SỐ 60 - THÁNG 10 NĂM 2013

 

Đường Chiêm bái (1)

Em đi để lại mùi hương
Bóng xa vừa khuất con đường xin theo.

THI VŨ

1. Lưng chừng trời Dharamsala

Người bốc xanh vào lá. Núi dựng thẳm từng dãy chạy theo rừng tùng. Chân trời rơi thỏm vào bên kia nắng. Chiếc xe bus lầm lủi đưa chúng tôi qua các truông đèo bất tận. Mười hai giờ chạy từ thủ đô Tân Đề Li lên Dharamsala dưới nhiệt độ dương 43.

Kéo chiếc cửa gương, gió phả theo hơi nóng tràn vào. Đầu như chiếc gàu múc từ lòng thẳm giếng bao hình bóng cũ nhưng hiện tiền. Trên vùng đất này, bên chênh vênh núi dựng, tỏa xuống khắp lưu vực sông Hằng, thái tử Tất Đạt Đa từng đi qua. Bước chân Người đã viết đậm thao thức mấy nghìn năm trước. Đánh những dấu hỏi thành trời xanh, thành trăng sao xao động, thành tịnh độ mười phương.

Người tôi đầy Phật. Tuổi thơ không mất. Tuổi thơ còn mãi trong đầu và trên đường. Tôi chỉ bước lại, dẫm đúng, miết mải một hành trình.

Dharamsala, một thành phố treo. Cheo leo giữa trời và núi. Thủ đô tạm của người Tây Tạng đấu tranh. Năm giờ sáng khi xe chúc mủi từ chân đèo đâm thẳng vào mây, tôi tự cảm nơi đến của mình là đây. Một đêm thức trắng, một tháng mong ngóng chuyến đi. Chỏm núi này và thành phố đó sẽ là khúc quanh tâm hồn chăng. Có như đã thấy, đã sống không khí ấy vào một đêm huyền bí bốn mươi năm trước trong khu trường thuốc ở phương Tây. Thấy được nhận vào đáy óc chiếc mắt nhìn miền ngợi ca.

Sáu giờ sáng, xe xòa vào đám người nhộn nhàng đang rẽ bạt. Máy rù rì thoắt ngừng. Anh ét dùng chiếc khăn cáu bẩn lôi từ cổ áo đẫm mồ hôi lau mặt, tay mở cửa xe. Đoàn người thiêm thiếp trong mộng bỗng nhỏm dậy, tủa ra. Một khoảng trời xanh trên đầu, một bình bồng người và thửa đất ân cần trước tiệm Mc'Llo mở xuống như một cái duỗi chân trên hai con đường hẹp chính của thị trấn. Dưới xa rừng tùng ngan ngát, núi vây quanh chập chùng.
Đến từ phương tây, khách du chờ đợi những dãy nhà san sát cao tầng, đường sá rộng thênh xe cộ. Á châu trả lời đơn giản bằng người, hay danh xưng một thị trấn. Nơi tôi đang đứng tần ngần giờ này : McLeod Ganj. Thị trấn đỉnh cao của Dharamsala.

Nhớ năm 1969, khi qua Vạn Tượng, thủ đô nước Lào, tôi ngạc nhiên gặp một huyện thôn bé nhỏ bất ngờ. Nhỏ hay lớn nẩy sinh từ so sánh. Tôi vừa qua Nam Vang, đi Tokyo rồi quày lại Lào trên đường tam giác ba thủ đô. Cũng từ đó tôi hiểu thủ đô hay thị trấn có cái bên ngoài lớn bé, nhưng tự nội và thực chất vẫn là người. Người ở Lào, ở Vạn Tượng, là con người thong dong thư thái và hiền dịu nhất tôi đã gặp. Chỉ cần một cái đẩy mạnh, họ hòa tan vào không khí, vào lá nắng và rừng sâu. Những người Việt lên ở đấy lây theo tính mộc mạc chân tình. Vạn Tượng trả cảm giác tôi về với Huế. Huế lớn lao khi tôi đến ở những năm 6, 7 tuổi. Nhưng Huế bỗng nhỏ nhắn khi tôi đi xa qua những tinh cầu thị trấn khác trên mặt đất mông lung.

