đầy những nụ hoa xanh lúc lỉu, kịp đến chiều hai mươi chín, ba mươi chỉ sau một đêm sáng hôm sau cây nở bung những cánh hoa vàng lung linh trong nắng, nhìn từ xa sân nhà sáng rực một màu vàng khiến ai ngang qua cũng tấm tắc khen ngợi.

Vuông đất kề bên là khu vực tập trung các đơn vị hành chánh của nhà nước cấp xã. Nếu đi từ cổng chính vào người ta phải qua một vọng gác của nhân dân tự vệ, kế tiếp là khoảng sân đất rộng, nhẵn nhụi lơ thơ vài cọng cỏ bao quanh một bệ xi măng trên có cột cờ nằm giữa sân. Đi quá vào trong gian nhà quét vôi vàng cửa chính là văn phòng Hội đồng xã, nằm cạnh phòng họp nông dân và Nông tín cuộc, bên phải nằm ngang tiếp giáp hàng rào nhà chúng tôi là một ngôi nhà gạch cao hơn gian giữa, có bậc tam cấp dẫn vào nhiều gian phòng rộng dùng làm trạm y tế toàn xã. Phía bên kia văn phòng là dãy nhà treo bảng Cuộc Cảnh sát xã Hòa Thuận Nhứt có dăm ông cảnh sát chỉ mặc sắc phục trong giờ làm việc. Xa hơn là khu vực quân sự của Phân chi khu, đặt dưới quyền phân chi khu trưởng cai quản tất cả lính Địa phương quân, nghĩa quân kể cả đám nhân dân tự vệ ở đây.

Tiếng gọi cửa đã đánh thức luôn tôi, không sao ngũ lại được nên bỗng dưng tôi muốn lần mò qua bên trạm xem công việc của dì. Sau khi khám, dì rời bàn sanh nói với y tá trực và thân nhân về tình trạng khó khăn của sản phụ, có thể phải sinh non nhưng nguy hiểm là thai nằm không đúng vị trí nên cần phải chuyển gấp về thành phố, không thể đợi đến sáng, thai nhi sẽ bị ngộp thở ! Ở đây dì chỉ là nữ hộ sinh của trạm y tế xã, vấn đề vượt quá khả năng của dì. Mặc dù chỉ cách Saigon hơn ba mươi cây số đường chim bay nhưng muốn chuyển bệnh nhân đi ngay không phải dễ dàng vì đang trong giờ giới nghiêm. Vị trí xã lại nằm bên này bờ một con sông rộng, muốn qua lại phải dùng phà. Cũng may bên phân chi khu có máy gọi nên nhờ họ gọi giúp giùm phương tiện, dĩ nhiên dì phải theo chăm sóc cho sản phụ dọc đường. Mọi người đi rồi tất cả trở về vắng lặng riêng tôi dạ vẫn không yên, chưa bao giờ tôi thấy nét mặt căng thẳng của dì lúc ấy. Đến đêm nay tôi mới biết bổn phận và trách nhiệm của dì hết sức nặng nề khi làm công việc giúp cho những sinh mạng non nớt được chào đời. Lần này tình cờ nhìn thấy một ca sinh khó, tôi bổng bàng hoàng khi nhận ra biên giới giữa sinh và tử của kiếp người thật quá mỏng manh, mới hiểu vì sao đức Thích Ca Mâu Ni lại nói "Mạng người chỉ trong hơi thở".

