SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

Bờ Sông Chợ Gạo

Quê hương cách trở ngàn xa
Thương về quê mẹ, lòng ta ngậm ngùi.

Dù  bao năm lưu lạc nơi phương trời viễn xứ,  nhưng lòng hoài vọng về cố hương không hề  phai nhạt nơi tôi. Sông Chợ Gạo, (thực ra là một nhánh kinh đào, nhưng người làng quen gọi là sông), bắt nguồn từ sông Cửu Long, là thủy lộ chuyên chở hàng hóa  đi, về từ  Sài Gòn, Lục Tỉnh, và Cao Miên.

Nếu muốn du ngọan từ Mỹ Tho đến Sài Gòn bằng đường thủy; từ Mỹ Tho, du khách dùng thuyền, rồi vào sông Chợ Gạo sau khi vượt qua Vàm Kỳ Hôn sông Tiền Giang.  Đoạn đường thượng lưu bắt nguồn từ sông Cửu Long cho đến bến phà Chợ Gạo ( Ngày nay đã xây cầu, không còn phà nữa ), hai bên bờ sông là vùng đất trù phú, những vườn dừa, ổi, xoài, cam, quít, vú sữa, nhãn, mận..., nhà cửa tiếp nối nhau.   Đoạn đường kế tiếp từ bến phà đến ngã tư kinh, nếp sinh hoạt và phong cảnh có phần khác biệt, sát mé sông là hàng dừa nước xanh tươi mọc xen lẫn với những bụi ô rô, mái gầm, điên điển, cây bần.  Trên bờ thỉnh thoảng có những cây bần,  dừa,  cây bàng, mọc thưa thớt. Hai bên bờ sông là nhà lá, nhà có khu vườn xung quanh, dân làng trồng bắp, khoai, mía, rau, cải.  Nhiều nhà còn nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt, đào ao thả cá.  Phía sau nhà thường có lũy tre, cao, dừa…, lả ngọn trên nền trời xanh thẳm.   Dọc theo bờ sông là con đường đất, lối cỏ mòn nho nhỏ dẫn đến chợ làng.

Hồi tưởng lại sinh hoạt dân chúng trong làng vào khoảng những năm 1958, 59, 60..,

Rạng đông trên con đường làng, kẻ gồng, người gánh, tải hàng ra chợ; tiếng tù-và của ông bầu cấy, tiếng cười nói của đám thợ cấy và mục đồng, người và vật ra đồng làm việc tạo thành một quang cảnh vô cùng nhộn nhịp.  Khi ánh nắng ban mai bắt đầu lóng lánh trên những giọt sương, đó cũng là lúc các em học sinh cắp sách đến trường.

Bình minh trên giòng sông , những chuyến đò dọc xen lẫn với những chiếc tàu buồm xuôi ngược, từng đoàn tàu thả khói lên không trung, nối đuôi nhau, chuyên chở trâu, bò, gỗ, hàng hóa từ  Cao Miên, Lục Tỉnh, đi và về Sài Gòn, tiếng xình xịch của máy tàu, tiếng còi tàu inh ỏi, tạo thành một hoạt cảnh náo nhiệt trên giòng sông xanh sóng.

Khi mặt trời lên cao, vượt khỏi mấy hàng cau xanh ngát phía đông thì phiên chợ làng họp đã đông; người mua kẻ bán, ra vào tấp nập.  Ngoài  cánh đồng mênh mông nước bạc, đám thợ cấy đang khom lưng cấy những hàng lúa thẳng tắp trên đám ruộng đã được cày bừa kỹ lưỡng.  Hòa lẫn với tiếng "ví, thá" của ngừơi nông phu đang điều khiển đôi bò cày ruộng, là tiếng hò lảnh lót của anh lực điền đang bỏ mạ:

.. .Hò hơ ờ .. . Con cá đối nằm trên cối đá,
Chim vàng lông nằm cạnh vồng lang,
Bao giờ tôi cưới  được nàng,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.. .  Ơ hò. 

Có tiếng cô thôn nữ hò đáp lại:

.. . Hò lơ.. .Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu,
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín Xuân em cũng đợi, chứ mà mười  Thu em cũng chờ...Ơ hờ.

