SỐ 58 - THÁNG 4 NĂM 2013

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

16.  (tiếp theo)

Dõng thức giấc từ lâu. Anh nằm bừng chờ sáng, lắng nghe đàn chim ngủ đậu cuối sông xao xác bay về biển trước khi ngày tới. Âm thanh quen thuộc từ ký ức tưởng quên xa lắc làm thân xác mềm theo trí tưởng, thấm vấy tới tận cùng tháng năm của một thời chinh chiến.  Tiếng chim đàn bay đẫm bóng thời gian choàng tới cùng lúc với cảm giác ấm áp mềm mại của niềm vui đang thực sự về lại chốn xưa. 
Dõng nôn nao bước ra hiên nhà.  Bình minh chưa tới. Hơi nước cuối đêm còn lờn vờn bay trên mặt đầm, lãng đãng che khuất vùng phố thị bên tê cửa biển sau màn voan sương trắng đục.  Chưa kịp thất vọng tầm mắt Dõng đã chạm vào ngàn hoa phơn phớt đỏ trên rặng cây uốn lượn dọc theo con đường dốc dẫn xuống bến đò.  Cây giữa sân nhà cũng ngời ngợi một màu hoa.  Về  phía viên mộ, vẫn là những cành hoa đỏ la đà chấm phá trên nóc nếp nhà mát mái cong cong ẩn hiện sau cổng torii đẹp như trong tranh cổ.

- “Vương giả chi hoa”, bông ngô đồng đó cháu.  Cũng gần mãn mùa rồi, hàng năm bông nở rộ sau rằm Vu Lan.

Dõng quay chào người cậu vợ từ nhà trong ra đứng dưới hiên tự lúc nào.

- Bông đẹp quá! Cháu chưa hề biết hoa ngô đồng đẹp tới vậy.

Tay xách ấm nước và bộ tách trà, cậu Chấn ngước mặt nhìn hoa.

- Chừng tháng nữa thì bông tàn  rụng. Hết Thu tới Đông, rồi mưa lụt lại về. Cậu Chấn cười... Buổi sáng cháu uống trà hay cà phê?  Trà thì theo ông già ni ra nhà mát.  Uống cà phê thì chờ chị em Nhi Nữ pha cho.
- Dạ, mời cậu. Cháu tính đi bộ một vòng xuống bến đò cho biết. Lúc trở lên cháu sẽ tìm cà phê mang thẳng ra ngoài đó.

Dõng dừng chân lắng nghe cậu Chấn vừa đi vừa hào sảng ngâm câu thơ cổ... Ngô Đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu... Đã bao mùa Thu qua đời cậu, biết bao lá ngô đồng vàng rụng theo mùa? Mái tóc cậu bạc phơ dưới dáng cổng torii, bước chân vẫn thong dong tự tại.   Cậu an nhiên sống đời mình, sẵn lòng với mùa của đất trời ấm lạnh hanh hao, chẳng sá chi tai ương bạo lực từ người. Lòng anh dưng vui biết mình trở về giữa lòng gia đình với bao người thân chơn chất tấm lòng.

Lúc Dõng nặng nhịp thở bước ngược dốc về tới nhà mát, mọi người ngoại trừ bé Hà còn ham ngủ hơn ăn, đang sửa soạn ăn sáng.  Trên bàn những chiếc bánh chưn nhỏ nhắn vừa được hâm nóng, lá bóc phô nếp chín xanh thơm lựng.  Thục Nữ trao cho anh rể ly cà phê.

- Chị Nhi biểu pha thêm nước sôi. Lệnh của bà là không được uống cà phê đậm. Anh uống thấy dở, ráng chịu.
- Không sao. Về thăm quê, chị Nhi của em đâm ra dễ tính, anh được uống cà phê là vui rồi.  Hi vọng là bà Nhi này theo anh về lại Mỹ.

Dõng nháy mắt cười với vợ sau câu nói đùa, rồi nhìn Nữ .

