SỐ 58 - THÁNG 4 NĂM 2013

 

NGÔN NGỮ THẦM

Anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn, nghiệp vẫn y nguyên.” Godbole. [1]

Tôi  đang ngồi tránh cái nắng đổ lửa tại một trạm xe buýt dọc con đường Carson, thị xã Hawaiian Gardens, quận Los Angeles, Nam California. Từ xa thấp thoáng người đàn ông với mái tóc ụp xuống ót. Phía trước ông là hai bé gái khoảng 9, 10 tuổi. Không ai trên đầu có đội mũ. Vào giờ giữa trưa đó chẳng biết cả ba đi đâu mà trông có vẽ nhàn rỗi. Nhìn họ tôi đoán là ba cha con; giống nhau ổ chỗ quần áo của họ trông như nhiều ngày chưa được giặt.

Khi cả ba đi ngang qua nơi tôi ngồi, nhìn kỹ thấy ông ta tuổi trên dưới 40, cân nặng khoảng 100 cân Anh, tóc rễ tre sợi ngắn chĩa ra như lông nhím, sợi dài phủ gáy. Nước da bánh mật, chân mang dép cao su đã mòn lẳn; ông trông giống dân hải đảo vùng Đông Timor ở Tây Nam Thái Bình Dương. Còn hai cô gái thì tóc lấp xấp chạm vai, chân đi dép Nhật cũ và quá dài so với đôi bàn chân của hai em. Nhìn chúng đang bước đi tôi chỉ sợ chúng bị vấp ngã.

Ông đi chầm chậm với hai chân đang bước đi mà như không biết về đâu. Trong khi đó thì  hai cô gái tươi cười hớn hở có lẽ vì  lâu ngày mới có dịp đi phố. Thình lình cả hai bung ra chạy trước người đàn ông, tiếng dép vỗ lên mặt đường nghe lạch bạch. Chạy chừng mươi thước thì quày trở lại, tiếp tục chạy nữa, rồi vòng lại. Nhìn gương mặt ngập ánh mặt trời của hai bé mà, lòng tôi thay vì vui lây bỗng chùng xuống.

Xe cộ đủ loại chạy ào ào trên đường chính, cuộc sống đang lao về phía trước, tất bật, không ai quan tâm đến ba con người như bị xã hội bỏ rơi này. Tôi nhìn theo họ cho đến khi cả ba dừng lại một ngã tư có đèn hiệu; như chờ đèn xanh để băng qua đường. Bên đó có khu thương mại, tiệm bán bơ-gơ (Hamburger), chợ 99, siêu thị Đại Hàn bán thực phẩm đủ loại, nơi cung cấp dịch vụ đấm bóp, và nhiều cơ sở kinh doanh khác của người Mỹ da trắng. Từ nơi đang ngồi tôi đứng lên rồi đi đến nơi cả ba đang đứng.

Khi đèn xanh bật lên, chúng tôi cùng bước xuống đường rồi đi nhanh sang lề bên  kia. Người đàn ông dẫn hai bé hướng về tiệm bán bơ-gơ. Tôi theo sau. Đến nơi thì hai cô gái đứng lại, nhìn lom lom lên tấm quảng cáo có in hình màu mè những loại bánh ăn, nước uống. Cổ họng  hai em phồng lên xẹp xuống. Hình quảng cáo nào trông cũng hấp dẫn. Thời kinh tế Hoa Kỳ đang tuột dốc, giá mỗi bánh chỉ có $1.2 mỹ kim, tương đối cũng rẻ.

Người đàn ông cũng đứng nhìn bảng quảng cáo đó với những hình như đang réo mời bao tử. Mắt ông dán vào từng giá tiền bên cạnh mỗi thứ ăn cũng như uống. Khoảng vài phút sau thì ông ta dẫn hai cô bé gái đi hướng về phía siêu thị. Cả ba bước đi mà còn ngoái lại nhìn tấm bảng đầy hình vẽ thức ăn. Nhìn cảnh tượng đó tôi bỗng thấy buồn chi lạ. Một đứa gái giơ tay quẹt ngang mũi, hít hít mấy cái, rồi lại bước đi; đi vài bước thì quay đầu nhìn lại. Lòng tôi không chỉ thấy buồn lần nữa mà là đau nhói.  Cái đau tình cờ không hẹn mà nó cứ đến! Trên đời không nỗi buồn nào sánh ngang cơn đói ăn của bé con ở tuổi đang lớn.

