SỐ 59 - THÁNG 7 NĂM 2013

 

Sinh Nhật và mùa Xuân Nepal

Đường xa còn ướt mù sương
Thế Tôn Người đã dặm đường pháp du
(Vũ Hoàng Chương)

Mùa Xuân ở Nepal thật đẹp. Buổi sáng hôm nay tiết trời se lạnh và vạn vật như chìm trong một lớp sương mù dày đặc, lung linh, huyền ảo. Cây thu đủ ốm tong, đứng đơn lẻ bên hiên sảnh đường khách sạn, biến thành một chiếc dù đen nổi bật trên nền trời màu xám khói. Trong bức tranh mờ ảo này, vàng của dãy hoa vạn thọ, xanh của hàng cây vô ưu cũng nhợt nhạt trong sương mai. Người gác cổng bản địa nhàn hạ, bâng quơ nhìn cánh cổng sắt, nghĩ vu vơ về biên đạo hiện hữu của giai cấp một thời. Điếu thuốc trên môi, bị kẹp giữa hai ngón tay đen đúa, thỉnh thoảng lóe lên một tia sáng đỏ rực như con đom đóm lẻ loi trong đêm hè nhiệt đới.  Trên độc lộ buồn hiu trước cánh cổng, cỗ xe bò chậm rãi lững thững lăng bánh về phía trước tuồng như hướng về một nơi vô định. Hơi thở phì phò, hai con bò ốm trơ xương hông, mặc cho chiếc ách, thứ gông cùm quả báo của tiền kiếp đang đè trên cổ, lê những bước nặng nề.  Chân đi vang những âm thanh lốc cốc, lịch kịch trong tịch mịch nghe như rơi vào chỗ tịch liêu. Bây giờ và nơi đây là của cánh đồng cỏ hoang, nơi có những đám rơm bốc khói xám. Trong căn chòi  thấp, bên bếp lửa căn quán bên đường, mùi khói rơm, mùi curry, “chai”,  phân bò lẫn lộn, đặc thù. Trong khoảnh khắc, xa lộ, cao ốc, cùng những sản phẩm văn minh khác, như đã bị bỏ quên xa lắc bên kia một biển trời.

Đoàn du khách đủ hạng người, tuổi tác và giai cấp, co ro, hấp tấp theo sau mấy chiếc y nâu hướng về chiếc xe đò đang nhả khói chuẩn bị cho cuộc hành trình về hướng Bắc. Hành trình vô quá khứ!

Chiếc xe đò cũ kỹ, tàn tích thời văn minh thuộc địa, lười biếng khởi hành trong sương lạnh. Tạm biệt ngôi nhà khách chiêu đãi món ăn sáng có cháo trắng với đậu phộng rang bơ xa lạ. Tạm biệt ngắn ngủi chiếc nệm ấm áp trong căn phòng thoang thoảng mùi curry mới quen. Cao độ tăng dần, đường gập ghềnh, nghiêng ngả. Chiếc xe hùng dũng kiên nhẫn lách mình, né tránh.  Người trong xe cũng vì thế lao chao. Qua khung cửa kính là một buổi sáng sương mù của Nepal, buổi sáng đầu Xuân. Trong lớp sương xám đó, nhà cửa, cây cối hai bên đường khi ẩn, khi hiện, lúc xa, lúc gần như trong một cuốn phim đen trắng thời tuổi nhỏ.

Đó đây, trên con đường đá sạn, gai gốc, một hai người đàn bà chân đất, trong bộ sarie có gam màu cũ kỹ, thản nhiên lùa bầy dê băng ngang, dưới bóng râm của hai hàng cây cao vút trên không đang chau đầu thì thầm tình tự. Con độc lộ dài thư năm tháng mà ven biên thì không gì ngoài những căn chòi bốn thước vuông giữa cánh đồng khô trơ trọi. Bầy dê ốm như người chăn,  ra đi lúc mặt trời chưa thức giấc, gặm nhắm tất cả những gì có thể vói được trên con đường làng vắng lặng, và trở về lúc sương hãy còn ướt lá. Cùng một con lộ. Một hàng cây. Bụi cỏ. Cuộc đời lặng lẽ trôi. Mặt trời cổ tích mọc phương Đông, ngã về Tây.

Từ hư không, thỉnh thoảng một vài tiếng kèn xe vô duyên ré lên chát chúa xé tan nỗi tịch mịch muộn phiền. Hình như tiếng kèn xe dụng ý chỉ để ông tài xế già tự đánh thức hơn là kêu gọi sự cẩn trọng của những người bộ hành đang qua lộ trong trạng thái dửng dưng thời cuộc. Tốc độ khoan thai, nhẹ nhàng, chậm rãi trong thế giới của loài koala nghiện ngập. Có tiếng cầu kinh lâm râm trên xe. Một vài người đang lim dim cặp mắt ngái ngủ cũng vội vực dậy tâm linh cùng cầu cho một ngày bình an. "Nguyện ngày an lành đêm an lành..."(Kinh Nhật tụng)