- Lúc nãy đi qua hàng cây ngô đồng trồng dọc theo đường, anh để ý có một cây lớn trội hẳn ở lưng chừng dốc, dưới gốc có đặt ba hòn đá lớn nhỏ rất công phu và nghệ thuật, có cả bình nhang. Có phải đó là nơi Niên qua đời? 

Nữ thở dài gật đầu nhìn anh chị.

- Dạ, lát nữa mình ghé thắp nhang.  Chuyện dài lắm nhưng nói chung thì toàn cảnh quanh đây, từ vườn mộ tới đường trải nhựa, hàng cây ngô đồng... tất cả có được đều nhờ tới chị Quế, chị Nương.  Chị Quế cho em biết sớm chuyện qui hoạch khu nghĩa trang ở Xuyên Thọ rồi giúp chạy giấy tờ để em mua đứt phần đất có mộ nhà. Đây cũng là lý do em đã dựng gấp khu vườn này. Nhờ rứa mà mồ mả cha mẹ khỏi bị di dời. Chị Nương thì sau khi định cư ở Mỹ không bao lâu đã gởi tiền về nhờ dì Nơi bứng một cây ngô đồng khá lớn tận ngoài đảo về trồng nơi anh Niên mất để tưởng nhớ anh.  Mấy năm sau cây lớn, mỗi ngày qua về em thấy cây đứng một mình buồn quá nên chị em bàn tính hùn tiền trồng nguyên hàng cây từ bến đò lên tới nhà. Sau này, chị Quế lại giúp em lo chạy với địa phương sửa “qui hoạch”  trải nhựa thêm con đường ôm theo hàng cây nên mới có được cảnh trí như ngày hôm nay.

Dì Nơi mời mọi người ăn bánh chưn, bà cười kể chuyện nhiêu khê trồng cây, lăn đá.

- Chuyện đánh cây ngô đồng từ ngoài đảo vô coi rứa mà dễ. Chỉ việc trả tiền, coi ngó họ đào đừng bị đứt rễ cái rồi thuê ghe chở, tới nơi mướn trồng.  Chuyển ba hòn đá nặng như cùm, rồi mướn người vai đòn leo dốc tới nơi mới là chuyện bứt gân.  Không có cháu Nữ với anh Chấn quán xuyến thì thiệt là vô phương. Cắc cớ là O Nương tui muốn đá phải từ cù lao Chàm và hòn đá lớn nhất phải là hòn đá nơi hai người lần đầu gặp nhau.

Nữ và cậu Chấn cùng gật đầu thấm ý. Cậu Chấn cười sảng khoái.

- Thời may thằng Niên làm biếng lựa chỗ “phục kích” không xa đường mòn và hòn đá hai anh chị ngồi cũng không lớn lắm. Chớ không thì có muốn mấy cũng đành chịu.
- Chị Nương gởi về cả trang thư dài chỉ đường tìm đá. Em theo thư đi tìm cứ như là đi tìm kho tàng. 

O Đà ngồi nghe chuyện, xúc động nhớ tới đứa cháu ốm yếu ngơ dại O đã tận tình chăm sóc hơn mười sáu năm trước sau khi cùng Nữ tìm đưa từ rừng rú trở về.

- Thằng Niên coi vậy mà phong lưu. Hắn đào hoa chẳng thua gì Chú Tư Cầu trong sách tuồng.  Đàn bà gặp nó, ai cũng thương cũng theo.  Chỉ có mình nó bỏ người ta ở lại mà đi, cũng như chú Tư.

Câu nói chất phác của người đàn bà quê xứ Quảng lang bạc gần suốt đời mình với sông nước miền Nam khiến ai nấy cũng bật cười mà lòng đều xúc động như nhau.  Nữ đứng dậy, trao chiếc điện thoại di động cho anh Dõng.