Ở Vạn Tượng tôi gặp lại Tôn Thất Kỳ. Anh có chiếc xe Volkswagen trắng mới toanh. Một đêm anh chở tôi đi trong bóng tối mù mịt. Chốc chốc vài ngọn đèn treo, thả lẵng sáng tiêu sắt vào trong hao hụt. Xe đổ trước một nhà sàn, tiếng Kỳ vọng kêu bà Năm. Lời đáp rạc rời : đóng cửa rồi ông ơi ! khuya rồi ! Lúc ấy Kỳ mới giải thích, mình tính dẫn cậu hút chơi một tẩu thuốc phiện. Tôi bật ngửa người chưa kịp phản ứng, thì đầu óc chợt nhớ Nguyễn Tuân. Hai chúng tôi cùng thích văn Nguyễn Tuân. Biết đâu Kỳ không muốn mở lại cánh cửa sổ còn mờ nhạt bóng một kẻ tài hoa cô lụy ?

Thời cư ngụ đường Paul Bert, vài khi ở trường về, tôi hay leo tường nhìn sang nhà hàng xóm. Một người đàn ông mặc áo the nát, gầy nhom nằm bẹp trên phản gỗ. Cạnh ông ngọn đèn dầu lạc bẩn cáu ánh khói. Ông vân vê dọc tẩu, rít hơi, rả người vào làn khói bâng quơ. Mắt lờ đờ bay bổng. Nơi căn phòng hắt hiu thinh lặng ấy, thỉnh thoảng một tiếng ho húng hắng không vượt nổi màn không gian câm lạnh nhờ nhờ. Chỉ tiếng kêu the thé một người đàn bà Bắc vọng lên nơi sân ngoài khứa cắt cõi âm âm. Người đàn ông duỗi dài thân xác mình tới vô tận thời gian trong hộp không gian cách ly. Lâu lâu thêm một hai bạn hút chen chúc vào thế giới đáy tầng, biến căn phòng thành điểm chợ của những tứ chi quờ quạng.

Mặc thế giới bên ngoài dồn dập tiếng phi cơ B.29 cùng những tin tức thế chiến hai sôi động. Tấm mành đung đưa theo tim bấc ngọn đèn dầu lạc ở cửa vào là lá chắn thế sự. Phải chăng tôi là người độc nhất có thể đưa luồng thông tin đột kích. Nhưng đôi mắt tôi lặng thinh và trí tưởng tôi mơ hồ.

Cũng tại Vạn Tượng, một ông chủ hiệu sách người Việt đã tặng tôi toàn bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Số là hồi đó có dịp ghé Nam Vang theo lời mời của Hoàng thân Sihanouk, mỗi đêm tôi đều mua một tờ báo Việt ngữ do nhà nước Kampuchia xuất bản. Hình như tờ báo do Hoàng thân làm chủ nhiệm chủ bút. Nhưng một bộ phận khác biên tập. Báo lạ lùng. Bài viết ở trang đầu gồm xã luận và tin tức ngày nào như ngày ấy ca ngợi tình hữu nghị Kampuchia Việt Nam. Nhưng trang hai đăng toàn những bài viết hằn học, bêu xấu tính tình gian xảo của người Việt, "cần tiêu diệt chúng như dí vào đầu kiến". Đọc xong vài số tôi không còn muốn tiếp tục thứ cơm mới chuyện cũ. Thế nhưng khi báo phát hành vào lúc nửa khuya, tối nào tôi cũng mò xuống phố mua một tờ. Lật vào trang ba đọc feuilleton Tiếu Ngạo Giang Hồ. Những chiêu thức Phong Thanh Dương dạy võ công cho Lệnh Hồ Xung lôi hút vô song. Tôi khám phá Kim Dung trong trường hợp bất ngờ như thế. Sang Vạn Tượng nghe có hiệu sách Việt, nên cố tâm đi lùng mua. Vừa kể xong cuộc khám phá ở Nam Vang, ông chủ hiệu sách người Gia Hội, liền đem bộ sách 15 cuốn tặng tôi. Nằn nỉ thế nào ông cũng không khứng nhận tiền.

Bây giờ Vạn Tượng đã xa. Chiến tranh mấy bận, hiệu sách ấy còn không và người chủ thanh nhã kia bây giờ ở đâu ? Riêng Tôn Thất Kỳ phiêu bạt tới California, ngày ngày ngồi chiêm nghiệm câu thơ "Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp".

