SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014

CHUYỆN CUỐI NĂM,
“CON XIN TẠ TỘI"

Tâm-Phương-Đăng

1.

Vừa mới dọn nhà về đây hơn hai tháng, tôi đã biết được câu chuyện rất đặc biệt của ông hàng xóm trong khu mobil home dành cho người cao tuổi. Thực ra đây chỉ là chuyện bình thường của rất đông gia đình Việt nam sống ởphía Nam Vĩ-tuyến 17 sau tháng 7 năm 1954. Nhưng bây giờ, với tôi rất đặc biệt bởi chính cá nhân tôi và những bạn thân
thiết năm xưa ở những vùng sát địa đầu giới tuyến, cũng đã trải qua thời gian dài nhức đầu bởi suy nghĩ thái quá về việc nên ngã về bên nào, quốc gia hay cộng sản ?.

Sở dĩ có sự suy nghĩ nên ngã về bên nào là do những yếu tố chính như :

- Không hiểu thấu đáo chủ thuyết Cộng sản, nên không nhìn thấy sự lợi hại cho quốc gia dân tộc trong tương lai.

- Sự ràng buộc tình cảm gia đình gia tộc quá sâu đậm nên sự chọn lựa rất khó khăn bởi trong cùng một gia đình hay dòng họ có con cháu hay người thân đi theo Cộng sản, vài người khác theo phe quốc gia...

- Sự đe dọa sinh mạng khi cán bộ Cộng sản tuyên truyền thâu nạp đảng viên theo một phương thức : Tình cảm - Đe dọa - Thủ tiêu.

Có nghĩa là dùng tình cảm lúc đầu, tình cảm không được thì đe dọa, nếu vẫn không kết quả thì thủ tiêu. Do đó, rất nhiều thanh niên trong thôn làng đột nhiên biến mất mà gia đình họ không biết đâu để hỏi han tìm kiếm.Hậu quả của sự suy nghĩ thái quá này đã làm một số thanh niên trí thức thời gian đó ngã bệnh rối loạn tâm trí tương tự như trường hợp ông hàng xóm của tôi hiện nay.

2.

Kể từ hơn bốn năm trước, khi vợ chồng tôi cùng nghỉ hưu, các con đã lập gia đình ra ở riêng. Hai vợ chồng ra vào căn nhà khá rộng, lại làm biếng dọn dẹp nên mới tính chuyện bán nhà để mua căn mobil home này.

Mặc dầu là nhà tiền chế nhưng cũng đầy đủ phòng khách, phòng ăn, phòng giặt, hai chỗ đậu xe và mấy thước vuông đất trống, đủ chỗ cho bà xã trồng nhiều loại rau ưa thích như rau răm, rau thơm, cải bẹ xanh, rau đắng... Tóm lại, bà xã rất hài lòng lúc đầu... nhưng hai ba tuần sau...bà hơi buồn bởi các cháu đến thăm nhưng không được ở lại đêm theo luật lệ khu nhà này. Tuy nhiên dần dà rồi cũng quen.

Mỗi buổi sáng khoảng hơn chín giờ, khi bà xã lăng xăng pha chế cà phê, trà và làm thức ăn sáng, tôi ra phòng khách kéo màn cửa sổ để ánh sáng ban mai xuyên qua, quét sơ bụi bặm trên bàn rồi ngồi nhìn mông lung ra đường, mở TV nghe tin buổi sáng, đợi chờ bữa điểm tâm.

Những ngày đầu tôi chưa để ý, nhưng khi nghe bà xã hỏi : “Anh có thấy ông già kia ngoài đường không ?. Sao mà sáng nào cũng đúng giờ này, ông ta đều thong thả, hai tay chắp sau lưng, chậm rãi đi từng bước, ngang qua trước nhà mình, có khi ngửa mặt lên trời, khi cúi gầm xuống đất, miệng lầm-bầm như đang cầu khẩn điều gì sau mỗi bước đi.” Phong cách này giống như người tu “di thiền” trong các chùa, vừa đi vừa niệm Phật... Trông ông ta giống người Việt nam.

Tôi bưng ly cà phê uống rồi nhỏ nhẹ trả lời :

- Khu này an ninh và yên tĩnh nổi tiếng vì chỉ có người lớn tuổi ở, không có gì phải lo lắng, để ngày mai anh tìm hiểu xem.