- Coi bộ anh Dõng phải làm tài công suốt ngày ni rồi.  Em chờ bé Hà sửa soạn xong, hai chị em sẽ cùng với  dì Chức theo anh về  Phố.  Sau đó nhờ cậu Chấn phụ anh Dõng đưa cả nhà theo dì Nơi ra cù lao Chàm chơi.  Chiều tối đón em lúc nào cũng được. Cần chi thì anh cứ gọi cho em...

Bãi biển Cửa Đại nắng tràn lên nước xanh cát trắng, gió rạt rào tiếng nhạc qua hàng dừa xanh ruồng lay tàng lá. Trên khu bãi biển công cọng rải rác những thân thuyền đánh cá nằm sấp ngửa trên cát. Mắt thuyền đỏ đen loang lổ vết sơn, đăm chiêu ngơ ngác nhìn đám trẻ con, người lớn vui nhộn nô đùa với sóng nước. Xa dọc về phía cửa biển, bãi tắm sở hữu của những khách sạn sang trọng nằm nối nhau, uể oải kiêu sa từng cánh dù mái lợp lá dừa đứng yên lặng thành hàng, nhỏ dần chìm vào cuối mắt.

Dưới một quán lều cuối bãi, Dõng ngồi nhâm nhi chai bia lạnh chờ nhóm lính thuộc quyền thời chiến tranh. Suốt buổi sáng, sau khi đưa chị em Nhi Nữ ra Phố, Dõng nhẩn nha lái ca-nô chạy theo tuyến sông ngày trước anh thường dẫn giang đĩnh đi tuần dọc nhánh sông Ô Lâu rồi Trường Giang. Trời nước vẫn xanh, rừng cây bên bờ vẫn trùng điệp một màu xưa thế mà lòng anh bổng dục tràn kỷ niệm. Nỗi xúc động trở về, ấm áp vòng tay ôm thân tình, tròn kín hết trắc trở chia lìa của bao cảnh đời.  Chừng quá nửa đường sông từ Chợ Được về lại Thuận Tình, Nữ gọi cho hay anh Đức vừa đến tiệm nhắn sẽ cùng vài người lính cũ trong giang đoàn muốn gặp thăm người sĩ quan chỉ huy của họ ở bãi biển Cửa Đại.

- Anh cứ chạy theo sông Đế Võng rồi cập vào quán ăn gần nhà lồng chợ Phước Trạch, quán kế bên bến đò qua về cù lao Thuận Tình. Cảnh khác xưa rồi, nhưng khi tới chắc anh sẽ nhận ra ngay.  Em dặn cô bạn thân chủ quán rồi.  Lợi sẽ đón anh để nhận chìa khóa ca-nô, phòng khi họ phải dời tàu.

Chuyện trò với Nữ chưa kịp dứt Dõng đã nghe  tiếng Thục Nhi nói với vô điện thoại.

- Em đang chờ để được dạy một giờ Anh Văn. Cô em tui thiệt đúng là hết chỗ để khen. O làm sao không biết mà du khách Anh, Mỹ nườm nượp hẹn giờ để được dạy ở My Fair Lady English House. Mỗi người dạy xong mừng hớn hở được tặng một chiếc đèn lồng Hải Phố.

Dõng nói đùa với vợ.

- Vậy là sắp trúng mánh rồi!  Em có “connection” nhớ kiếm cho anh một chiếc đèn lồng thiệt đẹp để đem về Mỹ tặng con gái.
- Làm răng bằng “mánh” của anh được. Sắp có chầu nhậu, vui rồi nha! Hạm trưởng nhớ cẩn thận, coi chừng tông sập quán bể bánh tráng không có tiền đền.
- O ni coi thường sĩ quan Hải Quân VNCH quá rồi đó nghe!
- Rứa thì sĩ quan hải quân nước mô ngày hôm qua cập vô cầu tàu Bãi Hương ngoài cù lao Chàm trật tới trật lui hai ba lần mới được.
- Tại hôm qua ngoài biển sóng bê chớ bộ... Thôi, đừng la lớn quá, bể hết! Hai O coi mà dẫn nhau vô chợ, đi ăn hàng cho rồi.
- Chờ anh nhắc thì đói meo ra. Hồi sáng tới chừ sơ sơ mới thử bánh đập, bánh bột lọc, cao lầu... Thôi, không lem thèm anh nữa đâu. Ông quan tàu thủy ráng mà tìm đường đi cho khỏi bị lạc.