 Những bồn chồn, lo lắng theo tôi đến lớp cho tới quá trưa, sau khi hết giờ dạy học tôi vội vã về nhà mong gặp dì. Nét bơ phờ hiện trên khuôn mặt vì đã thức trắng đêm, tôi mừng thầm bởi không thấy vẻ buồn rầu trong đó, tôi hỏi dồn :

- Sao ! Đêm qua sao rồi dì ? …

Thở một hơi nhẹ, nét mặt vui lên một chút, dì nói :

- Ơn trời, sản phụ đã đến bệnh viện kịp lúc, bác sĩ trực chuyển ngay lên bàn mổ tức khắc. Chỉ trễ nửa tiếng là không cứu kịp đứa bé. Chậm thêm có thể mất luôn người mẹ, bây giờ dì qua cám ơn ông Thiếu úy phân chi khu trưởng. Hôm nào dì với con ghé sang bên căn cứ Hải quân bên kia sông cám ơn ông Sĩ quan trực hôm đó luôn.
- Ủa, Sao phải cám ơn ông này.
- Cám ơn lòng sốt sắng của ổng, vì khi nhận điện từ bên này ổng đã ký giấy và điều động sẵn một chiếc xe GMC cộng thêm toán lính kèm theo bảo vệ trên đường đi. Con phải biết đi trong giờ giới nghiêm mà. Dì còn nghe mấy ông lính nói nếu trên đường đi rủi mấy ông Việt cộng chặn đường là ổng bị lãnh đủ dù việc ổng làm chỉ để cứu người.
-  Ôi trời ! Việc cứu người có thể hại đến mình cũng có người dám làm.
-  Người giàu lòng nhân ái có thể làm những việc giúp kẻ khác khi cần thiết. Lúc ấy họ không có chút đắn đo hay nghĩ đến hậu quả sẽ xảy ra cho mình sau này.

Mấy ngày sau nhân dịp tôi về Saigon thăm nhà và đi chợ Tết luôn, hai dì cháu qua bên kia sông. Rời bến phà chúng tôi ghé vào trạm gác của căn cứ, Dì nói với ông lính gác cổng xin gặp Trung Úy Kỳ Thường, tôi che miệng cười nói với dì :

- Cái tên đặc biệt quá, độc nhất vô nhị không trùng hợp với ai hết ha dì. Ông sinh con chắc sẽ đặt tên "Kỳ Công". Cháu trai thì đặt tên "Kỳ Nam", cháu gái thì phải chắc là "Kỳ Nữ".

Phát mạnh vào vai tôi dì la nho nhỏ :

- Cái miệng ăn mắm ăn muối nói giỡn bậy bạ người ta nghe được bây giờ.
- Để con nói lại người ta nghe sẽ hài lòng nha dì : "Cám ơn ông Kỳ Thường đã làm một việc rất 'phi thường', cứu hai mạng sống mà người 'tầm thường' khó làm được."

Đang ba hoa chích chòe với dì tôi bổng im bặt khi thấy một ông Sĩ quan mặc bộ đồ lính màu trắng tiến gần đến vọng gác. Nhìn thấy mặt anh chàng trẻ ơi là trẻ chỉ hơn tôi khoảng hai, ba tuổi chứ mấy. Khi chàng mời hai dì cháu tôi vào phòng tiếp khách, tôi bấu tay dì như ngầm nói thầm, người gì đâu mà :

"…Tướng mạo trông phi thường,
Lưng cao dài trán rộng
Hỏi ai nhìn...không thương !..."

Líu ríu đi tâm trạng tôi giống hệt cô gái "Đi chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp.

"...Em đi... chàng theo sau,
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu..."

Trong khi dì nói lời cảm ơn về chuyện hôm nọ, tôi ngồi cạnh mà trái tim xao động nhảy nhót lắc lư như quả chuông, người cứ như chìm ngợp trong cơn sốt khi bắt gặp tia mắt chàng nhìn lướt qua mình : "Phút đầu gặp anh, tinh tú quay cuồng. Lòng đang giá băng bổng ngập tràn muôn tia nắng,….. Ngỡ ngàng nhìn anh, như đã quen rồi. Hỏi anh biết chăng những bồi hồi đang vây kín ….. ". Lời nhạc sao diễn tả đúng y bong tâm trạng tôi lúc này, rất tiếc là tôi đã không nhớ tên bài hát.

oOo

Dì Nhựt là em bà con cô cậu với má tôi, Mẹ của dì là em gái út của ông ngoại tôi. Dì chỉ lớn hơn tôi bảy tám tuổi. Dì mồ côi cha mẹ từ khi mới lọt lòng. Tôi còn nhớ có lần ba má dẫn chúng tôi về quê thăm bà cố nội, đi trên còn đường đất quanh co giữa hai đám ruộng, xa xa có mấy cô gái quần xắn quá gối đang cấy lúa, một cô ngẩng đầu gọi :

- Chị Hai, phải chị Hai không, về chơi hả.