Sáng hôm sau, vừa kéo màn cửa là thấy ông ta từ xa đang đi tới. Tôi vội vã ra trước nhà cầm vòi nước tưới cây, đợi ông đi qua để cố tình chào hỏi làm quen.Tự nhiên hôm nay thấy tôi, ông vội băng ngang qua đường tiếp tục đi lề bên kia Tôi nghĩ thầm chắc là cha này không muốn làm quen với mình, rồi trở vào nói cho bà xã hay. Bà xã lên tiếng : “Ta nên làm quen người bình thường để mời nhau uống trà nói chuyện cho vui, chứ làm quen với người điên khùng như vậy thì quen làm gì.” Tôi trả lời : “Mình chưa có cơ hội nói chuyện, làm sao biết người ta điên khùng ?”

Buổi sáng kế tiếp, đợi đúng giờ, tôi ra đường đi ngược chiều, đến gần sát ông ta mới ngẩng đầu lên nên không kịp đổi hướng, tôi nhìn thẳng mặt ông và hỏi bằng tiếng Việt :

- “Chào ông, xin lỗi ông là người Việt hả ?”

Ông ta đứng lại chăm chú nhìn tôi một lúc, chẳng buồn trả lời, rồi hai tay vẫn chắp sau lưng, chậm rãi bước đi như không có ai chào hỏi gì. Quay về nhà cho bà xã hay những gì xảy ra, bà xã đề nghị lát nữa khi ông ta đi trở về thì mình cũng ra đi theo xem hắn ta ở căn nào trong khu này. Khi vừa ăn sáng xong, nhìn thấy ông đi trở về, dáng dấp có vẻ Tiên phong đạo cốt, người to cao, tóc bạc trắng, lưa thưa dài tới cổ, râu dài khỏi cằm, trông gần thấy người còn trẻ nhưng nhìn xa thấy râu tóc bạc phơ thật giống ông cụ già. Vợ chông tôi mở cửa ra đi theo sau. Chúng tôi cố tình đi nhanh cho kịp thì ông ta đi nhanh hơn. Chừng năm phút sau,ông bước nhanh lên bục thềm, mở cửa vào nhà và đóng nhanh lại.

Vợ chồng tôi đang tần ngần không biết nên đi tiếp hay quay trở về, thình lình có người đàn bà tóc đã hoa râm mở cửa bước ra. Vừa thấy chúng tôi bà nở nụ cười chào hỏi bằng tiếng Việt nặng giọng miền trung Quảng trị, Quảng bình :

- Xin chào ông bà, được biết ông bà vừa dọn đến khu này, định vài hôm nữa đến chào thăm hỏi mà chưa có dịp thì nay ông bà lại đến, vậy xin mời ông bà vào nhà uống trà và trò chuyện cho vui.

Chúng tôi vui vẻ theo vào nhà, không thấy có ai trong nhà nên bà xã nói ngay :

- Thấy ông nhà của bà sáng nào cũng đi bộ tập thể dục, chúng tôi cũng muốn bắt chước.

Bà chủ nhà đính chính :

- Dạ thưa, không phải. Đó là anh ruột tôi, ổng bị bệnh tâm thần đã mấy chục năm nay, khi còn ở quê nhà. Mời ông bà ngồi, tôi đi pha trà rồi chúng ta nói chuyện.

Nói xong bà xuống bếp, ông anh vẫn trong phòng ngủ, không trở ra chào khách đến viếng nhà.Nhìn quanh trong nhà thấy rất gọn gàng sạch sẽ. Nhà cùng một kiểu nhà chúng tôi, cũng thuộc loại doublewide nên khá rộng. Trên tường ngoài bốn bức tranh cẩn xa-cừ Mai Lan Cúc Trúc, còn lại toàn là hình ảnh lính tráng VNCH ngày xưa. Đặc biệt hai tấm hình lớn : Quân trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt và hình anh Thiếu úy trẻ đứng trước cổng quân trường mà tôi nghĩ là hình ông anh.

Nhìn lên bàn thờ lại ngạc nhiên hơn nữa, có lẽ hình ba mẹ chụp lúc còn trẻ, tuổi ngoài năm mươi, mẹ mặc áo bà ba đen, ba thì mặc đồ bộ đội Bắc việt, mang quân hàm Thượng-tá. Tôi chưa kịp suy nghĩ tìm hiểu thì bà xã nói nhỏ vào tai :

- Bộ gia đình này vừa quốc gia vừa cộng sản hay sao ?.

Đúng lúc bà chủ nhà bưng bình trà và ly tách ra. Vừa rót trà bà vừa tự giới thiệu

- Tôi tên Kiều, nhỏ hơn anh tôi ba tuổi, ảnh năm nay đã sáu mươi tư. Chúng tôi quê ở sát bờ sông Bến hải, vượt biên sang đây hơn hai mươi năm rồi Vì bệnh tình của ông anh nên chưa thể về thăm quê hương được...

Rồi bà đổi giọng nói nhỏ và chậm lại... :

- Nhưng...thật sự...thì còn ai đâu nữa...mà về....