Cảm giác hồi hộp xúc động lại ngập tràn lòng Dõng lúc ca-nô ôm vòng cù lao rẽ vào nhánh sông Đế Võng.  Cảnh xưa không còn. Bãi lưới cuối sông hoang sơ hàng dừa xanh lã ngọn năm nào giờ là một phần của khu du lịch “sinh thái” Thuận Tình.  Bờ phía cù lao,  hoang mang rình rập cánh rừng dừa nước thời chiến tranh giờ như một ốc đảo nhấp nhô vui mắt những nếp nhà sàn bằng tre gỗ ẩn hiện giữa lá dừa xanh đong đưa đón làn gió biển thổi về.  Ca-nô chạy theo dòng sông uốn lượn như lòng anh nhấp nhô con sóng kỷ niệm vỗ vờ.

Con bé gái bán hàng rong rụt rè đến đứng bên bàn khiến Dõng sực tỉnh dòng suy nghĩ. Đứa bé kiên nhẫn sắp xếp mấy gói đậu phụng rang trên bàn chưa hề được ông khách Việt kiều đụng tay tới.

- Ông Hai ăn giùm. Đậu phụng rang Tam Kỳ ngon lắm. Cháu bảo đảm, ông Hai ăn mà bị đau bụng, cháu nuôi thuốc.

Dõng bật cười nghe câu quảng cáo mời mọc của đứa bé có lẽ chưa quá mười hai tuổi. Con bé chợt ngưng nói, mắt nhìn vói qua vai ông khách.

- Hình như ông Hai có bạn tới kìa.

Dõng ngoái nhìn nhóm bạn đi cùng Đức đang đẩy một người ngồi trên xe lăn về phía quán. Anh trao cho con bé một nắm tiền.

- Cháu coi chừng này tiền mua được bao nhiêu thì bán.

Cô bé hối hả đếm rồi cuống quít trút hết đậu phụng rang lên bàn, miệng rối rít cảm ơn số tiền lời trên tay nhiều hơn cả tuần vất vả rao mời .
Nhóm lính cũ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Dõng ngăn lại lúc Đức định mở lời giới thiệu ba người đàn ông khắc khổ phong trần vừa quây quần ngồi xuống. 

- Khoan đã. Chú mày để tôi thử lại trí nhớ mình xem sao.

Người lính gầy còm ngồi trên xe lăn, ống quần màu xanh nước biển phơ phất rách bươm.  Anh móm mém cười đón chai bia từ tay người chỉ huy ngày trước.

- Ông thầy thế nào cũng nhớ ra mà.  Thằng Đức giỏi thiệt! Không hẹn mà hắn gom được cả bốn thằng em đều là thuyền trưởng chuyến tuần tiễu đầu tiên sau ngày ông thầy từ Đồng Tháp Mười thuyên chuyển về giang đoàn.

Dõng nhìn sâu lên những luống hằn cơ cực trên khuôn mặt người còm cõi.  Dòng sông Ô Lâu sáng lóe lên trong trí nhớ, hung hãn đoàn tàu phun sóng  ầm ầm tiếng cuồng nộ chiến tranh.  Làm sao mà quên được mối thân tình chiến hữu, những khuôn mặt, cảnh đời từng cùng nhau bước qua trận mạc điêu linh. Dõng thân mật gọi tên từng người lính cũ, ân cần  vỗ vai anh bạn phế binh, rồi nhét vào túi áo mỗi người một bao thư anh đã chuẩn bị trước.

- Chút chuyện lẻ tẻ này mình làm lẹ cho xong rồi lai rai ngồi tán chuyện đời.