Má tôi ngoắc tay :

- Nhựt về hồi nào vậy ?
- Em về hồi bãi trường, con gái chị đây ha, nè cho cháu mấy trái bần chua.

Nói xong dì lội trong bùn tiến đến gần bờ mẫu thảy lên bờ cho tôi một chùm bần trái xanh lè, hình dáng nó giống trái thị nhưng dẹp hơn, tưởng ngọt như trái thị chín tôi ngoạm ngay một trái rồi phun phèo phèo bởi vị chát ngắt. Tôi loáng thoáng nghe má tôi hỏi dì :

- Cô Sáu còn đánh em nữa không ?

Dì cười rồi lắc đầu :

- Bây giờ chỉ chửi thôi, không đánh như hồi nhỏ.
- Chừng nào em về Saigon đi học lại.
- Tháng tới tựu trường em mới lên.

Má tôi móc túi lấy mười đồng gài trong bó mạ ven bờ ruộng nói :

- Cho em để dành xài.
- Chèn ơi, cho chi nhiều vậy chị Hai.

Khi chúng tôi đi khuất các cô gái, má nói với ba :

- Tội nghiệp con Nhựt, từ nhỏ đến lớn ở với bà ngoại và cô Sáu của em, nó bị đòn hoài. Mà cô ấy mỗi lần đánh là tay nắm mớ tóc dài của nó xoắn tròn cuộn lại, khi thì cột vô hàng rào, lần khác đè xuống chân mình rồi đánh chửi con nhỏ. Nếu ghét tại sao lại nuôi nó, ai cũng nói tại cô ấy vì không chồng nên khó tính, dễ nổi giận. Con nhỏ cũng giỏi, nhờ đậu đệ thất trường Gia Long nên mới được bà ngoại nó tức là bà nội của em cho lên ở nhà của ba để đi học. Nghỉ hè thì về dưới này phụ làm ruộng.

Mấy năm sau, vào năm tôi học hết lớp Nhất ba má gửi tôi ở nhà ông bà ngoại một tháng để học thêm tại một trường tư thục gần bên chuẩn bị thi Đệ Thất, tôi gặp lại dì Nhựt ở đó. Cuộc đời của một đứa trẻ mồ côi sống dưới tâm trạng thất thường của bà dì ruột đã không có chút sung sướng, khi bước vào ngưỡng cửa mộng mơ của người thiếu nữ lại chuyển sang ở với người cậu là ông ngoại tôi cũng chẳng khá hơn. Là đàn ông ít khi để ý chuyện nhà nên dì Nhựt bị bà "mợ ghẻ" xem như con ở, dì biết thân phận ăn nhờ, ở đậu nên ngoài giờ học hết nấu cơm, lau nhà rửa chén, giặt quần áo, đêm đêm phải quảy gánh ra sắp hàng ở "phông tên" đầu đường gánh đầy mấy lu nước nhà xài. Sau giờ học suốt ngày tôi lẩn quẩn trên gian gác xép nơi dì ở, lục lọi mấy quyển truyện của dì nằm lăn trên giường dọc một cách say mê, có lẽ thói quen thích đọc sách của tôi khởi đầu từ lúc này. Thấy tôi đọc ngấu nghiến khi bắt được quyển sách, dì cốc đầu tôi :

- Còn nhỏ xíu bày đặt mê tiểu thuyết.