Thấp thoáng trên nền trời xanh cao vút là đàn cò trắng đang xoãi cánh bay về cuối trời xa.

Buổi trưa, sinh hoạt dường như ngưng động, hàng hoa giấy phất phơ hòa nhịp cùng nhạc gió đang vi vu thổi qua mấy hàng dừa xanh lá.

Xế chiều, hòa lẫn với tiếng hò lơ từ mấy chiếc thuyền buồm, là điệu vọng cổ mùi
vang vọng từ chiếc thuyền quảng cáo của đòan hát cải lương:

... Hỡi cô bán đèn giấy hồng,
Đèn hồng cô bán, má hồng bán chăng?
Đèn hồng em bán cho anh,
Má hồng xin hỏi song thân quê nhà...( Viễn Châu ?)

Hoàng hôn, khi mặt trời khuất lấp phương tây, xa xa vọng lại tiếng kinh cầu từ ngôi thánh thất, âm vang hòa lẫn cùng tiếng chuông chùa. 

Sau bữa cơm chiều, dân chúng trong làng tụ tập xem cải lương, chiếu bóng công cộng, hay những phim giáo dục về vệ sinh thường thức hoặc tham gia những lớp học bình dân miễn phí.

Đêm về, khi mặt trăng lấp ló sau ngọn tre xanh,  đàn đom đóm lập loè bay qua mấy ngọn cây bần,  từ bên kia sông vọng về nhịp chày giã gạo.  Có tiếng ai hát theo:

Trong đêm trăng tiếng chày khuya,
Ta hát vang trong đêm trường mênh mang,
Ai đang say chày buông rơi
Nghe tiếng vơi tiếng đầy.
Ai đang đi, trên đường đê,
Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê,...(  Hoàng Thi Thơ )

Những ngày lễ, Tết, dân chúng tự do đi cúng đình, chùa,  thánh thất... Cúng vái, cầu nguyện theo tôn giáo của mình.  Đình làng đựơc tân trang,  nhà hộ sinh đựơc xây cất, ngôi trường tiểu học cũ kỹ, dột nát, không phên vách đựơc thay thế bằng ngôi trường mới khang trang đầy đủ tiện nghi hơn.

Nhưng rồi chút hạnh phúc thái hòa mà ngưòi dân làng hiền lành chất phát có được, không kéo dài bao lâu!  Những năm 1960 - 1975. Chiến tranh đã lan tràn trên nhiều thành thị  xóm làng Việt Nam.

Đêm nghe tiếng mõ vang tai
Tiếng bom đạn nổ, lửa bay ngất trơì
Hỏa châu soi sáng nhiều nơi
Bao người gục chết, bao người thương vong.

Trong suốt chiều dài của cuộc chiến, người dân trong làng đã gánh chịu bao tai họa thảm thương.  Nhà cửa, ruộng, vườn bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Nhiều gia đình ly tán, mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha vì người đi chinh chiến mấy ai về!  Hay trở về với hình hài tàn phế!

... Và bom đạn và thân người ngập máu,
Và em thơ giòng lệ nóng rạt rào. ( Hoài Tuyết Trang )

Rồi cuộc chiến chấm dứt. Biến cố đổi đời 30 tháng Tư 1975., đã đưa cả nước  rơi vào bóng tối mịt mù sâu thẳm, không biết đến bao giờ mới tìm thấy ánh sáng tương lai!  Khu kinh tế mới, trại tù, trại cải tạo được dựng lên nhiêù nơi trên quê hương  thống khổ.

Chiều buồn mây xám u hòai
Rào gai vây kín đắng cay phận tù
Buồn trong vận nước âm u
Chim lồng cá chậu mịt mù tương lai

Vì không chịu nỗi bất công, tù đày, nghèo đói, lầm than.., biết bao người đã bất chấp mọi nguy hiểm, gạt nước mắt ra đi tìm tự do.  Nhiều đồng bào đã bị cướp bóc, hãm hiếp hay bị chết oan trên đường vựơt biên!

Biển đông sóng cả gió to
Bao người  tất tả, tự do đi tìm
Ai người đến đựơc bến bờ ?
Hiểm nguy, khổ lụy chực chờ ngoài khơi!