Nói đến đây tự nhiên giọng bà nghẹn lại, mắt rưng rưng như muốn khóc. Bà xã nhận biết vội an ủi :

- Tụi tôi cũng không còn ai và có hoàn cảnh bi thương nhưng cố quên để sống.

Bà chủ nhà gượng cười trở lại rồi nói với giọng thân thiện :

- Chắc anh chị lớn hơn anh em tôi nhiều phải không ?... Tôi biết dù cho lớn hơn nhưng chắc chắn chúng ta cùng thế hệ nhìn thấy quê hương Việt nam tan nát vì bom đạn chiến tranh, cùng chung sống trên quê hương đói khổ và cùng nhau bỏ nước ra đi, có phải không anh chị ?

Bà xã đáp :

- Vâng, mỗi một người Việt nam, mỗi một gia đình Việt nam đều có một thiên tình sử bi thương, nhiều lúc cố quên nhưng tuổi đời càng cao thì chuyện hiện tại khó nhớ nhưng chuyện dĩ vãng rất khó quên. Tuy nhiên chúng tôi may mắn có con cái khôn lớn đã thành gia thất nên bây giờ không còn lo lắng gì. Còn Kiều thì sao ?...

Vẫn biết khơi lại chuyện cũ là điều không nên, nhưng đôi lúc cũng cần biết để có cơ hội an ủi nhau, nhất là xóm giềng như chúng ta.

Kiều cúi mặt nhìn xuống đất một lúc rồi nhìn chúng tôi nói :

- Nhưng sợ anh chị không đủ can đảm nghe chuyện đau lòng của chúng em.
- Không sao, cứ vắn tắt để anh chị biết câu chuyện là được.

Kiều như không muốn nhắc lại chuyện buồn đời mình nên hỏi tiếp :

- Hôm nay anh chị có bận rộn gì không, nếu không thì ở lại ăn trưa với tụi em.

Bà xã vội nói :

- Chúng tôi còn no lắm, hơn nữa tuổi già nên chỉ ăn sáng và chiều tối mà thôi, hay là chiều nay tôi định nấu canh chua cá bông lau, mời hai em qua dùng cơm tối với chúng tôi. Xin đừng từ chối nghe.
- Nhưng sợ anh tôi không chịu đi.

Tôi xen vào :

- Hay nếu có thể, Kiều vào đem anh ra ngồi đây chơi để làm quen trước.

Kiều suy nghĩ một lúc rồi đứng lên mở cửa đi vào phòng anh. Vài phút sau thấy Kiều mở cửa và nắm tay ông anh kéo ra. Hai chúng tôi đứng lên cúi đầu chào, tôi đưa tay ra bắt nhưng anh ta chẳng buồn đưa tay ra, đứng nhìn lên trần nhà cười mỉm như không có ai hiện diện và miệng cứ lẩm bẩm “Con xin tạ tội... Con xin tạ tội…” Kiều đè vai anh ngồi xuống ghế đối diện và nói :

- Xin lỗi… ba hồi anh nghe lời, ba hồi không.

Tôi nhìn thẳng mặt anh mở lời hỏi :

- Xin lỗi... anh tên gì ?.

Thấy anh ta không chú ý những gì xung quanh, tâm trí như đang phiêu bồng một cõi riêng tư nào đó và miệng vẫn cứ lẩm bẩm: “Con xin tạ tội...Con xin tạ tội…”
Kiều bèn trả lời :

- Anh của em tên Tấn.

Ngừng một lát… Kiều nói tiếp :

- Kể từ năm 1972, sau những trận đánh của mùa hè rực lửa ở vùng địa đầu giới tuyến, anh tôi nổi cơn điên khùng và đào ngũ. Từ đó đến nay anh chỉ tỉnh trí lại có một lần… một lần để cứu sống em trên đường vượt biên. Không biết có phép mầu nhiệm nào đã làm anh tỉnh trí lại tức khắc lúc đó, chứ nếu không thì em đã chết một cách đau đớn bởi sự hành hạ của bọn hải tặc Thái lan trên hòn đảo nhỏ.

Bà xã ngắt lời hỏi :

- Thực sự câu chuyện như thế nào nhưng mới nghe có vẻ đau đớn buồn thảm và Em có nhớ động lực đặc biệt nào làm anh tĩnh trí trở lại trong phút giây ? Tôi nghe Bác sĩ tâm thần nói bệnh điên khùng nếu do não bộ chấn thương thì khó chữa chứ nếu do sự rối loạn thần kinh thì cũng có khi tỉnh táo trở lại.
- Như vậy chắc là anh Tấn em bị rối loạn thần kinh, vì từ nhỏ đến khi học ra Trường Võ bị Đà lạt, anh là người rất khỏe mạnh và thông minh. Nhưng từ khi chứng kiến cái chết của Ba Mẹ em, anh bắt đầu điên khùng.
- Ba Mẹ chết trong trường hợp nào.?.
- Dạ vì bom đạn trong cuộc giao tranh.
- À, còn chuyện gia đình lúc các em còn nhỏ thì sống ở đâu, thôn quê hay thành thị ?.