Tôi hạ giọng hỏi nhỏ dì :

- Dì Nhựt nè, sao con nghe nói bà ngoại con là "bà ngoại ghẻ" nhưng con nhìn hoài hổng thấy bà ngoại có ghẻ vậy.

Dì che miệng cười rồi thì thào :

- Mày không được hỏi và gọi bà ngoại như vậy nữa, coi chừng bị đòn.

Tôi cũng nói nho nhỏ :

- Hông, con chỉ hỏi riêng một mình dì thôi, ngoại ghẻ là gì vậy ?
- Là không phải ngoại ruột.

Con nít hay hỏi vần lân :

- Ngoại ruột là gì vậy.
- Là người sinh ra má mày. Bà ngoại này không sinh ra má mày nên gọi là ngoại ghẻ.
- Vậy ngoại ruột con đâu ?
- Nghe má mày nói ngoại ruột mày chết lúc má mày sinh cậu Năm mày. Lúc đó má mày mới mười tuổi.

Tò mò tôi hỏi tiếp :

- Má con nói dì hồi nhỏ ở với cô Sáu, bây giờ dì lên ở với ông ngoại con để đi học. Sao lâu rồi con không thấy má của dì. Vậy má dì đâu ?
- Má tao cũng chết rồi !

Dì đáp một cách buồn rầu làm tôi không dám hỏi thêm : "Vậy còn ba dì đâu ? Dì có má ghẻ hông ?" Câu hỏi chỉ dám quanh quẩn trong đầu tôi.

Lớn lên khi học xong sư phạm, chọn nhiệm sở tôi xin về quê ngoại vì gần Saigon, tôi lại ở chung với dì. Dần dà tôi mới biết, cha dì là một người Nhật chứ không phải là người Việt Nam. Vậy ra dì là một đứa con lai Nhật. Nguyên do vì sao không nghe ai nhắc đến, dĩ nhiên cũng không ai biết ba dì là ai, chỉ biết là một người Nhật mà thôi. Nghe nói mẹ dì qua đời sau khi sinh và họ hàng đặt tên dì là Nhựt. Năm ấy là thời điểm người Nhật bị bại trận rút đi có lẽ do vậy ai nhận nuôi dì sẽ mang một gánh nặng về tâm lý, bị xã hội gọi là Việt gian phản quốc vì trong gia đình có người nhà liên hệ với ngoại nhân xâm lược, dì là bằng chứng sống. Cô Sáu bị người yêu lúc ấy đi theo kháng chiến bỏ rơi, đây là nguyên nhân những trận đòn bất thường giáng xuống dì Nhựt, nó không ngoài lý do cho người ta thấy việc nuôi dưỡng dì là chuyện bất khả kháng, ngoài ý muốn !

Đứa con lai nào cũng đẹp, Dì cũng không ngoại lệ. Bên ngoại tôi ai cũng có khuôn mặt xương xương, dì lại khác hẳn, chắc là giống cha nên có nét mặt trái xoan, hai gò má tròn trĩnh, lúc nào cũng hồng hào. Đôi mắt một mí nhưng lại tròn to sáng lóng lánh, mũi thon thon, đầu mũi nho nhỏ thanh thanh và cái miệng với vành môi cong hình trái tim lúc nào cũng phảng phất nụ cười dù đời mình không có điều gì vui. Chiếc răng khểnh trông thấy bên khóe khi dì cười có lẽ là đặc điểm cho thấy nét di truyền từ cha. Gần ba mươi tuổi tôi vẫn không thấy dì có người đàn ông của mình. Khi gặp Thường và bắt đầu yêu nhau tôi hay đem chuyện mình tâm sự với dì như hai người bạn. Một hôm tôi đánh bạo hỏi :

- Lâu nay con không thấy dì yêu ai, có phải dì đang chờ đợi ai đó nên dì chưa lấy chồng, hay là con nói anh Thường giới thiệu cho dì một ông, dì trẻ đẹp như vầy không yêu uổng lắm dì.