Xe qua một con phố đông người. Đám du khách ngạc nhiên đến độ sửng sốt: tất cả là đàn ông! Râu tóc cứng khô, nước da đen màu đất. Chốn thị tứ này lại là chỗ của tu mi. Đàn ông bán chạp phô. Đàn ông chiên bánh. Đàn ông nấu thức ăn... Hàng quán chật chội, san sát, lấn ra cả lối xe đi.  Từ lề đường đến những gian hàng sụp xệ với mặt tiền bề ngang rộng chưa đến ba thước, có nơi quá gần. Gần đến độ chỉ một cánh tay vói là người trên xe có thể lấy được đồ đang bày. Ở đây không có cô hàng nước, bà bán xôi mà là ông bánh chiên, anh chủ quán trà. Tất, tất cả đều do đám mày râu đảm nhiệm. Cả một con phố, lẽ ra thì không đến độ tồi tệ lại vô tình trở thành lộn xộn, dơ dáy do thiếu vắng những đôi bàn tay mềm mại. Hàng quán vì thế trở thành đen đúa, rác rưới bừa bãi. Trong quầy rau cải, rổ legumes có mấy lọn rau đắng, (chắc là cũng trồng sau hè như đề tựa một bài thơ, hay ở đâu đó, đã làm cảnh trang trí trong một câu thơ mộc mạc: “Rau đắng xanh, trái ớt đỏ. Chấm nước tương cùng cỡ sơn hào..."(đdh)). Nhưng dù thế nào đi nữa, một cách công bằng mà nói, thì đây vẫn là thế giới của Nepal, của một Vương triều trong quá khứ, từng là nơi sanh quán của một thánh nhân, bậc Thầy của nhân loại... Văn hóa tồn tại đã ngàn năm. Du khách đến rồi đi. Thứ chim di lạc tổ, ngứa cổ lên lời xúc phạm, ngạo mạn phẩm bình.

Riêng về niềm tin của người Nepal thì không ai có thể sánh bằng. Thử hỏi, có một nơi nào trên trái đất mà ở mỗi ngã ba đường lại là một chốn ấm áp  để gởi gắm tâm linh với một ngôi tượng Phật trang nghiêm, bề thế, thay vì một bùng binh kịch tính được trang sức lạnh lẽo đầy hoa?

Cuối cùng thì chiếc xe cũng đến được điểm mong ước một cách an toàn, như đáp ứng lòng người. Trước đôi cổng sắt, một tấm bảng ghi: Cổ Thành Kapilavastu! Vương triều dòng họ Thích! Qua cánh cổng sắt là vào Thánh địa của lịch sử tâm linh loài người. Tôi sẽ đứng trên thềm xưa, hòa mình vào vương quốc cổ.

Cổ thành của người xưa đầy những cây hoa gạo đỏ, màu phấn hoa huyền thoại thủy chung đến giờ vẫn điểm trên trán người bản xứ. Những đóa hồng miên hoang dã đỏ rực trên thinh không, xen lẫn giữa cái xanh bạt ngàn  của trăm cây vô ưu đại thụ. Tôi nín thở, rón rén như một cậu bé con, đếm từng bước chân mò mẫm trên nền cũ rêu phong, nhìn từng viên gạch mong tìm ra dấu hài xưa. Lần theo lối cỏ, con đường mòn dưới bóng cây gạo hoa đỏ dẫn vào cổng thành Đông, từ đây Người đã cùng kẻ hầu cận lặng lẽ ra đi tìm ánh đạo vàng khi sao Mai vừa ló dạng. Đường xưa mờ nhạt trước mặt. Mây trắng lung linh phủ ngang đầu. Cây đại thụ còn đó vươn dài những cánh tay nuối tiếc níu thời gian dừng lại. Bình minh đã lên. Mặt trời e dè, khép nép qua những tàng cây bồ đề đã ngàn năm tuổi, đánh thức đám chim nhỏ hòa tấu khúc  chào buổi sáng líu lo. Khói lam nhè nhẹ tỏa. Rừng thiêng tĩnh mịch, phảng phất mùi hoa gạo năm xưa. Vó ngựa như đâu đây rền vang. Tiếng chân người dập dồn. Hồn ai thấp thoáng quanh đây. Chỉ không đầy thêm mười dặm đường về hướng Tây là vườn Thượng Uyển, nơi Người đã Giáng phàm trong mưa hoa và gió nhạc. Hồ tịnh liên. Vườn ưu đàm. Lòng tôi chùng xuống, cảm xúc dâng trào! Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi! Và trong đầu là cơ man nghi vấn: Tôi là ai trong xa xôi quá khứ? Tôi đã làm gì trong tiền kiếp để bây giờ duyên lạc trên nền cỗ của Người xưa?

Xa xa, cả một dòng sông dọc theo lối Người ra đi năm xưa hiện ra như một giãi lụa mờ. Có phải trời hãy còn mù sương hay có hạt cát nào đã lạc vào mắt tôi?

Đường Du Hào
3/2013

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013