Kiều nhắm mắt, ngửa mặt lên trần nhà, hít vào hơi thở dài như cố nhớ và lấy lại sự can đảm để bắt đầu kể câu chuyện gia đình mình ảnh hưởng sâu đậm đời sống người anh...

3.

Có lẽ vì làng quê chúng tôi nằm sát bờ sông Bến Hải nên có rất nhiều đàn bà góa bụa tần tảo nuôi con kể từ sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, bởi tất cả đàn ông con trai theo lệnh tập-kết ra Bắc.Những Bà còn trẻ thì nuôi một hai con, Bà lớn tuổi hơn thì nuôi bốn, năm, hoặc sáu con trở lên. Cuộc sống gia đình nào cũng rất vất vả với công việc đồng áng. Ruộng lúa nương khoai thời gian này do bàn tay của các bà đảm trách.

Trẻ con ngoài mười tuổi đã biết tự học dắt trâu cày ruộng. Vươn lên từ cuộc sống nghèo khó này, mọi gia đình cùng chung số phận sinh hoạt đời sống như nhau. Nhưng đặc biệt gia đình em khá giả hơn bởi ngoài việc ruộng đồng, mẹ em còn mở quán hàng tạp hóa bán buôn. Thực sự phần lớn là bán gạo muối xì-dầu nước mắm đường, sữa v.v...và thường bán chịu cho dân làng, đến vụ mùa mới có tiền trả. Tuy nhiên, vì chỉ có một tiệm bán buôn độc nhất trong làng nên thương vụ ngày càng trở nên khấm khá, do đó anh Tấn, con trai cả duy nhất, có nhiều phương tiện học cao hơn những người cùng trang lứa trong làng.

Anh Tấn thông minh, học rất giỏi, hoàn tất tiểu học và rời xa thôn quê vào thành phố Quảng trị lúc vừa tròn mười tuổi, bởi làng quê không có trường Trung học. Anh lên tỉnh, xa lạ tất cả lại còn phải tự túc mưu sinh. Tìm nhà ở trọ gần trường công lập vừa mới thi đậu để khỏi phải sắm xe đạp. Đầu óc non dại nhưng biết tiết kiệm mọi điều. Chỉ đua đòi với bè bạn trong việc học hành thi cử chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện mua sắm quần áo mới hoặc những đồ giải trí vui chơi. Những năm học kế tiếp lại phải tìm nhà dạy kèm con nít nên lại càng bận rộn hơn nữa. Có lẽ đây là kết quả mẹ răn dạy các con phải biết tiết kiệm và biết tự lo toan cuộc sống, khi phải rời xa quê nhà, vì dầu sao bây giờ tụi em cũng thuộc thành phần : “Con không cha như nhà không nóc.” Mặc dầu biết Ba vẫn còn sống ở ngoài Bắc.Cho đến khi hoàn tất trung học, anh Tấn vẫn còn khù khờ vấn đề trai gái yêu đương hoặc phép giao-tế trong xã-hội văn minh tiến bộ chốn thị thành. Nhớ nhất là mỗi lần có dịp về thăm nhà, lúc chia tay, thế nào cũng nghe mẹ em than thở :

- Con đã lớn khôn, mấy đứa cùng tuổi con ở đây đã có vợ, có con hết cả rồi, hoặc là :
- Con học khi mô mới xong ? Học chi mà lâu rứa ?

Anh Tấn chỉ có câu trả lời vô thưởng vô phạt: Dạ gần xong. Rồi ngày tháng kéo dài thêm khi anh xong tú tài toàn và thi đậu vào Trường Võ Bị Đà Lạt.

Lúc đó Trường bắt đầu chương trình huấn luyện bốn năm. Khi ra trường với cấp bậc Thiếu úy và mảnh bằng Cử nhân Khoa học ứng dụng. Rất thích hợp với ước muốn của anh.Anh đã thuyết phục mẹ rằng thời buổi chiến tranh đang ở cao điểm thì ở trong quân trường càng lâu càng tốt, biết đâu chừng cường độ chiến tranh sẽ giảm dần theo thời gian. Thế là mẹ bằng lòng ngay. Nhưng khi anh vào nhập ngũ thì mẹ sực nhớ cha và con nằm trong nghịch cảnh cuộc đời nên mẹ ngày càng mất ăn mất ngủ rồi bắt đầu phát sinh bệnh hoạn. Ròng rã bốn năm trong quân trường, hầu như tháng nào em cũng viết thư báo cho anh hay tình hình bệnh trạng của Mẹ càng lúc càng suy yếu, mà chiến tranh ngày càng leo thang. Tại thôn làng bây giờ ngày nào cũng có giao tranh. Những trận đánh lớn nhỏ đều có phi cơ oanh tạc, dân chúng bỏ làng mạc di cư đi nơi khác.

