SỐ 60 - THÁNG 10 NĂM 2013

 

Cái Hộp Tên Su

Bất thần nhớ ngọn thầu đau,
đông về rụng lá cúi đầu trước sân...
ddh

Buổi trà đàm được tiếp tục như thường lệ lúc gần chín giờ sáng sau hơn 30 ngày vắng bóng Ðại Ðức Minh Hữu (Thầy đi thăm một sư huynh đệ tại Virginia). Chủ, khách cũng bao nhiêu đó người: Thầy Minh Hữu, ông Hân, Khan và Mr. Su. Ðịa điểm vẫn là hậu tổ chùa Liên Hoa, tại chiếc bàn bầu dục mặt mica láng bóng, kê dọc tấm vách nơi có bảng danh sách các thí chủ đóng nguyệt liễm cho việc trùng tu và bảo quản chùa.Chùa Liên Hoa nguyên thủy là một thánh đường Baptist của người Ðại Hàn. Chùa nằm xếch xếch bên bìa phố trong một xóm vắng khá tĩnh mịch. Qua bao năm tháng đổi thay, bây giờ thật khó mà hình dung lại được ngôi thánh đường trước khi bị biến dạng. Từ tổng thể, ngôi nhà đã bị đổi hướng. Bên ngoài, nơi mà trước đây là mặt sau của thánh đường, bây giờ trở thành mặt tiền đường với một cổng tam quan bề thế và hướng ra đường 14. Trong nội thất, căn phòng mà ngày trước các tín hữu dùng chứa những chiếc quan tài đựng xác trước khi chúng được mang vào làm lễ thánh để hưởng nhan Chúa, nay đã được cải biến thành một thư phòng cho mấy thầy tạm trú khi vãng lai. Ngoại trừ khu nhà vệ sinh và nhà bếp, phần còn lại biến thành hậu liêu. Chùa không rộng mấy. Tất cả mọi sinh hoạt đều xảy ra tại cái không gian chu vi chừng đó thước vuông bên sau chánh điện. Nên chi có gọi là hậu tổ, hậu liêu, hay trai đường cũng chẳng có gì sai. Hậu tổ chùa Liên Hoa không to nhưng bày biện rất thanh nhã và trang nghiêm. Ðứng giữa là bức vẽ chân dung Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma với gương mặt quắc thước, hai hàng lông mày vảnh ngược trông oai nghiêm. Hai bên trái, phải là bàn thờ hương linh người quá cố được thân nhân ký thác thờ cúng tại chùa theo truyền thống bao đời trong các ngôi chùa Việt. Ở đây, trong hậu tổ, ngoài cái TV cổ lỗ sĩ, nặng nề choán chỗ, còn có một chiếc bàn bầu dục nơi dùng cho thầy trú trì tiếp khách, uống trà, mạn đàm. Ngoại trừ các ngày lễ lớn thường nhật chùa cũng thưa người lui tới, nếu không muốn nói đến bốn người trong hội trà.

Không biết cái trà hội này bắt đầu từ lúc nào, ai là người sáng lập và quy luật như thế nào nhưng có một điều rất rõ ràng là số thành viên từ lúc ban đầu và cho đến bây giờ vẫn chỉ có bốn mạng. Không tăng, không giảm. Bốn người: Thầy Minh Hữu, Ông Hân, Khan và Mr. Su.

Căn phòng mập mờ ánh sáng từ cây đèn bạch lạp ốm tong teo. Mùi nhang khói, hương trầm thoang thoảng.

Thầy Minh Hữu, trà chủ, ngồi đầu bàn bên ngoài, mặt hướng về một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng, nhỏ, tọa thiền trên tòa sen miệng mỉm cười nhìn đóa lan tím chưng trong chiếc bình con. Ông Hân ngồi tựa vách, đối diện Khan và Mr. Su. Trà chủ nhẹ nhàng rót đầy những chung trà nhỏ trước mặt mọi người rồi nâng ly. “Mời! Wish we all have a good day, chúc tất cả một ngày an lành!”

Thầy Minh Hữu người Huế, tuổi khoảng ngoài ba mươi. Gương mặt xương xẩu với hai lưỡng quyền cao và đôi mắt sáng. Thầy bộc trực, ăn nói lớn tiếng giọng Huế rất nặng, ai không quen nghe, khó hiểu. Khi vui, lúc gặp người, nhằm đúng chuyện, thầy hứng thú cười hố hố âm thanh đồng nội, chất phác.