Thấy ông ta nhìn tôi như nhìn một người bạn, tôi nói Good afternoon. Nhưng ông ta lắc đầu rồi cười im lặng, không hiểu tôi nói gì. Nhìn sang bên thấy hai cô bé mũi chĩa lên trời, nhưng mắt thì sáng như hai vì sao, đang nhìn tôi không chớp, và miệng mỗi cô đeo một cái cười rất bạn hữu. Tôi giơ tay chỉ vào bảng quảng cáo thức ăn treo trước cửa tiệm bơ-gơ rồi chỉ vào miệng hai bé, nhướng mắt ra dấu như hỏi:  “Có muốn ăn không?” Cả hai gật gật đầu, le lưỡi liếm môi, sắc mặt rạng rỡ. Người đàn ông hiểu ý tôi muốn mời cả ba vào quán để được đãi ăn. Ông nhìn hai con với ánh mắt như bảo chúng hãy theo tôi. Rồi ông bước theo sau. Lúc đó tôi thấy trên đời không gì to lớn hơn nỗi vui của một đứa bé sấp được quà.

Một cô dáng vóc người Mễ từ trong quán bước ra, một tờ ghi hình mẫu các loại bánh trên tay. Lại một lần nữa, tôi dùng ngôn ngữ thầm (body language) yêu cầu cả ba người khách của tôi chỉ món bánh nào họ thích. Mỗi người chỉ đại cái hình nào họ thấy là to nhất. Cô Mễ ghi tên các thứ xong bèn quay sang hỏi tôi muốn ăn gì. Tôi nói tôi cần ba lon Coca. Cô ghi mọi thứ vào tờ  hóa đơn rồi quay đi.  Nhìn sang thấy hai cô bé gái không còn ngồi yên khi mùi thơm của thịt bò nướng và trứng ráng từ bên trong tiệm bay ra. Miệng hai bé chu ra, múa vòng tròn khi bên này khi bên nọ, mấy ngón tay nhịp nhịp trên mặt bàn, mắt chớp chớp.

Khi cô Mễ mang bánh và nước cho khách của tôi, tôi ra dấu mời cả ba vào tiệc. Họ cầm bánh rồi bắt đầu ăn, không mời lơi tôi gì cả. Lúc chờ ăn thì hai bé gõ ngón tay trên mặt bàn. Giờ thì  hai tay cầm bánh, chân chúng nhịp nhịp. Sự khoái chí hiện thành người. Cảm thấy vui vui, tôi đứng lên bước vào tiệm bánh. Đến quày hàng đặt thêm ba cái bánh cùng loại, cộng ba lon Coca, bỏ tất cả vào bao giấy “To go”.

Mỗi bánh bơ-gơ ở tiệm này có hình dáng rất dễ nhìn đối với con mắt của bao tử. Bánh cao khoảng một tất tây, hình tròn bằng bàn tay, bên trong có trứng ráng, phó mát màu vàng, lát cà chua màu đỏ, tấm rau xà lách màu xanh, vài cọng hành lá, vài lát ớt ngâm giấm, một miếng thịt bò băm nướng tươm mỡ, chấm hết bằng một bệt xốt cà chua. Từ lâu theo lời khuyên của bác sĩ gia đình, tôi kiêng thứ bánh này, mặc dù trước kia tôi vẫn thích chúng đến độ mỗi tuần có thể ăn vài ba lần.

Cả ba không dám ăn nhanh, dường như sợ chóng hết bánh. Nhìn hai cô bé cắn một miếng nhỏ, vừa nhăn mũi, vừa hít hít mùi thơm của món ăn; hít cho đã miệng và đã cả mũi trước khi nhai nhai rồi nuốt, trong khi mắt thì nhìn lên trời....  Một nhà văn nào đó nói khi ngồi ăn cạnh biển, người ăn cảm như đang nuốt cả đại đương vào bụng mình. Ba người bạn tôi ngồi ăn bơ-gơ mà nhìn lên trời có lẽ cũng muốn nuốt cả trời hạnh phúc vào bụng họ hay chăng?

.Nhìn cuộc sống gần như vô gia cư của cả ba, tôi tự hỏi nếu đó là duyên nghiệp của từng cá nhân thì tôi có quyền can dự vào hay không? Và vì sao tôi phải ngồi ở trạm chờ xe buýt vào giờ đó để gặp ba cha con người này? Với câu hỏi còn bỏ dở đó, tôi đến quày  thanh toán tiền ăn, lòng cảm thấy toại nguyện và tự bằng lòng với chính mình.