Đức móc bao thư để trên bàn, từ chối.

- Thằng em đã có phần Ông thầy cho hôm trước rồi.

Anh trải tờ đô-la lên mặt bàn, cười nhìn mọi người.

- Nhưng ngu sao mà trả lại... Tờ này dư sức bao sân ba bốn chầu nữa. Hay là để thằng em lấy của làng làm ơn ông xã chuyến này. Còn lại mình chia đều, thay phiên làm chủ xị mấy bữa nhậu tới.

Mọi người cười vang, hào hứng cụng ly. Kỳ, người thuyền trưởng cụt chân, nốc cạn ly bia, sảng khoái kể lại kỷ niệm chẳng hề quên lần đi tuần đầu tiên với người sĩ quan tân đáo trẻ tuổi.

- Cả tuần trước đó, nghe ông Hoát quảng cáo giang đoàn sắp có một sĩ quan gốc Tuần thám rất ngầu từ  Đồng Tháp Mười về, tụi này đứa nào cũng muốn biết ông chịu chơi tới cỡ nào. Hôm đó ông thầy dẫn tàu về phía Ô Lâu chớ không phải mé Trường Giang như tuyến tuần tiễu thường lệ của các sĩ quan khác làm bọn này lo thầm trong bụng vì nhánh sông này buồn, không có tàu đò qua lại và rất nguy hiểm
- Ngầu nghiếc gì! Bị thương lủng bụng, sau ba lần hăm chín ngày tái khám không được giải ngũ nên xin về gần nhà để cưới vợ vậy thôi.

Kỳ nhìn hai bạn ngồi cạnh Đức.

- Long, Hiệp, tụi mày còn nhớ không?  Thằng Đức chạy trước, Ông thầy cầm ống dòm, ôm máy truyền tin ngồi trên mui chiếc tao, hai đứa bây đoạn hậu.  Đoàn tàu chạy giữ khoảng cách và tốc độ, xạ thủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến nhìn rất đẹp mắt làm tao thấy khoái khoái.  Ngày thường chỉ ủi bãi, xét tàu đò riết cũng chán.

Hiệp gật đầu cười khoái trá.

- Nhớ lại lúc Ông thầy xuống tàu lầm lì ra lệnh phải lên máy truyền tin một trăm phần trăm và áo giáp nón sắt sẵn sàng, báo hại phải mò xuống hầm tàu kiếm cả buổi mới ra.
- Đoàn tàu chạy ngược sông Ô Lâu khá lâu, tre dọc bờ sông dày kín thăm thẳm làm tui dẫn đầu đội hình bắt đầu thấy ơn ớn.  Vừa lúc đó Ông Thầy chợt ra lệnh chuẩn bị.  Bốn chiếc giang đĩnh cùng lúc bẻ lái 90 độ về phía trái, xả hết tốc độ lao nhanh về phía bờ sông, các họng súng thi nhau khai hỏa xối xả vào mục tiêu là một bến sông ẩn hiện dưới vòm tre. 

Nghe lại câu chuyện kể Dõng chừng như sống lại buổi trưa hè năm đó.

- Lúc quan sát dọc theo bờ sông, trong ống dòm chợt hiện ra một người đàn ông nước da trắng bệu đang tắm dưới vòm tre rủ sa gần mặt nước.  Tin vào trực giác của mình, tôi gọi máy về phòng hành quân báo tọa độ, xin lệnh cho đoàn tàu khai hỏa tấn công ngay. Tàu anh Kỳ và Long ủi bãi, tìm kiếm chỉ thấy dấu máu và khẩu súng ngắn K54 quấn trong chiếc áo kaki Nam Định bên bờ nước.

Đức cười nửa miệng, nhìn quanh  thấp giọng.

- Nếu thằng chả còn sống biết đâu hiện giờ là bí thư, bí thiếc gì đó đâu đây.

Câu nói nửa đùa nửa thật như rơi vào nỗi im lặng buồn buồn. Dõng chép miệng.

