SỐ 61 - THÁNG 1 NĂM 2014


Có Một Ngày Tết Như Thế

Bụi chuối nước lối vô nhà cũ
Cao lênh khênh cạnh khóm bông lài
Mình đứng vừa đúng ngang vai
Chị đã là đoá trang đài xóm tôi...
(đdh)

Mình gọi điện thoại chị Diệp, hỏi nhớ chuyện gì để viết về Tết. Chị cười hì hì, nói lâu quá chỉ còn nhớ mang máng, hay là em kể lại chuyện đánh bài chòi vào một ngày Tết trước ngôi nhà cũ. Ý thấy ngồ ngộ. Khai triển. Mất mấy đêm liền ráng nhớ lại. Hồi tưởng làm động não. Mình rong chơi về miền quá khứ, cột bắt tình tiết vào từng mốc thời gian. Bộ nhớ làm việc gấp ba!

Lúc mình năm tuổi, tía má dọn nhà. Không xa, chỉ từ trong đường luồn Cây Thị ra đến đầu đường, giáp Võ Tánh. Từ ngôi nhà ngói vách gạch đến nhà tranh vách đất, dấu hiệu của một sự xuống cấp, sa sút kinh tế, thấy rõ. Nhưng đó là cảm nhận của bây giờ, của thời đó lại là một thay đổi vui vui, thích thú. Ngôi nhà này Tía má mướn từ Bác năm Vĩnh Đức, thân phụ hai chị Lương Kiều, Lương Hoàn, hai người đẹp sánh như hai chị Thuý trong truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du. Nhà nằm gọn lỏn chính giữa trên một khu đất cao, tứ phía là ruộng lúa. Ngoài việc má có hàng gạo trước chợ Dinh, còn lại trong gia đình thì không ai biết về ruộng nương. Chỉ mướn nhà để ở thôi. Nhà này có hai gian, hai chái. Trước gắn liền sau bởi một cái máng xối thiếc đã rỉ sét. Bên vách trái căn nhà, trên một nền đất trống, có một giếng nước. Hình như Bác Năm dự tính sẽ xây cất thêm gì đó trong tương lai. Còn có hai bụi ớt hiểm rặc trái đứng khép nép bên hông nhà. Hiểm có lẽ vì dáng trông hiền thục, khép nép, nhưng tánh cay thì...chu cha điếc con ráy! Từ con đường đất Võ Tánh, (danh tướng bình Tây Sơn này có lẽ cũng không khá giả như con đường mang tên ông) vào nhà phải đi trên một con đê dài, rộng vừa cho hai người cặp kè song đôi. Hai bên đê là hai hàng chuối nước, lá xanh bông vàng, lá nâu bông đỏ. Mình đứng cao bằng đọt chuối. Cao chừng đó thì chỉ thấy được mấy cái bông chuối nước, hút được một chút mật ngọt từ nụ bông. Mấy cái chòi cao lòng ngòng người lớn đánh bài chòi ngày Tết đâu đến lượt mình vói tới. Như vậy nên mình sẽ viết những gì còn nằm phía sau tiềm thức của bộ óc đã bắt đầu co cụm. Tuy nhiên cũng cần phải kiểm chứng. Lại gọi chị Diệp, gọi anh Bình. Chuyện bắt đầu như vầy:

Qua vụ gặt tháng mười, trời chuyển mưa giông tầm tã. Mưa suốt ngày đêm. Mưa dai như đỉa. Mưa thúi ruột. Rồi lụt đến. Cả xóm Cây Thị ngập nước. Nước từ chợ chảy vào, từ bờ dốc đắp chảy lên, cầu Trạm chảy xuống. Trong tích tắc, mấy mẫu ruộng quanh nhà tràn nhập nước. Nhà mình biến thành một ốc đảo. Trùn, đỉa lúc ngúc trên sân, dưới nước. Vài tháng sau nước rút, xoá tan dấu tích của tàn phá. Mùi bánh xèo ngày lụt cũng phai theo. Xuân đến. Tía bắt đầu chăm sóc chậu mai tứ quý, lặt lá, bắt sâu, bón phân, thêm đất. Xứ mình nóng, mai lặt lá khoảng rằm tháng Chạp, Tết sẽ đặc bông. Tía đem ra mấy củ thủy tiên ngâm nước, gọt rửa tỉ mỉ như một nhà điêu khắc. Cây bông diệp, má thường sai hái bông cúng Phật vào ngày rằm mùng một, thay lớp áo mới. Lá non xanh thẫm. Đám ruộng trước, bên trái, tiếp giáp nhà ông Thầy Mai, thầy y tá, ba chị H., đã kịp khô ráo cho hội Tết. Một ngày Tết trong trí nhớ của mình có trò chơi dân gian Bài Chòi được chơi ở đây. 