Tôi cầm bao giấy bên trong có ba bánh bơ-gơ và ba lon Coca “xái nhị” quay lại bàn họ đang ngồi. Mẫu bánh cuối cùng được thanh toán xong và ba lon Coca đã thành rỗng ruột. Năm hay sáu chiếc khăn giấy chưa dùng cũng như ba cái lon không được họ chia nhau bỏ vào túi áo. Còn họ thì ngồi đó đưa mắt nhìn tôi như khoe vừa được bữa ăn ngon.

Chỉ vào bao giấy tôi ra dấu biếu cả cho họ Một trong hai cô gái, có lẽ là cô chị, đứng trên chụp lấy món quà rồi ôm nó chặt vào bụng. Cô làm cử chỉ đó nhanh và hơi quá mạnh khiến bao giấy bị bể, thòi ra cái đầu một lon nước ngọt. Cô em tóm lấy lon, rút nó ra khỏi bao rồi giữ nó trong tay mình. Đường như việc cầm cái lon Coca còn nguyên trong tay cũng tạo cho cô một niềm vui đặc biệt vui.

Tiếp theo là tôi ra dấu kêu cả ba theo tôi vào tiệm 99 gần đó. Trong tiệm này có nhiều món hàng bán ế từ các hiệu lớn thải ra, giá rất rẻ. Tôi chọn cho hai bé gái mỗi cô một đôi giày vừa chân. Sau đó thì mỗi cô còn được một cái mũ vải đội che nắng. Tôi đưa mắt mời người đàn ông ra dấu hỏi muốn mua gì thì tôi mời. Ông ta lắc đầu với miệng cười e thẹn. Tôi hiểu.

Khi ra khỏi tiệm 99, chí ngón tay vào đồng hồ trên tay, muốn tỏ cho cả ba biết là tôi phải đi. Người đàn ông nhìn tôi, rươm rướm nước mắt, miệng ấp úng nói thứ tiếng gì tôi không hiểu , trong khi hai con ông hai tay nắm lấy tay tôi, như muốn kêu tôi ở lại, mũi hai cô hít hít nhiều lần, như muốn tôi hiểu rằng nếu tôi bỏ đi thì hai cô sẽ rất buồn.

Bàn tay trẻ con có sức truyền cảm lạ thường.  Nhưng niềm vui nào rồi cũng phải tàn, nỗi đau nào rồi cũng phải hết. Tôi vỗ vỗ đầu hai em, gật gật đầu tỏ ý hiểu hai em muốn gì. Tôi chỉ tay lên mặt trời, rồi chỉ cái trạm xe buýt, cái tiệm bán bơ-gơ, chỉ cái bàn nơi các em vừa ngồi, rồi chỉ vào miệng của chúng, như muốn nói tôi mời ngày mai trở lại để ăn tiếp; nhưng không chắc cả ba hiểu được ý của tôi. Rồi đưa cánh tay chỉ chỉ xa hơn, vẫy tay ra dấu tôi phải đi. Thế là tôi bước, không quay nhìn lại. E rằng nếu nhìn lại thấy ba cha con đứng dõi theo, tôi sẽ không còn đi được nữa.

Buổi trưa hôm đó tôi nghèo đi mất $20 đồng nhưng mua được niềm vui thoáng qua cho bốn người trong đó có ba cha con người đàn ông tôi chưa từng quen biết, và vui cho tôi với khám phá lạ lùng của ngôn ngữ thầm tôi bất chợt nghĩ ra và dùng nó khá hiệu quả.

Lúc đến trạm xe buýt tôi chợt thấy ông bạn già cùng xóm đang ngồi ở đó. Nhìn tôi ông hỏi:”

“Đi đâu mà vui như vừa ở ngân hàng về thế kia?”

Tôi ngồi xuống, kể ông nghe chuyện tôi gặp ba cha con người đàn ông lạ.
Nghe xong ông nói:

“Nghiệp đó. Của đi thay người. Mừng đi.”

Mừng gì? Mừng vì được dịp “cho của đi thay người,” hay vì hai cô bé kia? Có lẽ là cả hai. Một danh nhân nào đó nói đại ý” Con là món quà Thượng Đế trao cho ta và Ngài yêu cầu ta giữ gìn lo lắng nuôi dạy chúng cho tốt. Cháu chính là những thiên thần Thượng Đế ban cho để nâng đỡ các đấng ông bà.”