- Thôi thì cái thời chinh chiến máu me đó đã qua rồi. Chuyện đời biết thế nào là vinh nhục, nhục vinh.  Lang bạt, điêu linh, sống còn rồi gặp nhau như thế này là niềm hạnh ngộ lớn lao chẳng dễ gì có được.

Dõng rót bia cho Kỳ, bọt bia trào trắng ràn rụa lên bàn tay đen đủi gầy guộc của người phế binh.

- Tôi nghĩ hoài không ra. Cho đến cuối tháng Ba bảy lăm, tôi nhớ chú mày vẫn nguyên vẹn không thương tích gì. Tai nạn xảy ra lúc nào vậy?

Kỳ ngửa cổ uống cạn ly bia, anh thở dài mắt vẫn ngước nhìn trời không muốn để những người bạn lính thấy giọt nước mắt vừa ứa ra.
Đức đỡ lời, kể chuyện đời bạn không may những năm sau bảy lăm.

- Kỳ là dân Đà Nẵng. Cuối tháng Ba lúc đơn vị tan hàng, anh kẹt lại với vợ và gia đình không theo tàu di tản vào Vũng Tàu. Hạ sĩ quan không bị tập trung lao động, nhưng ở nhà cũng quá cha cải tạo.  Kỳ bị tai nạn phải cưa chân vì đạp lựu đạn trong lúc bị tập trung đi gỡ mìn ở Hòa Cầm, gần phi trường.

Người bạn phế binh lắc đầu cay đắng.

- Ông thầy nghĩ coi. Ai đời đi gỡ mìn mà mỗi người chỉ được phát cho một cái que sắt và cái xẻng. Mỗi sáng bới gô cơm độn, bi-đông nước, đội chiếc nón cời lên đầu bước ra khỏi nhà. Riết rồi thành thói quen lúc nào không hay. Cái thói quen buồn bã ngoái nhìn căn nhà, vợ con vào mỗi buổi sáng để lở lần trở về vào buổi chiều không bao giờ đến. Vậy mà những ngày, những tháng rất lâu sau khi chân bị cưa cụt, nhiều lần thằng em đã tiếc rẻ sao mình không được chết đi vào lúc đó. Thân xác văng lên tan tành, biến vào đất bụi, không còn chi.

Kỳ rót tràn cho mình ly nước đắng. Anh mỉm cười.

- May nhờ có gia đình, vợ con đùm bọc thương yêu nhau.  Đời người rồi cũng qua khi mình không suy nghĩ gì thêm. Kỳ chỉ tay về phía hai người bạn ngồi đối diện...  Trong đám chỉ có thằng Long, thằng Hiệp tử vi chấm “thân cư thê” nên sống nhàn.
- Nhàn theo nghĩa nào?  Không có chi làm hay không làm được chi?

Hiệp vỗ vai Long.

- Theo kiểu chủ nghĩa “xả hơi”.  Bó tay. Không làm chi được. Ông thầy biết không?  Hai thằng em, đứa Đà Nẵng, đứa Vĩnh Điện, hơn hai chục năm ni đều làm chung một nghề là chở vợ đi buôn. Sáng chở vợ ra chợ, phụ dọn hàng, chiều dọn vô. Giữa ngày thì canh me mấy thằng công an kinh tế. Phải thấm nhuần triết lý “bó tay” thì mới an thân sống được qua ngày.
- Thằng Long mới đúng là thân-cư-thê thứ thiệt. Dân Mỹ Tho, sau bảy lăm ẩn cư quê vợ ở Đà Nẵng không về Nam.  Đức châm bia cho Dõng... Ông Thầy có biết ông Khiết, hình như đã thuyên chuyển đi hạm đội tuần dương trước khi Ông Thầy về giang đoàn. Thằng Long là em họ của ông Khiết.
- Vậy sao!? Khiết, người hùng trận hải chiến Hoàng Sa với Trung cọng đó mà. Tôi có gặp ở Sài Gòn lúc nằm chờ phương tiện ra Hội An. Anh chàng lúc đó đeo lon đặc cách mới toanh. Sau bảy lăm Khiết không đi Mỹ, cũng không đi HO, không biết bây giờ ở đâu.
- Ảnh về dưới quê, sống ở Bến Tre đã nhiều năm nay. Đời người có những bước ngoặt, ngả rẽ thiệt khó mà ngờ.