Bây giờ tôi vừa đến Dharamsala. Một đoạn đường mới. Một cuộc đời khác.

Khách sạn Tibet nơi tôi cư ngụ có bảng yết trong mỗi phòng như sau : " Khi đi vắng hoặc ban đêm, xin quý khách nhớ đóng cửa sổ. Vùng này có nhiều khỉ". Gay cấn ở chỗ trời oi bức trên 40 độ, không có máy điều hòa, lại phải đóng kín cửa khi ngủ ư ? Một anh bạn ngoại quốc than với tôi rằng hoa trái anh mua ăn chưa xong đã mất. Tôi liền chỉ tấm bảng, anh ồ một tiếng mừng rỡ : May thật, tôi cứ nghi nghi ngờ ngờ, chả lẽ người dọn phòng lấy chăng ? May thật !

Khỉ ở với người. Và người tin người. Bài học thứ nhất ở Dharamsala.

Thị trấn ở đây đông đúc người Âu Mỹ. Nhưng ít xi lô xi la như các nơi. Họ có mặt như một sự khước từ đời sống Tây phương. Ăn chay, đi chân đất, mình quấn mảnh lungi hay sa-rông, tay chống gậy đi rừng. Hành trang là gió và bụi với bị vải nhẹ thênh. Gái trai già trẻ, họ kéo nhau ngồi la liệt chuyện vãn lúc đêm về suốt con đường Baghsu. Họ tụ tập về đây học Phật, chờ nghe Đức Dalai Lama ban những thời pháp thường niên. Có người mới đến, người đã ở một, hai năm.

Trái đất bé nhỏ, hôm ở Tân Đề Li gặp một chị nữ người Pháp, sạch sẽ, tinh khôi, ngơ ngác hỏi đường. Chị tâm sự cả đời chưa bước ra khỏi ngỏ. Đây là lần đầu tiên ra ngoại quốc, đi xa tận Á châu. Đi cho biết. Thoắt một vài hôm sau, tôi gặp lại chị ở Dharamsala. Lần này miệng tươi cười nhí nhảnh, không rụt rè mấy hôm trước. Đi với một đoàn bạn người Âu vừa gặp. Chị bó người trong bộ trang phục Tây Tạng mộc mạc, gợi cảm. Cứ như người vừa về lại quê hương. Dọc đường tôi làm quen với một chị người Gia Nã Đại. Chị kể ba mươi tuổi đời rồi, hồi trước ngày nào như ngày ấy đến công sở làm việc. Một hôm tôi tự nghĩ, chả lẽ cả đời mình cứ đều đặn nhàm chán như quả lắc đồng hồ sao ? Thế là tôi ngưng hết mọi sự, bỏ việc và quyết định lên đường. Thoạt qua xứ Népal, leo núi tuyết Hy Mã, đi khắp miền Bắc Ấn, nay về ở Dharamsala. Cộng lại ba năm rồi. Hỏi đời sống tiện nghi, ăn uống dư thừa bên Bắc Mỹ không gây khó khăn gì cho chị ở đây sao ? Chị bảo hoàn cảnh nào con người cũng sống được, miễn tự mình biết vui thích. Thức ăn ở Ấn lúc đầu khó hợp, nhưng lâu riết cũng quen. Duy phải cẩn thận với nước uống thiếu vệ sinh ở đây. Có lần vì nước tôi bị kiết lỵ xuýt chết ở Népal. Bác sĩ, y tá đều bảo khó qua khỏi, thế rồi bỗng dưng lành sau ba tháng nằm bệnh viện. Một thanh niên Thụy sĩ, tôi gặp ở Bodhgaya sau này, cũng có cảm nghĩ tương tự. Anh bảo ôi chào ăn uống ở đây khó tránh bệnh lắm. Có tránh cũng chẳng khỏi. Mà không ai tránh được bệnh đâu, cứ bừa đi khắc quen. Đau thì đau có sao đâu, đau lâu cũng hết, tôi chẳng kiêng kỵ gì !