Em lập gia đình và theo chồng vào sinh sống ở Đà Nẵng nên đem mẹ vào sống chung.

Khi anh Tấn học năm cuối cùng, sắp thi mãn khóa thì bố em vượt sông Bến Hải trở vào làng hoạt động và liên lạc bắt buộc mẹ phải trở về làng. Em không dám quyết định để mẹ trở lại làng quê nên viết thư cho anh Tấn hỏi ý kìến. Anh Tấn viết thư hồi âm với quyết định : “Bằng mọi giá phải giữ mẹ ở lại, đợi anh đang xin phép về sẽ tính. Nhưng mẹ quá nôn nóng, lấy lý do mẹ đã già yếu bệnh hoạn, phải về gặp bố gấp trước khi không thể đi đứng được. Do đó em thông báo cho chồng đang hành quân vùng địa đầu giới tuyến là sẽ đem mẹ về làng quê, nhân tiện bồng con ghé hậu cứ thăm anh.Nhớ lại một hôm trước khi chia tay, mẹ đã nói chuyện với em suốt đêm. Mẹ cho hay : “Bố bắt buộc giữ con và cháu bé lại đây để thằng Thanh chồng con thương nhớ vợ con rồi Bố sẽ kêu gọi nó qui hàng, nhưng mẹ phản đối mãnh liệt. Do đó, sáng mai đợi Bố ra khỏi nhà, con cứ âm thầm trở về Đà nẵng và đừng nói điều này với chồng con”

4.

 Trận đánh cuối cùng nghe chồng em kể lại, anh bị dằn vặt mất ăn mất ngủ bởi anh Tấn khi ra trường đã tình nguyện xin phục vụ vùng I, dưới quyền chỉ huy của anh Thanh chồng em, đang là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng nhảy dù. Khoảng bốn giờ sáng được lệnh nhảy xuống bờ Nam cầu Bến Hải để ngăn chặn địch vượt qua sông, đồng thời đánh bọc hậu vào Bộ chỉ huy trú đóng tại làng em.

Trung đội của anh Tấn mất liên lạc ngay giờ phút đầu giao tranh. Sau này chồng em mới hiểu là anh Tấn cố tình tắt máy vô tuyến làm mất liên lạc, để dẫn trung đội anh về với Bố em, trong khi anh Thanh gọi Không quân xin dội bom san bằng Bộ chỉ huy của Bố em trước khi tiến quân vào.

Sự thực là chỉ một mình anh Tấn biết đó là Bộ chỉ huy của Bố em mà thôi, không biết bằng cách nào mà Bố em đã liên lạc được với anh Tấn. Thế nhưng anh Tấn chưa kịp đem trung đội của anh đến thì oanh tạc cơ của ta đã san bằng Bộ chỉ huy rồi. Khi anh Thanh vào đến, chỉ thấy anh Tấn quỳ khóc bên hai xác chết bị banh thây và đầy máu của Bố Mẹ em và hàng trăm xác bộ đội Bắc Việt nằm chết trênnhững vũng máu dưới giao thông hào. Những ngày sau đó, anh Tấn bắt đầu không ăn uống, không tuân lệnh cấp trênsuốt ngày ngồi bên mộ Bố Mẹ, miệng cứ lẩm bẩm : “Con xin tạ tội”

Anh Thanh thấy thế liền báo cáo đào ngũ rồi đem về Đà Nẵng cho em chăm nuôi trong khu gia binh, để tránh bị đưa vào quân lao ở tù.

- Chắc không có một quốc gia nào trên thế giới có cuộc nội chiến tương tàn và nhiều thảm cảnh ngang trái, đớn đau như nước Việt chúng ta.Ngay trong gia đình em, Bố đi tập kết ra Bắc năm 54. Chồng em và anh Tấn cùng học trường Võ bị Đà lạt nhưng chồng em ra trường trước bốn năm. Lúc nuôi anh Tấn đào ngũ, em vừa sinh bé gái đầu lòng được ba tháng và chồng em vẫn tiếp tục hành quân vùng địa đầu giới tuyến nên một mình em vừa nuôi con vừa nuôi anh. Tuy vất vả nhưng gia đình chỉ còn hai anh em nên không còn sự chọn lựa nào khác. Nhờ sống trong khu gia binh nhảy dù nên em đỡ lo phần nào sự an toàn cho anh. May mắn hơn nữa là anh chỉ đi lui tới trong nhà, lúc khóc lúc cười, miệng lẩm bẩm “Con xin tạ tội...con xin tạ tội…” chứ không phá phách hay đi lang thang ngoài đường như những người điên khác.