Long trầm ngâm nhìn ly bia sóng sánh màu hổ phách rưng rưng, nghĩ tới người anh họ đã vài năm chưa gặp lại.
Binh nghiệp thăng tiến, Khiết cưới vợ đẹp, sống những ngày hạnh phúc mỗi khi chiến hạm về nghĩ bến Sài Gòn. Chưa được bao lâu thì miền Nam sụp đổ. Khiết bị đi cải tạo tận ngoài Bắc. Thân phụ Khiết đã đùm gói tiền vàng ra Bắc, ông thành công trong việc hối lộ cho Khiết được nhanh chóng chuyển vào trại ở miền Nam chờ ngày thả.

Người vợ trẻ đã quen với nhàn hạ nuông chiều, sống một mình giữa Sài Gòn trong khó khăn, lung lạc. Cuộc sống trên trước dễ thở, không phải đi công tác thủy lợi, lao động xã hội chủ nghĩa đã có cái giá riêng phải trả. Chuyện vợ Khiết đi lại luyến ái với người trưởng công an phường nơi nàng có hộ khẩu, căn nhà từng là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ, là một bí mật công khai mà chòm xóm chẳng ai muốn tìm hiểu. Những đôi mắt rẻ khinh còn sắc nhọn hơn lời nguyền rủa, thế nhưng sự dễ dàng trong cuộc sống đã phân bua giúp nàng cúi đầu đi tới. Vợ Khiết chưa hề tìm thăm chồng thời gian Khiết cải tạo ở miền Bắc, nhưng gã công an đã chu đáo thu xếp để nàng một lần thăm riêng chồng qua đêm ở trại cải tạo trong Nam. Sáu tháng sau vợ Khiết sinh con gái đầu lòng.

Một ngày cuối năm sau gần ba năm tù, Khiết được ra trại trở về. Tủi hổ, đắng cay nhưng anh vẫn không khỏi rưng giọt nước mắt xót xa khi nhìn thấy đứa bé gái trên tay vợ. Nhà đó, vợ đó, con chính thức trên giấy tờ đó, thế mà chàng đã mất tất cả. Khiết bỏ nhà, bỏ Sài Gòn về dưới quê sống cuộc đời thầm lặng.
Nghe xong câu chuyện buồn, ai nấy đều lắc đầu thở dài. Đức chép miệng.

- Ông thầy này đúng là đại đồ đệ của triết lý “bó tay”.  Nghe rầu quá. Ông Thầy kể chuyện bên Mỹ nghe, chắc vui hơn. Ông trưởng, ông phó, ông Hoát, ông Đức... mấy ông thầy đó bây giờ ra sao?

Mọi người chăm chú lắng nghe Dõng kể chuyện vui, chuyện buồn của những sĩ quan giang đoàn ngày trước.

- Thường thì cuộc sống bên Mỹ có thể nói là an cư nên chuyện bất trắc ít xảy đến hơn. Ít ra là không phải lo toan nhiều về đời sống vật chất.  Nhưng hạnh phúc, khổ đau thì ở đâu cũng vậy khi nói về cuộc đời, phần số nơi mỗi con người. Hai ông xếp lớn, đời tình duyên cũng lận đận không thua gì Khiết.

Long gõ muỗng lên ly bia cạn, xuống xề cải lương câu hát của Lam Phương “Anh đã lầm đưa em sang đây...”