Một hôm vào hạ tuần tháng sáu, tất cả các chùa Tây Tạng đều thỉnh đại hồng chung và thắp đèn sáng rực. Các chùa vừa được tin một người Pháp ở Paris tự thiêu cúng dường cho Tây Tạng sớm được giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đức Dalai Lama. Mọi người cầu kinh siêu vãng. Hôm sau tất cả các hiệu buôn Tây Tạng ở Dharamsala đều đóng cửa ghi ơn và nguyện cầu.

Vào chánh điện trang nghiêm chùa Tsuglak Khang nằm đối diện dinh thất Đức Dalai Lama, tôi quán niệm trước vạc tường madala "Bánh xe thời gian" (Kalachakra). Bỗng thoáng lên trong đầu câu thơ của Vũ Hoàng Chương "Thơ cháy lên theo với lời Kinh" (1). Thơ không viết xuống, thơ không ngâm lên, thơ không in ấn... Thơ cháy lên ! Và cháy lên theo với lời Kinh !

Thơ là Kinh.
Và Kinh là Ánh sáng. Ánh sáng huy hoàng của thế kỷ XX bùng lên vào ngày 20 tháng Tư năm Quí Mão (11.6.63) tại thủ đô Saigon.
          "Không khí vặn mình theo
          "khóc òa lên nổi gió !
          ...
          "Ôi ngọn lửa huyền vi
          "Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác... (1)

Ấy cũng bởi nước không còn : nước mất ; nước khô theo trái tim không máu, biến sông Hằng lung linh thành cơn lốc cát :
          "Sông Hằng kia
          "bởi đâu mà cát bay ? (1)

Cát bay đưa sa mạc lấn chiếm trần gian kiều diễm ? Kẻ tỉnh thức  - Bồ tát -  làm gì trước cuồng phong đang hái rụng từng chùm nhân thế ?
          "Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
          "Phật Pháp chẳng rời tay. (1)

Để làm gì ? Để làm gì ? tiếng kêu vọng từ bên kia trời phương Tây thực dụng. Bên này bờ Đông phương không đáp,

"Ngọc hay đá,
"tượng chẳng cần ai tạc
"Lụa hay tre,
"nào khiến bút ai ghi.
"Chỗ Người ngồi :
"một thiên thu tuyệt tác
"trong vô hình
"sáng chói nét Từ Bi (1)

Nghệ thuật đã vượt nghệ thuật bước vào dòng Linh thức luân sinh, hóa thân thành Từ Bi lân mẫn. Lịch sử sụp đổ, vì lịch sử là chuỗi vô thường biến động kéo lôi người vào thác loạn, khổ đau

"Rồi đây,
"rồi mai sau còn chi ?
"Ngọc đá cũng thành tro
"Lụa tre dần mục nát
"với Thời gian lê vết máu qua đi...  (1)

Thời gian hủy diệt. Thời gian như Thần chết, cái ngốn ngấu tất cả. Thời gian còn bị siết trong vòng tay của Thánh Mẫu Kâli đen. Thời gian chưa tái tạo. Thời gian chưa là nguồn dưỡng nuôi sự vật, động cơ phiếu diễu của Niềm

Người, dòng chảy mát Luân Sinh.

Trên hỗn độn của lịch sử, tưởng mọi sự sẽ hư vô. Nhưng không

"Còn mãi chứ !
"còn Trái-Tim-Bồ-Tát
"gội hào quang
"xuống tận ngục A Tỳ. (1)

Giông bão lắng, khi Trái tim Bồ tát siêu thăng. Thơ theo môi bật tiếng. Dù người thơ biết "vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác" (1). Nhưng thi sĩ

"chỉ nguyện được là rơm rác !  (1)

Ai biết làm rơm rác, kẻ ấy thành đại ngàn. Bởi

"THƠ cháy lên theo với lời Kinh ! (1)

Thơ không lưu vết. Thơ là Kinh. Kinh là Ánh sáng, khiến "muôn vạn khối sân si vừa mở mắt"(1). Kinh không xin, không cầu, không nguyện ước cho riêng mình. Kinh để

"tụng cho Nhân loại hòa bình
"trước sau bền vững tình Huynh đệ này".  (1)

(còn tiếp)

THI VŨ


1. Lửa Từ Bi, thơ Vũ Hoàng Chương, trích từ "Chung ta Mất Hết, chỉ còn Nhau", NXB Rừng Trúc, Paris 1974

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2013