Thầy từ Việt Nam mới qua vài năm nay theo diện tu sĩ do thỉnh mời từ nơi xa trước khi đến đây. Tiếng Anh của Thầy Minh Hữu còn rất giới hạn và rất Huế. Những lúc ngứa cổ mà lại không tìm ra được cách diễn đạt trong số từ ngữ cấp vỡ lòng trong lớp 'tiếng anh ngôn ngữ phụ' ESL, Thầy cứ xổ tiếng Việt thoải mái trong những giờ uống trà làm Mr. Su phải ngẩn tò te.”Như hôm ri,” thầy vừa nói vừa móc trong túi áo Nhật Bình ra một phong thư. “Có một bà cụ cúng dường cho thầy. Thầy chưa khui ra, cũng chưa dám nhìn đến vì khi đưa phong bì bà 'dạy' cho một câu làm thầy giựt mình, bị sốc. Bà nói Thầy nhận cái này nghe, nhớ tu còn hành nữa đó. Phật tử bên ni chi mà lạ rứa, dạy luôn cả mấy thầy! (cưới to) Nhưng đừng vì thế mà khó chịu rồi sanh sân hận, để chuyện đó đánh mất năng lượng tu tập bao năm tháng của mình thì uổng. Rứa mới tu! Có chi mô! Họ không biết thì không có tội. Thầy cũng đã phát nguyện đại giới đàn tỳ kheo, cũng tam sư thất chúng minh chứng đàng hoàng chớ phải nơi. Rứa chứ khi mô thì cũng bị mấy bác dạy hoài vì mình nhỏ tuổi, chừ bằng con cháu họ thôi. Phật tử bên ni tức cười ghê, không biết họ có học phép tắc chi không.”

Trong lúc ông Hân và Khan gật gù nửa đồng tình nửa cho qua chuyện với thầy Minh Hữu, Mr. Su thận trọng lướt qua xấp giấy quảng cáo nhưng thỉnh thoảng, Mr. Su lúc lắc cái đầu ra dáng không đồng ý khi bị đứng bên lề buổi nhàn đàm đã đi quá xa trên đường ngôn ngữ. “Thay Minh Hew, lại nói tiếng Việt again!” Mr. Su nhắc nhở “you must try English as much as you can, nếu muốn học ngôn ngữ”.- I knew that but couldn't help. Ông giáo già này răng mà khó tánh như ri. So what are you doing? Hello! are you reading? Aren't you supposed to be with us? Không nói mà lại đọc báo!

- Oh, forgive me, my master. I am buying stuff for my coming trip.
- OK. then; you shop, we talk.

Ðể yên Mr. Su cặm cụi với tờ rơi, thầy Minh Hữu quay qua với Khan và Ông Hân giải thích:

- Mr. Su sắp đi xa. Lần này ông đi Việt Nam, Thái và Nepal. Trước khi đi ông mua đủ thứ đồ lỉnh kỉnh làm quà tặng người nơi ông đến.

Nghe đi Việt Nam, ông Hân hỏi ngay:

- Thầy mới nói Mr. Su sẽ đi Việt Nam?
- Dạ. Nhưng đây đâu phải lần đầu!
- Không việc gì chớ?
- Việc gì là việc gì? Có chi mô nờ. Lần đầu tiên Mr. Su đi, cách đây cả chục năm rồi. Thầy nghe ông ta kể lại nên biết Mr. Su tâm lý lắm. Trước khi đi, ông mua sắm đủ thứ đồ chơi, đồ dùng. Không đắc lắm, giá vừa túi tiền thôi. Ðồ cá nhân mang theo thì ít chỉ có chiếc kèn trompet còn quà cáp thì cả bao tải. Khi đến nơi, ông thổi kèn giúp vui người viếng chùa và phát cho họ quà. Mr. Su nói rằng cán bộ an ninh lúc đầu có theo dõi, quan sát những nơi ông đi, người ông tiếp xúc, nhưng những gì Mr. Su làm chỉ là thổi kèn và phát quà. Ðến chùa nào Mr. Su cũng chỉ làm có vậy. Ông lân la với mọi người loay hoay làm công quả, lau chân đèn, quét lá... Người địa phương, nhất là mấy người già đến chùa dần dần có cảm tình, đám nhỏ thì suốt ngày quay bên ông đòi quà kẹo. Cả những người công an tổ phố cũng hề hà, vỗ tay tán thưởng sau khi nghe ông thổi kèn và nhận quà. Mr. Su được mọi người biết đến như một ông già thổi kèn. Ông nói người ta khi không hiểu nhau thì hay nghi ngờ lắm, nhất là các cán bộ công an địa phương. Họ chỉ muốn “box” mình vào một chiếc hộp. Nếu mình nằm yên trong đó thì họ sẽ an tâm, “no problem”. Bây giờ thì Mr. Su trở thành một thứ “Papa Noel chay” (ở chùa thì làm gì có thờ Saint Nicholas!).