Liên tục cả tháng trước Tết, người ta bắt đầu dọn bãi, dựng chòi, khoảng chục hơn, và một sân khấu lớn. Chòi cao hơn sân khấu, lợp tranh, sàn nẹp tre. Mỗi chòi có một cái thang leo, khoảng năm, bảy bậc. Toàn cảnh in như một chữ u. Giữa là một cây niêu cao chót vót. Cờ ngũ sắc, phướn, bay lấy phất theo gió. Sáng sớm mùng Hai thì bắt đầu. Trống canh trổi lên dục dã. Hình như cũng cùng một loại trống báo khi nước dâng cuốn trôi mất mấy ngôi nhà xóm dưới hôm lụt tháng mười. Chừng một canh giờ sau, khi những tia nắng đầu ngày rọi qua hàng lá dừa thì trong tiếng trống chiên dòn dã, đã thấy tấp nập người. Chắc cũng "dập dìu tài tử giai nhân" đầy đủ nam thanh nữ tú, nhưng vì mình chỉ mới lên năm, sáu nên chẳng biết ất giáp gì! Chỉ nghe nói người từ khắp nơi, gần là dân xóm Rượu, xóm Bánh Tráng, xa thì tận Vĩnh Phú, Cầu Sắt...xa nhất là dân làng Phước Đa, đến đánh bài chòi. Dượng năm từ Quán Tre đi xe ngựa xuống, Bác Sáu từ Bình Thành cũng có mặt.

Núp núp bên sân khấu là hàng ăn uống. Chị năm Cụt dọn ra hàng bắp nướng, bếp than đỏ rực. Chị Hảo, đá chanh. Chị sắp ngay ngắn mấy chai bia con cọp và vài chai xá xị trên bàn. Thỉnh thoảng có người gọi nước uống, Chị cầm cục đá lạnh trong lòng một bàn tay, tay kia dùng muỗng đập kêu lốp cốp. Bác năm Thiện, hàng nem nướng thơm chảy nước miếng. (Ngoài bà Cữu xóm nhà thờ, Bác năm, má anh Thị là người làm nem chua lá chùm ruột ngon nhất phố Ninh thời đó). Cô ba Hoà lẽ ra còn nghỉ ăn Tết, nhưng nồi bánh canh cua nổi tiếng chợ Dinh cũng án ngữ một góc sân bên thúng bánh bèo của dì hai Néo. Xa xa phía trên, gần nhà ông Thầy Ninh, một bến xe ngựa nồng nàn mùi. Hai chú ngựa lỏng giây cương đang uống nước đường, bộ lông đuôi dài từng nhịp đập mạnh đuổi đám ruồi nhặng vo ve.

Trên sân khấu là một gánh hát, cũng đờn, trống, chiên, phèn. Đào kép áo quần như hát Quảng, mặt mày bôi vôi, trét phấn y như...hát bội đang diễn tuần để câu khách.

"Như ta đây....là...Tiết Đinh San...a...a..." Giọng ông kép chính rổn rảng. Tiếng chụp xả xèn xèn...xèn. Mình đứng ngây người trước sân khấu, mắt đứng tròng, miệng mở tàng quạt. Hâm mộ, thiệt hâm mộ. Kèn, trống nổi lên vui không tả siết. Hồi đó làm gì có loa phóng thanh, speakers, hay máy khuếch đại vi âm, microsphone amplifier...điện còn chưa có huống hồ mấy cái ngữ đó! Tội nghiệp mấy người đóng tuồng cứ phải gân cổ rống lên đến tắc tiếng, khàn giọng, trong lúc dưới này bà con không cần biết, cứ mãi mê ồn ào, chúc tụng, chào hỏi. Quanh năm lo miếng cơm chỉ có ngày này gặp nhau.