Năm con gái lên hai tuổi thì nước mất nhà tan. Giữa tháng năm 1975 chồng em trình diện đi tù. Em bị đuổi ra khỏi khu gia binh. Cuộc sống rất vất vả và cơ cực từ đó. Buôn bán đủ thứ nhưng không dám đi xa, suốt ngày phải để ý chăm sóccon và anh Tấn. Đã nhiều lần em có ý định trở về làng cũ quê xưa để làm ruộng sinh sống nhưng ngặt nổi dân trong làng ai cũng biết, sợ không tránh khỏi ganh ghét oán thù. Ròng rã kiếm sống lây lất, mua nơi này bán nơi kia trong địa ngục trần gian gần bảy năm thì chồng em được thả về. Anh là người tháo vác lanh lẹ, biết xoay xở cuộc sống lúc khó khăn nên gánh nặng gia đình một mình anh lo hết. Trong thời gian bon chen đôn đáo làm ăn, chồng em được một gia đình người Hoa tin cậy và giúp đỡ. Gia đình này gồm vợ chồng và ba con gái, đứa lớn nhất mười sáu, đứa út mới lên mười, bằng tuổi con em lúc đó. Họ sống lâu đời và buôn bán tại Đà Nẵng nên khi có ý định vượt biên thì ngoài chồng em, không tìm được ai là người tin cậy và có khả năng để bàn thảo chuyện ra đi. Do đó khi làn sóng bỏ nước ra đi lan rộng khắp nơi, gần như công khai, Chínhphủ lo tổ chức cho người đi bán-chính-thức để lấy vàng, dân chúng tìm cách chôn dầu ở bờ biển để đi chui. Chồng em gợi ý đề nghị và đươc gia đình người Hoa giao phó việc mua ghe và tổ chức rời Việt nam.

Chiếc ghe nhỏ nhưng tạm đủ sinh sống làm dân đánh cá cho 5 người lớn và 4 em gái nhỏ, tuổi từ mười đến mười sáu. Ai có ngờ đâu những em nhỏ sau này là miếng mồi gợi lòng ham muốn và tàn ác của bọn hải tặc.

Ròng rã hơn nửa năm trời kể từ lúc có được chiếc ghe máy, tập sinh sống làm dân chài lưới, di chuyển dần dần xuống hướng Tây đảo Phú quốc, rồi một đêm trời tối, trực chỉ vịnh Thái lan, tăng tốc độ khởi hành.

Chiếc ghe nhỏ, máy nhỏ nên không thể chạy nhanh. Lê lết hơn năm ngày đêm chưa xác định được nơi nào. Trời vừa hừng sáng thì gặp hải tặc chận bắt. Trên ghe có 3 tên rất hung ác, một tên ôm ghì súng, hai tên kia cầm dao.Trên ghe em cũng có 3 đàn ông, ông Tàu chủ ghe, dáng dấp trói gà không chặt, mặt mày tái xanh, ngồi run cầm cập, anh Tấn thì điên khùng, chồng em đã mấy ngày đêm lo lái tàu, không ngủ và trước khi đi, không nghĩ đến chuyên mua sắm vũ khí đem theo nên bây giờ bó tay. Biết khó mà chống cự nên anh nói :” Mọi người hãy cầu nguyện, mạng sống bâygiờ chỉ nhờ vào Trời Phật mà thôi.” Vừa nói dứt lời thì ghe chúng đã cặp sát ghe mình. Cả 3 tên nhảy qua xé áo làm dây trói tay chồng em, anh Tấn và ông Tàu, xong lùa tất cả qua ghe chúng nó. Sau khi lục soát tìm kiếm lấy những đồ quí giá, chúng đâm và bắn thủng ghe cho chìm. Chúng chở tất cả đến hòn đảo nhỏ sau khi đã chạy khoảng chừng mười lăm phút. Có lẽ chúng định giết đàn ông trước, xong hãm hiếp đàn bà con gái rồi sẽ giết sau. Đoán được ý đồ nham hiểm của chúng nên khi tất cả mọi người đang bì bõm đi lên bãi cát, chồng em lén lút cởi tháo được dây trói nên nhào đến ôm ghì một tên có dao đứng gần, đè nó xuống nước. Tưởng rằng hành động như vậy sẽ có lợi thế hòa giải được với hai tên kia vì tình đồng đội của chúng. Không ngờ tên có súng nhả một tràng liên thanh giết chết chồng em và bạn nó. Không biết vì lỡ tay bắn nhầm bạn nó hay cố tình giết cả hai. Thế là hai đứa chúng nó cãi cọ chửi bới nhau như muốn ẩu đả. Thằng có súng tức giận, làm nguyên một tràng liên-thanh nữa giết hết mọi người. Con gái em ráng sức nhào đến ôm và đỡ đạn cho mẹ nên chết tức khắcnhư những người khác. Em bị thương ở vai nên ôm con lên bụng nằm ngửa giả vờ chết.Không hiểu tại sao trong cơn nguy biến, anh Tấn tháo gỡ được dây trói và nhanh như chớp, nhào đến thằng có súng, một tay xô họng súng về phía thằng kia, tay kia dùng hai ngón tay đâm thủng hai mắt nó. Thằng có súng tiếp tục bóp cò, bạn nó chết ngay tức khắc. Anh Tấn giựt được súng giết nó trong nháy mắt.Với cử chỉ của người bình thường không điên khùng, anh đi kiểm soát những ai còn sống sót. Khi anh kéo em lên để băng vết thương cũng là lúc em ngất xỉu, mơ màng hé mắt nhìn anh ngửa mặt lên trời và nghe mơ hồ tiếng anh hét lớn hoà cùng tiếng sóng vỗ xào xạc giữa biển khơi : “Chúa ơi, Phật ơi ! Tôi phải làm sao bây giờ ?” Từ giờ phút đó, em không còn hay biết gì nữa.