Đúng vậy, tôi đã nhìn hai đứa bé con kia qua hình ảnh như thế đó. Cả hai dễ thương như chúng chính là cháu của tôi vậy. Cho nên tôi phải trải lòng mình ra với chúng và cả người cha của chúng tôi mới cảm thấy được bình yên. Rõ ràng ba cha con họ đúng là ba ân nhân của tôi vì họ đã tạo cho tôi một niềm vui hiếm có. Từ đó tôi mới hiểu vì sao có người vì lý do nào đó không con nên tìm cách xin con người về nuôi và lo lắng thương yêu như chúng là con ruột của mình. Tất cả là do nhu cầu tình cảm rất người. Và tình cảm này cũng được nhận thấy ở một vài loài động vật khác [2].

Đêm  đến, trước giờ ngủ, tôi nhớ cả ba cha con người đàn ông người đời cho là nghèo  khổ đó và đã cám ơn họ đã đến với tôi, cho tôi đôi phút suy tư về đau khổ mà từ bao lâu mọi định chế giáo dục trên đời này có hằng nhắc đến. Biết bao biện pháp đưa ra để diệt cội nguồn của chúng mà chúng vẫn còn hoài. Ngay nhiều tu sĩ tân thời cũng vướng nợ áo cơm và nợ gia đình con với vợ.

Hôm sau, tôi cầm cuốn truyện đang đọc dở, rời nhà đi đến ngồi chờ tại trạm xe buýt, vừa đọc vừa nhìn hai hướng đường, ý  mong bóng dáng ba cha con người tôi gặp ngày hôm rồi. Hơn một giờ đồng hồ đã qua mà không thấy họ trở lại. Tôi cảm thấy mình như vừa bị mất ba người bạn thân thương; mất luôn cách đành đoạn.

Từ khi bắt đầu hiểu được cái lẽ vô thường của vạn vật và cái tương quan bất biến giữa duyên và nghiệp, tôi đã tạo cho mình một không gian ảo. Trong không gian này, tôi trang trọng trưng bày những động vật tôi mến thương, phần lớn là con người. Hôm đó tôi đã thêm hình bóng của ba cha con người đàn ông vào cái kho tàng kỷ niệm của mình, để họ sẽ không bao giờ bỏ tôi lần nào nữa.

Dù cho năm tháng có tuần tự trôi qua, những hình bóng đó vẫn phương phi, vẫn nguyên màu tươi trẻ. Đi đâu tôi cũng mang nó theo như con rùa mang cái mai của mình trên lưng làm nơi nương náu. Những khi tôi cảm thấy quá đỗi cô đơn thì tôi tưởng tượng đang nhìn vào đó thì để thấy bóng dáng bạn bè thân thương, nhiều khi tôi còn nghe được tiếng nói của họ y như họ đang ở cạnh tôi trên trần thế này. Họ như những vì tinh tú, còn đó nhưng ban ngày tôi không nhìn thấy vì ánh sáng mặt trời quá chói chang, hay ban đêm khi họ đang ở phân nửa bầu trời phía bên kia.

Thôi thì cả ba người hãy bỏ tôi lại đây mà đi đi. Hãy đi để hiểu rằng những gì con người cho là đau khổ chỉ là những thử thách và những bài học từ luật tiến hóa trong trời đất mà ra. Không có chúng thì trí khôn con người sẽ bị thui chột, mất cả suy tư. Hiểu rõ ý nghĩa thật của đau khổ rồi thay vì tiêu diệt chúng thì nên đồng hành với chúng. Đó là tích cực. Làm ngược lại là tiêu cực, là đẩy sự bình an ra xa thân tâm chính mình.

Vậy thì các người hãy đi theo sợi dây vô hình của định phận đang kéo bước chân  mỗi người trong chúng ta, không ai chạy đâu mà thoát được ¨

Tiểu Đĩnh


[1] Truyện A Passage To India do tác giả E.M. Forster và Santha Rama Rau viết thành kịch bản. Giáo sư Godbole là một nhân vật trong truyện này.
[2] Loài chim cánh cụt (pinguin) ở Nam Cực khi bị mất con thì tìm cách đánh cắp con của chim khác mà nuôi. Con báo trong rừng  khi bắt khỉ mẹ ăn thịt rồi thì đem khỉ con về để bên cạnh.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012