Lần về quê nhà để viếng mẹ tôi trước khi bà từ trần. Lúc xuống đò, nhìn ông lái đò râu tóc bạc phơ trong manh  áo cơ hàn, tôi chạnh lòng nhớ về cô lái đò năm nào. Trên chuyến đò dọc, nhiều lần, cô đã đưa tôi và các bạn đến trường.  Hoàn cảnh của cô cũng tương tự như Cô Lái Đò Bến Hạ:

Một gái nghèo đoan trang, nhan sắc  nàng như là một đóa hoa.
Nhà vốn nghèo cho nên sớm xa lìa sách đèn cùng mái trường.
Ngày ngày  ra bến, giúp mẹ đưa đò,
...  Gái đẹp đưa đò. ( Hoàng Thi Thơ )

Được biết, cô lái đò trên giòng sông Chợ Gạo đã kết hôn với người bạn cùng lớp với tôi khi còn học tiểu học: Anh Võ Bá Tánh, anh Tánh là một quân nhân thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.  Trong một lần hành quân, anh bị cụt mất một chân, và được giải ngũ.  Tôi đã ghé thăm anh Tánh và rất cảm động khi thấy rằng dù thân thể bạn không tòan vẹn và cuộc  sống của gia đình anh rất đạm bạc, nhưng cô lái đò năm xưa vẫn chung tình và hết lòng lo lắng, chăm sóc cho anh. Tôi xin mượn lời thi sĩ Hồ Dzếnh, để ca ngợi lòng chung thuỷ cũng như những đức tính cao quí của người  phụ nữ Việt Nam; chị Tánh là một tấm gương hy sinh sáng chói  đáng được vinh danh:

Cô gáí Việt Nam ơi,
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực,
Cho lòng cô gái Việt Nam vui. 

Cuối cùng, thế kỷ 20 rồi cũng ra đi; nhận định về thế kỷ nầy,  qua Bài thơ của một kỷ nguyên, thi sĩ Trần Đồng Vọng đã viết:

Đi vào cơn lốc cuộc đời,
Là đi vào tận lòng người Việt Nam.. .
...Ôi bài thơ của một kỷ nguyên máu lệ tương tàn

Đối với nhiều người Việt Nam, thế kỷ 20 thực là một kỷ nguyên đầy khổ lụy.  Nước mắt quê hương tuôn đổ triền miên!

Trong quá trình lịch sử tiến hoá của nhân loại, loài người  hiện diện trên mặt đất hơn bốn triệu năm, nhưng trong khoảng thới gian dài đăng đẳng nhiều triệu năm nhân loại chỉ sống đời hoang dã.  Nền văn minh chỉ có khoảng năm ngàn năm về trước, khi những thành thị đầu tiên được thành lập.  Ở thế kỷ 20, nhân loại đã thành đạt được những tiến bộ vượt bực về khoa học, kỹ thuật, y học... Nhân loại đã lên tới mặt trăng, và thám hiểm không gian...  Đời sống con người tiện nghi hơn nhờ vào những phát minh ở thế kỷ 20  như: Xe hơi, máy vi tính, điện thoại.., nhiều phát minh mà vài trăm năm trước đây chỉ có trong giả tưởng.  Người ta cũng đã chế được bom nguyên tử có khả năng tiêu diệt nhân lọai toàn thế giới, nhưng điều đó đã không xảy ra, phải chăng bản chất thật sự của Con Người vẫn là "nhân chi sơ tánh bổn thiện", và Thượng Đế muôn đời vẫn là Thượng Đế của Tình ThươngChân-Thiện-Mỹ ?
Sự tan rã nghiêm trọng của khối  cộng sản trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20;  gần đây, sự nổi dậy của các quốc gia Bắc Phi chống độc tài toàn trị, và con đường dân chủ hóa của Miến Điện đã mang lại niềm tin, lạc quan trong lòng nhiều người Việt yêu nước về một ngày mai quang phục, tự do, dân chủ, hạnh phúc cho quê hương Việt Nam yêu dấu.  Đón Xuân, tôi chạnh lòng nhớ,

Quê hương Chợ Gạo bờ sông
Phù sa nước lợ mênh mông đôi bờ.
Quê hương cách trở  bao ngày
Người xưa, bạn cũ còn ai nhớ mình ?

Lê Ngọc Trùng Dương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014