Hơn hai tuần sau thân xác em vẫn còn yếu đuối mệt mỏi nhưng tâm trí đã hồi tỉnh, được biết em đang được điều trị tại bệnh viện Bangkok. Bà y tá nói được chút ít tiếng Việt bập bẹ cho hay : “Ráng bình phục, vài ngàynữa chúng tôi sẽ đưa bà trở lại trại tỵ nạn với chồng bà.” Họ nghĩ anh Tấn là chồng của em....

Tuần đầu tiên trở về trại tỵ nạn, anh Tấn vẫn còn tỉnh táo, anh vỗ về khuyên răn em nên quên hết mọi chuyện để sống. Việc anh tỉnh táo trở lại là động lực chính làm em quên đi ý nghĩ tự tử, vì mặc dù mất chồng con nhưng vẫn còn có anh em.Tuy nhiên có một điều cho đến giờ em vẫn luôn suy nghĩ, thắc mắc, không biết có phải vì em năn nỉ, bắt buộc anh Tấn kể cho em nghe việc thủy táng chồng con em như thế nào, làm cho anh phát điên khùng trở lại hay không ?.

Thời gian ở trại tỵ nạn, bất cứ lúc nào em bắt anh thuật lại vệc thủy táng chồng con, anh đều làm lơ hoặc chỉ nói : “Nên cố gắng quên đi “. Nhưng thấy em buồn thương khóc lóc hoài, buộc lòng anh phải kể: “Sau khi kiểm soát không còn ai sống, anh khiêng tất cả xác chết lên ghe, làm sạch máu để xóa dấu vết cảnh giết người, sợ sau này liên hệ. Xong anh lái ghe ra biển xa, thả xuống biển từng người. Người sau cùng là con em, nhưng thay vì ôm thả xuống biển, anh lại ôm nó vào lòng, tự nhiên nhớ lại sự khó nhọc những ngày nó săn sóc cơm nước, giặt áo quần cho anh thời gian chung sống. Tất cả kỷ niệm cùng tình thương cháu nổi dậy mãnh liệt trong anh. Anh không đành đoạn thả nó xuống biển. Vừa lái ghe vừa ôm nó khóc thương tưởng chừng như nước mắt không bao giờ ngừng chảy. Lúc này không thấy trời cao biển rộng bao la mà chỉ thấy vùng sương mù dày đặc trước mắt mình.Tiếp tục chạy gần hai giờ sau, mục đích đợi chờ em tỉnh dậy, nhưng em vẫn trong cơn hôn mê. Đến lúc anh chợt nghĩ tại sao không thủy táng Bố con gần nhau ? Thế là vội vã cột cháu vào tảng đá nhỏ và thả xuống biển. Rồi bắt đầu suy nghĩ làm sao để vào bờ cho khỏi bị nghi ngờ. Rất may là ghe có bảng hiệu Thái Lan nên những tàu trong vùng có nhìn thấy cũng không nghi ngờ gì.Tuy nhiên để được an toàn, anh chờ trời sẩm tối cho ghe chạy bọc phía sau ghềnh đá sát bìa rừng, đâm ghe cho chìm và cõng em lội vào bờ…”

Thấy Kiều và bà xã tôi cả hai đều khóc thành tiếng nên tôi vỗ về nói :

- Chỉ còn hai tuần đến Tết ta, chiều nay chúng ta nên mua nhang đèn cây trái lên Chùa làm lễ cầu siêu những người quá cố của gia đình Kiều.