"Bác Năm, năm mới, phát tài!"
"Cám ơn, chú Sáu cũng dị nha".

Ngay dưới sân khấu, là bàn của chủ bài. Tiền đánh bài chòi chứa trong một cái tráp chung ở đây. Trên cái bàn dài có cả chục cái ống tre, mỗi ống chứa một lá cờ nhỏ màu đỏ. Khi đóng tráp trò chơi bắt đầu. Cách chơi Bài Chòi nội dung cũng na ná như lô tô, chỉ khác ở hình thức, kiểu hát, câu hò. Mấy quân cờ, theo anh chị mình nhớ lại, thì không kêu bằng số mà là "nhứt", rồi "nhị", rồi "ông", "bát tiên", "thằng bí", "lá liễu" v.v. Toàn những chữ nào nôm, nào hán rất khó nhớ ngay cả với người lớn. Nhóm ca diễn phụ trách bài chòi, ăn bận đơn giản hơn: bà ba, đồ bộ, đi chân đất. Người nào cũng có thắt lưng, khăn bịt đầu. Họ cũng múa may, đi quyền cước, hệt như vỏ sĩ thứ thiệt đang ăn thua nhau. Khi một một con cờ được rút ra từ một ống tre đặt giữa sân, nhóm hò bài chòi cất giọng hát. Những điệu lý, câu hò, ca dao dân dã. Thỉnh thoảng cũng xen vào trích đoạn từ tuồng xưa, điển tích cũ, như Lục Vân Tiên, Thoại Khanh Châu Tuấn... nghe êm tai, thấm lỗ nhĩ.

Cuối câu hò là số con bài. Có những câu hò, điệu múa làm mọi người vui nhộn, cười hả hê. Tuỳ ván, có lần chơi ba bốn quân, có khi nhiều hơn. Số tiền trúng tuỳ thế mà nhiều hay ít. Có lúc người đang hò bị ngưng vì có chòi nào đó "tới". Mỗi lần có chòi trúng con cờ vừa kêu, một người cầm con cờ và cái khay đựng lá cờ đỏ cùng bộ bình rượu chạy đến, leo lên chòi trao quan cờ và lá cờ nhỏ cho chủ chòi, kèm theo một li rượu chúc mừng. Nếu bàn chơi ba quân, chòi nào trúng ba lần, thâu ba lá hiệu kỳ nhỏ như vậy thì thắng bàn.  Trước khi đánh bàn kế, ban hò bài chòi nghỉ xả hơi, uống nước mía cán tay cho thấm giọng. Bà con túa xuống chòi cho giãn gân cốt, kẻ ăn, người uống, ồn ào tấp nập như đang nhóm chợ. Nắng đầu năm giờ này chiếu gắt trên đất ruộng, sấy khô đám cỏ bị dậm đạp gục đầu. Thỉnh thoảng chút gió Xuân mát rợi đong đưa.

Chừng nửa canh giờ, kịp nuốt trôi cặp chả ram, xong hớp đá chanh, chuông, trống, phèn la, chụp xả lại được giống lên. To hết cỡ. Lúc này mọi người hướng về sân khấu, xem tiếp màn hát bội, khúc Phàn Lê Huê phi ngựa. Tiếng cô đào hát, the thé "Phàn mỗ đây a...ự ự...ự". Ông đánh phèn la dộng mạnh, phèn, phèn, phèn, phụ vô tiếng kèn e, e hiệp với tiếng đờn bầu, đờn nhị, Lê huê cô nương, kẹp giữa hai đùi cái gì giống cái chổi lông gà má mình quét bụi, nhảy cà đổng cà đổng, lượn vòng trên sân khấu như đang phi ngựa. Bà con cô bác khoái chí quá ngưng ăn, bỏ đũa, nhổ bẹt nước miếng xuống đất, vỗ tay tán thưởng.  "Hay, hay. Như dị chớ!"