Dì nhìn tôi đánh trống lảng :

- Lo chuyện mày đi
- Con nói thiệt, quanh đây con thấy mấy ông lính có vẻ thích dì nhiều lắm, sao dì "vẫn cứ hững hờ". Nè nhất là cái ông Thiếu úy phân chi khu trưởng, gặp con cứ hỏi thăm dì hoài.
- Biết người ta có vợ rồi chưa mà ưng hay không ưng ?
- Thì mình đi điều tra gia cảnh trước,dễ ợt mà dì. Để con giả bộ hỏi mấy chú lính của ổng là biết hết.

Tự nhiên tôi thấy dì cười :

- Nhắc tới mấy đứa lính lác của ổng tao còn giận. Mày nghỉ coi nửa đêm hôm tao trực bên trạm thì mấy thằng khiêng cái băng ca trên có một người nằm trùm mền, cái bụng thu lu, hít hà kêu cửa "Cô Sáu ơi ! Vợ em đau bụng đẻ". Tao tức tốc ngồi dậy biểu khiêng vô phòng sanh. Tới chừng dở cái mền ra là một thằng lính đang nằm ôm cái nón sắt trên bụng. Tụi nó cười ré lên rồi bỏ chạy hết, mày nghỉ xem có giận không. Sáng hôm sau tao qua đồn mét, ổng rối rít xin lỗi hứa sẽ trừng phạt họ. Nhưng tao nghỉ lại cũng thấy tội nghiệp nên xin tha.
- Tại họ thấy dì chưa có người yêu nên chọc phá dì, chứ nếu có rồi họ không dám đâu.

Bỗng nhiên dì hỏi tôi :

- Mày nhớ cậu Bảy không hở Kim Âu ?
-  Nhớ, ổng là em Út của bà ngoại "ghẻ", con phải gọi là ông cậu mới đúng, tại gọi theo vai vế chứ thấy ổng còn trẻ măng đâu có già. Hình như ổng cũng đi lính Hải quân. Hồi ba má dắt tụi con ghé thăm ông ngoại, con có gặp ổng mấy lần với bộ đồ màu trắng có tấm "tả" sọc xanh trên cổ áo.

Dì bổng mơ màng :

- Cậu ấy nói yêu tao, muốn xin với chị cưới tao. Nhưng tao không chịu.
- Sao vậy ? Chuyện xảy ra hồi nào, con có thấy dì với ổng gặp nhau bao giờ đâu.
-  Là khi tao mới vô học trường Nữ hộ sinh đó. Mày nghỉ xem, tao gọi bà ngoại mày bằng mợ, lấy em trai bà phải gọi bằng chị làm sao gọi được.
- Vậy là xảy ra lâu lắm rồi, đã không ưng chịu ổng sao dì không lấy người khác ? Dì còn đợi chi nữa, mà dì có yêu ông ấy không ?.

Dì không trả lời tôi chỉ lặng người thẫn thờ nhìn xa xăm với nét buồn buồn trên mặt. Tôi quàng tay ôm lấy vai dì, cảm thấy tội nghiệp cho mối tình ngang trái nhưng không biết nói thế nào để an ủi dì. Vậy là từ ngày ấy dì sống với mối tình vô vọng, không để ý đến tuổi xuân chỉ có một thời trôi qua rất nhanh. Ông thi sĩ Hồ Dzếnh nói "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở à." theo tôi chỉ là một câu sáo ngữ chứ không đúng sự thực, ít ra là đối với dì Nhựt.

oOo

Những đợt lạnh cuối đông hình như đã chấm dứt, nhiệt độ bắt đầu tăng bởi đã thấy ló dạng ánh mặt trời chiếu lấp lánh khắp nơi. Cây forsythias ở góc vườn đâm chồi non nhanh nhất, những nụ hoa nở đầu tiên báo hiệu mùa xuân đến. Tôi thích hoa này bởi phần nào nó có hình thức gần giống những cây hoa mai ở quê nhà. Tuy không có những cánh hoa xòe to như hoa mai nhưng màu vàng rực chỉ lẫn sắc xanh của vài chiếc lá non thì giống hệt.