Kiều lau nước mắt và nói :

- Em rất hân hạnh và cám ơn anh chị nhiều lắm.

Rồi nàng kể tiếp:

- Tưởng rằng anh Tấn hồi phục lại tâm trí, nhưng không, cuộc sống trong trại hết sức phức tạp. Hằng ngày em buồn phiền nằm than khóc, không bước ra khỏi lều trại nửa bước, anh Tấn thì đi lang thang tìm mấy gốc cây nằm ngửa mặt lên trời suy tư, thở dài... Chờ hoài không một quốc gia nào gọi phỏng vấn. Gần bảy tháng sau, một hôm trời đã chiều tối, không thấy anh trở về, em nhờ người đi tìm kiếm, gặp anh ngồi cười cười dưới gốc cây, hỏi gì cũng không nói chỉ mình em biết bệnh mất trí của anh trở lại mà thôi. Thế là bắt đầu trở lại cuộc sống em chăm sóc anh Tấn như lúc ở Đà Nẵng. Đến lúc những người không có quốc gia nào chấp thuận cho đi định cư, thì chính phủ Mỹ chấp thuận cho đi Hoa kỳ tất cả. Lúc này chúng em mới được đi. Một điều trớ trêu nữa là lúc cõng em bước chân vào trại tỵ nạn, không biết anh Tấn vô tình hay cố ý đã khai chúng em là vợ chồng. Tuy nhiên, nhờ khai như thế nên không ai có thể tách hồ sơ riêng rẽ để chúng em mỗi người đi một nơi. Anh Tấn phải được em lo lắng chăm sóc. Cho đến bây giờ trong giấy tờ hồ sơ, em vẫn để y nguyên. Sợ lôi thôi, nên không muốn đính chánh.

Câu chuyện Kiều kể tuy rất tóm tắt nhưng cũng làm cho bà xã tôi nước mắt đầm đìa, có lúc khóc lên thành tiếng, và tôi cũng không cầm được nước mắt.

Buổi chiều sau khi làm lễ cầu siêu ở Chùa về nhà tôi, trong khi bà xã và Kiều lo làm cơm, tôi cầm tay kéo Tấn ra phòng khách. Tôi không hy vọng sẽ nói chuyện được với Tấn, nhưng khi ngồi xuống ghế, thấy Tấn không còn cười và nói lảm nhảm nữa. Đợi vài phút lắng đọng tâm trí, tôi nhìn Tấn nói :

- Nghe câu chuyện Kiều kể sáng nay, tôi có nhiều điều thắc mắc nhưng không biết hỏi ai: Anh là thanh niên ưu tú, được đào luyện từ một quân trường nổi tiếng nhất Đông nam Á về tinh thần kỷ luật, ý chí cương quyết yêu thương Tổ quốc dân tộc Việt nam, nhưng tại sao lúc ra trận anh bất tuân lệnh, âm thầm mang chiến hữu của mình về với giặc?
Hay là vì tình cảm liên hệ Bố con, hoặc anh cố tình làm nội tuyến cho giặc từ lúc còn ở quân trường ? Đây là hành động phản bội bạn bè đồng ngủ, phản bội chiến hữu thuộc cấp và phản bội Tổ quốc, anh biết không ? Hay là anh đã chủ quan và có dự tính tấn công nhanh để bắt Bố anh về bên này chiến tuyến, đoàn tụ với mẹ anh ?

Tự nhiên Tấn nhìn tôi và nhẹ lắc đầu, với hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Không hiểu ý anh muốn nói điều gì?

Tôi sợ làm anh điên khùng trở lại nên đi lấy bàn cờ tướng ra mời anh cùng chơi, Tấn chưa có phản ứng gì thì bất chợt Kiều đi lên mời hai anh xuống ăn cơm. Tôi để ý suốt bữa ăn, mặc dầu không nói lời nào nhưng trông Tấn có phần nào giảm nhẹ cơn điên. Tôi đề nghị Tết năm nay bốn chúng ta sẽ cùng đi đón giao thừa và hái lộc đầu năm tại Chùa. Tấn mỉm cười và gật đầu làm mọi người trố mắt nhìn nhau và vui sướng hơn bao giờ hết...

Tâm Phương Đăng
(Sắp đón Tết Giáp Ngọ)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014