Chập sau, bài chòi bắt đầu bán thẻ cho bàn kế tiếp. Cứ thế, bài chòi tiếp tục đánh, hò tiếp tục hò, đào kép tiếp tục diễn, người ăn uống tiếp tục ăn uống.

Nhưng vui nhất vẫn là bọn con nít. Tết nhứt, gặp người quen cứ vòng tay, xổ câu nói thuộc lòng: "năm mới con chúc dượng Năm sống lâu trăm tuổi" là nhận được lì xì. Chúc dượng Năm xong, chúc bác Sáu, chú Mười...đi một vòng thì cũng khá, gom đủ tiền để ra giêng cùng các chị Diệp, K, H, ra phố mướn xe đạp tập. Nẳm đó, điều khiển được chiếc xe đạp là cả một cái gì đó ghê gớm. Mình đã một lần khóc ngất, nước mắt nước mũi tà la, chỉ vì chị Diệp đã làm được điều đó! Chị K giờ không còn, chị H, an ổn ở một nơi nào đó. Chỉ chị mình thì vẫn đang hai tay cố giữ chiếc xe đời đi thẳng!

Thằng Kìa, Cu, Bé và mình, ngày Tết tha hồ mà chạy nhảy, leo lên mấy cái chòi trống hay dớn dác lên sân khấu đứng xớ rớ rình coi họ làm tuồng. Từ trên chòi nhìn qua đám ruộng thấy được nhà mình, thấy rõ cây lài bông trắng, sáng sáng mình bỏ vào bình trà cho Tía uống, đứng gần bụi chuối nước. Mấy đứa còn bẻ mấy cành cây khô, bắt chước kép hát mang gươm, mang dáo. Cung kiếm đã thì kéo đến hàng nước chanh lượm nắp keng, bịch thuốc.

Khi trời chạng vạng, ban tổ chức thắp lên mấy cây đèn dầu trên sân khấu và cây đuốc trước chòi sáng trưng, càng làm cho khung cảnh sân chòi thêm lung linh, hấp dẫn. Cỡ khi đèn lên, bọn con nít cũng bắt đầu tản mác. Cho dù có muốn tiếp tục cơ thể cũng đã thấm mệt, mắt đã cay, còn một ngày mai đang chờ. Thuở đó ở quê mình thật yên bình làm sao!

Năm 1953, tình hình an ninh bắt đầu lộn xộn. Vào một đêm tối trời, một toán du kích Việt Cộng nằm vùng kéo lên từ xóm Bánh Tráng, qua hẻm nhà ông Phàn, bắn bể ngọn đèn đầu đường luồn cây Thị. Cây đèn điện vừa mới chiếu cái ánh sáng văn minh lên xóm không lâu thì ngọn đèn phụp tắt, tắt luôn cái bình yên của xóm mình. Tối tăm đổ ập lên đất nước. Năm 1954, nước Việt bị chia đôi. Bài Chòi bị đẩy lùi vào bóng đêm dành chỗ cho trò chơi mới: "cờ". Quân, xa, pháo...rầm rộ tiến qua sông. Khác với Bài Chòi, Cờ có gian lận.

Có nhiều người cho rằng môn Bài Chòi phát xuất từ Bình Định, người thì nói Phú Yên, kẻ Bình Thuận. Thây kệ, chỉ biết là có một cái Tết dân làng Mỹ Hiệp đã đánh bài chòi! Không đâu xa, chính ngay trước cửa nhà mình!

Nghĩ mình đang làm một chuyện tày trời, kinh thiên động địa: viết bài khảo cứu văn hoá về lịch sử của môn Bài Chòi, anh Đ. gọi, nói Hào lên nét, google tìm tin tức. Mình đã. Nhưng thú thiệt không tài sức, không dám múa. Với lại, ở đây chỉ muốn vẽ lại một hoạt cảnh ăn chơi dân dã trong ký ức non nớt của một đứa con nít của hơn sáu mươi năm về trước mà thôi. Còn ai muốn chuyện tày-trời-kinh-thiên-động-địa thì cứ làm như ảnh khuyên. Chỉ xin nhớ cho rằng đã có một ngày Tết như thế ở làng mình.

Đường Du Hào
Cuối Năm Quý Tị, 2013

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2014