- Hoát hi sinh đời cha lấy đời con, cưới vợ người Mỹ cao ráo. Vợ chồng sống hạnh phúc, có cô con gái rượu dáng dấp giống bố như khuôn đúc.
- Có phải ý Ông Thầy là nòng dài ngắn không tính, đã là đạn mã tử thì không thể nào cao hơn đạn thường được.

Hiệp châm câu nói đùa khiến cả bàn thấm ý cười ầm.

- Đó là ý của chú mày chớ không phải của tôi. Hoát mà nghe được nó xách vợt đánh tennis rượt cho mà chạy có cờ. Còn ông Đức thì nếu dùng sự ghen tương của vợ để làm thước đo tình yêu thì Đức là người rất khổ sở “bị” yêu...  Bạn bè thỉnh thoảng gặp nhau, kể chuyện đời xưa như bây giờ tụi mình ngồi lại với nhau.

Năm thầy trò say sưa trò chuyện quên cả buổi chiều sắp hết cho tới khi Kỳ và Long sực nghĩ tới chuyến xe đò mấy chục cây số về lại Đà Nẵng. Đức trả tiền xong trở về bàn, anh ngồi xuống thấp giọng.

- Bà chủ quán vừa lén cho hay tụi công an mặc thường phục ngồi trong quán nãy giờ. Một đứa còn ngồi ở góc quán bên kia, thằng kia chắc đi gọi công an áo vàng tới để hỏi giấy tụi mình.

Kỳ nhìn về phía bãi biển tiếp giáp với đường lớn, gật đầu xác nhận. Dõng vội gọi di động cho Nữ báo qua tình hình, dặn hai chị em cứ đi thẳng ra Phước Trạch. Nhìn nét mặt lo lắng của nhóm bạn lính cũ, anh mỉm cười trấn an họ.

- Bữa nay mình gặp nhau vui quá.  Tôi về chuyến này gấp gáp chuyện mồ mả không có thì giờ nhiều. Hi vọng lần tới, mình thu xếp được ngày giờ đi chơi đâu đó thì hay lắm.

Năm công an nón cối, áo vàng bước nhanh vào quán. Bốn người tản ra canh chừng, trong lúc người công an có lẽ là sĩ quan tiến gần đến bàn của Dõng.

- Chúng tôi được nhân dân báo cáo các anh là ngụy quân đã tụ họp nói chuyện phản động ở đây suốt mấy tiếng đồng hồ.

Dõng phủ nhận lối kết tội hàm hồ của viên công an.

- Báo cáo ông nhận được như vậy là không chính xác. Tôi có thông hành, hộ chiếu về Việt Nam để lo chuyện an táng mẹ. Công việc xong, có chút thì giờ rảnh nên muốn thăm lại bạn bè cũ đã nhiều năm không gặp. Đây là bãi biển, quán ăn đang mở cửa, tôi muốn ngồi bao lâu thì tùy tôi. 

Viên công an gằn giọng.

- Anh không được lý luận ngoan cố. Chúng tôi đưa anh về trụ sở, lãnh đạo sẽ xử lý anh sau.

Họ nhẩn nha xem xét giấy tờ, chứng minh nhân dân của bốn người lính cũ. Dõng thở phào nhẹ lòng lúc thấy họ trả lại giấy tờ cho mỗi người sau khi dọa nạt phải giải tán về nhà.  Anh luôn miệng trấn an mỗi người bạn lính lúc lần lượt bắt tay chào từ giã. 

Cả nhóm đứng quanh chiếc xe lăn. Kỳ ốm o, nấn ná với bạn chờ phía ngoài quán cho tới khi gã công an ra chĩa súng xua đuổi mấy lần mới chịu dắt díu nhau đi.  Dõng nhìn theo bóng dáng lầm lũi, tội nghiệp của những người bạn lính. Phút giây ngắn ngủi phiền hà anh đang trải qua, họ đã sống như thế cả phần tư thế kỷ qua, canh cánh thường trực. Cho tới bao giờ?                                                      

(còn tiếp)                                                                                                                                                                                         

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012