Năm đầu tiên sống ở Bắc Mỹ, ngày Tết thui thủi không bánh chưng cũng không có pháo nổ. Những năm sau vào ngày Tết vẫn phải đi làm bình thường, nhiều năm sau nữa cộng đồng người Việt bắt đầu hình thành và chợ Tết xuất hiện dù chỉ là vài gian hàng lèo tèo bán bánh mứt, bánh chưng, bánh tét. Nồi thịt kho trứng gà khiến tôi càng nhớ quay quắt những cái Tết ngày xưa ở quê nhà.
Năm kia Kỳ Thường mang về mấy nhánh cây khẳng khiu có những nụ hoa be bé, tôi hỏi :

- Anh mang cây gì về mà chỉ thấy cành, không thấy hoa lá gì hết.
- Suỵt, bí mật. Anh cũng chưa biết tên, Tết năm ngoái đi làm anh ghé nhà thằng Wilson  cho nó đi nhờ vì xe nó bi hư, thấy góc rào nhà nó có cây này đẹp quá, năm nay anh đến cắt vài nhánh đem về cắm trong bình.

Ngày Tết năm ấy, gian nhà chúng tôi bỗng rộn ràng sắc xuân hơn lúc nào hết bởi những nhánh cây mà Kỳ Thường mang về đã trổ đầy những bông hoa có màu vàng rực giống hệt hoa mai.

Hết Tết, Kỳ Thường mang chúng trồng xuống góc vườn. Cây bén rễ thật nhanh, chỉ trong vòng một năm gốc cây đã to gần bằng cổ tay em bé. Mới đầu mùa xuân cây đã đâm nhiều chồi non đầy các nhánh, trời vừa ấm là cây bắt đầu trổ hoa vàng rực.

 Mỗi năm tôi đều gửi thiệp chúc Tết cho dì Nhựt. Có những chuyện thuộc về đời sống tâm linh mà người ta không thể giải thích được. Nghiệp quả cũng là một nếu nói theo thuyết luân hồi.

Sau ngày mất nước dì Nhựt cũng bị kẹt lại như bao nhiêu người khác, đời sống phải trôi lăn theo guồng máy của chế độ. Dì được phân công vào phòng khám kế hoạch hóa gia đình, chỉ được một thời gian ngắn dì bỏ việc vì không chấp thuận làm công việc dì cảm thấy ngược lại y đức của một nữ hộ sinh. Cũng giống như bao người vì quá chán nản nhà cầm quyền, dì xuống thuyền vượt biên. May mắn thay dì đã gặp một chiếc tàu hàng Nhật Bản cứu vớt, mang tất cả người trên thuyền đến xứ sở của con cháu Thái Dương thần nữ. Không biết là ngẫu nhiên hay phép nhiệm mầu huyền diệu nào đã đưa đẩy đứa con trở về với quê cha, chuyện ấy dì chưa từng nghĩ đến dù là trong tưởng tượng.

Hình chụp dì trong chiếc áo kimono truyền thống, đứng dưới cội cây anh đào khiến tôi chợt nhớ câu "Lá rụng về cội" của ông bà xưa. Không biết ở quê cha dì có còn nhớ cây mai tứ quý trong sân nhà ngày trước, cây luôn nở hoa vàng rực vào ngày đầu năm mới. Tôi và Dì tuy đã xa quê mẹ nhưng mỗi người đều tìm thấy những bông hoa biểu tượng của mùa xuân ở nơi đang sống vào ngày đầu năm mới. Tuy hình thức có khác xưa đôi chút, cành anh đào của dì Nhựt hay nhánh forsythias tôi đang cắm trong bình vẫn là những nhánh hoa xuân ngày xưa trong đời không hề thay đổi./.

Cỏ Biển
Xuân Quý Tỵ 2013.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012