Thật ra Mr. Su chỉ giống Ông Già Noel ở cái mập mạp, hàm râu và chiếc bụng bự, quá khổ. Ngoài ra từ cái tên Jesus, mái tóc và hàm râu thì giống hệt Chúa Jesus chịu tội trên thánh giá. Mr. Su tên thật là Jesus, trong tiếng Mễ phát âm là [Hêsu]. Là một người gốc Mễ, theo đạo Thiên Chúa, to con, vạm vỡ, Mr. Su đã phục vụ trong quân đội Mỹ hai nhiệm kỳ trong cuộc tương tàn tại Việt Nam. Một ngày sau Tết Mậu Thân, cùng đồng đội đang đóng chốt trên đường phố Sài Gòn, ông nhìn thấy một đoàn chư tăng đi khất thực lặng lẽ yên bình giữa cảnh đổ nát hoang tàn. “It's so peaceful. How could it be amid of a chaos?” Ông chợt tỉnh, tìm ra lời giải. Sáng sớm hôm sau, Mr. Su đến ngôi chùa đầu ngõ, xin quy y. Tàn cuộc chiến, Mr. Su trở về sống với một người vợ gốc Nhật. Không theo kịp với cuộc sống vật chất, đua đòi của vợ, Mr. Su ra tòa ly dị. Một ngày mùa Ðông, ông tìm ra địa chỉ chùa Liên Hoa. “Tôi như tìm lại được cái tĩnh lặng của lần mục kích mấy Thầy đi khất thực ngày nào.” Mr. Su nói “Hơn thế nữa, tôi tìm ra được câu hỏi vì sao tôi chơi kèn lâu như thế nhưng tiếng kèn lại quá tệ. Tôi đã không bằng lòng với tiếng kèn của chính mình. Nó sao sao ấy. Rồi tôi đưa chuyện này nói với thầy Minh Hữu, Thầy bảo hãy trút bỏ những thói quen khi thổi và bắt đầu trở lại. Thế là tôi tìm được cái đáp án. Tôi đã chạy trước khi đi! Bây giờ thì tôi chỉ cần hít, thở, lim dim đôi mắt thì tiếng kèn tôi sẽ dài, sẽ trong, và những ngón tay của tôi sẽ lướt nhẹ nhàng hơn. Tôi thích quá nên chẳng còn muốn giữ cái laptop. Tôi tặng cho master Minh Hew để thầy học thêm tiếng Mỹ, viết báo, and becomes busy. Now he is a busy monk!”
Ông Hân, nãy giờ theo dõi câu chuyện về Mr. Su, lên tiếng:

- Thầy ơi; nói thì nói vậy thôi, sự thật vẫn còn tùy. Người trong nước có thể vui vẻ với Mr. Su, nhưng chưa chắc họ hồ hởi phấn khởi welcome mình. Chính phủ thì tuyên bố mình là khúc ruột ngàn dặm, nhưng về đến phi trường là đã đổi khác. Thật là khó hiểu. Các nhân viên phi cảng thái độ cứ lạnh lùng. Các cô tiếp viên trên máy bay cũng vậy. Họ vừa toe toét với một anh da trắng, nhưng đến phiên mình thì nụ cười ấy tắt cái phụp cứ y như ngọn đèn gặp bão cấp 5.

Khan vò vè hai ngón tay:

- Hay là bác không lót cái xanh xanh dưới passport?
- Không. Tôi không cho là vì tiền. Họ có mặc cảm.

Mr. Su trở lại kinh nghiệm bản thân:

- Không có gì lạ lùng và phải suy nghĩ. Họ chưa thấy cái 'hộp' của anh. Chỉ vậy thôi!

Ông Hân năm nay ngoài 60. Ông vừa nghỉ hưu sau hơn 30 năm làm việc. Ngày di tản, ông Hân là một sĩ quan trẻ, hăng hái, có định hướng rõ ràng. Bước lên đất Mỹ, ông từ bỏ giấc mơ trở thành một nhà hàng hải ưu bác, đi học và làm công chức chính phủ tiểu bang. Biển đá hóa cồn dâu, quê hương mà lúc ra đi ông nghĩ không bao giờ gặp lại, đã một đêm biến dạng, xã hội lật ngược, con người thay đổi. Và đổi thay xảy ra ngay chính trong nhà. Số là ông Hân có dự tính sẽ về Việt Nam nghỉ hưu nên cách đây một năm, ông đã chuyển một số tiền về cho cậu em mua miếng đất 'water front' cất một ngôi nhà lý tưởng ở ngoại ô một thành phố biển. Vợ chồng ông chưa kịp dọn vào ăn tân gia thì cô em dâu ông Hân, người mà ông tin tưởng cho đứng tên căn nhà, đã gởi bức thư cho biết vợ chồng cô đã bán ngôi nhà và số tiền một nữa là phần chia vì hai vợ chồng không còn sống chung.

Còn chuyện ngoài ngõ thì đám người xưa ở trong bưng, từng khàn cổ kêu gọi thân nhân nước ngoài gởi tiền giúp đỡ, ngày nay đã trở thành đại gia ở biệt thự, đi ô tô xịn. Con kiến các đại gia này đi học trường ngoại, chơi toàn iphone và Apple lap top. Chúng Mỹ hóa, nói tiếng 'Việt-pha' nào là 'cháu tuổi 'tin', cháu bị 'xì trét', thôi 'bai' nha nghe phát khó chịu. Ðô la đổ vào lên bạc tỉ hơn cả tiền viện trợ, nhưng 65 % dân nghèo vẫn nghèo, thất học trong lúc con kiến đám quan lại giàu đi du học thoải mái, ngay ở nước cựu thù, chúng có nhà cửa, xe cộ, mua trả bằng tiền mặt, ngon lành ngay đến thân nhân bản địa cũng phát thèm và ganh tị: “mình làm chết xác, gởi tiền cho bố chúng nó. Con mình tự túc, bỏ quyển sách xuống là đi rửa chén nhà hàng. Chúng nó thì cứ như hoàng gia, ăn xài xả láng”. Ðiều làm ông Hân ngỡ ngàng nhất là một số đồng hương làm hai ba việc, ngày làm hãng xưởng, cuối tuần cắt cỏ kiếm thêm, quanh năm dành dụm gởi tiền về để giúp thân nhân trong lúc đám người này tư cách lại y chang các trọc phú. Ðối với bang giao quốc tế, giao hảo láng giềng, trước năm 75, người Tàu là nước anh em, môi hở răng lạnh. Thuở đó trên báo chí, Truyền hình, nhan nhản hình ảnh lãnh tụ hai nước ôm nhau, 'bear-hug' thề sống chết bằng 16 chữ vàng, 4 chữ tốt. Bây giờ tin tức đưa đi hà rầm 'thằng Tàu cộng chiếm đảo, giết ngư dân'. Trong lúc đó, tên đế quốc xâm lược bất ngờ trở thành kẻ chiến hữu. Hai bên trao đổi hợp tác quân sự; tàu bè, hàng không mẫu hạm, khu trục cặp bến liên tục coi như bến nhà.

Những diễn biến này xảy ra hàng ngày ở quê hương, ngoài xã hội cũng như trong gia đình làm ông Hân trở thành một người lẫn lộn như kẻ mắt bệnh Alzheimer. Cái định hướng tỏ như sao lúc vượt biên giữ cái mạng cùi nay biến thành ngọn đèn bạch lạp khi mờ khi tỏ. Chánh/tà, tốt/xấu, đúng/sai, bạn/thù như bàn tay xấp ngữa.

- Cái 'hộp' của tôi là gì? Ông Hân gay gắt “Tôi là tôi. Tôi không biết thổi kèn, tôi ghét tặng quà cáp. Tên tôi không phải Jesus!
- Ðồng ý. Họ sẽ tặng ông một cái 'hộp' tên Hân cũng như Tôi đã nhận cái 'hộp' “Ông già thổi kèn”. Ðiều quan trọng là người bị nhốt bên trong cái 'hộp', Tôi và ông vẫn là tôi và ông, bất biến là được.

Thấy sự nặng nề của câu chuyện, Thầy Minh Hữu nhắc khéo:

- Nước trà nằm trong bình trà khi rót vào chung hay tách uống vẫn vị trà! Trong lúc cái thể trà thay đổi, tánh trà vẫn giữ nguyên. Mr. Su, it's your turn to serve tea.
- My honor!

Bàn tay “hộ pháp” với những ngón tay chuối ngự của Mr. Su ôm gọn chiếc bình trà nhỏ. Ông lim dim đôi mắt, miệng lẩm bẩm bài kệ uống trà. Rót trà xong, Mr. Su nâng ly mời.

- For your health. Tuần trà thứ ba, kính.

Thầy Minh Hữu gõ một tiếng chuông nhẹ. Tất cả bốn người cùng nói:

- Mời!

Ðường Du Hào

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013